Thứ năm tuần 3 mùa Chay.

Thứ tư - 27/03/2019 07:32

Thứ năm tuần 3 mùa Chay.

“Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta”.

 

 

Lời Chúa: Lc 11, 14-23

Khi ấy, Chúa Giêsu trừ một quỷ câm. Khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được và dân chúng đều bỡ ngỡ. Nhưng có mấy người trong bọn họ nói rằng: “Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ”. Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống. Nhưng Người biết ý của họ, liền phán:

“Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó, chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.

“Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn; nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tan hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán”.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Nhận ra sự hiện diện và tác động của Chúa

Một nhà truyền giáo nọ kể lại sự kiện sau: một hôm tôi đang giảng dạy cho một nhóm người tại Nagasaki. Sau bài giảng một người đứng lên hỏi tôi ba điều: “Tôi có tin Đức Mẹ đồng trinh không? Tôi có vâng lời và hiệp thông với Đức thánh cha không? Tôi có giữ mình trinh khiết và sống độc thân không?”. - Tôi xác nhận cả ba điều trên và hỏi lại: “Tại sao ông lại đặt ra ba câu hỏi vừa rồi?”

Người đó trả lời: “Vì ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ chúng con rằng sau này có ai đến giảng đạo, chúng con phải lấy ba tiêu chuẩn ấy để đánh giá xem đó có phải là vị thừa sai chân chính không. Nay chúng con vui mừng vì cha đích thực là người được Hội thánh sai đến, chúng con sẽ nghe lời cha và giữ vững đức tin tổ tiên chúng con truyền lại”.

Những giáo dân Nhật Bản đã dùng ba tiêu chuẩn để thẩm định đâu là nhà truyền giáo đích thực. Ngược dòng thời gian trở về thời Chúa Giêsu, chúng ta cũng được chứng kiến một biến cố tương tự. Các tiên tri đã báo trước cho Dân Chúa là khi Đấng Cứu Thế đến, Ngài sẽ thực hiện những dấu lạ: cho kẻ câm được nói, kẻ què được đi, người bị quỉ ám được chữa lành. Chúa Giêsu đã thực hiện lời tiên tri đó trước mặt nhiều thành phần trong dân để chứng minh Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng muôn dân mong đợi. Tuy nhiên có những người không nhìn nhận sự hiện diện và tác động của Chúa, họ cố tình giải thích sự lệch lạc để khỏi phải tin và làm cho người khác đừng tin, như được trình thuật trong Tin mừng hôm nay.

Quả thật, đứng trước Chúa Giêsu, con người phải có thái độ hoặc tin nhận hoặc chối từ. Đó cũng là thái độ mà người Kitô hữu chúng ta phải có đối với Chúa Giêsu. Ngài đến với con người qua Giáo Hội, qua những sứ giả được tuyển chọn và sai đi làm chứng cho Ngài nhưng liệu chúng ta có thành tâm và can đảm cộng tác với ơn soi sáng của Thánh Thần để tin nhận Ngài không? Tác giả tập sách Đường Hy Vọng đã chia sẻ kinh nghiệm như sau:

“Chúa hiện diện không phải là lý thuyết. Ngài là Cha ở bên con với tất cả quyền năng và tình thương. Ngài là tất cả của con, là cùng đích trong ý hướng, là lý do các quyết định, là động lực các tình cảm, là gương mẫu các hành động của con. Hãy sống bên Chúa, con sẽ nên thánh. Thiên đàng không gì khác hơn là Thiên Chúa hiện diện”.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Đuổi quỷ

Rồi Đức Giê-su trừ một tên quỉ, và nó là quỉ câm. Khi quỉ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên. Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỉ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỉ.” (Lc. 11, 14-15)

Theo một số ý kiến chú giải thời nay thì những người quỷ ám trong Tin mừng là bệnh nhân của cảm cúm. Sự đuổi quỷ của Đức Giê-su được giải thích khéo léo hóa thành vô nghĩa. Những người bị quỷ ám, hầu hết được họ giải thích là những người mắc bệnh động kinh, bệnh thần kinh hay bị ám ảnh bởi hình ảnh quỷ ma trong họ, người bị quỷ câm trong Tin mừng hôm nay đơn giản chỉ là bệnh câm thôi, không bị quỷ ám nào hết.

Theo ý kiến số đông thời đại đó, một nửa bị quỷ thần ám hại cần phải cải cách và Tin mừng đã đến thanh tẩy những thần thoại chồng chất trong đời sống dân Ít-ra-en.

Cách giải thích đó có thật hữu ích không? Tin mừng có thanh tẩy phong tục tin tưởng vào quỷ thần không?

Thứ nhất, giải thích của một số người quá ngang ngược với cách trừ quỷ rõ ràng của Chúa, biến Chúa thành nạn nhân của hạng trí thức dổm. Thực ra, thời đại của Đức Giê-su đã có nhiều người khá thông minh để nhận định về thế giới quỷ thần.

Thứ đến, họ muốn kéo nhân loại ra khỏi những sức mạnh siêu nhiên để khỏi nỗi lo sợ bị phán xét về tội con người.

Theo ý số đông trên mặt đất này, có đầy những sự xấu xa, nếu chỉ gán tội cho loài người thôi thì thật bất công, phải tin rằng còn có ma quỷ ném đá dấu tay đã gây ra tội lỗi nữa. Sự hỗn độn của nhân loại được chia thành nhiều loại: loại người ăn nhậu nhồi nhét quá lẽ một bên, loại đói ăn túng cực một bên. Đó không phải do Thiên Chúa Cha dựng nên, cũng không phải hoàn toàn do con người tổ chức thiết kế những thứ ô nhục đó. Cần phải nhìn nhận rằng có hàng triệu người thiện chí hoạt động, tổ chức lấy lại quân bình phân chia của cải vũ trụ, tuy có vô ích.

Thật bất công tin rằng tính dã man do lòng dạ con người bình thường sinh ra, khi thấy nhiều người sống trên hành tinh này ném hàng tấn bom lân tinh xuống dân lành mà lương tâm lầm lạc của họ vẫn bình an. Nhận có tội lỗi, chính là tin có một Thiên Chúa có thể giải thoát chúng ta khỏi thế lực quỷ dữ mà con người không thể tự giải thoát được. Đức tin đòi chúng ta liên tục cầu nguyện xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tay quỷ dữ. Không có Thiên Chúa, chúng ta liều mình bị quỷ dữ ám hại đời đời.

J.G

 

SUY NIỆM 3: ĐỪNG “CHỤP MŨ” NHAU NHƯ THẾ! (Lc 11, 14-23)

Có một tu sĩ đảm trách công việc mục vụ bệnh nhân Sida. Tuy nhiên, do sơ xuất, ngài đã bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này qua người bệnh trong khi chăm sóc họ. Nhưng thật trớ trêu, thay vì được mọi người nâng nỡ, khích lệ, thì họ lại bàn tán, gán ghép những chuyện không mấy tốt đẹp cho vị tu sĩ nhiệt tình vì sứ vụ này!

Đây cũng chính là căn bệnh truyền kiếp ở mọi thời, đó là, người ta không thích ai, hay ai đó uy tín hơn mình, thì họ sẵn sàng dùng đến biện pháp nói hành, hay chụp mũ để hạ gục đối phương!

Hôm nay, Đức Giêsu cũng rơi vào tình trạng trên khi bị dân chúng chụp cho Ngài thứ mũ hết sức đê hèn như:

Ngài trừ được quỷ là do liên minh với quỷ khi nhân danh tướng quỷ để trừ quỷ!

Tại sao họ lại vu khống và nói hành Đức Giêsu như vậy?

Thưa chỉ vì một chuyện rất đơn giản, ấy là: Đức Giêsu ngày càng uy tín trước mặt dân chúng vì những việc tốt đẹp và lời dạy khôn ngoan của Ngài, khiến dân chúng tôn vinh Ngài là một tiên tri vĩ đại. Vì thế, những Luật Sĩ và Phairisêu bối rối, hoang mang và sinh lòng ghen tuông, tức tối đối với Ngài.

Họ đã dùng đến trò thâm hiểm nhất để bêu rếu và mục đích nhằm hạ gục Đức Giêsu khi nói là Ngài “nhờ tướng quỷ để mà trừ quỷ”.

Khi gán cho Đức Giêsu như thế, họ muốn nói với dân rằng: Đức Giêsu là người thuộc về thế giới của ma quỷ. Khi Ngài đã thuộc về ma quỷ, thì lẽ đương nhiên không nên tin vào con người này cũng như những lời dạy dỗ của Đức Giêsu.

Đây là một phương pháp triệt hạ đối phương bằng cách đánh vào uy tín.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đặt ngược lại vấn nạn với hai câu hỏi để lật tẩy trò đê hèn của chúng, Ngài hỏi: “Nếu Xatan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?”; và: “Nếu tôi dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ?”!

Khi hỏi như thế, Đức Giêsu một mặt cho thấy lý chứng của những Luật Sĩ và Pharisêu tự mâu thuẫn, khập khiễng, không ăn khớp với nhau, bởi vì cứ theo lập luận của họ, thì phải chăng một nước mạnh lại dùng chính kẻ mạnh để tiêu diệt kẻ yếu cùng đồng minh với mình hay sao? Hay nếu Quỷ Vương cho mượn quyền lực của hắn để tiêu diệt tay chân của hắn thì nước đó đã đến thời mạt vận?

Trong đời sống của chúng ta hôm nay nhiều khi rơi vào tình trạng của những Luật Sĩ và Pharisêu khi sử dụng những chiêu thức bỉ ổi là nói hành, nói xấu để bôi nhọ thanh danh tiếng tốt của anh chị em mình.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đứng về phía sự thật để trả lại cho anh chị em mình những giá trị đích thực, khi họ vì lòng yêu mến Chúa mà thi hành những bổn phận của họ để loan báo tình thương của Thiên Chúa cho mọi người. Đồng thời chúng ta biết cộng tác với nhau để làm cho triều đại của Thiên Chúa mau đến.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con trong Mùa Chay thánh này, luôn biết yêu thương, nâng đỡ nhau để cùng nhau loan truyền và làm chứng cho Chúa bằng đời sống bác ái, yêu thương. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 4: Người mạnh hơn

Suy niệm :

Đức Giêsu vừa mới trục xuất được một quỷ câm.

Khi quỷ xuất ra thì người câm nói ngay được (c. 14).

Cùng với sự ngạc nhiên thích thú của đám đông,

còn có sự vu khống xuyên tạc của một số người khác.

Họ cho rằng chẳng qua Đức Giêsu chỉ là kẻ dựa dẫm Bêendêbun.

Bêendêbun là tên của một vị thần ở vùng Canaan.

Người Do thái vẫn coi các thần dân ngoại là ma quỷ (1Cr 10, 19-20).

Ở đây, Bêendêbun chính là quỷ vương, là Xatan (c. 18).

Như thế Đức Giêsu bị tố cáo là người cùng phe với quỷ,

dùng tay tướng quỷ để trừ các quỷ nhỏ.

Đức Giêsu cho thấy sự sai lầm của lập luận này.

Ngài nhắc đến nước của Xatan, một nước hiện vẫn còn đứng vững (c. 18).

Nước ấy chưa sụp đổ vì không có sự chia rẽ giữa các quỷ với nhau,

nên không thể bảo là Ngài dùng quỷ vương để trừ quỷ nhỏ.

Vả lại, có những người Do thái khác cũng trừ quỷ như Ngài.

Có ai dám bảo là họ thông đồng với quỷ vương không ? (c. 19).

Đức Giêsu vén mở cho thấy ý nghĩa của việc Ngài trừ quỷ.

“Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ,

thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (c. 20).

Nước Thiên Chúa đến qua việc Đức Giêsu giải phóng.

Ngài giải phóng con người khỏi bệnh tật thân xác.

Ngài trả lại cho con người khả năng nghe, nói, nhìn.

Ngài kéo người bất toại đứng lên, đi được, đưa tay ra.

Ngài trả người phong về với cộng đoàn, đưa người chết ra khỏi mộ.

Trên hết, Ngài giải phóng con người khỏi sự chật hẹp của lòng mình.

Ngài mở con người ra trước nỗi đau và cô đơn của anh em.

Ngài nâng con người lên tới tầm cao của trái tim Thiên Chúa.

Như thế là con người được thật sự tự do.

Chỗ nào có tự do thật sự, chỗ đó có Nước Thiên Chúa.

Chỗ nào có Nước Thiên Chúa, chỗ đó nước của Xatan phải lui đi.

Cuộc chiến giữa Nước Thiên Chúa và nước Xatan vẫn tiếp diễn,

nhưng Nước Thiên Chúa đã đến rồi, ngón tay Thiên Chúa ở đây.

Chúa Giêsu vẫn tiếp tục trừ quỷ và mời chúng ta cộng tác.

Làm sao để con người hôm nay không còn bị ám bởi bất cứ thụ tạo nào,

không sụp lạy trước bao ngẫu tượng mới của thời đại?

Quỷ vẫn là kẻ mạnh, được vũ trang đầy đủ, đứng canh nhà của nó (c. 21).

Nhưng Thiên Chúa và Chúa Giêsu lại là người mạnh hơn (c. 22).

Người mạnh hơn tấn công, tước vũ khí và phân chia chiến lợi phẩm.

Trong cuộc chiến này, chúng ta không có quyền mập mờ, hàng hai.

Mùa Chay mời chúng ta đứng hẳn về phía Giêsu,

vì ai không ở với Giêsu là chống lại Ngài,

ai không thu góp với Giêsu là phân tán (c. 23).

Hãy quyết định dứt khoát để cùng với Giêsu chiến đấu cho Nước Cha.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

ai trong chúng con cũng thích tự do,

nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.

Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự:

tự do trước những đòi hỏi của thân xác,

tự do trước đam mê của trái tim,

tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,

để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,

để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho chúng con được tự do như Chúa.

Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,

khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi

và chữa bệnh ngày Sabát.

Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,

khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.

Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,

vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,

để chúng con được tự do bay cao. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM

1. Satan và các thần của nó

Ít có khi nào Đức Giê-su nói về Satan và các thần của nó rõ và nhiều như trong bài Tin Mừng hôm nay. Dường như thời xưa, ma quỉ không có nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp hay mặt nạ hóa thân, nên hay ám người ta cách trực tiếp như các Tin Mừng kể lại. Nhưng ngày nay, lối sống của loài người chúng ta đang cung cấp cho ma quỉ quá nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp và mặt nạ hóa thân: những hệ quả tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, trò chơi, thú vui đủ loại, phương tiện truyền thông, phương tiện đi lại, phim ảnh, tiền bạc, danh vọng…

Vì thế, hơn bao giờ hết, trong hoàn cảnh hiện nay, con người, nhất là người trẻ, dù không bị ma quỉ ám trong thân xác, nhưng còn nghiêm trọng hơn, bị ám trong tâm trí bởi những điều xấu, những năng động xấu thuộc về ma quỉ, đó là lối sống vô trách nhiệm, tự do cá nhân, vô ơn, tìm kiếm khoái lạc chóng qua, tự do luyến ái, bạo lực, gian dối, hưởng thụ, đam mê phương tiện và thú vui, không có khả năng sống giao ước, chiều theo lòng ham muốn, cảm xúc thấp hèn, vô kỉ luật, không có lí tưởng cao quí, mất hướng đi, không thao thức đi tìm ý nghĩa cuộc sống… Cách ma quỉ ám người ta như thế còn nghiêm trọng hơn, là khi dằn vặt thân xác ở bên ngoài, nghĩa là bị quỉ ám trực tiếp như một số trường hợp mà các Tin Mừng kể lại hay như chúng ta thỉnh thoảng vẫn còn nghe nói ngày nay.

Đức Giê-su trừ một tên quỉ, và đó là quỉ câm. Như thế, có một thứ quỉ làm cho chúng ta không nghe được thực sự, và vì thế không nói được thực sự. Bởi vì, câm là do điếc. Chúng ta cũng hay điếc với Chúa, điếc với người khác, nên chúng ta không nói được với nhau, nhất là nói những lời sự sống, nghĩa là lời yêu thương, cảm thông, tha thứ, đón nhận. Trong những trường hợp như thế, có thể nói, chúng ta cũng bị quỉ câm ám!

2. Vương Quốc của Satan

Tuy nhiên, bài Tin Mừng còn kể lại cho chúng ta có một thứ “câm điếc” nghiêm trọng hơn: “câm điếc” đối với những dấu chỉ mà Thiên Chúa ban nơi ngôi vị của Đức Giê-su. Thật vậy, cùng chứng kiến dấu chỉ mà Đức Giêsu vừa thực hiện, một dấu chỉ đầy ý nghĩa, nhưng:

–  Có một số người bảo ông ấy dựa thế quỉ vương mà trừ quỉ.

– Còn những người khác thì muốn thử Ngài, đòi một dấu lạ từ trời.

Trong cuộc Thương Khó, với thân xác mỏng manh của Con Thiên Chúa nhập thể, Đức Giê-su sẽ bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Người của Thiên Chúa Cha, một khuôn mặt đã bị hiểu lệch lạc, bị bóp méo, ngay từ nguồn gốc sự sống (x. St 3, 1-7), nhưng không phải bằng những kì công lớn lao, hay những phép lạ cả thể; bởi vì lịch sử Dân Do Thái và cuộc đời của Đức Giê-su cho thấy rằng, những kì công lớn lao và những phép lạ cả thể không những không mang lại lòng tin, nhưng còn khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, ngoài ra còn bị Sự Dữ xen vào khơi dậy những cách hiểu và hành động lệch lạc. Những gì mà bài Tin Mừng hôm nay kể lại, là một dấu chứng cụ thể .

Vì thế, theo ý Chúa Cha, Ngài được mời gọi bày tỏ Khuôn Mặt Rạng của Người theo một cách khác, “một cách điên rồ”, nhưng là sự điên rồ của tình yêu và khôn ngoan thần linh, qua việc:

– nhận hết vào mình thân phận của loài người chúng ta,

– đảm nhận mọi số phận đầy tai họa của con người,

– gánh lấy mọi tội lỗi của loài người,

– và đối diện với chính Sự Dữ “ồn ào và bạo lực”, biểu dương ở mức độ tuyệt đối, bằng “thinh lặng và hiền lành”.

Trở lại với bài Tin Mừng, đối diện với những “tư tưởng” (c. 17) của những người “câm điếc” đối với lời nói, hành động và ngôi vị của Người, chắc chắn là Đức Giêsu đã rất buồn lòng. Chúng ta cần nghiệm ra tâm tình của Ngài ở bên dưới những lời Ngài nói; và Ngài nói thật nhiều, rất tự phát và mạnh mẽ về ma quỉ, Ngài nói về vương quốc của chúng, về sức mạnh của chúng và về thói quen của chúng.

Trước hết, Đức Giê-su bắt đầu bằng cách dùng những hình ảnh “một nước” và “một nhà”, để cho thấy nhận định của họ không phù hợp qui luật của hiện hữu: ở mức độ cá thể hay tập thể, điều gì đã hiện hữu thì tự bản chất nó muốn hiện hữu dài lâu và nếu có thể hiện hữu mãi mãi; và để hiện hữu, hữu thể không thể tự chia rẽ, vì như thế sẽ dẫn đến hậu quả tự hủy diệt chính mình. Chính vì thế, ma quỉ (tiếng Hi-lạp là diabolos; tiếp đầu ngữ dia có nghĩa là chia rẽ), nghĩa là “Kẻ Tố Cáo”, thường gieo rắc nộc độc chia rẽ bằng hành vi tố cáo, để hủy diệt sự sống của con người, hay đúng hơn, làm cho con người hủy diệt con người . Những người tự biến mình thành tay sai của Satan, hay bị Satan chi phối, ý thức hay không ý thức, cũng hành động như thế.

Sau đó, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây: “Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.” (c. 21-22), Ngang qua dụ ngôn thật nhỏ, nhưng rất “xấu” này (tương tự như dụ ngôn người quản lí bất lương): Đức Giê-su mời gọi người nghe nhận ra một mầu nhiệm thật lớn và thật đẹp, đó là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta (x. Mt 12, 28 và Lc 11, 20). Triều Đại Thiên Chúa đã đến ngang qua lời nói, hành động và chính ngôi vị của Đức Giê-su, vì nếu Satan bị đẩy lùi và bị trừ khử, thì chỉ có thể là Thiên Chúa mà thôi, chỉ có thể là “Thần Khí của Thiên Chúa” (Mt 12, 28), chỉ có thể là “ngón tay của Thiên Chúa (Lc 11, 20). Hơn nữa, theo các Tin Mừng Nhất Lãm, ngôn ngữ dụ ngôn được Đức Giê-su ưu tiên dùng để nói về Nước Thiên Chúa, đến độ “dụ ngôn Tin Mừng” tự nó có nghĩa là Nước Thiên Chúa, và Đức Giê-su chính là một “Dụ Ngôn” nói cho chúng ta một cách hoàn hảo về Thiên Chúa và về Triều Đại của Người.

3. Vương Quốc của Đức Giêsu

Tuy nhiên, xét cho cùng, tình trạng của những người nghe Đức Giêsu chưa quá nghiêm trọng, nghĩa là họ vẫn chưa rơi vào tình trạng tệ hại, là bị một tên quỉ cộng thêm bảy tên quỉ khác dữ hơn làm chủ. Và chúng ta cũng có thể nói như vậy về chính mình, về cộng đoàn hay cộng đồng của chúng ta.

Tuy nhiên những người nghe Đức Giêsu ngày xưa cũng như hôm nay vẫn chưa có một một lựa chọn dứt khoát và triệt để đối với Tin Mừng của Ngài và Triều đại Thiên Chúa, vẫn chưa để cho mình bị cuốn hút bởi Thần khí của Đức Giê-su. Nếu chúng ta đang trong tình trạng “dở dở ương ương” như thế, Đức Giêsu cảnh báo rằng, chúng ta sẽ tất yếu rơi vào tình trạng tệ hại, nghĩa là rơi vào lưới, hay nước của Satan. Và lời của Ngài còn mạnh hơn nữa:

Ai không đi với tôi là chống lại tôi, 
và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.

* * *

Xin cho chúng ta được Chúa Thánh Thần ban ơn hiểu biết và yêu mến Đức Ki-tô, như Người đã ban cho thánh Phao-lô (x. Phil 3, 7-9), để chúng ta không chỉ đi theo, nhưng còn được nên một với Đức Ki-tô và hiệp nhất với nhau trong Đức Ki-tô. Đó là con đường duy nhất để chúng ta được giải thoát khỏi nước của Satan và tất cả những gì thuộc về Satan.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Lòng tin chỉ dựa vào phép lạ, như thế: (1) Thiên Chúa chỉ ở trong những điều lạ thường, còn những điều bình thường, là phần lớn cuộc đời chúng ta, thì sao? Thân phận con người rốt cuộc có là ơn huệ Thiên Chúa không? Có là đường đi dẫn đến Thiên Chúa hay không? (2) Đó là không chấp nhận thân phận con người và không liên đới với thận phận của người khác. (3) Ma quỉ sẽ lợi dụng để khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, như nó đã làm ở ngay khởi đầu trong Sáng Tạo (x. St 3) và trong Lịch Sử Cứu Độ (x. Ds 21, 4-9): có điều lạ thì tin, không có thì trách móc nghi ngờ; ngoài ra, còn có những người đã ngụy tạo ra điều lạ để lừa dối mình và lừa dối nhau.

[2] Chúng ta có thể đọc St 3, 1-7; Ds 21, 4-9; Ga 3, 17-19 và Kh 12, 9-10. Hình ảnh Con Rắn diễn tả Satan trong các bản văn Kinh Thánh này. Và trong thư của thánh Pha-lô gởi tín hữu Roma (Rm 7, 7-13), “Tội” được nói tới như là một nhân vật, và cách hành động của Tội, theo thánh Phao-lô, hoàn toàn phù hợp với cách hành động của Con Rắn.
 

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – song ngữ

 Thursday (March 28): “God’s kingdom has come upon you”

 

Gospel Reading: Luke 11:14-23

14 Now he was casting out a demon that was dumb; when the demon had gone out, the dumb man spoke, and the people marveled. 15 But some of them said, “He casts out demons by Beelzebul, the prince of demons”; 16 while others, to test him, sought from him a sign from heaven. 17 But he, knowing their thoughts, said to them, “Every kingdom divided against itself is laid waste, and a divided household falls. 18 And if Satan also is divided against himself, how will his kingdom stand? For you say that I cast out demons by Beelzebul. 19 And if I cast out demons by Beelzebul, by whom do your sons cast them out? Therefore they shall be your judges. 20 But if it is by the finger of God that I cast out demons, then the kingdom of God has come upon you. 21 When a strong man, fully armed, guards his own palace, his goods are in peace; 22 but when one stronger than he assails him and overcomes him, he takes away his armor in which he trusted, and divides his spoil. 23 He who is not with me is against me, and he who does not gather with me scatters.

Thứ Năm     28-3               Triều đại của Thiên Chúa đã đến gần anh em

 

Lc 11,14-23

14 Bấy giờ Đức Giê-su trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm. Khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên.15 Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.”16 Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời.17 Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia.18 Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? … bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.19 Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông.20Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.21 Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn.22 Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.23“Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.

Meditation: 

 

What is the best protection which brings lasting security to our lives? Scripture tells us that true peace and security come to those who trust in God and obey his word. “Obey my voice and walk in all the way that I command you, that it may be well with you” (Jeremiah 7:23). The struggle between choosing to do good or evil, yielding to my will or God’s will, God’s way or my way, cannot be won by human strength or will-power alone. Our enemy, the devil, conspires with the “world” (whatever is opposed to God and his truth and righteousness) and our “flesh” (whatever inclines us to yield to hurtful desires and wrongdoing), to draw us away from the peace, joy, and security which God provides for those who put their trust in him.

Peter the Apostles tells us, Our adversary, the devil prowls the earth seeking the ruin of souls (1 Peter 5:8-9). The devil is opposed to God and he seeks to draw us away from God’s plan and will for our lives. God offers us grace (his merciful help and strength) and protection (from Satan’s lies and deception) if we are willing to obey his word and resist the devil’s lies and temptations. Because you have made the Lord your refuge, the Most High your habitation, no evil shall befall you, no scourge come near your tent. For he will give his angels charge of you to guard you in all your ways (Psalm 91:9-11). The Lord offers us the peace and security of his kingdom which lasts forever and which no other power can overcome.

God’s kingdom brings healing and freedom from the destructive forces of sin and Satan

Jesus’ numerous exorcisms brought freedom to many who were troubled and oppressed by the work of evil spirits. Jesus himself encountered personal opposition and battled with Satan when he was put to the test in the wilderness just before his public ministry (Luke 4:1-13). He overcame the evil one through his obedience to the will of his Father. Some of the Jewish leaders reacted vehemently to Jesus’ healings and exorcisms and they opposed him with malicious slander. How could he get the power and authority to release individuals from Satan’s power? They assumed that he had to be in league with Satan. They attributed his power to Satan rather than to God.

Jesus answers their charge with two arguments. There were many exorcists among the Jews in Jesus’ time. So Jesus retorted by saying that they also incriminate their own kin who cast out demons. If they condemn Jesus they also condemn themselves. In his second argument he asserts that no kingdom divided against itself can survive for long? We have witnessed enough civil wars in our own time to prove the destructive force at work here for the annihilation of whole peoples and their land. If Satan lends his power against his own forces then he is finished. How can a strong person be defeated except by someone who is stronger? Jesus asserted his power and authority to cast out demons as a clear demonstration of the reign of God.

Jesus’ reference to the finger of God points back to Moses’ confrontation with Pharoah and his magicians who represented Satan and the kingdom of darkness (see Exodus 8:19). Jesus claims to be carrying on the tradition of Moses whose miracles freed the Israelites from bondage by the finger of God. God’s power is clearly at work in the exorcisms which Jesus performed and they give evidence that God’s kingdom has come.

Is Jesus the Master of your life? 

Jesus makes it clear that there are no neutral parties. We are either for Jesus or against him, for the kingdom of God or against it. There are two kingdoms in opposition to one another – the kingdom of God and the kingdom of darkness under the rule of Satan. If we disobey God’s word, we open to door to the power of sin and Satan in our lives. If you want to live in freedom from sin and Satan, then your “house” – your life and possessions (all that you rely upon for livelihood, peace, and security) – must be occupied by Jesus where he is enthroned as Lord and Savior. Is the Lord Jesus the Master of your home, heart, mind, and will?

“O Lord, our God, grant us, we beseech you, patience in troubles, humility in comforts, constancy in temptations, and victory over all our spiritual foes. Grant us sorrow for our sins, thankfulness for your benefits, fear of your judgment, love of your mercies, and mindfulness of your presence; now and for ever.”  (Prayer by John Cosin)

Suy niệm:

 

Sự bảo vệ tốt nhất đem lại sự an toàn mãi mãi cho cuộc đời bạn là gì? Kinh thánh nói với chúng ta rằng bình an và  sự an toàn đích thật đến với những ai trông cậy vào Thiên Chúa và vâng phục lời Người. “Hãy nghe tiếng Ta và bước theo mọi đường lối Ta truyền dạy, để các ngươi được hạnh phúc” (Gr 7,23). Sự giằng co giữa việc chọn lựa làm điều tốt hay điều xấu, việc nhân nhượng giữa ý tôi hay Chúa, đường lối của Chúa hay đường lối của tôi, không thể bị thu phục bởi sức mạnh loài người hay đơn độc bởi sức mạnh của ý chí. Ma quỷ, kẻ thù của chúng ta hiệp sức với thế gian (bất cứ điều gì chống lại Thiên Chúa, chân lý và sự công chính của Người) và xác thịt của chúng ta (những gì lôi kéo chúng ta nhượng bộ trước những ước muốn và việc làm sai trái nguy hại), kéo chúng ta ra khỏi sự bình an, niềm vui, và an bình mà Thiên Chúa ban cho những ai đặt tin cậy nơi Người.

Thánh Phêrô tông đồ nói với chúng ta “Ma quỷ, thù địch của chúng ta, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm cách làm hại các linh hồn” (1Pr 5,8-9). Ma quỷ chống lại Thiên Chúa và tìm cách lôi kéo chúng ta ra khỏi kế hoạch và ý muốn của Thiên Chúa dành cho cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn sủng (sự trợ giúp thương xót và sức mạnh của Người) và sự bảo vệ (khỏi sự lừa dối và mưu chước của Satan) nếu chúng ta vui lòng vâng phục lời Người và chống lại sự lừa dối và cám dỗ của ma quỷ. Bởi vì bạn có Chúa làm nơi trú ẩn, có Đấng Tối Cao làm chỗ nương thân. Bạn sẽ không gặp điều ác hại, và tai ương không bén mảng tới nhà. Bởi chưng Người truyền cho thiên sứ, giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường (Tv 91,9-11). Chúa ban cho chúng ta bình an và yên ổn vương quốc của Người, sẽ tồn tại đời đời và không sức mạnh có thể thắng được.

Vương quốc Thiên Chúa đem lại sự chữa lành và giải thoát khỏi sức mạnh hủy diệt của tội lỗi và Satan

Vô số lần trừ quỷ của Đức Giêsu mang lại sự giải thoát cho nhiều người bị khổ sở và áp lực bởi công việc của các thần dữ. Chính Đức Giêsu đã đương đầu với phe đối lập và chiến đấu với Satan khi Ngài chịu thử thách trong hoang địa, ngay trước khi sứ mệnh công khai của Ngài. Ngài đã chế ngự ác thần qua sự vâng phục thánh ý Cha. Vài người lãnh đạo Do thái phản ứng kịch liệt đối với những lần chữa lành và trừ quỷ của Đức Giêsu và họ chống đối Ngài với sự phỉ báng độc ác. Làm thế nào Đức Giêsu có thể có quyền năng để giải thoát người ta khỏi ảnh hưởng và kiểm soát của Satan? Họ cho rằng Ngài thông đồng với Satan. Họ cho rằng quyền lực của Satan hơn quyền lực của Thiên Chúa.

 

 

Đức Giêsu trả lời sự buộc tội của họ với hai cuộc tranh luận. Vào thời Đức Giêsu có rất nhiều người trừ quỷ ở Palestine. Cho nên Đức Giêsu vặn lại họ bằng cách nói rằng họ cũng đổ tội cho người họ hàng của mình, người đã trừ quỷ. Nếu họ kết tội Đức Giêsu, thì họ cũng kết tội chính họ. Trong cuộc tranh cãi thứ hai, Đức Giêsu quả quyết rằng không có vương quốc nào chia rẽ chính mình lại có thể tồn tại lâu dài được. Chúng ta đã chứng kiến rất rõ về những cuộc nội chiến trong thời đại của mình để chứng minh sức tàn phá ở đây về sự hủy hoại toàn bộ dân tộc và quê hương của mình. Nếu Satan lấy quyền lực của mình để chống lại những lực lượng của chính mình thì hắn đã tàn. Làm thế nào một người khỏe mạnh bị đánh bại nếu không phải bởi một người mạnh hơn sao? Đức Giêsu quả quyết sức mạnh và uy quyền của Ngài xua đuổi ma quỷ là dấu chỉ rõ ràng về triều đại của Thiên Chúa.

Sự ám chỉ của Đức Giêsu về ngón tay Thiên Chúa nhắc lại sự đương đầu của Môisen với vua Pharoah và các nhà phù thủy, những kẻ đã đại diện cho Satan và vương quốc tối tăm (Xh 8,19). Đức Giêsu tuyên bố Ngài đang đi theo truyền thống của Môisen, người có những phép lạ giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ bởi ngón tay của Thiên Chúa. Sức mạnh của Thiên Chúa rõ ràng được bày tỏ trong những lần trừ quỷ, mà Đức Giêsu thực hiện và chúng đưa ra bằng chứng rằng vương quốc của Chúa đã đến.

Đức Giêsu có phải là Chủ cuộc đời bạn không?

Đức Giêsu tuyên bố dứt khoát rằng không có phe trung lập. Một là chúng ta ủng hộ Chúa Giêsu, hai là chống đối Người, ủng hộ vương quốc của Thiên Chúa hay chống đối nó. Có hai vương quốc đối lập nhau – vương quốc của Thiên Chúa và vương quốc của bóng tối dưới sự thống trị của Satan. Nếu chúng ta không vâng phục lời Chúa, chúng ta mở cửa cho quyền lực của tội lỗi và Satan vào cuộc đời mình. Nếu chúng ta muốn sống trong sự giải thoát khỏi tội lỗi và Satan, thì căn nhà của chúng ta (cuộc đời chúng ta và tất cả những gì chúng ta có) phải được Đức Giêsu ngự trị, nơi Ngài được tôn phong làm Chúa và làm Đấng cứu độ. Chúa Giêsu có phải là Chủ nhà cửa, linh hồn, lý trí, và ý chí của bạn không?

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, chúng con cầu xin Chúa ban ơn cho chúng con biết kiên nhẫn trong phiền muộn, khiêm tốn trong sự sung túc, kiên định trong những cám dỗ, và chiến thắng trên tất cả những kẻ thù thiêng liêng. Xin ban ơn cho chúng con biết đau buồn vì những tội lỗi của mình, cảm tạ về những ơn lành của Chúa, sợ hãi sự xét xử của Chúa, yêu thích lòng thương xót của Chúa, và ý thức về sự hiện diện của Chúa; bây giờ và mãi mãi.” (Lời cầu nguyện của John Cosin)

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây