Một bé gái mắc một căn bệnh hiểm nghèo, cô bé cần trải qua một cơn phẩu thuật vì thế cần phải được tiếp nhiều máu. Cậu anh trai của cô bé có nhóm máu phù hợp và khi được bác sĩ đề nghị cậu hiến máu cho em gái của mình, cậu do dự một lát rồi can đảm trả lời: “Cháu đồng ý nếu điều ấy có thể cứu sống được em gái của mình”.
Khi đang truyền máu, hai anh em nằm trên hai gường gần nhau. Khi nhìn thấy đôi má của em gái lấy lại được sắc hồng, cậu mĩm cười sung sướng. Và rồi đồng thời gương mặt của cậu cũng tái đi, nụ cười tắt dần vì cậu đã yếu sức. Cậu nhìn vị bác sĩ, run run hỏi: “Cháu sắp chết rồi phải không bác? Nhưng cháu rất sẵn sàng, cháu chỉ mong bác cứu sống được em gái của cháu”.
Quý vị và các bạn thân mến!
Cậu bé rất ngây thơ khi tưởng rằng mình sẽ phải chết khi cho em gái những giọt máu đang chảy trong cơ thể của mình. Tuy nhiên thái độ sẵn sàng đón nhận cái chết miễn sao em gái của mình được sống đã nói lên tình yêu tuyệt vời của cậu dành cho cô em gái.
Tình yêu là điều duy nhất trên cuộc đời này không có thông số, không thể tính toán chính xác, và cũng không có sự cân đo đong đếm nào đánh giá chính xác được giá trị của tình yêu. Tuy nhiên, người ta vẫn cảm nhận được đỉnh cao nhất của tình yêu chính là việc có thể hy sinh mạng sống của mình cho người mình yêu.
Trong lịch sử nhân loại, cũng có rất nhiều người đã dùng chính mạng sống của mình để hy sinh cho một lý tưởng, một sự nghiệp hay cho tình yêu , nhưng không có cái chết nào có thể sánh ví được với cái chết của Đức Giêsu. Tất cả những cái chết đó chỉ có thể cứu độ cho một cá nhân, một tập thể hay cho cả một dân tộc và có ảnh hưởng trong một thời đại nhất định, và tất cả cũng mô phỏng cái chết của Đức Kitô. Và duy chỉ cái chết của Đức Giêsu Kitô mới chứng tỏ hoàn toàn tình yêu thương hy sinh cứu độ nhân loại đến cùng và cho đến muôn đời.
Đức Cha Bossuet, một nhà văn và một nhà hùng biện thời danh thế giới, đã nói: “Trong vũ trụ không có ai cao trọng hơn Đức Kitô, trong Đức Kitô không có gì cao trọng hơn sự hy sinh, trong mọi sự hy sinh không gì cao trọng hơn giây phút tắt thở trên thánh giá”.
“Ta đoái thương ngươi bằng tình nhân nghĩa muôn đời, nên cho dù núi non có thể đổi dời, gò nổng có thể xê đi, tình nhân nghĩa Ta với ngươi sẽ không đổi dời” (Is. 54, 8.10). Tiên tri Giêrêmia cũng nói đến tình yêu ngàn đời đó: “Ta đã yêu ngươi bằng một tình yêu muôn đời” (Gr. 31, 3).
Chính vì Đức Giêsu Kitô đã yêu thương và hy sinh cho nhân loại đến hơi thở cuối cùng và còn tiếp tục yêu thương đến muôn đời nên cái chết của Ngài được nửa thế giới sùng bái và trải qua 3 thiên niên kỷ, nhân loại vẫn còn chiêm ngắm và ca ngợi cái chết ấy.
Đức Giêsu Kitô, người là đại ân nhân của nhân loại, là đường, là sự thật, là sự sống và là sự sống lại muôn đời vì Ngài đã chấp nhận chết đi cho chúng con được sống lại vinh hiển với Ngài. Ngài đã dùng cái chết trên thập giá để gánh chịu tội lỗi của loài người chúng ta. Nhờ cái chết của Ngài mà bức màn trong đền thờ, vốn tượng trưng cho sự ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người đã bị xé toạt làm đôi, con người nâng lên thành bạn hữu, được tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa. Nhân loại dù tin hay không tin Người, đều thấy Người yêu thương hy sinh cho nhân loại đến hơi thở cuối cùng.
Lạy Chúa Giêsu, khi cử hành các nghi thức kỷ niệm cái chết của Ngài trên Thập Giá, xin cho chúng con ý thức giá trị cuộc sống của mình, vì nó đã được Đấng Tối Cao yêu thương đến hơi thở cuối cùng và còn sẽ mãi yêu thương đến muôn ngàn đời. Xin cho chúng con luôn nhớ rằng sự sống của chúng con được trả giá bằng chính cái chết của Ngài, xin cho chúng con đừng biến sự hy sinh cao cả, cái chết đau thương của Ngài thành vô nghĩa bằng cách luôn biết trân quý đời sống của mình trong đường lối của Chúa, và nhất là sẽ không để nó phí hoài trong tội lỗi.
Bình Minh
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn