03.04.2024 – Thứ Tư Trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh

Thứ ba - 02/04/2024 22:14

03.04.2024 – Thứ Tư Trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh

 

Lời Chúa: Lc 24, 13-35

“Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”. Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông.

Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Các vị đó bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Ðó là lời Chúa.

Suy nim:

Dưới dáng dấp một người khách lạ, Chúa Giêsu phục sinh đến với hai môn đệ Emmau. Ngài đến đúng lúc, đúng lúc họ đang bỏ cuộc, quay quắt và ray rứt vì chuyện đã qua. Ngài đi cùng với họ, đi gần bên họ, khiêm tốn trở thành một người bạn đồng hành. Ngài gợi chuyện, hay đúng hơn, Ngài muốn tham dự vào câu chuyện dở dang của họ. Chúa Giêsu không nản lòng trước câu trả lời lạnh nhạt: “Chắc chỉ có ông mới không biết chuyện vừa xảy ra…” Ngài không cắt đứt cuộc đối thoại: “Chuyện gì vậy?” Ngài giả vờ không biết để họ nói cho vơi nỗi buồn. Chúa Giêsu kiên nhẫn lắng nghe lời họ tâm sự. “Trước đây, chúng tôi hy vọng rằng…” Như thế niềm hy vọng này chỉ còn là chuyện quá khứ. Cả niềm tin cũng trở nên chai lì, họ đâu có tin vào lời của các bà ra thăm mộ.

Khi lắng nghe, Chúa Giêsu nhận ra cái gút của vấn đề, những câu hỏi mà họ không tìm ra lời giải đáp. Tại sao một người của Chúa, người mà họ tin là Ðức Kitô lại bị đóng đinh như một kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ? Chúa Giêsu vén mở ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ. Ðau khổ là nhịp cầu mà Ðức Kitô phải vượt qua để sang bờ bên kia là vinh quang bất diệt. Ðau khổ không phải là chuyện xui xẻo, rủi ro, nhưng nó có chỗ đứng trong chương trình cứu độ. Lời của Chúa Giêsu là Tin Mừng ngọt ngào, khiến nỗi đau của họ dịu đi, lòng họ như ấm lại. Họ cố nài ép Ngài ở lại dùng bữa chiều. Và chính lúc Ngài cầm bánh bẻ ra trao cho họ thì họ nhận ra vị khách lạ chính là Thầy Giêsu. Kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau cũng là của chúng ta. Lúc ta tưởng Ngài vắng mặt, thì Ngài lại đang ở gần bên. Lúc ta nhận ra Ngài ở gần bên, thì Ngài lại biến mất rồi. Nhưng chính lúc Ngài biến mất, ta lại cảm nghiệm sâu hơn sự hiện diện của Ngài. Ngài đến lúc ta không ngờ. Ngài đi mà ta không giữ lại được. Ngài ở lại với ta cả khi ta không thấy Ngài nữa. Ðấng Phục Sinh vẫn đến với ta hôm nay qua một người bạn hay một người lạ ta gặp tình cờ. Qua họ, Ngài thổi vào lòng ta niềm hy vọng tin yêu. Ngài vẫn đến với ta qua từng thánh lễ. Ngài đích thân giảng Tin Mừng và bẻ bánh trao cho ta. Sống như Chúa phục sinh là tập đến với tha nhân, tập đồng hành, tập gợi ý, tập lắng nghe, tập soi sáng… Hôm nay vẫn có nhiều người bạn đang lê gót về Emmau.

Cầu nguyn:

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa. Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào. Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ. Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say. Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn, cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến. Con cần được thêm sức mạnh để khỏi ngừng lại dọc đường. Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời. Con không dám xin những ơn siêu phàm, chỉ xin ơn được Ngài hiện diện. Xin ở lại với con vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn.

 (Cha Piô)  

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

 

SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH

GP. PHÚ CƯỜNG

HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG

“Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân… Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel” (Lc 24,19.21). Trên đường hướng về Emmaus, hai môn đệ đã thốt lên những lời như thế về Chúa Giêsu phục sinh, Đấng đang hiện diện như một vị khách bộ hành, đang cùng đi với họ. Nhưng dường như mắt họ không nhận ra Người, bởi vì họ còn tiếc nuối về một quá khứ vàng son bên Thầy Giêsu đã từng làm bao phép lạ lẫy lừng. Thật vậy, đối với hai môn đệ, giấc mộng về một vương quốc trần gian: đầy oai phong quyền lực, giàu sang sung túc, giờ đã tan thành mây khói. Cho nên, rời bỏ cộng đoàn để về quê, quay về cuộc sống trước đây là chọn lựa an phận và an toàn, không còn gì tốt hơn nữa. Những kinh nghiệm làm môn đệ của Thầy Giêsu, giờ chỉ còn là một ký ức đẹp, vì cuộc sống hiện tại đã xoay chuyển 180 độ.

Chuyện tưởng chỉ có ở hai ngàn năm trước, thế mà hôm nay, như vẫn còn thấp thoáng nơi cách sống đạo an phận của một số Kitô hữu, khi đối diện với chủ nghĩa hưởng thụ và thế tục hóa. Đó là khi họ tóm gọn đời sống đức tin vào việc chu toàn luật căn bản là đi lễ ngày Chúa nhật, đọc một số kinh, thực hành một vài việc bác ái, thế là họ cảm thấy yên tâm về bổn phận đối với Chúa và anh em; còn để nhân danh Đức Giêsu Kitô thành Nadarét hầu sống và loan báo niềm vui Tin mừng thì còn xa vời lắm, vẫn còn hứa hẹn ở ngày mai! Cũng có thể ngày mai ấy sẽ không bao giờ đến!

“Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn. Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ”. Phải chăng, đây chính là chìa khóa mở ra cho những cõi lòng nguội lạnh hay khô khan, nhất là khi đối diện hay phải băng qua những thách đố, khó khăn của phận người hay đêm đen của đức tin? Điều này trước tiên đòi hỏi người môn đệ Chúa Giêsu phải nhận diện “những cảnh hoàng hôn cuộc đời” đang bao phủ bản thân. Đó có thể là chủ nghĩa quy ngã – lấy bản thân làm điểm quy chiếu và tìm kiếm – là mất đi từ những ký ức cảm xúc được yêu thương, được đồng hành từ tha nhân, đến ký ức Kinh thánh nơi những lời hứa cứu độ được loan báo, ứng nghiệm và đang trở nên năng lực biến đổi biết bao cá nhân và cộng đoàn. Đừng quên câu chuyện Đức Giêsu Kitô đang sống, vẫn còn được kể lại mãi, nơi lời của Người được công bố, nơi tình yêu hiến tế của Thánh thể được trao ban, đặc biệt nơi chính lời tuyên xưng đức tin đầy hân hoan và sống động của cộng đoàn: “Chúa đã trỗi dậy thật rồi”.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin thương đến và ở lại trong tâm hồn chúng con, trong cuộc sống của mỗi người chúng con, để lòng chúng con bừng cháy lên và mắt chúng con mở ra trước ân sủng bao la của Người. Nhờ đó, chúng con sẽ mau mắn vui bước lên đường, hân hoan đi làm chứng tá cho niềm vui phục sinh. Bởi vì, nguồn ánh sáng huy hoàng của Người đang chiếu tỏa những tia nắng ấm trong cõi lòng chúng con, và còn chiếu toả trong suốt cuộc đời chúng con. Alleluia.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây