Sau thực tại…

Thứ sáu - 27/01/2023 19:59

Có thực tại rằng kiếp người phải đối diện với bao nhiêu xung đột cả bên trong lẫn bề ngoài, tuy nhiên thống kê và báo cáo chỉ là số nhỏ, tất cả chỉ vì người ta cố tránh né hoặc không thể gọi thẳng cái bản chất thực tế xung đột mà họ đang phải đối mặt. Xung đột trong tương quan với những người thân thiết trong gia đình, tranh chấp trong tương quan tình làng nghĩa xóm, gây hấn tranh đua trong công việc, âm mưu về nhiều khía cạnh đang không ngừng diễn ra ở nhiều quốc gia… Thậm chí, nơi nội tâm mỗi con người cũng đầy những xung đột khi phải phân định giữa những điều cần hoặc không cần, nên hoặc không nên, đúng hoặc sai. Xem ra đã là người thời đều đối mặt với biết bao cuộc chiến dẫu là hữu danh hoặc là vô danh.

 

Tuy nhiên, «con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình»[1] chứ không phải để than vãn vì những đau khổ và sầu buồn triền miên của kiếp người. Chính khi biết mục đích hiện hữu của mình cao quý dường ấy, thì những xung đột trong ngoài được xem là những chặng chứng minh cho sự trưởng thành của đời người, là bước lượng giá về thái độ ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa qua mỗi giai đoạn. Đó là lý tưởng đáng ngưỡng vọng tự tâm khảm mỗi Ki-tô Hữu, nhưng quay lại với thực tế, thì đâu là dấu hiệu đầy hy vọng sau những xung đột?

 

Sau cơn mưa là bầu trời đầy nắng. Cuối đường hầm là ánh sáng. Sau chiến tranh là hòa bình. Sau đau khổ là hạnh phúc. Đó là kinh nghiệm được đúc kết trong sự xác tín, nhất là với người Ki-tô Hữu khi trông chờ ơn cứu độ vĩnh hằng. Nhưng tôi tự hỏi cái nắng trước và sau cơn mưa liệu có khác nhau? Ánh sáng phía đầu trước khi vào hầm và ánh sáng phía cuối đường hầm? Hòa bình trước và sau chiến tranh khác nhau? Hạnh phúc trước và sau đau khổ có phân biệt? Hẳn khi đọc đến những câu hỏi thế này chúng ta đã có câu trả lời cho riêng mình… «Tình người sau cơn mê vẫn xanh. Dù bao tháng năm đau thương dập vùi. Trường quen vắng ta mai ta lại về. Cùng theo lũ em học hành như xưa.»[2]

 

Riêng tôi, tôi tin điều đến sau, dẫu có cùng hình thức, nhưng bản chất vẫn khác với cái trước. Có thể đó là một bầu trời đầy nắng tràn hy vọng hơn. Một ánh sáng nhiều niềm vui hơn. Nền hòa bình với sự trân quý cao tự ý thức cao hơn nơi mỗi người. Niềm hạnh phúc với nhiều kinh nghiệm quý báu được đúc kết hơn. Chính điểm khác biệt này cho tôi biết rằng mình đang lớn hơn và đang vươn về phía trước hơn. Dù tôi biết rằng mình không có quyền né tránh những đám mây đen, những đường hầm tối và những xung đột lớn nhỏ, nhưng tôi hoàn toàn có quyền lựa chọn thái độ đối mặt với những thực tại ấy. Chính tư thế sẵn sàng ung dung cho phép tôi đối diện với thực tại khó khăn cách lạc quan hơn nhiều.

 

Tôi không tìm thấy lý do cho phép mình thất vọng. Còn sống ngày nào tôi vẫn còn được mời bước tiếp. Tựa đóa hướng dương không ngừng vươn tới mặt trời. Tựa nhành huệ không ngừng vươn ngọn lên trên dù có bị người ta vùi đầu xuống. Không những thế, tôi tin mỗi lần vươn lên và mỗi lần vượt khó là mỗi lần tôi đem đến cho mình một chiến thắng nho nhỏ giữa những cuộc chiến. Cứ thế, mọi nỗ lực để vươn lên vượt khó vẫn tiếp diễn dưới mọi hình thức. Để niềm hy vọng lớn lao là điều mà chúng ta đều nhắm tới.

 

Như thế, thất vọng không còn là thất vọng, mà là thất vọng thắp lên hy vọng. Thất bại chưa hẳn là thất bại, nhưng thất bại thắp lên hy vọng thành công sau mỗi lần vượt khó. Sau cuộc chiến luôn là một nền hòa bình trải dài hơn…

Little Stream

[1] Linh Thao số 23

[2] Bài hát “Qua Cơn Mê”

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây