1. Lời Chúa
Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu. (1Tx 5,16)
Thánh Phaolô trong thư gởi cộng đoàn tín hữu ở Thêxalônica, ngài đã khuyên các Kitô hữu: Dù trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, phải luôn bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa. Đó là lời cầu nguyện đẹp lòng Người nhất.
2. Lòng biết ơn là gì?
Lòng biết ơn là hiểu biết, là bày tỏ điều mình nhận biết về giá trị vật chất và tinh thần của những điều tốt, những tấm lòng, những món quà mà người khác đã trao tặng, đã giúp đỡ mình. Đối với Chúa, lòng biết ơn trở thành lời tạ ơn dâng lên Ngài trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Lòng biết ơn trở thành lời cầu nguyện. Cầu nguyện bằng lời tạ ơn. Đó là điều làm đẹp lòng Chúa.
Thể hiện lòng biết ơn giúp ta đánh giá được phần nào tính cách của một con người. Có rất nhiều cách khác nhau để thể hiện lòng biết ơn, nhưng cần phải phù hợp, tinh tế, sâu sắc. Vì nếu không tinh tế sâu sắc, lòng biết ơn dễ trở thành hành động xu nịnh, tâng bốc, lấy lòng.
- Bổn phận biết ơn: Làm ơn có thể không đòi trả nghĩa, nhưng kẻ đã chịu ơn phải có bổn phận thể hiện lòng biết ơn để đền đáp. Cho đi không mong nhận lại, nhưng kẻ đã nhận phải có bổn phận đáp trả bằng sự biết ơn. Cho nên, có thể nói: Kẻ chịu ơn phải có bổn phận biết ơn, và người làm ơn có quyền được đón nhận lòng biết ơn.
Bổn phận biết ơn không đòi phải cân xứng với ơn nghĩa đã chịu, nhưng nếu thực hiện được cách tương xứng thì tốt. Còn nếu không, thì cũng phải tỏ ra bằng lời cám ơn, hoặc bằng cử chỉ chứng tỏ mình hiểu biết ơn nghĩa đã chịu, đã nhận, đã lãnh.
- Giá trị của ơn nghĩa: Giá trị vật chất được tính bằng giá trị của món quà mà người làm ơn ban tặng. Giá trị tinh thần là biểu lộ tình thương, mang ý nghĩa sự cho đi phần nào nơi người tặng: Thời giờ, lựa chọn, suy nghĩ, tình thương… Giá trị thiêng liêng: Quà tặng đó có thể tặng cho người khác, nhưng đã có sự lựa chọn cho chính tôi, với ý hướng mong muốn cho tôi nên tốt, khích lệ tôi thăng tiến trong cuộc sống, động viên tôi vượt qua một trở ngại nào đó…
- Lợi ích của biết ơn: Biết ơn để xứng đáng làm người hơn, người trưởng thành, người có giáo dục. Biết ơn để xứng đáng với ơn đã lãnh nhận. Biết ơn để xứng đáng lãnh nhận thêm các ơn khác. Biết ơn đối với Chúa bằng lời tạ ơn, cho biết người có đức tin vững mạnh, khiêm nhường và có đời sống cầu nguyện sâu sắc.
- Luyện tập lòng biết ơn: Luôn nhớ ta sống trong tình liên đới, đã đang và sẽ mãi tiếp tục liên đới, cho dù muốn hay không muốn. Tôi có mặt ở đây, trong cuộc sống này là do biết bao công ơn đã lãnh nhận, và sẽ còn tiếp tục hưởng nhờ những ơn nghĩa do người khác nâng đỡ, yêu thương, cung cấp… Đừng tưởng mình không chịu ơn ai, không liên hệ với ai. Trái lại, con người của ta, từ vật chất đến tinh thần, đã, đang và sẽ được xây dựng bằng biết bao công ơn của người khác. Đừng tưởng rằng mình không mắc nợ ai. Tiền của vật chất, có thể trả được, nhưng ân nghĩa, tình thương, những giọt mồ hôi, nước mắt, những gì thiêng liêng cao quý, làm sao đếm cho xuể, nói cho hết, kể cho tường, hiểu cho rõ hết được?
Hãy tập nói lời cám ơn mỗi khi được giúp đỡ, và cố gắng bày tỏ lòng biết ơn qua thái độ tôn trọng, yêu mến, thảo hiếu với người đã nuôi dưỡng, dạy dỗ, giúp đỡ ta. Hãy biên thư, gởi thiệp, tặng quà, cám ơn đến những ân nhân, thân nhân xa gần.
Hãy bày tỏ lòng tri ân đối với Thiên Chúa, nhờ đó ta dễ dàng biết ơn người khác, và nhờ sự biết ơn người khác, ta sẽ tăng lòng biết ơn đối với Chúa. Hai tâm tình ấy làm cho cuộc sống hằng ngày của ta thêm phong phú, vui tươi và hạnh phúc hơn.
3. Câu chuyện minh họa:
TẠ ƠN CHÚA TRONG MỌI HOÀN CẢNH
Matthew Henry là một học giả Kinh Thánh lừng danh vào đầu thế kỷ 18. Một ngày kia, ông bị bọn cướp trấn lột và đêm hôm đó, Henry đã ghi vào cuốn nhật ký của ông như sau: Hãy để cho lòng ta cảm tạ ơn Thượng Đế.
Thứ nhất: Bởi vì cho đến bây giờ ta mới bị ăn cướp, trước đây ta chưa bao giờ bị bọn cướp đón đường cả.
Thứ hai: Bởi vì mặc dầu bọn chúng cướp cái ví tiền, nhưng chúng nó không cướp mất mạng sống của ta.
Thứ ba: Bởi vì mặc dầu chúng nó cướp sạch những gì ta có trên người lúc đó, nhưng cũng chẳng đáng giá là bao.
Thứ tư: Ta là người bị cướp, chứ ta không phải là quân đi ăn cướp.
BIẾT ƠN Một giáo sư người Mỹ làm giảng viên tại một viện đại học ở nước Ba Tây (Brazil), đã nhắc lại một kỷ niệm khó quên. Ông thuật lại rằng một ngày kia khi đang trên con đường đến trường đại học, ông cảm thấy có ai đó kéo quần mình, quay đầu lại, ông thấy một cậu bé độ 5 hay 6 tuổi với đôi mắt tròn đen và sáng trong khuôn mặt lem luốc bẩn thỉu. Cậu bé nhìn ông với lời van xin: Thưa ông! Cho con bánh mì. Khác với những lần trước, mỗi khi gặp trẻ ăn xin trên đường phố, mở lời van xin, ông thường phớt lờ, lạnh lùng bước đi, vì có nhiều trẻ ăn xin quá, nhưng không biết vì sao lần nầy ông lại dừng bước, rồi bảo cậu cùng đi với ông ta vào quán cà phê gần đó. Sau khi mua cho cậu một bánh kem và thức ăn khác mà cậu muốn, ông mua cho mình một tách cà phê, rồi bước ra khỏi tiệm, quên hẳn cậu bé. Nhưng khi ông đi được ít bước thì có người đụng vào lưng ông, quay nhìn lại, ông thấy cậu bé khi nãy. Cậu bé vẫn cầm ổ bánh kem và run run nói: Con cám ơn ông! Vị giáo sư nầy cảm động vì lời cám ơn của cậu bé ăn xin đáng thương đó, trong khi đó có những trẻ ăn xin khác đã nhận tiền hay thức ăn ông cho, nhưng chưa có em nào có lòng biết ơn như thế.
CÁM ƠN
Ngày càng thêm nhiều người gia nhập tu viện, và vì thế cần phải xây dựng một ngôi nhà lớn hơn. Một thương gia viết tấm séc một triệu đôla và trao cho Thầy. Thầy cầm và nói: Được. Tôi nhận.
Người thương gia lộ rõ vẻ bất mãn. Một triệu đôla là một món tiền lớn, song Thầy chẳng buồn nói một lời cám ơn! Đó là tấm séc một triệu đôla, thưa Thầy! Vâng, tôi biết. Dù tôi là người giàu có, song một triệu đôla vẫn không phải là một món tiền nhỏ đối với tôi, thưa Thầy! Anh muốn tôi cám ơn anh à? Lẽ ra phải thế. Sao tôi phải cám ơn nhỉ? Chính người cho mới phải biết ơn chứ! Thầy nói.
Anthony de Mello, S.J
Ban Văn hóa Giáo dục – Giáo phận Mỹ Tho
(WGP.Mỹ Tho 16.08.2019)
Nguồn tin: conggiao.info
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn