Cơn hấp hối của lòng tin

Thứ sáu - 04/09/2020 04:09

 

Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta còn nhớ như  in câu chuyện ‘cậu bé chăn cừu’. Trong đó, ngày nào cậu bé cũng cảm thấy buồn chán vì chẳng có ai chơi cùng cậu. Thú vui duy nhất mà cậu có thể làm để giải khuây đó là: “nói chuyện với con chó hoặc thổi chiếc kèn chăn cừu của mình.”

Nhưng làm như thế mãi cũng chán. Đến một hôm, cậu nảy ra một sáng kiến để tìm niềm vui mới. Nghĩ là làm! Cậu vội quoăng chiếc kèn xuống đất, chạy thật nhanh ra bìa rừng và kêu lớn: “Sóiiii! Sóiiii! Cứuuu! Cứuuuu! Cứu vớiiii! Cứu vớiiiii”. Thế là cả làng vội vàng bỏ dở công việc, tay cuốc tay liềm, hối hả chạy vào rừng giải cứu cậu bé đáng thương. Khi đến nơi, mọi người ai nấy đều phờ phạc, ngơ ngác nhìn cậu bé đang ôm bụng cười lăn lộn bên đàn cừu nhởn nhơ gặp cỏ. 

Sóiiii…hờ…hờ…hờ… đâu”? Một cụ già vừa thở hổn hển vừa hỏi.  Cậu bé vẫn khành khạch cười như nắc nẻ. Thì ra chẳng có con sói nào hết. Cậu bé chỉ bịa chuyện để lừa cả làng một phen cho vui mà thôi. Thế rồi dân làng lắc đầu ngán ngẩm, vừa giận lại vừa thương và thầm nghĩ: “chắc nó buồn quá nên trót nghịch dại”. Ai nấy lại thất thểu trở về và tiếp tục công việc của mình. Còn cậu bé thì tỏ ra rất đắc chí vì trò lừa gạt cậu vừa làm. Cứ thế, cậu đánh lừa dân làng thêm một lần nữa và lại một lần nữa. Lần nào dân làng cũng hối hả chạy đi và thất thểu ra về. Quá tam ba bận, từ lòng thương xót chuyển thành thương hại, rồi đến thương thân – thân ai người ấy thương. Lần thứ tư cũng là lần sói đến thật, cậu bé chạy vắt chân lên cổ đến rơi cả mũ trên đầu, xanh mặt, lưỡi cứng đờ, toàn thân run rẩy, dồn hết chút hơi đứt đoạn tri hô: “Soiiiii! Soiiii!….óiiiiii”…Cư…cư…cứuuu cháu vớiiii”! Nhưng sự chai lỳ của dối giá đã làm chai xạ lòng tin và tình người! Không ai dại dột chạy vào rừng để khỏi bị lừa như những lần trước nữa. Thế là bầy sói đã xơi tái đàn cừu!

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, ‘cậu bé chăn cừu’ ngây ngô thuở nào nay đã lớn. Trớ trêu thay, mầm mống dối trá trong tâm hồn cậu cũng lớn dần lên như một loại ký sinh trùng đặc biệt. Nó ăn vào máu huyết và dần thay thế các quan năng của linh hồn cậu. Nếu như ngày xưa cậu chỉ tìm cách lừa gạt dân làng để kiếm chác chút niềm vui khi rảnh rỗi, thì ngày nay cậu đã biết lừa dối để trục lợi vì sự biếng nhác và gian xảo của mình.

Cách đây không lâu, khi vào bệnh viện nọ để thăm người thân, trong lúc ngồi ở băng ghế hàng lang bệnh viện và nói chuyện tâm hồn với những người cùng cảnh ngộ. Bỗng một người phụ nữ béo tròn xuất hiện với nét mặt đỏ gay, nhăn nhó; tay liên tục xoa bụng và miệng thì không ngừng xuýt xoa. Chị ta đang đi thì đứng lại ngay giữa hành lang, rồi rút điện thoại ra và đàm thoại lớn tiếng: “Đau quáaa anh ơiii! Uiii…zaaa…Đứa bé nó chết trong bụng rồi! Bác sĩ chuyển em sang bệnh viện Từ Dũ để lấy thai ra. Uiii…zaaa…Em không có tiền để bắt taxi. Bây giờ em phải ra cổng để bắt xe ôm vậy. Anh tới bệnh viện Từ Dũ luôn nhéee! Uii…zaaa! Uiii…zaaa!”.

Quả thật, chị ta trông rất tội nghiệp, cái bụng to chình ình, dáng đi thì ngất ngưởng, áo quần thì lấm lem, lại thêm vài giọt máu đỏ tươi ở sau quần. Thế là chúng tôi, hầu hết là những con người ít nhiều cũng khốn khổ, như bị điện giật, và lòng thương người bỗng choàng tỉnh như bị ai đó đánh thức, chẳng ai bảo ai: người năm chục, kẻ một trăm, có người cầm cả ba trăm trên đôi tay run rẩy, gom góp hết thảy rồi trao lại cho người phụ nữ ấy. Sau đó mọi người bảo nhau: “mong sao cô ấy đến bệnh viện kịp”! Có người còn chép miệng: “Biết vậy mình cho nó thêm chút nữa, tội nghiệp!”

Người phụ nữ ra đi, để lại cho cả hành lang bệnh viện một bầu không khí thinh lặng đầy u ám. Ít phút sau, một người hớt hải chạy lên và nói: “Có ai vừa cho con mập tiền không? Nó lừa đảo đấy! Không phải nó có bầu đâu, nó mập quá nên bụng phệ ra thôi. Công an vừa bắt nó rồi!” Nghe xong, cả hàng lang đang phẳng lặng như nước ao bỗng ào ào như sóng biển. Những người vừa mới buồn bã, áy náy vì đã cho cô ta hơi ít, thì giờ lại càng buồn hơn vì biết mình bị lừa gạt. Vừa buồn lại vừa bực: “Mẹ nó chứ! Mất cả ngày phụ hồ của bố mày rồi!” Đang ồn ào là thế, nhưng tôi bỗng chẳng nghe thấy gì, không phải vì không có ai nói nữa, nhưng vì tất cả mọi người đều nói quá to và quá nhiều về người phụ nữ ấy.

Vẫn còn đó biết bao cảnh lừa gạt khác, không phải vô tình hay ngẫu hứng, nhưng là được dàn dựng công phu, có tổ chức và mục đích rất rõ ràng hầu cướp đi tài sản của người khác và tiêu diệt lòng tin nơi con người. Cứ thế, từ “cậu bé chăn cừu” nay đã trở thành “ông lão chăn lừa”. Vậy là sau bao lần bị bầm dập, lòng tin đã mang lấy những vết trọng thương hết đường cứu chữa. Giờ đây nó đang thoi thóp chút hơi tàn trong cơn hấp hối. Chẳng ai còn tin những người ăn xin nữa. Vì thế, một triết gia đã phải bi quan thốt lên rằng: “kẻ dữ thì ăn thịt đồng loại, còn kẻ lành thì lường gạt lẫn nhau, và người ta gọi đấy là lộ trình của thế giới”[1].

Thế nhưng, cuộc sống vẫn còn đó bao phận đời nghèo khổ thực sự. Không phải vì họ lười biếng, nhưng một phần vì không nhận được sự sẻ chia từ đồng loại. Chỉ vì họ bị đánh đồng với ‘những ông lão chăn lừa’ kia. May mắn thay, lòng tin mới chỉ là đang trong cơn hấp hối vì thương tích chứ không phải vì ngày giờ đã cùng tận. Vậy nên, vẫn còn đó một tia hy vọng, hy vọng một phép màu sẽ xảy ra, ấy là sự phục hồi của lòng tin giữa người với người. Hãy can đảm nghe theo lời mời gọi của trái tim mình mỗi khi đứng trước một hoàn cảnh khốn khổ. Tất nhiên không phải vì thế mà ta cứ cho đi cách mù quáng, nhưng là một “lòng tin và tình bác ái có phân định”. Vì không bao giờ là quá trễ để bắt đầu lại. Bạn và tôi, chúng ta hãy chung tay hành động! Một ngọn nến thắp sáng nhiều ngọn nến, một chữ tín cứu chữa vạn lòng tin!

 

Hv. Văn Tài, S.J

[1] Cf. Quang Chiến, Chân Dung Các Triết Gia Đức, (Hà Nội: Trung Tâm VH-NN Đông Tây: 2000), 95

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây