LINH ĐẠO CHO GIÁO DÂN
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
Hội Thừa Sai Việt Nam
1. Linh đạo Kitô giáo
Linh đạo Kitô giáo là sự diễn tả kinh nghiệm của một con người về Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần, trong một lối sống, cầu nguyện và làm tông đồ riêng. Nó là con đường theo Đức Giêsu Kitô với những hình thức từ bỏ riêng. Vì thế Linh đạo Kitô giáo chứa đựng nhiều yếu tố: Kinh nghiệm đặc biệt về Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, một lối cầu nguyện và làm tông đồ theo cách thức riêng, luôn vâng phục Chúa Thánh Thần, từ bỏ và khổ hạnh, được trình bày theo tư cách một môn đệ, hợp với tính khí, cá tính và khát vọng thiêng liêng của họ. Tất cả những điều này dẫn đưa đến sự trưởng thành và thánh thiện của Kitô giáo. Đây là điều mà công đồng Vatican II nói về Linh đạo Kitô giáo: “Mỗi người không được do dự đáp lại ân huệ và bổn phận với một đức tin sống động, nó sẽ làm phát sinh niềm hy vọng và việc làm qua bác ái” [Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium (LG), số 41].Vì thế linh đạo của Kitô giáo không gì khác hơn là đời sống của một Kitô hữu đã kinh qua và đã sống trong một lối sống riêng. Theo nghĩa này, người ta có thể nói về nhiều linh đạo khác nhau của Kitô giáo, nhấn mạnh đến những khía cạnh con người của Đức Giêsu Kitô và mầu nhiệm của Thiên Chúa.[1]
Qua Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân [Apostolicam Actuositatem] chúng ta thấy đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một Công đồng chung đã quan tâm đặc biệt tới vấn đề tông đồ của giáo dân, cũng như đã dành nhiều nỗ lực cho sự xác định lại sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Giáo Hội chưa bao giờ ý thức sự hiện diện mật thiết của giáo dân trong Giáo Hội. Bởi, Giáo Hội được thiết lập vì các tín hữu là con cái mình; và ngay từ ban đầu thời Giáo Hội sơ khai, giáo dân không những là đối tượng cho hoạt động của các Tông Đồ, mà còn là những cộng tác viên đắc lực của các ngài. Và như phần mở đầu của sắc lệnh có nhắc đến, những hoạt động Tông đồ Giáo dân xuất hiện tự nhiên từ giai đoạn đầu của Giáo Hội và đem lại những kết quả phong phú. Rồi qua dòng lịch sử, chúng ta thấy có nhiều tu hội và hiệp hội tông đồ phát sinh do cảm hứng của giáo dân hay do họ điều khiển.
Tuy nhiên phải công nhận rằng cho tới Vatican II [1965] địa vị của người giáo dân vẫn chỉ được xem như một ngoại lệ do ân sủng đặc biệt hay riêng tư nào đó; và như vậy sự có mặt của họ chưa bao giờ được nhìn nhận như một phạm trù riêng biệt. Hơn nữa, với ý niệm hầu như hoàn toàn tiêu cực, hình như Giáo luật đã không quan tâm tới việc đề cao và công nhận giá trị của người giáo dân.
Đàng khác, tình trạng của giáo dân luôn lệ thuộc vào hàng giáo phẩm và giáo sĩ. Chúng ta có thể nói rằng quan niệm thế quyền từ nhiều thế kỷ về dây liên lạc giữa chính quyền với công dân được đưa áp dụng vào trong Giáo Hội khi quyết định mối tương quan giữa giáo sĩ và giáo dân. Lại nữa trong số các hình ảnh dùng diễn tả bản tính Giáo Hội, hình như người ta vẫn còn giữ lại hình ảnh có chiều hướng Trung Cổ: mục tử và đoàn chiên. Quyền bính và trách nhiệm hướng dẫn là việc của mục tử; đoàn chiên giáo dân chỉ việc vâng theo những chỉ dẫn của chủ chăn.
Công đồng Vatican II đã nỗ lực xét lại toàn bộ quan niệm tổng quát về sự liên lạc giữa Giáo Hội và các tín hữu. Và Công đồng xác nhận rằng người giáo dân phải được đánh giá như cộng tác viên đích thực trong sứ mệnh duy nhất của Giáo Hội là cứu độ mọi người.
Người giáo dân sống trong thế giới và những thực tại trần thế, nên ơn gọi của họ là thánh hóa những gì là trần tục. Chính ơn gọi này với hoàn cảnh riêng biệt của mỗi người sẽ định hướng cho đời sống giáo dân của họ, bởi thế, đời sống đạo đức cá nhân của người giáo dân sẽ nhận được cảm hứng từ đời sống hoạt động của họ giữa người khác và giữa cuộc đời; như vậy, do những yếu tố của những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống, của đời vợ chồng, gia đình, nghề nghiệp, và xã hội, họ sẽ tạo cho mình một khoa tu đức hữu hiệu cho bậc sống của mình.[2]
Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những Kitô hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo Hội công nhận; nghĩa là những Kitô hữu đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ Phép Rửa Tội đã trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của tất cả các Kitô hữu trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình [LG 31].
Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân. Thực vậy các phần tử trong hàng giáo sĩ dù đôi khi có thể lo những việc trần thế, hoặc hơn nữa, hành nghề giữa đời, nhưng vì ơn kêu gọi đặc biệt, sứ mệnh chính yếu rõ rệt của họ vẫn là tác vụ thánh. Phần tu sĩ, do bậc sống của họ, làm chứng cách hùng hồn và cao quí rằng người ta không thể cải tạo thế giới và cung hiến nó cho Thiên Chúa được, nếu không có tinh thần các mối phúc thật. Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm Nước thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và sắp xếp chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ gia đình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là bằng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho người khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và sắp đặt những thực tại trần thế có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo thánh ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Độ [LG 31] và giáo dân cũng được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian. Như thế, vì những ân huệ đã lãnh nhận, mọi giáo dân vừa là chứng nhân vừa là dụng cụ sống động cho chính sứ mệnh Giáo Hội, “tùy theo độ ân sủng Chúa Kitô ban cho” [Eph 4,7] [LG 33].
Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tỏa tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại. Vì thế, khắp nơi phải mở đường cho họ tích cực tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo Hội, tùy sức họ và tùy nhu cầu của thời đại [LG 33]. Quả vậy, càng ngày dân số càng gia tăng, khoa học và kỹ thuật càng tiến triển, những mối tương quan mật thiết hơn giữa con người không những mở rộng môi trường hoạt động Tông đồ Giáo dân đến vô tận, môi trường mà phần lớn chỉ dành riêng cho họ, mà còn tạo nên nhiều vấn đề mới đòi họ phải quan tâm học hỏi. Việc tông đồ này lại càng trở nên khẩn trương hơn, vì sự biệt lập trên nhiều phương diện của cuộc sống con người như thường thấy, càng gia tăng, đôi khi gây nên một sự tách biệt với trật tự luân lý và tôn giáo, cũng như tạo ra một sự nguy hiểm trầm trọng cho đời sống Kitô giáo. Hơn nữa, trong những miền thiếu linh mục hay khi các ngài không được tự do thi hành chức vụ, thì Giáo Hội không thể hiện diện và hoạt động hữu hiệu nếu không nhờ giáo dân cộng tác. Dấu hiệu cho thấy nhu cầu muôn mặt và khẩn trương ấy chính là hoạt động tỏ tường của Chúa Thánh Thần đang làm cho giáo dân ngày hôm nay mỗi ngày một ý thức hơn phần trách nhiệm riêng của mình và thúc bách giáo dân mọi nơi phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội [Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân, Apostolicam Actuositatem (AA), số 1].
Công đồng khuyến khích các Kitô hữu, công dân của cả hai đô thị [trần thế và Nước trời], hãy nỗ lực và trung thành chu toàn những bổn phận trần thế của họ dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm. Thực sai lầm khi nghĩ rằng chúng ta không có một quê hương trường tồn ở trần thế và phải kiếm tìm một quê hương mai hậu, nên tưởng rằng mình có thể xao lãng các bổn phận trần gian. Nghĩ như thế là không thấy một cách chính xác rằng đức tin buộc người tín hữu phải chu toàn các bổn phận trần gian này mỗi ngày mỗi hoàn hảo hơn và mỗi người tùy theo ơn gọi của mình. Ngược lại, cũng sai lầm không kém khi nghĩ rằng người tín hữu có thể dấn thân trọn vẹn vào các sinh hoạt trần thế như thể các sinh hoạt này chẳng dính dáng gì tới đời sống đức tin, vì cho rằng đời sống đức tin chỉ gói gọn trong những hành vi phụng tự và một số bổn phận luân lý phải chu toàn. Việc tách biệt giữa đức tin và cuộc sống thường ngày như có thể thấy nơi không ít người tín hữu hiện nay là một trong số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta. Và gương mù này, ngay trong Cựu Ước, các Tiên Tri đã mạnh mẽ tố cáo và trong Tân Ước chính Đức Giêsu Kitô còn ngăm đe nhiều hơn nữa bằng những hình phạt nặng nề. Vậy, không được tạo ra những đối nghịch giả tạo giữa sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội với đời sống tôn giáo. Đối với Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với tha nhân và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của họ bị đe dọa.
Những phận vụ và sinh hoạt trần thế thuộc lãnh vực riêng của giáo dân và tốt hơn là chính họ, được đức khôn ngoan Kitô giáo soi dẫn và cẩn thận chú ý các giáo huấn của Giáo Hội, hãy nhận lấy trách nhiệm của mình...Người giáo dân có những phận vụ tích cực phải chu toàn trong toàn thể đời sống Giáo Hội. Không những họ phải đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần thế giới nhưng còn được kêu gọi làm chứng cho Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh, ngay giữa lòng cộng đồng nhân loại [Hiến chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et Spes (GS), số 43].
Giáo dân là người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, trở thành Dân Thiên Chúa, và được tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ [LG 31].
Chúa Giêsu Kitô, vị Thượng tế vĩnh cửu, vì cũng muốn giáo dân tiếp tục công việc chứng tá và phục vụ của mình, nên đã nhờ Thánh Thần ban cho họ sự sống, và không ngừng thôi thúc họ thực hành những điều thiện hảo.
Thực vậy, những kẻ mà Người đã cho tham dự mật thiết vào sự sống và sứ mệnh Người, Người cũng cho họ dự phần vào chức vụ tư tế, để họ thực hành việc phụng tự thiêng liêng hầu tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi loài người. Bởi thế, giáo dân, vì đã được thánh hiến cho Chúa Kitô và được Thánh Thần xức dầu, nên cũng được mời gọi và được Thánh Thần ban ơn cách lạ lùng để sinh hoa kết trái ngày càng phong phú hơn. Thực vậy mọi hoạt động, kinh nguyện và công việc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, đến cả những thử thách của cuộc sống, khi được chu toàn trong Thánh Thần, và được kiên trì đón nhận, tất cả đều sẽ trở nên hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô [1P 2,5], được thành kính dâng lên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành phép Thánh Thể.
Như thế, giáo dân thánh hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ Ngài khắp nơi bằng hành động thánh thiện [LG 34]. Nếu không có nhận thức đúng đắn về chức tư tế phổ quát, người giáo dân khó có thể đào sâu linh đạo đặc thù của mình. Chúng ta nêu tính cách này ra không phải vì nó là độc quyền của linh đạo giáo dân nhưng bởi vì nó thường bị lãng quên hoặc thường không được ta quan tâm. Với tư cách là người tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô qua bí tích Thánh Tẩy, trong đời sống thường ngày của mình, người giáo dân cần phải lưu tâm đến vai trò trung gian đặc biệt của mình, chuyển cầu tế lễ [bàn giấy của ta là bàn thờ], đền tội, ngợi khen, nâng đỡ, giao hòa, bằng cách hiệp nhất với hàng giáo sĩ và với toàn thể Giáo Hội.[3]
Chúa Kitô, vị ngôn sứ cao cả, Đấng đã dùng chứng tá đời sống và sức mạnh của lời nói để công bố vương quốc của Chúa Cha; Người chu toàn sứ vụ tiên tri, cho đến lúc vinh hiển Người được biểu lộ trọn vẹn; Người chu toàn chức vụ đó không những nhờ hàng giáo phẩm, là những người nhân danh và lấy quyền Người mà giảng dạy nhưng cũng nhờ giáo dân; sở dĩ Người đã đặt họ làm chứng nhân, đồng thời ban cho họ cảm thức đức tin và ơn dùng ngôn từ nữa [Cv 2, 17-18; Kh 19,10] là để sức mạnh Phúc Âm sáng ngời trong đời sống thường ngày, trong gia đình và ngoài xã hội. Nếu giáo dân vững lòng tin cậy mà lợi dụng thời gian hiện tại [Eph 5,16; Col 4,5] và kiên trì trông đợi vinh quang một ngày kia sẽ đến [Rm 8,25], họ sẽ tỏ ra là con cái của lời hứa; nhưng niềm hy vọng đó, họ không nên giấu kín, trái lại họ phải biểu lộ qua cuộc sống trần thế, bằng cách hoán cải không ngừng và chiến đấu chống lại “bá chủ của thế gian tăm tối và tà thần” [Eph 6,12].
Như những bí tích của luật mới, là của ăn nuôi dưỡng đời sống và hoạt động tông đồ của tín hữu, tiên báo trời mới đất mới thế nào [Kh 21,1] thì giáo dân cũng mạnh mẽ loan báo lòng tin vào điều mình trông đợi như thế [Dth 11,1], nếu họ không ngần ngại nối kết đời sống đức tin với việc tuyên xưng đức tin làm một. Công cuộc rao giảng Phúc Âm đó, nghĩa là sự loan báo Chúa Kitô bằng đời sống, chứng tá và lời nói, mang một sắc thái và hiệu quả đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh chung của trần thế [LG 35].
Chúa Kitô đã vâng lời cho đến chết, và vì thế Người được Chúa Cha tôn vinh [Ph 2,8-9], và đã vào trong vinh quang nước Người. Mọi vật đều qui phục Người, cho đến khi Người cùng mọi tạo vật suy phục Chúa Cha, để Thiên Chúa nên tất cả trong mọi người [1Cr 15,27-28]. Người cũng thông ban cho các môn đệ quyền bính đó để họ được hưởng sự tự do vương giả, và chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi họ, bằng đời sống từ bỏ và thánh thiện [Rm 6,12], hơn nữa để, khi phụng sự Chúa Kitô nơi tha nhân, họ khiêm nhường và kiên nhẫn dẫn đưa anh em mình đến Đức Vua, Đấng mà phụng sự Người là thống trị. Thực thế, Chúa cũng muốn nhờ cả giáo dân để mở rộng nước Người, nước của chân lý và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hòa bình; trong nước này, chính tạo vật cũng được giải thoát khỏi thân phận làm nô lệ sự hư đốn, để được hưởng tự do rạng ngời của con cái Thiên Chúa [Rm 8,21]. Lời Chúa hứa thật trọng đại và lệnh Người truyền cho các môn đệ thật lớn lao: “Thực vậy, tất cả mọi sự đều thuộc về anh em, còn anh em thuộc về Chúa Kitô và Chúa Kitô thuộc về Thiên Chúa” [1Cr 3,23] [LG 36].
Nguồn mạch và nguyên nhân việc tông đồ của Giáo Hội: thánh hóa đời sống gia đình; thánh hóa những lo âu trần thế hay phàm tục. Mọi sự đều có giá trị riêng của nó và đời sống đạo đức của giáo dân đòi họ không được kinh chê bất cứ cái gì: Vì Chúa Kitô, Đấng được Chúa Cha sai đến, là nguồn mạch nguyên ủy của mọi việc tông đồ trong Giáo Hội, nên hiển nhiên là kết quả phong phú của việc Tông đồ Giáo dân tùy thuộc ở sự kết hiệp sống động của chính họ với Chúa Kitô, Đấng phán rằng: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong kẻ ấy, như vậy mới sinh được nhiều hoa trái vì ngoài Thầy ra các con chẳng làm được gì” [Jn 15,5]. Đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô trong Giáo Hội được nuôi dưỡng bằng sự phù giúp thiêng liêng chung cho mọi tín hữu, nhất là bằng sự tham dự tích cực vào phụng vụ. Người giáo dân phải làm thế nào để nhờ những phương tiện ấy mà chu toàn nhiệm vụ trần thế trong những hoàn cảnh thường xuyên của cuộc sống mà vẫn không tách khỏi đời sống mình sự kết hiệp với Chúa Kitô, nhưng càng kết hiệp mật thiết hơn chính khi thi hành công việc của mình theo ý Thiên Chúa. Bằng phương thức này, người giáo dân phải hăng say và vui vẻ tiến bước trên đường thánh thiện, với sự khôn ngoan và nhẫn nại, họ cố gắng thắng vượt những khó khăn. Những việc trong gia đình cũng như những việc ngoài xã hội không được tách rời khỏi động lực siêu nhiên của cuộc sống, theo lời thánh Tông Đồ: “Hết thảy công việc anh em làm trong lời nói hay việc làm, hãy nhân danh Chúa Giêsu Kitô mà thực hành, nhờ Người để cảm tạ Chúa Cha là Thiên Chúa” [Col 3,17]. Đời sống như thế đòi hỏi việc thực hành liên tục đức tin, đức cậy và đức mến [AA 4].
Chỉ nhờ ánh sáng đức tin và nhờ suy niệm Lời Chúa mỗi người mới có thể nhận ra Chúa trong mọi nơi và mọi lúc, vì trong Ngài “ta sống, ta hoạt động, ta hiện hữu” [Cv 17,28].
Tìm ý Chúa trong mọi biến cố, thấy Chúa Kitô trong mọi người, dù là người thân hay kẻ lạ, phê phán đúng đắn về ý nghĩa đích thực và giá trị của sự vật trần thế, xét nơi chính nó và xét theo tương quan với cứu cánh của con người.
Những người có đức tin này, trong khi tưởng niệm Thánh Giá và sự Phục Sinh của Chúa, họ sống trong niềm hy vọng mặc khải của con cái Thiên Chúa.
Trong cuộc lữ hành này, họ được dấu ẩn trong Thiên Chúa cùng với Chúa Kitô và được giải thoát khỏi nô lệ của cải trần thế, đang khi họ tìm kiếm của cải tồn tại vĩnh viễn, với lòng quảng đại họ sẽ hoàn toàn hiến mình để mở rộng Nước Thiên Chúa và đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập và cải tạo lãnh vực thực tại trần thế. Giữa những cơn thử thách đời này họ tìm thấy sức mạnh trong niềm hy vọng vì họ nghĩ rằng: “Những đau khổ hiện thời chẳng thấm vào đâu so với vinh quang sắp tới sẽ được giãi bày cho chúng ta” [Rm 8,18].
Lòng yêu thương phát xuất từ Thiên Chúa thúc đẩy họ làm việc thiện cho hết mọi người, nhất là cho những người có cùng một niềm tin [Gal 6,10]. Từ bỏ “mọi gian ác, mọi lường gạt, giả trá, lòng ghen ghét và mọi nói hành” [1Pet 2,1] và như vậy họ lôi kéo mọi người đến với Chúa Kitô. Hơn nữa tình yêu của Chúa “giải khắp lòng ta do Chúa Thánh Thần đã ban cho ta” [Rm 5,5] làm cho giáo dân có sức biểu lộ thực sự trong đời sống mình tinh thần các mối phúc thật. Theo Chúa Giêsu khó nghèo, họ không tuyệt vọng khi thiếu thốn, cũng không kiêu căng khi dư dật. Bắt chước Chúa Kitô khiêm hạ, họ không háo danh [Gal 5,26] nhưng chuyên lo làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn làm đẹp lòng người ta. Họ luôn sẵn sàng bỏ mọi sự vì Chúa Kitô [Lc 14,26], và chịu bách hại vì lẽ công chính [Mt 5,10] vì nhớ Lời Chúa: “Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” [Mt 16,24]. Sống với nhau trong tình thân hữu của Chúa Kitô, họ sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần thiết [AA 4].
Đời sống thiêng liêng của mỗi người giáo dân phải mang sắc thái đặc biệt tùy theo bậc sống : Đời sống hôn nhân và đời sống gia đình, đời sống độc thân hay góa bụa, trong tình trạng đau yếu, tùy sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội [AA 4].
Gia đình là môi trường hoạt động và trường học tuyệt diệu cho việc Tông đồ Giáo dân. Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy; nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con cái lòng tin và tình yêu Chúa Kitô. Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô giáo thuyết phục thế gian đảm nhận tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang tìm kiếm chân lý[LG 35].
Bậc vợ chồng và cha mẹ Kitô giáo, khi theo đuổi lối sống riêng của mình, nhờ ơn Chúa, họ phải suốt đời nâng đỡ và trung thành yêu thương nhau; đối với con cái mà trong yêu thương họ đã nhận từ Thiên Chúa, họ phải làm cho chúng hấp thụ những học thuyết Kitô giáo và những nhân đức của Phúc Âm. Nhờ đó họ nêu gương cho mọi người về mặt tình thương bền vững và quảng đại, xây dựng bác ái huynh đệ, làm chứng và cộng tác vào việc sinh sản của Giáo Hội, Mẹ chúng ta, trở nên dấu chỉ và thông phần vào tình yêu Chúa Kitô đối với hiền thê Người : bởi yêu thương Người hiến mạng sống vì Hiền Thê [LG 41].
Dưới hình thức khác, bậc quả phụ và độc thân cũng nêu gương tương tự: họ có thể góp phần không ít vào sự thánh thiện và hoạt động của Giáo Hội [LG 41].
Còn những người thường làm lụng vất vả, công việc của con người phải là phương thế để đào tạo chính mình, trợ giúp đồng loại, thăng tiến toàn thể xã hội và tạo vật; và sau cùng, hân hoan trong niềm hy vọng và kiên nhẫn chịu đựng lẫn nhau, với đức ái sống động, họ phải noi gương Chúa Kitô, Đấng đã làm việc tay chân và không ngừng cùng với Chúa Cha đem ơn cứu độ cho mọi người; và nhờ công ăn việc làm, họ phải tiến xa hơn trên đường thánh thiện, một sự thánh thiện còn có tính cách tông đồ [LG 41]. Họ cũng nên kính trọng nghề nghiệp chuyên môn, ý nghĩa gia đình và ý nghĩa công dân cũng như những đức tính liên quan tới đời sống xã hội, chẳng hạn sự liêm khiết, tinh thần công bình, lòng trung thực, lòng nhân hậu, lòng quả cảm; không có những đức tính đó, không thể có đời sống Kitô hữu đích thực [AA 4].
Ước gì những người chịu đau khổ vì nghèo đói, tật nguyền, đau yếu và những thử thách khác, hay bị bách hại vì sự công chính cũng biết kết hợp cách đặc biệt với Chúa Kitô, Đấng đã chịu đau khổ để cứu chuộc thế giới, vì trong Phúc Âm Chúa đã tuyên bố họ là những người có phúc, và vì “Thiên Chúa của mọi ơn phúc, Đấng đã gọi chúng ta đến sự vinh hiển muôn đời trong Chúa Giêsu Kitô, sau khi chúng ta chịu đau khổ trong một thời gian ngắn, chính Người sẽ làm chúng ta hoàn hảo, vững chắc và mạnh mẽ” [1Pet 5,10] [LG 41].
Vì thế, trong và nhờ những trạng huống, chức nghiệp hay hoàn cảnh của cuộc sống, tất cả mọi Kitô hữu ngày càng được thánh thiện hơn, nếu họ biết tin tưởng lãnh nhận tất cả mọi sự từ tay Cha trên trời và biết cộng tác với thánh ý Thiên Chúa đối với thế giới trong chính việc họ phục vụ trần thế [LG 41]. Vậy mỗi người phải phát triển không ngừng những đức tính và tài năng ban cho mình, thích ứng với hoàn cảnh của mỗi đời sống, và biết lợi dụng những ơn huệ Chúa Thánh Thần ban riêng cho mình [AA 4].
Sau cùng giáo dân làm cho đời mình sống động bằng đức ái và tùy sức biểu lộ đời sống đó bằng chính hoạt động của mình. Mọi người phải nhớ rằng nhờ việc phụng tự công cộng và cầu nguyện, nhờ sám hối và tự ý chấp nhận công việc cũng như khổ cực của cuộc đời làm cho họ nên giống Chúa Kitô đau khổ [2Cr 4,10; Col 1,24] họ mới có thể ảnh hưởng tới mọi người và đem ơn cứu độ cho toàn thế giới [AA 13].
Giáo dân có thể thực hiện việc tông đồ hoặc từng người hoặc liên kết thành cộng đoàn hay hiệp hội [AA 1].
Việc tông đồ mà mỗi người phải thực hiện bắt nguồn từ mạch sống phong phú đích thực Kitô giáo [Jn 4,14]. Đó là căn bản và điều kiện của mọi hoạt động Tông đồ Giáo dân, kể cả việc Tông đồ Giáo dân tập thể và không có thể thay thế việc đó được.
Việc tông đồ cá nhân này rất hiệu quả ở bất cứ nơi nào và thời nào. Hơn nữa, trong một số hoàn cảnh chỉ có hoạt động tông đồ này mới thích hợp và mới có thể thực hiện được. Mọi người giáo dân, dù thuộc thành phần nào, dù không có cơ hội hay khả năng để cộng tác trong các hội đoàn đều được kêu gọi và hơn nữa phải làm việc tông đồ cá nhân.
Có nhiều hình thức tông đồ mà người giáo dân dùng để xây dựng Giáo Hội, thánh hóa và làm sinh động thế gian trong Chúa Kitô. Hình thức đặc biệt của hoạt động tông đồ cá nhân là giúp giáo dân làm chứng bằng cả đời sống phát xuất từ đức tin, đức cậy, đức mến. Đó là dấu chỉ rất thích hợp trong thời đại chúng ta để biểu lộ Chúa Kitô sống động trong các tín hữu của Người [AA 16].
Người giáo dân chu toàn sứ mệnh này của Giáo Hội nơi trần gian: trước tiên bằng đời sống hòa hợp với đức tin, để nhờ đó họ trở thành ánh sáng thế gian; bằng đời sống lương thiện trong bất cứ công ăn việc làm nào để làm cho mọi người yêu mến sự thật, sự thiện và cuối cùng đưa họ tới Chúa Kitô và Giáo Hội; bằng đời sống bác ái huynh đệ qua việc họ thực sự chia sẻ với anh em trong hoàn cảnh sống, trong đau khổ cũng như trong mọi ước vọng, và như thế họ âm thầm chuẩn bị cho ơn cứu rỗi hoạt động trong tâm hồn mọi người; bằng cuộc sống ý thức đầy đủ về vai trò của mình trong việc xây dựng xã hội, họ cố gắng chu toàn hoạt động nơi gia đình , ngoài xã hội, trong nghề nghiệp với lòng quảng đại của Kitô giáo; như thế phương thức hành động của họ dần dần thấm nhập vào môi trường sống và cả môi trường làm việc [AA 13]
Việc tông đồ này phải nhắm tới hết mọi người trong môi trường hoạt động và không được loại bỏ bất cứ lợi ích thiêng liêng hay vật chất nào có thể làm cho họ. Nhưng người tông đồ đích thực không chỉ hài lòng với hoạt động này, mà họ còn phải quan tâm đến việc rao giảng Chúa Kitô cho anh em bằng cả lời nói nữa. Bởi vì nhiều người chỉ có thể nghe Phúc Âm và nhận biết Chúa Kitô nhờ những người giáo dân sống gần họ [AA 13]. Hơn nữa, trong một số hoàn cảnh lại rất cần thiết người giáo dân rao giảng Chúa Kitô, cắt nghĩa và phổ biến giáo lý của Người theo hoàn cảnh và tài năng của mỗi người, đồng thời họ cũng trung thành tuyên xưng giáo lý của Người nữa [AA 16]. Vì thế, giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quí là truyền bá Phúc Âm cho thế giới, cả lúc họ bận tâm lo lắng những việc trần thế. Dù khi thiếu thừa tác viên có chức thánh hoặc khi các ngài bị ngăn trở vì bách hại, có những giáo dân thay thế các ngài thi hành một số phận vụ thánh tùy khả năng của họ; dù có một số giáo dân đã dốc toàn lực vào việc tông đồ, tất cả vẫn phải cộng tác vào việc mở mang và phát triển Nước Chúa Kitô trên trần gian. Vì vậy giáo dân phải chú tâm tìm hiểu sâu xa hơn chân lý mặc khải và tha thiết nài xin Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan cho mình [LG 35].
Các tín hữu phải nhận biết bản tính sâu xa của tạo vật, giá trị của chúng, và cùng đích của chúng ta là ca tụng Thiên Chúa; đồng thời phải giúp nhau sống đời thánh thiện, nhờ những việc trần thế, để thế gian thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô và đạt đến cùng đích một cách hữu hiệu hơn trong công lý, bác ái và hòa bình. Giáo dân giữ lấy vai trò chính yếu trong việc chu toàn nhiệm vụ phổ quát đó. Nhờ khả năng chuyên môn trong những việc trần thế, nhờ các hoạt động của họ, những hoạt động được ân sủng Chúa Kitô nâng lên bậc siêu nhiên, giáo dân hãy đem toàn lực hợp tác để lao công con người, kỹ thuật và văn hóa nhân loại khai thác những của cải được tạo dựng hầu mưu ích cho mọi người và phân chia cân xứng hơn giữa họ theo ý định của Đấng Tạo Hóa và sự soi sáng của Ngôi Lời Ngài; và tùy cách thức riêng của chúng, chúng giúp phát triển toàn diện sự tự do của con người và tự do của Kitô hữu. Như thế, nhờ các phần tử của Giáo Hội, Chúa Kitô sẽ đem ánh sáng cứu độ của Người chiếu soi toàn thể nhân loại mỗi ngày một hơn [LG 36].
Khi các thể chế và cảnh sống của thế giới gây nên dịp tội, giáo dân phải góp sức làm cho các thể chế và cảnh sống đó trở nên lành mạnh, để chúng phù hợp với các tiêu chuẩn của đức công bình, và giúp phát huy việc luyện tập các nhân đức hơn là ngăn cản chúng. Hành động như thế, giáo dân sẽ làm cho những giá trị luân lý thấm nhập vào văn hóa và các công trình của loài người. Và nhờ vậy, cánh đồng thế giới mới được chuẩn bị kỹ càng hơn để đón nhận hạt giống Lời Chúa, và nhiều cửa được mở rộng thêm hơn cho Giáo Hội để sứ điệp hòa bình thấm nhập vào thế gian [LG 36]
Chính công cuộc cứu độ đòi hỏi tín hữu phải lưu tâm phân biệt đâu là quyền lợi và nghĩa vụ của họ với tư cách một phần tử của Giáo Hội, đâu là quyền lợi và nghĩa vụ với tư cách một phần tử trong xã hội loài người. Họ phải cố gắng hòa hợp cả hai loại nghĩa vụ và bổn phận đó với nhau, và hãy nhớ rằng trong mọi lãnh vực trần thế, lương tâm Kitô giáo phải luôn hướng dẫn họ, vì không một hoạt động nào của con người, dù thuộc phạm vi trần thế, có thể vượt khỏi quyền thống trị của Thiên Chúa. Vì thế, trong thời đại chúng ta, hơn bao giờ hết, người tín hữu cũng phải làm sáng tỏ sự phân biệt và hòa hợp các nghĩa vụ và bổn phận này trong phương thức hành động của họ, để sứ mệnh của Giáo Hội có thể đáp ứng những hoàn cảnh đặc biệt của thế giới hôm nay cách trọn vẹn hơn. Thực vậy, nếu phải công nhận rằng xã hội trần gian, vì lo lắng việc trần thế cách hợp pháp nên có quyền điều hành theo những qui tắc riêng biệt, thì cũng phải loại bỏ cách chính đáng tà thuyết chủ trương xây dựng xã hội bất cần đạo lý... [LG 36]
Hơn nữa, là những người công dân trong thế giới này, người công giáo khi cộng tác vào những việc liên quan tới việc xây dựng và quản trị trật tự trần thế, họ phải thấu triệt dưới ánh sáng đức tin những lý do cao cả để hành động trong đời sống gia đình, nghề nghiệp, văn hóa và xã hội, và tùy dịp bày tỏ cho người khác nữa [AA 16], bằng cách cố gắng đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần não trạng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ sống: đó là bổn phận và trách nhiệm của người giáo dân có thể làm tông đồ cho người đồng cảnh ngộ với mình. Ở đó họ lấy lời nói bổ túc cho bằng chứng của đời sống. Cũng ở đó, họ dễ dàng giúp đỡ anh em trong môi trường làm việc hay nghề nghiệp, môi trường học vấn, cư ngụ, giải trí cũng như trong sinh hoạt địa phương [AA 13].
Việc tông đồ cá nhân này rất cần thiết và cấp bách trong những miền mà tự do của Giáo Hội bị cản trở trầm trọng. Trong những hoàn cảnh khó khăn đó, giáo dân tùy khả năng thay thế linh mục, họ liều mất tự do của mình và đôi khi ngay cả mạng sống để dạy giáo lý công giáo cho những người chung quanh, huấn luyện cho những người ấy biết sống đạo và khuyến khích họ năng lãnh nhận các bí tích và đặc biệt tôn sùng phép Thánh Thể. Thánh Công Đồng hết lòng tạ ơn Thiên Chúa đã không ngừng cho xuất hiện ngay cả trong thời đại chúng ta những người giáo dân can đảm phi thường giữa những cơn bách hại. Thánh Công đồng lấy tình người cha yêu thương và tri ân họ [AA 17].
Việc tông đồ cá nhân có môi trường hoạt động đặc biệt trong những miền người công giáo ít ỏi và tản mác. Ở những nơi đó, giáo dân chỉ hoạt động tông đồ từng người hoặc vì những lý do nói trên hoặc vì những lý do đặc biệt do sinh hoạt nghề nghiệp. Nên để dễ dàng gặp gỡ nhau, họ hợp lại thành từng tổ nhỏ không cần đến hình thức tổ chức hay hệ thống chặt chẽ, miễn sao người khác thấy được dấu hiệu của cộng đoàn Giáo Hội như bằng chứng đích thực của tình thương. Như thế, trong khi giúp nhau trên bình diện thiêng liêng nhờ tình bằng hữu và kinh nghiệm, họ được mạnh sức để thắng lướt những khó khăn của cuộc sống và sự hoạt động quá lẻ loi cũng như để việc tông đồ đạt được kết quả phong phú hơn [AA 17].
Trước mặt nhân loại, mỗi giáo dân phải là chứng nhân của sự phục sinh và sống lại của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống. Tất cả và mỗi người góp phần nuôi dưỡng thế giới bằng những hoa trái thiêng liêng [Gal 5,22] và truyền bá cho thế gian tinh thần của những người nghèo khó, hiền lành và hiếu hòa, những người mà Phúc Âm Chúa đã tuyên bố là những người có phúc [Mt 5, 3-9]. Tóm lại “người Kitô hữu hãy làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống” [LG 38].
Trong cộng đồng Do Thái, Đức Giêsu chỉ là một giáo dân thuần túy. Người không thuộc về giai cấp tư tế về bất cứ phương diện nào, và giai cấp tư tế lúc bấy giờ nằm trong tay một số gia tộc với những chức vụ đặc biệt trong Đền thờ. Đức Giêsu cũng không tham gia bất cứ một nhóm tôn giáo đặc biệt nào đương thời, như các tu sĩ Qumran là những người rút lui khỏi đời sống thế tục để sống nhiệm nhặt trong cộng đoàn. Đức Giêsu đã lớn lên như chàng trai nhà quê mộc mạc trong một xóm hẻo lánh miền quê Galilê. Sau đó, Người là một thầy giảng lang thang, công bố sứ điệp của mình mà không được phê chuẩn hay nâng đỡ nào có tính cách cơ chế, mà chỉ dựa vào sức mạnh của chính sứ mạng ngôn sứ của mình. Nguồn nâng đỡ duy nhất của Người là Chúa Cha trên trời.
Là một giáo dân, Đức Giêsu sống gần gũi dân chúng. Người dự các lễ hội của họ, gắn bó với người nghèo, nhưng cũng hoạt động giữa các tầng lớp thượng lưu và chế nhạo cách xử sự giữa họ với nhau khi dự tiệc tùng [Lc 14, 7-14]. Người xót xa với những thống khổ của đồng bào, sự áp bức của người La Mã, hệ thống thuế má khắc nghiệt, sự bất lực của con người trước những hoạn nạn của gia đình như khi một bà góa cô độc nọ phải mất đứa con trai duy nhất của mình hoặc một người cha khốn khổ kia đành nhìn đứa con trai thứ của mình bỏ nhà lao vào chốn thị thành lừa đảo, Người cũng cảm nhận sâu sắc tình cảnh bị bỏ bơ vơ của đám đông dân chúng.
Đành rằng vẫn có đó những khuôn vàng thước ngọc và vẫn còn đó những cơ cấu tôn giáo được thiết lập trong Đền thờ và Hội đường. Người vẫn cảm thấy dân chúng như những con chiên không người chăn [Mt 9, 36]. Đức Giêsu nói bằng tiếng nói của dân tộc. Người không dám diễn thuyết bằng những diễn từ trau chuốt, nhưng kể những câu chuyện mà hầu như ai cũng hiểu được. Đức Giêsu đã chết như một người giáo dân, đây là điều chắc chắn, bởi vì Người là một giáo dân. Giáo huấn của Người không được phê chuẩn bởi giới chức có thẩm quyền, không có sự công nhận chính thức của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Làm thế nào một “giáo dân trơn” lại có thể nhận rằng mình hiểu biết và giải thích lề luật? Làm thế nào một người như thế lại dám cầm roi đánh đuổi con buôn ra khỏi Đền thờ mà không hề có ủy nhiệm của ban bảo vệ Đền thờ, những người có trách nhiệm gìn giữ trật tự ở nơi thánh? Thế mà Đức Giêsu vẫn có cái quyền đó, một uy quyền không ai cưỡng lại được, một uy quyền hoàn toàn phát xuất từ bên trong Người và do đó những nhà đương cục phải “ngán” Người. Người là mối đe dọa cho chỗ đứng đã ổn định của họ. Thiên Chúa đã chẳng ban quyền cho họ sao? Họ cho rằng bổn phận của giáo dân là phải im lặng. Với cả giới lãnh đạo Do Thái bấy giờ chống lại mình, không được một ủng hộ chính thức nào, Đức Giêsu phải lâm vào ngõ cụt. Người đã bị tố cáo và bị kết án tử hình.[4]
Đức Maria là mẫu gương của một người phụ nữ độc thân, một người vợ, một người mẹ và một người góa bụa, nhất là một gương mẫu hoàn hảo về đời sống thiêng liêng và đời sống tông đồ: Khi sống ở trần gian, Mẹ đã sống cuộc đời như mọi người, vất vả lo lắng cho gia đình, nhưng luôn luôn kết hợp mật thiết với Con mình và đã cộng tác vào công việc của Đấng Cứu Thế một cách đặc biệt; còn bây giờ, sau khi đã được đưa lên trời, “với tình yêu thương của người mẹ, Người săn sóc những đứa em của Con Mẹ, đang trên đường lữ thứ trần gian, gặp nhiều nguy hiểm và thử thách, Người lo lắng cho tới khi họ về tới quê hương hạnh phúc”. Mọi người hãy hết lòng tôn sùng Mẹ và phó thác đời sống và cả việc tông đồ của mình cho Mẹ coi sóc [AA 4].
Thánh Giuse, một người yêu có trách nhiệm, một người chồng chung thủy, một người lao động đầy tinh thần xả kỷ và hy sinh, một người cha và một người công dân chu toàn lề luật. Thánh Giuse không phải là một người tuẫn đạo, cũng không phải là một tư tế, một ngôn sứ, một nhà tư tưởng lớn, cũng không phải là một tông đồ cột trụ. Tuy nhiên, chắc chắn là ngài đã sống một đời sống kết hiệp thâm sâu với Thiên Chúa. Sự vĩ đại của ngài nằm ở chỗ ngài trung thành với nghề nghiệp, gia đình, chính quyền, tôn giáo và với Thiên Chúa. Như vậy linh đạo của thánh Giuse đang trở thành mô hình cho linh đạo của người Kitô hữu giáo dân hôm nay.[5]
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 80 (Tháng 1 & 2 năm 2014)
Neno Contran, Missionary Spirituality, Following Christ in Mission, trg.132.
A. Palacios S.J, lời giới thiệu dẫn vào sắc lệnh Tông đồ Giáo dân tr. 472-474.
Jess S.Bren, Lay spirituality today, trg.19.
Jess S.Bren, Sđd, trg.37.
Jess S.Bren, Sđd, trg.37.