NĂM THÁNH GIUSE
KINH LẠY CHA (6)
(Trích GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO-1992-là cuốn giáo lý đầy đủ và quan trọng nhất của Toà Thánh, giúp suy niệm ít nhất 30 phút Kinh Lạy Cha để hưởng ơn Toàn Xá hằng ngày trong Năm Thánh Giuse theo số 1, Tòa Ân Giải Tối Cao, 08/12/2020).
NƯỚC CHA TRỊ ĐẾN
2816
Trong Tân Ước, cùng một từ Hy-lạp BASILEIA có thể dịch nhiều cách: vương quyền (danh từ trừu tượng), vương quốc (danh từ cụ thể), vương triều (danh từ chỉ việc cai trị). Nước Thiên Chúa đang ở trước chúng ta, đã đến gần trong Ngôi Lời Nhập Thể, được loan báo trong Tin Mừng, đã đến trong cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Ki-tô. Từ bữa Tiệc Ly và trong bí tích Thánh Thể, Nước Thiên Chúa đã đến và đang ở giữa chúng ta. Vào ngày quang lâm, Nước Thiên Chúa đến trong vinh quang và Đức Ki-tô trao lại cho Chúa Cha: "Có thể nói, Nước Thiên Chúa là chính Đức Ki-tô, Người là Đấng chúng ta kêu cầu mọi ngày và đang nóng lòng mong đợi Người quang lâm. Người là sự phục sinh của chúng ta, vì chúng ta được phục sinh trong Người. Cũng thế, Người là Nước Thiên Chúa, vì chúng ta được hiển trị trong Người" (T. Xýp-ri-a-nô 13).
2817
Lời nguyện này là lời "MA-RA-NA-THA", là tiếng kêu cầu của Thần Khí và Hội Thánh "Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến":
"Dù lời cầu nguyện này không đòi chúng ta cầu cho Nước Chúa trị đến, nhưng chúng ta vẫn kêu lên như thế, để sớm đạt được những gì chúng ta kỳ vọng. Sách Khải Huyền cho biết từ dưới bàn thờ, linh hồn các vị tử đạo lớn tiếng kêu cầu Chúa : "Lạy Chúa, cho đến bao giờ Ngài còn trì hoãn, không xét xử và không bắt những người sống trên mặt đất phải đền nợ máu chúng con?"(Kn 6,10). Chắc chắn các ngài sẽ được xét xử công bằng vào ngày tận thế. Lạy Cha, nguyện Nước Cha trị đến (Tertulien 5)!
2818
Khi đọc "Nước Cha trị đến", chúng ta mong đợi ngày Nước Chúa hoàn tất khi Chúa Ki-tô quang lâm. Ước mong này không làm cho Hội Thánh xao lãng sứ mạng nơi trần thế, trái lại càng thúc giục chúng ta dấn thân hơn nữa. Vì từ ngày Hiện Xuống, việc làm cho Nước Chúa trị đến là công trình của Chúa Thánh Thần, "Đấng kiện toàn sự nghiệp của Chúa Ki-tô trên trần gian và hoàn tất công trình thánh hóa muôn loài" (SLRM, kinh tạ ơn 4).
2819
"Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần" (Rm 14,17). Thời đại cuối cùng mà chúng ta đang sống là thời Thánh Thần được ban tràn đầy cho muôn người. Kể từ đó, cuộc chiến đấu quyết định giữa "xác thịt" và Thần Khí đã khởi đầu :
2519
Chỉ người có tâm hồn trong sạch mới có thể tin tưởng xướng lên : nguyện Nước Cha trị đến. Ai nghe lời thánh Phao-lô dạy : "Đừng để tội lỗi thống trị thân xác phải chết của chúng ta nữa" (Rm 6,12) và biết giữ tư tưởng, lời nói và hành vi của mình trong sạch, người đó mới có thể nói với Thiên Chúa : "nguyện Nước Cha trị đến" (T. Xy-ri-lô thành Giê-ru-sa-lem 5,13).
2820
Được Thánh Thần hướng dẫn, các tín hữu phải biết phân biệt giữa sự thăng tiến của Nước Thiên Chúa và sự tiến bộ văn hóa và xã hội trong môi trường họ sinh sống. Phân biệt chứ không phải tách biệt, vì ơn gọi sống đời đời không miễn trừ nhưng đòi buộc con người phải sử dụng những năng lực và phương tiện được Đấng Tạo Hóa ban tặng, để phục vụ công lý và hòa bình trên trần gian.
2821
Lời nguyện xin này được ghép vào và được Thiên Chúa nhận lời trong lời nguyện của Đức Giê-su đang hiện diện và hữu hiệu trong bí tích Thánh Thể. Lời nguyện xin này sinh hoa kết quả trong đời sống mới theo các mối phúc.
Ý CHA THỂ HIỆN DƯỚI ĐẤT CŨNG NHƯ TRÊN TRỜI
2822
Cha chúng ta muốn "mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý"(1Tm 2,3-4). "Người kiên nhẫn đối với chúng ta, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong"(2 Pr 3,9). "Chúng ta hãy yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta" (Ga 13,34). Đó là điều răn tóm lược mọi điều răn khác và cho chúng ta biết rõ ý Chúa.
2823
"Người cho ta được biết Thiên ý nhiệm mầu : Thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước... là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng ta đây làm cơ nghiệp riêng"(Ep1,9-11). Chúng ta khẩn xin Người cho kế hoạch yêu thương này được thực hiện trọn vẹn dười đất, như đã thực hiện trên trời.
2824
Ý Cha được thực hiện trọn vẹn và một lần dứt khoát trong Đức Ki-tô và qua ý muốn nhân loại của Người". Khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói : Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài" (Dt 10,7). Chỉ mình Đức Giê-su mới có thể nói : "Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người" (Ga 8,29). Trong giờ hấp hối, Người cũng hoàn toàn vâng phục ý Cha: "Xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Lc 22,42). Vì thế, "Đức Ki-tô đã tự hiến vì tội lỗi chúng ta, theo ý muốn của Thiên Chúa"(Gl 1,4). "Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế" (Dt 10,10).
2825
Đức Giê-su, dù là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục" (Dt 5,8); phương chi chúng ta là những thụ tạo và là tội nhân, đã được nhận làm nghĩa tử của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô. Chúng ta cầu xin Chúa Cha cho ý muốn của ta nên một với ý muốn của Chúa Con để chúng ta chu toàn ý Cha và thực hiện ý định cứu độ của Cha là cho thế gian được sống. Trong công việc này, chúng ta hoàn toàn bất lực, nhưng nhờ kết hiệp với Đức Giê-su và nhờ quyền năng của Thánh Thần, chúng ta có thể dâng cho Cha ý muốn của ta và quyết định chọn điều Chúa Con luôn chọn : làm điều đẹp lòng Cha (Ga 8,29).
"Khi gắn bó với Chúa Ki-tô, chúng ta có thể một lòng một ý với Người, và nhờ đó thực thi ý muốn của Người; như thế, ý Chúa sẽ được chu toàn dưới đất cũng như trên trời"(Ô-ri-ghê-nê 26 ).
Hãy xem cách Đức Giê-su Ki-tô dạy chúng ta sống khiêm tốn, khi cho ta thấy rằng đức độ của ta không tùy thuộc công sức của mình nhưng nhờ ân sủng Thiên Chúa. Ở đây Người ra lệnh cho mỗi tín hữu: khi cầu nguyện, phải cầu nguyện chung cho toàn thế giới. Vì Người không dạy: "Xin cho ý Cha thể hiện" nơi tôi hay nơi anh em, nhưng là "trên khắp địa cầu"; nghĩa là chúng ta cầu nguyện: Xin Cha xóa bỏ mọi sai lầm, cho chân lý ngự trị, nết xấu bị hủy diệt, nhân đức được nảy nở và đất không còn khác với trời nữa (T. Gio-an Kim Khẩu, Mt 19,5).
2826
Nhờ cầu nguyện, chúng ta "có thể nhận ra đâu là ý Chúa" (Rm 12,2), và có được lòng "kiên nhẫn để thi hành ý Thiên Chúa"(Dt 10,36). Đức Giê-su đã dạy : người ta vào được Nước Trời, không phải nhờ nói, nhưng nhờ việc "thi hành ý muốn của Cha trên trời" (Mt 7,21).
2827
"Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì Người nhậm lời kẻ ấy" (Ga 9,31). Lời Hội Thánh cầu nguyện nhân danh Chúa có được sức mạnh ấy, nhất là trong Thánh Lễ. Lời cầu nguyện của Hội Thánh còn là một lời chuyển cầu hiệp thông với Thánh Mẫu của Thiên Chúa ( x. Lc 1, 38.49 ) và với toàn thể các thánh, những người "đẹp lòng Chúa" vì luôn thi hành thánh ý Người : "Chúng ta có thể không sợ sai khi dịch câu "Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" là nguyện cho Ý Cha được thể hiện trong Hội Thánh cũng như nơi Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng con, nơi Hiền Thê của Người cũng như nơi Phu Quân là Đấng đã chu toàn Ý Cha (T. Âu-tinh, bài giảng Chúa nhật 2, 6, 24).
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy