Năm Thánh Giuse (7)

Thứ tư - 05/05/2021 08:24
NĂM THÁNH GIUSE
KINH LẠY CHA (7)

(Trích GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO-1992-là cuốn giáo lý đầy đủ và quan trọng nhất của Toà Thánh, giúp suy niệm ít nhất 30 phút Kinh Lạy Cha để hưởng ơn Toàn Xá hằng ngày trong Năm Thánh Giuse theo số 1, Tòa Ân Giải Tối Cao, 08/12/2020).

"XIN CHA CHO CHÚNG CON HÔM NAY LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY"
2828
"Xin Cha cho chúng con": còn gì đẹp hơn lòng tin tưởng của con cái trông chờ Cha ban cho mọi sự. "Người cho mặt trời mọc lên, soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính" (Mt 5,45). "Hết mọi loài ngửa trông lên Chúa, đợi chờ Ngài đến bữa cho ăn" ( x. Tv 104,27 ). Đức Giê-su dạy chúng ta lời xin này vì đây là lời tôn vinh Chúa Cha, nhìn nhận Người là Đấng Tốt Lành, vượt xa mọi lòng tốt của con người.
2829
"Xin Cha cho chúng con" cũng là lời cầu xin trong tinh thần Giao Ước : chúng ta thuộc về Người và Người thuộc về chúng ta, lo cho chúng ta. Nhưng "chúng con" cũng nhìn nhận Người là Cha của mọi người, nên cầu xin Cha cho mọi người, lời chúng con cùng chia sẻ mọi nhu cầu và đau khổ của họ.
2830
Khi xin "lương thực", chúng ta muốn nói : Cha là "Đấng ban cho chúng con sự sống, không lẽ Cha lại không ban cho chúng con lương thực cần thiết để sống, cùng với mọi của cải" "xứng hợp" cả tinh thần lẫn vật chất. Trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su nhấn mạnh đến lòng tín thác của con cái : cộng tác với Cha là Thiên Chúa Quan Phòng. Người không khuyến khích chúng ta thụ động, nhưng muốn giải thoát ta khỏi mọi lo lắng và bận tâm. Người dạy ta sống tâm tình phó thác của con cái Thiên Chúa :Đối với những ai lo tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Thiên Chúa, Người hứa sẽ ban cho họ đủ mọi sự. Mọi sự đều là của Chúa: ai có được Thiên Chúa thì có mọi sự, miễn là Thiên Chúa có người ấy (T. Cyprien 21).
2831
Chung quanh ta còn có những người đói vì thiếu ăn. Điều này mở ra cho chúng ta một ý nghĩa sâu xa hơn của lời cầu xin này. Cảnh nghèo đói trên thế giới mời gọi các Ki-tô hữu đang thật lòng cầu nguyện phải có trách nhiệm thực tế đối với anh em, cả trong đời sống cá nhân cũng như trong tình liên đới với các gia đình nhân loại. Lời cầu xin này trong kinh Lạy Cha gắn liền với giáo huấn của dụ ngôn Người Nghèo Khó La-da-rô và dụ ngôn Ngày Phán Xét Chung (Mt 25,31-46).
2832
Như men trong bột, nét mới mẻ của Nước Trời phải được Thần Khí của Chúa Ki-tô khơi dậy trên khắp địa cầu (AA 5). Nét mới mẻ này phải được thể hiện qua việc thiết lập công bình trong các tương quan cá nhân cũng như xã hội, kinh tế và quốc tế. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng không thể có cơ cấu xã hội công bình nếu không có những con người muốn sống công bình.
2833
Chúng ta xin lương thực "cho chúng ta": "ít lương thực" cho"nhiều người". Mối phúc thứ nhất về tinh thần nghèo khó dạy chúng ta biết chia sẻ : hiệp thông và chia sẻ của cải vật chất cũng như tinh thần, không phải vì bó buộc nhưng vì yêu thương, "Anh em có được dư giả là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu" (2 Cr 8,15).
2834
Thánh Biển Đức dạy các đan sĩ : "Cầu nguyện và làm việc" (T. Benoit 20,48). Chúng ta phải cầu nguyện như thể tất cả đều tùy thuộc vào Thiên Chúa và phải làm việc như thể tất cả tùy thuộc vào mình. Lương thực nhận được sau khi chúng ta đã vất vả làm việc vẫn là quà tặng của Cha Trên Trời; nên chúng ta vẫn phải cầu xin Cha ban lương thực và phải tạ ơn Người vì lương thực có được. Vì thế, các gia đình Ki-tô hữu đọc kinh khi dùng bữa.
2835
Lời cầu xin này trong kinh Lạy Cha và trách nhiệm kèm theo, cũng áp dụng vào một cái đói khác mà con người phải chịu, đói Lời Chúa và Thánh Thần như Sách Thánh nói: "người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Đnl 8,3; Mt 4,4). Các Ki-tô hữu phải vận dụng mọi nỗ lực để "loan Tin Mừng cho những người nghèo khó." Con người trên trái đất còn một thứ đói khát, "không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống, mà là đói khát được nghe Lời Đức Chúa" (Am 8,11). Vì thế, người Ki-tô hữu đặc biệt hiểu lời xin thứ tư về Bánh Hằng Sống : đó là Lời Chúa ta đón nhận trong đức tin và Mình Thánh Chúa ta lãnh nhận trong bí tích Thánh Thể (Ga 6,26-58).
2836
Khi đọc "hôm nay", chúng ta cũng nói lên lòng tín thác. Chúa dạy như vậy chứ chúng ta không dám đặt ra. Khi nói đến Lời và Mình Thánh Chúa, chữ "hôm nay" không chỉ nói đến ngày hôm nay của thời gian mau qua này, mà muốn nói đến Ngày Hôm Nay của Thiên Chúa :
"Nếu bạn nhận được lương thực mỗi ngày, thì mỗi ngày đối với bạn đều là ngày hôm nay. Nếu Đức Ki-tô thuộc về bạn hôm nay, thì mỗi ngày Người sống lại cho bạn. Làm sao lại như thế được ? Thiên Chúa phán: "Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con" (Tv 2,7). Ngày Hôm Nay nghĩa là: Ngày Đức Ki-tô Phục Sinh" (T.Am-rô-xi-ô 5,26).
2837
"Hằng ngày": Tân Ước không có chỗ nào khác sử dụng từ ngữ này. Hiểu theo nghĩa thời gian, chữ "hằng ngày" lặp lại chữ "hôm nay" theo ý giáo dục : giúp chúng ta khẳng định lòng tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Gắn với từ "lương thực", đây là những gì cần để sống, hay hiểu rộng hơn là những gì cần để sống đầy đủ. Nguyên ngữ Hy lạp (épiousios : vượt trên cái cốt yếu) trực tiếp chỉ về Bánh Hằng Sống, Mình Thánh Chúa, phương dược trường sinh, nếu thiếu chúng ta không có Sự Sống. Cuối cùng, liên kết với những gì vừa nói trên đây, ý nghĩa Nước Trời rất rõ: "hằng ngày" là Ngày của Chúa, Ngày của Tiệc Nước Trời đã được cho thấy trước trong Thánh Lễ để chúng ta nếm trước Nước Trời đang đến. Vì thế nên cử hành Thánh Thể "hằng ngày".
"Thánh Thể là lương thực hằng ngày của chúng ta. Đặc tính của lương thực thần thiêng này là sức mạnh hiệp nhất : hiệp nhất chúng ta với Thân Thể Đấng Cứu Độ và làm cho chúng ta trở nên chi thể Người, để chúng ta trở thành Thân Thể của Đấng chúng ta lãnh nhận...Lương thực hằng ngày cũng được ban trong các bài đọc chúng ta nghe mỗi ngày ở nhà thờ, trong các thánh thi chúng ta nghe và hát. Tất cả đều cần thiết cho chúng ta trên đường lữ hành" (T. Âu-tinh).
"Cha Trên Trời khuyến khích chúng ta là con cái Nước Trời hãy xin Bánh Bởi Trời (x. Ga 6,51). Đức Ki-tô là tấm bánh: Thiên Chúa gieo trong lòng Đức Trinh Nữ, cho lớn lên trong xác phàm, nhào nắn trong cuộc Khổ Nạn, nướng trong mộ đá, cất giữ trong Hội Thánh, dọn ra trên các bàn thờ, và mỗi ngày cung cấp cho các tín hữu làm lương thực trường sinh"(T. Phê-rô Kim Ngôn 71).

"XIN THA NỢ CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON "
2838
Lời cầu xin này thật lạ lùng. Nếu chỉ có phần đầu "xin tha nợ chúng con", lời xin này lẽ ra đã hàm chứa trong ba lời nguyện đầu kinh Lạy Cha, vì Đức Ki-tô tự hiến tế để "cho mọi người được tha tội". Phần thứ hai của lời xin cho thấy : Thiên Chúa chỉ nhận lời nếu trước đó chúng ta đáp ứng một đòi buộc. Lời xin này sẽ được Thiên Chúa ban với điều kiện chúng ta phải đáp ứng điều Chúa đòi buộc trước: Thiên Chúa sẽ tha cho chúng ta "như " chúng ta tha cho anh em.
"Xin tha nợ chúng con"...
2839
Chúng ta đã bắt đầu xin Cha trên trời với lòng tin tưởng dạn dĩ. Khi "nguyện Danh Cha cả sáng", chúng ta đã xin Người luôn thánh hóa chúng ta hơn nữa. Nhưng dù đã được mặc áo trắng tinh tuyền khi Rửa Tội, chúng ta vẫn tiếp tục phạm tội, quay lưng lại với Thiên Chúa. Giờ đây, trong lời xin này, chúng ta như người con hoang đàng trở về với Cha, và như người thu thuế nhận mình là tội nhân trước nhan Người. Lời xin này bắt đầu bằng một lời thú tội, vừa thú nhận tình trạng khốn cùng của mình vừa tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng hay thương xót. Niềm hy vọng này được bảo đảm trong Con Một Người, "chúng ta đã được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi" (Cl 1,14; Ep 1,7). Trong các bí tích của Hội Thánh, chúng ta gặp được dấu chỉ hữu hiệu và chắc chắn về ơn tha tội (x. Mt 26-28; Ga20,23).
2840
Nhưng thật đáng sợ, nguồn ơn thương xót của Thiên Chúa không vào được lòng ta nếu chúng ta không tha cho những người có lỗi với chúng ta. Cũng như Thân Thể Đức Ki-tô, Tình yêu không thể phân chia: chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa mà ta không thấy, nếu ta không yêu mến anh chị em mà ta đang thấy được. Khi từ chối tha thứ cho anh chị em mình, lòng chúng ta đóng lại và trở nên chai đá không thể đón nhận tình thương tha thứ của Cha. Khi thú nhận tội lỗi, chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận ân sủng của Người.
2841
Lời xin này quan trọng đến nỗi đây là lời duy nhất, trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su phải trở lại chủ đề này và khai triển thêm. Con người không có khả năng chu toàn đòi hỏi quyết liệt này của mầu nhiệm giao ước, nhưng Thiên Chúa có thể làm được mọi sự.
..."như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con"
2842
Khi giảng dạy, Đức Giê-su nhiều lần dùng chữ "như": "anh em hãy nên hoàn thiện "như" Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5,48); "Anh em hãy có lòng nhân từ "như" Cha anh em là Đấng nhân từ" (Lc 6,36) ; "Thầy ban cho anh em một điều răn mới : anh em hãy yêu thương nhau "như" Thầy đã yêu thương anh em"(Ga 13,34). Chúng ta không thể giữ được điều răn của Chúa, nếu chỉ bắt chước Chúa bằng những hành vi bên ngoài. Chúng ta phải hiệp thông sống động và "hết lòng" với sự thánh thiện, lòng thương xót và yêu thương của Thiên Chúa. Chỉ có Thánh Thần, "nhờ Người mà chúng ta sống" (Ga 5,25), mới có thể làm cho chúng ta có được tâm tình của Đức Giê-su Ki-tô (Pl 2,1-5). Khi được hiệp thông với Thiên Chúa đầy lòng tha thứ, "chúng ta biết tha thứ cho nhau "như" Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta trong Đức Ki-tô" (Ep 4,32).
2843
Như thế, lời Chúa dạy về tha thứ mang sức sống vì dạy chúng ta sống đến tận cùng của tình yêu (Ga 13,1). Khi đưa ra dụ ngôn người đầy tớ không biết thương xót là đỉnh cao của giáo huấn về hiệp thông trong Hội Thánh ( x. Mt 18,23-35 ) , Đức Giê-su kết luận : "Cũng vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình" (Mt 18, 23-35). Tội lỗi của chúng ta bị cầm buộc hay được tháo gỡ đều tùy vào việc "hết lòng tha thứ" của ta. Chúng ta không có khả năng bỏ qua hay quên đi lỗi của anh em; nhưng ai sống theo Thánh Thần sẽ biết cảm thương người bị xúc phạm đến mình và thanh luyện ký ức bằng cách chuyển cầu cho người có lỗi.
2844
Việc cầu nguyện giúp người Ki-tô hữu biết tha thứ cho cả kẻ thù (x. Mt 5,43-44, và biến đổi người môn đệ nên đồng hình đồng dạng với Thầy của mình. Tha thứ là một đỉnh cao của kinh nguyện Ki-tô giáo; Thiên Chúa chỉ ban ơn cầu nguyện cho tâm hồn nào biết hòa nhịp với lòng thương xót của Người. Tha thứ còn minh chứng rằng trong thế giới này, tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Các vị tử đạo, trong quá khứ cũng như hiện tại, đều làm chứng cho Đức Giê-su bằng cách này. Tha thứ là điều kiện căn bản để có sự giao hòa giữa con người với Thiên Chúa ( x. 2Cr 5, 18-21) và giữa con người với nhau (x. Gio-an Phao-lô II, DM 14).
2845
Sự tha thứ này bắt nguồn từ Thiên Chúa nên không có giới hạn hay mức độ. Nếu đề cập đến xúc phạm (hay "tội" theo Lc 11,4; "nợ" theo Mt 6,12), trong thực tế chúng ta luôn luôn là kẻ mắc nợ : "anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái" (Rm13,8). Sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Chí Thánh là nguồn mạch và tiêu chuẩn chân thực cho mọi tương quan. Chúng ta sống hiệp thông này trong cầu nguyện, nhất là trong bí tích Thánh Thể.
Thiên Chúa không nhận lễ vật của kẻ gây bất hòa. Người dạy họ để của lễ lại bàn thờ về giao hòa với anh em trước đã; Thiên Chúa chỉ vui nhận những lời cầu nguyện trong an hòa. Đối với Thiên Chúa, lễ dâng đẹp nhất là chúng ta sống an bình, hòa thuận, và toàn dân thánh hiệp nhất trong Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (T.Cyprien 23).

Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây