Các bạn thân mến!
Thông thường khi nói đến Lễ Hiển Linh là nói đến Lễ Chúa Tỏ Mình. Vậy thì bạn sẽ hỏi Chúa tỏ mình là như thế nào? Việc Chúa tỏ mình có ý nghĩa gì cho cuộc đời của tôi? Tôi cần có thái độ nào khi đón lấy việc Chúa tỏ mình? Tôi cần làm gì để mình thực sự tham gia vào biến cố tỏ mình ấy?
Trước hết Chúa tỏ mình là Ngài mặc khải về chính mình, về tương quan và sứ mạng của mình cho muôn dân. Chúa Hiển Linh nổi bật ở ba biến cố: các đạo sỹ viếng thăm Hài Nhi, Chúa Chịu Phép Rửa và tiệc cưới Cana.[1] Cả ba biến cố này đều bày tỏ vinh quang và thần tính của Thiên Chúa. Nếu như ở biến cố các đạo sỹ viếng thăm, bạn thấy hình ảnh Hài Nhi nổi bật như là Ánh Sáng muôn dân. Ở biến cố Chúa Chịu Phép Rửa, Ngài được mặc khải là “Con Yêu Dấu” của Chúa Cha. Thì ở biến cố tiệc cưới, Ngài là thứ rượu mới cho muôn dân thưởng thức. Như thế, tỏ mình là Thiên Chúa bày tỏ vinh quang, tình yêu, sự sống, ánh sáng và bày tỏ chính mình cho chúng ta.
Một mặt Giáng Sinh như bạn biết là biến cố tổng kết, đỉnh cao và chiếu tỏa những biến cố trước đó. Biến cố này không chỉ là một biến cố khách quan nhưng là biến cố cho bạn thấy khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa và giá trị của biến cố đó tác động đến toàn thể đời sống và số phận của chúng ta. Không có biến cố này đời sống của bạn và tôi vẫn chìm trong bóng tối.
Thứ đến, điều quan trọng khi đón nhận biến cố này là bạn không chỉ là một khán thính giả xem biến cố đó nhưng bạn tham dự vào biến cố đó và để cho biến cố đó biến đổi bạn. Nhất là để cho biến cố đó chiếu sáng lên toàn thể cuộc đời bạn. Nhờ mình được chiếu sáng, mình có thể tỏa sáng cho người khác.
Đối với Thánh Phao-lô Thiên Chúa mặc khải là Thiên Chúa tỏ mình, Thiên Chúa vén bức màn bí mật cho con người. “Trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.”[2] Bức màn bí mật đó chính là Đức Giê-su Ki-tô. Đức Giê-su không chỉ mang ơn cứu độ cho dân Do Thái nhưng cho muôn người.
Thiên Chúa không chỉ mặc khải cho bạn nhưng cho toàn thể nhân loại. Điều quan trọng là làm sao để mỗi chúng ta phải là người được Thiên Chúa tỏ mình, phải là người có khả năng đón nhận biến cố đó. Qua đời sống của bạn, Thiên Chúa được tỏ ra. Sao cho qua đời sống của mình, bạn làm cho khuôn mặt của Chúa Giê-su đang còn mờ mờ nơi nhân loại được tỏ ra.
Thiên Chúa có nhiều cách tỏ mình cho bạn. Ngài tỏ mình qua nhiều biến cố vui buồn trong đời sống. Ngài tỏ mình qua tiếng lương tâm, qua dấu chỉ thời đại, qua cuộc nhập thể, cuộc biến hình trên núi và nhất là qua cái chết và sự phục sinh. Chính khi Chúa nhập thể, Chúa hủy mình ra không, là khi khuôn mặt của Hài Nhi Giê-su được tỏ rạng hơn bao giờ hết. Chính tình yêu hiến tế của Chúa làm cho tình yêu của Ngài được nhận biết. “Khi tôi bị treo lên thì Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi và mọi người sẽ biết rằng Tôi hiện hữu.”[3] Qua lối sống yêu thương và việc ở lại trong điều rằn của Chúa, bạn đa làm cho khuôn mặt của Chúa được tỏ rạng trong đời sống của bạn: “Cứ dấu chỉ này mà người ta nhận biến anh em là môn đệ của Thầy là anh em hãy yêu thương nhau.”[4] Dấu chỉ của tình yêu và sự hy sinh là dấu chỉ mặc khải tình yêu của Thiên Chúa và con đường để dẫn tới Ngài.
Cuối cùng, hiển linh mời gọi bạn làm một cuộc lên đường. Giống như các nhà chiêm tinh, bạn là người nhận ra dấu chỉ, lắng nghe dấu chỉ, nhưng để có thể gặp gỡ Hài nhi bạn phải là người lên đường. Bạn cần để cho mình làm một với dấu chỉ đó. Dấu chỉ mà Thiên Chúa tỏ ra cho bạn và tôi không phải là biến cố bên ngoài nhưng là biến cố nội tại trong trái tim, trong cung thánh nội tâm và cũng có thể là trong chính mối tương quan của bạn. Để đọc ra biến cố đó, bạn cần có một trái tim tinh ròng và trong sáng. Những con người đơn sơ có thể tiếp nhận biến cố đó.
Ngày nay nhân loại đang đối diện với nhiều cuộc xung đột và chiến tranh. Sâu xa hơn là sự xung đột về giá trị nơi nội tâm của con người. Nhân loại hơn bao giờ hết khao khát hòa bình và xóa bỏ chiến tranh. Nhưng làm sao có thể xóa bỏ chiến tranh được nếu người ta muốn xóa đi khuôn mặt của Thiên Chúa. Làm sao có thể xóa bỏ chiến tranh được nếu người ta không có một tiêu chuẩn luân lý và đức tin làm nền tảng. Làm sao có thể xóa bỏ chiến tranh được nếu người ta không nhận ra người khác là anh chị em của mình. Chỉ khi mỗi người nhìn nhận một nền tảng chung, tất cả có chung một người Cha, mọi người là anh chị em của mình, mọi người nhìn nhận một nguyên lý chi phối toàn thể và định hướng lương tâm nhân loại thì lúc đó nhân loại mới có hoà bình đích thực. Bằng không hòa bình chỉ là những khao khát phi hiện thực và sự hòa hoãn tạm thời khi mà lợi ích quốc gia còn được cân bằng. Trong nhiều trường hợp người ta nhân danh lợi ích (quốc gia, phe nhóm và cá nhân) để lấy đi sự sống, nhân phẩm và tự do!
Một mặt cuộc gặp gỡ Hài Nhi cần một cuộc lên đường nhưng mặt khác cuộc gặp gỡ đó cũng cần một sự tham dự và được biến đổi. Ba nhà đạo sỹ lên đường vượt qua vô vàn những chông gai thử thách để đến được với Hài Nhi. Những thử thách đó có thể là bên ngoài như là những chỉ trích, sự vô lý hoặc thâm chí sự điên rồ. Những thử thách đó có thể đến từ bên trong từ việc xác tín vào những gì được mặc khải, những cám dỗ bỏ cuộc. Cũng thế, cuộc gặp gỡ này mời gọi các nhà đạo sỹ dâng hiến những gì mình có cho Chúa. Đồng thời dám chấp nhận để cho mình được cuốn hút vào biến cố và để cho mình được trở nên “con Thiên Chúa.”
Cách đây không lâu, có một tài liệu nói về trạng của Dòng Tên Thế Giới có đề cập đến những vấn đề của thời đại hôm nay. Ba vấn đề nổi bật đó là vấn đề di dân, bóp méo sự thật và “toàn cầu hóa về sự hời hợt.” Bối cảnh thế giới, Châu Á và Việt Nam đặt ra vấn đề di dân bắt buộc. Họ phải di dân vì chiến tranh, giáo dục, mưu sinh. Chính trong sự bấp bênh này đặt ra vấn đề về việc chăm sóc đức tin, giáo dục và vấn đề luân lý. Một nguy cơ có thể xảy ra là sự lạnh nhạt về mặt tôn giáo. Điều này sẽ dẫn đến những hời hợt và xem nhẹ những yếu tố và thực hành về mặt luân lý, ngay cả cảm thức về tội cũng mất dần đi. Sự trung thành và chung thủy trong hôn nhân cũng bị ảnh hưởng. Giữa vô vàn những thông tin, đâu là sự thật. “Toàn cầu hóa về sự hời hợt đặt ra vấn đề về độ sâu của tương quan, độ sâu của tri thức, và của những cuộc gặp.”
Cách đây không lâu, báo chí có đề cập đến một cô gái tươi cười khi ra khỏi toà ly hôn và có vẻ ca ngợi vẻ tươi tắn của cô ta. Nếu như sự đổ vỡ trong đời sống hôn nhân không làm cho cô ta cảm thấy một chút mảy may gì thì quả là tình trạng đáng báo động. Nếu sự đổ vỡ trong hôn nhân và tình yêu không đụng đến chiều sâu hiện hữu và điều gì “rất người” nơi cá nhân thì phải chăng sự vô cảm và hời hợt đã làm méo mó sự phát triển về mặt nhân cách. Trước kia người ta đến với nhau vì nghĩa vì tình, “nghĩa tào khang.” Ngày nay sao nhiều người trẻ có thể dễ dàng đến với nhau và cũng có vẻ dễ dàng chia tay nhau. Đây phải chăng là thành quả của chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa hiện đại, sự thông thoáng về hôn nhân hay là một dấu chỉ của cái mà chúng ta gọi là “sự toàn cầu hóa về sự hời hợt.”
Nếu lên điều này không phải để chúng ta bi quan hay mất nhiệt thành nhưng để mỗi người chúng ta định vị lại. Chúng ta đang ở đâu, chúng ta là ai giữa những thay đổi không ngừng của thế giới? Điều gì thực sự làm nên ý nghĩa cho đời sống của chúng ta? Đâu là điều thật sự quan trọng và bền vững. “Thiên Chúa ở cùng chúng ta để chúng ta được ở cùng Thiên Chúa và chúng ta được ở cùng với nhau.” Những bóng mờ của làn sương mù không xóa đi được sự tỏa lan của ánh sáng mặt trời. Chỉ cần vén đi bức màn sương mờ của những ảo ảnh về giá trị và hạnh phúc đích thực thì lúc đó ánh sáng của Mặt Trời Công Chính sẽ tỏ lộ. Hành trình của ba vua đi tìm ánh sao có lúc mịt mờ, có lúc sáng tỏ nhưng việc bám sát mục tiêu sẽ là định hướng cho toàn bộ tiến trình và niềm hứng khởi cho những lữ khách đang tiến về nhà Cha.
Lm. Gioan Phạm Duy Anh
[1] Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Chỉ Nam Giảng Lễ, NXBTG 2015, 120
[2] Eph 3, 6
[3] Ga 12, 32
[4] Ga 13, 34
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn