MM Tân,SJ.
Bà Elisabet có thai được 6 tháng,
thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabrien đến một thành gọi là Nagiaret,
gặp một trinh nữ…tên là Maria (Lc 1,26-38).
Tiếp theo là cuộc kiểm tra dân số,
dẫn tới điểm kết là những người chăn chiên sống ngoài đồng thức đêm canh giữ đàn vật,
những người suốt đời lang thang trên cánh đồng Belem,
họ đã được mời gọi đến gặp mặt ĐẤNG CỨU ĐỘ, chính xác là sinh ra cho họ, những người nghèo khổ.
Như thế, kế hoạch để Thiên Chúa Cha trao ban Con Một cho nhân thế đã được xếp đặt cả về thời gian, lẫn không gian và nơi chốn, cũng như người được tuyển chọn để phục vụ cho sứ vụ Con Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta.
Nếu Thiên Chúa tuyển chọn một cô gái ở Belem, để Con Thiên Chúa làm người hạ sinh trong một mái nhà êm ấm thì sứ điệp và dấu hiệu xem ra mâu thuẫn nhau.
Sứ điệp là : “Hôm nay một Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em… “
Dấu hiệu phải là : “cứ dấu này mà nhận Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ”.
Anh em gặp thấy và gặp được, vì Người đã sinh ra ngay dưới mái nhà của anh em, bước vào phận đời của anh em.
Từ đó, trong từng mái nhà, đặc biệt những gia đình nghèo khổ, có Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta.
Một gia đình nghèo, vẫn có thể ấm êm. Nhưng có lắm nhà nghèo lại thêm cái eo.
Thông thường cái khó nó “bó” cái khôn, có những ông chồng cứ “nhân danh phận nghèo” để chẳng bao giờ muốn đưa gia đình ngóc đầu lên, có người thì “cái tật lớn hơn cái tuổi” gây khổ đau cho vợ con. Những gia đình có người bê tha rượu chè cờ bạc hay hút chích thường dễ tan vỡ.
Một gia đình đổ vỡ, giữa một thế giới đổ vỡ, Con Thiên Chúa làm người có thể kiếm được chỗ trong đó không?
Thực ra, giữa một vùng đất dậy sóng vẫn có thể có những mảnh đất để lộ những khung trời hiền hòa hoa lá xanh tươi : trong một gia đình đôi khi mất người cha nhưng được người mẹ, hoặc ngược lại, nhờ vậy con cái có chỗ nương thân, và Con Thiên Chúa làm người có chỗ để thi thố quyền năng cứu độ.
Khi người con gái đi lấy chồng, các cô mơ một mái nhà hạnh phúc, thế nhưng xưa giờ ông bà ta vẫn nói “làm thân con gái 12 bến nước, trong nhờ ‘thì ít’, đục chịu ‘hơi nhiều’, khổ lắm. Chẳng hạn như một chị mà tôi quen, năm 2002, khi tuổi đời vừa tròn đôi mươi, dáng nhỏ nhắn, hồn nhiên, xinh xắn, có mấy trai làng tốt người đẹp nết theo đuổi, nhưng số phận không may khi một chàng trai, chỉ vì lời thách thức của bạn bè, trong 1 tuần lễ đã cưa đổ nàng, và một tháng sau là nắm tay nhau tới trước bàn thờ thề hứa. Tuy cuộc hôn nhân vội vã, nhưng với nàng thì thật lòng, còn chàng xem ra cứ như nửa đùa, bởi lẽ sau thánh lễ ở nhà thờ, chàng nói nhỏ với nàng là em về đi, còn anh sẽ đi kiếm tiền để tháng sau chúng mình làm đám cưới. Anh sẽ đi làm gì mà vội vã quá vậy, có trời biết được. Dù sao ngày cưới cũng tới trong niềm vui của mọi người. Vui nhất là bà mẹ chồng vì con trai đã cưới được dâu thảo đúng như bà chờ mong.
Sau đám cưới, vợ thì cứ lên bờ xuống ruộng từ sớm đến chiều tối mới về; Còn chồng chẳng biết làm gì mà đi từ trưa tới 2 giờ sáng : chồng về thì vợ đã ngủ say, sáng vợ thức dậy đi làm thì chồng vẫn say ngủ. Thế là ngay những tháng đầu tiên của đời vợ chồng, mái ấm cứ lạnh tanh. Thỉnh thoảng chàng lại còn đưa một đám bạn về chơi, mỗi lần như thế thường đuổi vợ ra khỏi nhà.
Không may cho chàng, một lần vợ về bất chợt, bắt gặp cả đám đang thay nhau chích ma túy. Buổi tối hôm ấy chồng quì dưới chân vợ xin chích mũi cuối cùng rồi thề với vợ là quyết tâm bỏ. Sáng hôm sau, anh lấy một sơi xích sắt rõ to xin bố đẻ xích lại trong nhà, mỗi ngày chỉ có một thằng bạn thân tới thăm. Nàng có ngờ đâu chính người bạn thân ấy lại là người mỗi ngày cung cấp ma tuý cho chồng.
Từ đây vợ chồng sống với nhau vì nghĩa chứ không còn tình : chồng cứ đi biền biệt, để vợ ở nhà khóc đứng khóc ngồi.
Nước mắt oán giận hay tủi phận khi ân tình tan vỡ?
Thực ra, từ nhỏ chị có thói quen cầu nguyện, đem đặt mọi chuyện trong tay Chúa. Ngay cả khi chọn cho mình một người chồng, chị đã nài xin “Chúa ơi, chọn cho đi, dù có say sưa rượu chè cũng xin nhận, với ước nguyện là một khi Chúa đã kết hợp thì xin cũng vun trồng cho sinh hoa kết trái”.
Và với tình yêu nồng thắm thuở ban đầu, anh chị đã có thể sẵn sàng chào đón đứa con đầu lòng nay mai.
Cũng chính niềm tin và lòng cậy trông đã làm cho những giòng nước mắt đáng lẽ là tủi phận thì lại là nước mắt của lòng thương xót, nước mắt của con tim tha thiết nài xin ơn sám hối cho người chồng đang bị nhận chìm trong đủ thứ tệ nạn.
Sống với nhau thấm thoắt thế là đã được 6 tháng, một lần chồng đi vắng, chị ở nhà đợi ba bốn ngày rồi mà chẳng thấy chổng về. Chị làm tuần chín ngày khấn nguyện cho chồng, đúng ngày thứ chín có mấy anh công an đến nhà báo cho biết chồng chị đã bị bắt vì tham gia vào một vụ ăn cắp xe.
Chồng đi tù, vợ ở nhà ngày ngày lo chăn con trâu với 3 con bò cho gia đình, cùng với công việc đồng áng, mệt mỏi thì lót 2 cái bao tải nằm vạ vật ngay nghĩa trang. 3 tháng sau, trong khi chồng ở tù thì đứa con bé bỏng trong bụng mẹ cất tiếng khóc chào đời, vì sinh non nên bé gái được nuôi trong lồng kính. Thế là ngày vui nhất cũng là ngày buồn thảm nhất, con một nơi, mẹ một nẻo, bố vẫn ngồi sau song sắt.
Theo ước nguyện của anh muốn thấy mặt con gái mới sinh, cha mẹ chạy vạy cho anh được tha về sớm, nhưng khi về tới nhà, anh có thèm ngó ngàng ai đâu. Theo yêu cầu của gia đình, anh được bố dẫn đi làm xét nghiệm máu, bệnh viện cho biết anh bị nhiễm HIV, rất tiếc cả hai bố con đều dấu nhẹm chuyện này, và bé gái vô tội bị lây HIV là chuyện đương nhiên. Nếu anh thú nhận thì đâu nên nông nỗi, chỉ cần cho cháu cách ly, không cho cháu bú sữa mẹ là an toàn.
Bên người chồng dối trá nghiện ngập, phản bội, có gì đáng yêu trong đời.
Với ai thì không biết chứ với chị thì đây lại là lý do để chị gắn bó keo sơn. Lời khấn hứa với Chúa ngày bước chân về nhà chồng là nếu Chúa chọn cho con thì con yêu thương hết lòng, chỉ xin thêm sức cho con. Có lần chị đã nói thẳng rằng em yêu anh không phải vì thân xác, mà muốn cứu linh hồn anh; em thương anh nhiều hơn anh yêu. Chỉ xin anh từ nay hãy sống cho nên người, nếu chết thì chết cho vinh.
Cuối cùng, bước chân giang hồ loanh quanh mãi cũng mỏi, điểm dừng tìm đâu ra nếu không phải vòng tay vợ hiền, trong vòng tay ấy anh nhận được ơn sám hối và lòng thương xót Thiên Chúa trong giây phút trút hơi thở cuối cùng, chị nghe rõ miệng anh lắp bắp lời kinh tạ ơn :
“Con tạ ơn Chúa vì đã cho con một người vợ, đã gửi đến cho con một vị thánh để cứu linh hồn con”.
Mái nhà, đúng ra là căn buồng từ nay vắng bóng người chồng, anh ra đi yên phận,
để lại cho hai mẹ con những gì nếu không phải là căn bệnh HIV.
Thế nhưng, căn buồng ấy vẫn là nơi Thiên Chúa ở cùng chùng ta, và nay đã trở thành ngôi nhà khang trang, rộng mở cho nhiều anh chị em, chung cảnh đời, nối liền vòng tay nhân ái.
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn