Tài khéo của Phaolo trong thư gửi Philêmôn
Thứ sáu - 06/09/2019 19:10
Đây là lá thư ngắn nhất trong các thư của Phaolô. Lá thư chỉ có vỏn vẹn 25 câu, nhưng 25 câu này lại hàm chứa bao nhiêu điều thánh Phaolô muốn gửi gắm đến người đọc không những thời đó mà cả với chúng ta hôm nay.
Trong thư, vấn đề và câu chuyện có dính dáng đến Ônêsimô – một nô lệ của gia đình Philêmôn đã bỏ trốn. Sau khi bỏ trốn, anh này kết thân với Phaolô và được Phaolô rửa tội. Ônêsimô trở thành một kitô hữu. Chính vì vậy, Phaolô nại đến tư cách tông đồ để can thiệp với Philêmôn vì lợi ích của Ônêsimô, đồng thời mong muốn ông nhận lại Ônêsimô như người anh em trong Chúa.
Trước tiên, Phaolô khéo léo nói về Ônêsimô - một người trước kia có thể là kẻ chẳng ra gì, không đáng đồng tiền bát gạo thì nay rất hữu ích. Đối với Philêmôn, Ônêsimô là người vô dụng, song với Phaolô thì anh là người hữu dụng. Phaolô không ép Philêmôn nhưng để cho ông quyết định vì Phaolô chẳng muốn làm điều gì mà không có sự chấp thuận, thậm chí là sợ việc nghĩa Philêmôn làm có vẻ miễn cưỡng. Phaolô đã đưa ra một lý chứng rất chắc chắn về “tình anh em trong Chúa”. Đó là giáo lý về mọi người là anh em, con cái của Thiên Chúa.
Thứ đến, Phaolô nhắc tới đức tin cần phải trở nên hiện thực và chia sẻ bằng những hành động cụ thể như thánh Giacôbê tông đồ đã nói: Đức tin không có hành động là đức tin chết. Nếu để ý, người đọc sẽ không thấy nhắc tới niềm trông cậy trong lá thư mà chỉ thấy đề cập đến lòng tin và lòng mến.
Bên cạnh đó, Phaolô trình bày quan điểm Kitô giáo một cách rất tuyệt vời. Nó liên quan đến chế độ nô lệ và thánh nhân là một người trung gian để hàn gắn, nối kết lại mối dây đã bị đứt hầu có thể trở nên tình thân trong Đức Giêsu Kitô. Phaolô cũng giới thiệu về Giáo hội thời sơ khai đúng nghĩa là một Giáo hội tại gia, luôn hội họp để tham dự lễ bẻ bánh cũng như việc tưởng niệm Đức Giêsu Kitô. Nhất là, Phaolô đã ngấm ngầm muốn cho thấy cả về phương diện tình người lẫn tình anh em trong Chúa. Không phân biệt Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do như sẽ nói sau này trong thư Gl 3, 27 – 29.
Sau cùng, để thêm bước xác quyết khiến Philêmôn không thể không chấp nhận, đó là: Phaolô nhắc Philêmôn về món nợ mà ông còn thiếu. Món nợ ấy chẳng liên quan gì đến nhà cửa, đất đai; trân châu, bảo ngọc hay bất kỳ vinh hoa phú quý nào mà là chính bản thân Philêmôn. Phaolô rất cẩn thận về việc Ônêsimô có thể làm thiệt hại một điều gì đó đối với Philêmôn nên đã viết: “Nếu nó đã làm thiệt hại anh hoặc mắc nợ anh điều gì thì xin để tôi nhận cả”.
Ngoài ra, có một sự thú vị không hề nhẹ mà theo ngôn ngữ “chợ búa” thì quả thật Phaolô rất ranh mãnh. Thánh nhân vừa nài Philêmôn nhận lại Ônêsimô, vừa xin Philêmôn sửa soạn cho mình một chỗ vì có thể ông sẽ ra tù và đến nhà Philêmôn ở, để… xem sự việc thế nào. Theo cha Vinhsơn Đinh Trung Nghĩa SJ, đây cũng là cách mà Phaolô vừa dạy, vừa tế nhị, vừa cứng rắn, vừa ra lệnh, vừa xin, vừa kêu gọi, thậm chí cả… đe dọa.
Đặc biệt ở cuối thư, Phaolô cầu xin ân sủng của Đức Giêsu tuôn đổ đầy tràn trên mỗi người như một lời tạ ơn Thiên Chúa.
Rõ ràng, Phaolô với tư cách là tông đồ và có đủ thẩm quyền để ra lệnh nhưng ngài không làm thế. Ngài kêu mời Philêmôn thực hành đức ái với một tâm tình tự nguyện. Vì vậy, đây là lá thư mang tính mục vụ rất lớn, đáng để cho các mục tử ngày nay áp dụng.
Tóm lại, lá thư này gửi đến Philêmôn với mục đích xin một ân huệ dành cho Ônêsimô, người mà Phaolô đã sinh ra trong tù. Phaolô kêu gọi Philêmôn hãy có lòng bác ái và phải thực hiện ra bằng hành động thì lòng bác ái ấy mới được coi là đức ái đích thực. Phaolô muốn trả lại Ônêsimô cho Philêmôn theo luật pháp, nhưng như trong thư hẳn nhiên không phải vậy. Thực tế Phaolô đã dùng quyền với tư cách tông đồ để Philêmôn nhận lại Ônêsimô mà không ai rơi vào cảnh khó xử. Đấy chính là tài khéo của Phaolô.