Bài 4: Đồng hành với các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn
ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC GIA ĐÌNH GẶP HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
Những người gặp nạn bị thương cần được tiếp cận cứu giúp như trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu. Những gia đình gặp khó khăn trong tình trạng chông chênh cần được đồng hành sát sao hơn. Đức thánh cha Phanxicô đặc biệt nhạy cảm mời gọi các cộng đoàn Hội thánh gia tăng đáp lại những người này bằng sự đồng hành:
“Hội thánh cũng phải đồng hành bằng sự ân cần chăm sóc những đứa con yếu đuối nhất của mình, vốn ghi dấu bởi tình yêu bị tổn thương và lạc lối, bằng cách khôi phục lại cho họ niềm tin và hi vọng, như ánh sáng của một ngọn hải đăng hoặc một ngọn đuốc được đặt giữa mọi người hầu soi sáng cho những người đã lầm đường lạc lối hoặc đang ở giữa bão tố cuộc đời” (Amoris laetitia (AL), 291).
Điều lưu ý mục vụ đầu tiên là làm sao để giúp cho con người cảm nhận sự hiện diện gần gũi của Chúa Giêsu trong hoàn cảnh khó khăn, đau khổ của họ. “Cần đón tiếp và trân trọng nỗi đau khổ của những người phải gánh chịu li hôn, li dị hoặc bị ruồng bỏ một cách bất công, hoặc buộc phá vỡ cuộc chung sống do sự ngược đãi của người phối ngẫu kia” (AL 242).
Những hoàn cảnh đặc biệt nghiêm trọng cần quan tâm đầu tiên là:
- Những người di dân. Trong việc đồng hành với người di dân đòi hỏi phải có một mục vụ chuyên biệt cho các gia đình di dân lẫn cho cả các thành viên của gia đình còn ở lại nơi nguyên quán của họ (AL 46).
- Những người sống cuộc hôn nhân hỗn hợp có thể góp phần cho trào lưu đại kết, nên tìm cách để có sự cộng tác chân tình giữa thừa tác viên Công giáo và thừa tác viên không Công giáo, từ thời gian chuẩn bị hôn nhân cho tới lễ cưới (x. Familiaris consortio, 78). Về hôn phối khác đạo hay khác tín ngưỡng, đây là nơi ưu việt cho cuộc đối thoại liên tôn, sự tự do tôn giáo là điều thiết yếu cần được tôn trọng, nhưng người Công giáo phải có khả năng đem Tin mừng cắm sâu vào gia đình, như thế mới mong có thể giáo dục con cái họ theo đức tin Kitô giáo (x. AL 247-248).
- Những gia đình đang tang chế (Al 253-258)… Những trường hợp khó khăn đặc biệt khác như hôn nhân đổ vỡ, gia đình với cha/mẹ đơn thân, quan tâm cách riêng tới những người li hôn và là nạn nhân trong nạn phá thai.
Từng người, từng trường hợp cần quan tâm nâng đỡ cách khác nhau. Cộng đoàn nhỏ ở địa phương và các cặp vợ chồng khác đồng hành với những gia đình gặp khó khăn là điều rất quan trọng và có ý nghĩa, biết đáp ứng các nhu cầu mục vụ cấp bách liên hệ đến thực tế nhân bản của đời sống các gia đình khó khăn, không để họ cô đơn, không định hướng, không được nâng đỡ.
- Đối với trường hợp li hôn, Đức thánh cha khuyên những tín hữu này không “bước thêm một bước nữa” đồng thời tìm đến với Hội thánh để được đồng hành sống đức tin phù hợp. Trong thực tế, nói chung, hiếm có những người chịu cảnh sống đơn độc sau bi kịch li hôn đau đớn, mà sống gần gũi với cộng đoàn. Những người li thân sống đúng như Giáo luật định (đ.1152-1157), thực tế cũng hiếm và cũng không có được sự đồng hành nào từ phía cộng đoàn thân quen. Thật đáng tiếc phải nhìn nhận thực trạng li hôn phổ biến hiện nay. Sau li hôn, hoặc họ bị té ngã rơi sâu vào nỗi cô đơn hoặc dấn thân vào một cuộc kết hợp mới. Đó là những hoàn cảnh khó khăn xảy ra nhiều mà Hội thánh cần ưu tiên quan tâm đồng hành .
- Những người li dị không tái hôn được nhìn nhận thường là «những chứng nhân của lòng trung thành trong hôn nhân, cần được khích lệ tìm thấy trong Thánh Thể lương thực nâng đỡ tình trạng hiện tại của họ. Cộng đoàn địa phương và các mục tử phải đồng hành với những người này một cách ân cần, nhất là khi họ có con cái hoặc lâm cảnh nghèo túng cùng cực» (AL 242). Con cái của họ phải chịu những chấn thương trầm trọng với nhiều hậu quả khôn lường, là những nạn nhân vô tội đáng thương nhất, cũng ít thấy có những giúp đỡ thích hợp từ phía Giáo hội. Đức thánh cha rất quan tâm và muốn Hội thánh “không ngừng lên tiếng nhân danh những con người dễ bị tổn thương nhất, đó là những đứa con thường phải âm thầm đau khổ” (AL 246). Các trung tâm, các văn phòng tham vấn về đời sống gia đình, các cộng đoàn Giáo hội cơ bản, các hiệp hội tại giáo xứ, giáo phận, cần quan tâm đến khía cạnh mục vụ đặc biệt này.
Kết luận:
Mỗi bước đồng hành có tốt hay không là do người ta tiến gần hơn hay xa rời mục đích sau cùng, là hội nhập trọn vẹn vào Hội thánh qua bí tích Giao hòa và Thánh Thể. Thế nhưng, trong thực tế nhiều trường hợp người ta không thể tái hợp với người phối ngẫu trước; cho dẫu thế, cũng không bao giờ thất vọng mà ngưng tiến tới trong hành trình Hiệp thông. Khả năng đó đã hàm ẩn ngay từ đầu trong lời hứa hôn, với sự trợ giúp của Chúa Giêsu, họ nói tiếng xin vâng đến trọn đời “bất chấp tất cả”. Chính ân sủng của bí tích hôn phối hoạt động trong hướng đó, mời gọi họ xây dựng trên nền tảng Chúa đã thiết lập những mối kết hợp duy nhất khả dĩ bảo vệ gia đình. “Sự kết hợp đã là hiện thực và không thể rút lại, được Bí tích Hôn nhân xác nhận và thánh hiến” (AL 218). Những người trong hoàn cảnh “trái qui tắc” được giúp phân định và được Chúa thúc đẩy bước trên con đường hoán cải và được tái sinh như người con hoang đàng trở về được Cha chạy ra đón nhận: cho “xỏ nhẫn, mặc áo đẹp” có nghĩa là, đối với Chúa họ vẫn còn phẩm giá của con cái và của người hôn phu/hôn thê.
Câu hỏi gợi ý suy tư và thảo luận
1. Anh /chị cho biết những khó khăn, thách đố nào có thể gặp trong các gia đình di dân. Anh chị, gia đình, cộng đoàn Giáo hội địa phương nên làm gì, làm thế nào để giúp đỡ anh chị em ấy?
2. Anh/chị cho biết những khó khăn, thách đố nào có thể thường gặp trong cuộc sống hôn nhân – gia đình của các cặp hôn nhân hỗn hợp (với người Tin lành,…) và với người khác đạo. Hội thánh và các cộng đoàn Hội thánh địa phương đã làm gì và sẽ làm gì để đồng hành với họ?
3. Các mục tử và cộng đoàn Hội thánh địa phương đã đối xử thế nào với những anh chị em li dị, li dị tái hôn, hay sống một kết hợp mới, “trái qui tắc”? Làm thế nào để giúp họ hội nhập ngày một sâu xa hơn vào đời sống của Giáo hội?
Ủy ban Mục vụ Gia đình