GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.net


THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH NĂM C

THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH NĂM C
THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH NĂM C
Lc 24,13-35

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca
13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.”
19 Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy ?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.
20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.
22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.
24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”
25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.”
Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.
32 Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?”
33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.”
35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

SUY NIỆM: CHÚA LUÔN ĐỒNG HÀNH
Có lẽ câu chuyện 2 môn đệ trên đường Emmau, không còn mấy xa lạ với chúng ta. Vậy câu chuyện này muốn nhắn nhủ chúng ta điều gì?
Kinh Thánh cho biết, 2 môn đệ đã lặng lẽ rời Giêrusalem để trở về làng quê Emmau trong tâm trạng hết sức tệ: đầy hụt hẫng và thất vọng. Bởi bao nhiêu mộng vàng mà bấy lâu nay họ ủ ấp, bỗng nhiên vụt tắt, tan mây với cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Tay trắng về không, họ tuyệt vọng đến mức không còn dám tin vào bất cứ điều gì. Họ không dám và không bao giờ nghĩ đến Chúa Giêsu đang đồng hành bước đi bên cạnh họ. Vì đối với họ, Chúa giờ đây đã không còn.
Phận người chúng ta yếu đuối như vậy đó thưa anh chị em. Khi cuộc sống đang yên đang lành bỗng dưng một biến cố bất ngờ ập đến, đánh tan mọi hy vọng và dự định của chúng ta: làm ăn thua lỗ, bệnh tật ốm đau, gia đình tan vỡ, con cái hư hỏng… và còn nhiều khó khăn khác nữa. Những biến cố ấy đôi lúc làm ta hụt hẫng và sụp đổ tinh thần. Có người tự trách mình, nhưng cũng có người quay qua trách Chúa. Cũng như 2 môn đệ trên đường Emmau xưa, chúng ta ngỡ rằng Chúa đã bỏ mình, nhưng lại không nhận ra Chúa đang bước đi cùng ta trong những khó khăn ấy.
Vậy bằng cách nào chúng ta có thể nhận ra được Chúa đang đồng lao cộng khổ với chúng ta?
Hãy trở lại với hình ảnh của 2 môn đệ trong bài Tin mừng hôm nay. Họ đã nhận ra Chúa Giêsu luôn ở bên họ qua những lời giảng dạy của Ngài. Và họ đã nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài bẻ bánh.
Như vậy, lời Chúa và Thánh Thể chính là bằng chứng tỏ tường, cho thấy Chúa Giêsu đang hiện diện và đồng hành với đời sống đức tin của người kitô hữu chúng ta. Bởi lời Chúa chính là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng dẫn đường cho chúng ta đi. Và Thánh Thể chính là sự hiện diện bằng xương bằng thịt của Chúa Giêsu ở giữa nhân loại.
Do đó, mỗi khi gặp khó khăn thử thách, anh chị em hãy lắng nghe và suy gẫm lời Chúa nói với chúng ta: “Không có thử thách nào Chúa gởi đến mà vượt quá sức chịu đựng của con người. Và một khi Chúa để cho ta chịu thì Ngài sẽ cho kết thúc tốt đẹp”. Tác giả Thánh vịnh còn nhắc nhở chúng ta rằng: “Chúa chính là nơi để chúng ta nương tựa. Và Ngài sẽ cứu ta khỏi bước cơ cùng”.
Cũng vậy, mỗi khi gặp khổ đau thánh giá, hãy tìm đến với Bí tích Thánh Thể và nhớ lại lời này của Chúa Giêsu: “Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta bổ sức cho”.
Và mỗi người cũng đừng quên cầu nguyện rằng: Xin ban thêm niềm tin, để con thấy Chúa luôn đồng hành. Xin ban thêm sức mạnh, để con thắng được ngàn gian nan. Cho con qua khổ đau, đường thánh giá giúp con tôi luyện. Để đức tin thêm vững vàng, và tình yêu Chúa được nồng nàn chứa chan. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM:
Trong bầu khí Phục Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta đi lại đoạn đường của hai môn đệ trên đường Emmau.
Chúng ta không biết nhiều về hai môn đệ đi Emmau mà Luca nhắc tới, mà chỉ biết rằng Luca đã kể lại cho chúng ta nghe về hoàn cảnh và tâm trạng của hai ông. Hai ông đã tin tưởng Đức Giêsu Nadarét. Người đã khơi dậy trong họ niềm cậy trông. Thế nhưng, sau khi Đức Giêsu chết rồi, tất cả trở nên đen tối, thật sự là hết, chẳng còn gì. Tất cả những gì họ kỳ vọng nơi thầy mình là Giêsu, giờ đây thực sự tan rã. Giêsu chỉ còn như một giấc mộng đẹp. Trên đường về Emmau, chỉ toàn là đêm đen. Họ thất vọng hoàn toàn.
Nhìn lại cuộc đời mình, chúng ta cũng đã không ít lần vừa đi vừa than vắn thở dài, vì chúng ta chẳng thấy Chúa đâu nữa trong cuộc đời mình, Ngài hình như đã chết rồi. Giêsu mà mình tin tưởng và kỳ vọng đâu rồi? Tại sao Ngài không xuất hiện, khi chúng ta đang gặp khổ đau? Như hai môn đệ ngày xưa, chúng ta đang đi trên một con đường bất an, một con đường tràn đầy thương đau và hoàn toàn thất vọng.
"Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ". Nhưng hai môn đệ có nhận ra người khách bộ hành là Giê-su mới xuất hiện không? "Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người". Thầy mình mà lại không nhận ra? Phải chăng vì mắt họ vẫn còn bị "ghèn của buồn đau và thất vọng" che kín? Phải chăng Thầy của mình đã đổi hình biến dạng, nên dù gần đấy nhưng sao vẫn thấy xa, dù quen đấy nhưng sao vẫn là lạ.
Nhưng Chúa Giêsu cùng đi trên đường với họ. Và Người giải thích cho họ những lời Kinh Thánh liên quan đến Người, Người chiếu một tia sáng trên chính cuộc sống của họ. Người giúp họ hiểu được ý nghĩa sâu xa của điều họ đang sống.
Với Kinh Thánh, Chúa Giêsu Phục Sinh đã giúp hai khách bộ hành đi Emmau hiểu tất cả những gì liên quan đến Người và, qua việc giải thích này, Người chiếu một luồng sáng trên cuộc đời của họ. Người đem lại cho cuộc đời họ một ý nghĩa hoàn toàn mới. Sự hiện diện của Người đã tái sinh họ thành nhóm, thành Giáo Hội. Giờ đây họ sẵn sàng ra đi trên khắp các nẻo đường thế giới, để rao giảng cho các anh chị em của họ biết rằng, lịch sử đã đổi chiều và niềm vui mạnh hơn sự chết là điều có thể...
Nhìn lại cuộc đời mình, có những lúc chúng ta cũng bị ghèn của đau buồn đóng kín, đến nỗi niềm tin vào Chúa của chúng ta không còn "dung nhan" gì nữa. Mắt chúng ta chẳng còn có thể nhận ra đựơc tình yêu của Chúa và sự hiện diện của Ngài. Chúng ta cần phải làm gì đây? Gặp gỡ Đấng Phục Sinh sẽ làm cho lòng tin của chúng ta lớn lên. Qua việc học hỏi, lắng nghe lời Kinh Thánh, chúng ta sẽ dần dần nhận ra Ngài là ai đối với cuộc đời mình.
Nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh, khám phá ra sự hiện diện của Người, luôn là một thách đố mỗi ngày. Nhận ra Đấng Phục Sinh, đó chính là một tác động khó khăn của đức tin. Sự nhận biết này luôn cần được sống và canh tân mỗi ngày, vì chúng ta là những lữ khách, những khách hành hương về Emmau cùng với Đức Kitô vào buổi chiều ngày Phục Sinh, trên con đường dài của cuộc đời.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin Chúa đồng hành với chúng con trên đường Phục Sinh. Xin Chúa giải thích cho trí lòng chậm hiểu của chúng con những điều trong Kinh Thánh liên quan đến Chúa. Xin cho chúng con khi càng tham dự Cử Hành Thánh Thể thì càng biết sống chia sẻ với các anh chị em của chúng con. Xin Chúa ở lại với chúng con mỗi khi trời xế chiều và đêm đổ xuống trong cõi lòng chúng con. Chúng con cần có Chúa để vững tâm bước đi trong đêm tối. Xin hãy ở lại với chúng con. A-men.
Lm. Đaminh Ngô Công Sứ
SUY NIỆM: MỘT CÂU CHUYỆN LỚN HƠN
“Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?”.
“Anh trộm bị đóng đinh thủng cả hai tay để không thể làm gì cho Chúa. Một cái đinh xuyên hai bàn chân để anh không thể chạy vặt cho Ngài. Vậy mà Chúa Kitô đã tặng anh món quà cứu rỗi. Ngài ném cho anh tấm hộ chiếu, và anh vào thiên đàng! Câu chuyện tuy gãy gọn, nhưng nó là ‘một câu chuyện lớn hơn’ câu chuyện một đời bôn tẩu của bạn và tôi!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Cùng với câu chuyện của người trộm lành, hai bài đọc hôm nay là những câu chuyện thật đẹp! Câu chuyện anh què, người ngồi ăn xin bên cửa đền thờ; câu chuyện thứ hai thú vị hơn, hai môn đệ Emmaus nhận ra danh tính người khách lạ đồng hành! Đó là Đức Kitô Phục Sinh, người kể cho họ ‘một câu chuyện lớn hơn!’.
Với anh què, bài đọc thứ nhất mô tả khá chi tiết, “Hằng ngày, anh được khiêng đến cửa đền thờ”; ở đó, anh xin bố thí. Nghĩa là anh hoàn toàn bất lực. Thật tuyệt vời, Phêrô và Gioan, “Nhân danh Giêsu Nazareth”, tặng anh món quà của Ngài để anh có thể rón rén thử đôi chân ‘mới’ và “Cùng hai ngài tiến vào đền thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ngợi khen Thiên Chúa”. Câu chuyện của anh què chứng tỏ ‘một câu chuyện lớn hơn’ về Chúa Phục Sinh, Đấng Phêrô rao giảng, khiến “3.000 người trở lại”. “Thấy anh què đi, dân chúng ngợi khen Chúa”; và niềm vui của họ vỡ oà qua tâm tình Thánh Vịnh đáp ca, “Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ!”.
Câu chuyện thứ hai hấp dẫn hơn. Hai môn đệ thất chí về làng, mọi việc xem ra quá nghiệt ngã! Giêsu, người họ đặt trọn niềm hy vọng, nay chỉ là một cái xác ‘vô hồn’ đang yên nghỉ trong một ngôi mộ ‘vô danh’. Và kìa, một người khách lạ đồng hành, người này có vẻ ‘vô tội’ khi ‘vô tâm’ với những gì đã diễn ra trong mấy ngày qua. Thật dễ thương, người ấy sẵn sàng lắng nghe những gì họ kể; để rồi, trách họ ‘vô tín’, “Ôi kẻ khờ dại! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?”. Người ấy kể cho họ ‘một câu chuyện lớn hơn’, “Từ Môisen đến tất cả các tiên tri”. Thật hồi hộp với phần kết. Khi gần tới làng, hai người mở lời, “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Để khi ngồi ăn, người ấy “cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận biết Chúa Giêsu”.
Anh Chị em,
“Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?”. Tại sao lại buồn bã? Các ông đang ‘mắc kẹt’ với những ‘tai ương và vết thương’ của chính họ; họ thất vọng vì chậm tin vào Thánh Kinh. Augustinô nói, “Họ bối rối khi thấy Ngài bị treo trên thập giá, đến nỗi họ quên mất sự dạy dỗ của Ngài, không tìm kiếm sự phục sinh của Ngài và không mảy may nhớ lại những lời Ngài đã hứa!”. Điều này cũng đúng với bạn và tôi, chúng ta chưa hiểu hết ‘câu chuyện lớn hơn’ của Thiên Chúa. Phía sau cuộc khổ nạn của Con mình, Thiên Chúa chứng tỏ ơn Ngài cứu độ để “dưới gầm trời này chỉ nhờ Đấng ấy mà chúng ta được nhận lãnh hết ơn này đến ơn khác”. Đó là câu chuyện vĩ đại mà Thiên Chúa muốn kể cho chúng ta. Nhân loại đang cần nghe câu chuyện đó và cần được chữa lành nhờ danh Đấng ấy. Ai sẽ kể về Ngài cho thế giới nếu không phải bạn và tôi! Chớ gì mỗi người chúng ta sẽ là bạn đồng hành cho những ai trên ‘đường Emmaus’ đời họ, kể cho họ ‘một câu chuyện lớn hơn’ về Giêsu, Đấng Cứu Độ Thế Giới, để mắt họ cũng sáng ra mà ‘quay về phía Mặt Trời’, hầu có thể bước đi trong an bình và niềm vui!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con sẽ kể cho Chúa câu chuyện ‘đáng thương’ đời con; Chúa sẽ kể cho con câu chuyện ‘đáng mừng’ về lòng thương xót Ngài. Đến lượt con, con sẽ đồng hành với những ai lạc hướng, kể cho họ ‘câu chuyện lớn hơn’ về Chúa, Đấng cứu độ con, cứu độ thế giới!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

SUY NIỆM:
“... Mắt họ sáng ra và nhận ra Người.” (Lc 24,31).
Chúng ta vừa trải qua những ngày Tuần Thánh, tuần cao trọng nhất trong Năm Phụng Vụ, đặc biệt là Tam Nhật Thánh với đỉnh cao là Chúa Nhật Phục Sinh. Và những ngày Bát Nhật Phục Sinh này chính là Chúa Nhật Phục Sinh kéo dài.
Lời Chúa những ngày Bát Nhật Phục Sinh loan báo cho chúng ta những lần hiện ra của Chúa Giêsu Kitô khi Ngài đã Phục Sinh. Chúa Giêsu muốn củng cố niềm tin các tông đồ cũng như các tín hữu sơ khai bằng việc lặp lại những gì trước đây Ngài đã loan báo.
Chúng ta hãy đặt mình trong bối cảnh các tông đồ và các tín hữu sơ khai. Hãy nhớ lại từ đầu cuộc đời Chúa Giêsu Kitô. Mầu Nhiệm Máng cỏ, Thập Giá, và Nhà Tạm. Tất cả soi sáng cho thấy Thiên Chúa là Đấng siêu vời đã tự hạ, đến và ở với con người để cứu độ con người.
Ơn sủng lớn nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại chính là Thiên Chúa đã ban Con Một Ngài là Đức Giêsu cho nhân loại, để nhờ Ngài con người được ơn cứu độ. Ơn cứu độ giải thoát toàn thể nhân loại tin khỏi tội lỗi và sự chết. Đó không chỉ là giải thoát khỏi nô lệ về chính trị văn hóa hay chỉ là giải thoát dân riêng Israel: ‘Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel’ (Lc 24,21). Đó là điều người ta mong đợi vào Đức Giêsu. Nhưng Ngài đã làm điều vĩ đại hơn nhiều.
Ngay từ khi Chúa Giêsu nhập thế, qua hình ảnh máng cỏ, Thiên Chúa đã mạc khải Ngài là Đấng Emmanuel tức là Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Qua mầu nhiệm Thập giá, Thiên Chúa ở cùng chúng ta trong ý nghĩa cùng tận nhất. Để rồi nơi Nhà Tạm, Thiên Chúa ở cùng chúng ta trong quyền năng mạnh mẽ nhất, nên của ăn nuôi dưỡng chúng ta, nên nguồn sống, sinh lực và bình an cho chúng ta.
“... Mắt họ sáng ra và nhận ra Người”(Lc 24,31). Mỗi khi cử hành thánh lễ, nhất là trong mùa Phục Sinh này, ta nhận ra Chúa Kitô, Con Một Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã chịu chết để cứu độ nhân loại, Đấng đã phục sinh vinh hiển, nhưng Đấng ấy vẫn là Đấng Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Anh Tuấn


SUY NIỆM:
Hai môn đệ Emmmau ngót 3 năm bám chân theo Thầy Giêsu nhằm xây mộng đời cho ngày mai tươi sáng, nhưng không ngờ mọi dự tính về một tương lai huy hoàng giờ lại tan biến thành mây khói sau cái chết của thầy Giêsu. Thất vọng, chán nãn, ngã lòng, cảm thấy thua cuộc, hai ông quyết định trở về quê cũ, làm lại nghề xưa nhằm kiếm cơm sống qua ngày.
Nhưng không ngờ chính lúc hai ông bước đi trong nỗi buồn tuyệt vọng, thì Chúa Phục sinh lại hiện ra đồng hành cùng hai ông như người khách bộ hành. Ngài đã lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, vui buồn mà hai ông gặp phải. Ngài đã cũng chia sẻ bằng cách giải thích cho họ hiểu lời Thánh Kinh đã nói về Người phải chết, sống lại mà cứu chuộc muôn dân, nhờ đó họ cảm thấy ấm lòng, nhưng vẫn chưa hiểu hết, mãi cho đến khi hai ông chứng kiến lại nghi thức bẻ bánh trong bữa ăn tối với hai ông sao giống như cử chỉ mà Chúa đã thực hiện trong bữa Tiệc Ly với các môn đệ trước khi chết, thì lúc ấy hai ông mới nhận ra quả thực Thầy mình đã sống lại và hiện ra với mình. Ngay lúc đó niềm vui vỡ oà trong tim, họ liền quay lại Giêrusalem để báo tin cho các môn đệ khác.
Những khó khăn trong cuộc sống, đôi khi làm cho chúng ta tưởng rằng Chúa đâu mất rồi, Ngài không thấy, không nghe những nổi khổ của chúng ta. Thực ra, Chúa Phục sinh vẫn đang hiện diện bên cạnh chúng ta, và cùng đồng hành với chúng ta trong mọi nẻo đường đời, chỉ tại chúng ta không nhận ra sự hiện diện của Người thôi.
Thế giới ngày nay không thiếu những tâm hồn cô đơn tuyệt vọng. Tuyệt vọng vì mất niềm tin, tuyệt vọng vì không thấy ý nghĩa cuộc đời. Giữa những cảnh cô đơn tuyệt vọng ấy, người kitô hữu chúng ta có bổn phận đốt lên những ngọn lửa tin yêu và hy vọng để sưởi ấm tâm hồn họ. Bổn phận này không đòi hỏi những phương tiện lớn lao, những khả năng xuất chúng, mà chỉ cần những nghĩa cử bé nhỏ đầy tình Chúa và tình người. Một hành vi bác ái, một lời an ủi, một giây phút gặp gỡ trong tình Chúa sẽ rất cần thiết cho cuộc đời này.
Xin Chúa cho chúng ta lòng tin đủ mạnh để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời này, nhờ đó mà chúng con mới dễ dàng vượt qua những nỗi buồn và thất vọng xảy ra trong cuộc sống.
Lm Seoka

SUY NIỆM:
Nhiều nhà tu đức xưa và nay vẫn coi “hành trình Emau” là một thánh lễ đầu tiên do Chúa Giêsu cử hành cho hai môn đệ. Thánh lễ đặc biệt này cũng bao gồm hai phần là “phụng vụ Lời Chúa” (Chúa cắt nghĩa Thánh Kinh) và “phụng vụ Thánh Thể” (Chúa Giêsu cầm bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho môn đệ).
Ở đây chúng ta không nghiên cứu lại điều đó nữa, nhưng cùng nhau suy tư và chiêm ngưỡng về một Đấng Phục Sinh đầy yêu thương đi tìm những ai thất vọng, mà đưa họ trở về hợp đoàn với cộng đồng.
Đấng Phục Sinh hiện ra để xoa dịu nỗi đau mất mát quá lớn của Maria Mácđala và các người phụ nữ, vào xua tan sự sợ hãi của các Tông Đồ đang nhốt mình trong căn phòng đóng kín, và hôm nay Người đang đi tìm hai môn đệ đã thất vọng bỏ lại niềm tin vào Thầy và bỏ cộng đoàn bạn hữu để về quê.
 
Hai môn đệ trên đường Emmau hôm nay đã vỡ mộng tất cả sau cái chết của Thầy. Các ông trở về quê để tìm lại kế sinh nhai, mang theo một nỗi ê chề chán chường và xấu hổ với gia đình cũng như hàng xóm láng giềng. Đấng Phục Sinh đã đến đồng hành với họ suốt quảng đường dài để giúp họ quay về với Người để lãnh lấy sứ vụ chứng nhân phục sinh.
 
Qua trình thuật, chúng ta thấy nổi bật lên những điểm nhấn quan trọng sau đây:
- Trước hết chỉ rõ ra mục đích ban đầu của hai môn đệ là theo một Đấng Kitô oai hùng kiểu nhân loại, chứ không phải một Đức Kitô đích thực là chịu đóng đanh và sống lại để cứu chuộc nhân loại. Xác định sai mục đích nên thất vọng.
 
- Lời Chúa đóng vai trò quan trọng trong việc thức tỉnh tâm hồn trong cơn thất vọng. Chúa Giêsu đã dùng Thánh Kinh để giải thích cho các ông hiểu con đường của Người phải đi qua là con đường thập giá.
 
- Chúa Giêsu đã đồng hành và giải thích Lời Chúa và nhờ đó mà lòng các môn đệ bừng cháy lên. Như thế, muốn giúp đỡ phải đồng hành, khi đồng hành thì nói lời Chúa chứ không phải lời mình. Giảng lời Chúa phải giúp tâm hồn tín hữu bừng cháy lên…
 
- Nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh: Thánh Thể là mối dây hiệp nhất, đưa người môn đệ trở về với cộng đoàn. Rước Thánh Thể là nhận ra và gặp được Đấng Phục Sinh và giao hoà với anh em.
 
- Điều quan trọng hơn cả là khi đã gặp được Đấng Phục Sinh, người môn đệ không đi theo lối mình thất vọng nữa, mà quay lại với cộng đoàn, tìm gặp gỡ đồng môn và cùng nói về Đấng Phục Sinh, để từ đó ra đi loan báo Tin Mừng.
 
Ước gì mỗi người chúng ta hôm nay sau khi cảm nhận được ánh sáng Phục Sinh cũng biết bỏ con đường cũ mà quay trở về với Chúa, với cộng đoàn và với anh em, cùng nhau kể lại cảm nnghiệm gặp Chúa và những gì Chúa làm cho chúng ta. Đồng thời loan báo Chúa Phục Sinh cho mọi người trong mọi hoàn cảnh mà chúng ta gặp gỡ.
 
Lạy Đấng Phục Sinh, xin cho con được gặp Ngài. Đặc biệt khi chúng con phải chán chường thất vọng, xin Ngài hãy đến đồng hành và nâng đỡ chúng con. Amen.
 
Hiền Lâm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây