GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.net


THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH Mt 28,8-15

THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH Mt 28,8-15
THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Mt 28,8-15

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mat-thêu
8 Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.
9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người.
0 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”
11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra.
12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn,13 và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác.
14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.”
15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.

SUY NIỆM: CHIA SẺ TIN MỪNG PHỤC SINH
Tuần Bát Nhật Phục Sinh là khoảng thời gian nối dài niềm hân hoan vui mừng, vì Chúa chúng ta đã sống lại khải hoàn. Đây chính là niềm tin và là niềm hy vọng của người kitô hữu chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi đừng chỉ bo bo giữ lấy niềm vui ấy cho riêng mình, nhưng hãy chia sẻ cho người khác. Bởi niềm vui được chia sẻ là niềm vui được nhân đôi.
Được tận mắt nhìn thấy người Thầy Giêsu đã chết nay sống lại, các phụ nữ trong bài Tin mừng hôm nay rất đỗi vui mừng. Họ ôm lấy chân Chúa Giêsu và muốn giữ mãi niềm vui ấy cho riêng họ. Nhưng Chúa Giêsu thì khác, Ngài bảo các bà hãy đi báo tin cho các tông đồ và môn đệ, để họ cũng được cảm nếm niềm vui của Đấng Phục Sinh. Chúa Giêsu muốn những người phụ nữ hãy trở nên những nhân chứng của Tin mừng phục sinh. Chúa muốn họ quãng đại chia sẻ niềm vui ấy cho những anh chị em xung quanh mình.
Bài trích sách Công vụ Tông đồ được đọc lên trong Thánh lễ hôm nay cũng cho ta biết, khi đón nhận được Tin mừng Phục Sinh từ những người phụ nữ, Thánh Phêrô không giữ cho riêng mình nhưng Ngài đã chia sẻ niềm vui ấy. Ngài nói về Chúa Giêsu Phục Sinh cho người khác, để tất cả đều được thấm nhuần ơn của Chúa phục sinh.
Thưa anh chị em, nhiều lúc chúng ta nghĩ rằng, Chúa đã Phục Sinh ai mà chẳng biết. Nhưng không, biết là một chuyện, tin là một chuyện, còn sống điều mình tin lại là một chuyện khác.
Có những người năm nào cũng sốt sắng đi lễ mừng Chúa phục sinh, về nhà còn ăn mừng lễ tưng bừng; nhưng rồi cứ mãi ù lì trong tội, ù lì trong các thói hư tật xấu. Có những người tuy tin Chúa Phục Sinh, nhưng chẳng thấy tha thiết gì với các Thánh lễ hằng ngày và các việc đạo đức. Lại có những người hát thật to alleluia – Chúa đã sống lại, nhưng về tới nhà, vợ mình - chồng mình – con cái – hay ngay cả hàng xóm láng giềng cũng không sao sống nổi với họ.
Nói lên những điều đó không nhằm chỉ trích ai, nhưng muốn nhấn mạnh rằng, điều chúng ta cần và phải chia sẻ cho nhau không chỉ là tin vui Chúa đã sống lại, nhưng còn là những hoa trái mà mỗi người lãnh nhận được từ ơn của Chúa phục sinh.
Ước gì một khi nhận ra được điều đó, vợ hãy giúp chồng, chồng hãy giúp vợ, cha mẹ hãy giúp đỡ con cái, và mỗi người hãy chia sẻ và giúp đỡ nhau, để chúng ta cùng nhau biến đổi con người cũ của mình, hầu ơn của Chúa phục sinh có thể sinh hoa quả dồi dào trên đời sống đức tin của mỗi chúng ta. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: CHUYỆN XẢY RA VÀO BUỔI SÁNG PHỤC SINH
A. Phân tích (Hạt giống...)
Thánh Mát-thêu thuật lại những chuyện xảy ra vào buổi sáng Phục sinh:
1. (Các phụ nữ đến mồ, thấy mồ trống, gặp thiên thần. Thiên thần cho hay Chúa Giêsu đã sống lại và bảo các bà đi báo tin cho các môn đệ và bảo họ Chúa Giêsu chờ họ tại Galilê). Trong tâm trạng vừa sợ vừa vui mừng, các bà chạy đi báo tin cho các môn đệ.
Tâm trạng sợ hãi: không phải là sợ hãi, mà là nỗi sợ tôn giáo, tâm trạng của người ý thức Thiên Chúa đang có mặt hoạt động. Vậy các bà “sợ” nghĩa là các bà ý thức Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giêsu sống lại.
Vui mừng: vì Thầy mình đã sống lại.
2. Đang khi các bà chạy đi báo tin thì Chúa Giêsu hiện ra. Câu đầu tiên của Ngài là “đừng sợ”. Rồi Ngài lặp lại lời thiên thần: Hãy đi báo tin cho các môn đệ, bảo họ rằng Ngài chờ họ ở Galilê.
“Đừng sợ”: Trong Thánh kinh, từ Cựu ước tới Tân ước, khi hiện ra với loài người, Thiên Chúa (hay thiên thần) đều nói “đừng sợ” (x. St 15,1 26,24 46,3 Tl6,23 Lc1,12.30 2,10 Mt14,27…).
Nếu như “sợ” là tâm trạng của con người khi biết mình đang ở trước mặt Thiên Chúa vì thấy mình bất xứng, thì lời nói “đừng sợ” có nghĩa là Thiên Chúa tự xóa khoảng cách giữa Ngài với loài người; hơn nữa, Thiên Chúa đem lại cho loài người sự bình an và vui mừng.
Khi nói về các môn đệ, Chúa Giêsu gọi họ là “anh em”: sự Phục sinh của Chúa Giêsu đã nâng mối liên hệ giữa Ngài với các môn đệ lên một bậc: họ trở thành anh em của Ngài.
3. Phản ứng của giới thượng tế và kì lão: đút tiền cho bọn lính canh để mua chuộc họ xuyên tạc sự thật về Chúa Giêsu sống lại.
B. Suy Niệm (...nẩy mầm)
1a. “Đừng sợ”: từ nỗi “sợ hãi” trong lúc Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết, các bà đã chuyển sang “kính sợ” khi nhận thấy quyền năng Thiên Chúa. Lòng “kính sợ” đi kèm với nỗi “vui mừng hớn hở”. Khi ta thực sự tin vào quyền năng Chúa, ta sẽ không còn “sợ hãi” bất cứ điều gì nữa, thậm chí còn có thể “vui mừng hớn hở” trong bất cứ tình huống nào, kể cả cái chết.
1b. Một cụ già còng lưng vì tuổi tác và vất vả đang gom củi trong rừng. Ong nghĩ về phận mình và cảm thấy chán trường. Ông ném bó củi xuống và than vãn: “cuộc sống cơ cực quá, không thể chịu nổi nữa! Ươc gì thần chết rước tôi đi!”.
Vừa nói xong thần chết xuất hiện với bộ xương trong chiếc áo đen đứng trước mặt ông và nói: “Ta nghe ngươi gọi, Ta có thể giúp ngươi điều gì ?”. Ông già kinh sợ nói: “Ngài có thể giúp tôi đặt bó củi này lên vai không ?” (Góp nhặt).
2a. Chúa Giêsu Phục sinh đã gọi các môn đệ là “anh em” của Ngài: sự Phục sinh của Chúa đã cứu chuộc tội lỗi của loài người, ban lại cho loài người quyền làm con Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Tạ ơn Thiên Chúa và Chúa Giêsu.
2b. Một giáo viên cấp II đang vào sổ hai cậu học sinh mới chuyển trường. Cô thấy tên họ của chúng giống nhau, dáng người và quần áo như nhau nên hỏi:
- Hai anh em sinh đôi phải không ?
- Không.
Rồi cô đọc thấy ngày tháng năm sinh của chúng chỉ cách nhau sáu tháng. Cô lại hỏi:
- Hai anh em họ phải không ?
- Không, chúng em là anh em ruột.
- Ồ, cô nghĩ có sự nhầm lẫn trong việc ghi ngày sinh của các em. Hai anh em về nói mẹ ghi lại ngày sinh của mình rồi đưa lại cho cô vào sáng mai nhé ?
- Tại sao vậy ?
- Bởi vì nếu hai anh em không sinh đôi mà lại là anh em ruột, thì Nam không thể lớn hơn Tâm có sáu tháng.
Hai cậu nhìn nhau. Rồi Nam quay lại, mỉm cười nói với cô giáo: “Nhưng em không phải là người lớn hơn; vì cô biết đó, một trong hai chúng em là con nuôi. Nhưng chúng em không biết ai là con nuôi.” (Góp nhặt).
3. “Tin Mừng hôm nay đề cập tới hai thái độ khác nhau trước biến cố Phục sinh: Một của các phụ nữ, một của nhóm lính canh. Đối diện với ngôi mộ trống, các phụ nữ nhận ra dấu chỉ của Tin Mừng Phục sinh và khởi điểm cho niềm hy vọng, tuy lo âu, nhưng họ cũng vui mừng vội vã đi báo tin cho các môn đệ. Còn đối với nhóm lính canh, ngôi mộ trống đã không là khởi điểm của sự tìm kiếm và tin tưởng, mà còn khiến họ xa rời niềm tin, chỉ vì sợ hãi và vì chút lợi lộc…
Kitô hữu là người đối diện với Tin Mừng Phục sinh và được trao cho nhiệm vụ đi loan báo cho người khác tin vui này…Tuy nhiên, như nhóm lính canh, có thể vì sợ hãi trước quyền lực trần thế, hay vì một chút lợi lộc, họ đành tâm phản bội Tin Mừng, và do đó cho đến nay vẫn còn những hiểu biết lệch lạc về Chúa Kitô và về Giáo hội” (Mỗi ngày một tin vui”).
4. Vậy là đã qua này sinh nhật vui với nhiều lời chúc, hoa và quà. Tôi lại trở về với cuộc sống thường nhật. Hụt hẫng! Cố níu kéo cảm giác hạnh phúc hôm qua. Nhưng đành bất lực!
…Có một niềm vui bên cạnh tôi chẳng bao giờ tan biến nhưng tôi nào hay biết: Chúa của tôi Phục sinh. Một niềm vui trọng đại, một ân điển lớn lao, cho bạn và cho tôi.
Bởi lẽ:
Tình yêu đã chiến thắng;
Sự thật đã lên ngôi.
Bạn và tôi hãy xóa đi hận thù, tranh chấp; hãy xa lánh mọi điều dối gian, để thế giới và nhân loại được Phục sinh nơi Ngài.
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
 
SUY NIỆM: PHẢN ỨNG KHÁC NHAU VỀ CHÚA PHỤC SINH.
Câu chuyện
Một câu chuyện dụ ngôn cổ kể lại rằng: Có bốn người đàn ông cùng đi xuyên qua một khu rừng. Bất thình lình có một bức tường cao cản bước đường của họ. Tò mò, họ làm một cái thang để nhìn xem cái gì ở sau bức tường đó. Người thứ nhất trèo lên tới đỉnh thang nhìn qua, bỗng anh la lên thích thú… Cũng giống như vậy với phản ứng của người thứ hai và ba… Còn người thứ tư khi lên đến đỉnh thang, anh mỉm cười vì nhìn thấy những khung cảnh thật tuyệt vời: một khu vườn xanh tươi phì nhiêu, với những cây trĩu quả đủ các loại, dòng suối trong mát đầy cá bơi lội, và những thú hoang dã cùng những súc vật nuôi dạo chung quanh suối và khu vườn xanh tươi. Đứng trước cảnh xuân xanh tuyệt vời đó, anh bị cám dỗ không nói ra với ai, chỉ muốn hưởng thụ một mình như ba người bạn trước. Nhưng anh nghĩ đến gia đình, bạn bè, hàng xóm và quay trở về để chia sẻ với họ niềm vui mà anh đã khám phá…
Suy niệm
Đức Kitô Phục sinh Halléluia… Cả bốn Tin Mừng và sách Công vụ tông đồ đều trình bày biến cố Đức Giêsu Phục sinh hiện ra (Mt 28,9-20; Mc 16,1-19; Lc 24,13-53; Ga 20,11-23; Cv 1,6-11).
Sự kiện Phục sinh được sáng tỏ qua các chứng từ: Tảng đá được lăn ra, ngôi mộ trống, thiên thần loan báo... Một biến cố đưa đến hai thái độ, hai hậu quả đối nghịch:
Các phụ nữ sau khi thăm mồ Chúa vui mừng hân hoan ra đi loan Tin Mừng Phục sinh biểu lộ tâm tình của Maria trong Ca tiếp niên Phục sinh reo vui:
…Tôi đã thấy mồ Đức Kitô đang sống
và vinh quang của Đấng Phục sinh,
thấy các thiên thần làm chứng,
thấy khăn liệm và y phục.
Đức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh…
Thật thế, các môn đệ và những người theo Ngài, đang ủ rũ héo tàn vì Thầy mình vừa qua đời tang thương như một tử tội, cái chết của Ngài tựa như mùa đông băng tuyết giết chết niềm tin. Chúa Giêsu sống lại như mùa xuân về nơi tâm hồn các ngài...
Trong lúc đó Tin Mừng Phục sinh làm các tư tế, hàng niên trưởng và quân lính lo sợ trốn chạy lui vào chỗ kín để bàn bạc chống lại tin vui Phục sinh trong sự cố chấp...
Sự Phục sinh đem niềm vui cho những người tin. Với kẻ không tin, biến cố phục sinh càng làm cho họ thất vọng ê chề như người bị bệnh mắt không thể tiếp nhận được ánh sáng huy hoàng rực rỡ của ban mai.
Thật thế, nếu chúng ta tin và gắn chặt với Ðức Giêsu Phục sinh, thật hạnh phúc tuyệt vời cho chúng ta. Nhưng khi chúng ta từ chối Tin Mừng Ðức Giêsu, chúng ta sống trong sự bất hạnh của sự cố chấp trong thất vọng.
Ý lực sống: “Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng” (1Cr 15,54).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

SUY NIỆM:
Tin mừng hôm nay thuật lại sự kiện Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các phụ nữ. Người chấn an các bà và sai các bà loan báo tin mừng phục sinh cho các tông đồ. Xin cho chúng ta có được niềm vui phục sinh và can đảm minh chứng niềm vui phục sinh cho mọi người.
Để biết được thông tin chính xác, ta cần lắng nghe chính người trong cuộc thông tin lại. Tin mừng hôm nay cho thấy có hai nguồn thông tin trái ngược nhau về sự kiện Chúa Giêsu sống lại.
Nguồn thông tin của các bà phụ nữ.
Đây là những người trong cuộc vì đã trực tiếp gặp gỡ Chúa Giêsu. Đã tận tai nghe lời Chúa nói cũng như đã đụng chạm đến chân Chúa. Các bà còn được Chúa trao nhiệm vụ loan báo cho các môn đệ biết về việc Chúa sống lại và muốn gặp các môn đệ tại Galilêa.
Nguồn tin của lính canh.
Những lính canh, cũng đã chứng kiến sự kiện ấy. Nhưng vì bị các thượng tế và kỳ lão mua chuộc và hù dọa nên họ nghe theo lời hướng dẫn của các thượng tế và kỳ lão phao tin không trung thực rằng: “ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ,các môn đệ hắn đã đến lấy trộm hắn đi”.
Cùng là chứng những sự việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra giống như các phụ nữ, nhưng những người lính canh đã bị khống chế của quyền lực và sự mua chuộc bởi tiền bạc của giới thượng tế và kỳ lão nên các ông đã thông tin sai sự thật.
Trong cuộc sống, chúng ta cũng thường nghe được những luồng thông tin khác nhau về một sự kiện nào đó xảy ra trong xã hội cũng như trong Giáo Hội. Có những thông tin chính thống cần tin theo. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi, phe nhóm và thế lực của mình cũng có không ít những thông tin sai lạc, ta cần phải kiểm chứng và dè chừng.
Hằng ngày trên các phương tiện truyền thông ta bắt gặp rất nhiều thông tin lề trái, lề phải nhằm dẫn dắt dư luận sang một hướng nào đó. Bên cạnh những thông tin thật cũng có nhiều thông tin không thật. Sống trong một xã hội mà phải liên tục đề phòng hàng giả, người giả, thông tin giả quả là một điều bất hạnh. Chắc chắc ai trong chúng ta cũng không muốn điều ấy xảy ra. Nhưng rồi chính cuộc sống chúng ta cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhiều lần vì sợ, vì tham vì bị mua chuộc… ta lại chấp nhận im lặng hay từ chối làm chứng cho chân lý. Lắm khi vì ham mê tiền bạc, chức quyền ta cũng sẵn sàng chối bỏ niền tin cách dễ dàng.
Chúa Phục sinh ban bình an cho các bà phụ nữ và sai các bà ra đi làm chứng niềm tin phục sinh. Hôm nay, Chúa phục sinh cũng ban bình an cho chúng ta và cũng mời gọi chúng ta can đảm làm chứng cho tin mừng chân lý và tình thương nhằm đem đến niềm vui và bình an cho tha nhân.
Xin cho chúng ta được trở nên chứng nhân trung thành của Chúa phục sinh trong cuộc sống hôm nay.
Lm Seoka

SUY NIỆM: CHÚA SẼ GẶP CÁC TÔNG ĐỒ Ở GALILÊA
Những người biệt phái, luật sỹ, kỳ lão, trưởng tế rất sợ Chúa khi Chúa còn sống. Họ sợ sự ảnh hưởng của Chúa đối với dân chúng quá lớn, để rồi dân chúng sẽ theo Chúa và bỏ họ. Đàng khác, họ mặc cảm thua sút Chúa về mọi phương diện, cho nên họ giết Chúa, không cho Chúa sống nữa và rồi coi như là  họ rất yên tâm khi Chúa đã chết. Nhưng mà sau ba ngày Chúa sống lại. Các lính canh về báo cho họ biết về điều này. Họ lại càng sợ hơn nữa, cho nên họ cho lính tiền để đừng nói cho một ai biết cả: “Ðang khi các bà lên đường, thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những gì đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ cho lính một số tiền lớn và bảo rằng: Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà đâu. Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Do-thái cho đến ngày nay” (Mt 28, 11 – 15). Do đó, họ là những người không thuận với Chúa, là phân tán những gì do Chúa làm ra: “Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán” (Lc 11, 23).
Về phần các tông đồ của Chúa, sau khi Chúa chết, các ngài vì sợ người Do Thái sẽ bắt bớ và giết mình như Chúa, cho nên các ngài đi tản mác khắp mọi nơi. Chính Chúa sống lại sẽ qui tụ các ngài. Vì thế, khi Chúa gặp các bà vừa ra khỏi mồ Chúa trong tâm trạng vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng chạy đi báo tin cho các môn đệ của Chúa biết những gì mà các bà đã thấy thì Chúa nói rằng hãy đi báo tin cho các anh em Chúa phải trở về Galilêa, ở đó, họ sẽ được gặp Chúa (Mt 28, 8 – 10). Như vậy, chính Chúa sau khi chịu chết và sống lại sẽ là Đấng qui tụ muôn dân nước khắp nơi trên mặt đất qua muôn thế hệ lại bên Chúa và rồi Chúa sẽ dâng điều ấy lên cho Thiên Chúa Cha và Chúa Cha sẽ phán dạy chúng ta phải suy phục quyền bính của Chúa: “Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là qui tụ mọi loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô (Ep 1, 10), và đã đặt Chúa làm vua, làm thủ lãnh, làm đầu, làm trưởng tử của chúng ta.
Như vậy, Chúa phục sinh là nỗi sợ hãi của ma quỷ, của những người chống đối Chúa. Ngược lại, Chúa phục sinh là niềm vui cho tất cả mọi người chúng ta, là các con cái của Chúa. Chúa phục sinh là nơi hội ngộ, qui tụ chúng ta để rồi Chúa sẽ sắp xếp lại trật tư trong vũ trụ, trong cuộc sống của chúng ta. Chúa làm như vậy vì chính tội lỗi đã làm phân tán chúng ta, sự chết đã hoành hành thống trị chúng ta, bây giờ Chúa đã đánh bại nó bằng việc Chúa sống lại, cho nên Chúa sẽ làm cho thế giới này, cuộc sống này không còn mất trật tự, hỗn độn như xưa nữa. Chúng ta rất vui mừng, sung sướng, hạnh phúc, hãnh diện vì được sống trong thế giới mới, thế giới trật tự, bình an của Chúa.
Lạy Chúa phục sinh, ngày hôm nay, chính Chúa qui tụ chúng con lại trong Hội Thánh của Chúa, mà một cách cụ thể là nơi phụng vụ thánh lễ. Nơi thánh lễ, Chúa lấy Lời Chúa và Thánh Thể Chúa để qui tụ, để dưỡng nuôi chúng con, xin Chúa ban ơn nâng đỡ, thúc đẩy chúng con luôn biết siêng năng đi tham dự thánh lễ mỗi ngày để chúng con được lớn lên trong tình yêu của Chúa, để mỗi ngày chúng con mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn trong đời sống đức tin và rồi sẵn sàng làm chứng nhân cho mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa nơi môi trường chúng con đang sống đây. Amen.
Lm Micae Võ Thành Nhân

SUY NIỆM: DIỆN KIẾN VÀ THỜ LẠY ĐẤNG PHỤC SINH
Bài Tin mừng hôm nay được trích từ Mt 28,8-15, trình thuật về sự kiện Đức Kitô phục sinh, hiện ra với các phụ nữ. Hai thái độ khác nhau đón nhận sự kiện này: Các phụ nữ diện kiến và thờ lạy Đấng Phục Sinh; còn lính canh, các thượng tế và kỳ mục chối bỏ, tung tin lừa đảo: „Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác“ (c.13).
 
Đức Giêsu - Đấng Phục Sinh hiện ra với các phụ nữ, mời gọi họ hãy vui lên, vì Người đã sống lại. Tại sao các phụ nữ khi gặp Đấng Phục Sinh lại phủ phục thờ lạy Người?
 
Các phụ nữ thờ lạy Người - hành động này chỉ được thực hiện trước Thiên Chúa mà thôi. Vì theo thánh Matthêu, từ đầu Tin mừng, Đức Giêsu được gọi là Con Thiên Chúa, vì Người là Con Thiên nên có Thiên Chúa ở trong Người. Vì thế, Người cũng được thờ lạy như Thiên Chúa Cha.
 
Đức Giêsu hiện ra, gặp các phụ nữ và trao cho các bà sứ vụ loan báo Tin mừng phục sinh. Ngoài sứ điệp loan tin phục sinh, các phụ nữ còn loan báo cho các môn đệ cuộc gặp gỡ của Đấng Phục Sinh với họ tại Galilee: „Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilee. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó“ (c.10). Tương quan bây giờ giữa các môn đệ với Đức Giêsu không còn là Thầy - trò, nhưng được chuyển thành „anh em của Thầy“. „Anh em của Thầy“ ở đây không có nghĩa là tương quan „bà con thân thuộc của Người“ như ở Nazareth (x. Mt 12,46; 13,55), mà ý nói là các môn đệ của Người. Như vậy, Đức Giêsu đã tha thứ cho các môn đệ khi họ phản bội Người trong cuộc tử nạn. Khi Đức Giêsu gọi các môn đệ là „anh em“, có nghĩa là Người cho các ông được tham dự vào „tương quan con cái của Người với Thiên Chúa“ (x. Ga 20,17-18).
 
Tại Galilee, „họ sẽ được thấy Thầy“, vì trong cuộc tử nạn, các môn đệ đã bị chia cách với Đức Giêsu do cái chết của Người, nay họ sẽ được tiếp xúc trực tiếp với Người là Đấng đã sống lại và đang sống.
 
Theo các Tin mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu khởi sự loan báo Nước Trời và thực hiện chương trình cứu độ thế giới bắt đầu tại Galilee, và hoàn tất chương trình đó tại Jerusalem. Sau khi Đức Giêsu phục sinh, Người cũng muốn các môn đệ trở về Galilee, và từ Galilee, miền đất của dân ngoại (x. Mt 4,15), để mang Tin mừng phục sinh của Người đến với thế giới.
 
Những chứng nhân của Đấng Phục Sinh không chỉ là các phụ nữ, các môn đệ, mà còn rất nhiều người (x. 1Cr 15,5-6), trong đó có thánh Phaolô, nên ngài đã quả quyết: „Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng“ (1Cr 15,14). Nhưng Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết nên Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô và bắt muôn loài phải quy phục Người (x. 1Cr 15,20.27-28).
 
Vì thế, khi diện kiến Đấng Phục Sinh, các phụ nữ thờ lạy Người. Các phụ nữ thờ lạy Người, vì Người được gọi là κύριος - Đức Chúa. Trong ngôn ngữ Hy Lạp, từ κύριος, dịch từ JHWH hay Adonaj ( יהוה ,אֲדֹנָי ) ca tiếng Do thái, từ này chỉ dành gọi một mình Thiên Chúa, nên mới có lời chép rằng: „Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ phượng một mình Người mà thôi“ (Mt 4,10).
 Vì Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Người đồng bản tính với Chúa Cha, Người có cùng vinh quang với Chúa Cha và có cùng phẩm tính như Chúa Cha: „Tôi và Chúa Cha là một“ (Ga 10,30), vì thế, Ngài có thể nói: „Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha“ (Ga 14,9), hoặc „Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha“ (Ga 10,38). Do đó, Thomas đại diện các môn đệ, sau khi được diện kiến Đức Kitô phục sinh, đã tuyên xưng một đức tin chưa từng có rằng: „Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con“ (Ga 20,28).
 
Vì Đức Giêsu là Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha nên Người cũng được nhận những tước hiệu và có quyền năng như Chúa Cha: Đấng sáng tạo (Is 40,28; Ga 1,3), Ánh sáng (Is 60,19-20; Ga 8,12), Mục tử tốt lành (Tv 23,1; Ga 10,11.14), Đấng khởi nguyên và tận cùng (Is 41,4; Kh 1,17), Đấng tha tội (Gr 31,34; Mc 2,5). Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng qua mầu nhiệm tự hạ, vâng phục và chết trên thập tự, nên đã được Chúa Cha tôn vinh và được ban tặng danh hiệu trổi vượt tất cả, đến nỗi khi nghe danh thánh Giêsu, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng: „Đức Giêsu Kitô là Chúa“ (Pl 2,6-11).
Hôm nay, chúng ta cũng được đón nhận Tin mừng phục sinh, chúng ta thờ lạy Đấng Phục Sinh như các phụ nữ đã làm, vì Người là Đức Chúa, hay chúng ta chỉ là những lính canh, các thượng tế và các kỳ mục chối bỏ, phao tin đồn nhảm và bàng quan trước sự kiện Đức Giêsu phục sinh như họ? Thiết nghĩ, chỉ có mỗi người trong chúng ta mới có câu trả lời xác đáng. Amen.
Lam Châu 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây