THỨ BẢY TUẦN IV PHỤC SINH NĂM C - Ga 14,7-14
- Thứ sáu - 09/05/2025 11:33
- In ra
- Đóng cửa sổ này

THỨ BẢY TUẦN IV PHỤC SINH NĂM C
Ga 14,7-14
Ga 14,7-14
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
7 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người”.
8 Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”.
9 Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Philipphê, Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha ?
10 Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư ? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc.
11 Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin, vì các việc Thầy đã làm. 12 Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha.
13 Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. 14 Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho”.
SUY NIỆM: XIN TỎ CHO CHÚNG CON THẤY CHÚA CHA!
Khi đọc bài đọc I hôm nay, chúng ta thấy có một cảm giác khó chịu với những người Do Thái. Họ được trình bày với một hình ảnh không mấy “dễ thương” ngay trong cách đối xử của họ với Chúa Giêsu và bây giờ với các Tông Đồ. Trong bài đọc 1, chúng ta có thể nhận ra ba nhóm sau: (1) các môn đệ [Phaolô và Banaba], (2) người Do Thái, (3) dân ngoại. Thái độ của ba nhóm phản ánh thái độ sống của chúng ta.
Các môn đệ: Các ngài bị người khác ghen tức, phản đối, ngược đãi, nhục mạ, và trục xuất, nhưng các ngài “được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần” (Cv 13:51). Còn chúng ta thì sao: khi bị ngược đãi và nhục mạ, chúng ta phản ứng thế nào? Các môn đệ chịu đựng tất cả những ngược đãi với niềm vui vì các ngài biết rằng mình đang thực hành thánh ý Thiên Chúa. Chỉ những người tìm kiếm và thực hiện thánh ý Thiên Chúa mới có thể đón nhận mọi trái ý với niềm vui và hoan lạc trong Thánh Thần.
Người Do Thái: Họ là những người ghen tức khi các môn đệ thành công trong việc rao giảng và được nhiều người quý mến; họ phản đối, nhục mạ, xách động người khác, xúi giục, ngược đãi và trục xuất các môn đệ. Nói tóm lại, họ sống trong sự bất an vì ghen tỵ. Đây cũng thường là thái độ của chúng ta khi thấy người khác, nhất là những người chúng ta không thích, thành công hơn mình. Tuy nhiên, chúng ta cần tránh thái độ này, vì nó đánh mất niềm vui và sự bình an của chúng ta. Thật vậy, người sống trong sự ghen tỵ và ghen ghét luôn bất an và không có niềm vui. Tại sao bạn tự làm khổ chính mình khi sống với thái độ đó!
Dân ngoại: “dân ngoại vui mừng tôn vinh Lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo” (Cv 13:48). Khi biết được Thiên Chúa đoái thương sai các môn đệ đến với họ, dân ngoại vui mừng. Họ vui mừng không chỉ vì các môn đệ. Họ vui mừng vì họ được Thiên Chúa “định cho hưởng sự sống đời đời.” Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về một thực tế trong cuộc sống, đó là nhiều khi chúng ta chỉ dừng lại ở niềm vui vì những người mang Tin Mừng đến cho chúng ta [các linh mục, tu sĩ, v.v. đến phục vụ giáo xứ]. Khi họ ra đi, chúng ta cũng mất niềm vui phục vụ. Chúng ta cần phải vượt qua thái độ này, để tìm thấy niềm vui trong Tin Mừng, trong Thiên Chúa để chúng ta luôn tôn vinh Chúa trong bất kỳ mọi hoàn cảnh.
Ngày hôm qua, chúng ta nghe Tôma hỏi Chúa Giêsu về đường đi và hôm nay Philíphê hỏi Chúa Giêsu về Chúa Cha. Để đến được đích mình muốn đến, chúng ta cần biết đường mình đi có phải là đường đúng không. Nhiều khi chúng ta quá chú ý đến đích và chúng ta không để ý đến đường và cuối cúng chúng ta bị lạc đường. Nếu đi đúng đường, chắc chắn chúng ta sẽ đến được đích. Đây là kinh nghiệm thường ngày khi chúng ta muốn đi đến một nơi nào đó. Tuy nhiên, trong câu khẳng định của Chúa Giêsu với Philíphê, Ngài cho ông và các môn đệ khác biết rằng Ngài là trung gian nhưng cũng là đích đến, vì “ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14: 9).
Mấu chốt của bài Tin Mừng hôm nay nằm ở câu đầu tiên: “Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: ‘Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người’” (Ga 14:7). Tuy nhiên, trong câu này, từ quan trọng nhất là từ “biết.” Từ này được lặp lại ba lần. Trong bài chia sẻ ngày hôm qua, chúng ta đã trình bày về ý nghĩa của chữ “biết,” “biết” theo nghĩa Kinh Thánh khi đạt đến mức hoàn hảo chính là “yêu.” Như vậy, chúng ta có thể viết lại câu trên như sau: “Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: ‘Nếu anh em yêu Thầy, anh em cũng yêu Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em yêu Người và đã thấy Người’.” Như chúng ta biết, tình yêu sẽ làm cho người yêu và người được yêu trở nên một. Chính trong bối cảnh này, chúng ta mới hiểu được điều Chúa Giêsu trả lời cho Philíphê: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.”
Trong phần hỏi-đáp của Chúa Giêsu và Philíphê, chúng ta nhận ra cấu trúc như sau: Philíphê xin (Ga 14:8) – Chúa Giêsu trả lời (Ga 14:9-11) – Chúa Giêsu hứa (Ga 14:12-14). Chúng ta cùng nhau phân tích từng phần để rút ra những điều đáng để chúng ta suy gẫm trong ngày hôm nay.
Điều Philíphê xin là điều đáng làm chúng ta suy gẫm cho cuộc đời của những người lam lũ ngày đêm để tìm kiếm những của cải vật chất và danh vọng hầu thoả mãn nhu cầu của mình. Điều Philíphê xin đơn giản là: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14:8). Điều ông và các môn đệ khác mong ước chỉ là “thấy Chúa Cha.” Dầu ông chưa biết và chưa hiểu được về mầu nhiệm hiệp nhất giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha, nhưng trong tận đáy thẳm tâm hồn, điều ông hằng mong ước đó là được nhìn thấy Thiên Chúa [Chúa Cha], Đấng mà Chúa Giêsu yêu mến và luôn dành thời gian để đối thoại. Đây có phải là điều chúng ta hằng mong ước không? Nói cách cụ thể hơn, mỗi khi đến với Chúa, chúng ta xin Ngài điều gì? Hay điều gì làm chúng ta mãn nguyện trong cuộc sống dương thế này? Cuộc đời con người ở dương thế là một hành trình tìm kiếm và chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa. Và hành trình này chỉ đạt được khi chúng ta “biết” Chúa Giêsu, vì chỉ nơi Ngài chúng ta mới nhìn thấy dung nhan “hữu hình” của Thiên Chúa.
Như chúng ta thấy trong câu 7, Chúa Giêsu khẳng định rằng: ai “biết” Ngài thì cũng “biết” và “thấy” Chúa Cha. Ở đây, “biết” hay đúng hơn là “yêu” liên kết chặt chẽ với “thấy.” Nói cách khác, khi chúng ta nói là chúng ta “biết” hay “yêu” một người, thì chắc chắn chúng ta đã “thấy” người đó. Đây chính là mấu chốt để chúng ta hiểu câu trả lời của Chúa Giêsu cho Philíphê: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.” Trong phần trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy có hai phần riêng biệt, đó là Chúa Giêsu khẳng định Ngài và Chúa Cha là một (Ga 14:9-10a) và hệ quả là những lời Ngài nói và những việc Ngài làm là từ Chúa Cha (Ga 14:10b-11). Như vậy, Ngài chính là “mạc khải” của Chúa Cha qua lời nói và việc làm của Ngài. Đây là điều chúng ta cần suy gẫm: qua lời nói và việc làm của chúng ta, chúng ta có tỏ lộ cho người khác biết về Thiên Chúa không? Trong triết học, có nguyên lý sau: “Hành động đi theo hữu thể” [hay “hữu thể nào, hành động đó]. Chính hành động “mạc khải” hữu thể: nếu là một linh mục thì hành động của họ phải tương xứng với “hữu thể” của họ, nếu là một tu sĩ thì hành động của họ phải tương hợp với ơn gọi của họ, và nếu là một người Kitô hữu thì hành động phải tỏ ra mình là một người tin vào Chúa Giêsu. Hành động của chúng ta đã tỏ ra cho người khác biết chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu chưa?
Trong phần thứ hai câu trả lời của Chúa Giêsu cho Philíphê, Ngài bắt đầu đưa các môn đệ đến những lời hứa của Ngài. Ngài hứa với họ là họ “sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc thầy làm…” (Ga 14:12). Lời hứa này hàm chứa việc các môn đệ có khả năng làm phép lạ nhân danh Chúa Giêsu. Điều này chúng ta thấy trong bài đọc 1, trích từ sách Công Vụ các Tông Đồ, mà chúng ta đã, đang và tiếp tục nghe. Các môn đệ làm được những phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm. Điều này cũng được lặp lại ngày hôm nay nơi các thánh mà chúng ta biết hoặc đọc về các ngài. Tuy nhiên, có một “phép lạ” mà ai trong chúng ta cũng làm được nhưng nhiều người trong chúng ta không để ý đến, đó là “yêu thương và tha thứ.” Đây chính là phép lạ cao cả nhất mà Chúa Giêsu đã thực hiện để biến chúng ta từ “tội nhân” thành “con cái Thiên Chúa.” Hãy sống và làm “phép lạ” này mỗi giây phút trong ngày của chúng ta.
Điểm cuối cùng chúng ta suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là việc Chúa Giêsu hứa làm tất cả những gì mà các môn đệ xin Chúa Cha nhân danh Ngài: “Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó” (Ga 14:13-14). Câu nói này được trình bày dưới nhiều dạng khác nhau trong các Tin Mừng Nhất Lãm (x. Mt 7:7//Lc 9:9; Mt 7:8//Lc 9:10; Mt 18:19; Mt 21:22). Trong Tin Mừng Thánh Gioan, các hình thức khác nhau của lời hứa này được tìm thấy trong các câu 14:13-14; 15:16 và 16:23-24,26. Trong những hình thức này, chúng ta thấy đôi khi Chúa Giêsu là người thực hiện lời cầu xin cho chúng ta, đôi khi Chúa Cha. Chi tiết chúng ta cần lưu ý ở đây là việc Chúa Cha sẽ được tôn vinh khi chúng ta xin bất cứ điều gì nhân danh Chúa Giêsu và Ngài sẽ thực hiện điều đó. Nói cách khác, Chúa Cha được tôn vinh khi chúng ta xin và Chúa Giêsu làm cho chúng ta điều chúng ta xin nhân danh Ngài. Điều chúng ta xin nhân danh Ngài ở đây là gì? Trong bối cảnh của chương 14 và những chương kế tiếp [15-17], điều Chúa Giêsu muốn chúng ta xin đó là sự hiệp nhất trong Thánh Thần, để tất cả những gì chúng ta nói và làm sẽ làm chứng cho sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con. Cụ thể hơn, hãy xin Chúa biến chúng ta thành khí cụ của sự hiệp nhất qua lời nói và việc làm chứ không phải là nguyên nhân chia rẽ.
Lm Ngọc Dũng, SDB
SUY NIỆM:
A- Phân tích (Hạt giống...)
Chúa Giêsu là mặc khải của Chúa Cha. Tiếp tục những lời thân tình của Chúa Giêsu trong bầu khí bữa tiệc ly. Philipphê xin: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu đáp: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha”.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Được biết Thiên Chúa và được thấy Ngài, đó là ước muốn rất chính đáng và rất sâu xa của mọi tín hữu. Chúa Giêsu đáp ứng ước vọng đó: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha”. Nhìn Chúa Giêsu ta có thể biết Chúa Cha như thế nào: Nhân từ, hiền hậu, gần gũi với những người đau khổ, khoan dung với những kẽ tội lỗi… Thiên Chúa mà chúng ta thờ là như thế đó.
2. “Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”. Chúa Giêsu nói đến sức mạnh và năng lực kì diệu Ngài sẽ ban cho kẻ tin vào Ngài. Các vị Thánh đã tin và đã làm được những phép lạ như Chúa Giêsu. Tôi có tin không ?
3. “Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc” (Ga 14,10).
Có một vị ẩn sĩ sống khiêm tốn và nghèo khó. Ngày kia, một Thiên thần đến nói với ngài: “Chúa sai tôi đến gặp ngài, ngài có thể xin bất cứ điều gì ngài muốn. Vậy, ngài có muốn được ơn chữa bệnh không ?” Vị ẩn sỹ trả lời: “Không, thà để chính Chúa chữa trị thì tốt hơn”. Thiên thần lại đề nghị: “Hay ngài có muốn trở thành mẫu gương để người khác nhìn vào mà sống tốt đẹp hơn không ?” Vị ẩn sỹ khiêm tốn nói: “Không, bởi thế tôi sẽ trở thành trung tâm của sự chú ý”.
Cuối cùng Thiên Thần nói: “Ít nhất ngài nên xin một điều gí đó vì Chúa muốn thế”.
“Vâng, tôi xin điều này: xin cho mọi việc thiện được thực hiện qua tôi mà tôi không hề hay biết”. Thế là lời ước của vị ẩn sỹ thành hiện thực, Thiên Chúa ban cho cái bóng của Ngài có được mọi quyền năng. Nơi nào có bóng Ngài đi qua người bệnh được chữa khỏi, niềm vui thay cho sầu khổ và đất đai trở thành phì nhiêu. Nhưng ẩn sỹ không hề hay biết điều đó, vì dân chúng chỉ chú ý đến cái bóng, đến độ quên hẳn Ngài.
Xin cho con biết sống như Thánh Gioan Tẩy giả “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”. (Epphata).
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
SUY NIỆM:
Khao khát được biết Thiên Chúa Cha là khát vọng chính đáng của con người, và cùng đích của con người chính là được đời đời chiêm ngưỡng thánh nhan Cha. Chính vì thế mà sau khi Chúa Giêsu nói về Thiên Chúa Cha, tông đồ Philípphê đã không ngần ngại thưa với Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con đã mãn nguyện”.
Thấy Thiên Chúa Cha ư? Con mắt phàm tục không thể nhìn thấy Thiên Chúa. Đó là điều được nói đến trong Cựu Ước, rằng không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống: Môsê phải che mặt khi đối diện, Êlia chỉ được nhìn thấy phía sau, các tổ phụ, thẩm phán và ngôn sứ chỉ được thấy Chúa qua các thiên sứ hoặc các biến cố như mây, lửa… Và chính Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng phải nhờ Chúa Con mặc khải cho”. Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.
Như thế, chỉ có Chúa Giêsu là mặc khải tròn đầy về Thiên Chúa Cha. Câu trả lời cho Philípphê hôm nay chứng mình điều đó, đồng thời mạc khải chắc chắn về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Ba Ngôi vừa hiện hữu tại thân vừa hiện hữu hướng về đến duy nhất, như Chúa Giêsu nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha, Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy”.
Trong lịch sử đã xảy ra nhiều lạc thuyết tìm cách tách rời tính duy nhất này và Giáo Hội đã có nhiều công đồng để lên án và tuyên tín. Về sau này và càng gần đây xuất hiện nhiều cái gọi là mặc khải tư hay sứ điệp này nọ mà ông này bà kia tự xưng là “thị nhân” “con gái yêu” nói rằng được Chúa Cha hay Chúa Thánh Thần hiện ra cho biết. Giáo Hội luôn dè dặt và không ủng hộ những điều đại loại như thế, nhưng chính những thứ đó lại gây hoang mang cho nhiều người, thậm chí cả những anh chị em thuộc giới tu hành tin và phổ biến.
Điều đáng buồn là một số người người những Giáo Huấn chính thức của Giáo Hội được Chúa Kitô trao quyền bảo vệ đức tin thì không theo, lại chạy theo những thứ “chui cửa sau” mà không qua Giáo Hội.
Chính vì thế, qua bài Tin Mừng hôm nay, xin hãy ý thức cho rằng:
- Không phàm nhân nào nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống.
- Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, trừ khi Chúa Con mặc khải cho.
- Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.
- Chúa Giêsu là mặc khải tròn đầy về Chúa Cha, nên tất cả mọi mặc khải khác đều phải quy về Chúa Giêsu và vâng phục Giáo Hội.
- Chúa Giêsu làm tất cả những gì mọi người cầu xin với Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu.
Đó là tất cả những gì được nói tới trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống. Đó là đức tin tông truyền của Giáo Hội, vì thế không có con đường chui nào khác mà không qua Chúa Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất. Những linh đạo qua Đức Mẹ và các thánh đều quy hướng về Chúa Kitô. Mọi điều lớn lao mà các Kitô hữu làm được không phải do công chính mình, mà là do niềm tin vào Đức Kitô.
Lạy Chúa Giêsu, với niềm khao khát như thánh Philípphê, xin cho chúng con được nhìn thấy Thiên Chúa Cha hiện hữu trong mọi nơi mọi lúc, đặc biệt trong mọi biến cố cuộc đời, để chúng con sống trọn niềm thảo hiếu với Người. Amen.
Hiền Lâm
SUY NIỆM: HẠNH PHÚC KHI BIẾT CHÚA
Từ xưa đến nay, con người không ngừng tìm kiếm chân lý. Không riêng gì những người có niềm tin vào thần thánh, mà cả những người không tin có thần thánh cũng khao khát đạt đến chân lý. Nếu ước mơ của con người là đời sống hạnh phúc thì chân lý là cửa ngõ để bước vào niềm hạnh phúc ấy. Bởi lẽ làm sao một người có thể sống hạnh phúc nếu không biết bản thân mình từ đâu mà đến, sẽ đi về đâu, đâu là mục đích sau cùng của cuộc sống? Đức tin Kitô giáo dạy cho chúng ta biết nguồn hạnh phúc đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa, vì thế con đường đạt tới hạnh phúc là con đường tìm gặp và kết liên với Thiên Chúa.
Khao khát được diện kiến Thiên Chúa đã làm cho ông Philípphê phải thốt lên: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện ”. Hỏi như vậy vì ông vẫn chưa nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15). Câu hỏi đặt ra là tại sao sống bên Thiên Chúa thật mà ông Philípphê vẫn không thể nhận ra Người? Có lẽ cách mà ông hình dung về Thiên Chúa khác với cung cách của Đức Giêsu, hoặc nhãn quan ông nhìn vào Đức Giêsu không khác gì nhãn quan ông nhìn vào các thực tại và kỳ vọng trần thế, bởi đó tâm hồn ông bị che khuất khỏi nguồn chân lý thật vốn có thể được nhận biết bằng một con tim đơn sơ, phó thác.
Hôm nay chúng ta nhận mình tin Chúa và biết Chúa nhưng biết đâu cái biết của chúng ta chỉ đơn thuần là sách vở? Thiết nghĩ một sự nhận biết Thiên Chúa tất yếu phải đụng chạm đến được con tim qua kinh nghiệm gặp gỡ trong cầu nguyện và những biến cố buồn vui của cuộc sống. Sẽ là không biết Thiên Chúa nếu Thiên Chúa đó vẫn còn xa lạ với vận mệnh của cuộc đời mỗi chúng ta.
Lạy Chúa xin giúp con biết không ngừng tìm gặp Chúa trong mọi giây phút của cuộc sống con và để cho Ngài biến đổi con. Amen.
Tu sĩ Phêrô Nguyễn Hữu Liêm Chánh, SVD
SUY NIỆM: CẦU NGUYỆN NHÂN DANH CHÚA.
Thường tình chúng ta không tiếc lời ca ngợi kẻ xa lạ vì đã làm được những việc đáng kể, nói ra nhiều câu chí lý, có một hành động đáng phục. Trong khi đó chúng ta lại rất hà tiện lời khen đối với người sống gần bên cạnh, trong chính tập thể chúng ta, dù người đó không những đã làm, đã nói, đã sống, mà còn hơn cả những người được ca ngợi, nhưng lại sống xa chúng ta. Ðây có thể phần nào là hoàn cảnh sống của các môn đệ, nhất là của Philipphê. Họ đã sống gần Chúa Giêsu, Thầy của mình, bao nhiêu năm qua, nhưng dường như họ vẫn chưa hiểu Chúa và mối tương quan của Ngài với Thiên Chúa Cha. Chính vì thế, mà trong câu nói của Chúa Giêsu cho các môn đệ có mang chút ít sự chua xót và trách móc: “Thầy đã ở với các con lâu rồi mà các con không biết Thầy sao? Hỡi Philipphê, ai xem thấy Thầy thì cũng xem thấy Cha. Hãy tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy. Ít nhất, các con hãy tin điều đó vì thấy các việc Thầy đã làm”.
Thật thế, không thiếu những dấu chỉ cho chúng ta biết mối quan hệ thâm sâu và đặc biệt giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha. Ðặc biệt trong đoạn Phúc Âm vừa đọc trên, chúng ta có thể ghi nhận một dấu chỉ đặc biệt, đó là Chúa Giêsu qua Chúa Thánh Thần mà Ngài sẽ ban xuống, sẽ ban cho các môn đệ làm những việc cả thể hơn nữa. Họ sẽ hành động nhân danh Chúa, sẽ khai sinh một cộng đoàn mới, một Giáo Hội của Chúa. Nhưng chắc chắn các môn đệ sẽ gặp khó khăn và phương thế để vượt qua những khó khăn là cầu nguyện, cầu nguyện nhân danh Chúa. Hai lần trong cùng một đoạn văn vừa đọc, Chúa Giêsu đã yêu cầu các môn đệ của Ngài hãy cầu nguyện, cầu nguyện hết lòng tin tưởng, cầu nguyện nhân danh Chúa. Chúng ta có xác tín về những gì Chúa Giêsu giãi bày cho chúng ta hay không?
Lạy Chúa, trong ánh sáng phục sinh của Chúa, chúng con được mạc khải cho biết thực thể đúng thực của Chúa, là Ðấng sống hiệp nhất với Thiên Chúa Cha, nhưng đồng thời không bỏ quên chúng con. Chúa muốn chúng con hướng về Chúa. Xin đừng để chúng con đi tìm một vì Thiên Chúa khác, mà quên chính Chúa, là Ðấng luôn luôn hiện giữa chúng con mọi nơi mọi lúc.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)