GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.net


THỨ BA TUẦN VI PHỤC SINH NĂM C Ga 16,5-11

THỨ BA TUẦN VI PHỤC SINH NĂM C Ga 16,5-11
THỨ BA TUẦN VI PHỤC SINH NĂM C
Ga 16,5-11

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
5Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: “Thầy đi đâu ? 6Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền.
7Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.
8Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: 9về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy;
10về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; 11về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.

SUY NIỆM 1: ĐẤNG BẢO VỆ
Các môn đệ đã từ bỏ tất cả để gắn bó với Chúa Giê-su. Nay Người ra đi hỏi sao các môn đệ không buồn phiền lo lắng. Nhưng Chúa Giê-su quả quyết: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Vệ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em”.
Chúa Giê-su ra đi thì có lợi. Vì các môn đệ từ nay không sống bằng thế giới khả giác nữa, nhưng đi vào thế giới siêu nhiên mầu nhiệm. Ánh mắt dõi theo Chúa trong ngày lễ Thăng Thiên sẽ hướng về nội tâm, để họ kết hợp với Chúa Giê-su vinh hiển trong thế giới thần linh. Đó là thế giới của mầu nhiệm Ba Ngôi. Và biểu hiện mạnh mẽ qua Chúa Thánh Thần.
Ngôi Lời nhập thể hữu hình trong thời gian phải chịu những giới hạn của con người. Nay Người ra đi về thế giới thần linh. Để quyền năng của Người thể hiện qua Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là sự sống của Chúa Giê-su. Là Thần Khí Đức Ki-tô.
Đấng Bảo Vệ đến bảo vệ các môn đệ. Điều đó thể hiện cụ thể trong bài sách thánh hôm nay. Người bảo vệ Phao-lô và Si-la tuy bị đánh đập nhưng không phải chết. Tuy bị giam cầm nhưng tâm hồn vẫn tự do và vui tươi. Vẫn ca hát và dậy dỗ, khuyên nhủ và rao giảng. Cửa sắt và gông xiềng chẳng đủ sức trói buộc các ngài.
Thần Chân Lý đến cho thế gian thấy sự sai lầm. Thế gian cụ thể qua viên cai ngục. Sau biến cố động đất và cửa ngục cùng gông xiềng bật tung ra, viên cai ngục nhận biết mình tội lỗi vì đã không tin Chúa. Nên quì sấp mặt xin Phao-lô tha tội. Ông muốn sống công chính khi trả về cho Chúa quyền năng trên cuộc đời minh. Nên ông tuân phục Thiên Chúa. Và ông tránh án phạt. Vì không tin Chúa là đi vào sự chết. Chỉ tin Chúa mới đem đến sự sống. Ông đã hỏi Phaolô: “Tôi phải làm gì để được ơn cứu độ”. Thánh Phaolô đã vạch cho ông con đường sự sống: “Phải tin vào Chúa Giêsu”.
Tạ ơn Chúa Giê-su hiển vinh đã ban Đấng Bảo Vệ và Thần Chân Lý đến. Xin Chúa Thánh Thần xuống tràn đầy trong con. Để con được bình an hoan lạc. Và luôn sống theo sự thật của Chúa.
 TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

SUY NIỆM 2: TRÔNG CẬY VÀO CHÚA THÁNH LINH
Trang Tin mừng hôm nay là lời giáo huấn nối tiếp của Chúa Giê-su, về nhiệm vụ của Chúa Thánh Thần - Đấng không chỉ “làm chứng về Chúa Giêsu”, nhưng còn là Đấng “tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt”.
Quả thế, trước những lo lắng của các môn đệ về sự ra đi của Thầy mình, Chúa Giê-su đã trấn an các ông bằng những lời an ủi đầy hy vọng: “Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Ðấng Phù Trợ sẽ không đến với các con”. Sự an ủi này giúp các môn đệ hiểu hơn về sứ vụ mà Chúa Giê-su sẽ chuyển giao cho Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần sẽ đến để vạch trần tội lỗi của những kẻ không tin Chúa Giê-su. Chúa Thánh Thần sẽ loan báo cho mọi người thấy sự thật về mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giê-su, Đấng đã phục sinh và trở về ngự trị bên hữu Thiên Chúa Cha, chứ không phải là một sự dối trá đã bị các lãnh đạo Do Thái giáo che đậy bằng những tin đồn bịa đặt.
Chúa Thánh Thần sẽ công bố án phạt cho tên thủ lãnh thế gian là ma quỉ, kẻ đã lừa dối tổ tông loài người là Ađam và Evà. Ông bà đã sa ngã phạm tội phản nghịch lại Thiên Chúa nên phải chịu luận phạt, chịu đau khổ và chịu chết.
Đã hơn 20 thế kỉ trôi qua, Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động trong Hội Thánh Chúa để “tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt”. 
Ước chi mỗi người Kitô hữu luôn biết lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, biết kêu xin sự trợ giúp của Ngài, để chúng ta được thoát khỏi sự mê hoặc của thế gian, thoát khỏi sự lôi kéo của ma quỷ vào tình trạng tội lỗi. Nhờ đó, mỗi người tín hữu chúng ta sẽ vui mừng đón nhận triều thiên hạnh phúc mà Chúa Giê-su đã mang lại cho chúng ta nhờ cuộc vượt qua của Ngài.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần là nguồn chân lý, tình yêu và sự thật dẫn dắt chúng ta, để mỗi người luôn biết lắng nghe và thực thi thánh ý Thiên Chúa; hầu chúng ta có thể xa tránh các dịp tội, lắng nghe và làm theo tiếng nói của lương tâm, đồng thời biết lựa chọn những gì mưu ích cho phần rỗi linh hồn.
 Lời nhắn nhủ sau cùng đó là: Anh chị em đừng quên cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 3: TƯƠI TẮN, ĐẦY SỨC SỐNG
“Vào quãng nửa đêm, Phaolô và Sila hát thánh ca cầu nguyện”.
“Kền kền và chim ruồi bay qua các sa mạc. Tất cả những gì kền kền tìm kiếm là thịt thối rữa; những gì chim ruồi kiếm tìm là những bông hoa xương rồng rực rỡ. Kền kền sống với những gì đã có thuộc quá khứ; lấp đầy bản thân với những gì đã chết và hư thối. Chim ruồi sống bằng những gì đang có, sẽ có; chúng tìm những bông hoa tươi tắn, đầy sức sống. Mỗi loài chim tìm kiếm những gì nó kiếm tìm. Cũng thế, loài người, tuy không giống nhau!” - Steve Goodier.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay toát lên một điều khá phù hợp với ý tưởng của Goodier về hai loài chim! Bài đọc Công Vụ Tông Đồ cho biết, từ ngục tối, “Vào quãng nửa đêm, Phaolô và Sila hát thánh ca cầu nguyện”. Rõ ràng, Chúa Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài đang hiện diện và hoạt động cách ‘tươi tắn, đầy sức sống’ nơi những kẻ thuộc về Ngài!
Thật không dễ để bạn và tôi có thể cất lên những lời chúc khen trong những hoàn cảnh như thế; có chăng, chỉ là những lời khẩn xin, nài van. Qua đó, Phaolô và Sila vô tình tiết lộ một xác tín bên trong của mình; rằng, lòng thương xót của Thiên Chúa mạnh hơn ác tâm của con người; rằng, Chúa Phục Sinh đang ở với họ! Câu chuyện kết thúc tuyệt vời với việc viên cai ngục và cả gia đình ông chịu phép rửa sau lời chỉ dạy của vị tông đồ. Như vậy, Đấng Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài thực sự đang hoạt động cách ‘tươi tắn, đầy sức sống’ trong những tình huống bất trắc nhất để các tông đồ được cứu thoát, lòng đầy bình an. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Lạy Chúa, Ngài ra tay uy quyền giải thoát con!”.
Chúa Phục Sinh luôn ở cùng chúng ta! Đó cũng là điều Chúa Giê-su đã báo trước cho các môn đệ qua Tin Mừng hôm nay. Bối cảnh là phòng Tiệc Ly, khi các môn đệ đang buồn sầu vì Ngài sắp rời xa. Vì thế, Ngài đã rọi một tia sáng vào bóng tối tâm linh nơi họ, bằng cách bảo đảm rằng, sự ra đi của Ngài mang đến cho họ ‘những hạt giống mới’, ‘những cơ hội mới’; tạo nên ‘một sự khác biệt’ nơi họ để Thiên Chúa có thể hoạt động một cách ‘tươi tắn, đầy sức sống’ trong mọi hoàn cảnh. Ngài nói đến Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ tiếp tục hoạt động không chỉ ‘qua họ, trong họ và cùng họ’, nhưng còn ‘qua những ai nối tiếp họ’; trong đó, có bạn và tôi!
Kính thưa Anh Chị em,
“Mỗi loài chim tìm kiếm những gì nó kiếm tìm!”. Bạn tìm kiếm gì mỗi ngày? Hãy thôi tìm kiếm những gì hư thối, chết chóc; đừng sống trên quá khứ! Hãy tìm kiếm những ‘đoá hoa Giê-su’ ngọt ngào thanh khiết giữa sa mạc khô khốc chợ đời. Loài hoa ấy ‘dẫu hiếm hoi’ nhưng vẫn đang vẫy gọi bạn và tôi đến để ‘đậu lại’ lâu hơn với Ngài: hoa Thánh Thể, hoa Lời Chúa, hoa bác ái, hoa yêu thương! Ngài đợi chúng ta thống hối trở về để từ bỏ một tội lỗi; Ngài mong chúng ta ra khỏi mình để chăm sóc lẫn nhau nhiều hơn… và trở nên những chứng tá yêu thương trong môi trường mình. Đó chính là sự ‘tươi tắn, đầy sức sống’ mà Chúa Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài sẵn sàng ban tặng cho những ai tìm kiếm Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con tìm kiếm những gì xem ra tươi tắn nhưng tiềm ẩn chết chóc. Cho con một chỉ tìm kiếm những bông hoa bình an và hoan lạc trong Thánh Thần!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

SUY NIỆM 4: CHÚA THÁNH THẦN ĐẾN VỚI CHÚNG TA
Chúng ta cùng suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, qua lời mạc khải của Chúa Giê-su về Chúa Thánh Thần.
Thầy phải nói sự thật cho các con: Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Ðấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con.”
Chúa Giê-su hứa ban Đấng Bảo Trợ cho các môn đệ, là chính Chúa Thánh Thần, là Ngôi Ba Thiên Chúa, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra (Kinh Tin Kính).
Chúa Thánh Thần soi sáng cho các môn đệ biết tất cả những gì mà Chúa Giê-su nói cho các ông. Ngài giúp các môn đệ tin vào Chúa Giê-su là Đấng Chúa Cha sai đến để cứu độ.
Có thể nói: thời đại này là thời đại của Chúa Thánh Thần. Ngài hiện diện trong Hội Thánh. Ngài dẫn đưa Hội Thánh đến Chân lý vẹn toàn và thúc đẩy Hội Thánh làm chứng về Ðức Giê-su chịu chết và sống lại, ban ơn cứu độ cho toàn thế giới. Nhờ Chúa Thánh Thần ban sức mạnh, can đảm và lòng nhiệt thành, các môn đệ đã ra đi loan báo Tin Mừng và làm cho Hội Thánh của Đức Kitô phát triển và sống động.
Điều khó hiểu với chúng ta, đó là làm sao số người tin vào Đức Kitô ngày một thêm đông số? Làm thế nào để cho nhiều người không tin, nhiều tâm hồn cứng cỏi, nhiều kẻ cố chấp và chống đối lại niềm tin Kitô đã quay trở lại với Chúa và Hội Thánh? Tất cả đều nhờ ơn huệ của Chúa Thánh Thần. Lời Chúa nói với các môn đệ: “Các con hãy đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân”, rao giảng về Đức Giê-su chịu chết và sống lại, rao giảng sự thống hối…. đã có hiệu quả, đó là nhờ Chúa Thánh Thần hiện diện và tác động, đã làm cho nhiều người tin vào Chúa hơn và đi theo Chúa nhiều hơn.
Quả thật, Chúa Thánh Thần hiện diện trong Hội Thánh hôm nay và mãi mãi. Chúa Thánh Thần tiếp tục hiện diện trong Hội Thánh cho đến ngày tận thế.
Người tín hữu hôm nay tin và đón nhận nhiều ân huệ của Chúa Thánh Thần. Ngài đang hiện diện thực sự trong từng người tín hữu chúng ta, qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức. Chúa Thánh Thần dẫn những người tin đến với Đức Kitô được đón nhận tình yêu và ơn cứu độ của Ðức Giê-su.
Chúa Thánh Thần vẫn ở bên chúng ta và lôi kéo lòng chúng ta lại gần Chúa. Chúa Thánh Thần  ở bên chúng ta để soi sáng, yên ủi dạy dỗ từng người chúng ta, giúp chúng ta sống theo ánh sáng của Lời Chúa, bước đi theo Chân Lý và đạt tới ơn cứu độ.
Người tín hữu khô khan, nguội lạnh ư? Đừng lo, đừng sợ, đừng mặc cảm, chỉ cần để cho tâm hồn của mình được mềm mại, dễ uốn nắn. Chính Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta đến gần Chúa hơn. Bởi đó, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần để Ngài đến trợ giúp, thúc đẩy chúng ta sống công chính, thánh thiện; nhưng đừng quên siêng năng cầu nguyện hằng ngày.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin soi sáng tâm hồn và đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con. Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa Giê-su. Xin Chúa đừng để chúng con bị ma quỉ, thế gian và xác thịt lôi kéo chúng con sống xa Chúa. Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con luôn trung thành với Chúa Giê-su, bằng cách tuân giữ các giới răn của Chúa, sống bác ái yêu thương với mọi người. Nguyện xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng con nên những chứng nhân cho Tin Mừng và xin Ngài canh tân bộ mặt thế giới. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang

SUY NIỆM 5: CHÚA THÁNH THẦN LÀ ĐẤNG CHỨNG MINH THẾ GIAN SAI LẦM
1. Trong bài Tin Mừng hôm qua, Chúa Giê-su nói Chúa Thánh Thần là Parakletos (Đấng Bào chữa) của các tông đồ và của chúng ta. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su cho biết thêm một vai trò khác nữa của Chúa Thánh Thần: Ngài là “kẻ chứng minh thế gian sai lầm”, nghĩa là vạch cho con người thấy những sai lầm của mình.
Chúa Thánh Thần sẽ vạch cho ta thấy 3 thứ sai lầm:
- Sai lầm thứ nhất là “về tội lỗi”: Với người Do Thái xưa là tội đã không tin Chúa Giê-su, với chúng ta ngày nay, là tin nhưng không sống xứng đáng với niềm tin của mình.
- Sai lầm thứ hai là “về sự công chính”:
Với người Do Thái xưa là tội không nhìn nhận Chúa Giê-su là Đấng công chính nên đã giết Ngài. Với chúng ta ngày nay, là nhiều khi chúng ta có những ý nghĩ sai về Chúa, bóp méo hình ảnh của Chúa theo sở thích chủ quan của mình. Thí dụ kẻ cố chấp miệt mài trong tội thì dựa vào quan niệm Thiên Chúa là Đấng nhân hậu vô cùng; kẻ khắt khe hay lên án người khác thì dựa vào quan niệm Thiên Chúa là Đấng công minh nhất định sẽ trừng phạt người tội lỗi; kẻ đang dan díu trong tình yêu ngang trái thì cái phao của họ là “Thiên Chúa là tình yêu” để tự an ủi: Yêu nhau thì có tội gì đâu…
- Sai lầm thứ 3 là “về việc xét xử”: xưa thượng hội đồng Do Thái lên án xử tử Chúa và nhiều người Do Thái cũng cho rằng, án ấy là đúng bởi vì được xử bởi một cơ quan có thẩm quyền. Đây là một thứ sai lầm dựa vào dư luận. Còn chúng ta ngày nay là nhiều khi chúng ta dựa vào những dư luận sai lầm để có thành kiến không đúng về người khác.
2. Cái nguy của ngày xưa cũng như ngày nay là nhiều người không nhận ra được những sai lầm của mình.
Trong những câu chuyện của người Da Đỏ xưa tại Châu Mỹ người ta còn giữ lại câu chuyện này.
Có một anh nông dân chất phác nọ, ngày kia lượm được quả trứng chim phượng hoàng. Lòng tốt thôi thúc anh đi tìm tổ chim phượng hoàng để trả lại. Không tìm được, anh đem trứng đó đặt vào ổ vịt. Vịt nở trứng và trứng phượng hoàng cũng nở. Phượng hoàng con sống giữa đàn vịt, lặn lội trong nước, ăn uống, đi đứng, kêu cạp cạp... tất cả đều giống như bao con vịt chung quanh.
Phượng hoàng con không bao giờ đặt vấn đề mình là ai. Nó cứ nghĩ, mình là vịt như bao con vịt khác và hành động giống như vịt vậy. Ngày này qua ngày khác, phượng hoàng con sống kiếp vịt! Nhưng một ngày kia, trong một lần đi ăn chung với các bạn, phượng hoàng con bỗng nhìn lên trời và thấy một phượng hoàng nghiêng cánh bay lượn qua lại... Phượng hoàng ở dưới đất bỗng cảm thấy mình như muốn bay lên cao, bay nghiêng như vậy. Nhưng khi nó vừa vỗ cánh muốn bay lên cao thì mấy con vịt đứng bên cạnh mắng nó rằng:
- Đừng làm kiểu muốn bắt chước kẻ khác. Mày chỉ là một con vịt mà thôi, không thể bay cao như con phượng hoàng đang bay lượn trên kia được đâu.
Thế là con phượng hoàng lạc loài sống và chết trong xác tín sai lầm: “Mình chỉ là con vịt”
Thái độ của chúng ta đối với chính mình nhiều khi cũng như thế. Mình sai nhưng không biết là mình sai, không thấy được cái sai lầm của mình.
3. Và còn có một thái độ nguy hiểm hơn nữa đó là nhiều khi đã được soi sáng để nhận ra những sai lầm của mình nhưng lại không dám đối mặt với chúng và không dám can đảm sửa lại.
Nhà hiền triết Mạnh Tử sang nước Tề. Một hôm nhân cuộc nói chuyện thân tình, ngài đánh bạo hỏi vua Tề Tuyên Vương mấy câu:
- Giả sử có người bầy tôi nhà vua đem đời sống của vợ con gửi gắm một người bạn thân, nhờ trông nom giúp để sang chơi nước Sở có việc. Tới khi về mới hay bạn để vợ con mình đói rét, người ấy phải xử trí thế nào?
Tuyên Vương đáp:
-Tuyệt giao ngay.
Mạnh Tử lại hỏi:
- Giả sử có người làm quan sĩ sư (coi việc hình ngục) không chăm nom mỗi thuộc viên để hình ngục sai lầm, công việc lộn xộn, nhà vua xử sao?
- Đuổi cổ đi!
Mạnh Tử luôn dịp hỏi thêm một câu nữa:
- Thế làm vua một nước mà không lo việc triều chính để đến nỗi ở trong nước không bình trị thì trách nhiệm về ai và nên xử ra sao?
Tề Tuyên Vương nghe nói, ngoảnh ngay sang tả hữu, nói lảng qua việc khác, vừa có ý chữa thẹn, vừa tránh không trả lời.
Giả như Chúa hỏi chúng ta “Thế làm cha… làm mẹ một gia đình mà không lo cho gia đình để đến nỗi gia đình không còn giữ được thế giá gia phong, không còn giữ được phẩm chất đạo đức của gia đình nữa thì trách nhiệm về ai và nên xử ra sao?
Lạy Chúa, trong cuộc đời đã có nhiều lần Chúa soi sáng cho chúng con nhưng chúng con cũng giả điếc làm ngơ như thế. Xin Chúa tha thứ cho chúng con. Amen.
Lm Giuse Đinh Tất Quý

SUY NIỆM 6: GIÁ TRỊ CỦA RA ĐI 
Dưới con mắt trần gian, chia ly đồng nghĩa với đau khổ, không  ai  muốn mình sống trong những giây phút chia ly. Thế nhưng, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại đi ngược lại với suy nghĩ của con người “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em” (Ga 16,7). Vậy đâu mới thực là cốt lõi của việc chia ly? Chia ly là đau khổ hay hạnh phúc?
Con người sống trong thế gian luôn luôn gắn liền với một sứ mệnh, nó thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh. Có lẽ, không ai gắn cả đời mình chỉ trong một nhiệm vụ, ngoại trừ nhiệm vụ “thành người”. Đức Giêsu cũng thế, khi đã hoàn thành sứ mệnh của mình, Người vui vẻ ra đi và chính sự ra đi của Ngài là nền móng của một điều tốt đẹp mới. Hoa trái của những điều Ngài đã làm giờ đây sẽ trổ sinh và hoàn thiện bởi “người đến sau”. “Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16,7). Như vậy, việc ra đi và từ bỏ sứ vụ của mình không có nghĩa là đặt một dấu chấm hết mà là nền tảng để xây dựng lên những điều tốt đẹp hơn.
Nhìn vào cuộc sống hôm nay, nhiều khổ đau và tai hoạ bắt nguồn từ việc cố gắng níu kéo. Người ta dùng mọi cách để kéo dài quyền lực của mình ở một chỗ, vì thế gây ra sự chia rẽ, bè phái, chiến tranh và thù hận. Điều đó đi ngược lại với giá trị và tinh thần của Tin Mừng. Lời Chúa và công việc của Thiên Chúa là một sự nối kết và kế thừa. Đến một lúc nào đó bất cứ ai cũng phải rời đi để nhường lại cho người sau.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chu toàn sứ vụ của mình hằng ngày, đồng thời biết chấp nhận những sự thay đổi dưới sự soi sáng của Thánh Thần. Xin cho chúng con biết khiêm nhường trở thành khí cụ loan báo Lời Chúa cho thế giới hôm nay. Amen.
Tu sĩ Phêrô Lê Việt Tân, SVD
 



 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây