GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.net


THỨ BA TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH Ga 20,11-18

THỨ BA TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH Ga 20,11-18
THỨ BA TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Ga 20,11-18

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan
11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.
13 Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc ?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” 14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su.
15 Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.”
16 Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’).
17 Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.”
18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

SUY NIỆM: NHIỆT THÀNH
Cả 2 bài đọc lời Chúa hôm nay đều tỏ cho ta biết, 1 trong những hoa trái của ơn phục sinh là khơi lên nơi người kitô chúng ta lòng nhiệt thành.
Bài Tin mừng cho biết, đứng trước ngôi mộ đá, nơi táng xác Chúa Giêsu, bà Maria Mac-đa-la đã khóc rất nhiều, bà khóc trong thương tiếc và buồn tủi. Những giọt nước mắt dường như muốn cuốn trôi đi tất cả niềm tin và nghị lực, cùng với những tia hy vọng cuối cùng của bà.
Chúa Giêsu đã hiện ra và cho bà biết Ngài đã Phục sinh. Tin vui ấy đã “hồi sinh” con người yếu đuối của Maria Mac-đa-la. Bà đã vội vã quay về và nhiệt thành loan báo Tin mừng phục sinh, trước là cho các tông đồ, và sau là kể lại cho nhiều người khác biết về những điều mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã nói.
Bài đọc I cũng cho ta biết, kể từ khi nhận được Tin mừng phục sinh, Thánh Phêrô đã biến đổi cuộc đời mình một cách rõ rệt. Nếu như trước đây Phêrô đã nhút nhát và sợ hãi cùng với các tông đồ trốn trong căn phòng đóng kín cửa, thì giờ đây ngài đã mạnh mẽ công khai xuất hiện trước dân chúng. Và đặc biệt, thánh nhân đã nhiệt thành rao giảng về Chúa Kitô chịu đóng đinh, và nay đã phục sinh vinh hiển. Kết quả, ngay ở bài giảng đầu tiên, đã có đến khoảng 3.000 người theo đạo.
Chúa Kitô Phục Sinh đã biến đổi tâm trạng u buồn sầu não của Maria Mac-đa-la và của Thánh Phêrô, thành niềm vui hoan lạc. Và ơn phục sinh đã thôi thúc để các ngài nhận ra rằng, mình phải nhiệt thành hơn để làm cho danh Cha cả sáng, để nước Cha trị đến, để ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Thưa anh chị em, Thánh Phaolô đã từng nhắc nhở chúng ta rằng: “Anh em đừng để cho bất kì ơn nào mà Chúa ban cho anh em trở nên vô hiệu”. Do đó, mỗi người hãy làm cho ơn của của Chúa Kitô phục sinh được sinh hoa kết quả dồi dào nơi mỗi chúng ta. Cụ thể là mỗi người hãy nhiệt thành hơn trong ơn gọi của mình.
Những ai đang sống trong đời sống gia đình, hãy nhiệt thành hơn trong vai trò của 1 người chồng người cha, của 1 người vợ người mẹ, của 1 người làm con cái trong nhà. Những ai sống trong bậc tu trì, hãy nhiệt thành hơn trong sứ mạng mà Giáo Hội tin tưởng trao phó. Những ai đang tham gia vào các hội đoàn tông đồ giáo dân, hãy nhiệt thành hơn trong các sinh hoạt của hội đoàn mình, cũng như nhiệt thành hơn trong việc phục vụ. Còn những ai luôn ý thức mình là 1 thành viên trong đại gia đình giáo xứ, hãy nhiệt thành hơn trong việc đóng góp công của, để cùng nhau xây dựng giáo xứ mà mình thuộc về.
Nguyện xin ân sủng của Chúa Kitô phục sinh khơi lên trong chúng ta lòng nhiệt thành hy sinh phục vụ, để trong ngày sau hết, mỗi người đều được Chúa mời gọi: Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh, nơi đã được dọn sẵn trên trời. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: BÀ MARIA THẤY CHÚA SỐNG LẠI
Trong các sách Tin Mừng, có lẽ chị Maria là một trong những người nữ theo Chúa khóc nhiều nhất. Chị khóc khi chị quỳ dưới chân Chúa, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Chúa, lấy tóc mình lau rồi hôn chân Chúa và lấy dầu thơm mà đổ lên (xLc 7, 36 – 50). Chị khóc lúc này là vì chị ăn năn sám hối tội lỗi chị đã phạm đến Chúa quá nặng nề và rồi Chúa đã xót thương tha thứ tội lỗi cho chị. Đàng khác, chị cũng còn khóc trong những ngày anh Lazarô qua đời (xGa 11, 1 – 45). Đặc biệt hôm nay, từ sáng sớm chị đi ra mồ Chúa để thăm Chúa, vì ngày táng xác Chúa quá cận kề ngày Sabát, nên không có thời gian nhiều. Vì thế, dường như tất cả các công việc ngày ấy có vẻ như hơi vội vàng, gấp gáp cho xong,  kẻo trễ thôi chứ liệm xác vẫn chu đáo đàng hoàng cho Chúa. Vì là vội vàng cho nên lòng trí của chị suy tưởng về Chúa cũng phải lùi lại để rồi nguyên cả ngày Sabát hôm đó, chị nghĩ nhiều về Chúa và chị mong trời mau sáng của ngày thứ nhất trong tuần để chị ra mồ viếng Chúa. Chị đã khóc thật nhiều khi không thấy xác Chúa còn ở trong mồ nữa: “Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc …” (Ga 20, 11), “Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai” (Ga 20, 15).
Tiếng khóc của chị vào buổi sáng sớm tinh sương của ngày mới, giữa một khung trời mênh mông yên tĩnh không một tiếng lay động khi mà vạn vật chưa thức giấc hẳn sau một đêm dài ấm áp của những ngày xuân mới đã làm xé lòng bao nhiêu con người chúng ta ngày hôm nay. Tiếng khóc đó thể hiện tình yêu quá nồng nàn của chị đối với Chúa, dù Chúa đã chết và đang nằm yên lành trong ngôi mồ, dường như mọi sự đều khép lại, chấm hết, không còn hy vọng gì nữa, nhưng vì Chúa là tất cả của chị mà, Chúa có sống hay Chúa có chết thì Chúa vẫn là Chúa của chị, chị vẫn yêu Chúa đến cùng như mọi ngày trong cuộc đời của chị: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu” (Ga 20, 13), để rồi chúng ta dừng lại ở đây, suy nghĩ lại bản thân mình, chúng ta nhận thấy sao mà chúng ta quá nhỏ nhoi, quá ích kỷ, quá hèn mạt, quá khốn nạn, quá dơ nhớp, quá bẩn thỉu, quá hôi tanh, quá bị khinh bỉ …khi chúng ta còn so đo tính toán thiệt hơn từng giây phút đến với Chúa trong thánh lễ, trong các việc đạo đức thờ phượng Chúa, và còn sống hơn thua, tranh chấp, ganh tỵ với anh chị em của mình. Chúng ta hãy điều chỉnh cuộc sống chúng ta theo ý Chúa khi mà chưa qua muộn màng, kẻo sau này chúng ta hối hận, núi tiếc.
Trong lúc chị khóc như vậy thì chính Chúa, Người đang đứng bên cạnh chị mà chị không nhận ra, chị tưởng là người giữ vườn: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết, ông đã đặt Người ở đâu để tôi đến lấy xác Người” (Ga 20, 15b) để rồi Chúa gọi chính tên chị “Maria”, chị quay mặt lại và thưa Chúa: “Rabbi, nghĩa là lạy Thầy” (Ga 20, 16). Chi đã gặp được Chúa phục sinh nhờ tiếng gọi của Chúa. Tiếng gọi ấy là tiếng gọi của người mục tử đối với con con chiên của mình (x Ga 10, 1 – 18). Tiếng gọi của tình yêu, tiếng gọi của trái tim để rồi chỉ có tình yêu thì mới có thể nghe, mới có thể hiểu và mới có thể đáp lại mà thôi. Sau đó Chúa giao cho chị sứ mạng đi báo tin cho các tông đồ của Chúa biết Chúa sống lại: “Chúa Giêsu bảo bà: Ðừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con. Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy (Ga 20, 17 – 18). Vì thế, Giáo Hội Đông Phương nói rằng chị là tông đồ của các tông đồ.
Lạy Chúa phục sinh của chúng con, xin Chúa thương ban cho chúng con một tình yêu nồng nàn thẳm sâu đối với Chúa để chúng con sống hết mình vì Chúa, luôn làm theo ý Chúa và thương yêu anh chị em của chúng con, sống tốt với anh chị em của chúng con. Amen.
Lm Micae Võ Thành Nhân

SUY NIỆM :  
Khởi đầu đoạn tin mừng hôm nay trình bày về tâm trạng đau buồn của bà Maria khi ở bên mộ Chúa: “…Maria đang còn đứng gần bên mồ Chúa mà than khóc…”. Lý do bà than khóc vì tưởng rằng: “người ta đã lấy mất xác Chúa và không biết người ta đã để Người ở đâu?”. Như thế đã rõ lý do bà Maria đau buồn khó lóc, đó là vì bà đã lạc mất Chúa.
Cuộc đời của chúng ta cũng có nhiều lúc đau buồn và khóc than khi: Mất tiền của, mất sức khỏe, mất công ăn việc làm và mất chức quyền… Nhưng nỗi đau buồn lớn nhất vẫn là mất đi mạng sống của mình hay phải chứng kiến sự ra đi của người thân. Bởi lẽ mất đi những thứ khác ta có thể bù đắp và tìm lại được, vì còn sống là còn hy vọng, nhưng chết đi được xem là mất tất cả, theo cái nhìn tự nhiên. Vì thế mà người đời thường sánh ví: “mạng sống hơn đống vàng”.
Tuy nhiên đối với người có đức tin thì cái mất lớn nhất không phải là mất đi tiền bạc, của cải, danh vọng và mạng sống thể lý mà là mất đi niềm tin. Niềm tin chính là sức mạnh tinh thần giúp ta vượt thắng mọi gian nan thử thách, đem lại cho ta niềm vui và hy vọng tốt đẹp trong cuộc sống, ngay cả những lúc đau buồn và tuyệt vọng.
Hiểu như thế ta mới cảm nhận được niềm vui khôn tả của bà Maria, khi bà nhận ra Chúa vẫn còn chứ không phải mất, vẫn sống chứ không phải chết. Hơn hết là vì bà đã tìm lại được lý tưởng của đời sống nhờ tin tưởng vào sự phục sinh của Chúa.
Nước mắt và nụ cười, thành công và thất bại, niềm vui và nỗi buồn… luôn đan xen với nhau, kết dệt thành tấm thảm cuộc đời của mỗi con người. Nhưng để tấm thảm cuộc đời ta tươi sáng thì cần lắm nụ cười nhiều hơn nước mắt; thành công lớn hơn thất bại, niềm vui mạnh hơn nỗi buồn. Muốn được vậy ta phải tin nhận vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Chỉ khi tin nhận vào Chúa phục sinh thì nước mắt của ta mới ngừng rơi; có đặt hy vọng vào Chúa phục sinh thì nổi buồn của ta mới tan biến và có tích cực dấn thân cho lý tưởng loan báo tin mừng phục sinh thì niềm vui trong lòng ta mới lớn lên và lan tỏa mãi.
Xin cho ánh sáng tin mừng phục sinh của Chúa Kitô tỏa chiếu vào tâm hồn u tối của chúng ta và khơi dậy trong ta tinh thần nhiệt quyết hăng say ra đi loan báo tin mừng phục sinh của Chúa cho mọi người, nhất là những ai đang sống trong cảnh đau buồn, thất vọng vì mất đi niềm tin vào cuộc sống.  
Lm Seoka

SUY NIỆM: HÃY ĐI LOAN TIN CHÚA PHỤC SINH
Câu chuyện
Maria Mađalêna, hay “Maria Mácđala”, người được Ðức Kitô chữa khỏi bảy quỷ (x. Lc 8,1-3). Maria Mađalêna bị “nhận diện sai lầm” trong 20 thế kỷ vì người ta cho rằng cô là người phụ nữ tội lỗi đã lấy nước mắt rửa chân Ðức Giêsu (x. Lc 7,36-50). Và người ta cũng lầm lẫn Maria Mađalêna với Maria thành Bêtania, em của Martha. Ba người tên Maria (Ngoài Đức Maria - Mẹ của Chúa Giêsu) mà Tân ước đề cập là ba nhân vật khác nhau.
Maria Mađalêna là một trong những người đã giúp đỡ Ðức Giêsu và nhóm Mười hai bằng các phương tiện của họ (x. Lc 8,2-3). Maria Mađalêna là một trong những người đứng dưới chân thập giá Ðức Giêsu với Ðức Mẹ và Gioan tông đồ. Khi táng xác Chúa, Maria Mađalêna và Maria vợ ông Clêôphas đã ngồi trước mộ thánh của Chúa Giêsu. Maria là một trong những nhân chứng “chính thức” đã được chọn để chứng kiến sự Phục sinh và loan báo Tin Mừng Chúa Kitô Phục sinh.
Suy niệm
Maria Mađalêna và các chị em lúc ban đầu đi ra thăm mộ với những bước đi nặng nề, sợ hãi tâm hồn lạnh lẽo đang than thở khóc lóc… bỗng trở nên vui tươi, rạng rỡ vì gặp Ðấng Phục Sinh…
Bà quá vui mừng và muốn giữ Ngài lại cho riêng mình. Nhưng Ðức Giêsu thúc giục bà hãy loan tin Ngài đã phục sinh: “Ðừng giữ Ta lại... hãy đi gặp anh em Ta và hãy báo tin”....
Theo mệnh lệnh của Đấng Phục sinh, Mađalêna hoan ca reo vui ra đi loan báo cho các môn đệ: Thầy đã sống lại và “Tôi đã thấy Chúa!” (Ga 20,18).
Sứ điệp tin mừng Phục sinh là niềm vui khôn tả nhưng luôn khẩn cấp không thể chần chừ trì hoãn vì Ðức Giêsu đã chết, sự chết làm tiêu tan tất cả và Ngài đã Phục sinh thông ban cuộc sống mới cho chúng ta: Cuộc sống được ra khỏi bóng tối của thế gian và những sự ràng buộc của nó, ra khỏi mùa đông lạnh lẽo đầy sự chết của ngôi mồ biểu tượng quyền bính của thần chết và bước vào ánh sáng của mặt trời công chính vừa bừng dậy sau giấc ngủ của đêm dài, bước trong sự ấm áp của nắng xuân Phục sinh.
Chúa Kitô Phục sinh về cùng Cha. Cha của Ngài cũng là Cha của chúng ta. Ngài về để mở đường đón chúng ta cùng về bên Cha.
Maria Mađalêna hoan ca loan báo tin mừng Chúa sống lại tựa những bông hoa tươi nở của mùa xuân Phục sinh, tâm hồn của chúng ta cũng bừng tỉnh đâm chồi, nảy lộc, kết những bông hoa của niềm tin vào Đấng Phục sinh:
Con muốn sống mùa xuân tươi trong Chúa
Để tình con với Thầy chẳng hề phai
Như hoa tươi tô đậm mãi Thiên ngai
Xuân phục sinh, Nguồn sống mãi bất tận. (Cao Trí Dũng, Mùa xuân phục sinh).
Ý lực sống: “Nếu miệng bạn tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Chúa và con tim bạn tin rằng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết thì bạn sẽ được cứu rỗi” (Rm 10,9).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

SUY NIỆM:
Đoạn Tin Mừng cho thấy tình yêu dành cho Chúa của bà Maria Macdala thật đặc biệt. Để đáp trả cho tình yêu ấy, Chúa đã cho bà ơn được thấy Chúa Phục Sinh. Từ tâm trạng khóc lóc buồn bã, niềm vui của bà Maria Macdala đã trở nên trọn vẹn. Bà tìm sự chết, nhưng Chúa lại cho bà thấy sự sống. Bà Maria Macdala đã không giữ riêng cho mình niềm vui thấy Chúa Phục sinh. Bà Maria thấy Chúa, nhưng lại không biết đó là Chúa. Chúng ta thấy những người chúng ta gặp gỡ, nhưng chúng ta ít để ý đến việc Chúa đồng hóa chính Ngài với những người chúng ta gặp gỡ, nhất là nơi những người nghèo khó. Trước khi loan báo cho các môn đệ, bà Maria đã ở với Chúa. Chúng ta thường dễ có cám dỗ không muốn ở với Chúa, nhất là khi tham dự Thánh Lễ lâu giờ. Kể cho người khác biết về Chúa là điều mà Chúa mong muốn nơi mỗi người chúng ta hôm nay. Chúa mời gọi mỗi chúng ta hãy biết dành thời gian cầu nguyện với Chúa, để có thể biết và loan báo Chúa cho những người khác.
Lạy Chúa, chúng con xin lỗi Chúa, vì nhiều khi tham dự Thánh Lễ mà chúng con chỉ muốn ra về sớm, không muốn ở với Chúa. Xin Chúa cho chúng con có tấm lòng quảng đại, biết dùng thời giờ để dành cho Chúa nhiều hơn. Amen.
Lm. Gioan B. Nguyễn Văn Phi
SUY NIỆM:
Tin mừng hôm nay, thánh Gioan thuật lại việc bà Maria đến viếng mộ Chúa hồi sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần. Bà đã tận mắt chứng kiến ngôi mộ trống, chứng kiến việc Chúa phục sinh hiện ra và gọi chính tên bà. Vì quá vui mừng, bà đã chạy lại ôm chân Chúa. Nhưng Ngài nói: “Ðừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em của Thầy và hãy báo tin cho họ biết”.
Hành động ôm chân Chúa vì quá vui mừng, đó là thái độ bộc phát theo phản ứng tự nhiên. Đó là muốn giữ Chúa lại cho riêng mình. Nhưng Ðức Giêsu không cho phép. Ngài muốn thúc giục bà hãy loan Tin Mừng phục sinh cho chính các môn đệ của Ngài để họ được biết là Ngài đã sống lại.
Tin mừng Phục Sinh phải là một sứ điệp cần được loan báo khẩn cấp không thể chậm trễ. Vì đó là niềm vui khôn tả và là Tin mừng cứu độ cho toàn dân, giúp họ đón nhận được ơn giải thoát khỏi bóng tối của tử thần, khỏi ách nô lệ của tội lỗi.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hãy noi gương bắt chước Maria Madalena, hãy trở thành chứng nhân loan báo Tin mừng phục sinh của Chúa cho chính những người thân của mình, những người trong gia đình mình lãnh nhận bí tích giải tội, để họ được phục sinh với Chúa. Đừng cố chấp hoặc chai lỳ ở lại trong bóng tối tội lỗi mà dẫn tới diệt vong, đồng thời ta cũng hãy loan báo Tin mừng phục sinh của Chúa cho những người chưa biết Chúa đang sống xung quanh chúng ta. Amen.
Lm. Phêrô Mai Viết Thắng

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây