GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.net


CHÚA NHẬT III PHỤC SINH NĂM C Cv 5,27b-32.40-41; Kh5,11-14; Ga 21,1-14

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH NĂM C Cv 5,27b-32.40-41; Kh5,11-14; Ga 21,1-14
 
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH NĂM C
Cv 5,27b-32.40-41; Kh5,11-14; Ga 21,1-14

 
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
1 Khi ấy, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này.
2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau.
3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su.
5 Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời: “Thưa không.”
6 Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.
7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.
8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa.
10 Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”
11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.
12 Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa.
13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.
14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
15 Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.”
16 Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.”
17 Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không ?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có thương mến Thầy không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.
18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.”
19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”

SUY NIỆM 1: CHỨNG NHÂN PHỤC SINH
Lời Chúa: “Chính Chúa đó” (Ga 21,7b).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật III Phục Sinh hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Kitô Phục sinh hiện ra với các Tông đồ sau một đêm các ông vất vả luống công tại bờ hồ Tibêria. Các Tông đồ đã vâng nghe lời Chúa thả lưới và bắt được nhiều cá. Từ đây, các Tông đồ được mời gọi trở nên những kẻ đánh lưới người:
Ngỡ ngàng trước mẻ cá đầy,
Thêm vào bằng chứng chính Thầy Phục sinh.
Ra đi chấp nhận hy sinh,
Bằng lời, bằng việc chứng minh Tin mừng.
Phần ta cũng phải không ngừng,
Chứng nhân loan báo xin đừng chớ quên.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta biết vâng nghe thánh ý Chúa trong từng biến cố của cuộc đời để chúng ta trở nên những chứng nhân Tin Mừng của Đấng Phục sinh. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con vâng nghe lời Chúa và đem ra thực hành. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa đã Phục sinh khải hoàn và hiện ra với các Tông đồ để củng cố niềm tin cho chúng con. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con hãy trở nên chứng nhân Tin Mừng Phục sinh của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Điều gì đã làm cho các Tông đồ vừa thất vọng não nề, vừa khiếp sợ và bỏ cuộc chạy trốn, di tản để lánh nạn trở về cuộc sống cũ với những công việc bình thường, nếu không phải đó là sau biến cố đau thương của Chúa Giê-su bị kết án tử chết treo trên thập giá tại đồi Canvê. Và điều gì đã làm cho các Tông đồ từ những con người khiếp đảm sợ sệt, buồn bã chán chường lại trở thành những con người can đảm phi thường, anh dũng trung kiên nếu không phải đó Đấng Phục sinh khải hoàn đã hiện diện ở giữa họ trao ban bình an và giúp các ông vững tin: “Chính Thầy đây, đừng sợ”; “anh em là chứng nhân những điều đó”.

Thưa anh chị em, Chúa đã sống lại rồi, Alleluia!. Người đã Phục sinh khải hoàn và chính Người đã biến đổi toàn bộ cuộc đời của các Tông đồ. Chúa Giê-su Phục sinh là Tin Mừng lớn lao trọng đại đem lại ý nghĩa cho cuộc đời. Nên các Tông đồ không thể không loan báo Tin Mừng lớn lao đó. Sách Tông đồ Công vụ hôm nay đã kể lại một trong nhiều trường hợp các Tông đồ đã làm chứng về việc Chúa Giê-su Phục sinh. Sau khi chữa lành một số bệnh nhân, các thượng tế đã cấm các Tông đồ không được giảng dạy về Chúa Kitô Phục sinh. Các Tông đồ bị các vị thượng tế và hội đồng cố vấn bắt giam, các ông lại bị điệu đến Thượng hội đồng để hạch hỏi và xét xử. Phê-rô và các tông đồ trả lời cách quả quyết rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Thiên Chúa cha ông chúng ta đã cho Ðức Giê-su sống lại, Ðấng mà các ông đã giết khi treo Người trên thập giá. Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Người làm thủ lãnh và làm Ðấng Cứu Ðộ, để ban cho Israel được ăn năn sám hối và được ơn tha tội. Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần, Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Người!”. Nhờ sự vâng nghe lời Người mà các Tông đồ đã trở nên can đảm làm chứng nhân Tin Mừng Chúa Kitô Phục sinh. Từ đây, các ông không còn sợ hãi, không sợ người Do thái đến bắt và cũng không sợ đối diện với công quyền. Nhờ sự vâng nghe lời Chúa mà các tông đồ thả lưới và các ông đã đánh bắt được nhiều cá, để từ đây các Tông đồ được mời gọi trở nên những kẻ đánh lưới người. Dù chưa nhận ra Đấng Phục sinh nhưng ngỡ ngàng trước mẻ cá lớn vừa đánh bắt các ông đã nhận ra Người đến nỗi người môn đệ Chúa Giê-su yêu liền reo vui lên với Phê-rô: “Chính Chúa đó”!. Chúa đến với các Tông đồ sau một đêm các ông mệt mỏi và thất vọng, để đem lại cho các ông niềm vui hoan lạc và phá tan sự u ám của bóng tối tội lỗi đang bao phủ. Và qua đó, Người như muốn báo trước về sứ mạng của các ông sau này, các ông được mời gọi trở nên chứng nhân của mầu nhiệm Phục sinh.

Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Các Tông đồ đã thấy Chúa Giê-su Phục Sinh nên các Tông đồ đã trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Hôm nay, Chúa Giê-su Phục Sinh cũng đang hiện diện với chúng ta qua bàn tiệc Thánh Thể, Người cùng bẻ bánh và ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Nhờ bí tích Thánh tẩy, chúng ta được tháp nhập vào thân mình Chúa Kitô, Đấng đã chia sẻ kiếp người và nay đã Phục sinh khải hoàn. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi trở nên nhân chứng Tin Mừng của Chúa Kitô Phục sinh. Vì Chúa Kitô Phục sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ như Thánh Phaolô đã quả quyết: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Niềm tin Phục sinh mời gọi chúng ta phải biết làm chứng cho Chúa Kitô bằng lời tuyên xưng, bằng đời sống cầu nguyện và hoạt động trần thế, nhất là những hoạt động tông đồ truyền giáo: yêu thương giúp đỡ mọi người, nhất là những người nghèo khổ bệnh tật, biết tôn trọng phẩm giá con người, của hôn nhân gia đình, của đời sống công bằng và bác ái.
Nguyện xin Chúa giúp mỗi người chúng ta luôn biết vâng nghe và sống theo lời Chúa dạy, để nhờ sức mạnh của lời Chúa nâng đỡ, chúng ta đủ can đảm trở nên những chứng nhân Tin Mừng của Đấng Phục sinh. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang

SUY NIỆM 2: CHÚA Ở GẦN TA
Đối với các Tông đồ, cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá cũng là dấu chấm hết cho một cuộc hành trình bước theo Thầy, với những tháng ngày ước mơ và hy vọng. Đối với họ, tất cả mộng vàng giờ đây đã tan mây.

Ngày táng xác Chúa Giê-su, cũng là ngày các Tông đồ cất bước quay về nơi mình phát xuất ra. Họ tìm về với quê hương, với gia đình, và trở lại với cuộc sống mưu sinh trước kia, để bắt đầu làm lại cuộc đời.
Họ cầm lưới ra khơi và cảm thấy chơi vơi đơn độc, vì từ nay Thầy đã không còn. Các Tông đồ nghĩ rằng, Chúa Giê-su đã chết và không còn ai bên cạnh họ.

Nhưng ngạc nhiên thay, trên bờ biển hồ Ti-bê-ri-a lúc ấy, lại thoáng thấy một bóng dáng quen thuộc vang lên tiếng nói: Này các chú, không có gì ăn ư?”. Chúa Giê-su gọi các Tông đồ là “các chú”, âm vang đó vừa quen vừa lạ, nhưng lại làm vỡ òa niềm hạnh phúc. Vì chính lúc các ông không ngờ, thì Chúa Giê-su đã thật sự hiện đến.

Thưa anh chị em, giống như các Tông đồ năm xưa, nhiều người trong chúng ta hôm nay cũng đang nghĩ rằng, Chúa không ở bên cạnh mình. Nhưng không, Chúa đang ở rất gần và ngay bên cạnh chúng ta trong mọi biến cố của cuộc đời.

Chúa Giê-su cũng muốn được cùng ăn, cùng uống, cùng lao động, cùng làm việc, và cùng chuyện trò với chúng ta; như xưa Ngài đã làm với các môn đệ tại biển hồ Ti-bê-ri-a, sau khi sống lại từ cõi chết.

Do đó, những lúc anh chị em cảm thấy mệt mỏi, chán chường hay áp lực của cuộc sống; những lúc anh chị em gặp phải thất bại hay khổ đau, những lúc cha mẹ và con cái bất hòa bất thuận; những lúc vợ chồng cơm không lành canh không ngọt; hãy nhớ rằng, Chúa đang bên cạnh chúng ta. Mỗi người  hãy tựa nép vào lòng Chúa và ngỏ hết cho Ngài những tâm tư, những vui buồn của cuộc sống dương gian, và cả những đêm ngày mệt mỏi lo toan… rồi Chúa sẽ đỡ đần cho thưa anh chị em.

Sau khi nhận ra Chúa Giê-su phục sinh đang ở bên cạnh mình, các Tông đồ đã hành động như thế nào vậy thưa anh chị em? Thưa họ đã làm theo những gì mà Chúa Giê-su dạy. Các ngài thả lưới đúng nơi Chúa Giê-su chỉ định. Kết quả là gì? “Lưới đầy những cá!” Rồi các Tông đồ còn cùng ăn và cùng uống với Chúa Giê-su trong tình Thầy trò thân mật.

Thưa anh chị em, nếu chúng ta xác tín rằng, Chúa đang ở bên cạnh chúng ta, thì xin  anh chị em đừng làm theo ý mình nhưng hãy làm theo ý Chúa.

Mỗi người hãy nhớ lại xem, Chúa muốn chúng ta phải thờ phượng Chúa với tinh thần nào? Con cái cần làm gì cho cha mẹ mình? Vợ chồng phải đối xử với nhau ra sao? Trong việc kinh doanh buôn bán, Chúa dạy chúng ta như thế nào? Còn đối với những người xúc phạm hay thù nghét mình, Chúa muốn chúng ta, Chúa dạy chúng ta những gì?

Lời Chúa hôm nay chỉ muốn nhắn nhủ với chúng ta bấy nhiều điều ấy thôi thưa anh chị em. Một là, mỗi người đừng quên Chúa đang ở ngay bên cạnh mình, “hãy trút mọi gánh lo vào tay Chúa, Chúa sẽ đỡ đần cho”. Và hai là, mỗi người hãy sống làm sao để “ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên Trời”.
Một khi anh chị em tin và sống được như thế, là cuộc đời của anh chị em đang được biến đổi mỗi ngày để nên giống Chúa Giê-su phục sinh hơn. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 3: YÊU MẾN CHÚA
Chúa Phục Sinh hiện ra với Maria Mađalêna và Ngài nhắn gởi là sẽ gặp các môn đệ ở Galilê (Mt 28,10). Trong khi chờ đợi, các tông đồ trở về với nghề xưa, trở về biển hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm tình thầy trò.

Phê-rô kêu gọi anh em đi đánh cá. Tối hôm ấy, họ thức trắng đêm mà vẫn trắng tay, chẳng được con cá nào. Họ sửa soạn giũ lưới đi nghỉ, Chúa hiện đến trên bờ. Trời vừa tảng sáng để có thể nhận biết người và thuyền. Nhưng họ vẫn không nhận ra Chúa Giê-su đứng đó, cũng giống như trường hợp của Maria Mađalêna bên ngôi mộ (Ga 20,14), cũng như hai môn đệ Emmau (Lc 14,13).

Từ xa xa, Chúa Giê-su gọi các môn đệ một cách thân mật: “Các chú có gì ăn không?”. Một câu hỏi đối với dân miền biển nên phải hiểu là: đánh cá có được gì không? Các môn đệ trả lời một tiếng vắn vỏi: “Thưa không” xem ra mệt mỏi chán chường. Chúa bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền”. Họ vâng lời và họ kéo được quá nhiều cá hơn sức họ mong tưởng. Thấy thế hẳn là các môn đệ nhớ lại phép lạ ngày nào bên bờ biển hồ Galilê, Chúa cũng bảo Phê-rô ra khơi và họ đã bắt cá nhiều đến nỗi phải nhờ thuyền bạn bè chở giúp (Lc 5,1-11).

Gioan là người đầu tiên nhận ra Thầy: “Chúa đó”. Lúc ấy Phê-rô liền nhảy xuống biển, đến với Ngài. Phê-rô thật nồng nhiệt, hăng hái. Các môn đệ cho thuyền vào bờ. Chúa phục sinh đã chuẩn bị sẵn “than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa”. Bữa ăn sáng thật “thơ mộng” ngay tại bãi biển này, bữa ăn Chúa dọn sẵn và cũng có phần đóng góp của các môn đệ: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”.  Cho đến lúc này các môn đệ mới nhận ra là Chúa và không ai dám hỏi gì nữa, không còn ai hồ nghi gì nữa. Sau bữa ăn thân mật ấy, Chúa tâm sự riêng với Phê-rô. Ngài hỏi Phê-rô ba lần: Con có yêu mến Thầy không? Trước khi đặt Phê-rô làm đầu Hội Thánh, Chúa muốn ông phải yêu mến Ngài một cách quảng đại hơn những người khác. Phê-rô đã bày tỏ tình yêu của mình một cách đơn sơ và chân thành: Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy. Chúa Giê-su đã ân thưởng lòng yêu mến ấy bằng cách trao ban cho Phê-rô sứ mạng : Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy.

Ba lần được hỏi và thưa về tình yêu của Phê-rô đối với Thầy cũng là ba lần Phê-rô được giao phó trách nhiệm chăm sóc đoàn chiên. Đó là vai trò mục tử của Phê-rô. Bằng tất cả trải nghiệm về đức ái mục tử theo gương Mục Tử Tối Cao, Phê-rô đã dạy cho các mục tử trong Giáo hội tinh thần: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèm, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế khi Vị Mục Tử Tối Cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát” (1Pr5,2-4). Phê-rô trở thành một người lãnh đạo tốt. Người lãnh đạo tốt là người biết tự cảnh giác về sự yếu đuối của mình. Kinh nghiệm sa ngã đã giúp Phê-rô thoát khỏi tính tự phụ và tin tưởng mù quáng vào khả năng của mình, đồng thời giúp ông thông cảm với yếu đuối của người khác. Như thế Phê-rô còn học biết một sự thật tuyệt vời về Chúa Giê-su. Ông học được rằng, mặc dù ông đã chối Ngài nhưng Ngài vẫn yêu thương ông. Chính tình thương của Ngài đã mang ông trở về cuộc sống. Cái cảm nghiệm được yêu thương trong chính sự yếu đuối và tội lỗi của mình đúng là một cảm nghiệm sửng sốt. Được yêu trong cái tốt của mình là chuyện bình thường. Được yêu ngay trong cái xấu của mình, đó mới là ân sủng.

Nhiều vị thánh gọi đoạn Tin mừng hôm nay là cuộc đối thoại tình yêu. Chúa Giê-su hỏi ba lần : “Con có yêu mến Thầy không ?”, đáp lại ba lần “Có” cũng là để bù lại ba lần chối Thầy. Trước thái độ ba lần từ chối của Phê-rô, Chúa không đòi hỏi Phê-rô ba lần xin lỗi hay để trừng phạt, song ba lần Chúa muốn được nghe Phê-rô nói : “Con yêu mến Thầy”. Như trước đây với Madalena, lần này là Phê-rô và sau này là mỗi người chúng ta, Chúa Giê-su muốn nói : “Con yêu nhiều thì sẽ được tha thứ nhiều và ngược lại, con được tha thứ nhiều vậy con hãy yêu nhiều”. Tiếng gọi lãnh đạo của Chúa là tiếng tình yêu, Chúa Giê-su cũng không hỏi Phê-rô con đã có chìa khóa lãnh đạo cao cấp chưa ? Hay có bằng cấp gì ? Tốt nghiệp đại học nào chưa ? Song như có lần Chúa Giê-su nói : “Ai yêu mến Ta thì hãy giữ lề luật của Ta” thì bây giờ Ngài nói : “Con yêu mến Thầy thì hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. Chúa Giê-su quan niệm về lãnh đạo là yêu thương, là phục vụ, rửa chân cho những người mình lãnh đạo, Chúa Giê-su không quan niệm nền tảng và phương pháp lãnh đạo là thao tác thôi. Đối với những người lãnh đạo không phải là thao tác bắt người ta làm theo ý mình, song bằng tình yêu giúp nhau thực hiện ý Chúa. Như trong trường hợp của Phê-rô, tình thương của Chúa đối với Phê-rô và của Phê-rô đối với Chúa, tình thương ấy xóa bỏ hận thù, xóa bỏ lỗi lầm xưa và đưa người yếu kém kia trở lại sống trong tình yêu của Chúa. “Anh em yêu mến Thầy thì hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Lời mời gọi ấy nhằm vào hàng giáo sĩ. Dĩ nhiên, sau cùng là lời mời gọi đối với mỗi người tín hữu, ai cũng có trách nhiệm liên đới đối với vận mệnh phần rỗi của mỗi anh em mình, về phận sự chăn dắt, nuôi nấng và đưa anh em về đoàn chiên và gìn giữ họ an toàn trong Đức tin. Hãy vì yêu mến Chúa mà làm phận sự chăn dắt và yêu người, tức là làm việc Tông đồ truyền bá Tin mừng và làm cho anh em mình nhận biết và phụng thờ Thiên Chúa (dmhcg.org).

Nhìn lại cuộc đời của Thánh Phê-rô, chúng ta thấy một điều rất rõ là trong trái tim vị Tông đồ lúc nào cũng yêu Chúa. Ngay cả khi Chúa bảo Phê-rô là Satan thì ông cũng không giận Chúa. Chỉ vì sự sợ hãi yếu đuối mà chối Thầy, chứ trong tâm hồn lúc nào Phê-rô cũng yêu mến Chúa. Không phải Phê-rô yếu đuối vấp ngã mà Chúa bỏ rơi, chính tình yêu chân thành trong tâm hồn Phê-rô mà Chúa đã yêu thương chọn làm Tảng đá.

Chúng ta tự hỏi: Tại sao Chúa Giê-su không trao Giáo hội cho một người trí thức thông thái, có tài lãnh đạo, có uy tín, mà Chúa lại trao Giáo hội cho Phê-rô, một Tông đồ nhiều khuyết điểm, bị la mắng nhiều hơn khen ngợi? Chắc chắn nơi Phê-rô có một lòng mến Chúa thiết tha. Sau ba lần hỏi: Con có yêu mến Thầy không? Và sau ba lần Phê-rô xác định tình yêu ấy, Chúa Giê-su trao Giáo Hội cho Ngài. Ngài vâng lời Chúa về Giêrusalem, bài giảng đầu tiên hùng hồn mang về cho Chúa 3.000 người xin rửa tội. Kể từ đó, Ngài đi vào cánh đồng truyền giáo bao la, là thành đô Roma. Đối diện với gian nguy bắt bớ tù đày, Thánh Nhân đã can trường làm chứng cho Đức Giê-su Phục sinh. Ngài đã lấy máu đào tử đạo minh chứng cho lòng yêu mến Thầy. Ngài đã viết nên trang sử vàng, hào hùng, vẻ vang cho Giáo Hội sơ khai.

Lòng khiêm nhường, lòng yêu mến Chúa của Thánh Phê-rô, kinh nghiệm về ơn tha thứ của Chúa, tất cả đều dẫn đưa Thánh Nhân đến với tình yêu của Chúa. Nhờ tình yêu Chúa dẫn lối mà Ngài đã đi bất cứ nơi nào Chúa muốn, cho dẫu nơi đó là ngục tù, là cái chết, bởi lẽ vì tình yêu của Chúa lớn hơn tất cả.

Lòng mến Chúa sẽ mở cửa cho người tín hữu chúng ta đi vào Nước trời. Chúa không đòi hỏi nơi mỗi người sự khôn ngoan, tài năng. Chúa chỉ cần lòng mến “con có yêu mến Thầy hơn những người này không?”.  Lòng mến Chúa chính là điều kiện nền tảng để có thể chu toàn sứ mệnh mà Chúa trao phó. Không có lòng yêu mến, công việc của người mục tử hay tín hữu dù thành công cũng chỉ là điểm tô, đánh bóng cho cá nhân mình. Khi nói yêu mến Chúa là chúng ta sẵn sàng chấp nhận mọi đau thương, thử thách, và hy sinh. Và khi nói yêu mến hơn những người này, thì cũng có nghĩa là phải hy sinh, chịu khó, và chấp nhận hơn nếu Chúa muốn, để làm chứng nhân cho Ngài trong chính cuộc đời mình.
Khi yêu mến Chúa, chúng ta sẽ làm mọi sự đẹp lòng Chúa. Lòng mến là thước đo cho mọi giá trị đạo đời.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An


SUY NIỆM 4: YÊU MẾN CHÚA
Sau khi Chúa Giê-su chịu tử nạn, một vài môn đệ của Người trở về quê tiếp tục nghề cũ, một số khác vẫn tụ họp cùng nhau. Đoạn Tin Mừng hôm nay kể lại việc Phê-rô rủ sáu tông đồ khác đi đánh cá ở biển hồ Tibêria. Nhưng suốt đêm hôm ấy, các ông đã vất vả cực nhọc mà chẳng bắt được con cá nào.
Rạng sáng, Chúa Giê-su đứng trên bờ hồ nhưng các ông không nhận ra. Người xin các ông thức ăn và đề nghị các ông thả lưới. Dù mỏi mệt nhưng vâng lời Chúa, các ông quăng lưới và bắt được rất nhiều cá. Mẻ lưới đầy cá nhắc các ông về sứ vụ “lưới người” khi Chúa Giê-su gọi các ông đi theo Người. Từ đây, các ông ý thức rằng, sự thành công không tùy thuộc vào kinh nghiệm và kiến thức của họ nữa, mà tùy thuộc vào sự tuân phục Lời của Đấng sai họ đi.

Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được 153 con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Ở đây, Phê-rô hành động như một người đứng đầu, vì quả thật ông sẽ trở thành thủ lãnh của Giáo Hội hoàn vũ. Lưới không bị rách biểu tượng cho sự hợp nhất của Giáo Hội Chúa Kitô.
Tại sao trong lưới có 153 con cá? Theo thánh Giê-rô-ni-mô, các nhà động vật học thời đó phân biệt được 153 loài cá. Do đó con số này tượng trưng cho tất cả mọi thứ cá trong biển. Và như thế, dưới cái nhìn của các nhà chú giải thì mẻ lưới của các tông đồ là hình ảnh sự quy tụ toàn thể gia đình nhân loại để làm thành một cộng đoàn duy nhất.

Khi các môn đệ kéo lưới đầy cá vào bờ, Chúa Giê-su đã dọn sẵn bữa ăn cho họ. Dù đã phục sinh vinh quang, nhưng Người vẫn luôn là vị Thầy khiêm nhường phục vụ các môn đệ của mình! Dù Chúa Giê-su đã chuẩn bị sẵn cá và bánh, nhưng Người vẫn nói các ông mang cá mới bắt được đến cho Người, vì Người muốn các ông cùng cộng tác với Người. Chúa ban cho chúng ta mọi thứ, và chúng ta cần đến Chúa. Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng, Chúa vẫn luôn cần đến sự cộng tác của chúng ta.

Các môn đệ đi đánh cá, và họ không bao giờ nghĩ sẽ được gặp Thầy ở bờ hồ. Nhưng chính tại nơi các ông không ngờ thì Chúa Giê-su ở đó, chờ họ. Chúa không ở trên mây trời, nhưng hiện diện trong đời sống hằng ngày của chúng ta với những vui buồn, sướng khổ. Chúa hiện diện trong những gặp gỡ của chúng ta với tha nhân, trong những cử chỉ phục vụ và chia sẻ. Người có mặt ở những nơi chúng ta ít ngờ tới nhất, trong những đau buồn, thất vọng, mệt mỏi,... của chúng ta. Trước những thất bại, Người vẫn khích lệ chúng ta: Hãy thả lưới! Đừng nản chí, vì Thầy luôn ở với con! Điều mà thế gian không làm được, Chúa làm được; điều thất bại đối với thế gian, Thiên Chúa sẽ làm nên thành công.

Trong phần thứ hai của đoạn Tin Mừng chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi Chúa Giê-su hỏi Phê-rô đến ba lần: Anh có yêu mến Thầy không? Chúa Giê-su hỏi phê-rô ba lần, có thể ám chỉ ba lần chối Chúa của Phê-rô. Và điều này làm ông buồn. Chúng ta biết Phê-rô thuộc loại người “thẳng như ruột ngựa, ông không quen với những bài diễn văn, lại càng không quen bày tỏ tình cảm ra bên ngoài. Vậy mà ông lại trả lời với Chúa Giê-su đến ba lần: Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy. Và Chúa Giê-su đã trao phó Giáo Hội cho ông. Như thế, vị thế và quyền hành của Phê-rô, vị Giáo hoàng tiên khởi, không dựa trên những kiến thức thần học hay giáo thuyết của mình, cũng không dựa trên những nhân đức anh hùng hoặc những công trạng, nhưng chỉ dựa trên tình yêu đối với Chúa. Mặc dù chối Chúa ba lần, Phê-rô vẫn được Chúa trao quyền cai quản Hội Thánh, bởi vì ông yêu Chúa. Chính tình yêu thúc đẩy ông hăng say phục vụ theo gương Thầy mình.

Phần chúng ta, đừng quá khắt khe với những yếu đuối và thiếu sót của Giáo Hội, cũng như của những người có trách nhiệm trong Giáo Hội. Chúng ta hãy tự vấn trước câu hỏi của Chúa Giêsu: “Phần con, con có yêu mến Thầy không?

Đức tin không thể tách rời với tình yêu. Đức tin đưa chúng ta đến với Chúa, và tình yêu cho chúng ta gặp được Chúa. Qua tình yêu thương, chúng ta có thể thấy Chúa nơi tha nhân trong đời sống hằng ngày. Như Gioan, môn đệ được Chúa Giê-su thương mến, chúng ta cũng có thể mau mắn nói với người khác: Chúa đó!
Nếu chúng ta tìm kiếm Chúa với tình yêu thương, Chúa sẽ hiện diện giữa chúng ta.
Ngay bên con thuyền đời của chúng ta, lúc biển lặng hoặc khi sóng gầm, Chúa Giê-su vẫn luôn hiện diện. Còn chúng ta, chúng ta có nhận ra Người và theo Người không?
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

SUY NIỆM 5: GẮN BÓ CÁ VỊ VỚI CHÚA KITÔ
Chấp nhận tin không có nghĩa chỉ đơn thuần là chấp nhận một giáo lý, giáo điều, một mớ luật lệ, hay những nghi thức nào đó là đủ. Ngay cả khi ta chấp nhận Hội Thánh và đi theo đường lối của Hội Thánh, thì đó cũng chưa phải là điểm mấu chốt của đức tin.

Tin trước hết là hiệp thông với Chúa Kitô, là gắn bó cá nhân cách mật thiết với Chúa Kitô.

Bởi vậy, những gì ta từng sống, từng hành động cho cái gọi là con người của tôn giáo Kitô, nhưng chưa có chiều sâu bằng cảm nghiệm nội tâm về tình yêu Chúa Kitô, mà chỉ là giữ và buộc mình phải chấp nhận luật lệ, chấp nhận giáo lý, thì giờ đây, ta hãy chỉnh đốn lại, hãy làm cho tất cả những gì ta phải giữ từ trước tới nay nằm trong tương quan tình yêu Chúa Kitô.

Thánh Gioan tông đồ là người luôn có cảm nghiệm nội tâm về tình yêu Chúa Kitô dành cho mình. Chỉ một mình thánh nhân nói lên nỗi tự hào vì được Chúa yêu trong danh xưng mà thánh nhân tự nhận: “Người môn đệ Chúa Giê-su yêu”.

Chính nhờ cảm nghiệm vừa cá nhân, vừa nội tâm về tình yêu của Chúa, thánh Gioan đã nhiều lần phát hiện Đấng Phục Sinh đến với mình. Chẳng hạn, ngay trong lễ Phục sinh đầu tiên, nhìn ngôi mộ trống, trước cả những phụ nữ là những người phát hiện mộ trống, trước cả thánh Phê-rô, người đã vào thăm mộ trước, thánh Gioan đã tin.

Hôm nay, cũng bằng chính cảm nghiệm nội tâm về Chúa Kitô, một lần nữa, thánh Gioan cũng lại là người phát hiện ra Chúa Phục Sinh trước các anh em mình. Sau mẻ cá đầy ắp như muốn rách tung chiếc lưới, “Người môn đệ Chúa Giê-su yêu” hãnh diện mà cả quyết: “Chúa đó”.

Cũng thế, không ai trong bạn và tôi lại cho rằng mình không có đức tin, không có lòng yêu mến Chúa.

Nhưng nói là nói như vậy. Hiểu là hiểu như thế. Trong thực tế của cuộc đời, không ít lần, bạn và tôi dường như chao đảo, dường như mất sức sống. Đức tin vào Chúa, lòng yêu mến Chúa của mình có lúc như bị đánh gục, như tuyệt vọng.

Để khởi đầu cho việc cảm nhận cách cá vị về tình yêu của Chúa, mỗi người hãy chiêm ngắm Chúa Kitô trước đã. Hãy gắn bó với Chúa bằng những suy niệm về đời sống của chính Chúa, bằng lời dạy mà Chúa đã giảng dạy. Hãy học lấy tấm gương yêu mến Chúa của thánh Gioan tông đồ: yêu một cách cá vị bằng cảm nghiệm nội tâm và thâm sâu với Chúa Kitô.

Chỉ có thể cảm nghiệm tận hồn về tình yêu mà Chúa dành cho mình, và mình dành cho Chúa, thì từ nay tôi giữ đạo, tôi chấp nhận lề luật, tôi thực hiện các hành vi đạo đức, tôi sống tốt trong tương quan với mọi người… không chỉ vì luật của Chúa, của Hội Thánh dạy như thế, mà vì tình yêu của Chúa Kitô dành cho tôi, và của tôi đáp trả tình yêu ấy.

Vì tình yêu của Chúa Kitô và vì yêu mến Người, tôi thực hiện nghĩa vụ tôn thờ Thiên Chúa, tôi sống lẽ sống mà đạo dạy tôi, tôi quan tâm đến nguời xung quanh… Vì Chúa Kitô, tôi chấp nhận lề luật của Thiên chúa, và chấp nhận đường lối Hội Thánh hằng chỉ dạy tôi…

Chỉ khi nào sống trong tương quan tình yêu với Chúa Kitô, việc giữ đạo của ta mới nhẹ nhàng. Cũng giống hai người đàn ông cùng cuốc một thửa đất, nhưng một người là tù binh bị ép buộc phải lao động, còn người kia là người cha trong gia đình.

Người cha trong gia đình vì thương vợ, thương con, ông miệt mài làm việc, dù mệt nhọc nhưng ông cảm thấy vui, cảm thấy lòng thanh thản và an ủi vì nhờ bàn tay lao động của ông, gia đình ông có thể sinh sống. Ông luôn sống trong hy vọng về một kết quả tốt sẽ đến cho tương lai của gia đình ông. Càng hy vọng, ông càng vui…

Người đàn ông là tù binh chắc chắn không bao giờ có được cảm nghiệm về niềm vui mà người cha trong gia đình có được. Bởi việc ông làm không phải là tình yêu, không phát xuất từ động cơ của lòng yêu thương mà chỉ là ép buộc, là hình phạt, là đền tội, hoàn toàn không có tự do trong lao động của ông.

Cách nào đó, giữ đạo cũng gần giống như chuyện hai người đàn ông cuốc đất. Nếu tôi yêu mến Chúa, việc thực hành đạo của tôi là niềm hạnh phúc, là nhu cầu cần đáp ứng của tình yêu, do tình yêu, phát xuất từ tình yêu đối với Thiên Chúa. Nếu không có lòng yêu mến Chúa, đức tin chỉ là một gánh nặng vô cùng.

Ta cần thay đổi tương quan giữa mình với Chúa, để đức tin của ta có một tương quan cá vị với tình yêu của Chúa. Chỉ có đức tin trong tương quan tình yêu, việc giữ đạo của ta mới là việc làm tự do, mang lại hạnh phúc, thấm đẫm yêu thương và ngày càng đi vào chiều sâu nội tâm.

Nếu ta thay đổi tương quan tình yêu với Chúa Kitô, cuộc đời ta sẽ được nâng đỡ, được ủi an. Có đức tin trong tương quan cá vị với Chúa Kitô, ta sẽ cảm nhận một điều lớn lao: Gánh nặng của sự sống mà ta phải mang gánh trong đời có Chúa cùng sớt chia với ta…, điều mà trước đây ta chưa từng nhận ra, vì trước đây, ta đã không có tương quan cá vị với Chúa…
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng

SUY NIỆM 6: NHẬN RA NGƯỜI LÚC BẺ BÁNH
Trong cuộc sống để nhận ra được Chúa hiện diện, không thể nào bỏ qua những cuộc gặp gỡ Chúa trong Thánh lễ và Thánh Thể. Các tông đồ nhận ra Chúa Phục Sinh qua các lần bẻ bánh là một minh chứng.
Hiện diện đích thật.

Công đồng Vatican II nhấn mạnh về bí tích là biến cố gặp gỡ giữa Đấng đang sống và những người đang sống, giữa Đấng Phục sinh và những được tái sinh. Là một cuộc gặp gỡ, giữa Chúa Giê-su và Chúa Cha, giữa chúng ta với Chúa Giê-su nhờ việc thánh hoá của Chúa Thánh Thần.

Như lời kinh nguyện hiến tế của Chúa Giê-su với Chúa Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng Ta”  (Ga 17, 20 – 21).

Thánh Lễ là nơi Chúa Giê-su thực hiện công trình gặp gỡ với dân của Người, Chính Chúa Thánh Thần quy tụ, thánh hoá, đưa con người vào trong Chúa Giê-su. Chúa Giê-su là Đấng đón nhận tất cả ở trong Người, dâng lên Chúa Cha. Không chỉ dâng lên như cách hiểu từ dưới thế dâng lên Chúa Cha, mà chính Chúa Giê-su đã về trời, trình bày lễ vật của con người trước nhan Chúa Cha.

Hiện diện trong nỗi khổ đau của nhân loại.
Chúa Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng là một Thiên Chúa làm người ở giữa nhân loại. Một con người đích thật, hiểu và cảm thông và chính Người cũng mang nhiều đau khổ do nhiều yếu tố, hoàn cảnh, và của con người gây ra. Người mang lấy để biết thế nào là con người với sự khốn cùng: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.” (Dt 4, 15 – 16).

Được mời gọi đến dâng lễ vật cuộc đời mình trong Thánh lễ. Người đến dâng lễ mang lấy lễ vật cuộc đời mình: Tội lỗi, hoa trái hồng ân, những đau thương hồn xác, xin được tháp nhập trong Chúa Giê-su, và để được biến đổi.. Tại bờ hồ Tiberia, những môn đệ Chúa tưởng là lấy bánh và cá của mình để thết đãi Chúa, nhưng chính Chúa đã dùng bánh và cá của Người để thết đãi các môn đệ. Điều này chỉ ra trong bí tích Thánh Thể chính Chúa đã lấy thân mình và máu Người là của lễ, là của ăn dưỡng nuôi con người chúng ta.

Trong đau thương, con người một lần nữa kết hợp trong Chúa Giê-su, được bổ túc, làm lễ tế thánh hoá chính bản thân mình, cho người anh chị em, cho tất cả những ai nhớ đến và cầu nguyện cho họ. “Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.” (Cl 1, 24). “Con tự hiến thánh Con, để họ cũng đước thánh hiến” (Ga 17, 18).

Nhận ra Chúa trong lúc Người bẻ bánh, có một ý nghĩa rất đặc biệt. Chính Chúa là Thượng tế duy nhất, là Của Lễ tinh tuyền, là Bàn Thờ dâng lên Chúa Cha, nhờ Chúa Thánh Thần chúng ta được kết hợp trong Chúa. Chính Người là Đấng bẻ bánh thân mình Người để ban sự sống, như lời Người đã nói: “Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).

Nhận ra được Chúa để sống niềm vui Chúa Phục sinh. Xin cho chúng con như Thánh Phêrô nhảy xuống thuyền bơi vào bờ trước để mau chóng gặp gỡ Chúa, dành ưu tiên trước mọi việc để đến tham dự Thánh Lễ.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan

SUY NIỆM 7: THI HÀNH SỨ VỤ LÀM CHỨNG CHO CHÚA PHỤC SINH
Nhờ mắt thấy tai nghe và những lần Chúa hiện ra sau khi Người sống lại, các môn đệ Chúa đã vững niềm tin vào Chúa Phục Sinh.  Giờ đây là lúc họ lên đường với sứ mệnh làm chứng nhân cho Người.  Bài đọc trích sách Công vụ kể lại các tông đồ bắt đầu “nếm mùi” bách hại vì sứ mệnh.  Bài đọc 2 vẫn tiếp tục chia sẻ với chúng ta cảm nghiệm của tông đồ Gio-an gặp gỡ Chúa Phục Sinh qua thị kiến thiêng liêng và cầu nguyện.  Đặc biệt bài Tin Mừng kể thêm lần thứ ba Chúa hiện ra với các môn đệ tại Ga-li-lê như Người đã hứa.  Tuy nhiên lần hiện ra này, qua mẻ lưới đầy cá, Chúa Giê-su đã dẫn các môn đệ tới mẻ lưới thiêng liêng bắt các linh hồn và trao cho họ sứ mệnh rao giảng Tin Mừng.  Đáng kể nhất là việc Chúa Giê-su ban cho Phê-rô nhiệm vụ lãnh đạo Giáo Hội trần gian để ông tiếp tục con đường theo Chúa.

Trước hết cùng với các môn đệ Chúa Giê-su, chúng ta hãy trở lại Ga-li-lê để gặp Chúa.  Thành Ca-phác-na-um thuộc Ga-li-lê là nơi vô cùng ý nghĩa đối với Chúa Giê-su và các môn đệ.  Nơi đây thầy trò đã có duyên gặp gỡ nhau.  Sau mẻ lưới lạ đầu tiên, Chúa Giê-su đã gọi anh em ông Phê-rô và hai anh em khác làm môn đệ đầu tiên của Người.  Nơi này cũng là trung tâm truyền giáo phát xuất những cuộc đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi, qua Sa-ma-ri xuống tận Giu-đê.  Ba năm sau, sau khi Chúa phục sinh, mẻ lưới cá thứ hai đã giúp các môn đệ nhớ lại tiếng gọi truyền giáo ban đầu “từ nay anh em sẽ là những kẻ lưới người như lưới cá”, đồng thời mở ra một chân trời mới để các ông thực sự gánh vác công việc mở mang Nước Thiên Chúa.  Theo khoa học cổ đại Hy-lạp, người ta tin có tất cả một trăm năm mươi ba loại cá khác nhau.  Một trăm năm mươi ba con cá lớn bắt được trong phép lạ này là con số tượng trưng cho toàn thể nhân loại.  Cũng tựa như lời Chúa Giê-su truyền trước khi Người lên trời:  “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15).  Chúa Giê-su về trời, nhưng Người không mang theo uy quyền của Người, mà Người trao lại cho ông Phê-rô và những người kế vị để “chăn dắt chiên của Thầy”.  Trong tâm tình chia sẻ khổ đau, Chúa Giê-su còn báo trước những bách hại sẽ đến với Phê-rô và các bạn khi họ lên đường truyền giáo.  “Anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”.  Cái chết làm chứng cho đức tin đang chờ đợi Phê-rô và các bạn đấy!

Lời tiên báo đó đã ứng nghiệm mau chóng.  Bài trích sách Công vụ Tông Đồ thuật lại việc các tông đồ bị các nhà lãnh đạo tôn giáo bách hại như thế nào.  Các ông hăng hái rao giảng về Chúa Giê-su Na-da-rét.  Rồi thượng tế và đám lâu la Xa-đốc “ra tay hành động”, bắt các tông đồ tống vào ngục.  Được thiên thần cứu ra, các ông chẳng chút sợ hãi, lại tiếp tục rao giảng nữa.  Biết là chưa thể hành động quyết liệt hơn, họ tạm tha cho các ông, nhưng nghiêm ngặt răn đe các ông không được tiếp tục rao giảng nữa.  Chẳng đe dọa nào ngăn cản được các ông, vì các ông lý luận chắc như đinh đóng cột rằng:  “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”!  Đe dọa không làm các ông sợ hãi, trái lại, các ông còn “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su” nữa.  Quả là một nhắc nhở và gương mẫu cho chúng ta ngày nay, vì chúng ta cần nhiều can đảm hơn để dám đi ngược lối sống “không tin vào Phục Sinh” của rất nhiều người hôm nay.  Thái độ làm chứng nhân của các tông đồ là một cuộc xét lương tâm cho tất cả chúng ta.  Quả thực nhiều khi chúng ta thấy mình hèn nhát, không dám can đảm làm chứng cho Chúa và lối sống Ki-tô.  Chúng ta dễ trở nên “đồng lõa” với thế gian này để mong được sống yên thân.  Chúng ta không muốn “được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su”, mà chỉ cho là bị thiệt thòi vì danh Người, hay nói khác đi bị thua thiệt vì là Ki-tô hữu.

Sống sứ điệp Lời Chúa
Nói đến “xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su”, chúng ta phải chiêm ngưỡng chính Chúa Giê-su để biết Người được coi là xứng đáng chịu chết nhục nhã vì làm Con Thiên Chúa như thế nào.  Người được Chúa Cha trao phó sứ mệnh làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa.  Người đã lấy chính mạng sống mình để chứng tỏ rằng Thiên Chúa vô cùng yêu thương thế gian là tất cả chúng ta.  Chết như thế đối với Chúa Giê-su là một vinh dự chứ không phải một sự áp đặt.  Theo gương Thầy, thánh Phao-lô cũng xác tín rằng vinh dự của ngài là thập giá Chúa Ki-tô.  Riêng thánh Gio-an, trong bài đọc hôm nay, ngài đã được diễm phúc nghe triều thần thiên quốc tung hô Chúa Phục Sinh:  “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc”.  Chúng ta được mời gọi hãy sẵn sàng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su bằng cách quay lưng lại với lối sống tội lỗi của thế gian, để bước đi theo đường lối của Chúa.  Ngay ở cuộc sống trần gian này, ta vẫn có thể cùng với các thiên thần và mọi loài thọ tạo trên trời, cất tiếng tung hô Chúa bằng những lời nói yêu thương và những việc bác ái giúp đỡ nhau, bằng những việc thờ phượng trong các buổi tụ họp dâng Thánh lễ hay cầu nguyện, để tất cả những việc này trở thành “lời chúc tụng, danh dự, vinh quang và quyền năng” dâng lên Chúa!  A-men!
Lm. Đa-minh Trần Đình Nhi
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây