CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM C Lc 13,1-9
- Thứ sáu - 21/03/2025 19:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này


CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM C
Xh 3,1-8a.13-15; 1Cr 10,1-6.10-12; Lc 13,1-9
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
1 Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.
2 Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao ?
3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.
4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao ?
5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất ?’
8 Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.
9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.’
SUY NIỆM I: KÊU GỌI HỐI CẢI
Lời Chúa: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng bị hủy diệt như vậy” (Lc 13,3).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật III mùa Chay hôm nay cho chúng ta thấy, qua sự kiện những người Galilêa và 18 người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết Chúa Giêsu kêu gọi hối cải. Lòng hối cải phải bắt đầu từ nhận thức về Thiên Chúa là Đấng từ bi và hay xót thương, đồng thời khiêm tốn nhận ra lỗi lầm của mình:
Ăn năn hối cải tận căn,
Trở về cùng Chúa, Ngài hằng thương con.
Mô-sê hình ảnh Người Con,
Dẫn dân vượt biển vẫn còn khắc ghi.
Hôm nay Chúa mở đường đi,
Dõi theo bén gót không thì lâm nguy.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta ý thức đây là thời gian thuận tiện để chúng ta tỏ lòng hối cải và sinh hoa kết trái bởi đời sống thánh thiện, nếu không chúng ta sẽ bị Thiên Chúa loại bỏ. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muôn nó ăn năn hối cải và được sống. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con, hãy sinh hoa kết trái xứng với lòng ăn năn hối cải. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Lời Chúa hôm nay vang lên như một lời cảnh tỉnh: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng bị hủy diệt như vậy.” Qua những biến cố đau thương trong Thánh Kinh, phụng vụ Lời Chúa hôm nay không chỉ nhắc nhở chúng ta về tính mong manh của cuộc sống, mà còn kêu gọi mỗi người phải cấp bách hối cải. Bởi vì trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng từng có những lỗi lầm của quá khứ. Có những điều tốt đẹp mà ta đã bỏ lỡ. Có những hành động thiếu suy xét khiến người khác tổn thương. Vì thế, hối cải ở đây không chỉ là nhìn nhận lỗi lầm mà còn là sự đổi mới cuộc đời, quay về với Thiên Chúa để được sống.
Thưa anh chị em, bài đọc I trích sách Xuất Hành thuật lại cuộc gặp gỡ giữa ông Môsê và Thiên Chúa tại bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi. Thiên Chúa đã mặc khải Danh Thánh của Ngài: “Ta là Đấng Hằng Hữu,” đồng thời sai ông Môsê đi giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập. Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa luôn yêu thương và đồng hành với con người. Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nhưng luôn mời gọi chúng ta trở về với Ngài.
Tin Mừng hôm nay kể về hai sự kiện đau thương: những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết hại và 18 người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết. Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng những nạn nhân ấy không phải vì tội lỗi mà chịu hình phạt, nhưng đó là một lời nhắc nhở cho tất cả mọi người: nếu không hối cải, chúng ta cũng sẽ bị hủy diệt. Dụ ngôn cây vả không sinh trái tiếp tục khẳng định điều đó. Thiên Chúa nhân từ, luôn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta thay đổi. Nhưng nếu chúng ta không sinh hoa trái của sự thánh thiện và bác ái, chúng ta sẽ tự đánh mất ơn cứu độ. Tuy nhiên, sống giữa một thế giới đầy những cám dỗ, điều đó không dễ dàng. Làm sao có thể giữ lòng trong sạch khi chung quanh đầy dẫy những điều xấu xa? Làm sao có thể quảng đại giúp đỡ khi bản thân còn lo toan cho miếng cơm manh áo? Làm sao sống công bằng khi xã hội còn nhiều bất công? Nhưng chính trong những khó khăn ấy, Chúa vẫn mời gọi chúng ta trở về, để từng ngày biến đổi cuộc đời mình.
Chuyện kể rằng, có một người đàn ông nọ, vì quá đam mê tiền bạc mà bỏ bê gia đình. Anh lao vào làm ăn bất chấp thủ đoạn, gian lận và chà đạp lên người khác để trục lợi. Một ngày kia, khi đang trên đường đến một cuộc họp quan trọng, anh gặp tai nạn nghiêm trọng. Trong những ngày nằm viện, anh suy gẫm về cuộc đời mình. Anh nhận ra rằng, tiền bạc không thể mang lại hạnh phúc thực sự. Sau khi hồi phục, anh quyết định thay đổi: dành nhiều thời gian hơn cho vợ con, làm ăn lương thiện, và tích cực giúp đỡ những người khó khăn.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Câu chuyện trên đây minh chứng rằng, sự hối cải không chỉ là một khái niệm trừu tượng, mà là một sự thay đổi thực sự trong cuộc sống. Hối cải không chỉ là tránh xa điều xấu, mà còn là làm điều tốt. Ai muốn bình an, hãy gieo hòa bình ngay từ trong gia đình, nơi làm việc và cộng đoàn của mình. Ai muốn được quan tâm, hãy học cách quan tâm đến người khác. Ai muốn hạnh phúc, hãy mang niềm vui đến cho tha nhân. Ai muốn được yêu thương, hãy học yêu thương trước. Nếu chúng ta mở lòng để Chúa biến đổi, chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui đích thực. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô nhắc nhở rằng, cha ông chúng ta đã được Thiên Chúa thương ban nhiều ơn lành, nhưng họ đã vô ơn bội nghĩa, nên phải chịu hình phạt. Điều này là một bài học cho chúng ta: không phải cứ là dân Chúa thì đương nhiên được cứu độ, nhưng cần phải biết sống xứng đáng với ơn Chúa ban.
Nguyện xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết canh tân đời sống, dám chết đi những đam mê ích kỷ, để trở nên khí cụ bình an và mang Tin Mừng vào lòng thế giới hôm nay. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.
SUY NIỆM II: CHÚA LUÔN CHỜ TA
Trong bài đọc II hôm nay, thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Côrintô và cả chúng ta nữa, hãy nhớ lại cuộc hành trình 40 năm tiến về đất hứa của dân Israel với Môsê trong sa mạc năm xưa, xem họ đã sống như thế nào và đã lãnh nhận hậu quả gì, để rút ra bài học cho chính mình.
Thiên Chúa đã từng thổn thức và xót xa, khi thấy đoàn dân được tuyển chọn phải chịu nhiều đau khổ trong thân phận nô lệ nơi đất khách quê người. Ngài đã chọn Môsê, và trao cho ông sứ mạng giải thoát dân Israel khỏi Ai Cập.
Đây là cuộc hành trình với điểm bắt đầu không dễ dàng chút nào. Ngày Môsê phất cờ khởi nghĩa, cũng là lúc mà vua Pharaô cùng với hàng ngàn chiến xa và kị binh không ngừng đuổi bắt. Nhưng bàn tay Thiên Chúa luôn chở che và can thiệp kịp thời, để giúp dân thoát nạn. Sự kiện Thiên Chúa ban quyền năng để Môsê đưa tay xẻ đôi dòng nước trong cuộc xuất hành qua Biển Đỏ, đã trở nên một biến cố vĩ đại trong lịch sử dân thánh, và là nguồn cảm hứng để toàn dân tấu lên bài ca tán tụng Ngài.
Thế nhưng “chứng nào tật nấy”, tình thương cứu độ của Thiên Chúa lại bị chính dân được giải thoát đáp trả một cách hết sức phũ phàng. Họ đã quay lại oán trách Thiên Chúa khi Môsê chưa đáp ứng đủ cái ăn cái mặc. Họ đã đúc 1 con bò vàng và bao quanh nhảy nhót và vái lạy, để chọc giận Thiên Chúa là Đấng duy nhất mà họ phải tôn thờ. Nhiều người đã bỏ Chúa chạy theo các thần của dân ngoại. Một số thì quay trở lại Ai Cập chấp nhận tiếp tục làm tôi đòi. Số khác thì chìm sâu trong đời sống trụy lạc và vô luân. Họ không còn nghe lời của Môsê thủ lãnh. Họ cũng chẳng quan tâm Thiên Chúa đang nghĩ gì.
Thánh Phaolô cho biết, sở dĩ họ trở nên như thế là vì họ đã chiều theo những dục vọng xấu xa của mình. Và ngài mời gọi chúng ta, hãy lấy đó làm bài học xương máu cho chính chúng ta. Bởi vì đam mê dục vọng vốn là những cơn cám dỗ nằm ngay trong lòng của mỗi người. Do đó, Thánh nhân cảnh giác rằng: “Ai tưởng mình đứng vững thì hãy coi chừng kẻo ngã”.
Còn trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu cho biết rõ số phận của những người cứ sống nuông chiều theo những dục vọng đam mê, mà không lo sám hối lỗi lầm là như thế nào.
Trong khi người Do Thái cứ khăng khăng cho rằng, những người Galilê bị tổng trấn Philatô sát hại, và ngay cả 18 người bị tháp Si-lô-ac ngã xuống đè chết, là do họ đã phạm quá nhiều tội lỗi nên đáng bị phạt như vậy; thì Chúa Giêsu lại khẳng định với họ và với cả chúng ta rằng: “Nếu các ngươi không chịu sám hối thì các người cũng sẽ chịu chung một số phận y như thế”.
Những lời cảnh tỉnh đó của Chúa Giêsu và của thánh Phaolô, thiết nghĩ mỗi người cần khắc cốt ghi tâm. Nếu chúng ta không lo sám hối lỗi lầm, thì chúng cũng sẽ có kết cục giống như vậy.
Tuy nhiên, giận thì giận mà thương thì thương. Ở cuối bài Tin mừng, Chúa Giêsu lại mở ra cho chúng ta niềm hy vọng. Ngài đã dùng dụ ngôn “Cây vả trong vườn nho” để mạc khải cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta bao giờ. Ngài vẫn luôn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta sám hối trở về để ban ơn tha thứ.
Tóm lại, lời Chúa hôm nay nhắn gởi đến chúng ta 2 điều này: Thứ nhất, mỗi người hãy nhớ lại đời sống của dân Israel xưa và hậu quả mà họ đã hứng chịu, để đừng bước đi trên vết xe đỗ ấy. Và thứ hai, Thiên Chúa ta giàu lòng thương xót. Ngài chậm giận và rất mực từ nhân. Hãy mau mau sám hối trở về để nhận ơn tha thứ của Ngài
Ước gì lời Chúa dạy hôm nay, cũng chính là quyết tâm của mỗi người trong những ngày còn lại của mùa Chay thánh này, để tất cả chúng ta chuẩn bị tâm hồn mình thật xứng đáng, mà đón mừng đại lễ Vượt Qua. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM III: NGƯỜI LÀM VƯỜN VÀ CÂY VẢ
Tin mừng Chúa nhật hôm nay kể hai sự kiện:
– Sự kiện vụ án Philatô giết người vô tội, Chúa Giêsu không ủng hộ những người quá khích trong cuộc đấu tranh của họ chống lại Roma. Sứ điệp của Người luôn rõ ràng và rất tập trung: “Thời giờ đã hoàn tất, nước Thiên Chúa đã đến gần. Hãy ăn năm sám hối và tin vào Phúc Âm” (Mc 1,15). Chúa Giêsu cảnh tỉnh: “Nếu các ngươi không sám hối thì cũng bị chết như vậy” ( Lc 13,3.5).
– Sự kiện tháp Silôa đổ xuống đè chết mười tám người ở Giêrusalem. Cũng như trong trình thuật người mù bẩm sinh (Ga 9, 2–3), Chúa Giêsu giải thích rằng “không phải vì anh ta,không phải vì cha mẹ anh ta đã phạm tội, mà anh ta sinh ra đã bị mù loà”. Người khẳng định nơi đây rằng không ai trong bọn họ là nạn nhân của trừng phạt. Thiên Chúa không tìm trừng phạt mà là nâng dậy. Tuy nhiên, mỗi người chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
Người đời thường nghĩ rằng: những kẻ bị tật nguyền, những ai bị tai hoạ là bởi tội của họ hoặc do tiên nhân để lại. Họ đã đau khổ lại càng đau khổ hơn bởi quan niệm sai lầm này. Trong thực tế mọi người phải chấp nhận giới hạn của mình và hậu quả do mình gây nên hay vì sự liên đới nào đó do người khác mang lại.Chẳng hạn, hai tai nạn Chúa Giêsu đưa ra trong trong đoạn Tin mừng đều có nguyên nhân của nó. Philatô cần có tiền để xây dựng hệ thống dẫn nước đem lại lợi ích cho toàn dân. Vì thiếu tiền nên đã vào đền thờ quyên góp. Nhóm cực hữu cho hành động này là xúc phạm sự thánh nên trang bị khí giới để chống đối và bảo vệ đền thờ. Thấy thế Philatô ra lệnh giết chết họ trong đền thờ. Hành động của họ dù với mục đích tốt nhưng lại thiếu khôn ngoan nên họ đã bị thiệt mạng. Vụ án mạng tháp Silôa sập đè chết mười tám người vì lý do thiếu kỷ thuật trong việc xây cất.Vụ này cũng như vụ việc cầu Văn Thánh rạn nứt hay các công trình xây cất hiện nay bị xuống cấp mau chóng là do bớt xén vật liệu, làm dối làm ẩu. Những tai hoạ đều có nguyên nhân của nó, hoặc là do mình, hoặc là do người khác. Những người Do thái nghĩ là do có tội nên Chúa phạt họ, còn mình vô tội thì được bình yên. Điều này đưa đến sự an toàn giả tạo. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh rằng mọi người đều là tội nhân nên cần phải sám hối ăn năn.
Nhân hai sự kiện thời sự, những người nổi loạn bị Tổng trấn Philatô giết và mười tám người bị tháp Silôa đè chết, Chúa Giêsu cảnh báo người đương thời phải sám hối. Điều lạ lùng là một đàng, Chúa dạy phải mau mau sám hối; đàng khác,Chúa lại kiên trì chờ đợi con người sám hối qua dụ ngôn “Người làm vườn và cây vả”. Lúc sống yên lành là lúc cần hoán cải. Cây vả trong dụ ngôn cũng ở trong tình trạng an toàn. Cây vả không cho trái độc, không làm hại cây khác, không phá cảnh quang. Nó chỉ có tội làm hại đất, sử dụng đất màu mỡ mà không cho trái. Nhiều người cũng cảm thấy an toàn như cây vả. Tự hào vì mình không làm điều xấu, chẳng làm hại ai. Thế nhưng họ lại quên rằng mình đã phạm tội không làm điều tốt, những điều tốt có thể làm được và phải làm. Nhiều người thường tự hỏi: tại sao người tốt cần phải hối cải? Tôi là người thường đọc kinh dự lễ rước lễ, không làm điều xấu hại ai, tại sao tôi phải ăn năn sám hối?
Sống đạo không phải chỉ lo tránh tội mà còn là gieo trồng cái tốt, cái thiện. Có câu chuyện kể của ông chủ tiệm đồ cổ. Vào một đêm đông, trời đã khuya, bão tuyết rơi lạnh lẽo, gió thổi mạnh rít từng cơn. Bỗng dưng có tiếng gõ cửa. Ông chủ cảm thấy khó chịu vì bị quấy rầy giữa đêm khuya. Khi cánh cửa vừa mở, một người thanh niên dáng bụi đời đang run rẫy với một bàn tay xoè ra van xin, một bàn tay đỡ cây gậy trên vai treo ít đồ đạc cá nhân. Thấy hoàn cảnh đáng thương, ông chủ đưa tay với lấy ít bánh mì, vài đồng bạc lẽ trao cho hành khách. Nhận được của bố thí, người thanh niên quay gót trở đi không nói lời cám ơn giã từ. Khi đó chợt một ý tưởng đến trong đầu ông chủ nhà là nên mời người đó vào nghĩ đỡ một đêm, nhà vẫn còn phòng khách trống, còn chăn nệm ấm êm. Tuy nhiên ông lại nghĩ nếu để cho người này ở lại thì căn nhà sạch sẽ của mình sẽ bị ẩm ướt, bị dơ bẩn. Thế rồi ông vội vàng đóng kín cửa. Hai ngày sau, có người thợ đem đến một cây gậy làm bằng gỗ quý. Khi đã thương lượng giá cả, người bán gậy cho biết, anh ta là người thợ chuyên đào mộ ở nghĩa trang. Anh vừa chôn một người thanh niên mới chết, người thanh niên này vô gia cư, không tiền bạc, không người thân. Tài sản anh ta chỉ là cây gậy, người thanh niên chết vì bị lạnh cóng, máu đông lại khi ngũ trên tuyết. Nghe đến đây ông chủ tiệm cảm thấy hối hận và xấu hổ. Ông hối hận không phải vì đã làm điều xấu mà vì điều tốt ông có thể làm cho người thanh niên nhưng ông đã không làm khiến cho anh phải chết rét. Ông chủ tiệm kết thúc câu chuyện với nổi thao thức: điều tôi ao ước là những sự dữ chúng ta làm có lẽ Thiên Chúa sẽ tha thứ. Nhưng những gì tốt chúng ta đã không làm sẽ mãi mãi không được tha thứ.
Đó cũng chính là điều Chúa Giêsu muốn nói qua dụ ngôn cây vả. Mục đích cây vả là sinh trái. Theo truyền thống, cây nho (vườn nho) tượng trưng cho dân tộc Israel (x.Tv 79,9; Osê 10,1; Gr 2,21). Cây vả được trồng trong vườn nho tượng trưng nơi đây cho các môn đệ Chúa Kitô. Người chủ vườn thất vọng không phải là cây vả sinh trái xấu, trái độc, trái chua mà là cây vả không sinh trái tốt. Cứ để thêm một năm chăm bón vun xới may ra cây vả sinh hoa trái. Chúa mời gọi thời gian sám hối hoán cải. Lời mời gọi sám hối không chỉ là lời mời gọi xa tránh sự dữ nhưng còn là lời mời gọi làm việc lành, sinh hoa trái tốt. Bởi đó, việc sám hối liên hệ ràng buộc mọi người. Ai cũng phải làm lành lánh dữ. Lánh dữ, không làm điều xấu chưa đủ, từ bỏ tội lỗi chưa đủ nhưng còn phải tích cực thực hành những điều tốt lành nữa.
Khuynh hướng tự nhiên của con người là muốn được yên thân, an phận, không muốn làm phiền ai và cũng không muốn ai gây phiền hà cho mình. Vì thế một người ngoan đạo có thể bị rơi vào tình trạng tự mãn, sống ích kỷ mà không hay biết.
Dụ ngôn cây vả cho ta thấy khuôn mặt Thiên Chúa. Chúa Cha là người chủ vườn kiên nhẫn: “Ðã ba năm nay…” Ngài đã nuôi bao hy vọng: “Tôi ra tìm trái mà không thấy”. Quyết định chặt cây chỉ đến sau những lần hụt hẫng. Ngài chỉ phạt khi đã làm đủ cách để lay động tim ta. Chúa Giêsu là người làm vườn kiên nhẫn không kém: “Xin ông cứ để nó lại năm nay nữa”. Ngài không ngừng ấp ủ chút hy vọng mong manh:”Tôi sẽ vun xới, bón phân, may ra sang năm nó có trái”. Nhưng đừng quên lời đe dọa cuối cùng: “Nếu không ông chủ cứ chặt nó đi”. Kiên nhẫn, hy vọng, chăm bón, nhưng cương quyết đòi hỏi, đó là thái độ của Thiên Chúa đối với tội nhân. Chúa Giêsu vừa thôi thúc chúng ta mau mau hoán cải, vừa chấp nhận cho chúng ta có thời gian trì hoãn.
Những lời đe doạ của Thiên Chúa trong Kinh Thánh là những lời kêu gọi thôi thúc ăn năn hối cải. Nhưng Thánh Luca thích nhấn mạnh hơn về lòng xót thương và nhấn mạnh lòng nhân từ của người thợ làm vườn nho, nài xin ông chủ vườn nho hãy nhẫn nại: “Xin ông chủ hãy để nó thêm năm nay nữa..”. Người thợ làm vườn nho đầy nhân từ trắc ẩn, đầy quan tâm sát sao và đầy tình yêu đối với cây nho của mình, đó chính thật là Chúa Giêsu mà chúng ta yêu mến.
Mùa chay là mùa ân sủng. Người chủ vườn nhẫn nại và quảng đại cho cây vả thêm một năm nữa để hy vọng nó có thể sinh hoa trái. Mỗi Mùa Chay, Thiên Chúa cho chúng ta thêm cơ hội để đổi mới con người, làm nhiều việc lành bác ái phúc đức. Mỗi người không biết mình sẽ ra đi về với Chúa khi nào. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để mỗi người kiểm điểm về cây vả đời mình. Thêm một cơ hội, thêm một kỳ hạn nữa. Điều quan trọng là mỗi người đã làm gì với cơ hội và với kỳ hạn đó ?
“Sám hối” là từ thường gặp trong Thánh Kinh, nó được kêu gọi bởi Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu, các tông đồ và hôm nay luôn được lặp lại nơi sứ điệp của Giáo Hội. Bởi sám hối là động thái tiên quyết để đón nhận ơn cứu độ. Còn sống là còn cơ hội để sám hối! Nếu không tận dụng tốt cơ hội Chúa ban thì Ngài sẽ cất đi như cây vả không chịu sinh trái.
Tiên tri Êdêkien ví những cây ăn trái mọc hai bên bờ dòng sông chảy từ Đền Thờ một năm mười hai tháng đều đơm hoa kết trái, trái cây dùng làm lương thực, lá cây dùng làm thuốc (Ed 47,12). Những ai luôn biết sám hối, đời sống của họ sẽ luôn kết hợp với Chúa như cành nho gắn liền với cây nho sẽ trổ sinh hoa trái đồi dào (Ga 15).
Lạy Chúa, xin giúp con luôn sinh nhiều hoa trái thiêng liêng là những việc lành (x. Cl 10,1) nhờ luôn kết hợp với Chúa là nguồn sống của con. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
SUY NIỆM IV: SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC SỐNG
Bài Tin Mừng hôm nay có bốn yếu tố, gồm hai sự kiện lịch sử, một lời bình luận của Chúa Giêsu và một dụ ngôn. Thoạt nghe, chúng ta tưởng các yếu tố này không liên quan gì với nhau, nhưng nếu thánh sử Luca ghi lại ở đây, chắc chắn là phải có chủ ý. Dụ ngôn về cây vả có mục đích giúp chúng ta hiểu rõ hơn lời bình luận của Chúa Giêsu về hai sự kiện lịch sử được kể ở đầu bài Tin Mừng.
Trước sự kiện tổng trấn Philatô giết hại những người Galilê trong đền thờ, và thảm họa mười tám người bị tháp Si-lô-ác đè chết, vấn nạn về sự ác hiển nhiên được đặt ra, và ai cũng muốn có một lời giải thích, một câu trả lời thỏa đáng. Vào thời Chúa Giêsu, người ta quan niệm rằng sự xấu hay sự ác là hậu quả của tội lỗi, nên trước những thảm họa, câu hỏi được đặt ra là: “Những nạn nhân kia đã phạm tội gì để phải chịu sự trừng phạt như vậy?” Nói cách khác, họ tin vào quan niệm Thiên Chúa thưởng phạt nhãn tiền, tai họa là hình phạt Thiên Chúa giáng xuống trên những người tội lỗi.
Biết rõ tư tưởng của họ, Chúa Giêsu trả lời: “Không phải những nạn nhân đó tội lỗi hơn các ông đâu.” Người ngụ ý nói với họ rằng: “Nếu đó là hình phạt của Thiên Chúa, thì các ông cũng đã chịu chung một số phận như thế.” Câu trả lời rất dứt khoát của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng, thứ nhất, đau khổ và tội lỗi không có mối liên hệ gì với nhau cả. Thứ hai, việc sám hối đầu tiên mà con người phải làm đó là nhận ra lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, và loại bỏ vĩnh viễn tư tưởng Thiên Chúa phạt con người!
Dụ ngôn về cây vả chứng minh điều đó. Chúa Giêsu kể dụ ngôn cây vả để cho chúng ta thấy lòng thương xót và nhẫn nại của Thiên Chúa dành cho người tội lỗi lớn lao như thế nào. Với cái nhìn của con người, nếu một cây vả trồng đã lâu năm mà không sinh hoa kết trái, lại còn làm hại đất thì phải chặt bỏ nó đi! Nó cũng giống như cách chúng ta suy nghĩ về những người làm điều ác: “Nếu tôi là Chúa, tôi sẽ tiêu diệt tất cả những người tội lỗi!” Nhưng Chúa của chúng ta là Thiên Chúa tình yêu, Thiên Chúa của lòng thương xót. Trong sách ngôn sứ Êdêkien, Chúa nói: “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống.” (Ed 33,11), và thánh Phêrô cho chúng ta biết rằng “Thiên Chúa kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2 Pr 3,9b)
Nếu Chúa Giêsu đã nặng lời với những kẻ đến kể cho Người về những người bị Philatô giết hại là Người muốn cảnh tỉnh để họ sám hối và được sống: “Nếu các ông không chịu sám hối, các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” Chúng ta thấy Chúa Giêsu đã nói: “Các ông sẽ chết”, chứ Người không nói: “Chúa sẽ phạt các ông.” Điều đó nghĩa là chúng ta chính là những người quyết định cho số phận của mình. Mỗi cá nhân hay tập thể phải chịu trách nhiệm và hậu quả về những gì mình đã làm, đã gây ra.
Trong cuộc sống, chúng ta đã từng chứng kiến có những thái độ hoặc cách xử sự không đúng của một cá nhân hay tập thể nào đó dẫn tới những thảm kịch. Chính vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sám hối, thay đổi cách sống. Mỗi người tự vấn lương tâm để biết mình cần phải thay đổi điều gì, vì Chúa biết chúng ta có khả năng làm tốt hơn, trở nên người tốt hơn. Chúa trao cho chúng ta tự do và khả năng nắm giữ vận mệnh của mình. Ðó là sứ điệp của bài đọc I và bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay.
Việc Chúa gọi ông Môsê đến đất Ai Cập để giải thoát dân Israel chứng tỏ Người đi ngược lại với lối suy nghĩ thời đó. Dân trách Thiên Chúa là nguyên nhân mọi bất hạnh của họ, nhưng Chúa không nói: “Ðáng đời chúng nó... chúng nó đáng bị phạt!” Ngược lại, Người nói với Môsê: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập... Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng... Bây giờ, ngươi hãy đi... Ta sẽ ở với ngươi.” (Xh 3,7-8.10.12)
Như vậy, Chúa luôn tìm mọi cách để giải thoát con người khỏi những đau khổ và bất hạnh, và mời gọi con người cộng tác với Người trong việc giải thoát anh em mình.
Lời Chúa hôm nay như một lời cảnh tỉnh chúng ta. Chúng ta được mời gọi nhìn lại chính mình và tự hỏi:
1. Tôi có khả năng nhận ra những gì là chưa tốt nơi tôi để có thể hoán cải hay không?
2. Tôi có tin rằng với thời gian và ơn Chúa, người khác có thể được biến đổi nên tốt hơn không, như dụ ngôn về cây vả trong vườn nho đã nhắc nhở chúng ta?
3. Tôi có chăm chú lắng nghe để nhận ra lời mời gọi cộng tác của Chúa trong việc an ủi những anh chị em đang đau khổ, và nâng đỡ họ trong cơn thử thách hay không?
Anh chị em thân mến, chúng ta đã đi được một nửa chặng đường Mùa Chay, và Lời Chúa hôm nay tiếp tục mời gọi chúng ta hãy sám hối. Ngay hôm nay, chúng ta cần thực hành việc sám hối bằng cách thay đổi và loại bỏ những thói quen xấu, thay đổi cái nhìn và thái độ của chúng ta. Việc hoán cải luôn phải khởi đi từ chính mỗi người, rồi sự đổi mới sẽ được lan tỏa cho gia đình, cho những người xung quanh và cho cộng đoàn chúng ta.
Xin Chúa ban cho chúng ta ơn sức mạnh và lòng can đảm để thực hiện lời mời gọi hoán cải trong Mùa Chay này. Amen.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
SUY NIỆM V: HÃY SÁM HỐI VÀ SINH HOA TRÁI THÁNH THIỆN
Lời Chúa trong Chúa Nhật tuần trước mời gọi chúng ta đến sự biến đổi qua đời sống cầu nguyện [Chúa Giêsu biến hình trong khi Ngài đang cầu nguyện]. Và Lời Chúa trong Chúa Nhật III Mùa Chay trình bày cho chúng ta hậu quả trong đời sống vĩnh cửu nếu chúng ta không thay đổi, không sám hối trước mạc khải của Thiên Chúa.
Bài đọc 1 hôm nay nói về việc Thiên Chúa kêu gọi Môsêđảm nhận sứ mệnh thay mặt Ngài dẫn dắt dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập. Trong đoạn trích từ sách Xuất Hành hôm nay, chúng ta tìm thấy mạc khải nền tảng về Thiên Chúa cho dân Israel và đỉnh cao củamạc khải này là tên của Thiên Chúa. Mạc khải tên cũng chính là mạc khải chính mình, vì tên diễn tả“nhân vị.” Khi một người cho người khác biết tên của mình là người đó muốn thiết lập quan hệ với người kia qua việc cho người đó biết mình là ai qua tên gọi. Thật vậy, tên để gọi, để nói lên “căn tính,” để thiết lập mối tương quan. Khi Thiên Chúa mạc khải tên của mình cho Môsê và dân Israel, Ngài muốn mạc khải cho họ biết Ngài là ai và Ngài muốn thiết lập một mối liên hệ giao ước với họ. Và tên của Thiên Chúa là: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3:14). Tên này nói đến sự hiện diện vĩnh hằng, là Đấng luôn hiện hữu, Đấng luôn ở trong “hiện tại.”Sự hiện hữu [hiện diện] của Ngài không phải là một sự hiện hữu của quá khứ hay của tương lai, nhưng luôn trong hiện tại.Không có khi nào Ngài không hiện hữu và gần gũi với chúng ta. Điều này khẳng định cho chúng ta chân lý này: Ngài luôn ở cùng chúng ta trong mọi giây phút. Đây chính là ý nghĩa của tên của Chúa Giêsu: Ngài sẽ được gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (x. Is 7:14; Mt 1:23). Chân lý này cũng là điều khuyến cáo chúng ta phải sống ngay lành trước nhan Thiên Chúa, vì mọi sự đều bày tỏ trước mắt Ngài: chúng ta có thể giấu người khác, ngay cả với những người thân nhất của chúng ta, nhưng chúng ta không thể giấu Thiên Chúa bất cứ điều gì.
Điểm thứ hai trong bài đọc 1 đáng để chúng ta suy gẫm là việc Thiên Chúa mạc khải chính mình cho Môsê trong khi ông đang làm công việc thường ngày của ông: chăn chiên. Chắc chắn một điều là ông đã nhìn thấy bụi gai nhiều lần vì bụi gai là vật quen thuộcmà ông nhìn thấy mỗi ngày. Nhưng hôm nay cái quen thuộc trở thành cái “ngoại thường”: Ông Môsê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi” (Xh 3:2). Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Ý nghĩa của nó là: Thiên Chúa thường dùng những cái quen thuộc trong ngày sống của chúng ta để mạc khải mầu nhiệm của Ngài.Để nhận ra mầu nhiệm Thiên Chúa, chúng ta phải đi ra khỏi thái độ “làm theo thói quen” của thường ngày vàhọc để trở nên nhạy cảm với sự hiện diện của Thiên Chúa trong những cái bình thường của ngày sống.Hơn nữa, khi Thiên Chúa mạc khải chính mình cho ai, thì Ngài đồng thời mời gọi họ cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ của Ngài. Thiên Chúa mạc khải cho Môsê vì Ngài “đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật”(Xh 3:7-8a). Ngài mời gọiMôsê cộng tác với Ngài trong việc mang lại sự giải phóng khỏi nôlệ cho dân của Ngài. Cũng vậy, qua những công việc bình thường của ngày sống, Thiên Chúa mạc khải chính mình cho chúng ta và mời gọi chúng ta cộng tác vào công trình cứu độ của Ngài hầu làm cho gia đình [cộng đoàn], giáo xứ, Giáo Hội và thế giới ngày càng trở nên yêu thương hơn.
Cuối cùng, bài đọc 1 hôm nay chỉ ra cho chúng ta thái độcần thiết nhất khi đến với Chúa là sự cung kính. Chúng ta thấy Thiên Chúa đòi buộc Môsê: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh” (Xh 3:5). Thái độ của chúng ta khi đến với Chúa thế nào? Chúng ta có cung kính Ngài như Ngài đáng được cung kính không? Nhiều người trong chúng ta biện minh rằng: Chúa không cần vẻ bên ngoài, Chúa chỉđểýđến bên trong con tim của con người. Đúng là như thế. Tuy nhiên, chúng ta là một con người có hồn có xác, chúng ta phải đến với Chúa với vẻđẹp bên trong lẫn bền ngoài của một con người toàn diện. [Trừ trường hợp chúng ta không có đủđiều kiện đểchuẩn bịvẻ bề ngoài của mình cách chỉnh tề vì mình quá nghèo]. Chúng ta lấy một ví dụ trong cuộc sốngđể làm sáng tỏđiều chúng ta muốn nói: khi được mời đến gặp một người nổi tiếng hoặc có chức sắctrong xã hội và Giáo Hội, chúng ta có ăn mặc chỉnh tề không? Chắc chắn chúng ta không thể ăn mặc như đi dạo chơi để gặp họ. Chúng ta phải ăn mặc chỉnh tề trong những dịp như thế. Khi đi gặp những con người mà chúng ta đã tỏ ralịch sự trongvẻ bề ngoài để tỏ sự tôn trọng người khác, thì khi đến với Chúa chúng ta cũng phải có sự cung kính tương xứng, nếu không nói là chọn những gì đẹp nhất đểđến với Ngài. Ước mong chúng ta đến với Chúa với vẻđẹp bên ngoài thân xác và bên trong tâm hồn!
Như chúng ta đọc thấy trong bài đọc 1, câu chuyện về ơn gọi của Môsê xảy ra trong sa mạc, gần núi thánh của Thiên Chúa. Hình ảnh này là khởi đầu và đã gắn liền với lịch sử của dân Israel trong thời gian họ hành trình trong sa mạc: là thời gian của mạc khải và giao ước. Tuy nhiên, theo Thánh Phaolô, thời gian của Môsê và dân Israel trong sa mạc cũng là thời gian đầy bất tuân và phàn nàn Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết trong bài đọc 2: “Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cảđều vượt qua Biển Đỏ.Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Môsê.Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng,tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô.Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc (1Cr 10:1-5). Những lời này của Thánh Phaolô nhằm mục đíchrăn dạy chúng ta đừng chiều theonhững dục vọng xấu xa (x. 1 Cr 10:6), hay đúng hơn những “bản năng tự nhiên” của mình. Chúng ta không nên lẩm bẩm kêu trách người khác và Thiên Chúa về những khó khăn và thử thách trong cuộc sống của chúng ta. Trong mọi thử thách phải cậy dựa vào Thiên Chúa hơn là vào sức của mình. Thánh Phaolô cảnh báo những ai tưởng mình đang đứng vững phải cẩn thận: “ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10:12). Hãy khiêm nhường khi thành công và không thất vọng khi thất bại!
Bây giờ, chúng ta cùng nhau tập trung vào Bài Tin Mừng để lắng nghe, suy gẫm và đem ra thực hành những điều Chúa Giêsu dạy chúng ta. Bài Tin Mừng hôm nay chỉ tìm thấy trong Tin Mừng của Thánh Luca. Sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay dạy các môn đệ Chúa Giêsu rằng: Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót, nhưng lòng thương xót của Ngài không mang tính “uỷ mị.” Ngài muốn tội nhân sám hối trước khi quá trễ. Bài Tin Mừng hôm nay gồm có hai phần: trong phần thứ nhất (Lc 13:1-5), Chúa Giêsu kêu gọi mọi người phải sám hối; phần hai (Lc 13:6-9) trình thuật lại cho chúng ta dụ ngôn về cây vả không sinh hoa trái.
Theo niềm tin của người Do Thái thời đó, những ai gặp tai ương là những người tội lỗi bị Thiên Chúa trừng phạt. Chúa Giêsu mời gọi họ phải thay đổi lối suy nghĩ này. Họ không hoặc chưa gặp điều tai ương không phải là họ không có tội. Họ cũng như bao nhiêu người khác, cũng chia sẻ thân phận con người mỏng manh yếu đuối. Chúa Giêsu lặp lại điệp khúc sám hối hai lần: “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy” (Lc 13:3,5). Sự lặp lại này tạo nênbối cảnhcho câu hỏi của các môn đệvề việc chỉ một ít người được cứu độ (Lc 13:23) khi Chúa Giêsu nói cho họ biết phải qua cửa hẹp để vào Nước Thiên Chúa. Khi thuật lại hai trường hợp không may của những người Galilê bị Philatô giết và những người bị tháp Silôam đè chết (x. Lc 13:1,4), Thánh Luca muốn khuyến cáo các thành viên trong cộng đoàn của mình và chúng ta rằng: những điều không may xảy ra cho người khác chính làlời cảnh báo cho chúng ta phải thay đổi và cảnh giác mà nhiều lần chúng ta đã không nghe. Thật vậy, nhiều lầntrong cuộc sống, chúng ta cũng “cứng đầu,”không muốn thay đổi và sám hối. Chúng ta thấy hậu quả của những lỗi người kháctạo ra, nhưng chúng ta không muốn học. Chúng ta nhắm mắt và sống cách bất cần. Ví dụ, chúng thấy hậu quả của những người bài bạc, rượu chè hoặc hút chích, hoặc những phản ứng khi nóng giận làm tổn thương người khác, hoặc sống một đời sống luân lý không lành mạnh, chúng ta trách họ. Nhưng rồi đến lượt mình, chúng ta lại rơi vào và sống mãi ở trong đó.Ởđây, Chúa Giêsu nói đến những cái chết bất ngờ của người khác để dạy các môn đệvà chúng ta phải sám hối và sẵn sàng cho việc phán xét [cho cái chết]. Nếu chúng ta không tha thứ, không hoà giải, nếu chúng ta giữ sự ghen tỵ và nóng giận trong lòng và chết bất ngờ trong tình trạng đó, chúng ta sẽ đi về đâu? Đừng chờ đến khi quá muộn để yêu thương và tha thứ; đừng chờ đến lúc quá muộn để nói lời yêu thương và làm những cử chỉ yêu thương cho người thân của mình!
Trong phần 1 của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy hình ảnh của một Đức Kitô rất cứng rắn trong lời mời gọi sám hối của mình. Nếu không sám hối, hậu quả không lường sẽ xảy ra cho họ. Hình ảnh này hoàn toàn trái ngược, hay đúng hơn được làm nhẹ đi trong phần 2. Theo các học giả Kinh Thánh, đây là dụ ngôn về lòng thương xót mà Luca sẽ khai triển trong những chương tiếp theo, nhất là trong ba dụ ngôn trong chương 15: mất đồng tiền, mất chiên và mất con. Dụ ngôn này mang lại cho người nghe trong cộng đoàn của Thánh Luca thời đó và chúng ta ngày hôm nay một sự an ủi khi chúng ta vấp ngã trên con đường theo Chúa. Tuy nhiên, nó cũng là một dụ ngôn mang tính khuyên răn cho những người hay chần chừ, trì hoãn việc thay đổi và sinh hoa trái tốt trong cuộc sống. Chúng ta có thuộc loại này không?
Dụ ngôn trong phần hai của bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta về cây vả không sinh hoa trái và người chủ muốn chặt bỏ nó: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vảnày tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?’(Lc 13:6-7). Hình ảnh cây vả không sinh hoa trái là hình ảnh của người không sám hối. Tuy nhiên, điều đángan ủi cũng là thách đố cho chúng ta được tìm thấy trong câu: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi” (Lc 13:8-9). Câu này hàm chứa hai điều: một mặt cây vả được cho thêm thời gian, được chăm sóc để sinh hoa trái vào mùa sau, nhưng mặt kháccây vả được đòi hỏi phải sinh hoa trái. Áp dụng vào trong cuộc sống của mình, chúng ta được Thiên Chúa cho thêm thời gianđể sám hối và sinh hoa trái. Nói cách cụ thể hơn, liệu chúng ta có thay đổi sau thánh lễ hôm nay không? Liệu chúng ta có sinh hoa trái tốt lành cho Chúa khi Ngài đến gặp chúng ta không? Khốn cho chúng ta nếu khi Ngài đến mà không thấy chúng ta sinh được hoa trái tốt lành, thánh thiện nào.
Cuối cùng, hình ảnh “ba năm”nói đến ba năm Chúa Giêsu rao giảng và nhiều người nghe Ngài: có người thay đổi và sinh hoa trái, nhưng cũng có người chống đối và giết chết Ngài. Chúng ta thuộc loại nào trong hai loại trên? Chúng ta không chỉ nghe Chúa Giêsu raogiảng ba năm. Nhiều người trong chúng ta đã năm năm, mười năm, hai mười năm, ba mươi năm hoặc tám mươi nămđã nghe Chúa Giêsu rao giảng mỗi ngày hoặc mỗi Chúa Nhật. Chúng ta có sinh được hoa trái tốt lành nào để dâng cho Chúa không? Hay là con người của mấy chục năm vềtrước vẫn là con người của chúng ta bây giờ: một con người luôn dễ dàng nóng giận của 40 năm về trước bây giờ vẫn như vậy, hoặc con người không tha thứ 60 năm về trước đến giờ vẫn chưa chịu tha thứ cho người khác.Hãy sám hối và sinh hoa trái tốt trước khi quá muộn!
Lm. Anthony Nguyễn Ngọc Dũng
SUY NIỆM VI: TẤT CẢ MỌI NGƯỜI CẦN PHẢI HOÁN CẢI
Trước những hoạn nạn hoặc tai họa xảy ra, người bàng quang thường bàn tán. Với người họ cho là tốt, họ nhận định: “Ông bà nầy xem ra ăn ở phúc hậu, sao lại bị trời phạt như thế nầy!”. Với người họ không thích, họ phê: “Ăn ở thất đức, trời phạt là phải”. Quan niệm cho là người tội lỗi, ăn ở bất chính thì gặp phải bệnh tật, hoạn nạn, tai họa, là quan niệm rất phổ biến trong dân gian, nhất là thời xưa. Ở Do Thái thời của Đức Giêsu cũng thế. Nghe tin tổng trấn Phi-la-tô giết những người Galilê một cách tàn nhẫn trong đền thờ, hoặc những người bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, dân chúng kết luận: họ là người xấu, mắc tội nặng, cho nên mới bị chết một cách khủng khiếp như vậy. Họ xem tai họa là hậu quả của tội lỗi. Ai không bị tai họa thì có thể an tâm cho mình là người tốt.
Chúa Giêsu đã sửa quan niệm coi tai họa là hậu quả của tội lỗi và bảo: “Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” Hoán cải và tin vào Tin Mừng của Chúa Giêsu chính là con đường dẫn vào Nước Thiên Chúa. Vì vậy, suy nghĩ về cuộc sống và chỉnh hướng cuộc sống theo Tin Mừng phải là thái độ sống liên lỉ của tất cả mọi kitô hữu.
Khi nghe đến từ sám hối, chúng ta nghĩ ngay đến việc ăn chay, hãm mình, đánh tội và bao việc lành chúng ta phải làm, để không bị Chúa đoán phạt. Thực ra, sám hối không tiêu cực như thế. Lời đầu tiên Đức Giêsu rao giảng là: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Triều Đại Thiên Chúa chính là sự sung mãn Thiên Chúa ban cho loài người, là ý nghĩa cuộc đời, là tương lai và hạnh phúc bất diệt của con người. Và Ngài ban tặng món quà đó qua chính con Ngài là Đức Kitô. Qua cuộc sống, các hoạt động, cuộc thương khó, cái chết và sự sống lại, Đức Kitô đã bộc lộ cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai: Người là Tình yêu vô tận. Và Thiên Chúa ao ước cho chúng ta thực tâm đón nhận Tình yêu ấy và từ bỏ những gì cản trở chúng ta trên con đường đến cùng Người. Thiên Chúa không muốn chúng ta làm những việc đạo đức cách miễn cưỡng, sám hối sửa minh bề ngoài, nhưng yêu thương phải được đáp trả bằng yêu thương. Sống yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta, đó mới là hoán cải thật lòng, là sám hối cụ thể trong đời thường, thể hiện trong tình thương tha nhân, quan tâm đến người khác, tinh thần trách nhiệm, tình liên đới và giúp đỡ cụ thể. Sám hối thực lòng bắt đầu ở con tim và thể hiện ra hành động cụ thể. Và để sống trọn vẹn tình thương ấy, đôi khi chúng ta phải sửa đổi cách sống, nhất là tính ích kỷ và lòng ham muốn hưởng thụ.
Trong ý nghĩa đó, không thể hoán cải một lần là đủ, nhưng con người cần phải làm mãi trong cuộc đời. Không thể nói: tôi đã tốt đủ rồi, không cần phải sửa đổi nữa. Cũng không thể phàn nàn với Chúa: con còn phải làm gì nữa, để Chúa được vui lòng. Nhưng hãy tự hỏi: tôi còn có cách thế nào để bộc lộ lòng tri ân của tôi đối với Chúa, để làm chứng tá hơn nữa cho tình thương lớn lao Chúa dành cho tôi.
Mùa Chay thiết tưởng là thời gian thuận tiện để chúng ta suy tư về cuộc sống của chúng ta trước mặt Chúa, để khám phá những dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa trong cuộc đời và trong cuộc sống thường ngày, để nhận định được những gì chúng ta còn có thể sửa đổi, để con đường chúng ta đi được đúng hướng. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu không nhằm hăm dọa con người, nhưng là sứ điệp về lòng nhân hậu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Cảm nghiệm được tình thương của Người, chúng ta sẽ hoán cải, để đạt được niềm tin sâu xa hơn và cuộc sống bác ái cụ thể hơn.
Lm. Giuse Nguyễn Trung Điểm
SUY NIỆM VII: HOA TRÁI THIÊNG LIÊNG
Thường khi đọc thánh kinh, ta có khuynh hướng chọn những lời êm ái dịu dàng, những lời có sức làm dịu mát tâm hồn và làm phấn khởi tâm can. Tuy nhiên Chúa cũng dùng những lời khắt khe để cảnh giác dân Người. Trong Phúc âm hôm nay Chúa cảnh tỉnh dân chúng là: Nếu các ông không ăn năn sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy (Lc 13: 3). Chúa Giêsu muốn nói đến những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết không phải vì họ tội lỗi hơn những người Galilê khác, hay mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, không phải vì họ tội nặng hơn những người khác trong thành Giêrusalem. Còn Thánh Phao-lô nhắc nhở cho tín hữu Cô-rin-tô: Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã (1Cr 10:12). Thánh Phao-lô xác nhận rằng Chúa ban nhiều đặc ân cho dân được chọn trong cuộc giải thoát khỏi cảnh nô lệ bên Aicập. Trong sa mạc, Người đã nuôi dưỡng họ cách kỳ diệu. Họ biết rằng họ là dòng dõi được lựa chọn. Tuy nhiên trong sa mạc, họ đã xúc phạm đến Chúa. Họ rơi vào cái tình trạng tự mãn. Họ nghĩ rằng tất cả mọi sự trong đời sống họ đều tốt đẹp, và họ nghĩ rằng Chúa sẽ săn sóc họ, bất kể việc họ làm. Họ cho rằng họ trổi vượt hơn các dân tộc khác. Từ những cảm nghĩ kiêu căng tự phụ đó, họ đánh mất ơn nghĩa với Chúa, vì phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc (1Cr 10:5).
Nhờ bí tích rửa tội, ta cũng được giải thoát khỏi cuộc lưu đầy trong tội lỗi và trở thành dân tộc mới được chọn. Do đó ta cũng có thể có thái độ tự mãn. Thực ra thì Chúa nhẫn nại chờ đợi ta. Chúa ban cho ta nhiều cơ hội để sửa đổi cuộc sống. Chúa ban cho ta thời giờ để cắt tỉa, vun xới và tưới bón, khả dĩ có thể mang lại hoa trái thiêng liêng trong đời sống. Và đó là ý nghĩa về dụ ngôn cây vả trong phúc âm hôm nay. Chúa kêu gọi ta phải sinh hoa kết quả thiêng liêng. Nhưng làm sao ta có thể sinh hoa trái trong miền đất khô chồi cằn cỗi của tâm hồn. Để có thể sinh hoa kết quả trong đời sống, ta phải cắt tỉa, phải vun xới và tưới bón. Vậy thề nào là cắt tỉa trong đời sống thiêng liêng? Ta phải cắt bỏ tội lỗi và nết xấu, và còn cắt bỏ dịp tội. Rồi ta phải vun xới cho đời sống thiêng liêng bằng việc dự lễ, đọc kinh, cầu nguyện, ăn chay hãm mình và làm việc từ thiện bác ái. Ta còn phải tưới bón cho tâm hồn bằng của ăn thiêng liêng là lời Chúa và Mình thánh Chúa.
Giáo hội dùng mùa chay như là phương thế để giúp ta ăn năn sám hối và trở về với Chúa. Thường ta dễ thấy lỗi lầm của người khác, nhưng lại khó chấp nhận những lầm lỗi của mình. Khi có xích mích với người khác, ta luôn cho mình là phải và đúng. Khi nói về tội, ta cũng thường chỉ nghĩ về tội trong hành động, mà không mấy khi nghĩ về tội trong tư tưởng. Chúa phán: Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu (Mk 7:22). Tâm lý học cũng xác định là hành động là do tư tưởng mà ra. Nếu ta cho rằng ta vô tội và đạo đức, thì đâu là những hoa quả thiêng liêng trong đời sống? Có phải mỗi tuần ta đến nhà thờ lẩm bẩm vài câu kinh một cách máy móc theo thói quen hình thức? Hay là ta đã sống tâm tình cầu nguyện, hướng lòng về Chúa và kết hợp với Chúa. Đâu là gương sáng của ta cho con cái? Đâu là những gương hi sinh, vị tha, bác ái? Thiết tưởng hôm nay và trong mùa chay này, ta cần tự xét và kiểm điểm xem đâu là hoa quả của đời sống thiêng liêng?
Lm Trần Bình Trọng
SUY NIỆM VIII: MUA THỜI GIAN
Câu nói có tiền mua gì cũng có rất đúng cho chủ thuyết duy vật chất, như nhà cửa quần áo, đồ dùng. Chủ nghĩa trọng tinh thần cho thấy người dù có nhiều tiền cũng không mua được trí thông minh, tính khiêm nhường hay lòng bác ái như thế sức mạnh đồng tiền, dù có quĩ tiền tệ quốc tế bảo chứng, cũng có giới hạn riêng của nó. Về phương diện tâm linh, nhất là khi phải đối diện giữa sống và chết thì tiền hầu như trở thành bất lực. Đồng í có người may mắn nhờ nhiều tiền cơ hội chữa lành bệnh cao hơn. Điều này không có nghĩa người giầu, kẻ uy quyền sẽ không bao giờ chết. Ngày nào đó họ cũng phải ra đi. Khi sống tiền của, chức tuớc họ có là kẻ đồng hành như bóng với hình nhưng khi chết họ ra đi trong cô đơn, độc hành vì tiền bạc họ có lìa xa họ. Trái lại kẻ tin vào Đức Kitô suốt đời họ luôn cùng đồng hành với Ngài và cùng đồng hành trên đường về thiên quốc.
Ai cũng biết của cải vật chất cần cho sự sống và làm cho cuộc sống thoải mái hơn. Của cải vật chất ít nhiều cũng đóng vai trò giúp ta nhận biết tình yêu Thiên Chúa nhưng của cải vật chất tự nó không có khả năng dẫn ta đến với Đức Kitô. Thực ra của cải vật chất một mặt mang lại cơm no, áo ấm mặt khác lại tạo nên sức ép, đè nén, mà không ai có thể chối bỏ được thực tế dồn ép này của cuộc sống. Sức dồn ép được coi là gánh nặng cuộc đời của mỗi người. Khi sức ép trở thành gánh nặng quá mức chịu đựng, tinh thần người đó bị suy sụp, trở thành nạn nhân của gánh nặng cuộc đời. Để gánh nặng trở nên nhẹ nhàng hơn Đức Kitô vạch ra cho những ai tin vào Ngài một con đường, giúp người đó học cách trút bỏ gánh nặng cuộc đời.
Cách học trút bỏ gánh nặng cuộc đời chính là rộng mở tâm hồn đón nhận ơn Chúa và thực hành giáo luật yêu thương. Đặt niềm tin vào Đức kitô là chọn đúng con đường dẫn đến hạnh phúc thật và sự sống trường sinh vì chính Ngài xác nhận Ngài là đường là sự thật và là sự sống. Chọn theo Đức Kitô là chọn đúng đường dẫn đến hạnh phúc thật. Chọn dẫn đến sự thật mà sự thật có sức mạnh giải thoát con người khỏi gánh nặng cuộc đời. Chọn sự sống Đức Kitô ban chính là sự sống vĩnh cửu chỉ mình Đức Kitô có và ban cho những ai mong mỏi kiếm tìm sự sống đó.
Đôi khi chúng ta thất bại trong việc tin theo Đức Kitô. Trong trường hợp đó Ngài không bỏ rơi chúng ta nhưng ban cho chúng ta một giải pháp khác giúp ta trở về với Ngài. Giải pháp đó được coi như là cách mua thời gian. Làm sao để mua được thời gian đó. Thưa câu giải đáp tìm thấy trong cuộc đối thoại giữa chủ nhân và người làm vườn trong bài đọc hôm nay.
Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. vậy anh chặt nó đi để làm gì cho hại đất? Nhưng người làm vườn đáp. Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa, tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu khôn thì ông sẽ chặt nó đi Lc 13,7-9
Xin cho thêm một thời gian nữa, một cơ hội nữa là điều người làm vườn xin lòng từ bi, hỉ xả, bác ái từ ông chủ. Xin cho một cơ hội để thay đổi, hoán cải, từ bỏ lối cũ quay về lối mới. Lòng thương xót của ông chủ phát sinh từ tình yêu bao la và chính tình yêu bao la khiến ông chủ ban thêm một cơ hội. Chỉ một cơ hội thôi sao? Thưa không, hàng năm Giáo Hội luôn tạo thêm một cơ hội, tuỳ theo mùa phụng vụ và mỗi mùa phụng vụ lại tạo thêm một cơ hội giúp con người hồi tâm quay về với Thiên Chúa. Tình yêu Chúa thể hiện qua Giáo Hội trong việc kiên trì chờ đón con người thống hối trở về, không phải một năm mà hàng năm. hết năm này sang năm khác, Giáo Hội luôn mở rộng vòng tay đón nhận ta quay về cùng tình yêu Chúa để gánh nặng cuộc đời giảm nhẹ, hưởng hạnh phúc thật và sự sống thật.
Lm. Vũ Đình Tường