Thứ Tư tuần 3 thường niên.

Thứ ba - 29/01/2019 07:24

Thứ Tư tuần 3 thường niên.

"Người gieo hạt đi gieo hạt giống"

 

LỜI CHÚA: Mc 4,1-20

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy ở bờ biển và có đám đông dân chúng tụ lại gần Người, nên Người xuống ngồi trong một chiếc thuyền trên mặt biển, tất cả đám đông thì ở trên đất theo dọc bờ biển.

Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều, và khi giảng, Người nói với họ rằng: "Các ngươi hãy nghe! Nầy người gieo hạt đi gieo hạt giống. Khi gieo, một phần hạt rơi xuống vệ đường và chim trời đến ăn hết. Phần khác rơi trên đất sỏi, nơi không có nhiều đất. Hạt giống đã mọc lên ngay, vì lớp đất không sâu. Nhưng khi mặt trời mọc lên, hạt giống bị nắng đốt và vì không rễ, nên bị chết khô. Một phần khác rơi vào bụi gai và gai mọc lên làm hạt giống chết mà không sinh hoa trái được. Phần hạt khác rơi vào đất tốt, mọc lên, nẩy nở và sinh quả, hạt thì sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm". Và Người phán rằng: "Ai có tai nghe thì hãy nghe".

Khi Người còn lại một mình, thì mười hai ông là những kẻ luôn ở với Người, hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn, Người liền bảo các ông: "Các con được ơn biết mầu nhiệm về nước Thiên Chúa, còn những người khác ở ngoài thì mọi sự được giảng dạy bằng dụ ngôn, vì chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, kẻo chúng trở lại mà được tha tội". Người nói với các ông: "Các con không hiểu dụ ngôn đó sao? Vậy thì hiểu sao được tất cả những dụ ngôn khác?

Người gieo hạt là gieo lời Chúa. Vệ đường mà lời Chúa được gieo vào, là những kẻ vừa nghe xong, thì Satan đến và cất lấy lời Chúa gieo trong tâm hồn họ. Và cũng thế, những hạt giống rơi trên đất sỏi, là những kẻ khi nghe lời Chúa thì đón nhận vui vẻ, nhưng chúng không đâm rễ bên trong và là những người hay thay đổi: sau đó gặp phải cơ cực hay bắt bớ vì lời Chúa, thì họ sa ngã liền. Lại có những hạt giống rơi trong bụi gai. Ðây là những kẻ nghe lời Chúa, nhưng những lo lắng trần tục, bóp nghẹt lời Chúa, khiến không thể sinh hoa trái được. Còn những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi và hạt một trăm".

 

 

 

Suy Niệm 1: Hạt giống Lời Chúa

Phan Linh là một nhân vật nổi tiếng trong nhiều lãnh vực khoa học kỹ thuật và văn chương. Một hôm ông nhận được một món quà của một người bạn từ Ấn Ðộ, đó là một cái chổi rơm. Nhận thấy có những hạt lúa dính ở cọng rơm, ông nhặt lấy và đem đi gieo, sau đó ông cũng phân phát cho bà con cùng gieo, thu hoạch rất khả quan và dần dần lan ra cả nước. Ông là người đầu tiên nhập giống lúa mới và khai sinh kỹ nghệ làm chổi phục vụ cho cả nước.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống để giảng về Nước Trời. Việc gieo giống có lẽ rất quen thuộc với người Việt Nam, vì có đến 4/5 dân số sống bằng nghề nông nghiệp. Người gieo giống nào cũng muốn gieo hạt trên đất đã cày bừa cẩn thận; Thiên Chúa cũng muốn tâm hồn con người được trở nên như thửa đất để hạt giống Lời Ngài có thể mọc lên, phát triển và sinh nhiều hoa trái, làm ích cho mình và cho người khác nữa.

Nhìn lại cuộc đời của mình, có lẽ chúng ta phải thành thật nhận rằng từ trước tới nay chúng ta chưa đón nhận và sống Lời Chúa được bao nhiêu, bởi vì chúng ta vẫn để cho tâm hồn xao xuyến lo lắng, những đam mê sự đời, tham vọng địa vị và của cải làm chết ngạt Lời Chúa. Ðấy là chưa kể những biến cố xảy đến trong cuộc sống bản thân, gia đình, xã hội, đều là những tiếng Chúa nhắc nhở, mời gọi chúng ta, nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi những đam mê, ích kỷ trong đời sống. Lời Chúa vẫn chưa bén rễ sâu trong tâm hồn chúng ta.

Xin Chúa cho chúng ta biết mở rộng tâm hồn đón nhận hạt giống Lời Chúa. Xin làm cho những hạt giống ấy được bám rễ, mọc lên tươi tốt và trổ sinh được nhiều bông hạt, để mỗi ngày chúng ta được lớn lên trong tình yêu Chúa và góp phần xây dựng Giáo Hội Chúa ngày một lớn mạnh hơn.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Phải chăng lỗi tại Chúa?

“Các người nghe đây! Kìa người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường. Chim chóc đến ăn mất. Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết hô. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả: Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.” (Mc. 4. 3-8)

Dụ ngôn Người gieo giống theo thánh Maccô này mang dấu vết của một bài biên soạn chịu ảnh hưởng đời sống Giáo hội buổi ban đầu, trước hết là vấn đề giải thích sự thất bại trong việc rao giảng Tin mừng, sau là ý nghĩa của từ “Lời Chúa”

Thất bại trong việc rao giảng

Maccô quả quyết điều này: với những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn… để họ không hiểu, kẻo họ trở lại…

Thoạt nghe ta thấy khó hiểu. Phải chăng Chúa Giêsu muốn kết án người đời? Tại sao Chúa lại không cho mọi người một cơ hội đồng đều? Chính điểm này làm ta khó chịu, và cũng đúng thôi. Nếu khi đọc ta chỉ đặt bản văn này vào trong bối cảnh của thời Chúa Giêsu.

Nhưng khi đặt nó vào khung cảnh đời sống Giáo hội buổi ban đầu, những khó khăn kia không còn nữa. Bởi vì ta thấy rõ thánh Maccô chủ tâm giải thích cho biết hoàn cảnh lúc ấy đã coi thường Tin mừng của Đức Kitô. Bằng lối hành văn khéo léo, thánh Maccô giải thích sự việc ở hiện tại, tức là sự thất bại trong việc rao giảng Tin Mừng cho người Do thái, ngụ ý là điều đó Chúa Giêsu đã nhìn thấy và biết trước cả rồi.

Cuối cùng, Maccô nói thêm rằng để chương trình cứu độ nhiệm mầu của Chúa được thành công, người ta cần phải đọc và nhận được những dấu chỉ. Mạc khải không phải là một sứ điệp được che dấu và đem cất đi. Nhưng để đọc và hiểu sứ điệp, người ta cần phải có một tâm hồn sẵn sàng và cởi mở để hiểu điều Thiên Chúa muốn nói với ta qua lời của Người. Mà thường là tâm hồn người ta đã không được sửa sang và vun xới đủ.

Hiểu lời này của Chúa hôm nay

Trong Phúc âm có những cách viết, cách diễn tả khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là cách chúng ta đọc sứ điệp và có được một lựa chọn sống phù hợp với lời này của Chúa. Chúng ta đón nhận như thế nào lời nói và gương sáng cuộc đời của Đức Kitô? Chúng ta có để cho lòng mình ngổn ngang trăm mối, sống quá hời hợt, giống như những người trố mắt nhìn mà không thấy chăng?

Khi sáng suốt nhìn vào mình, căn cứ vào kinh nghiệm và lịch sử đời mình, ta có thể giải thích đưọc tại sao ta phải thất bại? Tại sao ta không luôn luôn hiểu dược Phúc âm? Có thật phải lỗi tại Chúa chăng?

 

Suy Niệm 3: ĐÓN NHẬN HAY KHƯỚC TỪ? (Mc 4, 1-20)

Thánh Âu Tinh nói: “Thiên Chúa sinh ra bạn, Ngài không cần hỏi ý kiến bạn, nhưng khi muốn cứu chuộc bạn, Người phải hỏi ý kiến bạn”.

Thật vậy, Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do, đây là gia sản quý giá mà Thiên Chúa không ngần ngại ban tặng cho một loài thụ tạo. Vì thế, con người hoàn toàn có trách nhiệm khi sử dụng tự do của mình trong cuộc sống.

Hôm nay, Đức Giêsu kể cho dân chúng và các môn đệ dụ ngôn người gieo giống. Người gieo cứ gieo. Gặp đâu gieo đấy. Nào là gieo cả trên sỏi đá, bụi gai, vệ đường, và đất tốt. Tuy nhiên, duy nhất nơi đất tốt mới sinh hoa kết quả. Như vậy, chỉ có ¼ có tác dụng, còn ¾ thì uổng công vô ích.

Thiên Chúa là như vậy! Ngài quảng đại trao ban hết tất cả cho con người, ngay cả Con Một yêu dấu Người cũng ban. Nhưng mấy ai hiểu được tình yêu của Người lớn lao như thế! Mà ngược lại,  những nhà lãnh đạo Dothái còn tìm cách loại trừ ngay cả Đức Giêsu là món quà cao quý mà Chúa Cha đem tặng cho con người.

Họ như những hạt giống bị gieo bên vệ đường, sỏi đá và bụi gai. Những thứ ích kỷ, kiêu ngạo, tự phụ, tự ty làm cho tinh thần nên trai cứng và Lời Chúa bị bóp nghẹt trong lòng họ, nên không hề sinh ích lợi cho bản thân.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức trách nhiệm trong tự do để trở nên như thửa đất tốt, ngõ hầu Lời Chúa đâm dễ sâu, lớn mạnh và sinh hoa kết trái trong cuộc sống của chúng ta.

Có thế, chúng ta mới trở nên môn đệ đích thực của Đức Giêsu nhờ biết nghe và giữ Lời Chúa trong lòng, nhất là đem ra thực hành.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời của chúng con sẽ khô cằn, sỏi đá và trơ trọi nếu không được Lời Chúa là nguồn sự sống dưỡng nuôi. Xin Chúa ban cho tâm hồn chúng con trở nên thửa đất tốt tươi, để Lời Chúa trở thành nguồn hoan lạc cho chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 4: Hạt giống Lời Chúa

Suy niệm :

Chỉ cần một hạt giống lời Chúa rơi vào tâm hồn bạn,

như rơi vào thửa đất màu mỡ,

đời bạn có thể thay đổi hoàn toàn.

Têrêsa Hài Đồng đã để lòng mình đón lấy lời này:

“Ai không nên như trẻ thơ thì chẳng được vào Nước Trời.”

Chị đã nên thánh nhờ suốt đời sống phó thác như trẻ thơ.

Têrêsa Calcutta đã để lòng mình đón lấy lời này:

“Những gì ngươi làm cho một anh em nhỏ nhất, là làm cho chính Ta.”

Mẹ Têrêsa đã không bao giờ quên mình đang tiếp xúc với Giêsu

mỗi khi Mẹ gặp người nghèo khổ, bệnh tật.

Là Kitô hữu, chúng ta thường xuyên được nghe Lời Chúa,

nhưng một tiếp xúc thực sự với hạt giống Lời Chúa vẫn ít xảy ra.

Điều này đã là vấn đề của các Kitô hữu sơ khai rồi.

Tất cả bốn hạng người trong dụ ngôn Người gieo giống đều nghe.

Tuy nhiên kết quả lại rất khác nhau,

vì vấn đề không phải là nghe bằng tai, nhưng là nghe bằng cả tâm hồn.

Vẫn có thứ tâm hồn hời hợt như đất cứng ở vệ đường.

Hạt giống chưa bao giờ thâm nhập được vào đất,

mới chỉ nằm trơ vơ trên bề mặt.

Hạt giống này nhanh chóng làm mồi cho chim chóc, cho Xatan.

Vẫn có thứ tâm hồn chai đá, như mảnh đất chỉ có lớp đất mỏng bên trên.

Hạt giống mọc ngay, nhưng sau đó bị khựng lại,

không đâm rễ được vì đất nhiều sỏi đá.

Khi nắng lên, cây bị héo khô vì không có rễ hút nước.

Để cho Lời Chúa đâm rễ sâu trong đời mình và nuôi dưỡng mình,

đó là nỗ lực suốt đời của người Kitô hữu.

Vui vẻ đón nhận Lời ngay lập tức mà không chịu đào sâu, đâm rễ,

thì cũng sẽ bỏ cuộc ngay lập tức khi cơn bách hại đến từ bên ngoài.

Vẫn có thứ tâm hồn nặng nề, vì những lo lắng sự đời, đam mê giàu có.

Chính những lệch lạc từ bên trong như bụi gai đã bóp nghẹt hạt giống.

Lời Chúa đòi ta vượt lên trên những thèm muốn, khoái lạc và âu lo.

Để Lời Chúa sinh trái phải làm cỏ, dọn bụi gai cho sạch.

Nhưng vẫn có những tâm hồn mềm mại như mảnh đất tốt.

Hạt giống Lời Chúa thoải mái đâm rễ sâu, và sinh hoa trái gấp trăm.

Dù gặp bách hại vì Lời, dù bị danh lợi thế gian lôi kéo,

họ vẫn không đánh mất căn tính Kitô hữu của mình.

Tâm hồn chúng ta thuộc loại đất nào?

Đó là câu hỏi cho từng Kitô hữu xưa cũng như nay.

Thiên Chúa vẫn cứ kiên nhẫn và miệt mài gieo giống cho đến tận thế.

Ngài vẫn mời ta ra khỏi sự hời hợt, cứng cỏi, chai đá của lòng mình.

Nếu ta dám để cho Lời Chúa thực sự đi vào đời ta, dù chỉ một lần,

ta sẽ thấy được sức biến đổi kỳ diệu của Lời Chúa.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,

vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,

nhưng lại không dám đem ra thực hành.

Chính vì thế

Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con

đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,

đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,

để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con

được xây trên nền tảng vững chắc,

đó là Lời Chúa,

Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM

Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay nói về hạt giống Lời Chúa được gieo cách quảng đại trong lòng chúng ta, trong gia đình, trong cộng đoàn của chúng ta, và trong cuộc sống của chúng ta.

Xin Chúa, bằng Lời của Người, vun xới, chăm sóc, thanh tẩy, loại bỏ những ngăn trở có nơi chúng ta, đó là Satan, nông nổi nhất thời, lo lắng sự đời, vinh hoa phú quí, để cho lòng chúng ta, gia đình, cộng đoàn của chúng ta, trở thành những mảnh đất tốt, đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời Chúa sinh hoa kết quả gấp một trăm, gấp sáu mươi, gấp ba mươi.

 1. Giảng dạy bằng dụ ngôn

Trước khi lắng nghe dụ ngôn Người Gieo Giống của Đức Giê-su, chúng ta nên hình dung ra cung cách giảng dạy rất gần gũi của Ngài. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa và Ngài đến để nói Lời Thiên Chúa cho chúng ta, nhưng, như bài Tin Mừng thuật lại, Ngài ra khỏi nhà và đến ngồi ở ven Biển Hồ; rồi người ta đến với Ngài rất đông. Đứng ở bờ hồ và có rất đông người đến với mình, thì sẽ có nguy cơ bị xô đẩy té xuống hồ. Chính vì thế, Ngài phải xuống thuyền mà ngồi[1]. Chúng ta hay nghĩ Đức Giê-su ngự trên ngai hay trên tòa; nhưng ở đây, Ngài hiện diện thật là bình dị và thật là gần gũi giữa chúng ta. Và Đức Giê-su thích hiện diện ở giữa chúng ta như thế đó: ngay trong môi trường sống của chúng ta, ngay trong cuộc sống bình thường của chúng ta, ngay trong Cộng Đoàn của chúng ta, ngay trong gia đình của chúng ta, ngay ở giữa những vấn đề cuộc sống của chúng ta, và thậm chí, ngay trong lòng của chúng ta, qua Lời của Ngài và bí tích Thánh Thể, được ban cho chúng ta hằng ngày.

Ngoài ra, Đức Giê-su còn trở nên gần gũi với chúng ta trong lời giảng dạy nữa, bởi vì Ngài dùng dụ ngôn mà giảng dạy; và chúng ta nên biết rằng kể dụ ngôn là cách thức giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu, bởi vì theo các tác giả Tin Mừng: “Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13, 34; Mc 4, 34). Và như chúng ta đều đã biết, những dụ ngôn mà Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm cuộc sống, chẳng hạn dụ ngôn muời cô mang đèn đi đón chàng rể, dụ ngôn những yến bạc, dụ ngôn chiên và dê, dụ ngôn người cha nhân hậu, dụ ngôn nắm men, dụ ngôn hạt cải, và nhất là dụ ngôn Hạt Giống và Người Gieo Giống. Dụ ngôn là những câu chuyện đến từ kinh nghiệm đời thường, nhưng khi được Đức Giê-su kể, lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời.

Hơn nữa, dụ ngôn còn có một đặc điểm tuyệt vời nữa là có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế, dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe, như chính Đức Giê-su hay kết thúc dụ ngôn bằng câu nói: “Ai có tai thì nghe”. Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mìmh khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Đức Giêsu thích dùng dụ ngôn là vì vậy, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của chúng ta, dù chúng ta là ai và đang ở trong tình trạng nào. Và đó chính là trường hợp dụ ngôn Người Gieo Giống mà chúng ta vừa nghe.

 2. Dụ ngôn đầu tiên

Đức Giêsu kể nhiều dụ ngôn, nhưng dụ ngôn Người Gieo Giống là dụ ngôn đầu tiên. Vì thế, dụ ngôn này có tầm quan trọng đặc biệt; thực vậy, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn” (Mc 4, 13). Có thể nói, đây là dụ ngôn Mẹ nói cho chúng ta về “những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa”:

  • về mầu nhiệm sáng tạo, bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi ra khỏi chính mình để sáng tạo và Thiên Chúa sáng tạo bằng Lời (St 1 và Ga 1, 3);
  • về mầu nhiệm cứu độ, bởi vì dụ ngôn nói đến tội lỗi và Sự Dữ làm cản trở Lời Thiên Chúa sinh hoa kết quả;
  • về mầu nhiệm nhập thể, bởi vì Ngôi Lời Thiên Chúa ra khỏi cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa đến với thế giới loài người chúng ta để ban Lời hằng sống của Thiên Chúa;
  • và về mầu nhiệm Thánh Thể và mầu nhiệm Vượt Qua, bởi vì Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa, gieo lời và gieo luôn chính mình, như tấm bánh trong bí tích Thánh Thể và như hạt lúa mì, trong cuộc Thương Khó.

3.Dụ ngôn “Người Gieo Giống”

Có lẽ đa số chúng ta đều xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, nghĩa là làm vườn hay làm ruộng; hoặc chúng ta có kinh nghiệm ít nhiều về nghề này; nếu không, chúng ta cũng biết được những hoạt động này qua chương trình học phổ thông hay các phương tiện truyền thông. Đối với chúng ta, “người gieo giống ra đi gieo giống” là sự kiện quá đỗi bình thường và lập đi lập lại. Nhưng lời này, vì xuất phát từ miệng Đức Giêsu, nên diễn tả một biến cố thật lớn lao: Ngôi Lời Thiên Chúa, ra khỏi cung lòng Thiên Chúa, đi gieo Lời của mình (trong sáng tạo, trong lịch sử loài người và lịch sử cứu độ. và nhất là nơi Đức Giêsu-Kitô); và Ngài không chỉ gieo Lời của mình, mà còn gieo chính mình, gieo sự sống của mình, vì lời nói của Ngài và ngôi vị của Ngài là một. Như chính Đức Giê-su nói về cuộc Thương Khó của Ngài: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).

Trong dụ ngôn, có bốn trường hợp: trường hợp đầu là mất trắng, vì những con chim ăn mất hạt giống; trường hợp sau khá hơn một chút: hạt giống mọc lên ngay vì đất không sâu, nhưng vì nắng gắt và thiếu rễ sâu nên bị cháy và chết khô; trường hợp thứ ba khá hơn nữa: hạt giống nẩy mầm, mọc thành cây, nhưng vì sống ở giữa bụi gai, gai cũng lớn lên và mạnh hơn nên làm cây chết ghẹt. Chúng ta hãy nhìn vào bản thân mình, vào cuộc đời mình, và tự hỏi: đâu là số phận của hạt giống Lời Chúa? Và tuy hạt giống Lời Chúa vẫn chưa sinh hoa kết quả dồi dào, những chắc chắn, cũng có những tiến bộ nào đó. Và chúng ta cũng tự hỏi: Đâu là “những chim chóc, nắng gắt, vấn đề thiếu gốc rễ và gai góc” ở nơi bản thân chúng ta, đã làm cho hạt giống không sinh hoa kết quả?

Dụ ngôn Người Gieo Giống chất vấn chúng ta, nhưng cũng mang lại cho chúng ta bình an và hi vọng. Bởi vì, trái với kinh nghiệm sống, Người Gieo Giống trong dụ ngôn của Đức Giê-su, có thể nói, gieo hạt giống quí báu của mình “tùm lum”, gieo đại trà, gieo quảng đại, gieo không phân biệt, không xét đoán. Và Lời Chúa vẫn được gieo quảng đại vào lòng chúng ta như thế hàng ngày trong Thánh Lễ.

Lời Chúa được gieo cách quảng đại vào lòng chúng ta, bởi vì Chúa tin rằng, dù sao đi chăng nữa, trong lòng chúng ta chắc chắn có phần đất tốt, hơn nữa, tự bản chất chúng ta là đất tốt, vì chúng ta được dựng nên bởi Lời Chúa và theo hình ảnh Thiên Chúa; và Chúa hi vọng rằng, có một ngày đẹp trời nào đó, Lời của Ngài sẽ rơi vào phần đất tốt này, rồi mọc lên và lớn mạnh, và sinh hoa kết quả gấp trăm, gấp sáu mươi, gấp ba mươi, nghĩa là bội thu và nhiều đến độ có thể bù lại tất cả những hạt đã mất, xét cho cùng không đáng bao nhiêu! Và đó là điểm tới tất yếu của Nước Trời.

Xin cho chính Lời Chúa làm lộ ra phần đất tốt có ở nơi lòng chúng ta, vun xới phần đất tốt này và mở rộng nó ra, để Lời Chúa sinh hoa kết quả dồi dào cho sự sống hôm nay và mãi mãi.

*  *  *

Lời Chúa được ví như hạt giống trong Tin Mừng. Nhưng trong sách Ngôn Sứ Isaia (Is 55, 10-11), Lời Chúa được ví như mưa, như tuyết vốn là những điều kiện thiết yếu cho hạt giống lớn lên.

10 Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,
11 thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,
sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của Ta,
chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.

Ngoài ra, để nẩy mầm, lớn lên và sinh hoa kết trái, hạt giống còn cần ánh sáng nữa. Và Chúa cũng là ánh sáng. Như vậy, Lời Chúa là tất cả: vừa hạt, vừa điều kiện thiết yếu làm cho hạt nầy mầm; bởi lẽ Lời Chúa là chính Sự Sống.

Ước ao của Thiên Chúa, điều mà Lời được sai đi thực hiện là gì? Hình ảnh mưa và tuyết nói rõ: tưới gội mặt đất, làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói của bánh ăn. Đó là những hình ảnh đẹp, thật sống động  và rất gần gũi, diễn tả cho chúng ta Lời Chúa phục vụ sự sống như thế nào; bởi vì Lời Chúa là Sự Sống, hôm nay và mãi muôn đời.

Lời của ngôn sứ Isaia giúp chúng ta hiểu đúng hướng dụ ngôn Người Gieo Giống: hoa trái, và hoa trái bội thu tất yếu của Lời Chúa, bất chấp những trở ngại, thập chí bất chấp điều tưởng là thất bại. Thay vì chỉ hiểu dụ ngôn theo hướng luân lí.

Dụ ngôn cũng loan báo Mầu Nhiệm Thập Giá. Nơi Thập Giá, trở ngại lớn nhất là sự dữ, và sự dữ được để cho đi đến cùng: hủy diệt Hạt Giống, vốn cũng là Người Gieo Giống. Nhưng điều kì diệu đã xẩy ra: đó lại là con đường thần linh, nhưng cũng rất nhân linh và thiên nhiên, để cho Hạt Giống nảy mầm, lớn lên sinh hoa kết quả “gấp trăm” cho sự sống của con người, hôm nay và mãi mãi.

Đó chính là công trình của Thiên Chúa,
công trình kì diệu trước mắt chúng ta.

           (Tv 118, 23)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Hình ảnh này đã có thể nói cho chúng ta mầu nhiệm Thương Khóa rồi: đám đông sẽ xổ đẩy Ngài vào sự chết, và Ngài cứ để như thế, để làm cho dụ ngôn Người Gieo Giống được hoàn tất cách trọn vẹn: Người Gieo Giống gieo chính mình, vì ngôi vị của Ngài là Hạt Giống, sẽ sinh hoa kết quả gấp trăm, khi “được gieo” vào lòng đất.

 

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – song ngữ

Wednesday (January 30):  Jesus taught people using parables

 

Scripture:  Mark 4:1-20  

1 Again he began to teach beside the sea. And a very large crowd gathered about him so that he got into a boat and sat in it on the sea; and the whole crowd was beside the sea on the land. 2 And he taught them many things in parables, and in his teaching he said to them: 3 “Listen! A sower went out to sow. 4 And as he sowed, some seed fell along the path, and the birds came and devoured it. 5 Other seed fell on rocky ground, where it had not much soil, and immediately it sprang up, since it had no depth of soil; 6 and when the sun rose it was scorched, and since it had no root it withered away. 7 Other seed fell among thorns and the thorns grew up and choked it, and it yielded no grain. 8 And other seeds fell into good soil and brought forth grain, growing up and increasing and yielding thirty fold and sixty fold and a hundredfold.” 9 And he said, “He who has ears to hear, let him hear.”10 And when he was alone, those who were about him with the twelve asked him concerning the parables. 11 And he said to them, “To you has been given the secret of the kingdom of God, but for those outside everything is in parables; 12 so that they may indeed see but not perceive, and may indeed hear but not understand; lest they should turn again, and be forgiven.”13 And he said to them, “Do you not understand this parable? How then will you understand all the parables? 14 The sower sows the word. 15 And these are the ones along the path, where the word is sown; when they hear, Satan immediately comes and takes away the word which is sown in them. 16 And these in like manner are the ones sown upon rocky ground, who, when they hear the word, immediately receive it with joy; 17 and they have no root in themselves, but endure for a while; then, when tribulation or persecution arises on account of the word, immediately  they fall away. 18 And others are the ones sown among thorns; they are those who hear the word, 19 but the cares of the world, and the delight in riches, and the desire for other things, enter in and choke the word, and it proves unfruitful. 20 But those that were sown upon the good soil are the ones who hear the word and accept it and bear fruit, thirty fold and sixty fold and a  hundredfold.” 

Thứ Tư     30-1          Đức Giêsu dùng dụ ngôn để dạy dỗ dân chúng

 

Mc 4,1-20

1 Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ.2 Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ:3 “Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra gieo giống.4 Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.5 Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu;6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.7 Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả.8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.”9Rồi Người nói: “Ai có tai nghe thì nghe! “10Khi còn một mình Đức Giê-su, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn.11 Người nói với các ông: “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn,12 để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ.”13Người còn nói với các ông: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn?14 Người gieo giống đây là người gieo lời.15 Những kẻ ở bên vệ đường, nơi lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Xa-tan liền đến cất lời đã gieo nơi họ.16 Còn những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận,17 nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì lời, họ vấp ngã ngay.18 Những kẻ khác là những kẻ được gieo vào bụi gai: đó là những kẻ đã nghe lời,19 nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì.20 Còn những người khác nữa là những người được gieo vào đất tốt: đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm.”

Meditation: 

 

Why did Jesus speak to people in parables? Like the rabbis of his time, Jesus used simple word-pictures, called parables, to help people understand who God is and what his kingdom or reign is like. Jesus used images and characters taken from everyday life to create a miniature play or drama to illustrate his message. This was Jesus’ most common way of teaching. His stories appealed to the young and old, poor and rich, and to the learned and unlearned as well. Over a third of the Gospels by Matthew, Mark, and Luke contain parables told by Jesus.

Cyril of Alexandria (150-215 AD ), an early church teacher, described the purpose of Jesus’ parables:

“Parables are word pictures not of visible things, but rather of things of the mind and the spirit. That which cannot be seen with the eyes of the body, a parable will reveal to the eyes of the mind, informing the subtlety of the intellect by means of things perceivable by the senses, and as it were tangible.” (COMMENTARY ON THE GOSPEL OF LUKE 8.5.4)

Parable of the sower 

What does the parable about seeds and roots say to us about the kingdom of God? Any farmer will attest to the importance of good soil for supplying nutrients for growth. And how does a plant get the necessary food and water it needs except by its roots? The Scriptures frequently use the image of fruit-bearing plants or trees to convey the principle of spiritual life and death. Blessed is the man who trusts in the Lord, whose trust is the Lord. He is like a tree planted by water, that sends out its roots by the stream, and does not fear when heat comes, for its leaves remain green, and is not anxious in the year of drought, for it does not cease to bear fruit (Jeremiah 17:7-8; see also Psalm 1:3).

Jesus’ parable of the sower is aimed at the hearers of his word. There are different ways of accepting God’s word and they produce different kinds of fruit accordingly. There is the prejudiced hearer who has a shut mind. Such a person is unteachable and blind to what he or she doesn’t want to hear. Then there is the shallow hearer. He or she fails to think things out or think them through; they lack depth. They may initially respond with an emotional reaction; but when it wears off their mind wanders to something else. 

Another type of hearer is the person who has many interests or cares, but who lacks the ability to hear or comprehend what is truly important. Such a person is too busy to pray or too preoccupied to study and meditate on God’s word. 

Then there is the one whose mind is open. Such a person is at all times willing to listen and to learn. He or she is never too proud or too busy to learn. They listen in order to understand. God gives grace to those who hunger for his word that they may understand his will and have the strength to live according to it.  Do you hunger for God’s word?

Secrets of the kingdom 

Why does Jesus say that the secrets of the kingdom of God will be revealed to some while others will not be able to recognize nor understand the kingdom of God (Mark 4:11-12)? Origen (185-254 AD), an early church Bible scholar, comments on why Jesus makes a distinction between those who are ready to hear and understand his message with those who are not ready to hear nor understand:

“Sometimes it does not turn out to be an advantage for one to be healed quickly or superficially, especially if the disease by this means becomes even more shut up in the internal organs where it rages more fiercely. Therefore God, who perceives secret things and who knows all things before they come to be, in his great goodness delays the healing of such persons and defers the remedy to a later time. If I may speak paradoxically, God heals them by not healing them, lest a premature recovery of health should render them incurable. This pertains to those whom our Lord and Savior addressed as ‘those outside,’ whose hearts and reins he searches out. Jesus covered up the deeper mysteries of the faith in veiled speech to those who were not yet ready to receive his teaching in straightforward terms. The Lord wanted to prevent the unready from being too speedily converted and only cosmetically healed. If the forgiveness of their sins were too easily obtained, they would soon fall again into the same disorder of sin which they imagined could be cured without any difficulty.” (ON FIRST PRINCIPLES 3.1.7)

The Lord Jesus will give us perceiving eyes and listening ears to understand the message of his kingdom if we approach him with faith and humility and the readiness to be taught. The proud cannot see nor hear the truth of God’s kingdom because they trust in their own opinion and perception of what is true or real. They have shut their minds to the supernatural truth of God and his word. Do you approach God’s word with trust and humility or with doubtful pride and skepticism?

“Lord Jesus, faith in your word is the way to wisdom, and to ponder your divine plan is to grow in the truth. Open my eyes to your deeds, and my ears to the sound of your call, that I may understand your will for my life and live according to it”.

Suy niệm:  

 

Tại sao Ðức Giêsu nói với người ta bằng dụ ngôn? Giống như các thầy Rabi thời đó, Ðức Giêsu đã sử dụng những hình ảnh bằng lời đơn giản, gọi là dụ ngôn, để giúp người ta hiểu Thiên Chúa là ai và vương quốc của Người ra sao. Ðức Giêsu đã sử dụng những hình ảnh và nhân vật lấy từ cuộc sống thường ngày để tạo ra 1 kịch bản hay 1 thảm kịch nhỏ để minh họa sứ điệp của mình. Đây là cách thức giảng dạy thông thường nhất của Ðức Giêsu. Các câu chuyện của Người áp dụng cho người trẻ lẫn già, nghèo hay giàu, người trí thức hay thất học. Tin mừng nhất lãm của thánh Mátthêu, Máccô, Luca đều có các dụ ngôn của Ðức Giêsu.  

Giáo phụ Cyril thành Alexandria (150-215 AD) đã mô tả mục đích các dụ ngôn của Ðức Giêsu như sau:

Các dụ ngôn là những hình ảnh ngôn từ không thuộc những gì hữu hình, nhưng là những điều trừu tượng trong tâm trí. Nó không thể nhìn thấy bằng mắt thường, dụ ngôn bộc lộ cho cặp mắt tâm trí, truyền tải sự khôn ngoan của lý trí qua những phương thức của sự vật có thể hiểu bằng cảm thức và rất xác thật (chú giải Tin mừng Luca 8.5.4).

Dụ ngôn người gieo giống

Dụ ngôn về hạt giống và rễ nói với chúng ta điều gì về nước Thiên Chúa? Bất kỳ người nông dân nào cũng sẽ thừa nhận tầm quan trọng của đất tốt để cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển. Và làm thế nào một cây có được dinh dưỡng và lượng nước cần thiết mà không cần đến rễ của nó? Kinh thánh thường sử dụng hình ảnh của cây sinh nhiều hoa trái để ám chỉ đến nguyên lý của đời sống và cái chết thiêng liêng. Phúc thay người đặt niềm tin tưởng vào Chúa, và có Chúa làm chỗ nương thân. Họ như cây trồng bên suối nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái. (Gr 17,7-8; và Tv 1,3).

Dụ ngôn của Ðức Giêsu về người gieo giống nhắm đến những người nghe lời Người. Có những cách thức đón nhận lời Chúa khác nhau và vì thế chúng cũng sản sinh ra những loại hoa trái khác nhau. Có loại người nghe với bộ óc thành kiến, không mở lòng trí ra. Một người như vậy thì không thể giáo huấn và mù quáng với những điều họ không muốn nghe. Có người nghe với bộ óc rỗng tuếch. Họ không chịu suy gẫm cho thấu đáo; họ thiếu chiều sâu. Họ có thể bắt đầu với sự đáp trả nhiệt thành nhưng khi sự nhiệt thành giảm sút, thì họ lại nghĩ đến chuyện khác.

Có loại người nghe khác, họ rất quan tâm nhưng lại thiếu khả năng để nghe và hiểu những gì quan trọng thật sự. Một người như vậy thông thường lúc nào cũng quá bận rộn đến nỗi không lo cầu nguyện hay học hỏi và suy gẫm lời Chúa.

Còn có người đầu óc họ luôn mở rộng, sẵn sàng tiếp thu điều mới. Một người như vậy lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe và học hỏi. Họ không bao giờ quá kiêu ngạo hay quá bận rộn để học hỏi. Họ lắng nghe để hiểu biết. Thiên Chúa ban ơn sủng cho những ai đói khát lời Người để họ có thể hiểu được ý định của Người và có được sức mạnh để sống phù hợp với nó. Bạn có đói khát lời của Thiên Chúa không?

Các bí ẩn của vương quốc

Tại sao Ðức Giêsu nói rằng các bí ẩn vương quốc của Thiên Chúa sẽ được bày tỏ cho một số người trong khi một số khác sẽ không thể nhận ra hay không hiểu vương quốc của Thiên Chúa (Mc 4,11-12)? Giáo phụ Origen (185-254 AD) chú giải tại sao Ðức Giêsu phân biệt giữa những ai sẵn sàng lắng nghe và hiểu sứ điệp của Ngài với những kẻ không sẵn sàng lắng nghe hay không hiểu rằng:

Đôi khi không có lợi ích cho người ta được chữa lành nhanh chóng hay chỉ bên ngoài, đặc biệt nếu căn bệnh qua đó trở nên thậm chí khép kín các bộ phận bên trong, nơi nó hoành hành dữ dội hơn. Vì thế, Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn và biết mọi sự trước khi chúng xảy ra, với lòng nhân hậu sẽ trì hoãn sự chữa lành và phương thuốc cho những người như thế đến 1 thời gian sau. Nếu tôi có thể nói một cách nghịch lý, Thiên Chúa chữa lành họ bằng cách không chữa lành họ, kẻo sự phục hồi sức khỏe vội vã sẽ làm cho họ bất trị. Điều này thích hợp cho những ai mà Chúa và Đấng cứu độ chúng ta gọi là “những kẻ bên ngoài”, mà Người tìm kiếm tâm hồn và sự bó buộc của họ. Ðức Giêsu che giấu những mầu nhiệm sâu thẳm hơn của đức tin trong lối nói che đậy với những ai chưa sẵn sàng đón nhận giáo huấn của Người trong những lời nói thẳng thắn. Chúa muốn ngăn ngừa sự không chuẩn bị từ việc được hoán cải quá nhanh chóng và chỉ được chữa lành cách hời hợt bên ngoài. Nếu sự tha thứ tội lỗi của họ đạt được quá dễ dàng, họ sẽ mau chóng sa ngã trở lại cũng cùng thứ tội mà họ nghĩ rằng có thể được chữa lành không chút khó khăn nào (Những nguyên lý đầu tiên 3.1.7).

Chúa Giêsu sẽ ban cho chúng ta đôi mắt nhận thức và đôi tai lắng nghe để hiểu được sứ điệp vương quốc của Người nếu chúng ta đến gần Người với đức tin và sự khiêm tốn và sự sẵn sàng được dạy dỗ. Người kiêu ngạo không thể nhìn thấy hay nghe được chân lý vương quốc của Thiên Chúa bởi vì họ tin tưởng vào ý tưởng và sự nhận thức của chính họ về những gì đúng hay thật. Họ đã đóng lòng trí mình trước chân lý siêu nhiên của Thiên Chúa và lời của Người. Bạn có tiếp cận lời Chúa với sự tin tưởng và khiêm tốn hay với sự kiêu ngạo và hoài nghi?

Lạy Chúa Giêsu, tin vào lời Chúa là con đường dẫn tới sự khôn ngoan và suy nghĩ về kế hoạch thần linh của Chúa là lớn lên trong sự thật. Xin mở mắt con trước những việc Chúa làm và mở tai con trước tiếng gọi của Chúa, để con có thể hiểu biết ý Chúa dành cho cuộc đời con và sống phù hợp với nó.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây