Thứ Tư tuần 2 Phục Sinh – Thánh Giuse thợ.

Thứ ba - 30/04/2019 09:34

Thứ Tư tuần 2 Phục Sinh – Thánh Giuse thợ.

"Ông ta không phải là con bác phó mộc sao?"

 

Là một người thợ ở làng Galilê, thánh Giuse là mẫu gương người Kitô hữu phải noi theo để chu toàn các bổn phận nghề nghiệp, vì thánh Giuse đã làm việc trong tâm tình liên kết với Đức Giêsu. Lao động thì vất vả nhưng cũng đem lại niềm vui. Lao động phục vụ con người nhưng cũng giúp đưa tới gần Thiên Chúa: đó là điều ta học được nơi trường học Nagiarét.

 

Lời Chúa: Mt 13, 54-58

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà, giảng dạy dân chúng trong hội đường, họ bỡ ngỡ và nói rằng: "Bởi đâu ông này khôn ngoan và tài giỏi như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc ư? Mẹ ông không phải là bà Maria? và Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa không phải là anh em của ông sao? Và tất cả chị em của ông không phải ở nơi chúng ta đó sao? Vậy bởi đâu ông được mọi điều ấy như thế?" Và họ lấy làm gai chướng về Người.

Nhưng Chúa Giêsu nói với họ: "Không có tiên tri nào được vinh dự nơi quê hương và nơi nhà mình".

Và Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ cứng lòng tin.

 

 

SUY NIỆM 1: Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn

"Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn..."

Có lẽ không một người công giáo Việt Nam nào mà không thuộc nằm lòng bài thánh ca trên đây của cố linh mục Ðạo Minh, dòng thánh Giuse... Tác giả đã sáng tác ca khúc trong giai đoạn đau thương của đất nước giữa hai thập niên 40 - 50 và cũng như thánh Giuse, đã ra đi âm thầm trong một cái chết vô cùng bí ẩn sau ngày thay đổi chế độ.

Lời ca đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lam lũ qua mọi thời đại của người Việt Nam. Nhưng tâm tình đó lại càng hợp với hoàn cảnh sống của người Việt Nam hơn bao giờ hết. Với khẩu hiệu lao động là vinh quang... dường như sau năm 1975, người Việt Nam nào cũng đã hơn một lầm mồ hôi nhễ nhại với cây cuốc, cái cày hoặc còng lưng trên chiếc xích lô đạp...

Trong cảnh sống đó, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị thánh được mệnh danh là người công chính, nhưng đồng thời cũng là con người thinh lặng nhất trong Phúc Âm. Có rất nhiều thứ thinh lặng. Thinh lặng của những người câm điếc, bị trói buộc trong bất lực tự nhiên của mình. Thinh lặng trong cô đơn buồn chán. Thinh lặng trong căm thù oán ghét. Thinh lặng trong khép kín ích kỷ. Thinh lặng trong kiêu hãnh trước đe dọa, thử thách...

Thánh Giuse đã thinh lặng trong tinh thần chấp nhận và chiêm niệm. Trong cuộc sống âm thầm tại Nagiaréth, thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm nhập thể kỳ diệu trong con người của Chúa Giêsu. Cuộc đời của thánh Giuse đã bắt đầu bằng một giấc mơ để rồi tiếp tục trong một giấc mơ triền miên. Nhưng đây không phải là một giấc mơ của mộng ảo phù du, mà là một giấc mơ trong chiêm niệm về hiện thực...

Trong sự thinh lặng chiêm niệm ấy, từng biến cố nhỏ của cuộc sống đã mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.

Hôm nay là ngày lao động Quốc tế. Ngày lao động Quốc tế này gợi lại cả một quá trình tranh đấu của giới thợ thuyền của Âu Châu vào đầu thế kỷ vừa qua. Từ những bất công xã hội, cuộc đấu tranh của giới thợ thuyền đã làm trồi dậy phẩm giá của con người và giá trị của sự cần lao...

Ðối với người Kitô, ngày Quốc tế lao động này gắn liền với con người của Thánh cả Giuse, quan thầy và gương mẫu của giới cần lao. Do đó ngày hôm nay đối với chúng ta phải là một ngày của suy tư và cầu nguyện. Suy tư về ý nghĩa và giá trị những công việc hằng ngày của chúng ta. Cầu nguyện cho mọi người biết nhận ra sự hiện diện và tác động và lời kêu mời của Chúa trong cuộc sống...

(Trích trong ‘Lẽ Sống’ – Radio Veritas Asia)

 

SUY NIỆM 2: Thánh Giuse: người lao động.

“Con bác thợ mộc”! Lời phát biểu này không có gì là khinh chê, chỉ tỏ vẻ ngạc nhiên, người ta không thể tưởng tượng được cậu con trai tầm thường, mà mọi người trong làng Nadarét đều biết con của Giuse sống trong tối tăm. Thế mà mọi người đều thấy cậu khôn ngoan, đầy quyền lực làm phép lạ. Luca đã dẫn hai câu châm ngôn ngắn gọn: Ngôn sứ không ở quê nhà! thầy thuốc không thiêng cho bà con! để giải thích hoàn cảnh này, họ còn đi xa hơn nữa biến đổi sự ngạc nhiên ra sự xúc phạm: họ dận dữ và quyết định giết đi cho khuất mắt. Cả ba Tin Mừng nhất lãm đều có nói: Đức Giê-su không muốn và cũng không thể làm được phép lạ vì họ cứng lòng tin... Những Phúc Âm hoang đường đã viết, Người đã làm nhiều điều kỳ diệu để tỏ cho họ biết Người là vị anh hùng vĩ đại, chỉ giản dị với danh hiệu: “Con bác thợ mộc”. Bác thợ mộc không có một ngôn sứ, không biết ăn nói, Giêsu chỉ là con ông Giuse thinh lặng thôi...

Giuse, Ngài đã nhận những lệnh của trời không qua cuộc đàm thoại như Ma-ri-a và Giacaria, nhưng qua giấc mơ, Ngài không thể nói gì, chỉ biết tỉnh dậy vâng lời; Giuse chỉ nói một tiếng như thiên sứ bảo; đặt tên con trẻ sinh ra bởi Ma-ri-a là Giêsu (có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ như Giosuê). Ngài đã nhận lệnh đặt tên, để biểu lộ Ngài được những đặc quyền thuộc dòng dõi David. Đó là dấu chỉ ân phúc cho Ngài như thiên sứ nói để giải tỏa nỗi âu lo của Ngài trước sự mang thai của Ma-ri-a: Giuse con dòng David... đó là vai trò thừa kế, không phải bằng đời sống huyết nhục, nhưng bằng sự nghiệp phong phú của lịch sữ Israel để thực hiện lời hứa với David. Nơi người con nuôi duy nhất của mình... vâng, Giuse chỉ nói một tiếng Giêsu, nhưng tiếng nói này quyết định cho lịch sử cứu độ. Rồi Ngài lại đi vào thinh lặng.

Như Claude đã viết: “Khi những dụng cụ được xếp vào chỗ của chúng rồi thì công việc trong ngày đã xong. Khi con lạc đà ở sông Giócdan ở Israel ngủ trong cánh đồng lúa về ban đêm... thì Giuse đi vào trong cuộc nói chuyện của Thiên Chúa với những tiếng thở dài không dứt...”.

L.P

 

SUY NIỆM 3: Đức Giêsu về quê

Suy niệm:

Sau khi đã chịu phép Rửa, vào hoang địa để cầu nguyện, ăn chay,

có một ngày nào đó, Đức Giêsu chia tay Đức Mẹ để lên đường.

Lên đường là bỏ lại ngôi làng Nazareth dấu yêu với bao kỷ niệm.

Chính tại đây Ngài đã sống hơn ba mươi năm trong bầu khí gia đình.

Chính tại nơi này, Ngài đã lớn lên quân bình về thân xác, trí tuệ, tâm linh.

Nazareth như một ngôi trường lớn, chuẩn bị cho Ngài chững chạc đi sứ vụ.

Tại đây, Đức Giêsu đã là con bác thợ Giuse (c. 55),

và đã trở thành thợ theo truyền thống cha truyền con nối.

Ngài đã được dạy nghề và hành nghề để kiếm sống cho bản thân và gia đình.

Đức Giêsu là một người thợ tại Nazareth, phục vụ cho nhu cầu dân làng.

Ngài biết đến cái vất vả của công việc chân tay nặng nhọc.

Đức Giêsu không thuộc giới trí thức, thượng lưu, quyền quý.

Lao động làm Ngài gần với người nghèo và thấy sự đơn sơ của tâm hồn họ.

Cũng tại Nazareth, đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu được nuôi dưỡng.

Ngài học được lối cầu nguyện một mình ở nơi vắng vẻ.

Đức Giêsu có khả năng thấy sự hiện diện yêu thương của Cha nơi mọi sự,

nơi một bông hoa, nơi chim trời, nơi ánh nắng và cơn mưa.

Tình thân của Con đối với Cha ngày càng trở nên sâu đậm.

Ngài tìm ý Cha mỗi lúc và để Cha chi phối trọn vẹn đời mình.

Hôm nay Đức Giêsu trở về làng cũ sau một thời gian đi sứ vụ.

Ngài vào lại hội đường quen thuộc, gặp lại những khuôn mặt đồng hương.

Không rõ trước đây có lần nào bác thợ Giêsu được mời giảng ở đây chưa.

Nhưng lần này, khi trở về với tiếng tăm từ những phép lạ làm ở nơi khác,

Đức Giêsu đã khiến dân làng sửng sốt vì sự khôn ngoan trong lời giảng dạy.

Hai lần họ đặt câu hỏi: Bởi đâu ông ta được như thế? (cc. 54. 56).

Một câu hỏi rất hay, nếu được tìm hiểu một cách nghiêm túc.

Câu hỏi này có thể đưa họ đi rất xa, để gặp được căn tính của Đức Giêsu.

Tiếc thay, dân làng Nazareth lại không quên được nghề nghiệp của cha Ngài.

Họ nhớ rất rõ họ hàng gần xa của Ngài là mẹ và các anh chị.

Họ có thể kể tên từng anh chị em của Ngài, vì đều là bà con lối xóm (c. 55).

Đức Giêsu là người mà họ biết quá rõ từ thuở ấu thơ.

Làm sao con người bình thường, ít học đó lại có thể là một vị ngôn sứ?

Làm sao từ ngôi làng Nazareth vô danh này lại xuất hiện ngôn sứ được?

Và họ vấp ngã vì Đức Giêsu, nghĩa là họ đã không tin vào Ngài.

Cái biết gần gũi của họ về Ngài lại trở nên thành kiến

khiến họ không thể tiến sâu hơn vào mầu nhiệm con người Đức Giêsu.

Người đồng hương của Ngài đã không trả lời được câu hỏi: Bởi đâu…?

Mỗi con người là một mầu nhiệm mà ta phải khám phá mãi.

Có những mầu nhiệm lớn ẩn trong lớp áo tầm thường.

Dân làng Nazareth đã không nhận ra hồng phúc mà họ đang hưởng.

Chúng ta cũng cần được giải thoát khỏi những cái biết hẹp hòi,

để thấy mình hạnh phúc khi sống với người khác gần bên.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nazareth đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục yếu đuối,

trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài

bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con

để khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 4: Thánh Giuse Thợ

(tonggiaophanhanoi.org // Enzo Lodi )

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Lễ này đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập năm 1955 và được ấn định vào ngày 1 tháng 5 để mang lại cho lao động một chiều kích Kitô-giáo. Thật vậy, khuôn mặt thánh Giuse, người thợ mộc ở Nagiarét, đã kỳ diệu góp phần giúp chúng ta hiểu được giá trị và sự cao cả của giới lao động. Từ Hy-lạp Tectôn được dịch là “thợ mộc” gán cho Giuse có lẽ chỉ định người thợ mộc, thợ đá hoặc thợ kim loại và cũng có thể là thợ xây dựng nhà cửa.

Do truyền thống gia đình, chắc chắn Đức Giêsu đã được hướng dẫn để làm nghề này. Vì thế, chúng ta đọc trong Tin Mừng của Marcô: (Đức Giêsu) không phải là bác thợ, con Bà Maria sao ? (Mc 6,3). Đối với người Do Thái thuộc thời soạn thảo Kinh thánh, công việc tay chân cũng thánh thiêng, đối với các Rabbi hay các tư tế cũng thế. Các Rabbi bình giảng sách Giảng viên cũng nói: “Con hãy lo cho mình có được một nghề nghiệp, song song với việc học hỏi lẽ khôn ngoan”. Thế rồi, không những hành nghề mà thôi, song còn phải truyền nghề cho con cái vì như sách Talmud đã chép: “Kẻ nào không dạy nghề tay chân cho con mình, kẻ đó như thể cướp mất sự nghiệp sinh tồn của con cái”. Sách này còn nhấn mạnh đến tính chất thánh thiêng và giá trị của công việc tay chân: “Người thợ, trong lúc lao động, không buộc đứng dậy tiếp bậc kinh sư cho dù là vị cao trọng nhất... Kẻ nào giúp ích cho người đồng loại bằng sức lao động của mình thì cao trọng hơn người học biết Thiên Chúa... Kẻ nào nuôi sống mình bằng sức lao động thì cao trọng hơn người vô công rỗi nghề, chỉ biết giam mình trong các tâm tình đạo đức ...”

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Lời nguyện trong Thánh lễ gợi cho chúng ta “Gương thánh Giuse”, được Tin mừng gọi là “người thợ mộc” (Mt 13,55). Truyền thống cho thấy ngài sống thân tình với Đức Maria, hôn thê của mình và với trẻ Giêsu, chính Người cũng được gọi là “bác thợ mộc” (Mc 6,3). Như thế cả ba vị đều tôn vinh Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ; Người muốn con người lao động để tôn vinh Người và tiếp tục công trình sáng tạo của Người (lời nguyện nhập lễ).

b. Bài đọc - Kinh sách, trích Vaticanô II (Hội thánh trong thế giới ngày nay) làm nổi bật ý nghĩa Kitô giáo trong các sinh hoạt của con người. “Nổ lực này đáp ứng với ý định của Thiên Chúa... Điều ấy cũng bao gồm các sinh hoạt thông thường nhất. Vì con người, nam cũng như nữ, khi nuôi sống mình và gia đình, đều phải hoạt động phục vụ xã hội. Họ có quyền nghĩ rằng sức lao động của họ mở mang công cuộc của Đấng tạo hóa và mang lại hạnh phúc cho các anh chị em, cũng như khả năng riêng của mỗi người, cũng góp phần kiện toàn kế hoạch của Thiên Chúa trong lịch sử”. Nơi khác, cũng Hiến chế này ghi nhận: “Nhờ việc làm của mình dâng lên Thiên Chúa, con người cộng tác vào chính công cuộc cứu rỗi của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã nâng cao giá trị của việc làm khi Người làm việc với chính hai bàn tay của mình tại Nagiarét. Do đó, mỗi người có bổn phận phải trung thành làm việc và cũng có quyền làm việc nữa” (Vaticanô II: LG 67,2).

 

SUY NIỆM 5: Thánh Giuse

(giaophanvinhlong.net)

Gương thánh nhân: Năm 1955, Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII đã lập lễ thánh Giuse thợ. Mỗi năm kính nhớ vào ngày 1 tháng 5, ngày mà hầu hết các nước trên thế giới chọn làm ngày lễ lao động, tán dương khích lệ công lao con người đã dùng tài năng sức lực của mình để phục vụ đồng loại. Đức Giáo Hoàng đã nói rõ ý nghĩa ngày lễ thánh Giuse thợ như sau:

"Chắc chắn chúng ta phải hân hoan, vì người thợ vô danh ở Na-da-rét chẳng những là hiện thân cho giá trị chân tay trước mặt Chúa và Hội thánh mà còn là vị Giám hộ mẫn tiệp của mọi người và của các gia đình và các bạn lao động."

Như chúng ta biết, thánh Giuse được Chúa chọn làm cha nuôi Chúa Giêsu, khi Người sinh ra làm người để cứu độ nhân loại. Thánh nhân là người công chính, luôn tuân hành thánh ý Chúa, sẵn sàng vâng nghe và làm theo lời Chúa dạy. Ngài tận tâm bảo vệ Đức Mẹ, nhiệt thành cộng tác với Mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc Chúa Giêsu. Để chu toàn sứ mệnh đó. Ngài làm nghề thợ mộc vất vả hằng ngày. Ngài lấy sức lao động của mình bảo đảm cuộc sống hằng ngày của Thánh gia .

Ngài là gương mẫu cho mọi người sống nghề lao động chân tay và cách riêng cho các Kitô hữu: lương thiện, cần mẫn, siêng năng làm việc lo cho gia đình. Chẳng những lo cho gia đình mà còn phát triển xã hội và tôn vinh Chúa, vì theo thánh công đồng Vaticanô II: "Đối với các tín hữu, chỉ có một điều chắc chắn là: hoạt động cá nhân cũng như tập thể của nhân loại, các nỗ lực vĩ đại của con người vất vả qua các thế kỷ là nhằm cải thiện hoàn cảnh sinh sống. Việc này tự nó phù hợp với ý định của Thiên Chúa.

Thật vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó. Họ phải cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện. Nhận diện Thiên Chúa là Đấng sáng tạo mọi loài, họ phải quy hướng cả bản thân mình cũng như muôn vật về Người: để khi con người chinh phục được tất cả, thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu.

Điều đó cũng ứng dụng cho những công việc rất thường nhật. Khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, những người đàn ông, đàn bà hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu, đều có lý để coi lao động của mình tiếp nối công trình của Đấng Tạo hóa, phục vụ đời sống của anh em và đóng góp công lao vào việc hoàn thành chương trình của Thiên Chúa trong lịch sử." 1

Thánh Giuse là gương mẫu của người lao động. Ngài còn là vị Giám hộ của những người làm việc chân tay. Và Ngài là vị Giám hộ đắc lực nhất, như lời Đức Thánh Cha Pi-ô XII nói: "Không có vị Giám hộ nào có đủ khả năng linh nghiệm truyền thông Phúc Âm cho đời sống thợ thuyền bằng thánh Giuse thợ."

Quyết tâm: Hằng ngày, tôi siêng năng làm việc, để giúp ích cho gia đình, xã hội, theo gương thánh Giuse, và chuyên cần kêu xin thánh nhân cầu thay nguyện giúp cho những người lao động nghèo khổ, bất hạnh.

Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa tạo thành trời đất, Chúa đã muốn cho con người lao động để tiếp tục công trình của Chúa.Xin nhận lời thánh cả Giuse chuyển cầu, mà cho chúng con biết noi gương người để lại, là chu toàn nhiệm vụ Chúa đã giao phó, hầu được hưởng niềm vui Chúa đã hứa cho tôi tớ trung thành.

 

SUY NIỆM 6: Thánh Giuse Thợ

(Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT)

Viết về thánh Giuse, chúng ta như có một cái gì đó thật ngỡ ngàng về con người im lặng trầm lắng của Người. Nhưng, thánh Giuse lại là một Người đầy quyền thế trước mặt Chúa Giêsu đến nỗi thánh Têrêsa Avila đã cảm nghiệm sâu sắc về vai trò của thánh Giuse, Ngài viết: ”…Trên trời thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin”.

Hôm nay ngày 01/5, ngày Quốc Tế Lao Động, cũng là ngày thánh Giuse được tôn vinh làm Bổn Mạng giới lao động.

CON NGƯỜI CỦA THÁNH GIUSE: MỘT HUYỀN NHIỆM: Nói đến thánh Giuse, mọi người đều hiểu rằng thánh nhân là một con người hoàn toàn im lặng, hầu như không được các Tin Mừng ghi chép lại một lời nào do miệng Người thốt ra. Nhưng chính sự im lặng của thánh nhân giúp chúng ta nghiệm ra mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thánh Giuse sở dĩ im lặng là để giúp nhân loại nhận ra rằng Thiên Chúa nói đã đầy đủ, bao gồm tất cả và thánh nhân không cần phải thêm gì vào Lời của Thiên Chúa.Thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngắm mầu nhiệm Con Thiên Chúa. Suốt cuộc đời của Người ở làng quê Nagiarét, thánh nhân vẫn im lặng hơn là nói. Sự thinh lặng của thánh Giuse luôn mang ý nghĩa lớn lao về sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể nói về thánh Giuse mà không sợ quá lời, Ngài thinh lặng trong chiêm niệm để Chúa Thánh Thần dẫn đưa cuộc đời Ngài và để Ngài hoàn toàn tự do hành động theo ý của Thiên Chúa. Đây là một điều kỳ diệu, một huyền nhiệm cao siêu của cuộc đời thánh Giuse. Thánh Giuse đã thinh lặng để lắng nghe, để đón nhận và để cho trái tim mới của mình hướng dẫn và chỉ bảo con đường của Ngài theo ý của Thiên Chúa. Đúng là thánh Giuse đã biết lắng nghe, biết mở rộng tấm lòng để sống hiệp thông với Thiên Chúa.

THÁNH GIUSE LÀ MẪU GƯƠNG LAO ĐỘNG: Theo Tin Mừng, thánh Giuse sống ở Nagiarét, làm nghề thợ mộc để nuôi sống bản thân và gia đình. Thánh Giuse đã sống đời lao động theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Bởi vì, việc nhập thể của Chúa Giêsu làm người để sống với, sống vì, sống cho nhân loại, cho con người mở ra cho thấy thế giới được Thiên Chúa cứu độ. Thế giới nếu không có sự hiện diện của Thiên Chúa, thế giới sẽ thiếu vắng và không được cứu độ. Việc lao động của con người nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Con người với những suy nghĩ, với sự thiện chí của mình đã không chỉ nghĩ đến lợi nhuận, nghĩ đến làm giầu và tích lũy của cải, vật chất, nhưng có rất nhiều người,nhiều nhóm, nhiều phong trào đã đưa lao động càng lúc càng tiến gần đến kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Lao động sẽ không còn là đơn điệu, lập đi lập lại hàng ngày những công việc, những cách làm một cách máy móc, cho có lệ, qua loa để mau hết giờ để kiếm nhiều lợi ích, tiền của cho cá nhân, cho bản thân của mình, nhưng lao động theo mẫu của thánh Giuse là làm cho lao động mang một ý nghĩa cứu độ và phục vụ, lao động theo lời mời gọi của Thiên Chúa.

Thánh Giuse quả thực đã sống hoàn toàn theo tiếng gọi của Chúa và làm việc cũng theo tác động và lời mời gọi của Chúa. Do đó, ngày hôm nay, ngày Quốc Tế lao động chúng ta hãy cầu nguyện và noi gương bắt chước thánh Giuse sống, lao động theo đúng ý nghĩa lao động là góp tay làm vinh quang cho Thiên Chúa qua sự sáng tạo vũ trụ, con người và làm việc là để ơn cứu rỗi được chan hòa nơi thế giới này.

Lạy  Thiên Chúa tạo thành trời đất, Chúa đã muốn cho con người lao động để tiếp tục công trình của Chúa. Xin nhận lời thánh cả Giuse chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương Người để lại là chu toàn nhiệm vụ Chúa đã giao phó hầu được hưởng niềm vui, Chúa đã hứa cho tôi tớ trung thành 9 Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Giuse thợ ).

 

SUY NIỆM 7: Thánh Giuse.

(theovetchannguoi)

Ứng với việc tổ chức “Ngày Lao Ðộng” khắp nơi trên thế giới,  Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập ngày lễ Thánh Giuse Thợ vào năm 1955. Nhưng sự liên hệ giữa Thánh Giuse và ý nghĩa lao động đã có từ lâu trong lịch sử.

Trong nỗ lực cần thiết để nói lên nhân tính của Ðức Giêsu trong đời sống thường nhật, ngay từ ban đầu Giáo Hội đã hãnh diện nhấn mạnh rằng Ðức Giêsu là một người thợ mộc, hiển nhiên là được cha nuôi của Người huấn luyện, một cách thành thạo và khó nhọc trong công việc ấy. Nhân loại giống Thiên Chúa không chỉ trong tư tưởng và lòng yêu thương, mà còn trong sự sáng tạo. Dù chúng ta chế tạo một cái bàn hay một vương cung thánh đường, chúng ta được mời gọi để phát sinh kết quả từ bàn tay và tâm trí chúng ta, nhất là trong việc xây đắp Nhiệm Thể Ðức Kitô.

Lời Bàn

“Sau đó Thiên Chúa đưa người đàn ông vào sống trong vườn Êđen, để cầy cấy và chăm sóc khu vườn” (Sáng Thế 2:15). Thiên Chúa Cha đã tạo dựng nên mọi sự và muốn con người tiếp tục công trình tạo dựng ấy. Con người có phẩm giá là qua công việc, qua sự nuôi nấng gia đình, qua sự tham dự vào đời sống sáng tạo của Chúa Cha.

Thánh Giuse Thợ có thể giúp chúng ta tham dự một cách sâu xa vào mầu nhiệm tạo dựng ấy. Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã nhấn mạnh đến điều này khi nói, “Thần khí chan hòa trên bạn và mọi người phát xuất từ con tim của Ðấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ðấng Cứu Ðộ trần gian, nhưng chắc chắn rằng, không người lao động nào được thấm nhuần thần khí ấy một cách trọn vẹn và sâu đậm cho bằng cha nuôi của Ðức Giêsu, là người sống với Ngài một cách mật thiết trong đời sống gia đình cũng như làm việc. Do đó, nếu bạn ao ước muốn đến gần Ðức Kitô, một lần nữa chúng tôi lập lại rằng, ‘Hãy đến cùng Thánh Giuse”” (xem Sáng Thế 41:44).

 

SUY NIỆM 8: LỄ THÁNH GIUSE THỢ

(Antôn Lương Văn Liêm)

Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “Tay làm thì hàm nhai, tay quai thì miệng trễ”, với thánh Phaolô thì: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2Tx.3,10). Vâng! Đã mang lấy kiếp nhân sinh thì dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, quyền uy hay bần cùng, đời tu hay đời thường… ai cũng phải lao động vất vả mới có miếng ăn. “Lao động là vinh quang”, đây là câu nói khích lệ, trân trọng tất cả những ai đã và đang ngày đêm làm lụng vất vả trong việc mưu kế sinh nhai, trong việc giáo dục, chuyển giao luân lý, tri thức, khoa học, y học cho tầng lớp kế thừa…

Không vinh quang sao được! Vì làm việc, lao động tất cả đều khởi đi từ Thiên Chúa, Đấng hoạt động, làm việc không ngưng nghỉ như lời minh định của Đức Giêsu: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga.5,17). Thiên Chúa là Đấng lao động và thực hiện công việc của Ngài  với mục đích duy nhất là bầy tỏ và trao ban tình yêu.

Vì yêu Thiên Chúa đã thực hiện việc tác dựng vũ trụ, vạn vật; vì yêu Thiên Chúa tác dựng và trao ban sự sống cho con người nhân loại, vì yêu mà Thiên Chúa thực hiện một công việc vĩ đại khi tự hạ bước xuống cõi trần mặc lấy thân xác con người yếu đuối, hữu hạn  để dạy dỗ và cứu độ con người nhân loại….Khi mặc lấy kiếp phàm nhân (ngoại trừ tội lỗi), Thiên Chúa qua con người của Đức Giêsu, Ngài cũng có một cái tên là Giêsu thành Na-ra-rét, được sinh ra và lớn lên trong mái ấm gia đình, có mẹ là Đức Trinh Nữ Maria và dưỡng phụ là Thánh Cả Giuse, điều mà những người Do Thái khi xưa đã nói về Đức Giêsu Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa: “Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ ông không phải là bà Maria sao?” (Mt.13,55); “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả”(Ga.6,42).

Thực trạng xã hội hôm nay, vì chạy theo lối sống “văn hóa thành công” đã và đang làm hình ảnh những người thợ trong mọi lĩnh vực, từ trong nhà đạo cho đến bình diện xã hội không còn mang những nét đẹp, cao thượng, mang những trái tim thịt mềm của Thiên Chúa. Nói theo cách của những anh em làm nghề xây dựng khi ta thán về cách nghĩ và hành động của công nhân: “Họ làm theo lương tuần, chứ không theo lương tâm”, nói như thế không có nghĩa là “vơ đũa cả nắm”, nhưng điều này đang là một đại dịch, là ung nhọt gây nhức nhối cho gia đình, Giáo Hội và xã hội.  

Trong ngày lễ kính Thánh Giuse Thợ, Đấng bảo trợ cho tất cả những ai đang ngày đêm làm việc, lao động. Trước tiên ta cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho ta sự sống, sức khỏe, tri thức để giúp ta lao động, làm việc, trước là tạo của ăn nuôi thân, giúp ích cho đời, Ngài mời gọi ta cùng cộng tác với Ngài trong chương trình sáng tạo và bảo tồn những gì mà Ngài đã tác dựng, ta cảm tạ Ngài vì Ngài đã và đang song hành, cùng làm việc với ta trong từng ngày sống.

Khi chiêm ngắm hình ảnh và gương sống của Thánh Cả Giuse, một người thợ, dẫu trong Kinh Thánh không nói nhiều về Ngài, không tường thuật một lời nào của Ngài, ngoại trừ lời giới thiệu của thánh sử Mát-thêu: “Ông Giuse, chồng bà là người công chính” (Mt.1,19). Vâng! Với niềm tin vào Thiên Chúa một cách đơn sơ, khiêm nhường, xin vâng theo Thánh ý Thiên Chúa một cách mau lẹ, không do dự; lòng quảng đại và từ bỏ ý riêng, ước mơ và sở thích của mình để thuận theo ý Chúa; chấp nhận và đón nhận những điều trái với ý riêng mình, đặc biệt là thấm nhuần Kinh Thánh và có một trái tim bao dung, yêu thương của Thiên Chúa. Tất cả những đức tính đó đã giúp cho Thánh Nhân lọt vào tầm ngắm của Thiên Chúa khi Ngài mời gọi và trao ban cho Thánh Nhân trách vụ trở thành người bạn đời của Đức Maria, trở thành dưỡng phụ của Đấng Cứu Thế.

Hướng về Thánh Cả Giuse, Ngài là một người thợ, người lao động, người chủ gia đình gương mẫu, thánh thiện, là cành huệ trắng luôn tỏa hương thơm ngát và không bao giờ tàn phai, ta nguyện xin Thánh Nhân giúp ta biết noi gương sống của Ngài, luôn tin tưởng và phó thác cuộc đời cho bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, giúp ta thực hiện mọi công việc từ lời nói tới hành động bằng một tình yêu, yêu Chúa và yêu người, ta xin Ngài cầu thay nguyện giúp cùng Thiên Chúa, nhất là với Thánh Tử Giêsu, để nhờ ơn Chúa giúp ta sáng suốt hơn, khôn ngoan hơn trong việc tìm kiếm kế sinh nhai, luôn chu toàn bổn phận của mình trong gia đình, cộng đoàn và ngoài xã hội, luôn là một người thợ chân chính. Cuối cùng ta nguyện xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Thánh Cả Giuse giúp ta và nhất là những vị lãnh đạo Giáo hội, những nhà truyền giáo luôn là những người thợ lành nghề trong cánh đồng truyền giáo còn bao la bát ngát giữa thế giới hôm nay.

Thánh nữ Têrêsa Avila đã quả quyết một cách mạnh mẽ khi Thánh Nhân cầu cùng Thánh Cả Giuse: “Chưa bao giờ tôi xin Thánh Giuse điều gì mà Ngài không nhận lời”

Để kết thúc xin mượn lời cầu của thánh nữ Têrêsa Avila: “Lạy Thánh Cả Giuse! Trong suốt cuộc đời, Cha là niềm hy vọng, khi sinh hạ Chúa Giêsu, khi trốn sang Ai Cập, khi sống những ngày tha hương. Cha đã tìm thấy sức mạnh trong sự tin tưởng sắt đá vào quyền năng và lòng Nhân Lành của Chúa.

Hôm nay! Chúng con hết lòng trông cậy, chạy đến cầu xin Ngài. Xin Ngài hiệp lời cầu với chúng con, để xin Con Ngài nâng đỡ chúng con trong cơn khốn khó, xin Ngài ban sức mạnh để chúng con tiến lên như Ngài đã đã vượt thắng. xin Ngài ban cho chúng con ơn trông cậy mà Ngài đã có như ánh sáng hướng dẫn mọi ngày trong đời chúng con. Amen.”

 

SUY NIỆM 9: LAO ĐỘNG BIỂU LỘ VINH QUANG CỦA CHÚA GIÊSU PHỤC SINH

(http://phaolomoi.net // Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH)

Chúa Giêsu khi từ cõi chết sống lại, Ngài hiện ra với bà Maria Madalêna, Ngài không tỏ  vinh quang như trên núi Hiển Dung cho các môn đệ (x Mt 17), mà bà Maria Madalêna thấy Chúa Giêsu Phục Sinh tưởng đó là người làm vườn (x Ga 20,15). Chúa Giêsu Phục Sinh hữu ý mang dáng dấp người làm vườn là Ngài muốn nối tiếp sứ mệnh Thiên Chúa trao cho ông Adam phải canh tác vườn, nói lên quyền làm chủ vạn vật Thiên Chúa đã tạo dựng (x St 1,26 - 2,3.15), để Đức Giêsu trở nên mẫu người lao động cho cả loài người. Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Thiên Chúa làm người, cho con người được làm Thiên Chúa”. Nghĩa là nơi Đức Giêsu có hai bản tính: Bản tính loài người và bản tính Thiên Chúa. Do đó ai muốn trở nên giống Thiên Chúa trong bản tính loài người, thì phải lao động việc trần thế, và qua Bí tích Khai Tâm, con người đã được thông dự vào bản tính Thiên Chúa, thì còn phải lao động vào việc Nước Thiên Chúa.

I.  VỚI BẢN TÍNH LOÀI NGƯỜI, ĐỨC GIÊSU LAO ĐỘNG  VIỆC TRẦN THẾ.

Suốt ba mươi năm đầu cuộc đời Đức Giêsu, trong xưởng mộc với ông Giuse, cha Ngài tại Nazareth, thì người ta chỉ nhìn Ngài là “con bác thợ mộc” (x Mt 13,55), Ngài nói: “Con không thể làm gì tự mình, nhưng mọi sự đều vì đã trông thấy Cha làm, điều gì Người làm thì Con cũng làm như thế” (Ga 5,19).

Giáo huấn của Công Đồng Vat .II, dạy chúng ta biết về giá trị lao động trần thế : “Hoạt động của con người phát xuất từ con người, nên quy hướng về con người. Thật vậy, khi làm việc, con người không những biến đổi sự vật và xã hội, mà còn cải thiện chính mình. Bởi vì khi làm việc, con người học biết được nhiều điều, phát triển tài năng, cũng như thoát ra và vượt khỏi chính mình (*). Nếu được hiểu cho đúng thì, sự tăng triển này còn đáng gía hơn mọi của cải thu tích được. Giá trị của con người hệ tại ở “CÁI MÌNH LÀ” hơn là ở “CÁI MÌNH CÓ”. (x Hiến Chế Hội Thánh Trong Thế Giới Hôm Nay số 35).

 Như thế làm việc không nhất thiết phải đạt thành công trước mắt, nhưng đã trở nên nghĩa người hơn. Chính Đức Giêsu suốt đời làm việc không ngơi nghỉ giống Cha trên trời (x Ga 5,17), thế mà cuối đời xem ra thất bại, bị mọi người khai trừ! Nhưng chính lúc ấy, Tổng trấn ngồi xử án, lại chỉ riêng vào Đức Giêsu đang đứng trước một rừng người, và ông lớn tiếng tuyên bố: “Này là Người” (x Ga 19, 5).

Kinh thánh kết án kẻ lười: “Kẻ lười tệ kém hòn phân, ai mà đụng nó là tay phủi liền” (Hc 22,2).Ai không chu toàn bổn phận mình, nó là anh em với quân phá hoại (x Cn 18,9).

(*) Khi làm việc con người được THOÁT RA: tức là thoát ra khỏi kiếp loài vật, vì con vật ăn sẵn những gì Thiên Chúa hoặc con người tạo nên cho nó: như con sâu ăn lá cây, con gà ăn giun, con heo ăn cám… Trái lại, con người dùng thực phẩm do tay mình làm ra.

Khi làm việc con người VƯỢT KHỎI CHÍNH MÌNH, tức là nhờ làm việc, con người có thêm của cải để chia sẻ. Chính nhờ biết chia đi, mà con người được biểu lộ giống Chúa, vì Thiên Chúa làm mọi sự chỉ để ban tặng cho loài người.

II. VỚI BẢN TÍNH THIÊN CHÚA, ĐỨC GIÊSU HẾT LÒNG LÀM VIỆC NHẰM THIẾT LẬP NƯỚC THIÊN CHÚA LÀ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO.

Tất cả những việc Đức Giêsu làm trong sách Tin Mừng ghi lại chỉ nhằm mục đích cho mọi người nhận biết Ngài là Thiên Chúa cứu độ duy nhất (x Cv 4,12), để dạy mọi người cách sống yêu. Đức Giêsu đã biểu lộ tình yêu của Ngài qua việc làm : Kẻ đói Ngài cho ăn, người bệnh tật Ngài chữa lành, nhất là Ngài hết lòng rao giảng Lời Chúa Cha nhằm cứu độ loài người,và huấn luyện các môn đệ để nối tiếp sứ mệnh của Ngài. Những việc làm ấy, chỉ có giảng Lời và huấn luyện môn đệ, dù người ta chống đối, loại trừ, nhưng vẫn còn tồn tại cho đến tận thế. Như vậy, giảng Lời và huấn luyện con người,tạo chất xám phục vụ Nước Thiên Chúa quan trọng nhất. Vì ngay khi Đức Giêsu còn trên dương thế, những ai chỉ muốn Ngài cho bánh ăn, hoặc được lành bệnh, thì Ngài trốn đi cầu nguyện ! (x Lc 4).

Thánh Giuse trong Tin Mừng chỉ cho biết ông làm  nghề thợ mộc, công việc này để phụ giúp Đức Maria nuôi dưỡng Đức Giêsu. Nhưng ông khuất đi rất sớm, thì chắc chắn Đức Giêsu phải vất vả tiếp nối công việc của cha Giuse để phụ kinh tế trong gia đình với Mẹ Ngài. Thế thì việc lao động cơ bắp của ông Giuse không quan trọng lắm, mà quan trọng nhất là ông luôn tỉnh thức mau mắn làm theo Lời Chúa dạy, để đóng góp vào chương trình cứu độ loài người Con Thiên Chúa thực hiện.

Thực vậy, ông Matthêu ghi lại ba lần trong đêm tối ông Giuse mau mắn chỗi dậy thực thi Lệnh Chúa truyền :

- Lần I : Ban đêm Chúa ra lệnh cho ông Giuse phải chỗi dậy đón Maria, vợ ông về chung sống, để Maria sinh Con Đấng Tối Cao được an toàn, nếu không sẽ bị người đời ném đá, và ông còn có nhiệm vụ đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu, để Đức Giêsu được sinh ra làm ứng nghiệm lời Sách Thánh đã tiên báo Đấng Cứu Thế thuộc dòng vua Đavid, vì ông Giuse thuộc dòng này (x Mt 1,18t).

- Lần II : Ban đêm Chúa ra lệnh cho ông Giuse mau chỗi dậy để đưa Hài Nhi trốn sang Ai Cập, vì vua Hêrôđê đang lùng kiếm giết Hài Nhi (x Mt 2,13-18).

- Lần III : Đang đêm Chúa bảo ông Giuse chỗi dậy đưa Maria và Hài Nhi trở về Nazareth, vì Ngài có sứ mệnh giải phóng loài người thoát nô lệ Satan, hơn sứ mệnh của ông Môsê đưa dân Do Thái thoát nô lệ Ai Cập (x Mt 2,19-23).

Ba lần trong đêm ông Giuse chỗi dậy làm theo ý Chúa tiên báo về Đức Giêsu sau ba ngày từ cõi chết sống lại, để hoàn tất việc giải phóng loài người thoát tay tử thần.

Như thế, qua Kinh Thánh Chúa muốn mọi người xác tín : Phải chu toàn việc Nước Thiên Chúa trước khi chu toàn việc trần thế, thì cuộc đời con người mới hạnh phúc. Chính vì thế mà kẻ nào chỉ lo chạy đến cầu cứu Đức Giêsu cho của ăn vật chất, hoặc được lành bệnh, thì Ngài đã trốn họ. Nếu họ cứ tìm đến Ngài, Ngài phải lên tiếng nhắc nhở : “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”. Họ liền hỏi Người : “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn ?” Đức Giêsu trả lời : “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6,27-29).

Vậy mọi người muốn được Chúa chăm sóc, thì phải thực hành Lời Ngài dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

 “Tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài trước nhất”, cụ thể là mau mắn làm theo ý Chúa để chung tay phát triển Tin Mừng, xây dựng Hội Thánh, với tinh thần thánh Tông Đồ dạy : “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.  Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha. Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời,vì biết rằng anh em sẽ nhận được phần thưởng Chúa ban, là gia nghiệp dành cho dân Người. Đức Kitô là Chủ, anh em hãy phục vụ Người” (Cl 3,14.17,23-24 : Bài đọc).

Muốn sống tinh thần lao động như Đức Giêsu, như thánh Giuse, ta phải cầu nguyện: “Lạy Chúa, việc tay chúng con làm xin Ngài củng cố” (Tv 90/89,). Để “ngày lại ngày, xin chúc tụng Chúa, Thiên Chúa cứu độ ta, Người đỡ nâng ta” (Tv 68/67,20).

Lễ thánh Giuse Lao Động được đặt vào đầu tháng năm, tháng Hoa kính Đức Mẹ. Hội Thánh muốn con cái mình hãy làm việc với tinh thần giống Chúa Giêsu và thánh Giuse, để trở thành những bông hoa tươi thắm dâng kính Mẹ Maria.

Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời,vì biết rằng anh em sẽ nhận được phần thưởng Chúa ban, là gia nghiệp dành cho dân Người. Đức Kitô là Chủ, anh em hãy phục vụ Người (Cl 3,23-24).

 

 

Thứ Tư: Ga 3, 16-21

Thứ tư 01/05/2019 – Đi rao giảng Tin Mừng.

01/05 – Thứ Tư tuần 2 Phục Sinh – Thánh Giuse thợ.

"Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian nhờ Người mà được cứu độ".

 

Lời Chúa: Ga 3, 16-21

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ.

Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa và đây là án luận phạt: là sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách, nhưng ai hành động trong sự thật, thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ, là họ đã hành động trong Thiên Chúa.

 

SUY NIỆM 1: Đi rao giảng Tin Mừng

Câu đầu tiên của đoạn Phúc Âm hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ lại tình trạng tinh thần của các tông đồ lúc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến và trao cho họ sứ mạng làm chứng cho Chúa. Tình trạng đó là tinh thần của nhóm mười một trước và liền sau biến cố Vượt Qua. Các ông chậm hiểu hay chưa hiểu gì về mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Giêsu.

Hơn nữa, sau khi Chúa đã sống lại và đã hiện ra cho một số đồ đệ để những người này loan báo tin vui Chúa sống lại cho các ông, thì các ông còn cứng lòng không tin, đến độ bị Chúa khiển trách. Phúc Âm ghi lại cho chúng ta như sau: "Sau cùng, Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng. Bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người phục sinh". Các tông đồ còn có thái độ tiêu cực như vậy. Mặc dù đã theo Chúa ngay từ đầu và đã được Chúa huấn luyện đặc biệt hơn dân chúng trong suốt thời gian sống bên cạnh Chúa.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không thất vọng, không bỏ đi chương trình cứu rỗi nhân loại, không rút lại những gì Chúa muốn các ngài thực hiện, vì thế, Chúa ra lệnh cho các tông đồ và cho những ai tiếp tục sứ mạng của Ngài trong dòng thời gian:

"Hãy ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Hãy làm chứng cho Chúa khắp nơi", đây là sứ mạng quan trọng nhất liên quan đến tương lai của Giáo Hội Chúa trong lịch sử nhân loại. Sứ mạng được cô đọng lời Chúa Giêsu cho các tông đồ như sau: "Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ. Còn ai không tin thì sẽ bị kết án". Chúa Giêsu Phục Sinh đã không ngần ngại trao phó cho những con người bất toàn một sứ mạng rất cao cả. Chúa tỏ cho thấy Người cần đến sự cộng tác của con người phàm trần, có và còn rất nhiều khuyết điểm để thực hiện sứ mạng cứu rỗi. Những khuyết điểm của những con người đã được tuyển chọn, không thể làm hư chương trình của Người.

Nơi các Phúc Âm khác, chúng ta biết thêm là Chúa ban Thánh Thần xuống trên các tông đồ để biến đổi các ông thành những con người mới, xứng đáng hơn với sứ mạng. "Các con sẽ lãnh nhận Chúa Thánh Thần và sẽ làm chứng cho Thầy". Phần thánh sử Marcô, thì ngài tóm gọn thái độ đáp trả của các tông đồ nơi câu cuối cùng của sách Phúc Âm của ngài như sau: "Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng".

Hiện tại và tương lai của Giáo Hội Chúa được xây dựng trên kinh nghiệm sống căn bản trên. Chúa luôn hoạt động với các ông, với những ai Người đã chọn và trao cho sứ mạng. Chúng ta hãy tin tưởng, vâng phục và ra đi chu toàn sứ mạng theo Lời Chúa dạy.

Lạy Chúa, nhờ lời khẩn cầu của thánh sử Marcô mà Giáo Hội mừng lễ hôm nay, xin thương biến đổi mỗi người chúng con trở thành những tông đồ, những cộng tác viên xứng đáng và trung thành của Chúa trong mọi hoàn cảnh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Án xử của Thiên Chúa

Cách đây 2.400 năm, triết gia Hy Lạp là Socrate đã bị mang ra toà và bị kết án phải uống thuốc độc vì hai tội: làm sa đoạ giới trẻ bằng những lý thuyết viển vông và tuyên truyền cho các thần minh mới. Bồi thẩm đoàn xét xử Socrate gồm 501 người được tuyển lựa trong số 6000 công dân Athène. Đây là vụ án nổi tiếng nhất của thế kỷ 4.

Vụ án nổi tiếng nhất cuả thế kỷ 20 hẳn phải là vụ án của Hosê Simon, một cầu thủ bầu dục trở thành tài tử kiêm phóng viên truyền hình về thể thao tại Hoa Kỳ. Simson là một người da đen bị cáo buộc đã giết vợ và bạn trai của cô ta. Đã có quá nhiều chứng cớ hiển nhiên, nhưng sau nhiều tháng xét xử, toà vẫn chưa đưa ra được một phán quyết nào. Nhiều người cho rằng với một bồi thẩm đoàn gồm đa số người da đen và nhất là với những luật sư nổi tiếng mà Simson đã bỏ tiền ra thuê, rồi ra anh ta có thể được trắng án. Và quả thực tin giờ chót vừa cho hay toà tuyên bố Simson vô tội và anh được tha bổng.

Nhà hiền triết bị kết án, kẻ sát nhân được tha bổng, bao nhiêu người vô tội bị đầy ải trong các nhà tù. Công lý của con người vốn bất toàn là thế. Chính vì vậy ở thời đại nào, nỗi khao khát công lý trong lòng người vẫn không bao giờ được toả mãn. Người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng khao khát công lý: Đấng Cứu Thế mà họ mong đợi sẽ là một quan toà khôn ngoan, có khả năng xoá bỏ bất công, trừng trị kẻ gian ác và tái lập công lý. Các tín hữu tiên khởi phát xuất từ Do thái giáo cũng tiếp tục nuôi dưỡng một niềm mong đợi đó.

Nhưng một cuộc phán xử như thế đã không diễn ra khi Chúa Giêsu đến. Thay cho một quan toà nghiêm khắc, người ta chỉ thấy một vị mục tử tốt lành. Thay cho những phán quyết thẳng thừng, người ta chỉ nghe được những lời tha thứ dịu ngọt. Quả thật như Chúa Giêsu đã giải thích cho Nicôđêmô: Thiên Chúa sai Con Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của ngài mà được cứu độ. Chúa Giêsu không xét xử và luận phạt con người. Chính con người tự xét xử mình bằng cách chọn lựa hay khước từ Chúa Giêsu. Mỗi hành động xấu tự nó đã là một bản án cho con người. Sự phán xét do đó không là một biến cố bên ngoài con người, mà chính là thái độ đáp trả của con người với lời mời gọi của Chúa Giêsu. Nếu tôi bước đi trong ánh sáng của Chúa Giêsu, tôi được bình an thư thái; trái lại, khi tôi chọn lựa bóng tối của ích kỷ, thì tôi đã tự ký bản án, tự đày đoạ chính mình rồi.

Thiên đàng, hoả ngục, ngày chung thẩm vốn được thêu dệt bởi biết bao hình ảnh thần thoại. Đó là những thực tại vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta. Tuy nhiên, có điều chắc chắn là Thiên đàng, hoả ngục, ngày chung thẩm đều gắn liền với cuộc sống tại thế này. Con người có thể hưởng nếm Thiên đàng ngay từ cuộc sống này khi nó bước đi trong ánh sáng chân lý của Chúa Giêsu. Cũng ngay trong cuộc sống này, mỗi khước từ đối với Ngài đã là một thứ hoả ngục mà con người tự giam mình vào, và ngày chung thẩm cũng đã diễn ra trong con người qua từng chọn lựa của mình.

“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một Ngài. Ngài sai Con Một Ngài đến thế gian không phải để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ”. Đó phải là niềm xác tín thúc đẩy chúng ta luôn sống tin tưởng và yêu thương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Yêu? Phán xét? Án phạt?

Thiên Chúa đã yêu thế gian

Đến nỗi đã ban Con Một,

Để ai tin vào Con của Người

Thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.

Quả vậy, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian

Không phải để lên án thế gian,

Nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người

Mà được cứu độ. (Ga. 3, 16-17)

Giáo lý dạy chúng ta biết rằng: Những ưu phẩm của Thiên Chúa là tốt lành vô cùng, đáng mến vô cùng, toàn thiện vô cùng, thương xót vô cùng, công bằng vô cùng … Nhưng những ý niệm đó đôi khi có vẻ mâu thuẫn nhau: Làm sao Thiên Chúa thương xót và đáng mến vô cùng lại ra án phạt người ta?

Bài Tin mừng hôm nay cho biết: tình yêu phán xét, hình phạt, cứu độ. Chúng ta hãy chú ý đến lời Chúa Giêsu nói như thế nào.

Điều quả quyết thứ nhất của Đức Giêsu là Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Bằng chứng của tình yêu này là hiến Con Một Ngài cho chúng ta. Không phải ơn ban thụ động, mà ơn ban một con người sống động đến thực hiện cho loài người điều này là ban cho mỗi người sống đời đời. Trong thái độ Thiên Chúa ưu đãi chúng ta, có tình yêu và sự tốt lành vô cùng là Con Một Ngài đã không đến để ra án phạt.

Nhưng tuy nhiên, như thánh Gio-an trưng dẫn quả quyết của Đức Giêsu là chính người ta tự phán xét và tự kết án mình. Người ta tự loại mình khỏi ơn cứu độ khi họ từ chối Đức Kitô, từ chối ảnh hưởng của Ngài, vì họ không tin Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế.

Nhưng chúng ta lại đặt vấn đề này: Người ta là kẻ tội lỗi vì từ chối Chúa, có phải là Thiên Chúa đã không ban đức tin cho họ sao? Câu hỏi này thuộc phạm vi thần học, không thuộc chương trình của Đức Kitô. Người chỉ nói đến vấn đề hành động chối bỏ của người ta như sau: “Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, sợ rằng các việc họ làm sẽ lên án chê trách họ”.

Người ta rất khôn khéo đổ tội từ chối Đức Kitô đó cho Thiên Chúa vì sợ lời Người tố giác, chỉ có sự phán xét do Thiên Chúa, hệ tại ở chỗ Thiên Chúa nhận biết hoàn cảnh người ta làm và tôn trọng sự lựa chọn của người ta.

C.G

 

SUY NIỆM 4: THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU (Ga 3, 16 – 21)

Khi yêu nhau, người ta có thể làm mọi việc vì nhau và cho nhau. Họ sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu của người mà họ thương để mong sao người yêu được hài lòng. Như vậy, yêu là chấp nhận tất cả vì người mình yêu.

Thiên Chúa cũng vậy, Người yêu thương con người bằng một tình yêu trọn vẹn. Vì thế, Người chấp nhận tất cả để cho con người được hạnh phúc.

Điều này đã được Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta biết khi nói:

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Đây là một mạc khải quan trọng, cốt lõi, vì nó tóm gọn nội dung của Tin Mừng.

Mạc khải này vượt lên trên những suy tư triết học hay lý luận của con người, bởi vì chỉ nhờ mạc khải của Đức Giêsu, Ngài là Con Một Thiên Chúa, Đấng từ Thiên Chúa mà đến và là hiện thân của tình yêu mới giúp cho chúng ta hiểu thấu được.

Thật vậy, thế gian là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa, vì thế, Người không chỉ yêu thương có một lần trong quá khứ, nhưng Ngài vẫn còn yêu thương luôn mãi, Qua cuộc đời nhập thể làm người của Đức Giêsu, nhất là nơi cái chết và sự phục sinh của Ngài, Đức Giêsu đã thể hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với con người cách trọn vẹn. Nhưng không chỉ có thế, Đức Giêsu tiếp tục hiện diện với con người trong suốt dòng lịch  sử, nhất là qua các Bí tích, để làm bảo chứng tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại.

Ước gì chúng ta luôn cảm nhận và tin tưởng vào tình thương của Chúa, và sẵn sàng đi trên cùng một con đường yêu thương mà Thiên Chúa đã đi.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban cho chúng con mặc lấy tâm tình của Chúa, để chúng con sống và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa ngay trong cuộc sống của chúng con hằng ngày. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Thiên Chúa yêu thế gian

Suy niệm :

Khi nghĩ về Thiên Chúa, người ta hình dung ra Ngài với nhiều khuôn mặt.

Có khi Thiên Chúa giống một ông cảnh sát, luôn để ý theo dõi để trừng phạt,

hay như một quan tòa cứ theo pháp luật mà kết án nghiêm minh.

Có khi Thiên Chúa giống một nhà buôn, tính toán sòng phẳng,

chỉ ban ơn khi nhận được một lợi lộc nào đó, có qua có lại.

Có khi Thiên Chúa giống một nhà độc tài, áp đặt quyền lực trên con người,

không cho con người được tự do, bắt con người phải theo một định mệnh có sẵn.

Có khi Thiên Chúa như một thứ ô dù để người ấu trĩ dựa dẫm trong lúc khó khăn,

hay như một sản phẩm của người bị áp bức tự ru ngủ mình.

Có bao nhiêu hình ảnh méo mó về Thiên Chúa như vậy.

May mắn đó không phải là khuôn mặt Thiên Chúa của các Kitô hữu.

Ngài chẳng phải là cảnh sát hay quan tòa, là nhà buôn hay nhà độc tài.

Ngài cũng chẳng phải là người cha độc đoán không muốn cho con mình khôn lớn.

Đơn giản Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4, 8).

Và Tình Yêu vô lượng ấy được thể hiện bằng hành động:

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (c. 16).

Tình yêu của Thiên Chúa Cha ôm lấy thế gian, dù nó nghiêng chiều về sự dữ.

Như Abraham yêu quý đứa con một là Isaac, và đã chịu sát tế con cho Chúa,

Thiên Chúa Cha cũng yêu quý người Con Một của Ngài là Đức Giêsu,

và đã trao ban người Con ấy cho thế gian.

Cha trao ban Con khi sai Con vào đời mang thân phận xác phàm (Ga 1, 14).

Cha còn trao ban Con cho thế gian qua cái chết của Con trên thập giá.

Nơi máng cỏ Bêlem hay nơi đồi Sọ,

ta thấy Cha đưa hai tay ra để trao món quà tình yêu quý giá nhất cho loài người.

Và Cha chờ con người đáp lại bằng cách đưa hai tay đón nhận.

Con người vẫn có tự do để đón nhận hay từ chối món quà ấy

qua việc tin hay không tin Đức Giêsu.

Đứng trước Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa,

là đứng trước một chọn lựa nghiêm chỉnh có liên quan đến vận mệnh con người.

Ai tin vào Ngài thì có ánh sáng, ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu (cc. 16.17.19).

Tiếc thay có kẻ ghét ánh sáng và thích bóng tối hơn ánh sáng.

Hãy từ bỏ những việc làm tối tăm, dối trá, xấu xa,

bạn sẽ dễ dàng đến cùng ánh sáng Giêsu.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt,

còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.

Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối

nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình,

con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động.

Con an tâm ở lại trong bóng mờ,

vì thấy đó chưa phải là một tội.

Nhưng con cũng áy náy

vì biết rằng bóng mờ là nơi

ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.

Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng,

vì con vẫn muốn giữ lại

một điều gì đó rất quý đối với con.

Xin giải phóng con khỏi những tình cảm lệch lạc

để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.

Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con

để con được thuộc trọn về Chúa.

Xin kéo con ra khỏi thái độ lấp lửng, nước đôi,

để dứt khoát đặt Chúa trên mọi sự.

Ước gì con có đủ can đảm để dám nhìn thẳng

vào những bóng mờ trong đời con.

Và ước gì con được trở nên trong suốt

nhờ để ánh sáng Chúa

tràn ngập mọi vùng mờ tối nơi con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.



 

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con một mình

Wednesday (May 01): “God so loved the world that he gave us his only Son”

 

Scripture: John 3:16-21

16 For God so loved the world that he gave his only Son, that whoever believes in him should not perish but have eternal life. 17 For God sent the Son into the world, not to condemn the world, but that the world might be saved through him. 18 He who believes in him is not condemned; he who does not believe is condemned already, because he has not believed in the name of the only Son of God. 19 And this is the judgment, that the light has come into the world, and men loved darkness rather than light, because their deeds were evil. 20 For every one who does evil hates the light, and does not come to the light, lest his deeds should be exposed. 21 But he who does what is true comes to the light, that it may be clearly seen that his deeds have been wrought in God.

Thứ Tư        01-5                  Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con một mình

 

Ga 3,16-21

16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.19 Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

Meditation: 

 

Do you know the love which surpasses the greatest joy and happiness which one could ever hope to find in this life? Greater love is manifested in the cost and sacrifice of the giver. True lovers hold nothing back but give the best that can be offered to their beloved, including all they possess, even their very lives. God proved his love for each and every one of us by giving us the best he had to offer – his only begotten Son who freely offered up his life for our sake as the atoning sacrifice for our sins and the sin of the world.

God loves each of us uniquely and personally  

Abraham’s willing sacrifice of his only son, Isaac, prefigures the perfect offering and sacrifice of God’s beloved Son, our Lord Jesus Christ. This passage in the Gospel of John tells us of the great breadth and width of God’s love. Not an excluding love for just a few or for a single nation, but a redemptive love that embraces the whole world, and a personal love for each and every individual whom God has created in his own image and likeness (Genesis 1:26,27). God is the eternal Father of Love who cannot rest until his wandering children have returned home to him. Saint Augustine of Hippo (354-430 AD) said, God loves each one of us as if there were only one of us to love. God gives us the freedom to choose whom and what we will love.

Truth, beauty, and goodness are made perfect in the love of Christ

Jesus shows us the paradox of love and judgment. We can love the darkness of sin and unbelief or we can love the light of God’s truth, beauty, and goodness. If our love is guided by what is true, and good, and beautiful then we will choose for God and love him above all else. What we love shows what we prefer and value most. Do you love God above all else? Does he take first place in your life, in your thoughts, affections, and actions?

 

“Lord Jesus Christ, your love is better than life itself. May your love consume and transform my heart with all of its yearnings, aspirations, fears, hurts, and concerns, that I may freely desire you above all else and love all others generously for your sake and for your glory. Make me to love what you love, desire what you desire, and give generously as you have been so generous towards me”.

Suy niệm:

 

Bạn có biết tình yêu vượt trội trên cả niềm vui và hạnh phúc lớn nhất mà người ta luôn hy vọng tìm kiếm không? Tình yêu lớn lao được thể hiện trong cái giá phải trả và sự hy sinh của người cho. Người yêu thật sự không giữ lại gì nhưng cho đi điều tốt nhất có thể cho người mình yêu, bao gồm mọi tài sản của mình hay chính sự sống của họ. Thiên Chúa đã minh chứng tình yêu của Người dành cho chúng ta bằng việc ban cho chúng ta điều tốt nhất Người có để ban – Con Một yêu dấu của Người, Đấng sẵn sàng hiến mạng sống mình như của lễ cho Thiên Chúa vì chúng ta, và như lễ hy sinh đền bù cho tội lỗi chúng ta và tội lỗi của thế gian.

Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta duy nhất và cá vị

Sự tự nguyện hy sinh của Abraham về người con duy nhất của mình là Isaac, tiên báo lễ tế và hy sinh hoàn hảo của Con yêu dấu của Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô của chúng ta. Đoạn văn này trong Tin mừng Gioan nói với chúng ta chiều rộng và chiều ngang lớn lao của tình yêu Thiên Chúa. Không phải một tình yêu loại trừ, chỉ dành cho một ít người hay cho một dân tộc duy nhất, nhưng tình yêu cứu chuộc bao gồm cả thế giới, và tình yêu cá biệt dành cho mỗi một người và từng cá nhân mà Thiên Chúa đã dựng nên theo hình ảnh của chính Người (St 1,26-27). Thiên Chúa là Cha vĩnh cửu của Tình Yêu, Ðấng không thể yên nghỉ cho tới khi các con cái lang thang của mình trở về nhà với Người. Thánh Augustine thành Hippo (354-430 AD) nói Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta như thể chỉ có duy nhất một người để yêu thương. Thiên Chúa ban cho chúng ta sự tự do để lựa chọn ai và những gì chúng ta sẽ yêu mến.

Sự thật, nhân hậu và vẻ đẹp được nên trọn hảo trong tình yêu của Đức Kitô

Ðức Giêsu cho chúng ta thấy sự nghịch lý của tình yêu và sự xét xử. Chúng ta có thể yêu thích bóng tối của tội lỗi và sự vô tín hay chúng ta có thể yêu thích ánh sáng chân lý, vẻ đẹp, và sự tốt lành của Thiên Chúa. Nếu tình yêu của chúng ta được dẫn dắt bởi sự thật, tốt lành, và vẻ đẹp, thì chúng ta sẽ chọn Thiên Chúa và yêu mến Người trên hết mọi sự. Điều gì chúng ta yêu thích cho thấy những gì chúng ta mong muốn. Bạn có yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự không? Người có chiếm chỗ nhất trong cuộc đời bạn, trong những tư tưởng và hành động của bạn không?

Lạy Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa còn hơn cả chính sự sống. Chớ gì tình yêu của Chúa đốt cháy và biến đổi tâm hồn con với tất cả sự mong mỏi, khát vọng, sợ hãi, đau thương, và quan tâm của nó, để con có thể thanh thoát ao ước Chúa trên hết tất cả mọi sự và yêu thương mọi người cách quảng đại vì Chúa và vì vinh quang của Chúa. Xin giúp con yêu thích những gì Chúa yêu thích, ước muốn những gì Chúa ước muốn, và cho đi cách quảng đại như Chúa đã quảng đại với con.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ


 

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu của thánh lễ kính Thánh Giuse Thợ được Giáo Hội chọn, đó là vì người cùng quê với Đức Giê-su đã kinh ngạc về sự khôn ngoan trong lời giảng dạy của Người và đã thốt lên :

Ông không phải là con bác thợ sao?

Một đàng, lời nói này diễn tả sự vấp ngã, nghĩa là không tin, của người Do thái cùng quê với Đức Giê-su, nhưng đàng khác, lại vô tình cho chúng ta nhận ra rằng, mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa thật đến mức nào, đặc biệt ngang qua đời sống ẩn dật : Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa thực sự dưới mắt mọi người là « Con Bác Thợ » !

Chính trong mức độ này mà Bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu của chúng ta vừa tôn vinh Thánh Giuse Thợ của chúng ta, nhưng thật là kín đáo, và vừa tôn vinh căn tính thần linh của Đức Ki-tô.

Phải chăng đó cũng là lựa chọn của Thánh Giuse khi đảm nhận vai trò lớn lao là đón nhận, bảo vệ và làm cho Con Thiên Chúa nhập thể lớn lên, ngang qua đời sống bình dị của một người thợ ? Và người đã sống đến cùng lựa chọn này đến cùng trong sự thinh lặng tín thác, quảng đại và yêu thương.

1. Nghịch lý đức tin

Bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta về một nghịch lý lớn nhất thuộc về đức tin Ki-tô của chúng ta, nghĩa là về niềm tin nơi Đức Giê-su Nazareth, là Đấng đến từ chính Thiên Chúa[1]. Một đàng, những người nghe Đức Giê-su đều biết hết về Ngài, bởi vì họ là những người cùng quê với Ngài. Họ biết cha mẹ của Ngài, là bác thợ và bà Maria ; họ cũng biết anh em của Ngài và gọi đích danh họ : Gia-cô-bê, Gio-xếp, Simon và Giu-đa ; và họ còn biết rõ hơn nữa tất cả chị em của Ngài, bởi vì các cô là bà con lối xóm của họ. Đó chính là cái biết chắc chắn và khách quan về gốc gác nhân loại của Đức Giê-su.

Nhưng đàng khác, những người cùng quê với Đức Giê-su lại nghe nói về những gì Ngài đã làm, nhất là về những phép lạ ; và giờ đây, họ còn nghe trực tiếp Đức Giê-su giảng dạy trong hội đường, và lời giảng của Ngài làm cho họ sửng sốt :

Bởi đâu ông ta được khôn ngoan
và làm được những phép lạ như thế? 
(c. 54)

Và Câu hỏi lại được đặt ra một lần nữa, sau khi họ đã kể ra một cách chính xác những gì họ biết về Ngài :

Vậy bởi đâu ông ta được như thế ? (c. 56)

Như thế, nơi ngôi vị của Đức Giê-su, nơi hành động và lời nói của Ngài, có điều gì đó vượt qua cái biết khách quan thuộc bình diện lịch sử. Đức Giê-su vừa là một con người như chúng ta, vừa siêu vượt con người. Đó chính là nghịch lý của đức tin Ki-tô.

Nhưng khởi đi từ nghịch lý, mà chính họ đích thân trải nghiệm, những người cùng làng với Đức Giê-su đã không tin, tin rằng Đức Giê-su có một tương quan duy nhất với Thiên Chúa, tin rằng Ngài là « Đấng Đến Từ Thiên Chúa », là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Vấn đề này cũng là vấn đề của loài người chúng ta ở mọi thời, khi đối diện với ngôi vị của Đức Giê-su Ki-tô. Thật vậy, ngày nay nhờ vào các phương pháp và phương tiện rất hiệu quả, con người có được một kiến thức sâu rộng về con người Đức Giê-su trên bình diện tôn giáo, văn hóa, lịch sử, thậm chí bình diện tâm lý và tâm lý chiều sâu nữa, và họ cũng phải công nhận nơi nhân cách của Ngài có điều gì đó phi thường. Nhưng đàng khác họ cũng có cùng một lựa chọn không tin. 

Dường như, người ta dấn mình vào lãnh vực kiến thức lịch sử về Đức Giê-su, người ta càng gặp khó khăn trong niềm tin : Ngài đến từ Thiên Chúa, là Hình Ảnh của Thiên Chúa vô hình và là « Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa Thật bởi Thiên Chúa Thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha », như Giáo Hội tuyên xưng trong kinh Tin Kính. Chắc chắn, đó cũng là khó khăn trong niềm tin của chính chúng ta ở một mức độ nào đó hay trong một giai đoạn nào đó.

 2. Ơn huệ đức tin

Người ta, hoặc cả chúng ta nữa, gặp khó khăn trong đức tin, bởi vì đối tượng của đức tin, ở đây là căn tính thần linh của Đức Giê-su, không phải là điều để biết hay để thấy. Tin nơi Đức Giê-su Ki-tô, là Con Người và là Con Thiên Chúa là ơn huệ Thiên Chúa ban ; và về phía chúng ta, chúng ta liều mình dấn thân và cho đi cả cuộc đời trong lựa chọn tin nơi Đức Giê-su Ki-tô. Và niềm tin của chúng ta hoàn toàn không mù quáng, bởi vì chúng ta có kinh nghiệm cảm và nếm thần tính ngọt ngào nơi lời nói, nhất là lời nói bằng dụ ngôn (x. Mt 13, 1-53), hành động và nơi ngôi vị của Đức Giê-su, chúng ta đã đón nhận những hoa trái tốt đẹp cho sự sống này của chúng ta, và nhất là niềm tin nơi Đức Giê-su làm no thỏa lòng khao khát vô biên có nơi con người chúng ta, chữa lành những « bệnh hoạn tật nguyền » có nơi tương quan của chúng ta với bản thân, với tha nhân và với Thiên Chúa. Bởi vì, Chân Lý Thần Linh không có bằng chứng nào khác ngoài chính mình.

Chắc chắc có những lúc chúng ta ước ao có được những ơn phúc như thế : thấy tận mắt, nghe trực tiếp và biết thật rõ về Đức Giê-su, vì chúng ta thường nghĩ rằng, với những ơn phúc như thế sẽ dễ dàng tin Ngài là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể. Nhưng Lời Chúa trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay kể lại điều hoàn toàn ngược lại : những người thấy tận mắt, nghe trực tiếp và biết thật rõ về Đức Giê-su, lại vấp ngã không tin, đến độ Đức Giê-su lấy làm lạ ; và vì không tin, nên Ngài không thể làm những điều lạ lùng cho họ :

Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin. (c. 57-58)

Tại sao lại như vậy ? Bởi vì điều người ta phải tin, tin Đức Giê-su là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, thì vượt xa tất những gì người ta thấy, nghe và biết. Như Đức Ki-tô phục sinh nói với thánh Tô-ma, và qua thánh nhân, Người nói với tất cả chúng ta : « Phúc thay những người không thấy mà tin » (Ga 20, 29). Tin Đức Giê-su Ki-tô là ơn phúc lớn nhất Chúa ban cho các môn đệ, cho Giáo Hội và ngang qua Giáo Hội, cho từng người chúng ta hôm nay, dù chúng ta không có những ơn phúc của những người đồng hương với Đức Giê-su.

Và chúng ta được mời gọi mở lòng mình ra, mở cuộc đời của chúng ta ra, mở từng ngày sống của chúng ta ra, để đón nhận Đức Giê-su là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chính khi đó, Chúa sẽ làm cho mỗi người chúng ta, cho Gia Đình chúng ta và cho Cộng Đoàn chúng ta những điều lạ lùng.

3. Hoa trái đức tin

Hơn nữa, dưới ánh sáng của ngôi vị Đức Giê-su Ki-tô, Đấng vừa là con người và vừa là Thiên Chúa, chúng ta khám phá ra chiều kích thần linh hiện diện ở khắp nơi trong sáng tạo, trong lịch sử và trong chính cuộc đời và ngôi vị của chúng ta. Bởi vì, vạn vật được tạo dựng bởi Ngôi Lời (x. Ga 1, 3), theo hình ảnh của Ngôi Lời, cho Ngôi Lời và được làm cho viên mãn bởi Ngôi Lời (x. Ep 2, 3-14).

*  *  *

Xin cho chúng ta mỗi ngày biết nhận ra ơn phúc đức tin Chúa ban và quảng đại đón nhận và sống đức tin, để Chúa làm cho chúng ta những điều lạ lùng mỗi ngày : đó là mầu nhiệm Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ, có sức mạnh giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của ma quỉ, và những điều xấu xa thuộc về ma quỉ, để làm cho chúng ta sống và sống dồi dào trong sự hiệp nhất và trong tình thương với Chúa và với nhau, với những người còn sống cũng như với những người đã qua đời hôm nay và mãi mãi.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Xem cuốn sách về Ki-tô học của Cha Joseph Moingt, SJ, có tựa đề L’homme qui venait de Dieu (Người Đến Từ Thiên Chúa), Paris, Cerf, 1993.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây