Có những kỳ thi

Thứ ba - 09/05/2023 17:36
Ảnh minh hoạ

 

œ

            Có những bài kiểm tra đâu được báo trước để chuẩn bị. Có những đòi hỏi phải cung ứng chuỗi kiến thức sẵn có chứ không là thứ kiến thức phải miệt mài ôn tập trong một vài tháng để rồi bước vào ngày thi sẽ mừng vui khi “trúng tủ” và đau buồn khi “tủ đè”.

            Người đứng trước kỳ thi ấy sẽ thấy như thế nào? Có kẻ thực sự mỏi mệt, hồi hộp, chấn động trước những “trò chơi” mà chỉ biết luật chơi nằm trong chính thời khắc trò chơi bắt đầu; đồng thời chỉ hiểu trọn luật chơi khi trò chơi đã chấm dứt. Một trạng thái phân vân và đuối sức trước những đòi hỏi nhiều lúc vượt sức này. Ngược lại, có kẻ thực sự háo hức trước những thách đố bất ngờ như thế này. Những thách đố đòi họ phải khám phá và dám chấp nhận bất cứ hệ quả nào diễn ra, dẫu cho hệ quả ấy là tốt hay xấu thì họ vẫn hài lòng.

            Thực ra, không ai hiểu rõ hình thức thi cử bất ngờ này cho bằng những kẻ sĩ nơi mái trường, nhưng cũng không ai thấu rõ bản chất của hình thức thi cử này cho bằng những kẻ trải đời. Như thế, vẻ toàn hảo của cuộc thi được cấu tứ bởi kẻ sĩ nơi học trường lẫn kẻ bôn ba trong đời. Nếu chỉ đứng ở một khía cạnh thì dễ dẫn đến cái nhìn phiến diện.

            Nếu chỉ là kẻ sĩ thì chỉ thấy chính sách thi bất ngờ là một hình thức đánh giá vấn đề, nhưng hình thức ấy không định đoạt tất cả. Nếu chỉ là kẻ bôn ba trong đời thì chỉ nói được những triết lý của kinh nghiệm bản thân họ, chứ không là thứ hình thức khuôn mẫu như sách vở và giáo điều. Thực sự, cả hai đều cần nhìn về nhau như hệ quy chiếu hỗ tương, để… nếu không là hôm nay… thì ngày mai sẽ hiểu và chấp nhận cách thấu đáo hơn… dẫu là trường học hay trường đời.

            Báo trước mà không báo trước. Thông báo để chuẩn bị mà vẫn bất ngờ. Đó mới là cái mới mẻ của trò chơi. Bậc cha mẹ dạy con chỉ dừng lại ở mức độ thông báo: “Cha/mẹ nói mà con không nghe thì sau này có gì đừng có trách?” Nói hững hờ như thế để làm gì? Có mang lại kết quả gì đâu? Nhưng… mãi khi đứa con thành nhân bỗng chốc hiểu rằng nếu hồi xưa cha mẹ nói trắng ra thì liệu nó có tin? Liệu lúc đó nó có hiểu điều cha mẹ nói? Vết xe đổ là của kinh nghiệm mỗi người, nhưng truyền đạt cho nhau là những hình thức quy chuẩn chung nhất. Mong đừng giẫm lên vết xe của khung quy chuẩn ấy lần nữa ấy mà.

            Tôi chợt nhận ra Thượng Đế cũng chuộng ưa những cuộc thi bất ngờ. Không phải để đánh giá chất lượng kiến thức, mà để đánh giá mức độ sẵn sàng. Cõi thượng đâu phải chỉ dành cho kẻ thông minh mà loại trừ kẻ tiểu trí ra ngoài. Cõi thượng dành cho kẻ luôn trong trạng thái sẵn sàng để “ứng cử kỳ thi” bất cứ lúc nào. Dám thi bằng chính những gì mình có!

Little Stream

 

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây