Lời khấn là gì? Suy niệm về các lời khấn dòng

Thứ năm - 07/07/2022 02:22

Lời khấn là gì? Suy niệm về các lời khấn dòng

 

Lm. Phanxicô de Sale Lê Văn La Vinh, OP
sưu tầm và biên soạn

Lời khấn là một lời hứa ta đã suy xét và tự do đoan thệ với Chúa, tự buộc mình theo đức thờ phượng làm một việc lành có thể làm, mọi việc lành tốt hơn.

Lời khấn tu trì là những lời khấn nào?

Đó là khấn giữ những lời khuyên Phúc âm: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.

Bằng việc khấn giữ các lời khuyên phúc âm, tu sĩ phó mình hoàn toàn cho Chúa. Tuyên khấn là một cách thức để nói lên ước muốn sống chính xác sự viên mãn đã ban cho Giáo Hội, cái làm nên đời sống sâu thẳm của mỗi Kitô hữu. Đời sống tu trì làm chứng cho xã hội thấy cách rõ ràng hơn những thực tại của đức ái, của sự hiệp thông vào thân thể Chúa Kitô, Đấng đã thíêt lập nên đời sống Giáo Hội. Nội dung của lời khấn không thêm điều gì mới. Lời khấn chỉ biểu lộ tính năng động sâu sắc của việc ta thuộc trọn về Giáo Hội. Truyền thống đã lý giải thực tại này trong cách nói: “Khấn dòng là phép Rửa lần hai”. Khấn dòng bắt nguồn từ phép Rửa và làm lan tỏa ra tính năng động của Phép Rửa, của việc chúng ta tháp nhập vào thân mình của Chúa Giêsu”. (La vie religieuse apostolique – Bruxelles 1978 – p. 146; LG số 42)

Tông hiến Đời sống Thánh Hiến – Vita Consecrata của Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 25 tháng 03 năm 1996 có đoạn: “Đời sống thánh hiến, bén rễ sâu trong gương sống và giáo huấn của Chúa Kitô, là một ân huệ Thiên Chúa Cha ban cho Giáo Hội của Người qua trung gian của Thánh Thần. Nhờ việc tuyên giữ các lời khuyên Tin mừng, các nét đặc trưng của Đức Giêsu -khiết tịnh, nghèo khó và vâng phụ – trở thành hữu hình giữa lòng thế giới như một gương mẫu thường hằng, và các tín hữu được mời gọi hướng nhìn về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã tác động trong lịch sử, nhưng còn đang chờ đạt tới viên mãn ở trên trời” [1].

LỜI KHẤN KHIẾT TỊNH

1. Lời khấn khiết tịnh và ý nghĩa của nó trong cuộc sống

Lời khấn khiết tịnh là một trong ba lời khấn bắt buộc của bậc tu sỹ. Nó giúp người tu sỹ củng cố và kiện toàn đức bác ái – nhân đức vượt lên trên mọi nhân đức khác (GLCG số 1826). Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người sống đức ái; nhưng sự trọn hảo của đức ái chỉ dành cho những ai tự nguyện dấn thân trong đời sống thánh hiến qua việc thực hành các nhân đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục vì Nước Trời. Giáo hội luôn nhìn nhận sự khiết tịnh như là một bậc sống. Chính Đức Kitô đã sống đức khiết tịnh một cách hoàn hảo. Ngài là sức mạnh tuyệt vời; nhờ đó, mỗi người chúng ta được trở nên một trong nhiệm thể của người. Qua Bí tích Rửa tội, Đức Kitô thánh hoá chúng ta, Ngài mời gọi mỗi người tiến lên trong đời sống thánh hiến để sống kết hợp với Ngài cách trọn vẹn.

Lời khấn khiết tịnh ngày nay mang nhiều ý nghĩa quý giá. Trước hết, lời khấn khiết tịnh giúp người tu sỹ dấn thân trọn vẹn cho sứ vụ của mình; thứ đến, lời khấn khiết tịnh chứa đựng tình yêu trọn vẹn mà mỗi người dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Sống đời khiết tịnh là sống kết hiệp với Chúa một cách tuyệt vời nhất, ở đó người tu sỹ hiến dâng tình yêu của mình cho Chúa vô điều kiện. Đặc biệt, lời khấn khiết tịnh được xem là sự thánh hiến. Chính Đức Kitô thánh hiến người tu sỹ qua Giáo hội.

Như vậy, đối với người tu sỹ, đức khiết tịnh là một đặc sủng Chúa ban. Đời sống khiết tịnh là dấu chỉ của sự sống muôn đời mà nhiều người cố gắng đạt đến. Nó vượt lên trên cả giá trị truyền sinh để đến với tình yêu đích thực là Đức Kitô.

Đức khiết tịnh “vì Nước Trời” (Mt 19, 12) phải được xem như một ân huệ cao cả của ơn thánh. Ơn ấy giải thoát lòng con người để nồng nàn mến Chúa và yêu mọi người hơn.

Đức khiết tịnh là tình yêu noi gương Đức Kitô, Đấng chỉ biết yêu Chúa Cha và nhân loại.

Đức khiết tịnh là tình yêu kết hợp với Đức Kitô phục sinh, kết hợp trọn vẹn, báo hiệu sự kết hợp trọn hảo với Đấng Vĩnh Hằng.

Đức khiết tịnh là tình yêu phục vụ của Đức Kitô mà ta bắt gặp nơi người anh em đang đau khổ, đang khóc than, đang giẫy chết…

Sống đức khiết tịnh như thế, người tu sỹ được đưa dẫn tới một cung cách mới để yêu thương, và có khả năng mở hết lòng mình ra cho anh em.

2. Đức khiết tịnh là ơn Thiên Chúa ban.

Sách Giáo Lý Công Giáo cho biết: “Đức khiết tịnh là một nhân đức luân lý. Nhưng đó cũng là hồng ân của Thiên Chúa, một ân sủng, một hoa trái của Thánh Thần. Chúa Thánh Thần ban cho người tín hữu sức mạnh để noi theo sự thanh khiết của Đức Kitô” (GLCG 2345).

Tuy nhiên, Chúa không ban ơn để rồi ơn của người làm thay ta tất cả, nhưng bao giờ cũng cần sự cộng tác của chính bản thân ta. Cũng như hạt giống phải được đưa vào trong đất, hạt giống mới phát triển. Ơn Chúa ban chính là thửa đất, đức khiết tịnh là hạt giống. Sự cộng tác của bản thân mỗi tu sĩ chính là cách thức đưa hạt giống khiết tịnh của đời mình hòa vào ơn ban của Thiên Chúa, nhờ đó, đức khiết tịnh sẽ nảy sinh trong tâm hồn sự cao trọng, thánh thiện, bình an… Vì nếu ai biết sống khiết tịnh đúng theo bậc sống của mình, người ấy đang tiến vào chân trời của ơn gọi nên thánh.

Chúng ta thật có lỗi khi không biết giữ gìn và cộng tác để biến những gì Chúa ban trở thành vinh quang và danh dự cho chính mình. Cách riêng, với những người mang trong tâm hồn lý tưởng tu trì; hơn ai hết, là những người cần ơn Chúa vô cùng. Vì nếu không có ơn Chúa, ta không thể lội ngược dòng sống những gì mà người đời cho là rất khó, ngược đời và không thể hiểu được. Nhưng chúng ta phải dứt khoát khẳng định rằng, càng khó khăn bao nhiêu, càng cần phải bám vào Chúa bấy nhiêu. Càng khó khăn bao nhiêu, càng cho thấy sức mạnh của ơn Chúa mới thật lớn lao vô cùng.

Hãy nhớ rằng, chúng ta không thể tự mình đứng vững nếu không có ơn Chúa. Bởi vậy thánh Phaolô mới nói với ta từ chính kinh nghiệm của bản thân thánh nhân: “Ai tự hào hãy tự hào trong Chúa” (1Cr 1, 31; 2Cr 10, 17) và: “Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng, kẻo ngã” (1Cr 10, 12). Đó là bài học trên hết mọi bài học áp dụng cho sự độc thân khiết tịnh mà chúng ta phải học thuộc và nỗ lực sống trong đời mình.

Sách Giáo Lý Công Giáo còn đưa ra những chỉ dẫn giúp ta sống đức khiết tịnh: “Ai muốn trung thành với những lời hứa khi được rửa tội và chống lại các cơn cám dỗ, phải dùng những phương thế sau: phải biết mình, khổ chế tùy theo hoàn cảnh, tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa, thực hành các đức tính luân lý và chuyên cần cầu nguyện” (số 2340).

Đức khiết tịnh là một nhân đức phải luyện tập, phải cố gắng nhiều bằng sự nết na, mực thước, khiêm tốn, đứng đắn. . . Một người bình thường đã được đòi hỏi phải đề cao đức khiết tịnh, huống hồ một người muốn dấn thân cho ơn gọi tu trì. Nét đẹp của đức khiết tịnh trong tâm hồn luôn luôn là một nét đẹp vượt trội. Nét đẹp ấy đưa con người vươn tới sự thánh thiện, và vươn tới chính Thiên Chúa là Đấng Thánh. Vì thế, đức khiết tịnh, dù là biểu hiện của thân xác, lại là của cải quý giá trên mọi thứ quý giá. Vì nó chính là châu báu trang sức cho linh hồn.

LỜI KHẤN KHÓ NGHÈO

Đối với những ai đã dâng mình cho Chúa, nhất là trong đời sống tu trì, “khó nghèo” là hai chữ rất quen thuộc. Đã đi tu là phải sống tinh thần khó nghèo, điều này đâu có gì lạ. Tuy vậy, xã hội ngày càng phát triển và chủ nghĩa thế tục ít nhiều len lỏi vào các cộng đoàn tu trì, thiết nghĩ các lời khuyên Tin Mừng vẫn là những đề tài mang tính thời sự, và phải luôn được đặt ra nhằm giúp người tu sĩ tìm lại căn tính đích thực của đời tu là theo Chúa Kitô trong việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm.

1. Khó nghèo – Một thách đố của đời tu

Thông thường người ta dễ nói về cái nghèo, nhưng để cảm nghiệm được cái nghèo thực sự như thế nào thì không dễ. Hơn nữa, ý nghĩa của sự khó nghèo cũng thay đổi tùy môi trường văn hóa, dân tộc, và điều kiện xã hội. Như những lời khấn khác, lời khấn khó nghèo là phương tiện cung cấp cho ta sự tự do để làm việc tông đồ. Nó phải hướng tới Chân Lý, tức Tình Yêu.

Xã hội phát triển kéo theo nền kinh tế cũng được nâng cao, chất lượng cuộc sống của mọi người vì thế cũng được nâng lên. Đời sống tu trì ngày nay, trong đà phát triển của xã hội, cũng được cải thiện. Các tu sĩ được Nhà Dòng và các Bề trên cung cấp đầy đủ những phương tiện phục vụ cho các nhu cầu cá nhân, từ việc ăn uống cho đến các sinh hoạt của đời tu.

Tuy vậy, với đà phát triển của xã hội, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa vật chất, sự thèm khát chiếm hữu đã và đang tìm cách len lỏi vào đời sống tu sĩ. Nếu không cẩn thận, các tu sĩ sẽ quên mất lời khấn khó nghèo và dễ cổ xúy cho sự giàu có với khẩu hiệu “phương tiện phục vụ cho sứ vụ”, và vì thế, họ phải mua sắm các thiết bị hiện đại và giá trị vượt mức cần thiết; hay“ăn uống không đủ chất thì không có sức khỏe học hành”, thế nên, ngoài các bữa ăn của Nhà Dòng thì căn phòng riêng trở thành những “siêu thị di động” với đủ loại thực phẩm và đồ ăn khác.

Xã hội càng phát triển, nhu cầu tâm linh của người dân cũng tăng lên, hệ quả là các tu sĩ sẽ có nhiều việc phải làm: nào là đồng hành, nào là tư vấn, nào là gặp gỡ… Những lần gặp mặt như thế làm nảy sinh nhu cầu như phải ăn mặc thế nào để “y phục xứng kỳ đức”, và theo đó, quần áo ngày càng phải tươm tất, phải hợp thời, phải model, phải mới, phải… Đó là chưa kể đến vô vàn những cám dỗ về đức khó nghèo tự nguyện khác.

Cám dỗ của việc sở hữu của cải, và sự mong muốn giàu có luôn rình rập người tu sĩ. Vì thế, các tu sĩ cần phải cố gắng giảm bớt những chi tiêu không cần thiết, biết sống thanh đạm và tự đặt cho mình bổn phận kìm hãm những ước muốn hưởng thụ, lúc đó người tu sĩ mới sống được những giá trị đích thực của đời tu.

2. Khó nghèo – Giá trị của đời sống tu trì

Như đã nói ở trên, căn tính của đời tu là sống trọn vẹn và triệt để Tin Mừng hay nói cách khác là theo sát Đức Kitô để: “bằng cách tự nguyện sống khó nghèo, chúng ta san sẻ sự khó nghèo của Đức Kitô, Đấng tuy giàu có nhưng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta” (x. 2 Cr 8,9).

Đang khi Giáo hội lên tiếng về thái độ ngày càng dửng dưng với người nghèo của con người thời đại ngày nay, thì tinh thần nghèo khó của người tu sĩ dễ dàng đến gần với những anh chị em kém may mắn này. Sống nghèo khó giúp mỗi người chúng ta dám đến gần, chia sẻ, giúp đỡ và cảm thông với họ.

Sau cùng, khi sống tinh thần nghèo khó, chúng ta chắc chắn nhận được phần thưởng vĩnh cửu, vì Chúa đã nói: “phúc thay ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

Tóm lại, ngày nay có nhiều người thắc mắc tự hỏi: đời tận hiến có ý nghĩa gì? Tại sao lại chọn đời sống đó? Tại sao phải làm những chuyện ngược lại với xu hướng thời đại khi phải tuân giữ lời khuyên Tin Mừng? Những câu hỏi đó ngày càng được đặt ra cách thường xuyên và hơn bao giờ hết trong xã hội chúng ta, một xã hội bị ảnh hưởng của nền văn hoá thực dụng, chỉ muốn đánh giá tầm quan trọng của sự vật và cả con người trong mức độ tức thời. Xã hội thực dụng là thế; còn các tu sĩ một khi nhất quyết bước theo Chúa sẽ phải phấn đấu không ngừng, chết đi mỗi ngày cho “cái tôi” của mình và làm chứng cho thế giới về một Đức Kitô khó nghèo, đồng thời cũng như một phương thuốc trị liệu cho một thế giới đang quá đam mê làm giàu trên của cải vật chất và nhắn nhủ với nhân gian rằng, của cải trần gian là phương tiện tốt và cần thiết. Thế nhưng qua đời sống khó nghèo thực hành, người tu sĩ minh chứng được cho thế giời thấy rằng còn một giá trị nữa cao cả hơn, siêu việt hơn và đáng giá hơn mà những người đi tu dám đánh đổi bằng cả cuộc đời của mình. Đó là Nước Trời, đó là chiếm hữu được Đức Kitô trong cuộc đời của mình.

LỜI KHẤN VÂNG PHỤC

 Những thách đố của Lời khấn Vâng Phục

Đời sống thánh hiến là một hồng ân Thiên Chúa ban, và việc tuyên giữ những lời khuyên Phúc Âm làm cho người tu sĩ ngày một lớn lên trong tình yêu, được kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô và ước mong thuộc về Ngài cách trọn vẹn. Dẫu rằng cả ba lời khuyên Phúc âm đều nhằm mục đích để làm vinh danh Chúa, thánh hóa bản thân và mưu ích cho các linh hồn, nhưng theo Thánh Tôma, trong ba lời khấn thì ngài coi lời khấn vâng phục là “lời khấn cao trọng nhất” (maximumest), bởi qua lời khấn vâng phục, người tu sĩ dâng cho Thiên Chúa điều cao quý nhất là ý chí tự do và quyền định đoạt về đời sống.

Nhưng trong thời đại ngày nay, một thời đại đang đề cao quyền tự do, chủ nghĩa cá nhân, quý chuộng vật chất, thì dường như việc tuân giữ lời khấn vâng phục đang là một khó khăn thử thách cho người tu sĩ. Vậy đâu là những thách đố của người tu sĩ trong lời khấn vâng phục và phương thế nào giúp người tu sĩ sống vâng phục? 

1. Thách đố hôm nay
a. Đề cao nhân quyền

Đọc bản tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, trong đó liệt kê các quyền cơ bản mà mọi cá nhân được hưởng và xã hội phải tôn trọng. Những quyền căn bản đó cần được tôn trọng và bảo vệ vì đó là những giá trị nhân bản. Đối với người tu sĩ, khi chọn sống các lời khuyên phúc âm không làm giảm thiểu đi những giá trị nhân bản chân chính nhưng trái lại, làm thăng tiến chúng. Người tu sĩ đi tìm sự thánh thiện cho bản thân, họ cũng mong muốn “trị liệu thiêng liêng” cho nhân loại, bởi vì họ khước từ tôn thờ các loài thọ tạo và một cách nào đó họ làm cho Thiên Chúa trở nên hữu hình hơn (x. ĐSTH, số 87). Lời khấn vâng phục không phải khước từ đi tất cả quyền của con người, nhưng mặc cho nó một giá trị đúng mức, làm phong phú hóa đời sống xã hội con người.

b. Đề cao chủ nghĩa cá nhân

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đưa ra vấn nạn như một thách đố của các tu sĩ đối với lời khấn vâng phục của thời hiện đại như sau: “Đề cao tự do quả là một giá trị chân chính, gắn liền với sự tôn trọng con người. Nhưng ai lại không thấy những bất công trầm trọng và cả những bạo hành khủng khiếp do việc sử dụng lệch lạc quyền tự do trong đời sống cá nhân và các dân tộc” (ĐSTH, số 91). Sự thấm nhiễm vào các trào lưu của xã hội làm cho người tu sĩ cũng muốn xây dựng bản thân theo phong cách riêng, theo chủ nghĩa cá nhân của mình, thế nhưng họ không nhận ra đó là một sai lầm, một “lỗ hổng” rất lớn trong đời sống của mình. Cũng có những tu sĩ chỉ thích co cụm bản thân, chỉ biết sống cho mình mà quên đi những mối tương quan với người khác, đồng nghĩa với việc quá đề cao cái TÔI của mình.

Như lời Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã nói: “Nếu khiết tịnh là chết cho nhục dục, thì vâng phục là chết cho ý riêng” (ĐHV 392). Muốn được như thế, là người tu sĩ, chúng ta phải chịu chôn vùi cái TÔI của mình như hạt lúa bị vùi lấp dưới lòng đất mới mong đơm bông kết trái (Ga 12,24). Vì thế, nếu không chết đi cái TÔI của mình mỗi ngày thì người tu sĩ khó có thể sống đúng căn tính của mình trong đời tu.

c. Không đồng cảm với những người có trách nhiệm

Người tu sĩ hôm nay như muốn chọn một số điều luật để vâng giữ, còn những điều khác thì tự miễn chuẩn cho mình. Cũng có những dấu hiệu “muốn đối kháng” một cách rất êm dịu, như người ta vẫn thường nói “bằng mặt mà không bằng lòng.” Một lối sống như vậy cho thấy rằng: họ coi trọng ý kiến, suy nghĩ, quan điểm, cách nhận định của mình là đúng, là quan trọng. Đó phải chăng là một thái độ rất tầm thường, không có gì là siêu nhiên cả, không mở ra cho mình một lối sống biết đón nhận, lắng nghe, một lối sống dễ dạy, dễ bảo,… hay có thể nói không nhận ra chính Thiên Chúa đang hiện diện nơi những người có trách nhiệm. Vâng lời trong đời tu là một sự hy sinh liên lỉ, bỏ mình chứ không theo lối sống đụng tí là bực bội, bất mãn, bất chấp và bất cần. Đối với người tu sĩ, vâng phục là tham dự vào sự tuân phục của Đức Kitô đúng như Công đồng Vatican II khẳng định: “Các tu sĩ lấy đức tin tuân phục các vị bề trên, đại diện Thiên Chúa, và nhờ các Ngài hướng dẫn, họ phục vụ mọi anh em trong Đức Kitô” (PC 14). Vâng phục của người tu sĩ không phải là hoàn toàn mất đi tự do cá nhân nhưng là biết phó thác và vâng theo thánh ý Chúa qua những vị hữu trách. Đức tuân phục ấy thay vì làm giảm bớt phẩm giá con người, thì lại làm cho con người trưởng thành bằng cách làm lớn mạnh quyền tự do làm con Thiên Chúa (TH. Chứng tá Phúc Âm, số 27).

d. Tính kiêu căng, nghĩ mình tài giỏi hơn người khác

Xã hội hôm nay rất đề cao bằng cấp, có thể nói, khi đánh giá người khác, họ lại dựa trên bằng cấp. Ngày nay trong giới tu sĩ cũng không ít những người có học vị rất cao, có khả năng hay tài giỏi hơn người khác về nhiều mặt. Chuyện đáng nói là:  đã có những người sống rất khiêm tốn, hòa đồng, cởi mở… tuy nhiên, cũng có những người lại rất tự mãn về những thành công của mình đã làm được điều này điều kia, họ tỏ ra kiêu ngạo, vênh vang và muốn thể hiện chính mình qua những thành công đó, họ làm cốt chỉ để khoe khoang và mưu tìm danh vọng cho bản thân, muốn được người khác tôn trọng, công nhận những thành công đó, nhưng khi bị chê bai, chỉ trích, hay gặp thất bại, họ dễ thất vọng và như muốn buông bỏ tất cả. Chính vì vậy mà tự kiêu là một cản trở lớn làm cho người tu sĩ khó thực thi đức vâng lời một cách tốt nhất.

2. Phương thế giúp sống lời khấn vâng phục

Để phá vỡ những rào cản ngăn cách người tu sĩ sống đức vâng phục cách trọn hảo, thiết nghĩ: trước hết phải tìm lại động cơ siêu nhiên của đời sống thánh hiến trong tương quan với Thiên Chúa cùng với những khao khát ước muốn thuở ban đầu; sau nữa, chính bản thân người tu sĩ cần phải phát huy những phẩm tính nơi mình để sống vâng phục cách triệt để nhất. Bởi lẽ, vâng phục là thái độ sẵn sàng, không trì hoãn hay rút lui, cũng không làm cẩu thả hay chậm chạp nhưng trong tinh thần tự do, tình nguyện, tự phát, không sợ hãi hay mặc cảm tự ti, có tính năng động tham gia tích cực vào đời sống và sứ vụ của cộng đoàn, biết dùng những năng lực, năng khiếu và ơn Chúa ban để thi hành các giới lệnh và chu toàn những phận vụ được ủy thác cho mình (DT 14). Đồng thời phải có tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được giao phó, cuối cùng phải biết đối thoại trong tinh thần yêu mến, tôn trọng nhân vị (Bản toát yếu về đời sống thánh hiến). Đó cũng chính là cầu nối để người tu sĩ tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô nơi trần gian hầu trở nên dấu chỉ cho nước Chúa hiện diện. Chính vì thế, Đức Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã quả quyết: “Mọi công việc của tu sĩ chỉ có giá trị cứu rỗi khi được làm trong đức vâng phục” (Tông huấn Hồng ân cứu chuộc, số 13).

___________________

[1] Tông Huấn ĐSTH số 1, phần “Mở đầu”

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây