ĐỨC TIN là một hạn từ để chỉ về mối tương quan của con người với Thiên Chúa. Đức tin là một thực thể không đo lường được mức độ nặng nhẹ, nhiều ít. “nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: ‘rời khỏi đây, qua bên kia!’ nó cũng sẽ qua” (Mt 17,20) đó là một sự so sánh mà Đức Giê-su muốn cho ta thấy tầm quan trọng của Đức tin. Với Ngài, điều cần thiết là có tin hay không. Khi làm phép lạ, Ngài thường hỏi “Con có tin không” và rồi Ngài khẳng định “Đức tin của con đã cứu con” (Mt 18,26). Thế nhưng việc con người sống Đức tin thì có nhiều mức độ khác nhau. Một đời sống đức tin sung mãn cần phải được biểu lộ qua hành động cụ thể “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Tin hay không tin là chuyện cá nhân của mỗi người với Thiên Chúa. Nhưng muốn có một đời sống đức tin trưởng thành thì mỗi tín hữu cần phải được nuôi dưỡng và nâng đỡ khi cần. Nguồn suối nuôi dưỡng đời sống đức tin là các bí tích; môi trường trưởng thành là các cử hành Phụng vụ và hoạt động liên đới với cộng đoàn. Đó là hai chiều kích của Đức tin: vừa có tính cách cá nhân, vừa có tính cách cộng đoàn. Hai khía cạnh này được bàn giải trong chương I của cuốn “Tài liệu chuẩn bị Công nghị TGP Hà Nội”. Trong bài thuyết trình này, chúng ta cùng khám phá khía cạnh tính cộng đoàn của đức tin. Cụ thể là việc Hội đoàn giúp đời sống đức tin của mỗi tín hữu trưởng thành thế nào. Trước hết chúng ta cần xác định hạn từ “Hội đoàn” rồi sau đó đi vào bàn thảo về sự hình thành của hội đoàn, thực trạng hội đoàn hiện nay tại TGP Hà Nội, và thử đưa ra một vài định hướng cũng như giải pháp cho hoạt động của các hội đoàn trong TGP.
Quyển hai của Bộ Giáo luật hiện hành có nội dung bàn về các thành phần trong Giáo hội. Dân Thiên Chúa có 2 thành phần căn bản đó là giáo sỹ và giáo dân. Trong thành phần giáo dân thì có một số người sống đời sống thánh hiến và được gọi là tu sỹ hay những người đi tu. Những người đi tu mà sống theo cùng một linh đạo thì gọi là Tu Hội. Những người giáo dân không đi tu mà cùng sống theo một linh đạo thì gọi là Hiệp Hội. Tu hội đời sống thánh hiến thì có Tu hội dòng, Tu hội đời, và Tu đoàn tông đồ mà chúng ta quen gọi cách nôm na là Dòng tu hay Nhà dòng, và khi gọi đích danh một Tu hội nào đó thì chỉ còn chữ Dòng như: Dòng Phaolo, Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Phanxico…; Hiệp hội giáo dân thì có Hiệp hội công và Hiệp hội tư mà chúng ta quen gọi nôm na là Hội đoàn, và khi gọi đích danh một hiệp hội nào đó thì chỉ còn chữ Hội như: hội Mân Côi, hội Giuse, hội Monica, … Như vậy, Hội đoàn ở đây được hiểutheo nghĩa Hiệp Hội, tức là các đoàn thể giáo dân cùng sống theo một linh đạo, một nếp sống nào đó để nên thánh, hoặc cổ vũ việc phụng tự công hay học thuyết Kitô giáo, hoặc thực hiện các việc tông đồ khác, như truyền bá Phúc âm, thi hành các việc đạo đức hoặc bác ái, và đem tinh thần Kitô giáo vào lĩnh vực trần thế. Thông thường những Hội này liên quan đến các thánh, theo gương nhân đức của các thánh hay theo lời dạy của các thánh.[1] Trong thực tế, tại nhiều giáo xứ có các thực thể được gọi là hội như: Hội Lễ sinh, Hội Kèn, Hội sinh vật cảnh… Đúng ra thì những thực thể này được gọi là Ban. Ban theo nghĩa Ủy Ban hay Hội theo nghĩa Hội Đồng là những cơ quan trong một bộ máy, phụ trách một công việc nào đó trong toàn bộ hệ thống điều hành cộng đoàn. Thông thường các Ban sẽ là một nhóm người có chuyên môn hay thông thạo về một công việc cụ thể để phụ giúp cộng đoàn hay phụ giúp người đứng đầu cộng đoàn. Các Hội đồng và các Ban thường có trong một giáo xứ: Hội đồng mục vụ, Hội đồng kinh tế, Ban hành giáo, ban lễ sinh, ban âm thanh ánh sáng, ban ca đoàn, ban kèn trống… Trong bài thuyết trình này chúng ta không bàn đến các cơ quan ban ngành này.
– Mọi tín hữu có quyền bình đẳng về phẩm giá Giáo luật tại điều 96 khẳng định “Với bí tích Rửa tội, một người được trở thành thể nhân trong Giáo hội của Chúa Ki-tô” (đ. 96). Từ thực tế mọi tín hữu đều là thể nhân trong Giáo hội, Giáo luật điều 208 đi đến quyền bình đẳng: “Nhờ được tái sinh trong Đức Kitô, tất cả mọi Kitô hữu đều thực sự bình đẳng với nhau về phẩm giá và về hành động, nhờ đó họ cùng cộng tác vào việc xây dựng Thân Mình Đức Kitô, tuỳ theo hoàn cảnh và nhiệm vụ riêng của mình”.[2] – Mọi Giáo dân có quyền lập hội Với sự bình đẳng với nhau về cả phẩm giá lẫn hành động, nên giáo dân có quyền quy tụ lại với nhau thành những hội đoàn. Giáo luật điều 215 đã đúc kết các văn kiện của Công đồng về vấn đề này cách ngắn gọn: “Các Kitô hữu có trọn quyền thành lập và điều hành các hiệp hội nhằm mục đích từ thiện hoặc đạo đức, hoặc nhằm cổ vũ ơn gọi Kitô giáo trong thế giới, họ cũng được trọn quyền tự do hội họp để cùng nhau theo đuổi các mục đích đó”.[3] Trong Tông huấn Kitô hữu giáo dân, thánh Gioan Phaolo II bàn giải cụ thể: “Nói cho đúng, quyền tự do này là một quyền đích thực, không phải do một thứ “ban nhượng” của giáo quyền, nhưng phát xuất từ bí tích Thánh Tẩy”.[4] Giáo dân có quyền thành lập, tham gia và điều hành những hiệp hội của mình theo những mục đích nói trên[5]. Tuy nhiên hoạt động của hội đoàn phải ở dưới ở dưới sự giám sát và chăm sóc của giáo quyền[6]. Trong khi hoạt động, việc điều hành, sinh hoạt, các thẩm quyền, quản trị tài sản, tính cách pháp nhân… của hội đoàn phải theo luật chung của Giáo Hội và quy chế riêng của mỗi hội đoàn.[7]
Xét về thành phần trong một Hội đoàn, có hội đoàn chỉ có giáo sỹ là thành viên, có hội đoàn chỉ có giáo dân là thành viên, có hội đoàn có cả giáo sỹ và giáo dân là thành viên[8]. Ở đây chúng ta chỉ đặc chú vào các hội đoàn giáo dân. Xét về tính cách pháp lý, chúng ta có 2 dạng thức hội đoàn đó là hội công và hội tư. Trong bản dịch tiếng Việt bộ Giáo luật hiện hành gọi là: hiệp hội công và hiệp hội tư. – Hiệp hội tư: Giáo luật tại điều 218 và 299 quy định: Các Kitô hữu có trọn quyền thoả thuận riêng với nhau để thành lập các hiệp hội, nhằm theo đuổi những mục đích nên thánh, hoặc cổ vũ việc phụng tự công hay học thuyết Kitô giáo, hoặc thực hiện các việc tông đồ khác, như truyền bá Phúc âm, thi hành các việc đạo đức hoặc bác ái, và đem tinh thần Kitô giáo vào lĩnh vực trần thế[9]. “Các hiệp hội như vậy, dù được nhà chức trách Giáo Hội ban khen hoặc giới thiệu, vẫn được gọi là hiệp hội tư” (đ. 299 §2). – Hiệp hội công: Về Hội công, điều 301 §3 của Giáo luật quy định: “Các hiệp hội Kitô hữu do nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội thành lập được gọi là hiệp hội công”. Như vậy, khi giáo dân tự do quy tụ nhau để lập hội mà không có sự can thiệp của nhà chức trách trong Giáo hội vào quá trình thành lập thì hội đó là hội tư. Còn nếu việc thành lập đó có sự can thiệp phê chuẩn của nhà chức trách trong Giáo hội thì hội đó là hội công. Một hội tư có thể trở thành hội công khi được nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo hội phê chuẩn sau đó. Hội công thì có tư cách pháp nhân, còn hội tư thì không có tư cách pháp nhân trong Giáo hội. Tuy nhiên, điều 304 §1 quy định:“Tất cả mọi hiệp hội Kitô hữu, công hay tư, dù mang danh hiệu hay danh xưng nào đi nữa, đều phải có quy chế riêng xác định mục đích hoặc đối tượng xã hội, trụ sở, việc điều hành và các điều kiện cần thiết để gia nhập, cũng như đường hướng hoạt động, xét theo nhu cầu hoặc lợi ích của mỗi thời và mỗi nơi”. Còn về các Dòng Ba, như chúng ta thấy có Dòng Ba Phan sinh hay Hiệp hội Mến Thánh Giá tại thế, thì được bàn đến trong Giáo luật điều 304: “Những hiệp hội nào gồm các thành viên sống giữa đời nhưng thông dự vào tinh thần của một hội dòng, sống đời tông đồ và tiến đến sự trọn lành Kitô giáo dưới sự điều hành tối cao của hội dòng đó, thì được gọi là dòng ba hay bằng một danh xưng thích hợp khác”.
Sau công đồng Trento vào giữa thế kỷ XVI là một phong trào nở rộ thành lập các dòng tu. Sau Công đồng Vaticano II, tình trạng gia nhập hàng giáo sỹ triều và các dòng tu giảm sút trầm trọng, đặc biệt tại phương tây. Trong khi đó các phong trào giáo dân phát triển ở khắp nơi “Người ta có thể nói tới một mùa Xuân của các hiệp hội giáo dân”.[10] Quyền của người giáo dân được đẩy lên cộng với việc khan hiếm các linh mục đã khiến xuất hiện tình trạng dường như lấn sân của các giáo dân vào vai trò của giáo sỹ. Các hội đoàn giáo dân mới xuất hiện với tần suất kinh ngạc và mang đủ dạng hình thái khác nhau khiến cho không chỉ các nhà chức trách gặp khó khăn trong việc giám sát, mà ngay cả giáo dân cũng bị hoang mang không biết thật giả là đâu. Trong Tông huấn Kitô hữu giáo dân số 30, Thánh Gioan Phaolo II đã đưa ra 5 đặc điểm để nhận dạng một hội đoàn có phải là công giáo hay không: 1- Các thành viên của hội có theo đuổi mục đích nên thánh hay không? 2- Có tuyên xưng đức tin công giáo hay không? 3- Có hiệp thông chặt chẽ và mãnh liệt với Đức Giáo hoàng và các Giám mục hay không? 4- Có hoà hợp và cộng tác vào việc truyền giáo hay không? 5- Có dấn thân vào xã hội để phục vụ cho phẩm giá toàn vẹn của con người theo học thuyết xã hội của Giáo hội hay không?[11]
“Khi cầu nguyện, anh em hãy vào phòng, đóng kín cửa và cầu nguyện với Cha của anh em” (Mt 6,6). Đó là lời dạy của Chúa Giê-su. Ngài mời gọi chúng ta hãy có một mối tương quan hết sức riêng tư với Chúa, chỉ mình ta với Chúa trong kín đáo. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy biết liên kết lời cầu nguyện của mình với anh chị em “Ở đâu có hai ba người hội họp nhân danh Thầy thì Thầy ở đó giữa họ” (Mt 18,20). Trong Sắc lệnh Tông đồ giáo dân, các Nghị phụ đã tuyên bố: “Trong những hoàn cảnh hiện tại, nơi nào có giáo dân hoạt động thì hoạt động tông đồ nhất thiết phải được củng cố dưới hình thức tập thể và có tổ chức. Vì chỉ có việc liên kết chặt chẽ các nỗ lực mới mong đạt được đầy đủ mọi mục tiêu của hoạt động tông đồ ngày nay và bảo vệ hữu hiệu những kết quả của việc tông đồ đó.” “Hoạt động tông đồ tập thể rất quan trọng vì trong các cộng đồng Giáo Hội, cũng như trong các môi trường khác nhau, việc tông đồ thường đòi hỏi phải được chu toàn nhờ một hoạt động chung. Những Hội Đoàn được thành lập để hỗ trợ hoạt động tông đồ tập thể, sẽ nâng đỡ và huấn luyện các hội viên trong việc tông đồ, phối hợp và điều hành các hoạt động tông đồ, nhờ đó hy vọng có được những kết quả phong phú hơn là nếu từng người hoạt động riêng rẽ.”[12] Giáo hội Việt Nam nổi tiếng về các sinh hoạt cộng đoàn sầm uất và đông đảo. Trong Niên Giám HĐGM VN năm 2016 ghi nhận như sau: “Sự góp mặt của các phong trào Công Giáo TiếnHành thuần tuý đạo đức quả thật là một nhu cầu cần thiết để giúp cho xã hội Việt Nam ổn định và phát huy những nội lực quý giá của từng con người”. Đức cha Alphongxo Nguyễn Hữu Long, trong bài tham luận tại cuộc hội thảo về việc Loan báo Tin Mừng đối với các hội đoàn năm 2017, đã nhận định: “Nhờ nhiệt huyết tông đồ, các hội đoàn này gặp gỡ, đối thoại và dẫn dắt nhiều người đến với Chúa và Giáo Hội, kể cả những người nguội lạnh, dửng dưng với đức tin nay trở lại sống đạo”. Đứng trước lợi ích to lớn của hội đoàn, Đức Cha thêm lời nhắn nhủ các vị lãnh đạo trong Giáo hội: “Các hội đoàn Công Giáo TiếnHành hoạt động mạnh hay yếu, kết quả nhiều hay ít, phần lớn tùy thuộc vào các vị lãnh đạo trong Giáo Hội, cụ thể là giám mục hay linh mục. Nếu linh mục quản xứ nhiệt tình chăm sóc, khích lệ, nâng đỡ, đồng hành với các hội đoàn, thì họ sẽ đem về nhiều kết quả tốt; ngược lại nếu linh mục quản xứ hờ hững, bỏ mặc, thậm chí ác cảm, không tạo điều kiện cho họ hoạt động thì sẽ không có nhiều kết quả tốt trong sứ vụ tông đồ”.[13] Lợi ích của hội đoàn là thế, nhưng các Nghị phụ trong Công đồng Vaticano II cũng lưu ý: “Cần phải tránh phân tán lực lượng do việc lập thêm những hội đoàn và những công cuộc mới khi không đủ lý do, hoặc cố giữ lại những hội đoàn không còn ích lợi hoặc giữ lại những phương thế đã lỗi thời. Cũng không phải luôn luôn thích hợp khi du nhập một cách bừa bãi những hình thức hội đoàn của các nước khác”.[14]
Giáo hội trên khắp thế giới đang suy tư và tìm cách sống triệt để tính hiệp hành của Giáo hội. Hiệp hành không phải là một ý tưởng mới nảy sinh để rồi chúng ta phải tìm cách hướng tới việc thực thi nó. Nhưng hiệp hành nằm trong chính bản chất của Giáo hội, nó đã có từ khi có Giáo hội và đang được mọi thành phần trong Giáo hội sống nó ở những mức độ khác nhau. Chúng ta không hướng tới mà là thực thi tính hiệp hành sao cho triệt để hơn. Xét về các khía cạnh Hiệp thông, tham gia, và sứ vụ truyền giáo của tính hiệp hành, thì thực sự các hội đoàn là môi trường lý tưởng để thực thi cách sống động đặc tính này của Giáo hội. Chính các Nghị phụ đã nhìn nhận trong Sắc Lệnh về Hoạt động Tông đồ giáo dân: việc tông đồ của các hội đoàn là một “dấu chỉ hiệp thông và hiệp nhất của Giáo Hội trong Đức Kitô”.[15] Mặc dù hội đoàn có rất nhiều hình thái khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một mục đích sâu xa và rộng lớn, “đó là tham gia có trách nhiệm vào sứ vụ của Giáo Hội, sứ vụ Tin Mừng Đức Kitô như nguồn hy vọng cho mọi người và như nguồn mạch canh tân cho xã hội”.[16] Hơn nữa, như đã trình bày ở trên, sự hiệp thông, tham gia và sứ vụ truyền giáo là những đặc điểm để nhận dạng một hội đoàn có phải là công giáo hay không. Chúng ta có thể nhận thấy trong hội đoàn là nơi sự hiệp thông giữa giáo dân với nhau và với hàng giáo phẩm, là nơi nâng đỡ nhau trên con đường tiến tới sự trọn lành, là nơi cùng nhau thực thi sứ mệnh loan báo Tin mừng mà Chúa Kitô trao phó.
Trong lịch sử của Giáo hội toàn cầu, từ khoảng thế kỷ thứ IV/V xuất hiện phong trào Đan viện. Đến thế kỷ XII/XIII xuất hiện các Dòng Ba để đáp lại khát vọng của những giáo dân muốn sống đời tu sỹ nhưng không thể ra nhập Đan viện hay Hội Dòng. Mãi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mới xuất hiện các Tu hội đời và các phong trào giáo dân. Đặc biệt sau Công đồng Vaticano II năm 1962 thì các hội đoàn nở rộ khắp nơi trên thế giới.[17]
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX xuất hiện các hội đoàn cụ thể trong Địa phận Hà Nội. Hội Áo Đức Bà núi Carmelô, Hội Trái tim cực thánh cực sạch rất thánh Đức Bà do Đức cha Liêu lập năm 1843, Hội Trái tim Chúa Giê-su do Đức Cha Bảo lộc Phanxico Phước lập năm 1873. Trong một thư chung gửi cộng đoàn dân Chúa tháng 9/1898, Đức Cha Đông còn nhắc đến Hội Rosario do Đức Cha Liêu lập. Hội Santi hay hội giúp việc giảng đạo được Đức cha Đông thành lập qua thư chung đề ngày 18/02/1924. [18] Hội Legio Mariae do Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê thành lập lần đầu tiên tại giáo xứ Hàm Long ngày 12/8/1948, Hội Nghĩa binh Thánh Thể được thành lập tại Hà Nội năm 1929, Hội Đức Mẹ hằng cứu giúp được thành lập tại Thái Hà khoảng năm 1940 và được tái lập năm 2012. Trong giai đoạn 1954 – 1986 các hội đoàn hầu như không thể hoạt động. Mọi nề nếp sinh hoạt đạo trong các giáo xứ bị phá vỡ. Thành viên các hội đoàn chỉ còn giữ được những tinh thần đạo đức cá nhân, còn hình thức sinh hoạt nhóm không còn.[19] Giáo hội toàn cầu trong giai đoạn này chuyển mình mạnh mẽ, nhất là sau Công đồng Vaticano II năm 1962. Nhưng đối với TGP Hà Nội thì tinh thần Công đồng rất ít được biết đến. Từ 1987 tình hình xã hội thay đổi phần nào đã giúp cho các sinh hoạt đạo đức tại các giáo xứ dần dần được hồi sinh. Các Hội đoàn dần dần quy tụ lại, ít là trong các dịp lễ lớn hay khi có rước. Từ cuối thập niên 90 trở lại đây thì các hội đoàn cũ hồi sinh mãnh liệt và các hội đoàn mới được thành lập. Việc sinh hoạt của các hội đoàn trở nên dễ dàng một phần đến từ sự nhìn nhận của các cơ quan quản lý nhà nước. Trên cổng thông tin điện tử chính thức của Ban tôn giáo chính phủ mới đây đăng bài nghiên cứu của tác giả Đào Thị Đượm, hiện là Phó Vụ trưởng Vụ Công Giáo, về “Quá trình hình thành, phát triển hội đoàn Công giáo ở Việt Nam” có đoạn nhận xét: “Hội đoàn Công giáo không trực thuộc hành chính cơ sở trong tổ chức của Giáo hội hội Công giáo. Tuy nhiên xuất phát từ vai trò của hội đoàn mà Giáo hội Công giáo Việt Nam đã rất chú trọng đến loại hình tổ chức này để truyền giáo và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Kitô. Đến nay hội đoàn Công giáo phát triển ở hầu hết trong các giáo phận và hầu như giáo xứ, giáo họ nào cũng có các hội đoàn Công giáo. Điều này cho thấy tính chất đa dạng về tổ chức, tên gọi và chức năng của hội đoàn”.[20]
Dưới đây là kết quả của một cuộc khảo sát nhanh được triển khai trong toàn Tổng Giáo phận vào tháng 5 năm 2022. Cuộc khảo sát này do Ban Giáo dân thực hiện tại từng giáo hạt. Mặc dù cuộc khảo sát mới thống kê được 85% các giáo xứ và giáo họ, nhưng số liệu thống kê đã phản ánh khá tốt hiện tình đời sống sinh hoạt của các hội đoàn trong TGP Hà Nội. THỐNG KÊ HỘI ĐOÀN TẠI TGP HÀ NỘI THÁNG 5/2022
Giáo hạt
Nam Định
Mỹ Đức Hoà Bình
Phủ Lý
Thanh Oai
Phú Xuyên
Chính Toà
Lý Nhân
TGP Hà Nội
Tổng số loại hội
39
39
35
53
45
37
40
113
Tổng số hội
239
180
278
203
152
103
192
1.347
Tổng số hội viên
19108
10704
22013
16582
14924
7482
16378
107.191
Tổng số giáo dân
47312
37578
69200
41607
52888
37026
40545
326.156
Phần trăm giáo dân tham gia hội
40,4%
28,5%
31,8%
39,8%
28,2%
20,2%
40,3%
32,9%
Nhìn vào bảng thống kê chúng ta có thể nhận thấy những con số rất tích cực về việc tham gia các hội đoàn trong TGP Hà Nội. Nhìn chung, tỷ lệ giáo dân tham gia hội đoàn trong toàn TGP lên tới 32,9%, tức 1/3 số giáo dân trong TGP. Số liệu cũng cho biết tỷ lệ tham gia vào hội đoàn ở các miền thôn quê cao hơn ở nơi đô thị. Các hội đoàn có truyền thống lâu năm có số hội viên cao hơn và nằm trải khắp các giáo hạt. Trong khi đó, các hội đoàn mới được thành lập từ những năm 2000 trở lại đây thường được phân bổ ở một vùng nhất định, thậm chí chỉ có ở 1 hay vài giáo xứ với con số hội viên ít ỏi. Do đó, mặc dù có tới 113 loại hội đoàn khác nhau nhưng chỉ có 20 hội đoàn có số thành viên trên 1000 và nằm ở nhiều nơi. Nhìn vào thời gian thành lập hội đoàn tại các giáo xứ giáo họ, hầu hết các hội đoàn được tái thành lập trong khoảng thời gian từ 1990 – 2000, và các hội đoàn mới được thành lập từ năm 2000 trở lại đây. CÁC HỘI ĐOÀN CÓ TRÊN 1000 THÀNH VIÊN VÀ NẰM RẢI RÁC Ở NHIỀU GIÁO XỨ GIÁO HỌ
Tên Hội đoàn
Số hội viên
Số hội
Thánh gia
1173
16
Trinh Nữ Vương
1226
22
Phao-lô
1316
16
Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội
1728
24
Đức Mẹ La Vang
1730
24
Phê-rô
1931
25
An-tôn
2498
25
Legio Mariae
2596
69
Bà Thánh Đê
2603
37
Mônica
2801
30
Lòng Chúa Thương Xót
2828
52
Giới trẻ
3066
57
Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
3666
28
An-na
3811
45
Tê-rê-sa
4223
37
Thiếu Nhi Thánh Thể
5481
30
Gia trưởng
7368
70
Caritas
8251
64
Giuse
10938
129
Mân Côi
17177
149
Theo quan sát chung, các hội đoàn trong TGP đều có những sinh hoạt rất sống động, đặc biệt vào các dịp lễ thánh quan thầy của hội hay vào những dịp lễ lớn của giáo xứ, nhất là khi có các cuộc rước. Tuy nhiên, số lượng thành viên tham gia tích cực vào trong các sinh hoạt thường nhật hay định kỳ của hội dường như chưa đạt được tỷ lệ cao. Có khá nhiều thành viên tham gia vào hội đoàn chỉ để ghi danh và chỉ tham dự vào các buổi sinh hoạt bề ngoài, nhất là khi có cỗ. Đối với các tín hữu không tham gia vào hội đoàn nào, nhất là những người trẻ và trung niên, thường có chủ trương “Đạo tại tâm” và “Trẻ tu nhà già tu chùa”. Điều này đặt ra vấn đề về việc tham gia hội đoàn giúp cho tham dự viên sống đạo tốt hơn hay chỉ là một gánh nặng.
Các hội đoàn này đã có đường hướng, nội quy, linh đạo rõ ràng từ cấp độ quốc tế trở xuống. Các hội đoàn này trong TGP nên chăng được thống nhất theo tiêu chuẩn chung và nếu có hội dòng nào đã được Toà Thánh chỉ định làm linh hướng thì TGP cũng trao cho hội dòng đó lo liệu. Còn các hội không có dòng nào được chỉ định thì Đức TGM chỉ định một cha trong TGP làm Linh hướng đồng thời điều hành chung.
Với những hội này, TGP có thể đưa ra sự thống nhất trong toàn TGP thông qua một quy chế chung và Đức TGM thiết lập thành hiệp hội công. Những hội này cũng được trao cho một cha trong TGP làm linh hướng và điều hành chung.
Nếu như các hội này nằm chủ yếu trong một giáo hạt nào đó hay trong một vùng cụ thể thì Đức TGM có thể mời gọi họ liên đới với nhau để cùng bàn bạc đưa ra một quy chế chung cho tất cả các hội đang hoạt động. Đây sẽ là các hội tư. Các cha xứ của các hội đoàn này có bổn phận giám sát các hoạt động tông đồ của họ để đảm bảo không đi sai lạc khỏi ý hướng thánh thiện của Giáo hội.
4. Đối với những hội có mục đích và hình thức sinh hoạt na ná nhau
Đức TGM có thể mời gọi anh chị em trong các hội đoàn này ngồi lại với nhau để dung hoà và sát nhập lại thành một hội đoàn có đường hướng cụ thể.
Sau khi đã san định các hội đoàn đang hoạt động, TGP có thể phân chia các hội đoàn sao cho đáp ứng đủ mọi thành phần dân Chúa, có thể tính theo giới, hay theo độ tuổi, hay theo linh đạo. Trong trường hợp này, TGP sẽ có một hệ thống các hội đoàn có sự thống nhất về phương thức sinh hoạt trong toàn TGP. Nhờ đó, mỗi giáo dân dù đi đâu vẫn có thể tiếp tục đời sống hội đoàn của mình tại cư sở mới.
Để kết lại bài thuyết trình này, chúng ta cùng nghe lại lời nhắn nhủ của Công đồng Vaticano II trong Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân: “Trong số những hội đoàn, cần phải đặc biệt chú trọng đến những hội đoàn cổ võ và đề cao sự phối hợp chặt chẽ giữa đời sống thực tế của hội viên với đức tin của họ. Các hội đoàn tự nó không phải là cứu cánh, nhưng phải nhằm giúp Giáo Hội chu toàn sứ mệnh đối với trần gian. Các hội đoàn chỉ có giá trị tông đồ nhờ ở chỗ phù hợp với các mục tiêu của Giáo Hội, ở từng hội viên hay cả hội đoàn có tinh thần Phúc Âm và làm chứng cho Chúa Kitô. Giáo dân có quyền lập hội đoàn, điều khiển hội đoàn và ghi tên vào các hội đoàn đã có sẵn, miễn là phải giữ mối liên lạc cần thiết với giáo quyền. Nhưng cần phải tránh phân tán lực lượng do việc lập thêm những hội đoàn và những công cuộc mới khi không đủ lý do, hoặc cố giữ lại những hội đoàn không còn ích lợi hoặc giữ lại những phương thế đã lỗi thời. Cũng không phải luôn luôn thích hợp khi du nhập một cách bừa bãi những hình thức hội đoàn của các nước khác”.[21] Nguồn: tonggiaophanhanoi.org (11.6.2022) Chữ viết tắt CD (Christus Dominus): Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội OT (Optatam Totius): Sắc Lệnh về Ðào Tạo Linh Mục AA (Apostolicam Actuositatem): Sắc lệnh Tông đồ giáo dân PO (Presbyterorum Ordinis): Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống các Linh Mục LG (Lumen Gentium): Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội GS (Gaudium et Spes): Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay CL (Christifideles laici): Tông huấn Kitô hữu giáo dân GL – Giáo Luật Sách tham khảo Hội đồng Giám mục Việt Nam, Công đồng Vaticanô II, nxb. Tôn Giáo, 2016 Hội đồng Giám mục Việt Nam, Bộ Giáo luật 1983, nxb. Tôn Giáo, 2016. Gruppo Italiano Docenti Di Diritto Canonico, Fedeli Associazioni Movimenti, in Quaderni 10, Milano, 2002. Địa phận Hà Nội, Sách thuật lại các Thư Chung, Phần thứ nhất, Nxb. Kẻ Sở, 1924. Gm. Anphong Nguyễn Hữu Long, Các Hội đoàn Công giáo Tiến hành tham gia vào sứ mạng Phúc âm hóa tại Việt Nam, trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tập san Hiệp Thông số 104, 2018. Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ, Tông đồ giáo dân phương diện Giáo luật và Mục vụ (II),https://gpquinhon.org/q/thuong-huan/tong-do-giao-dan-phuong-dien-giao-luat-va-muc-vu-ii-2840.html Nguyễn Hồng Dương, Hội đoàn công giáo – lịch sử và hiện tại, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 4, 2003. Đào Thị Đượm, Quá trình hình thành, phát triển hội đoàn Công giáo ở Việt Nam, btgcp.gov.vn
[1] x. CD 17; AA 18-19; PO 8 [2] LG 32; GS 49, 61 [3] AA 18-21; PO 8; GS 68 [4] CL 29 [5] x. GL điều 215; 223 §2; 225 §1; 299 §1 [6] x. GL điều 305; 323 [7] x. GL các điều 298 – 329 [8] x. điều 298 §1 [9] x. GL đ. 218, 299, 301 [10] CL 29 [11] X. CL 30; AA 20 [12] AA số 18 [13] HĐGM Việt Nam, Tập san Hiệp Thông, số 104, 2018 [14] AA 19 [15] AA 18 [16] CL 29 [17] X. Gruppo Italiano Docenti Di Diritto Canonico, Fedeli Associazioni Movimenti, in Quaderni 10, Milano, 2002, trang 191. [18]Sách thuật lại các Thư Chung, Phần thứ nhất, Nxb. Kẻ Sở, 1924, các trang 59, 108, 134, 175, 428. [19] X. Nguyễn Hồng Dương, Hội đoàn công giáo – lịch sử và hiện tại, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 4, 2003, trang 44-51. [20] Đào Thị Đượm, Quá trình hình thành, phát triển hội đoàn Công giáo ở Việt Nam, btgcp.gov.vn [21] AA 19.