Huấn thị Erga migrantes caritas Christi[1] (EG) đã nhìn hiện tượng di dân hiện nay là một “dấu chỉ thời đại” mang đầy ý nghĩa, nhưng đồng thời cúng là “một thách đố cần khám phá và sử dụng trong công tác canh tân nhân loại và loan báo tin mừng bình an” (EG 14).
Kinh Thánh chỉ cho chúng ta thấy rõ ý nghĩa của hiện tượng di dân. Dân Israel có nguồn gốc từ một Abraham vâng nghe lời mời của Chúa, đã lìa bỏ quê hương để đi tới một miền đất lạ, với niềm xác tín vào lời Chúa hứa sẽ trở thành cha của một “dân vĩ đại” (St 12,1-2). Giacop, người Aram phiêu bạt, “đã trẩy đi Ai Cập với một gia đình bé nhỏ và sống ở đó như một ngoại kiều. Nhưng cũng chính tại đó mà ông trở thành một dân tộc đông đúc, hùng mạnh và vĩ đại” (Đnl 26,5). Sau thời gian dài sống kiếp nô lệ bên Ai Cập, Dân Israel đã ý thức mình là “Dân của Chúa” và dưới sự hướng dẫn của Môsê, đã làm một cuộc Xuất hành kéo dài 40 năm trong sa mạc để tiến vào Đất Hứa. Thử thách gian khổ kiếp di dân và lưu đầy mang ý nghĩa lớn lao vì trở thành nền tảng lịch sử của dân được tuyển chọn hầu trở thành ơn cứu độ cho mọi dân nước.
Như thế, không phủ nhận di dân có thể dẫn theo đau khổ, chia ly, nước mắt, nhưng đó là cơn quặn đau của việc “sinh hạ một nhân loại mới” (x. EG 12). Theo nhãn quan này, hiện tượng di dân giúp ta hiểu được rằng “các chặng đường của cuộc hành trình gian khổ” chỉ nhằm dẫn nhân loại tới việc “khai sinh một dân tộc không còn kỳ thị hay ranh giới”, hầu hướng tới một thế giới mới tốt đẹp hơn (x. EG 12-14).
Kinh Thánh nói gì về những người di dân và tị nạn[2]?
“Nơi người di dân, Hội thánh luôn chiêm ngắm hình ảnh đức Kitô” (x. Mt 25,35; EG 12)
“Ta là khách lạ và ngươi đón tiếp ta” (Mt 25,35). Chúa Kitô đã tự đồng hóa mình với người di dân. Điều này có nghĩa là hoàn cảnh của những người di dân “thách đố niềm tin và đức ái của các tín hữu” và mời gọi chúng ta hãy “hàn gắn vết thương đau và khám phá ra trong đó kế hoạch Thiên Chúa đang muốn vạch ra” (EG 12). Kế hoạch ấy hướng tới việc “xây dựng một xã hội ngày càng rộng lớn và đa diện hơn, hầu như muốn kéo dài cuộc gặp gỡ giữa các dân nước và chủng tộc, để nhờ hồng ân của Thần Khí ngày Hiện xuống, trở thành tình huynh đệ Hội Thánh” (Ibidem).
Thiên Chúa truyền cho các quốc gia và chính phủ phải gìn giữ và bảo vệ công ích (x. Rm 13,1-7)
Một điều có thể gây kinh ngạc cho nhiều người đó là Kinh Thánh đánh giá cao vai trò của nhà nước. Nhưng phải nói ngay, đó phải là những nhà nước biết gìn giữ và bảo vệ công ích của nhân dân mình. Rất tiếc là điều này không phải lúc nào cũng xảy ra. Tuy nhiên, một cách tổng quát, mục đích của nhà nước chính là gìn giữ và bảo vệ nhân dân của mình. Một trong những cách thế thể hiện chức năng ấy chính là xuất hoặc nhập người di cư. Mỗi quốc gia có quyền tự quyết để xác định xem ai là người được phép nhập cư vào đất nước mình. Đây chính là một cách để các chính phủ có thể gìn giữ và bảo vệ dân của mình. Điều này không nhằm gợi ý cho chính phủ đưa ra một chính sách kỳ thị hay loại trừ nào, cho dẫu họ có thể có quyền ấy. Chính sách nhập cư phải được coi như là một phần của vai trò mà Thiên Chúa đã trao phó cho nhà nước là gìn giữ và bảo vệ công ích của người dân.
Con người cần được đối xử với phẩm giá và lòng tôn trọng (x. St 1,26-28)
Trong khi các chính phủ xác định ai được phép nhập cư vào đất nước của họ, thì điều này không có nghĩa là chính phủ và người dân của nước ấy có quyền đối xử với những người nhập cư theo ý họ muốn. Trái lại, phạm trù thần học Imago Dei (hình ảnh Thiên Chúa) đòi hỏi mỗi người phải được đối xử với phẩm giá và lòng kính trọng. Mỗi người đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Mọi công dân và người nhập cư cũng thế… Chúng ta đều có cùng một phẩm giá. Vì vậy, các chính phủ và người dân phải đối xử với những người nhập cư hợp pháp hay bất hợp pháp, giống như họ là những công dân của chính mình. Điều này có nghĩa là không được coi thường, khinh miệt, lạm dụng hay xử tệ với họ. Nếu buộc phải trục xuất thì cần thực hiện cách hợp pháp và tôn trọng.
Các Kitô hữu phải yêu thương mọi người (x. Lc 10,25-37; Mc 12,28-31)
Chúa Giêsu đã giảng dạy và nêu gương cho chúng ta về điểm này. Tình thương của Ngài trải rộng đến mọi người. Kitô hữu ở mọi quốc gia để phải yêu thương người nhập cư như thế. Yêu thương họ qua việc bắc nhịp cầu với họ và khi có thể, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Các Kitô hữu tạm trú trên mặt đất này (x. 1 Pr 2,10-11)
Có hai điều quan trọng mà đoạn Kinh Thánh trên nhắc nhớ chúng ta. Trước hết, các Kitô hữu phải ưu tiên là công dân nước trời. Thứ đến, họ cũng là công dân của đất nước mình. Như thế, chúng ta là khách tạm trú trong chính quê hương của mình. Hay nói cách khác, các Kitô hữu cũng là những người di dân trên dương thế này. Điều này giả thiết họ phải đặt mình vào vòng tay quan phòng của Chúa và thuộc về Ngài hơn là một đảng phái nào đó.
Một số lỗ hổng trong mục vụ di dân hôm nay
Thiếu sự chuẩn bị nền tảng
Các tín hữu Bùi Chu di cư rất đông. Cha nguyên trưởng Ban MVDD của Giáo phận đã cho biết trong bài trả lời phỏng vấn của mình (xin xem mục phỏng vấn Cha Phêrô Đinh Trung Hiếu). Thế nhưng, bà con tín hữu, nhất là các bạn trẻ, không được chuẩn bị nền tảng trước cuộc sống xô bồ của đời thực. Khi xa quê, xa chiếc nôi đức tin và thiếu cộng đoàn sống đạo, họ xao lãng bỏ bê và dần đánh mất niềm tin do bị lung lay tận gốc.
Mục vụ cho sinh viên Công giáo
Các bạn trẻ lên các thành phố để học đại học, cao đẳng, cũng không được đồng hành đúng mức. Mặc dù có Cha đặc trách sinh viên và các nhóm sinh viên Công Giáo, nhưng việc đồng hành thường vẫn còn mang tính thời vụ và theo cảm hứng. Phần đông các sinh viên cảm thấy lạc lõng bơ vơ trong môi trường mới. Nhiều sinh viên cảm thấy lúng túng khi đối diện với những bài giảng đụng chạm đến giáo lý Công Giáo (như giả thuyết tiến hóa, lịch sử, văn hóa Việt Nam, luân lý tính dục…). Nhiều sinh viên cũng tỏ ra chới với khi phải lội ngược dòng trước những trào lưu sống buông thả của sinh viên và giới trẻ…
Mục vụ cho gia đình di dân
Nhiều người ở quê lên phố làm việc. Có gia đình chồng đi, vợ ở nhà; có gia đình chồng coi nhà vợ đi làm; có gia đình cả hai vợ chồng đi, con gửi ở nhà… Ban di dân đã lập các nhóm xa quê, nhưng quả thực, các nhóm này cũng chỉ là hạt muối bỏ bể. Người quê lên phố chí thú làm ăn cũng có, nhưng nhập nhiễm những thói xấu thành thị cũng không phải là không nhiều. Cảnh cờ bạc, hút xách, trai gái, mánh mung… nơi đất khách quê người dần dần mang cả về quê! Những hiện tượng này cũng là một cảnh báo về khoảng trống đồng hành mục vụ nơi xa quê.
***
Thay lời kết, chúng tôi xin trích dẫn một vài số của huấn thị Erga migrantes caritas Christi như là một lời hiệu triệu về tầm quan trọng và tính cấp bách của mục vụ di dân, nhất là việc đồng hành với người di dân hôm nay:
EG 15: “Nơi ngoại kiều, Kitô hữu không chỉ nhìn thấy một người thân cận mà còn là chính gương mặt Đức Kitô, đấng sinh ra trong máng cỏ, lẩn trốn qua Ai Cập và ở đó sống như ngoại kiều, hầu thâu tóm và lặp lại nơi đời mình kinh nghiệm căn bản của dân ngài (cf. Mt 2,13tt)…”
EG 17: “Ngoại kiều cũng được coi như dấu chỉ hữu hiệu nhắc nhở về tính phổ quát, một yếu tố hình thành nên Giáo hội Công giáo”.
EG 19: “Di dân trong thế kỷ qua đã cả là một thách đố đối với việc chăm sóc mục vụ của Giáo hội, thường được tổ chức dựa trên nền tảng giáo xứ đối địa ổn định” .
EG 20: Vào thời điểm mọi người đều nhận thấy cần phải có một tài liệu tổng hợp được tất cả các luật lệ và qui định trước đây, đồng thời trình bày được các đường hướng mục vụ di dân một cách có hệ thống. Điều này đã được đáp ứng vào ngày 01 tháng 8 năm 1952 khi đức Piô XII ban Tông Huấn Exsul Familia, một magna charta của suy tư Giáo hội về di dân. Đây là tài liệu chính thức đầu tiên của Toà thánh phác hoạ việc chăm sóc mục vụ di dân cách có hệ thống và bao quát, cả về khía cạnh lịch sử lẫn giáo luật”.
EG 21: “Công đồng Vatican II đã soạn các hướng dẫn quan trọng cho việc mục vụ chuyên biệt này. Công đồng đặc biệt kêu gọi các Kitô hữu hãy ý thức về hiện tượng di dân (x. GS 65 và 66), và nhận ra các tác động của nó trên đời sống. Công đồng tái khảng định quyền được di dân (x. GS 65), phẩm giá của người di dân (x. GS 66), nhu cầu phải vượt thắng chênh lệch kinh tế và phát triển xã hội (x. GS 63), và tìm ra giải đáp thoả đáng cho các nhu cầu chính đáng của con người (x. GS 84). Đàng khác Công đông cũng nhìn nhận quyền hạn của công quyền, trong một bối cảnh nào đó, phải điều tiết dòng chảy di dân (x. GS 87).
EG 27: “Không chỉ những qui định của giáo luật, mà nếu học hỏi cách nghiêm túc các tài liệu và hướng dẫn về di dân đã được Giáo hội ban hành cho đến nay, ta sẽ thấy sáng tỏ những khám phá thần học và mục vụ quan trọng tới nay đã đạt được. Đó là: vị trí trung tâm của con người và việc bảo vệ quyền của người di dân, bất luận nam nữ, và con cái họ; chiều kích giáo hội và truyền giáo của di dân; giá trị của việc tông đồ giáo dân; giá trị của văn hoá trong công tác phúc âm hoá; bảo vệ và tôn trọng các nhóm thiểu số trong Giáo hội; tầm quan trọng của việc đối thoại trong và ngoài Giáo hội; đóng góp độc đáo của di dân cho nền hoà bình thế giới. Các tài liệu này cũng nói lên chiều kích mục vụ trong công tác phục vụ di dân. Thực vậy mọi người đều phải tìm thấy ‘quê hương của mình” ngay trong lòng Giáo hội, bởi vì Giáo hội là mầu nhiệm Thiên Chúa ở giữa con người, mầu nhiệm tình yêu mà Người Con duy nhất đã tỏ lộ đặc biệt qua cái chết và phục sinh của ngài, để cho mọi người “được sống, và sống dồi dào” (Ga10,10)…
Ước mong sẽ có nhiều suy tư và sáng kiến mục vụ, để Giáo hội địa phương có thể đồng hành tốt hơn với anh chị em di dân và giúp họ cũng như các gia đình của họ được thăng tiến trong đức tin, bình an và hạnh phúc.
[1] HĐGH về MVDD, Huấn thị Tình yêu Đức Kitô dành cho di dân, Vatican 2004.
[2] Viết theo Michelle Reyes, “What Does The Bible Have To Say About Immigrants And Refugees?”, đăng trên The Art of Taleh, 03/08/2018, http://www.theartoftaleh.com/toward-theology-immigration/.
Tác giả bài viết: Lm. Dominic Trần Ngọc Đăng
Nguồn tin: Tạp chí Ra Khơi
Nguồn tin: gpbuichu.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn