Tác giả: Antôn Ngô Văn Vững, S.J.
IV. BÍ TÍCH THỐNG HỐI & HÒA GiẢI (Xưng Tội) SAU CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II
Kinh Thánh cho thấy trong cách cư xử với con người, lòng nhân hậu của Thiên Chúa thật vô lường, luôn lớn hơn và vượt thắng tội lỗi của con người. Sau khi con người phạm tội, Thiên Chúa ban cho con người khả năng tìm lại ân sủng, bằng việc ăn năn hối cải.
Trong Phúc âm, Chúa Giêsu luôn kêu gọi: hoán cải và trong tình trạng bất trung của con người, hoán cải liên tục hay thống hối trường kỳ.
Trước Công đồng Vaticanô II, vào khoảng những năm 50-60, trong các xứ đạo Việt nam, giáo dân giữ đạo rất sốt sắng. Hằng tuần, nhiều người đi xưng tội. Vào ngày thứ bảy và vào ngày áp những lễ trọng, phần đông giáo dân đi xưng tội. Để rước lễ ngày Chúa nhật hoặc ngày lễ trọng hay thứ sáu đầu tháng. Rồi thôi. Không có người rước lễ ngày thường, ngoại trừ các tu sĩ.
Sau công đồng, ta thấy một hiện tượng ngược lại. Ai tham dự thánh lễ đều rước lễ hay hiệp lễ. Điều này được Công đồng khuyến khích để bày tỏ sự thông hiệp với cộng đồng Thánh Thể. Nhưng hậu quả là có ít người đi xưng tội, ngoại trừ vào các dịp lễ trọng (Giáng sinh, Phục sinh), như thưởng thấy trong các giáo xứ có tổ chức tĩnh tâm Mùa Chay và Mùa Vọng (ở Việt Nam).
Phải nhìn nhận là có những nỗ lực canh tân đáng kể về bí tich thống hối (giải tội) của Quyền giáo huấn sau Công đồng Vaticanô II
Trong Công đồng Vaticano II, mặc dầu các nghị phụ nhận thấy tình trạng khủng hoảng, bất cập của Bí tích Giải tội nhưng không muốn bàn luận lâu dài về vấn đề này, bởi lẽ nó đã được trình bày ở Công đồng chung Laterano IV (1215) và công đồng Tridentino (1551). Tuy nhiên ta có thể nhận thấy một vài đoạn văn liên quan đến thống hối:
Hiến chế Lumen Gentium c.II, “Dân Thiên Chúa “, nói về bí tích và đức hạnh: “Ai đến gần bí tich thống hối sẽ được ơn tha thứ vì những sự xúc phạm đến Thiên Chúa, đồng thời được hòa giải với Hội thánh, mà họ đã làm tổn thương do tội của mình, và Hội Thánh tìm kiếm sự hoán cải bằng bác ái, gương lành và cầu nguyện” (.số 11).
Trong Hiến chế về Phụng Vụ, Công đồng Vaticano II có một đoạn ngắn, đề nghị Giáo quyền xét lại nghi thức thống hối: ”nghi thức và các định thức thống hối cần được xét lại dể diễn tả rõ ràng hơn bản tính và hiệu quả của nhiệm tích này” (SC 72)
Trong hiến chế về Phụng vụ thánh (SC), một lần nữa Công đồng nhấn mạnh đến tinh thần của sự hoán cải từ phép rửa và chiều kích xã hội của việc đền tội (SC 109 ).
Tông Hiến Paenitemini của ĐGH Phaolô VI (1966) có mục đích cập nhật hóa (hay hiện đại hóa) kỷ luật đền tội và canh tân tinh thần thống hối đền tội trong Hội thánh, bằng cách trình bày những khía cạnh mới của hành động thống hổi cổ truyền: ăn chay, kiêng thịt trong thời đại chúng ta. Sau Công đồng , xét thấy những việc khổ hạnh, hãm mình, đền tội, cần được thấu hiểu và thực hành trong tinh thần thống hối đích thực, chớ chẳng phải chỉ có hình thức bên ngoài, nên Hội Thánh, canh tân một vài thực hành, chú ý nhiều đến phẩm chất, nhấn mạnh đến tinh thần hơn là coi trọng vấn đề số lượng hoặc hình thức bên ngoài, vì thế trong Giáo luật và những quy định có tính luật pháp, Hội thánh đưa ra những đề nghị, khuyến khích hơn là ra lệnh và cấm đoán.
Tông Hiến Paenitemini của ĐGH Phaolô VI (1966) trình bày những khía cạnh của thống hối, lấy tinh thần hơn hình thức. ĐGH Phaolô VI đã giảm nhẹ việc đền tội về lượng số cũng như thời gian.
Những thực hành đền tội và thống hối, cách hiểu về hãm mình và từ bỏ ý riêng của thời Trung Cổ và hậu Tridentinô, được coi như những yếu tố của trách nhiệm xã hội và hành động xã hội hơn là hệ thống khổ chế cá nhân.
Tông Hiến Indulgentiarum Doctrina, (1967) là giáo lý về các ân xá và đại xá: ĐGH Phaolô VI giải thích một lần nữa ý nghĩa của sự đền tội nhấn mạnh đến việc canh tân, tái tạo tình bạn với Thiên Chúa, tái lập các giá trị đạo đức cá nhân cũng như xã hội, vốn bị tội làm yếu đi hay hủy hoại hoàn toàn (Phaolô VI)
Hơn nữa, theo đề nghị của Công đồng Vatiicano II, ĐGH Phaolô VI còn đưa vào Hội thánh một vài chỉnh sửa trong nghi thức phụng vụ cử hành phép Giải tội, bằng việc ấn định một số nghi thức phụng vụ mới (Ordo paenitentiae, 02.12. 1973). Trong thực tế, có ba hình thức cử hành phụng vụ. Sự hòa giải cá nhân. Việc cử hành cộng đồng với xưng tội và xá giải riêng. Cử hành cộng đồng với xưng tội và xá giải tập thể. Còn phải kể đến việc cử hành thống hối không bí tích.
Một trong ba nghi thức liên quan đến vấn đề giải tội tâp thể, mà vì nhiều lý do, đã được phổ biến khá rộng rãi.
Nhưng xem ra những phương thức giải tội mới, trong đó việc cử hành Lời Chúa trong phụng vụ Hội thánh được nhấn mạnh để cân bằng khía cạnh riêng tư và cá vị của bí tích thống hối trong nhiều thế kỷ. Dầu vậy những chỉnh sửa này không đem đến một sự canh tân đổi mới đích thực trong việc xưng tội. Và rồi cũng đã có những lạm dụng, nhất là chỉ tổ chức hình thức xá giải tập thể mà không có việc xưng tội riêng tư, nên vào thời ĐGH Gioan-Phaolo II vấn đề bí tích cáo giải được xét lại trên nhiều bình diện khác nhau.
ĐGH Gioan-Phaolô II (1920-2005) là một mục tử được chọn gọi phục vụ dân Chúa vào những giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng của Hội Thánh, thời đại hậu công đồng và Năm Thánh 2000 . Ngài rất ưu tư, về tình trạng hòa giải và thống hối trong Hội thánh.
ĐGH GIOAN- PHAOLO II không ngừng, bằng mọi phương tiện sẵn có như tông huấn, tông thư, diễn từ, kêu gọi mọi người năng nhận lãnh bí tich thống hối và theo đúng tinh thần hòa giải thống hối trong truyền thống.
Trong Thư gửi các linh mục ngày thứ năm Tuần Thánh 2002, ĐGH ngài mời gọi các mục tử khuyến khích thực hành bí tích giải tội trong cộng đoàn mình.
Trong Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17 thg 4, 2003), ngài nhấn mạnh đến tấm quan trọng của mối liên hệ giữa sự hiệp thông giáo hội và tha tội.
Cách riêng, ngài dành ý cầu nguyện cho các tu sĩ, linh mục, các mục tử để họ năng xưng tội (Xem: ý cầu nguyện chung (thảng 3 2003).
Khi các giám mục Mỹ về viếng mộ thánh Phêrô, (ad limina), tháng.4, 2004, Ngài cũng nhắc các giám mục năng lãnh nhận bí tích giải tội.
Những sai phạm và lệch lạc trong việc cử hành và thực hành bí tích giải tội được điều chỉnh trong Tông huấn Reconciliatio et Poenitentia (02.12.1984)
3.1 Tông huấn Reconciliatio et Poenitentia. Tài liệu quan trọng “ba trong một” về thống hối, hòa giải.
Năm 1983, Đức Gioan-Phaolô II lựa chọn một chủ đề cho Thượng Hội Đồng Giám mục : “bí tich thống hối và hòa giải”. Tài liệu nghiên cứu và thảo luận của Thượng Hội đồng sau đó được đúc kết và trình lên Đức Thánh Cha, để ngài xem xét các vấn đề và ban hành Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia (02/ 12/1984).
Chúng ta gơi tài liệu này là “ba trong một” vì nó bao gồm kết quả làm việc của ba giai đoạn.
1) Tài liệu “Hòa giải và thống hối“(1982) của Ủy ban Thần học quốc tế (CIT)
2) Thượng Hội Đồng Giám mục 1983
3) Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia (02/ 12/1984).
1) Tài liệu “Hòa giải và thống hối“(1982). Bản phúc trình thường niên của Ủy ban Thần học quốc tế (CIT) mang một hình dáng đặc biệt vào năm 1983. Đức Hồng Y Tomko, tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám mục, đã đề nghị Ủy ban Thần học quốc tế dành cuộc họp thường niên 1982 để nghiên cứu giáo thuyết, lịch sử và mục vụ của những vấn đề thống hối và hòa giải, mà các nghị phụ phải thảo luận vào tháng mười 1983. Thực ra ủy ban thần học không chỉ cứu xét vấn đề thống hối một cách đơn lẻ, tức là trong viễn tượng thần học mà thôi, nhưng xét đến bối cảnh nhân học của thống hối (phần A) . “Sự thống hối vừa là một tặng phẩm của ân sủng vừa là một hành vi tự do và có trách nhiệm về phương diện luân lý của con người (actus humanus), hành vi nhờ đó chủ thể nhân linh nhìn nhận trách nhiệm về những việc xấu xa của mình, đồng thời, bởi một quyết định cá vị, thay đổi đời sống mình và chuyển đổi nó trên một định hướng mới, quay về với Thiên Chúa” .
Cuôc khủng hoảng ảnh hưởng đến sự hiểu biết và thực hành thống hối không thuộc trật tự tín lý, kỷ luật hay mục vụ. Vì con người thời nay mất ý niệm tội, do đó ý niệm thống hối, lý do nội tại trong Hội Thánh, không hữu hiệu, không ảnh hưởng trên đời sống và trong thế giới. Ở ngoài Hội Thánh, khủng hoảng về căn tính con người: người ta không nhìn nhận tội, giảm sút lương tâm luân lý, do đó hoán cải, được coi như ý hệ hay ảo ảnh.
Trong đời sống Hội thánh cách chung và việc xưng tội hay giải tội cách riêng, thực sự có khủng hoảng trong việc ban phát và nhận lãnh bí tích Giải tội, vốn là dấu chỉ (signum) của lòng thống hối và đền tội nơi người tín hữu.
Tông huấn là một tài liệu đầy đủ về thống hối ,gồm có phần tín lý và mục vụ, trình bày hay nhắc lại giáo huấn của Hội Thánh về tội lỗi, hoán cải, hòa giải, đền tôi. Trong đó, ĐGH lấy lại những đúc kết của Thượng Hội Đồng và đưa ra những suy tư thần học và những chỉ dẫn mục vụ liên quan đến bí tích thống hối và hòa giải. Thật hữu ích nếu những vị hữu trách, những mục tử và giáo lý viên có thời giờ học hỏi Tông huấn này, vốn tóm lược những giáo huấn căn bản về giải tội, và đề nghị những điểm nhấn mục vụ mới, để canh tân việc xưng tội trong các giáo xứ. Nhưng phải công nhận là tài liệu này (gồm 35 số và 57 trang A 4).không dễ đọc . Một Iài liệu dày đặc những lý luận thần học, có nhiều khái niệm trừu tượng và có thể khó hiểu cho những ai không quen thuộc với thần học kinh viện về tội.
Tóm lược tông huấn Reconciliatio et Paenitentia
Tông huấn có ba phần, một nhập đề và kết luận với nhiều lời khuyên về lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
Phần nhập đề (4 số) nói đến những sự chia rẽ và xung đột, những khủng hoảng và khó khăn của thế giới hiện nay. Nó nhấn mạnh đến khát vọng sâu xa của nhân loại tìm đến hòa giải. Nhưng sẽ khó mà hòa giải những con người muốn lấn áp, thống trị kẻ khác, nếu mỗi người không nhận ra mầm mống tội ở trong mình.
*PHẦN I. HOÁN CẢI VÀ GIAO HÒA, nhiệm vụ và dấn thân của Hội Thánh.
-Chương I thảo luận sự kiện: sứ mệnh của HT vẫn là sự hoán cải các tâm hồn. Suy niệm dụ ngôn về hòa giải (Lc 15, 11-32). Lòng nhân hậu của Cha.(5-6).
-Chương II. Tìm về nguồn của sự hòa giải: mầu nhiệm Đức Kitô, Cứu chuộc, Hòa giải. Hội Thánh hòa giải. Tính cách độc đáo của việc loan báo hòa giải trong Hội Thánh là hòa giải được kết nối chặt chẽ với sự hoán cải tâm hồn (7-9).
-Chương III. Sáng kiến từ lòng nhân hậu của Thiên Chúa và thừa tác vụ của Hội Thánh. Hội Thánh là nhiệm tích (sacramentum), nghĩa là dấu chỉ và phương thế của sự hòa giải, qua các bí tích, kinh nguyện, giảng dạy, công việc mục vụ, chứng từ (10-12).
*PHẦN II. TÌNH YÊU LỚN HƠN SỰ CHẾT (13)
Tội lỗi gắn liền với hòa giải. Tội trong viễn tượng nhân học, như thành phần cốt yêu của sự thật về con người và trong viễn tượng thần linh, tội đối chiếu với sự thật của tình yêu thiên linh công bình, quảng đại và trung tín, vốn tỏ hiện trong sự tha thứ và cứu chuộc.
Nhìn nhận tội mình, và -cả khi đào sâu suy tư về nhân cách- nhỉn nhận mình là tội nhân, có khả năng phạm tội và hướng chiều về tội, đó là nguyên lý cần thiết của việc trở về với Chúa, như David đã làm trong Cựu Ước.
Hòa giải với Chúa giả thiết và bao gồm sự sáng suốt và quyết tâm thoát ra khỏi tội mà ta đã phạm. Điều này cũng bao gồm việc đền tội theo nghĩa đầy đủ nhất (faire pénitence): hối tiếc, có thái độ cụ thể của người hối lỗi là trở về cùng Cha. Đó là một luật chung mà mỗi người phải theo trong trường hợp của riêng mình. Người ta không thể nói về tội lỗi và hoán cải cách trừu tượng.
Không có hoán cải mà không có việc nhìn nhận tội lỗi mình. Thừa tác vụ hòa giải của Hội Thánh trong mọi hoàn cảnh, hướng về việc biết mình, khước từ sự dữ, tái lập tình thân với Thiên Chúa, thiết lập trật tự bên trong- nói tóm là hoán cải và hòa giải.
Để chu toàn thừa tác vụ đền tội này, phải thẩm định những hậu quả của tội, nguyên nhân của sự đỗ vỡ và tan rã trong lòng người và trong xã hội.
-Chương I. Mầu nhiệm tội lỗi
Thánh Phaolo gọi là mầu nhiệm của tội ác (2Th 2,7), có điều gì tăm tối và khó nắm bắt.Bất phục tùng Thiên Chúa .Tháp babel, nỗ lực của con người xây dựng một xã hội không có Thiên Chúa. tội nguyên tổ: khai trừ Thiên Chúa, muốn ngang hàng Thiên Chúa. Khai trừ Thiên Chúa, cắt đứt với Thiên Chúa, bất phục tùng Thiên Chúa dưới mọi hình thức khác nhau, đến việc phủ nhận Thiên Chúa: hiện tượng vô thần.
Vì tội là bất phục tùng Thiên Chúa, chia rẽ giữa anh em, tố cáo lẫn nhau, giết hại giữa anh em, xáo trộn bên trong. Hai vết thương, trong chính mình và trong tương quan với kẻ khác. Tội cá nhân và tội xã hội, hành vi của ngôi vị, hành vi tự do của một con người. Phân tích nhiều ý nghĩa của tội xã hội.
Tội trọng, tội nhẹ.“Tội của thế kỷ là con người đã mất ý niệm về tội.” (18).
Ý niệm tội gắn liền với ý niêm Thiên Chúa : mất ý thức, lương tâm luân lý về tội
Phải tìm cách canh tân ý niệm tội trong Hội thánh.
.Chương II. Mầu nhiệm sùng kính. 1Tm 3,15-16 . mầu nhiệm chính Chúa Kitô (19-22).
PHẦN III. MỤC VỤ THỐNG HỐI VÀ HÒA GIẢI (23-24)
Những phương thế Hội thánh dùng để phát huy thống hối và hòa giải và chữa lành theo chủ đề: “Hãy thống hối và tin vào Tin Mừng”( Mc 1,15)
Chương I. Phát huy thống hối và hòa giải, phương thế và chặng đường.
Dạy Giáo lý (huấn giáo) và ban bí tich: đối thoại. hòa giải. hoán cải, (thống) hối hận. Huấn luyện lương tâm, những vấn đề căn bản (25-27).
Chương II. Bí tích thống hối và hòa giải. khủng hoảng vì nhiều lý do.
Bí tích (30)-Gặp gỡ Chúa Kitô-hoà giải với Thiên Chúa, những sắc thái và chiều kích của bí tich thống hối (31-32).
Những hình thức cử hành (32) 3 nghi thức.. Cách riêng về giải tội chung. Phụng vu mới và giáo luật mới (k 961-963) xác định điều kiện để giải tội chung. (33). Một vài trường hợp tế nhị (34)..
KẾT LUẬN (35). Theo gương thánh Phêrô khuyên nhủ anh em (1P 3, 9.13)
Chất liệu của việc xưng tội: nhấn mạnh hơn đến thái độ bên trong chứ không chỉ chú ý đến hành vi bên ngoài.
.
3.2. Tự sắc Misericordia Dei (07.04.2002)
Một thời gian sau, -tức hai năm sau Năm Thánh 2000,- do việc áp dụng nghi thức xá giải “tập thể” cách tự phát và tùy tiện, không phù hợp với chỉ thị của huấn quyền, ĐGH Gioan-Phaolo II, lại ban hành một Tông Thư dưới hình thức Tự sắc Misericordia Dei (07.04.2002), về một vài phương diện của việc cử hành Bí tích Thông hối, để phát động lại mục vu Bí tích hòa giải. mà ngài gọi là, “thừa tác vụ hòa giải” (2 Cor 5,18), được Chúa trao ban cho Hội thánh.
Mỗi khi có cơ hội, ngài luôn nhắc nhở không chỉ giáo dân mà cả các chủng sinh, linh mục, tu sĩ -mà cả giám mục nữa-.năng lãnh nhận bí tích thống hối. Nếu trong Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia , ĐGH nói đến mọi vấn đề liên quan đến Bí tích Hỏa giải: nhân văn, triết học, thần học , thì trong Tự sắc ngài chỉ giới hạn trong lãnh vực mục vụ và thực hành, tức Giáo Luật. Chình vì thế mà ta cằn đọc lại văn kiện- tương đối ngắn này- để thi hành các chỉ thị của huấn quyền sau Công đồng Vaticano II.
“Qua các thế kỷ, việc cử hành Bí tích Thống hối được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng luôn duy trì một cấu trúc căn bản: bí tich đòi hỏi cách thiết yếu, không chỉ xác định vai trò của thừa tác viên–giám mục hay linh mục, cộng tác viên và đại diện Giám mục, mới có quyền phán quyết và xá giải, chăm sóc và chữa lành nhân danh Chúa Kitô- mà cũng còn quy định những hành động của hối nhân như: thống hối, xưng thú và làm việc đền tội.”
ĐGH không nói nhiều về những thiếu sót và bất toàn đang đe dọa việc trao ban và nhận lãnh Bí Tích Cáo Giải, nhưng đó đây trong Hội thánh, qua những chứng từ của một số người có trách nhiệm, chúng ta thấy được những khủng hoảng.
Trong Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia, ĐGH, theo thánh Phaolô, gọi tội là “mầu nhiệm sự ác” và ĐGH kêu gọi phải làm mọi cách để đương đầu với khủng hoảng mất “cảm thức về tội” rất rõ ràng trong văn hóa ngày nay. Nhưng nơi đó ĐGH còn kêu gọi cách khẩn thiết hơn để tái khám phá Chúa Kitô như “mầu nhiệm sùng ái”.Qua tội nghiêm trọng đã phạm sau bí tích Rửa tội.”Đức Kitô, Thiên Chúa cho ta thấy trái tim nhân hậu của Người và hòa giải trọn vẹn chúng ta với Người. Chính dung mạo này của Chúa Kitô, phải được tái khám phá, trong bí tích Thống Hối, đối với người tín hữu, vốn là “con đường thông thường để được ơn tha thứ và tẩy xóa mọi tội lỗi.”
Khi Thượng Hội Đồng bàn tới vấn đề (giải tôi), mọi người đều thấy cơn khủng hoảng của bí tích, cách đặc biệt trong một vài nơi trên thế giới. Những nguyên nhân của cơn khủng hoảng không biến mất trong một thời gian ngắn. Nhưng Năm Thánh được đánh dấu đặc biệt bằng sự trở lại với bí tích Thống hối, đã cho chúng ta một sứ điệp đầy khích lệ, và không được bỏ qua: nếu nhiều người, và trong số đó cũng có nhiều người trẻ, đã được hưởng nhờ ân phúc khi nhận lãnh bí tich này, thì điều cần là có thể các Mục tử phải tự trang bị chính mình với nhiều tin tưởng, sáng tạo và kiên trì hơn khi giới thiệu và hướng dẫn dân chúng biết quý chuộng bí tich này.
“Với những lời này, tôi đã có ý, như tôi làm bây giờ, khuyến khích anh em Giám mục của tôi và tha thiết kêu gọi các ngài- và xuyên qua các ngài, các linh mục –đem hết sức lực làm hồi sinh Nhiệm tích Hòa giải. Đây là một đòi hỏi của đức ái chân chính và của công bình mục vụ đích thực (Giáo luật, đ. 213 và 843 § 1) và chúng ta phải nhớ rằng các tín hữu, khi có thái độ bên trong thích hợp, có quyền lãnh nhận ân huệ bí tích cho chính mình.”
Để cho thừa tác viên bí tich có thể biết thái độ tâm hồn của hối nhân trong viễn tượng trao ban hoặc từ chối giải tội hay ra việc đền tội thích hợp, cần thiết người tín hữu, trong khi thực sự ý thức về những tội mình đã phạm, ăn năn thống hối và dốc quyết không tái phạm, cũng phải xưng thú tội mình (Cđ Trid. DS 1676). Theo nghĩa này, Cđ. Trid. đã tuyên bố “ “theo luật định của Thiên Chúa cần phải xưng từng tội và tất cả mọi tội trọng” (Ibid., Can. 7: DS 1707). Hội Thánh đã luôn nhận thấy một sự liên kết thiết yếu giữa sự phán xét trao cho linh mục và nhu cầu của hối nhân phải xưng thú tội mình ra (ibid., cap. 5: DS 1679; Conc. Fiorentino, Decr. pro Armeniis: DS 1323), trừ nơi nào điều đó không thực hiện được.”
Bởi lẽ, việc xưng thú trọn vẹn các tội trọng do luật Chúa ấn định như một thành tố thiết yếu cấu tạo Bí tích, nên không cách nào tùy thuộc sự quyết định của các mục tử (chuẩn chước, giải thích, tập quán địa phương, vv.). Trong những điều khoản kỷ luật có liên quan, thẩm quyền giáo hội có trách nhiệm chỉ nêu rõ những tiêu chuẩn để phân biệt việc không thể xưng ra tội mình là có thật, với những hoàn cảnh mà việc không thể xưng tội là giả tạo hay có thể thắng vượt được.
Trong những hoàn cảnh hiện nay của việc chăm sóc các linh hồn và để đáp ứng những thỉnh cầu liên quan của nhiều anh em trong chức giám mục , tôi thiết tưởng điều hữu ích là nhắc lại một số điều khoản Giáo luât đang đươc áp dụng đối với việc cử hành bí tích này và làm sáng tỏ một vài khía cạnh của những luật đó – trong một tinh thần hiệp thông với trách nhiệm riêng của toàn thể giám mục đoàn, để ban bí tích này cách tốt hơn. (GL đ.392;LG. 23 ).
Vấn đề là làm sao bảo đảm một việc cử hành trung thành hơn, và như vậy cũng hiệu quả hơn, một ân huệ mà Chúa Giêsu sau khi Phục sinh đã trao phó cho Hội thánh (x. Ga 20,19-23). Điều này còn đặc biệt cần thiết, vì ở một vài nơi có xu hướng bỏ việc xưng tội cá nhân để sử dụng cách sai lầm việc giải tội “chung” hay “tập thể”. Trong trường hợp này, việc giải tội tập thể không còn được coi là môt phương thế ngoại thường..
Sau khi nghe…tái khẳng đinh giáo lý công giáo về bí tích Thống hối và Hòa giải…tôi ra sắc lệnh sau đây:
Kết luận
Giáo Luật đòi buộc mỗi người phải xưng tội riêng với Linh Mục Giải Tội, và buộc phải xưng thú tất cả các tội trọng cách đầy đủ theo giáo huấn Công đồng Tridentino .“theo luật Chúa cần thiết phải xưng từng tội và tất cả tội trọng” (Công đồng Tridentino Can. 7: DS 1707). tức là không áp dụng giải tội tập thể trong đời sống thường ngày, mà chỉ trong hoàn cảnh cấp bách’
Ngoài ra, hối nhân còn được tự do chọn lựa nơi chốn để xưng tội. Giáo luật ấn định: “nơi chốn thích hợp để xưng và giải tội là thánh đường hay nhà nguyện” (điều 964 § 1). Tòa giải tội “được đặt một nơi dễ thấy, có một song chắn có màn che phân cách hối nhân với cha giải tội và các tín hữu có thể tự do sử dụng nếu họ muốn. Phụ nữ không xưng tội ở ngoài tòa giải tội, trừ trường hợp chính đáng (đ. 964,§ 2-3). Cha giải tội cũng có thể đòi buộc giải tội trong tòa giải tội.
Trong sắc chỉ Năm Thánh (ngoại thường) Misericordiae vultus (11.4.2015), (the Jubilee’s Bull of Indiction), để sống một thời khắc cầu nguyện cao độ và tìm lại được ý nghĩa của đời sống của mỗi người, ngài đã viết:
“Lòng nhân hậu là con đường kết hợp Thiên Chúa với con người, bởi vì nó mở trái tim cho lòng cậy trông được yêu thương mãi mãi mặc dầu giới hạn của tội lỗi chúng ta (MV 2). Trước sự nghiêm trọng của tội lỗi, Thiên Chúa đáp lại bằng sự viên mãn của tha thứ. Lòng nhân hậu sẽ luôn lớn hơn tội lỗi, và không ai có thể đặt một giới hạn cho tình yêu khoan dung tha thứ của Thiên Chúa (MV 3).
Chúng ta hãy đặt lại bí tích hòa giải vào trung tâm, ngõ hầu nó cho phép chúng ta chạm đến sự cao cả của tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa với tay của mình. Đối với mỗi người nó sẽ là nguồn mạch của bình an nội tại đích thực” (MV 17).
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn