Suy niệm - Chúa Nhật XV Thường Niên Năm A

Thứ sáu - 14/07/2023 04:27

Lời Chúa: Mt 13,1-23

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. 2 Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. 3 Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.
Người nói : “Người gieo giống đi ra gieo giống. 4 Trong khi người ấy gieo, có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. 5 Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ không có nhiều đất ; nó mọc ngay, vì đất không sâu ; 6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. 7 Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. 8 Có những hạt lại rơi trên đất tốt, nên sinh hoa kết quả : hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. 9 Ai có tai thì nghe.”
10 Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng : “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ ?” 11 Người đáp : “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. 12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa ; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. 13 Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe, không hiểu. 14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng : Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy ; 15 vì lòng dân này đã ra chai đá : chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.
16 “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. 17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.
18 “Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. 19 Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy : đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. 20 Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận ; 21 nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nông nổi nhất thời : khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. 22 Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt Lời, khiến Lời không sinh hoa kết quả. 23 Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”

SUY NIỆM 1: Nghe và hiểu - Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.
(Trích trong ‘Manna’)



Dụ ngôn người gieo giống đầy tính lạc quan, hy vọng.
Đức Giêsu gieo hạt giống Lời Chúa khắp nơi.
Có hạt bị chim trời ăn mất, khi chưa kịp nảy mầm. Có hạt bị khô cháy khi chưa bám rễ. Có hạt đã thành cây, nhưng bị gai làm chết ngạt.
Thực tế đau buồn ấy làm nản lòng nhiều người.
Đức Giêsu đã gặp biết bao chống đối và thất bại.
Ngài có thật là Đấng được Thiên Chúa sai đến để thiết lập Nước Trời trên trần gian không?
May thay có những hạt rơi vào đất tốt, và đem lại kết quả gấp bội.
Nhìn vào khuôn mặt của Giáo Hội hôm nay, nhiều người thất vọng trước những khó khăn, khủng hoảng. Đức Giêsu khuyên ta hãy vững lòng. Lời Chúa vẫn còn gặp được mảnh đất phì nhiêu.
Dụ ngôn người gieo giống đòi chúng ta phải xét mình:
Có bao hạt Lời Chúa được gieo vào lòng tôi? Đâu là số phận của chúng?
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên mặt đường. Tôi nghe mà không hiểu. Không hiểu vì không muốn hiểu, vì cố tình né tránh, bởi lẽ Lời Chúa đòi tôi hoán cải và từ bỏ mình. Thế là Lời Chúa trượt đi như nước đổ lá khoai.
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên đất đá. Tôi vội vã, hớn hở đón lấy ngay, nhưng chỉ dừng lại ở bề mặt hời hợt. Lời Chúa không đâm rễ sâu trong mảnh đất đời tôi. Khi thử thách gay gắt của cuộc sống ập đến, tôi té nhào và bỏ cuộc, chẳng dám sống Lời Ngài.
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trong bụi gai. Bụi gai là nỗi lo âu chuyện đời, là đam mê của cải. Bụi gai bóp nghẹt, làm cây Lời Chúa không sinh trái.
Có hạt rơi vào long tôi như rơi vào đất tốt. Tôi nghe và hiểu. Tôi hiểu được là nhờ dám sống Lời Chúa trong đời. Chỉ ai hiểu nhờ sống mới đem lại mùa bội thu.
Dụ ngôn trên đòi tôi xét lại thái độ nghe Lời Chúa, đòi tôi cải tạo lại mảnh đất lòng mình.
Có biết bao gai góc, đá sỏi trong mảnh đất đời tôi. Có bao hạt giống bị mất mát vì tôi từ khước.
Nếu tôi dám để cho một câu Lời Chúa tự do lớn lên thì đời tôi sẽ hoàn toàn thay đổi.
Hôm nay, tôi được mời gọi đi gieo hạt. Nhưng trước hết, tôi cần được Lời Chúa biến đổi, cần hiểu sâu nhờ dám sống Lời Chúa tận căn. Xin Chúa giúp tôi tìm ra những lối gieo mới, để Lời Chúa sai trái hơn trong thế giới hôm nay.
Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, đâu là những trở ngại, từ bên ngoài cũng như từ bên trong, khiến hạt giống Lời Chúa khó nẩy mầm và lớn lên trong bạn?
Có khi nào bạn mê một câu Lời Chúa không? Có khi nào bạn dám sống một câu Lời Chúa không? Có khi nào đời bạn đã hoàn toàn đổi khác, vì bạn gặp được một câu Lời Chúa không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát, vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không dám đem ra thực hành. Chính vì thế Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa, đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình, để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con được xây trên nền tảng vững chắc, đó là Lời Chúa, Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

SUY NIỆM 2: HÃY VUN XỚI THỬA ĐẤT TÂM HỒN CỦA CHÚNG TA - PHÊRÔ NGUYỄN TRỌNG CHỨC

Kính thưa quý ông anh chị em thân mến trong Đức Kitô.
1.    Ông Paul Tournier, một bác sĩ người Thụy Sĩ được coi là bác sĩ Kitô giáo nổi tiếng nhất thế kỷ XX,  đã từng nói: “Để thực sự thấu hiểu, chúng ta cần lắng nghe, không phải cần trả lời. Chúng ta cần lắng nghe kiên trì và chăm chú.”  Mỗi lần tham dự bàn tiệc Lời Chúa trong thánh lễ, chúng ta được lắng nghe không chỉ những lời nói về Thiên Chúa mà còn những lời chính Thiên Chúa nói riêng với mỗi người chúng ta. Thế nhưng, chúng ta có phải là người biết lắng động tâm hồn để lắng nghe cách kiên trì và chăm chú mà thấu hiểu những lời thần linh của Thiên Chúa hay không? 
2.    “Những người lắng nghe tốt, như những viên ngọc quý, cần phải được trân trọng.”  Chúa trân trọng những người biết lắng nghe Lời Chúa như những viên ngọc quý. Đã có lần Chúa nói lời này: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Chúng ta diễm phúc được Lời Chúa quy tụ thành một cộng đoàn đức tin để suy niệm về sứ điệp được Chúa Giêsu truyền tải trong Tin Mừng Mátthêu, cụ thể là “dụ ngôn người gieo giống”. Dụ ngộn ám chỉ trực tiếp vào tình trạng cõi lòng của chúng ta, dạy chúng ta về những cách khác nhau mà chúng ta tiếp nhận và đáp lại Lời Chúa. Khi cùng nhau khám phá dụ ngôn này, chúng ta hãy xem xét tầm quan trọng của việc vun xới thửa đất tâm hồn mình để có thể trổ sinh hoa quả đức tin tồn tại đến muôn đời.
Người gieo giống
3.    Chúa Giêsu bắt đầu dụ ngôn bằng cách mô tả một cảnh tượng quen thuộc với dân chúng ở thời của Chúa: “Người gieo giống đi ra gieo giống” (Mt 13,3). Thiên Chúa là người gieo giống, liên tục gieo Lời Ngài vào thế gian và vào đời sống của chúng ta. Ngôn sứ Isaia đã dùng hình ảnh “mưa với tuyết” để sánh ví với Lời Chúa: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời…, thì lời Ta cũng vậy”. Nếu như Thiên Chúa “cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45), thì Thiên Chúa ban Lời của Ngài không giới hạn cho những cá nhân hay hoàn cảnh cụ thể, nhưng cho tất cả mọi người. Cách tương tự, người gieo giống trong dụ ngôn đã gieo vãi hạt giống khắp nơi và hầu như không để ý tới hạt giống sẽ rơi vào đâu: vệ đường, sỏi đá, bụi gai hay là đất tốt. 
4.    Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là Đấng hết sức quảng đại ban phát mọi điều thiện hảo và Lời Chúa cho chúng ta đến mức “phung phí” bất luận chúng ta là người như thế nào: thánh thiện hay là tội lỗi, thiện lương hay là bất lương, công chính hay là bất chính. Thiên Chúa đã gieo hạt giống chân lý ở khắp mọi nơi, mọi chủng tộc, mọi nền văn hóa, mọi thời đại dù chưa biết Thiên Chúa là ai. Nơi sách Công vụ Tông Đồ chúng ta tìm thấy một dẫn chứng cụ thể về việc thánh Phaolô loan báo Tin Mừng cho dân thành Athêna, Hy Lạp: “Thưa quý vị người Athêna, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: ‘Kính thần vô danh’. Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị. Đấng ấy chính là Thiên Chúa” (Cv 17,23-24). 
5.    Không ở đâu xa xôi, ngay tại mảnh đất quê hương Việt Nam, Thiên Chúa cũng đã gieo hạt giống Lời Chúa trước khi chúng ta đón nhận Tin Mừng. Trong tiềm thức của người dân Việt, niềm tin vào “Ông Trời” đã có từ lâu trong những bài ca dao tục ngữ. Người Việt tin Trời là Đấng tạo dựng muôn loài muôn vật: 
“Con chim nó hót trên cành
Nếu Trời không có, có mình làm sao?
Con chim nó hót trên cao
Nếu Trời không có, làm sao có mình?” 
Hoặc cũng có câu: “Trời sinh voi sinh cỏ” , 
Người Việt còn tin Ông Trời làm chủ vận mệnh con người như tình duyên, sinh tử: 
“Nhờ ơn cô bác giúp lời
Chị em giúp của, ông trời định đôi.” 
Hoặc: “Trời kêu ai nấy dạ” . 
Khởi đi từ niềm tin Ông Trời, dân Việt thể hiện niềm tin ấy qua nếp sống của mình: thờ Trời, kính Trời, cầu Trời. 
“Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Cho đầy nồi cơm
Tôi đơm cho dễ
Tôi lễ ông trời.” 
Thiên Chúa đã gieo sẵn vào mảnh đất tâm hồn của con người những hạt giống chân lý, niềm tin và hy vọng, để đợi ngày đâm chồi nẩy lộc khi những người loan bào Tin Mừng bước chân đến. 
Những thửa đất khác nhau 
6.    Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu còn nói đến bốn loại đất khác nhau: “Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường… Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá… Có những hạt rơi vào bụi gai…  Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt.” (x. Mt 13,3-8). Mỗi loại đất tượng trưng cho trạng thái khác nhau của lòng người. “Vệ đường” biểu thị những tâm hồn khép kín, không muốn lắng nghe hay hiểu Lời Chúa. “Sỏi đá” biểu thị đức tin nông cạn, nơi Lời Chúa bén rễ nhưng thiếu chiều sâu. “Bụi gai” biểu thị trái tim vướng mắc trong những dục vọng trần thế như đam mê của cải vật chất, thú vui trần tục. Cuối cùng, “đất tốt” biểu thị tấm lòng rộng mở và tiếp nhận Lời Chúa, sẵn sàng vun trồng mối tương quan sâu sắc và phong phú với Thiên Chúa.
7.    Mỗi người trong chúng ta thường thấy tâm hồn mình giống với một hoặc nhiều loại đất này. Cuộc sống mang đến những thử thách ảnh hưởng đến tình trạng mảnh đất tâm hồn của chúng ta. Thánh Phaolô thừa nhận thực tế của đau khổ hiện tại. Có quá nhiều đau khổ: đau khổ về vật chất như đau khổ vì đói, đau khổ vì không cửa không nhà, không nơi nương tựa, đau khổ vì bệnh tật…; và đau khổ về tinh thần như đau khổ vì bị bỏ rơi, đau khổ vì bị gạt ra lề xã hội, đau khổ vì bị đối xử bất công, đau khổ vì không được ai yêu thương… Ngài nhắc nhở chúng ta rằng “muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” dưới sức nặng của hậu quả tội lỗi. Tương tự như vậy, chúng ta cũng trải qua những đau khổ, cho dù là về thể chất, tình cảm hay tinh thần. Điều quan trọng là chúng ta thừa nhận những đau khổ này và không loại bỏ chúng. Chúng ta được kêu gọi nhìn những đau khổ của mình qua lăng kính hy vọng và tin tưởng vào kế hoạch của Thiên Chúa dành cho cuộc đời chúng ta. Giống như người nông dân chuẩn bị đất trước khi gieo trồng, những đau khổ như những lưỡi cày giúp chúng ta cày xới mảnh đất tâm hồn mình cho Lời Chúa bén rễ và lớn lên trong chúng ta.
Trở thành đất tốt.
8.    Qua hình ảnh của những mảnh đất khác nhau, Chúa Giêsu nêu bật những cách đáp trả khác nhau đối với Lời Chúa. Hiệu quả của Lời Chúa Giêsu rao giảng cho chúng ta không do lỗi của người gieo giống, nhưng do chúng ta nghe mà không muốn thay đổi cuộc sống. Chúng ta hãy xét lại lòng mình và tự hỏi: Chúng ta có thực sự chú ý đến Lời Chúa không? Chúng ta để cho Lời Chúa bén rễ và biến đổi chúng ta, hay chúng ta để cho những tác động bên ngoài kìm hãm sự phát triển của Lời Chúa? Như thế, trách nhiệm làm cho mảnh đất tâm hồn thành đất tốt là thuộc về mỗi người chúng ta. 
9.    Chúng ta hãy loại bỏ những sỏi đá nghi ngờ, nhổ bỏ những gai góc của những bận tâm trần tục và phá vỡ những con đường cứng rắn để mở đường cho hạt giống Lời Chúa triển nở. Để cày xới mảnh đất tâm hồn của mình thành mảnh đất màu mỡ, chúng ta hãy thường xuyên cầu nguyện, học hỏi Kinh Thánh, lãnh nhận các bí tích, và nuôi dưỡng tinh thần khiêm nhường và sám hối. Tâm hồn sẵn sàng đón nhận Lời Chúa sẽ sinh hoa trái dồi dào: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23). Những hoa trái này sẽ được thể hiện trong các mối quan hệ, hành động và việc phục vụ của chúng ta đối với tha nhân.
10.    Tóm lại, Thiên Chúa là người gieo giống vĩ đại đã gieo hạt giống là Chúa Giêsu vào mảnh đất thế gian. Đến lượt Chúa Giêsu, Chúa cũng trở thành người gieo Lời Chúa khắp các mảnh đất tâm hồn của hết thảy mọi người. Ai biết đón nhận Lời Chúa với tâm hồn rộng mở, biết lắng nghe Lời Chúa với lòng nhiệt thành, biết hoán cải theo lời Chúa dạy, thì sẽ được hưởng mối phúc Chúa hứa ban: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe” (Mt 13,15). Chúng ta sẽ có phúc khi để cho Lời Chúa chạm đến cõi lòng của chúng ta, đổi mới tâm trí của chúng ta và định hình lại cuộc sống của chúng ta.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì những dụ ngôn mà Con Chúa là Đức Giêsu Kitô đã dạy chúng con nhiều điều, đặc biệt là dụ ngôn Người gieo giống. Xin ban cho chúng con sự khôn ngoan để nhận ra tình trạng của tâm hồn mình, lòng dũng cảm để loại bỏ mọi trở ngại và cũng ban cho chúng con ân sủng để vun trồng mảnh đất tốt trong chúng con. Amen.


SUY NIỆM 3:  Sức sống của hạt giống -  Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Vào một đêm nọ, người phụ nữ nằm mơ. Chị thấy mình bước vào một siêu thị. Khách hàng tấp nập. Có một quày hàng đặc biệt, người ta chen chân không lọt. Chị ngạc nhiên thấy Chúa Giêsu đứng bán ở quày hàng này.
Chờ đợi đến phiên mình, chị hỏi: Chúa mà cũng bán hàng sao? Chúa bán cái gì ở đây vậy?
Chúa trả lời: Ta bán mọi sự con đang ước muốn trong trái tim con.
Chị nói liền một hồi: Thưa Chúa, con muốn có bình an, có tình yêu, có hạnh phúc, có khôn ngoan và tự do không sợ hãi. Suy nghĩ một lúc, chị lại thêm: không chỉ cho con mà thôi nhưng còn cho chồng, cho con và cho những người thân yêu của con nữa.
Chúa mỉm cười và nói: hỡi con yêu dấu, ở đây,Ta không bán hoa trái mà chỉ bán hạt giống thôi. (Anthony de Mello).
Tin mừng Chúa nhật hôm nay (Mt 13,1-23) có tên gọi là “Dụ ngôn người gieo giống”. Thiên Chúa là người gieo giống. Chúng ta là đất. Hạt giống là lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Tùy vào thái độ của mỗi người, chân thành đón nhận hay lười biếng khước từ, Lời Chúa sẽ sinh những hiệu quả khác nhau.
Hạt giống được gieo trên bốn loại đất, đất vệ đường, đất lẫn sỏi đá, đất có nhiều gai góc và đất tốt. Đất nào cho năng suất nấy. Làm sao bên lề đường khô cằn sỏi đá, hạt giống có thể sinh hoa kết trái được? Trong bụi gai chằng chịt cỏ rác không mọc nổi, hạt giống làm sao vươn lên để thánh cây xanh tốt được? Chúa Giêsu ví lời giảng dạy của Ngài như hạt giống trong tay người nông dân. Hạt giống gieo trên những loại đất khác nhau, số phận các hạt giống khác nhau. Lời Chúa cũng có nhiều số phận khác biệt. Có lời sinh lợi muôn vàn lời. Có lời sống èo uột bị bóp nghẹt. Có lời làm tròn sứ mạng được uỷ thác. Có lời biến mất như rơi vào cõi hư không. Khác biệt về thành quả không hệ tại bởi hạt giống tốt xấu mà bởi phẩm chất ruộng đất. Thửa ruộng mà Chúa Giêsu nói đến không phải ruộng trên mặt đất mà là cõi lòng con người. Vì thế, dụ ngôn hạt giống gieo trên các loại đất khác nhau gợi lên những ý nghĩa.
Tấm lòng quảng đại của người đi gieo.
Người đi gieo đã gieo hạt giống trên những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ. Những mảnh đất sỏi đá, gai góc, lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người gieo hạt không bỏ rơi một mảnh đất nào vì tấm lòng quãng đại của ông, chỉ muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn. Thiên Chúa quảng đại nhìn mọi người với chính phẩm giá của họ trong niềm hy vọng của Ngài. Vì thế, mảnh đất nào cũng nhận được hạt giống đồng đều. Ai cũng có cơ may nhận được ân sủng cứu độ Tin Mừng nếu như họ thành tâm thiên chí. Lòng quảng đại không phân biệt đối xử, không ưu tiên ai mà cũng chẳng loại trừ ai, không thất vọng về hiện tại của người khác mà biết kiên tâm đợi chờ hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn.
Không ai hoàn toàn là “lề đường”, là “sỏi đá” hay là “bụi gai”. Trong mỗi con người luôn có một mảnh đất tốt cho dù nó chỉ nhỏ bé thôi. Có thiện chí đón nhận hạt giống cũng sẽ có một mùa gặt bội thu “đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi” (Mt 13, 23). Thiên Chúa vẫn gieo Lời Ngài vào lòng chúng ta, vì Ngài chắc chắn rằng: “Lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác” (Is 55, 11).
Thánh Phêrô đã ba lần chối Chúa, nhưng trong ngài vẫn còn một mảnh đất tốt của lòng sám hối. Thánh Phaolô hăng say bách hại các kitô hữu, nhưng trong ngài vẫn còn đó một mảnh đất tốt của lòng nhiệt thành và khiêm tốn. Thánh Augustinô bị những bụi gai của tri thức, kiêu căng và dục vọng vây bủa, nhưng vẫn còn có một mảnh đất tốt hướng tìm chân lý, chỉ chờ hạt giống gieo trồng là nở rộ mùa gặt phong nhiêu… Còn nhiều lắm những mảnh đất tốt như thế trong Giáo Hội và trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Tất cả những mảnh đất tốt đó, cho dù có nhỏ nhoi đi chăng nữa, nhưng một khi đã được đón nhận Lời Chân Lý thì đúng như lời Chúa nói, đã sinh lợi “hạt một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi”.
Hạt giống tiềm ẩn sự sống.
Hạt giống có vỏ cứng bảo vệ, khi được gieo vào lòng đất vỏ sẽ vỡ ra cho mầm đâm chồi. Chồi non lên xanh là hình ảnh của sự sống mới. Sự sống vào đời mới bằng một cuộc phiêu lưu, bằng niềm phó thác cho tương lai.
Hạt giống là ánh sáng, là Tin mừng, là thiện hảo tốt lành, là giá trị Nước Trời. Tự nó, hạt giống có một sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Trong hạt giống có mầm sự sống, hễ cứ gặp điều kiện thuận lợi là mọc lên. Trong mầm sống có sự sống tiếp nguồn từ sự sống của Thiên Chúa. Nếu “Hạt lúa âm thầm mọc lên” (x. Mc 4,26-29) là hình ảnh sức sống tiềm tàng thì “Hạt lúa mục nát đi” (x. Ga 12,24) lại là một hình ảnh khác nói lên niềm hy vọng một mùa gặt mới sau khi chịu ‘mục nát”. Hạt giống là hồng ân Thiên Chúa, phong phú bao la và vô cùng mạnh mẽ. Điều quan trọng là hãy cho hạt giống một cơ hội để mọc lên.
Niềm hy vọng mùa gặt phong phú
Nếu người gieo hạt đã đặt hy vọng vào từng mảnh đất bất kể mức độ tốt xấu thì bổn phận của đất là không được phụ lòng người quảng đại gieo hạt. Thiên Chúa làm được mọi sự nhưng Ngài cần con người cộng tác.Thiên Chúa vẫn luôn tin tưởng và hy vọng nơi con người.
Trong các hoạt động tông đồ, không cần phải phân tích người nào là lề đường, là sỏi đá hay bụi gai. Hạt giống cứ gieo vào đất, chúng ta hãy làm việc tốt cho người khác. Chính Thiên Chúa mới là Đấng làm cho hạt giống mọc lên và sinh hoa kết quả (x. 1 Cr 3, 5-9).
Niềm hy vọng phải là một đặc trưng của đời sống người kitô hữu. Chính niềm hy vọng đó sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống hiện tại, hướng tới một tương lai tươi sáng và một cuộc sống vĩnh cửu của người được làm con cái Thiên Chúa.
Mầu nhiệm Nước Trời còn ẩn chứa nhiều điều huyền diệu và chỉ cõi lòng nào chân thành, khiêm nhường đón nhận mới có cơ duyên thưởng thức những huyền diệu của Lời Hằng Sống. Nhận lấy hạt giống Lời Chúa trong mình, chúng ta từ từ sinh hoa trái trong Giáo Hội cho vinh quang của Thiên Chúa ( GLCG # 1724).
Người nông dân có câu: “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Giống là cần thiết, nhưng nước, phân bón và công chăm sóc thật là quan trọng. Giống tốt, gieo xạ đúng quy trình kỹ thuật, nhưng để đất khô hạn thì lúa không lên xanh. Có giống, có nước mà không có phân bón thuốc trừ sâu, thì lúa sẽ èo uột không kết quả. Có được giống tốt, nước bảo đảm, phân thuốc đầy đủ, nhưng chẳng chăm sóc thì không thu lợi được bao nhiêu.
Người sáng, người mù hay người câm điếc cũng đều có thể nghe Lời Chúa, đón nhận hạt giống Lời Chúa gieo vào lòng, nhưng quan trọng là đem ra thực hành.
Có một mảnh đất hoang cỏ mọc um tùm. Ông Tư mua lại thửa đất ấy rồi cày xới, làm sạch cỏ, rồi ông trồng cây, trồng hoa, trồng rau. Một thời gian sau, mảnh đất trở thành một khu vườn thật đẹp. Một hôm, ông Tư đang làm việc trong vườn, cha xứ đi qua và nói: "Khu vườn thật là đẹp! Ông Tư thấy không, khi ông biết cộng tác với Thiên Chúa thì kết quả như thế đó". Ông Tư trả lời: "Vâng, cha cứ thử nghĩ lại xem, miếng đất này như thế nào khi chỉ có một mình Chúa làm việc ở đây".
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay. Chúng con thường xây nhà trên cát, vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không dám đem ra thực hành. Chính vì thế Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa, đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình, để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con được xây trên nền tảng vững chắc, đó là Lời Chúa, Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con. (Mana)

SUY NIỆM 4: CUỘC ĐỜI THÀNH ĐẠT − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Sống trên đời, ai cũng muốn thành đạt, ngay cả những người được coi là sống đời thánh hiến, từ bỏ mọi sự mà theo Chúa. Chỉ có điều cách nhìn về sự thành đạt khác nhau tuỳ theo định hướng của cuộc sống. Thiên Chúa cũng muốn sự thành đạt theo nghĩa là muốn đưa chương trình cứu độ con người và muôn loài nữa, đạt đến thành quả sau cùng.
“...lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, 
 sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, 
 chưa thực hiện ý muốn của Ta, 
 chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.” (Is 5,11)
Để đạt tới sự thành đạt ấy, người lập nghiệp cần một số vốn. Thiên Chúa không để chúng ta bươn chải một mình từ con số không, nhưng ban cho mỗi người rất nhiều ân sủng, dù có khác biệt nhau giữa người này và người khác, nhưng luôn thích hợp cho từng người. Tin Mừng hôm nay gọi đó là hạt giống được Chúa gieo vào cuộc đời mỗi người. Ý nghĩa của hạt giống vừa mang tính hiện tại vừa mang tính tương lai. Và để phát triển, hạt giống ấy cần nỗ lực của con người. Biết cầy xới mảnh đất của mình cho tốt bao nhiêu có thể để đón nhận và làm cho hạt giống sinh nhiều bông hạt.
Gieo cấy, chăm sóc và chờ đợi mùa màng, tất cả đều cần đến sự kiên nhẫn. Những khó khăn, những đau khổ là đương nhiên của cuộc sống, chúng đòi hỏi con người kiên nhẫn để vượt qua, bởi vì đó là “nỗi đau của người mẹ sinh con”. 
“Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng...” (Rm 8,22-23)  
Sống ở đời mà không muốn thành đạt, đó là cản trở đầu tiên, cản trở căn bản. Muốn mình phải được như người khác bằng bất cứ giá nào, đó là nguy cơ của sự phá huỷ cuộc sống của mình và của người khác. Không đủ kiên nhẫn trong gian nan, nhụt chí trước những khó khăn, làm cho cuộc sống chúng ta không tới đâu cả, cứ trôi giạt như bèo!
Chúa luôn là người “đổ nền” cho chúng ta bằng những ân sủng, và Thánh Thần luôn được ban tặng cho chúng ta để biết phân định các cơ hội trong cuộc sống. Sống phải biết suy nghĩ để tìm thấy cơ hội lớn lên và hoàn thành cuộc đời mình.

SUY NIỆM 5: Tâm tình người đi gieo
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)


Bài dụ ngôn thật đẹp. Đẹp về hình ảnh phong phú. Đẹp về ý nghĩa sâu xa. Nhưng đẹp nhất vẫn là thái độ của người đi gieo. Người đi gieo đã có thái độ vừa hào phóng vừa kiên trì, vừa hy vọng vừa yêu thương.
Người đi gieo đã gieo một cách hào phóng. Hãy nhìn kìa: ông vốc từng vốc lớn hạt giống và rộng tay vung vãi. Ông gieo không tiếc xót. Ông gieo không tính toán. Ông gieo không loại trừ. Những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ nhận được hạt giống đã đành. Cả đến những mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc. Cả đến lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người đi gieo không bỏ rơi một mảnh đất nào, một ngõ ngách nào. Ông muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn.
Người đi gieo đã gieo một cách kiên trì, ông gieo bất kể ngày đêm. Ông gieo bất kể mưa nắng. Ông gieo bất kể những thất bại. Đợt gieo giống đầu tiên đã thất bại vì chim chóc tha đi, ông liền gieo tiếp đợt hai. Bị sỏi đá nắng hạn, cây lúa mất mùa, ông lại đi gieo tiếp đợt thứ ba. Bị gai góc bóp nghẹt, cây lúa bị lụi tàn, ông vẫn không nản, cứ gieo đợt thứ tư. Ông đúng là người đi gieo hạt không biết mỏi mệt.
Người đi gieo đã gieo trong niềm hy vọng. Niềm hy vọng của ông thật lớn lao. Chính với niềm hy vọng ấy, ông đã dám đầu tư tất cả tiền bạc, sức khỏe, thời giờ vào việc gieo hạt. Chính niềm hy vọng ấy đã giúp ông đủ sức mạnh vượt qua những khó khăn, đứng vững trước những thất bại. Vì hy vọng, ông gieo cả trên lối đi, trên đá sỏi, trong cỏ gai. Ông tin rằng có gieo thì có gặt. Chính niềm hy vọng ấy đã giúp ông kiên trì và sau cùng đi đến thành công.
Người đi gieo đã gieo trong tình thương yêu. Tình thương yêu của ông dạt dào lắm. Nên ông đã không ngại hao tốn tiền của, tâm trí, sức lực. Tình thương ấy bao la lắm. Nên ông động lòng thương đến cả những mảnh đất chai cứng, đá sỏi, gai góc. Tình yêu thương ấy mãnh liệt lắm. Nên ông mong sẽ cảm hoá được cả gai góc, sỏi đá, biến chúng thành đất màu mỡ phì nhiêu. Ông đã có thể chỉ chọn đất tốt mà gieo. Nhưng tình thương yêu mãnh liệt không cho phép ông làm thế. Vì ông không muốn loại trừ những miền đất chai cứng chứa đầy sỏi đá, cỏ gai.
Người đi gieo chính là Thiên Chúa hiện thân trong Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã gieo trong yêu thương. Yêu thương đến độ chính Người lại trở nên một hạt giống,chịu vùi chôn, chịu mục nát để biến cải những mảnh ruộng gai góc, sỏi đá thành màu mỡ phì nhiêu, mong một mùa gặt đầy những bông lúa chín vàng trĩu nặng.
Thiên Chúa là người đi gieo không biết mệt mỏi. Chúa Giêsu là người đi gieo say mê đến quên chính cả bản thân mình. Người muốn cho các môn đệ của Người tiếp tục công việc gieo Tin Mừng đi khắp mọi nơi.
Hôm nay Người muốn ta gieo một cách hào phóng. Hãy gieo không xẻn xo. Hãy gieo không tính toán. Hãy gieo không loại trừ. Hãy biết dùng mọi phương tiện hiện đại nhất để chuyên chở Tin Mừng. H ãy đem Tin Mừng tới mọi lãnh vực của đời sống. Hãy đem Tin Mừng tới tất cả mọi hạng người không loại trừ một ai.
Người cũng muốn ta kiên trì gieo hạt Tin Mừng. Hãy kiên trì như thánh Phaolô, cứ gieo dù gặp “thời thuận lợi hay không thuận lợi”. Hãy cứ gieo dù đá sỏi, chông gai. Hãy cứ gieo dù những thất bại, nhọc nhằn.
Nhưng điều Người mong chờ nhất là các môn đệ của Người hãy đi gieo yêu thương. Yêu thương không chỉ những mảnh đất phì nhiêu, nhưng yêu thương cả những mảnh đất sỏi đá, gai góc. Yêu thương không chỉ những người mình thương và những người thương mình mà còn yêu thương cả những người không ưa mình và mình không ưa: vì một tình yêu thương đích thực thì không loại trừ ai. Chỉ có tình yêu thương mãnh liệt như thế mới cảm hoá được cỏ gai, làm mềm được đá sỏi, biến tất cả thành màu mỡ phì nhiêu.
Đáp lời Chúa mời gọi, biết bao lớp người đã hăng hái ra đi gieo Tin Mừng tại vùng đất Lạng Sơn này.
Trong số đó phải kể đến Đức cố Giám mục Vinh Sơn Phaolô của chúng ta. Người đã là một người đi gieo không biết mệt mỏi. Qua bao ngày tháng, Ngài vẫn kiên trì không bao giờ chồn chân mỏi gối. Hôm nay Ngài đã trở thành một hạt giống vùi sâu trong lòng đất. Hạt giống ấy, tình thương ấy, sẽ làm mềm sỏi đá, hứa hẹn cho ta một mùa gặt bội thu.
Ta cũng không thể nào quên được công ơn của Đức Hồng Y Phaolô Giuse, cũng là một người đi gieo không biết mệt mỏi. Dù tuổi cao sức yếu với gánh nặng của Giáo phận Hà Nội và của Giáo hội Việt Nam, Ngài vẫn sẵn sàng ghé vai gánh đỡ Lạng Sơn trong những lúc cần thiết. Ngài đã gieo mồ hôi nước mắt làm phì nhiêu cánh đồng này. Công khó ấy chắc chắn sẽ góp phần rất lớn cho một mùa gặt mai sau.
Hôm nay, Chúa gởi tôi đến cánh đồng Lạng Sơn này. Lạng Sơn là quê hương tôi. Anh chị em đã đón nhận tôi như đón một người thân. Chúng ta thuộc về một gia đình. Hôm nay Chúa mời gọi tất cả chúng ta vào làm việc trong cánh đồng của Chúa. Chúng ta hãy hăng hái bắt tay vào việc đi gieo Lời Chúa. Hãy noi gương Chúa Giêsu, hào phóng, gieo kiên trì, gieo hy vọng và nhất là hãy gieo yêu thương. Gieo gì gặt nấy. Nếu ta gieo bác ái chắc chắn ta sẽ gặt được yêu thương, một mùa yêu thương tràn ngập trên núi đồi Lạng sơn- Cao bằng này.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Thiên Chúa không ngừng gieo Lời Chúa vào tâm hồn bạn. Bạn đã đón nhận Lời Chúa thế nào?
2- Thái độ của người đi gieo cho bạn cảm nghiệm gì về Thiên Chúa?
3- Chúa mời gọi bạn đi gieo Tin Mừng. Bạn phải có thái độ nào?

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây