CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN A
Lời Chúa: Xh. 19, 2-6a; Rm. 5, 6-11; Mt. 9, 36 – 10,8
1.Người chạnh lòng thương
Suy Niệm
Đức Giêsu thấy đám đông theo Ngài, vất vưởng bơ vơ như chiên không người chăn dắt. Người chạnh lòng thương.
Lòng thương bắt nguồn từ con tim biết nhói đau trước nỗi khổ của người khác.
Đức Giêsu đã làm tất cả để xoa dịu, đỡ nâng và mời gọi các môn đệ cộng tác trong công cuộc ấy.
Trước một thế giới buồn, Ngài sai họ rao giảng Tin Mừng về Nước Trời gần đến.
Trước một thế giới bệnh hoạn, Ngài cho họ khả năng chữa lành.
Trước một thế giới bị nô lệ cho thần ô uế, Ngài cho họ quyền đem lại tự do.
Trước một thế giới đầy chết chóc, Ngài cho họ quyền trả lại sự sống.
Đức Giêsu sai các môn đệ đi vào cuộc đời, đi hai người một để nâng đỡ nhau. Ngài không chọn những người giỏi giang, học thức, nhưng chọn những người đánh cá đơn sơ và quảng đại.
Trước hết, Ngài sai họ đến với chính dân tộc của họ, để rồi sau này đến với cả thế giới.
Đức Giêsu muốn họ cho đi tất cả những gì đã nhận mà không đòi hỏi chút quyền lợi hay đặc ân nào.
Hôm nay, Đức Giêsu mời chúng ta nhìn thấy đám đông gần 6 tỉ người trên mặt đất. Ngài mời chúng ta thấy 50 ngàn trẻ em chết đói mỗi ngày. Từ 12-18 triệu người chết đói một năm. 1,3 tỉ người sống trong cảnh đói nghèo cùng cực. 800 triệu người thất nghiệp, một tỉ người lớn mù chữ.
Ngài mời chúng ta thấy những trẻ em bị sida ở Châu Phi, những người trẻ trí thức bị bơ vơ ở Nhật, những sa đọa và hưởng thụ, ma tuý và tội ác, những hố sâu hơn giữa các nước giàu và nước nghèo, giữa người giàu và người nghèo, ngay cả trong các nước tiên tiến.
Ngài mời chúng ta nhìn thế giới này bằng đôi mắt của Ngài, nhìn thấy mà chạnh lòng thương. Chính cái nhìn đầy chạnh thương đưa ta lên đường.
Thế giới hôm nay cũng như hôm qua, vẫn là một thế giới cần đến ơn cứu độ. Người nghèo cần được tôn trọng phẩm giá, người giàu cần mở ra để thấy đời mình có ý nghĩa.
Chúng ta không bi quan trước thế giới hôm nay mênh mông nỗi đau, tràn ngập sự ác.
Tôi phải làm gì để chữa lành một thế giới bị thương?
Tôi phải nói gì với một thế giới không biết mình nô lệ?
Chỉ xin lên đường với Chúa Giêsu trong tin yêu, và xin Cha cho có nhiều người cùng tiếp bước.
Gợi Ý Chia Sẻ
Thế giới hôm nay là một thế giới mang nhiều vết thương và đổ vỡ. Bạn phải làm gì để hàn gắn và chữa lành chúng trong khả năng của bạn?
Khoa học kỹ thuật giải quyết được một số vấn đề, nhưng lại đưa đến những vấn đề mới, phức tạp hơn. Bạn có thấy như vậy không? Làm sao để sự tiến bộ về vật chất không làm bạn bị thụt lùi về tinh thần?
Cầu Nguyện
Lạy Cha, thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế, ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn, bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người sống bên lề xã hội, dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết, xin cho chúng con nhìn thấy chính bản thân chúng con.
2. ĐƯỢC CHỌN VÀ CHỌN LỌC − Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Ngày nay người ta nói rất nhiều đến sự hiệp thông, sự đa diện, sự tôn trọng và cộng tác với nhau. Đã và đang có rất nhiều nỗ lực cho những điều này; bên cạnh đó, những từ ngữ này nhiều khi trở thành sáo ngữ, lừa dối chính mình, làm cho yên lòng. Ở mặt khác, người ta lại nhận thấy con người ngày hôm nay thường nghiêng về bạo lực, loại trừ nhau vì những tự phụ về sắc tộc hay nguồn gốc, vì quyền lợi cá nhân và phe nhóm. Sự loại trừ nhau ở nhiều bình diện: cá nhân, nhóm, quốc gia hay quốc tế. Lời Chúa hôm nay mở ra cho chúng ta cách nhìn thế nào về điều này?
Lời Chúa nói với chúng ta rằng mình được chọn. Bình thường, khi chọn điều này thì có nghĩa là loại bỏ điều kia. Nhưng ở đây không phải thế. Trong sách Xuất Hành, Đức Chúa nói rằng Ngài là Chúa toàn cõi đất, bên cạnh đó, dân Do Thái được Chúa chọn làm dân riêng. Dân này được gọi là dân thánh, có nghĩa là họ thuộc về Chúa là Đấng Thánh; đồng thời họ cũng là dân tư tế (x. Xh 19,6), theo nghĩa Thánh Kinh, tư tế là người trung gian giữa Thiên Chúa và dân. Dân Do Thái là dân trung gian giữa Thiên Chúa và những dân khác, chứ không phải là ở trên các dân khác để thống trị họ!
Tính chất được chọn và không loại trừ này được trình bày qua tư tưởng của thánh Phaolô, mà chính ngài đã từng trải nghiệm, đó là ngay khi còn là tội nhân, chúng ta đã được Thiên Chúa chọn (bài đọc 2). Không ai không là tội nhân, như thế Thiên Chúa không loại trừ ai, và việc được chọn là một ân ban thần linh. Mọi bệnh hoạn, tật nguyền theo nghĩa tâm linh đều được Thiên Chúa chữa lành.
Ngày 31/05 vừa qua, đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng bạo lực học đường là do học lực yếu, bị xem thường. Giáo dục phải giúp các em phát hiện những khả năng của mình và phát triển, nhờ đó các em thấy được giá trị, vị trí của mình. Tựa đề của bài báo ghi dùng từ “hiến kế lạ”. Người ta vẫn coi việc tôn trọng, làm phát triển người khác là cái gì còn lạ, chứ bình thường là lên án, kiểm điểm, loại bỏ!
Con đường Thiên Chúa mời gọi những ai theo Ngài là cảm nhận rằng chính mình được chọn và mình cũng phải biết đón nhận mọi người, không chọn lọc người dễ thương, người tài năng, người hữu ích cho mình...! Đón nhận mọi người và giúp họ sống cuộc đời của họ.
3.Được sai đi
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.)
Dân chúng khao khát nghe Đức Yêsu giảng dạy. Đức Yêsu đã động lòng thương, Ngài giảng dạy họ; và hơn nữa, Ngài đã sai các tông đồ đi rao giảng: “Nước Trời đang đến gần”.
1. Dân chúng hoang mang và bị bỏ rơi
Dân chúng từ nhiều nơi tuôn tới nghe Đức Yêsu rao giảng. Qua sự kiện này, người ta nhận ra con người của mọi thời đại vẫn tốt. Ngày xưa, dân chúng tìm đến với Đức Yêsu, để mong được nghe Ngài giáo huấn, để mong tìm được của ăn tinh thần, để được định hướng đời mình, để an bình trong cuộc sống.
Mỗi thời đại, đều có những tiên tri và thày dạy giả hiệu, đã làm dân chúng hoang mang và bấn loạn. Người ta sống bất an, không biết đâu là đúng đâu là sai. Sứ mạng của các tiên tri và những bậc thầy chân chính của mọi thời đại, là hướng dẫn dân chúng, giúp họ nhận ra sự thật, giúp họ sống bình an hạnh phúc.
Điều gây hoang mang, luôn luôn là điều có vẻ là đúng. Nếu rõ ràng là sai, chẳng có ai theo, và cũng chẳng làm người ta hoang mang bấn loạn. Những tiên tri và thầy dạy giả hiệu, là những người “đánh lộn con đen”, lèo lái dư luận, làm dân chúng không nhận ra điều đúng thật. Ở thời Đức Yêsu, những hình thức nô lệ lề luật mà không giữ tinh thần luật làm dân chúng không được tự do và hạnh phúc thật sự. Đức Yêsu không đến để huỷ bỏ lề luật, nhưng để làm nên trọn. Ngài không muốn con người “thờ phượng Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, nhưng lòng lại xa Chúa”.
2. Đức Yêsu động lòng thương
Đức Yêsu đã động lòng thương dân. Lòng “thương cảm”, là nét của Thiên Chúa. Đức Yêsu thấy dân chúng tốt lành, vì họ khao khát chân lý và đi tìm. Họ không thoả mãn với những gì họ có, họ mong ước được nghe một vị thầy dạy chân chính, với hy vọng được bình an hạnh phúc hơn.
Qua những thao thức khắc khoải của dân chúng, người ta nhận ra những nỗ lực đi tìm sự thật. Những ước vọng này có thể bị mê hoặc bởi những thần tượng giả hiệu, những hướng dẫn sai lầm. Hậu quả là họ mất bình an, hoang mang lo sợ, mất niềm tin vào Thiên Chúa và con người, không hạnh phúc. Tuy vậy, qua sự kiện dân chúng khao khát đi tìm sự thật, người ta cũng nhận ra Thánh Thần Thiên Chúa vẫn luôn tác động nơi lòng con người, làm họ khao khát và đi tìm chân lý. Thiên Chúa vẫn luôn ở với con người trong mọi thời và mọi hoàn cảnh.
Đức Yêsu thương cảm con người. Họ như chiên không người chăn. Họ không được hướng dẫn đúng đắn. “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống”. Lối sống của Đức Yêsu là đường; lời dạy của Đức Yêsu giúp con người nhận ra sự thật, và làm cho con người được sống.
3. Đức Yêsu sai các môn đệ đi rao giảng
Đức Yêsu giảng dạy những người tìm đến với Ngài; và Ngài còn thương cảm cả những người không có cơ hội tới với Ngài, để họ mở lòng đón nhận sự thật. Ngài đã sai các tông đồ đi rao giảng.
Các tông đồ rao giảng: “Nước Thiên Chúa đang đến gần”. Các tông đồ rao giảng điều gì nữa, hay chỉ đơn sơ có thế? Người ta có thể rao giảng bằng lời, nhưng người ta cũng có thể rao giảng bằng chính cuộc sống của họ. Khi Đức Yêsu và các tông đồ rong ruổi hết nơi này tới nơi khác, thì chính cách sống và hành vi rong ruổi của các ngài cũng là một lời rao giảng, và là lời rao giảng có sức thuyết phục nhất.
Chúa cũng sai mỗi Kitô-hữu rao giảng về Chúa cho những người sống chung quanh mình. Có những người được ơn để rao giảng bằng lời; nhưng mỗi người đều có bổn phận phải rao giảng bằng chính cuộc sống của mình. Lời rao giảng của Kitô-hữu gặp phản chứng nếu đời sống của họ không thể hiện Tin Mừng của Đức Yêsu. Là Kitô-hữu, mỗi người phải sống vui tươi và an bình trong mọi hoàn cảnh. Các Kitô-hữu sơ khai, tuy dù bị bách hại, vẫn an bình và vui tươi. Chính cách sống như vậy đã lôi cuốn sự chú ý và có sức thuyết phục người khác đón nhận Tin Mừng Đức Yêsu Kitô.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Bạn có nhận ra nét đẹp của con người ngày nay không? Xin cho ví dụ.
2. Ngày nay, dân chúng bị hoang mang và bấn loạn về điều gì?
3. Theo bạn, đâu là điều Thiên Chúa muốn những bậc thầy dạy và tiên tri hướng dẫn dân trong hoàn cảnh này?
4. Ánh mắt cứu độ
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA: Mt. 9, 36 – 10,8
II. TẤM BÁNH CHIA SẺ
Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt. Nhưng ngày nay người ta ít có thời giờ nhìn nhau, nên tình yêu không đến. Người ta quá bận rộn vì cuộc sống ngày càng vội vã. Ra đường là đi như chạy để tranh thủ thời gian. Nên không có thời giờ nhìn, hỏi han, trò truyện, thông cảm. Và vì bận rộn nên nhiều lần ta lẩn tránh không muốn nhìn những thảm cảnh chung quanh, ngay trước mắt ta.
Chúa Giêsu thì không như thế. Người nhìn thấy đám đông và chạnh lòng thương. Nếu nhìn một đám đông thoáng qua thì khó mà chạnh lòng thương. Chạnh lòng thương là tức là đã nhìn kỹ từng người, thấy rõ hoàn cảnh đáng thương của từng người. Đứng trước một đám đông, Chúa vẫn có thời giờ nhìn kỹ từng người, vì Chúa quan tâm đến số phận của từng người.
Khi nhìn ngắm kỹ lưỡng, sẽ hiểu rõ. Khi hiểu rõ sẽ dễ chạnh lòng thương. Tuy nhiên từ ánh mắt đến trái tim là một khoảng cách rất gần mà cũng rất xa. Trái tim con người thật khó hiểu. Khi mở ra thì bao la ngàn trùng. Nhưng khi khép lại thì vô cùng chật hẹp. Một hạt bụi cũng khó lọt qua. Khi thao thức thì vô cùng nhanh nhậy, chỉ một thoáng nhìn, chỉ một âm thanh mơ hồ cũng đã đủ làm xao xuyến, rộn ràng. Nhưng khi ngủ yên thì vô cùng chai cứng, chậm chạp, dù có đập vào mắt, dù có la vào tai, cũng lạnh lùng dửng dưng. Trái tim Chúa Giêsu luôn thao thức về con người, luôn rộng mở đón nhận con người, nên dễ chạnh lòng thương trước cảnh bơ vơ, khốn cùng của con người.
Tình thương của Chúa Giêsu không phải là thứ tình mơ mộng viển vông, than mây khóc gió, nhưng là một tình thương mãnh liệt dẫn đến những hành động cụ thể. Khi nhìn thấy đám đông tất tưởi, bệnh tật, đói khát, Người lập tức an ủi, chữa lành, nuôi dưỡng. Việc Người an ủi, chữa lành, nuôi dưỡng đám đông không chỉ là những hoạt động do cảm tính nhất thời, nhưng là cả một kế hoạch rộng lớn, lâu dài. Chính vì thế, Người đã chọn mười hai Tông đồ, huấn luyện, sai họ đi nối tiếp sứ mệnh của Người.
Với bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn dạy tôi ba bài học.
Bài học thứ nhất: hãy biết nhìn người khác bằng ánh mắt cảm thông. Ở Việt Nam phong trào đô thị hoá ngày càng mạnh. Các thành phố ngày càng phình ra vì dân cư từ quê đổ ra tỉnh tìm đường làm ăn sinh sống. Thành phố trở nên đông đúc chật chội. Người sống trong thành phố đang trở thành những con số vô danh, chìm mất giữa đám đông vội vã. Không ai biết ai. Không ai nhìn ai. Không ai quan tâm tới ai. Vì ai cũng bận lo cho bản thân mình. Hãy nhìn các đám đông trong chợ búa, ở trường học, ở công sở. Hãy quan sát đám đông trongvùng kẹt xe hay ở ngã tư đèn đỏ. Có biết bao linh hồn cô đơn buồn khổ. Có biết bao thể xác đang bị bệnh tật bào mòn. Có biết bao trái tim đang tan nát vì thất vọng. Hãy nhìn và hãy cảm thông như Chúa Giêsu nhìn đám đông và cảm thương họ.
Bài học thứ hai: hãy có một trái tim biết cảm thương. Đời sống ngày càng vất vả. Nhu cầu ngày càng nhiều. Vì thế con người ngày càng ích kỷ, chỉ lo cho bản thân hoặc gia đình mình. Chính vì thế trái tim thường dễ khép lại, trở thành lạnh lùng, xơ cứng. Khi trái tim xơ cứng, ta không thể đón nhận được những thông tin từ ánh mắt đem lại. Và con đường từ ánh mắt đến trái tim trở thành muôn trùng diệu vợi. Hãy mở lòng ra. Hãy biết rung động. Hãy để lòng mình thổn thức nỗi đau của người. Hãy biết khóc thương những số phận hẩm hiu. Hãy âu lo cho những cuộc đời bế tắc. Hãy để cho niềm cảm thương dâng tràn trái tim như trái tim Chúa Giêsu đã cảm nghiệm.
Bài học thứ ba: công cuộc truyền giáo phải bắt đầu bằng tình thương. Đức Chúa Cha, vì cảm thương thân phận tội lỗi đau khổ của loài người đã sai Chúa Giêsu xuống trần gian. Chúa Giêsu, vì cảm thương đám đông tất tưởi, bơ vơ, đã sai các môn đệ ra đi, tiếp tục sứ mệnh gieo rắc tình thương khắp nơi. Việc truyền giáo như thết là kết quả của lòng thương yêu vô biên của Thiên Chúa. Tình yêu thương khởi đầu nơi trái tim Thiên Chúa phải được tiếp nối, đẩy mạnh, nhân rộng trong cuộc đời. Vì thế người làm nhiệm vụ truyền giáo không bắt đầu bằng rao giảng, cũng không bắt đầu bằng cử hành bí tích mà phải bắt đầu bằng yêu thương. Cứ yêu thương rồi tình yêu sẽ hướng dẫn ta biết phải làm gì.
Tất cả chúng ta là những người con của Chúa. Tất cả chúng ta được Chúa mời gọi làm nhân chứng cho Chúa. Ta hãy học theo gương của chúa Giêsu biết nhìn người khác với ánh mắt cảm thông, biết cảm thương những con người đau khổ. Như thế chúng ta đã bắt đầu làm việc truyền giáo rồi.
Lạy trái tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, xin uốn lòng con nên giống trái tim Chúa. Amen.
III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU
1) Bạn có để giờ nhìn kỹ những người thân trong gia đình không? Bạn có thực sự hiểu hết những uẩn khúc trong tâm hồn những người thân yêu không?
2) Mỗi khi gặp một hoàn cảnh đáng thương, bạn có cụ thể làm ngay một việc gì để giúp đỡ không?
3) Sống chan hoà yêu thương là truyền giáo. Bạn nghĩ gì về điều này?