CARITAS PHAN THIẾT TỔ CHỨC HỘI THẢO VỀ “CHĂM SÓC VÀ CHỌN GIỐNG LÚA”

Thứ hai - 16/11/2020 01:36
CARITAS PHAN THIẾT TỔ CHỨC HỘI THẢO VỀ
“CHĂM SÓC VÀ CHỌN GIỐNG LÚA”


hình ảnh

“ Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”

Trong bữa ăn của người Việt không thể thiếu bát cơm gạo dẻo thơm ngon. Ăn một bát cơm mà thấy vị ngọt của cả quê hương. Bởi vậy, có thể nói cây lúa không chỉ có giá trị về vật chất mà còn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam.
Cây lúa gắn bó thân thiết với người dân Việt Nam, cách riêng với người dân đồng bào thiểu số, hạt lúa có thể được ví như hạt ngọc. Vì đến những ngày lễ tết hạt lúa (lúa mẹ) là một sản phẩm không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ông bà. Thế nhưng, người dân ở đây trồng lúa vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào phân thuốc hóa học, mật độ xạ quá dày dễ làm cho cây lúa chết hoặc phát triển không mạnh, dẫn đến làm cho năng suất không cao. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân thuốc hóa học nhiều còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân cũng như nguồn nước. Nhận thấy được những vấn đề cấp bách ấy, ban Caritas Phan Thiết đã tổ chức các buổi tham quan thực địa tại thôn Suối Máu - xã Tân Hà, thôn Tân Quang - xã Sông Phan vào các ngày 11-12/11/2020, chúng tôi đã đi thăm các mô hình chăn nuôi, trồng trọt để có thể xác định được tiềm năng của mỗi thôn, đồng thời chúng tôi cũng đã tổ chức buổi hội thảo về “ cách chăm sóc và chọn giống lúa” tại thôn Boon Thớp – xã Phan Sơn, vào ngày 13/11/2020. Tham dự buổi hội thảo có sự hiện diện của Bác Ngô Tiến Dũng – Giám Đốc Trung Tâm Nâng cao Năng lực và phát triển Nông thôn, nguyên Phó cục trưởng cục Bảo vệ Thực vật, bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quý Soeur văn phòng Caritas Phan Thiết, chị Hồng Phúc -Phó Giám đốc Caritas Đà Lạt, các nhân viên cộng đồng, Bác K’Tim trưởng thôn K’Líp, cùng 20 nông dân nòng cốt thuộc thôn Boon Thớp và K’Lip xã Phan Sơn.

Buổi hội thảo xoáy sâu về cách chăm sóc và chọn giống lúa, đã được người nông dân tham gia tích cực. Mọi người đã cùng nhau tham gia thảo luận về các nội dung như: Thực trạng sử dụng phân thuốc bón cho cây lúa; mật độ xạ lúa hiện nay của bà con; các giống lúa mà bà con đang có; bên cạnh đó cũng cùng nhau thảo luận về các mô hình chăn nuôi. Sau những giây phút thảo luận và trình bày, Bác Dũng đã chỉ cho bà con nhận ra được những cái chưa đúng trong việc chăm sóc cây lúa, đó là mật độ xạ quá dày làm cho cây lúa dễ chết và thân cây yếu, không đẻ nhánh và hạt sẽ không nhiều, đồng thời tốn kinh phí rất nhiều. Việc nguy hiểm hơn nữa là bà con phun thuốc hóa học quá nhiều, có những hộ gia đình phun thừa từ 3-4 lần trong một vụ. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, làm cho đất chai cứng, và gây ô nhiễm nguồn nước. Với những kinh nghiệm trong công việc, Bác Dũng đã chỉ cho bà con cách gieo lúa đúng mật độ khoa học, cũng như khuyến khích bà con bón phân hữu cơ thay dần cho phân hóa học hầu có thể cải thiện dinh dưỡng cho đất, đồng thời cổ võ bà con nên lưu giữ các giống lúa truyền thống như lúa mẹ, lúa mèo…phục tráng các giống lúa mà bà con đang trồng, để có thể tạo ra một giống thuần chủng đem chia sẻ lại cho bà con trong thôn làng của mình, hầu có thể giảm được nguồn kinh phí trong việc mua lúa giống.

Kết thúc buổi hội thảo, những người nông dân rất phấn khởi vì đã được học hỏi thêm một số kiến thức bổ ích, và Ban Caritas Phan Thiết sẽ tiếp tục đồng hành, tổ chức thêm các khóa hội thảo tiếp theo chủ đề về lúa, cách thí nghiệm trồng giống lúa mới, thực hành cách phục tráng giống, thử nghiệm làm đệm lót sinh học ứng dụng trong việc chăn nuôi gà, hầu có thể giúp bà con tự phát triển nền kinh tế bền vững dựa trên những gì mình đang làm chủ.

Chia tay bà con trong niềm vui, và ước mong bà con nông dân sẽ có những mùa lúa bội thu trong mùa vụ tới.

Chúng tôi ban Caritas Phan Thiết, xin chân thành cám ơn Bác Ngô Tiến Dũng, nhà tài trợ Misereor, cùng các ân nhân đã giúp đỡ chúng tôi thực hiện được các buổi tham quan thực địa và hội thảo. Nguyện xin Chúa chúc lành và ban nhiều bình an xuống trên quý vị.

Ban TT Caritas Phan Thiết.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây