Caritas Phan Thiết Tổ Chức Hội Thảo

Thứ sáu - 23/04/2021 08:57
Caritas Phan Thiết Tổ Chức Hội Thảo: “ Nghiên Cứu Hành Động Có Sự Tham Gia Trong Phát Triển Tự Dân Về Nông Nghiệp Sinh Thái” (PAR)

hình ảnh


“ Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đó là câu trả lời khá đầy đủ của một nông dân khi được hỏi “ Người nông dân có vai trò gì trong việc làm nông?”. Thật vậy, người nông dân là người làm chủ, là những nhà nghiên cứu giỏi trên chính đồng ruộng, sản phẩm của mình, đồng thời cũng chính nông dân là người tạo ra sự thay đổi trong quá trình phát triển cộng đồng. Thế nhưng, ngày nay người nông dân trở thành nạn nhân của cuộc sống hiện đại: họ làm nông phải phụ thuộc vào phân thuốc hóa học, sản phẩm làm ra không được tự do bán theo ý của mình nhưng buộc phải bán cho các thương buôn để trả nợ. Cũng chính vì sự tiện lợi khi sử dụng phân thuốc hóa học mà họ phải gánh chịu lấy biết bao hậu quả: đất nông nghiệp trở nên thoái hóa, khô cằn, sức khỏe giảm sút, tình trạng “nợ chồng nợ” như một gánh nặng mà họ đang phải mang lấy. Các giống truyền thống đang dần mất đi, thay vào đó là các hạt giống ngoại lai với năng suất cao. Sản phẩm rất phong phú nhưng kém chất lượng. Không những thế, với nền nông nghiệp hóa chất, bản sắc văn hóa bản địa ngày càng mai một, thế hệ trẻ không còn yêu nông nghiệp, các truyền thống văn hóa mang giá trị nhân văn dường như bị lãng quên…..Nhận thấy sự nghiêm trọng và cần thiết phải tác động, thúc đẩy đến ý thức của bà con nông dân làm nông nghiệp sinh thái, cách riêng với bà con dân tộc thiểu số. Vì thế, vào ngày 20-22/04/2021, Ban Caritas Phan Thiết đã tổ chức buổi hội thảo “Nghiên cứu hành động có sự tham gia trong phát triển tự dân về nông nghiệp sinh thái” tại Giáo xứ Lương Sơn – Giáo phận Phan Thiết với sự tham gia của 25 người nông dân thuộc 4 thôn: Boon Thớp, Kalip, Suối Máu, Tân Quang cùng Quý Sơ Ban Caritas Phan Thiết.

Mục đích của buổi hội thảo nhằm trao đổi học hỏi, tìm ra được các vấn đề cấp bách trong thôn làng đang cần phải thay đổi qua việc thực hành các công cụ PAR (Participatory Action Research), hầu dựa trên các công cụ đó làm sâu sắc thêm các quan điểm về nông nghiệp sinh thái và chuyển đổi sang nền nông nghiệp do cộng đồng lãnh đạo.

Khai mạc buổi hội thảo, Sơ Maria Vân đã chia sẻ và ước mong bà con nông dân cùng nhau chung tay đi trên một con đường, cùng nhau xóa bỏ nền nông nghiệp hóa chất, và phải luôn nhớ “người nông dân phải chính là những nhà nghiên cứu giỏi trên chính mảnh đất của mình”.

Ngày thứ nhất của buổi hội thảo (20/04/2021), mọi người cùng nhau ôn lại các bước thực hiện PLD (People Led – Development Process), sau đó cùng nhau khám phá về PAR (Participatory Action Research), bốn chiều kích làm nông nghiệp sinh thái, và tùy vào tình hình của thôn làng mà chọn những chiều kích phù hợp, những câu hỏi thích hợp để khai thác và làm rõ những vấn đề khó khăn đang gặp phải trong cộng đồng.

Sang ngày 21,22/04, mọi người cùng nhau thảo luận và thực hành các công cụ PAR. Ai cũng hăng say tham gia một cách tích cực, họ nhận ra, xác định cần phải thay đổi về kinh tế, về cách làm nông hay về những đóng góp cho thôn làng của mình, những câu hỏi được đặt ra và chính người nông dân là những người trả lời câu hỏi đó, nó như xoáy sâu và làm bừng tỉnh ý thức của mọi người. Như chia sẻ của chị Mơ Dồn, chị biết vấn đề của gia đình mình là “ nợ chồng nợ”, và chị nói “năm nay con sẽ thay đổi cách canh tác, làm nông nghiệp bằng phân thuốc hóa học nguy hiểm quá, mình cũng không dám ăn sản phẩm mình làm ra”. Hay tâm sự của anh Linh – nhân viên cộng đồng thôn Tân Quang: “con đi làm với dân họ dễ thương lắm, nhưng cũng sợ lắm, vì trong thôn làng vẫn còn tình trạng bùa ngãi, họ không thích ai thì họ yếm bùa, rồi vấn nạn trộm cắp trong thôn rất nhiều, chỉ mong người nông dân mở rộng tầm nhìn, đồng thời mong các bạn trẻ có việc làm ổn định nhằm giảm bớt tình trạng thiếu văn hóa này”.

Tối ngày 21/04, có buổi chia sẻ hạt giống bản địa và giao lưu văn nghệ với nhau, nhằm thắt chặt tình anh em, tình đoàn kết và hướng đến một nền văn hóa văn minh tình thương và đầy những giá trị nhân văn.
Vào ngày cuối của hội thảo, các nông dân cùng với nhân viên cộng đồng đã lên kế hoạch cho cộng đồng mình. Tất cả các kế hoạch đều mang tính thiết thực, cụ thể và ước mong các nông dân chung tay thực hiện, cùng nhau làm nông nghiệp sinh thái hầu có thể được một cuộc sống ấm no hạnh phúc, góp một bàn tay để môi trường ngày thêm xanh, sạch và trong lành. Đồng thời, cùng nhau gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống là những nét riêng của người dân tộc thiểu số miền núi.

Nguyện xin Chúa chúc lành cho chúng con: Ban Caritas Phan Thiết, những người dân nghèo và nhà tài trợ Misereor trên mọi nẻo đường, để tất cả mọi việc mà chúng con làm đều hướng đến sự phát triển tốt đẹp và thuận tự nhiên như Chúa đã ban cho chúng con ngày từ thuở ban đầu.

Ban TT Caritas Phan Thiết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây