Có nên để kẻ chết chôn kẻ chết?

Thứ sáu - 03/04/2020 19:37

 

MỤC SUY   

Có nên để kẻ chết chôn kẻ chết?

+ Giám mục Bruno Valentin
Đình Chẩn dịch từ fr.aleteia.org

Những hạn chế trong việc cử hành tang lễ sẽ gây ra những vết thương sâu sắc. Nhưng không bao giờ là quá muộn, Đức Cha Bruno Valentin nói với chúng ta: ngay từ hôm nay chúng ta có thể làm những việc về sự sống cho người chết bằng cách kết hợp với lời cầu nguyện của toàn thể Giáo hội.

Đức Cha Bruno Valentin, Giám mục phụ tá giáo phận Versaille, Pháp, cử hành lễ an táng cho cha Marc.

Cha Marc gần 75 tuổi, tuổi nghỉ hưu cho các linh mục, ít nhất là nghỉ những trách nhiệm chính theo kế hoạch. Nhưng trên hết, cha Marc muốn kéo dài thêm một năm nữa trong tư cách là cha xứ, để Ngài có thể kỷ niệm 50 năm chịu chức linh mục khi đang còn hoạt động bình thường, vì sức khỏe cho phép Ngài dự tính như thế. Không may, tuần trước, Cha Marc qua đời, cũng là nạn nhân của Covid-19, chỉ sau bốn mươi chín năm linh mục, trong đó có 32 năm là cha xứ của các giáo xứ khác nhau ở tỉnh Yvelines.

Đám tang bị cách ly

Sau 32 năm chăm sóc giáo dân, ngay trong thời gian bị cách ly, dường như không quá khó để hình dung có hai người trong số họ có thể đến đưa tang Ngài ở quận bên nơi chôn cất người thân của Ngài. Vì vậy, tôi đã xin lãnh đạo quận theo nghĩa này: ông từ chối rất tiếc, nhưng kiên quyết. Khung pháp lý có hiệu lực rất rõ ràng: chỉ có người thân gia đình mới được phép đi dự đám tang, tối đa 20 người. Do đó, tôi đã cử hành Thánh lễ an táng Cha Marc với sáu thành viên trong gia đình Ngài, dù sao cũng được hai linh mục của giáo phận được ủy quyền đại diện cho các linh mục khác "nhân danh việc thay thế công việc không thể khác".

Việc chôn cất này cuối cùng cũng giống với hàng ngàn người chết khác ở Pháp hiện nay. Vài ngày trước đó, một linh mục khác từ giáo phận chúng tôi đã tổ chức lễ tang cho thân phụ của Ngài, một mình Ngài trong nhà thờ, đối mặt với quan tài.

Từ khi con người là con người

Cuộc khủng hoảng y tế đặc biệt mà chúng ta đang rơi vào sẽ còn nhiều hậu quả, mà phần lớn chúng ta chưa lường hết được. Nhưng rõ ràng là những hạn chế được đặt ra cho đám tang sẽ là nguồn gốc cho những vết thương sâu sắc. Có nỗi đau, sự tức giận, thậm chí là sự hiểu lầm về thời điểm này. Và sau đó là ký ức bị xáo trộn lâu dài bởi thực tế là người ta không thể ở đó để nói một lời tạm biệt cuối cùng, thậm chí còn tồi tệ hơn khi không có lời từ biệt nào cả, vì không thể cử hành bất kỳ nghi thức nào. Bởi vì các quy định hạn chế thường chồng chéo nhau, tạo ra sự nhầm lẫn và đối xử bất bình đẳng: ngoài cái khung cứng nhắc mà các cơ quan công quyền đặt ra còn thêm các hạn chế phong tỏa, các biện pháp phòng ngừa y tế và đây đó còn có thêm các quy định bên lề nhân danh nguyên tắc phòng ngừa.

Nhiều người đã nói lên sự nghiêm trọng của những gì đang bị đe dọa: các nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần, nhà xã hội học hoặc nhà nhân học đưa ra nhiều biên niên sử để nhớ lại rằng nghi thức tang lễ đã tồn tại từ khi con người là con người, rằng đó là một yếu tố quyết định của tang chế, và chúng không thể bị giản lược thành một tham số sức khỏe hành chính đơn giản mà không gây ra thiệt hại nặng nề.

«Hãy thảo kính cha mẹ »

Kinh Thánh nói không hơn không kém, điều làm cho việc chăm sóc cho người chết trở thành một nghĩa vụ thiêng liêng, thậm chí còn hơn cả đối với cha mẹ của mình, đó là một phần mở rộng rõ ràng của giới răn : "Hãy thảo kính cha mẹ"(Xh 20:12), trong bản Thập Điều và trước hết là kèm theo một lời hứa như Thánh Phaolô đã chỉ ra: "Như vậy, bạn sẽ được hạnh phúc và bạn sẽ có một cuộc sống lâu dài trên trái đất"(Eph 6: 2- 3).

Trong số các gương mặt lớn trong Kinh Thánh, cụ già Tobia chắc chắn là người thể hiện tốt nhất giới răn này, khi ông giữ uy tín cho công lý trước hết bằng cách gắn bó với việc mai táng người chết xứng với phẩm giá, dù phải trả bất cứ giá nào: bất chấp lệnh cấm đoán của vua Assyria Sennacherib, cũng như những lời nhạo báng của hàng xóm, ông không ngại mạo hiểm mạng sống mình để chôn cất bất kỳ thi thể nào bị bỏ rơi mà người ta báo cho ông (x. Tb 1-2) .

Sau đó, Truyền thống Giáo hội đưa việc chôn cất người chết vào kinh Thương Xác Bảy Mối, đối xứng với Thương Linh Hồn Bảy Mối hệ tại ở cầu nguyện cho người sống và người chết. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, trong Thông Điệp Được Cứu Rỗi Nhờ Hi Vọng (Spe Salvi), đã không ngần ngại chỉ ra trong lời cầu nguyện đặc biệt này «một yếu tố quan trọng của khái niệm hy vọng Kitô giáo: Hy vọng của chúng ta luôn luôn là hy vọng cho người khác; chỉ như thế mới thực sự là hy vọng cho tôi"(số 48).

"Hãy để người chết chôn người chết"

Trong dàn đồng ca này, dường như có một tiếng nói bất đồng trước: đó chính là tiếng nói của Chúa Giêsu. "Một môn đệ nói với Ngài: "Lạy Thầy, cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước". Chúa Giêsu nói với anh: "Anh hãy theo tôi và để kẻ chết chôn kẻ chết" (Mt 8: 21-22). Có thể nói câu trả lời thật là sống sượng ! Ít nhất, quận trưởng của tôi nói rằng ông rất tiếc vì không thể cho phép giáo dân đến dự đám tang của Cha Marc ...

Origen đã cố gắng làm sáng tỏ cái nhìn xem ra vô nhân đạo này bằng cách nói rằng : "Chúa Giêsu không ngăn cản việc chôn cất người chết, nhưng Ngài thích người làm cho người ta sống hơn". Làm cho sống quan trọng hơn là chôn cất. Do đó, không phải là bất hợp pháp khi phải từ bỏ nó, nếu đó là để bảo vệ sự sống, bắt đầu vì sức khỏe của tất cả mọi người.

Khung cảnh Chúa Giêsu nói câu đó trước tiên không phải là vấn đề y tế, cần phải cách ly. Trong cuộc đối thoại mà thánh Luca tường thuật tương tự này, Chúa Giêsu xác định: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Phần anh, hãy đi loan báo Triều đại Thiên Chúa" (Lc 9, 60). Do đó, nó mở ra một thế giới bên kia: Vì thế, vượt trên nhiệm vụ quan trọng phải chôn người chết, có một chân trời tối thượng, đó là yêu cầu của Nước Thiên Chúa. Thậm chí, hơn cả nghĩa vụ mai táng người chết vào lòng đất cho xứng phẩm giá là việc đưa họ đi vào sự sống của Thiên Chúa. Thực tế không thể hoàn thành việc đầu tiên như chúng ta muốn, thì điều đó không ngăn cản chúng ta đạt được cái thứ hai. Làm thế nào?

Không bao giờ quá muộn

Trước tiên là trở lại thiên chức làm mẹ của Giáo hội: toàn thể Giáo hội được sinh ra để sinh ra những người con trong sự sống của Thiên Chúa. Đây là lý do Giáo hội tồn tại, với vai trò của mình trong suốt cuộc đời chúng ta. Các nghi thức giữa bí tích rửa tội và tang lễ đối xứng nhau nhắc nhở chúng ta: dấu chỉ của nước, ánh sáng hoặc thánh giá muốn nói rằng khi cầu nguyện cho người chết thì Giáo hội đang sinh ra họ trong sự sống đời đời nơi mà họ đã được rửa tội. Như thế, không nhất thiết phải có mặt 20 người trong một đám tang để công nghiệp sự sống này được hoàn thành: "Thật vậy, khi hai hoặc ba người họp nhau nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ" ( Mt 18,20) chính Đấng hằng sống đã hứa cho chúng ta như vậy (x. Kh 1:18).

Hơn nữa, công việc này không lệ thuộc vào những hạn chế về thời gian hay không gian. Mầu nhiệm các thánh thông công ‘chọc cười’ lệnh cách ly ! Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI còn nói rằng: "Đời sống chúng ta đều ở trong sự hiệp thông sâu sắc với nhau, qua biết bao nhiêu những giao tiếp, chúng được liên kết lại với nhau. Không ai sống một mình. Không ai phạm tội một mình. Không ai được cứu độ một mình. Đời sống của người khác tiếp tục tuôn đổ trên tôi: trong suy nghĩ, lời nói, việc làm và thành tựu. Và ngược lại, đời tôi cũng tuôn đổ trên những người khác: dù tốt hay xấu. Do đó, lời cầu nguyện tôi dâng cho người khác không phải là một cái gì xa lạ hay ngoại tại với người ấy, dù cả sau khi chết.

Trong tương quan Hữu Thể, lòng biết ơn đối với người khác, lời kinh tôi dâng cho họ, có thể đóng một vai trò nhỏ trong tiến trình thanh tẩy của họ. Và nhờ vậy, không cần phải hoán đổi thời giờ thế gian thành thời giờ của Chúa : trong mầu nhiệm hiệp thông của các linh hồn thời gian trần thế đã vượt qua. Không bao giờ được coi là quá trễ để chạm đến trái tim của người khác, và cũng không bao giờ là vô ích» (Số 48).

Không bao giờ là quá muộn: kể từ hôm nay, tôi có thể làm những việc sự sống cho người quá cố, cho những người thân của tôi cũng như cho tất cả những người mà không ai nghĩ tới, bằng cách hợp nhất với nhau trong lời cầu nguyện của toàn thể Giáo hội cho họ. Mai đây, khi thời gian cách ly kết thúc, chúng ta sẽ còn thời gian gặp nhau để đưa họ vào kinh nguyện Thánh Thể. Không, không bao giờ là quá muộn.

Nhìn lên ngôi sao biển

Hôm nay cũng như ngày mai, chúng ta tìm thấy nơi Đức Maria một chỗ dựa vững chắc cho niềm hy vọng của chúng ta, cho chúng ta- những người đang còn chèo chống trong cơn bão cũng như cho những người quá cố đã đi đến cuối cuộc hành trình (Spe salvi, 49):

Ngôi Sao Biển: Đời người là một hành trình. Hướng đến đích điểm nào? Làm sao chúng ta tìm được lối đi? Cuộc đời như một hải trình trên đại dương lịch sử, thường tối tăm và giông bão, một hành trình trong đó chúng ta tìm kiếm những ngôi sao dẫn đường. Những ngôi sao chân thật trong đời sống chúng ta là những người sống ngay thẳng. Đó là những ánh sáng của hy vọng. Chắc chắn, Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng thật, là mặt trời đã lên cao vượt trên tất cả các bóng tối lịch sử. Nhưng muốn đến được với Người, chúng ta cũng cần đến những ánh sáng gần bên – là những người đang phản chiếu hào quang của Ngài và dẫn đường cho chúng ta. Còn ai hơn được Đức Maria, là ngôi sao hy vọng cho chúng ta? 

 

Nguồn: phatdiem.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây