Hồng Thủy - Vatican News
Đức quốc xã chiếm đóng Roma từ ngày 10/9/1943 cho đến ngày 4/6/1944, khi thành phố này được quân Đồng minh giải phóng. Trong khoảng thời gian chín tháng đó, khoảng mười ngàn đến mười lăm ngàn người Do Thái phải đối mặt với sự đàn áp và gần 2.000 người Do Thái, bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên, đã bị trục xuất và sát hại.
Mặc dù một số thông tin được công bố lần đầu tiên vào năm 1961, nhưng tài liệu đầy đủ, đặc biệt là danh sách những người ẩn náu trong các cơ sở Công giáo, đã bị coi là bị thất lạc. Tài liệu mới được phát hiện có đề cập đến hơn 4.300 người được 100 dòng tu nữ và 55 dòng tu nam che giấu trong thời kỳ bắt bớ.
Trong số 4.300 người được đề cập đến, có 3.600 người được xác định tên. So sánh với các tài liệu trong kho lưu trữ của Cộng đồng Do Thái ở Roma, 3.200 người trong số này là người Do Thái.
Danh sách các cơ sở Công giáo và số người mà họ che chở đã được một nhà sử học công bố vào năm 1961, nhưng danh sách tên của họ mới được tìm thấy.
Ngoài ra còn có thông tin về nơi ẩn náu của 3.200 người Do Thái và trong một số trường hợp, nơi họ sống trước cuộc đàn áp của Đức Quốc xã.
Bộ tài liệu này được biên soạn từ tháng 6/1944 đến mùa xuân năm 1945 bởi Cha Gozzolino Birolo, một tu sĩ Dòng Tên người Ý. Các tài liệu này đã được trình bày tại một hội thảo ở Bảo tàng Shoah ở Roma vào ngày 7/9/2023. (CNA 07/09/2023)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn