Thứ Tư tuần 24 thường niên
Thứ ba - 19/09/2023 04:19
Lời Chúa: Lc 7, 31-35
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng: "Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa. "Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc".
Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: "Người bị quỷ ám".
Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: "Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi".
Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình".
Suy niệm 1: Lũ trẻ ngồi ngoài chợ
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Đức Giêsu ví những người thuộc thế hệ của Ngài
với lũ trẻ ngồi chơi ngoài chợ (cc. 31-32).
Các nhóm chơi với nhau, í ới gọi nhau.
Một nhóm bày ra trò chơi đám cưới,
thổi sáo, thổi kèn để mong nhóm kia nhảy múa.
Nhưng nhóm kia đã không tham gia.
Sau đó nhóm này bèn chơi trò đám ma, hát những bài ca buồn não nuột.
Nhưng nhóm kia vẫn chẳng khóc than thương tiếc.
Hẳn là chẳng vui gì khi có sự thụ động, lạnh nhạt như vậy.
Dụ ngôn trên đây nói đến một số người khó chiều, bướng bỉnh.
Dù thế nào thì họ cũng đứng ngoài, không chịu nhập vào cuộc chơi.
Họ chẳng thích cả trò đám ma lẫn đám cưới.
Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói đến những người ở thời của Ngài.
Họ có nét tương tự như lũ trẻ ngồi ngoài chợ.
Khi Gioan Tẩy giả đến mời gọi họ sám hối ăn năn,
đời sống khổ hạnh của vị ngôn sứ này đã khiến họ từ khước (Lc 7, 30).
Đơn giản vì họ không thích khóc than hay hoán cải.
Gioan ăn chay nên không ăn bánh, không uống rượu (c. 33).
Lối sống của ông phù hợp với lời ông giảng về việc Nước Trời gần đến.
Nhưng lối sống khác thường ấy lại bị xem là một triệu chứng tâm thần.
Người ta đã coi ông là bị quỷ ám,
nên ít người tin vào lời giảng của một người như thế.
Khi Đức Giêsu đến với thế hệ này,
Ngài đã không mang dáng dấp của một ẩn sĩ nơi hoang địa.
Ngài đã sống như một người bình thường, ăn uống bình thường.
Lối sống của Ngài phản ánh Tin Mừng Ngài rao giảng,
một Tin Mừng đem lại niềm vui và sự giải phóng.
Những bữa ăn trong đời Ngài đóng một vai trò quan trọng.
Ngài ngồi ăn với những người bị xã hội loại trừ như người thu thuế.
Ngài đón nhận vào bàn ăn cả những tội nhân cần tránh xa.
Chính trong bầu khí vui tươi, ấm áp của bữa ăn
mà họ cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa.
Tiếc thay, Ngài cũng bị từ khước như Gioan,
bị coi là kẻ chỉ biết ăn với nhậu (c. 34).
Cả Gioan lẫn Đức Giêsu đều bó tay trước sự cố chấp của thế hệ này.
Cả hai người, với hai lối sống nghịch nhau, cũng không chiều được họ.
Khi sợ thay đổi chính mình, ai cũng có thể tìm ra được lý do để biện minh.
Khi cố chấp và ngụy biện để khỏi phải đối diện với chân lý,
con người chẳng được tự do.
Nguy cơ của con người mọi thời vẫn là ở lại trong tình trạng trẻ con ấu trĩ.
Làm sao để con người hôm nay có thể nghe được tiếng kêu của Gioan,
mời gọi người ta thay đổi cuộc sống bằng cách chia sẻ (Lc 3, 10-14)?
Làm sao thái độ bao dung của Đức Giêsu
ảnh hưởng trên một thế giới còn nhiều hận thù, chia rẽ, loại trừ nhau?
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau
trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.
Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng vào thiện chí của nhau.
Khi cộng tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.
Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.
Lạy Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.
Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,
xin cho chúng con được triển nở không ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.
Suy niệm 2: Trẻ thơ và trẻ con
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Chúa Giê-su khen ngợi trẻ thơ. Mời gọi ta phải nên như trẻ thơ. Để được vào Nước Trời. Nhưng Chúa dạy ta đừng cư xử như trẻ con. Trẻ con tính khí thất thường. Đòi hỏi theo ý mình. Không vừa ý là phá bĩnh. Không đón nhận người khác. Không cần lý lẽ. Chỉ theo cảm tính. Không hoà hợp với mọi người. Không thích trò chơi đám cưới thì nhất định không nhảy múa, dù bạn bè đã trổi đàn cất hát. Không chịu chơi trò đám ma thì nhất định không than khóc, dù cuộc chơi đã khởi sự tấu bài chia ly buồn thảm.
Người lớn mà cư xử như trẻ con thường hỏng việc. Hỏng cả đời. Nhưng nguy hại nhất là hỏng đời đời. Người Do thái bao năm chờ đợi Đấng Cứu Thế đến. Nhưng Chúa sai Gio-an đến dọn đường họ cũng không chấp nhận. Chính Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa đến họ cũng chối từ. Vì họ không muốn theo ý Chúa. Vì họ theo ý riêng. Không có lý lẽ gì hết. “Thật vậy, ông Gio-an Tẩy giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: “Ông ta bị quỷ ám”. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”.
Thư Cô-rin-tô mời gọi ta phải lớn lên. Đặc biệt trong đời sống thiêng liêng. Đừng mãi mãi là trẻ con: “Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con”. Thành người lớn là biết phân định điều gì là quan trọng, cốt thiết trong đời sống. Như thánh Phao-lô dạy: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”. Đức mến sẽ giúp ta gặp được Chúa. Và sống hài hoà với anh em. Vì thế phải ưu tiên thực hành đức mến (năm chẵn).
Nhưng điều quan trọng nhất là nhận biết Chúa Giê-su Ki-tô. Đây là “mầu nhiệm cao cả của đạo thánh”. Nhưng việc nhận biết Chúa Giê-su thật khó khăn.Vì “Đức Ki-tô xuất hiện trong thân phận người phàm”. Sinh sống, ăn uống, giao tiếp với mọi người và như mọi người. Vì thế khó được chấp nhận như một Đấng Cứu Thế. “Người được Chúa Thánh Thần chứng thực là công chính; được các thiên thần chiêm ngưỡng”. Vì thế để nhận ra Người cần có ơn Chúa Thánh Thần. Để có ơn Chúa Thánh Thần, cần có tâm hồn trẻ thơ. Tâm hồn trẻ thơ như thiên thần. Sẽ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Sẽ nhận ra Đức Ki-tô (năm lẻ).
Cần phải lớn lên. Thoát khỏi thói trẻ con bướng bỉnh. Để có tâm hồn trẻ thơ ngoan ngoãn. Biết mở lòng ra với ơn thánh.
SUY NIỆM 3: “CẬP NHẬT THIÊNG LIÊNG” − LM. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Khi dùng cụm từ “cập nhật thiêng liêng”, tôi không có ý nói đến việc cập nhật kiến thức về linh đạo, nhưng tôi muốn nói đến việc cập nhật những hoạt động của Thiên Chúa, cập nhật những tâm tình của Thiên Chúa dành cho con người.
Chương 7 của Tin Mừng Luca nói đến ông đại đội trưởng dân ngoại tin vào Đức Giêsu, rồi đến bà góa là thành phần bé nhỏ trong xã hội Do Thái đã đón nhận được lòng chạnh thương của Đức Giêsu. Ông Gioan Tiền Hô là người loan báo và chỉ cho thấy Đức Kitô, được Đức Giêsu khen là người cao trọng nhất trong Cựu Ước, nhưng ông cũng phải tái khám phá về Ngài và được Ngài chỉ cho thấy cách Ngài thực hiện sứ vụ cứu độ nơi những người bất hạnh. Trong khi đó, những vị lãnh đạo trong dân thì từ khước Đức Giêsu: “Nghe ông [Gioan] giảng, toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính và đã chịu phép rửa của ông. Còn những người Pharisêô và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông.” (Lc 7,29-30). Đức Giêsu đã dùng hình ảnh những đứa trẻ không nhảy theo điệu sáo, không khóc cùng với bài hát tang chế để chỉ sự từ khước ông Gioan và chính Đức Giêsu nữa. Sau ví von này, Luca kể chuyện người phụ nữ tội lỗi cũng nhận biết Đức Giêsu, còn người Pharisêô tên Simon và những người cùng bàn tiệc thì lại từ khước Đức Giêsu.
Thiên Chúa vẫn đang hoạt động và có những cách thức mới để mang ơn cứu độ đến cho con người. Tấm lòng Thiên Chúa vẫn nghĩ ra những cách thức mới, những con đường mới, có khi rất táo bạo để làm điều này. Nếu không mở lòng ra để “cập nhật về Thiên Chúa”, coi Thiên Chúa thuộc về quá khứ, thì cũng không đón nhận được Thiên Chúa đang sống và đang hoạt động cho ơn cứu độ nhân loại. Điều này cũng có nghĩa là không đón nhận được ơn cứu độ từ Thiên Chúa!
SUY NIỆM 4: TIN MỪNG CÒN NHIỀU TRỞ NGẠI - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN
Tin mừng là Hồng ân vô giá để đem nhân loại tìm lại nguồn vỗi cao sang của mình. Nhưng Tin mừng đi vào giữa lòng thế giới đang bị tội lỗi bao vây, đang chìm đắm trong sự tự do hướng về cái chết, đang phải uống chén đắng cay không ngừng của cuộc sống thiếu vắng Thiên Chúa nơi cõi lòng mình. Tin mừng như ngọn đèn trước gió không ngừng bị đe dọa tắt đi bất cứ lúc nào.
Dĩ nhiên trước quyền năng của Chúa, không gì có thể diệt được Tin mừng, nhưng thánh giá vẫn là một chướng ngại trên con đường Chúa đi. Và lòng người là cái vực thẳm của tự do làm Chúa phải đặt vấn đề. “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, Chúa đau khổ biết bao với lòng dạ con người trước hồng ân cứu độ.
Một cảnh trò chơi vui đùa của đám trẻ nhỏ đã trở thành một dụ ngôn để nói lên tính lật lõng của chính những người dấn thân Chúa chọn lựa để ưu tiên loan báo Tin mừng.
Hai nhóm trẻ một bên nghiêm chỉnh hẹn hò, bên kia tỏ ra bướng bỉnh. Thiên Chúa đã làm giao ước với con dân Cựu Ước và hứa đem ơn cứu độ đến. Nhưng khi Chúa đến với hồng ân cứu độ, họ lại tỏ ra bất hợp tác và chối từ. Chẳng những chối từ mà còn chuận bị giết Ngài.
Đó là thảm trạng đáng buồn cho người do thái. Dù Gioan đến với họ như người dọn đường, họ đã khước từ và ngay vị sứ giả Chúa Cha gửi tới họ cũng chối từ, với những lý do không đâu. Họ chỉ muốn một vị cứu tinh mà họ tưởng tượng ra, làm theo ý họ.
Tuy nhiên, điều Chúa mong muốn nhất là những kẻ bé nhỏ, những người bị loai trừ và đón nhận được Tin mừng. “Lạy Cha, con chúc tụng Cha là Chúa tể trời đất, vì Cha đã dầu những điều đó đối với những người khôn ngoan thông thái, mà lại tỏ ra cho những ngườ bé nhỏ” (Lc 10:21).
Những người bé nhỏ, đơn sơ chất phác là đối tượng ưu tiên của tình yêu Chúa. Hôm nay chúng ta có biết cởi mở lòng mình một cách đơn sơ cho Tin mừng thấm nhập không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, này xưa ông Môi sê đã lãnh đạo một thế hệ Israen nô lệ vừa được giải phóng. Lúc đó Cựu Ước đã lên án họ là “thế hệ cúng lòng”, cứng dạ. Vì qu bốn mươi năm họ không ngừng chứng kiến những việc Chúa đã làm, nhưng cũng luôn luôn nổi loạn chống lại Môi sê. Hôm nay Chúa phải gọi những người đương thời đối diện với Chúa là “thế hệ” cũng cứng lòng không kém. Tình yêu Chúa thật vô biên, nhưng lòng người tự do trở nên chai đá không khác nào dãy núi cao khó vượt được.
Lạy Chúa dù bị người do thái phê bình chỉ trích Chúa đi lại ăn uống với quân tội lỗi, Chúa vẫn hạnh diễn với danh hiệu là “Con Chiên gánh tội trần gian”. Ai hiểu được lòng thương của Chúa, ai dò thấu nỗi lòng nhân khoan dung để dù bị người ta hành hạ đóng đinh, Chúa vẫn an bình xin Chúa Cha tha cho họ.
Lạy Chúa, khi con nhớ lại những hình anh Tin mưng diễn tả tình thương Chúa, con mới thấy “Trái tim hiền lành và khiêm nhường của Chúa. Chúa gọi Lê vi một người thu thuế để làm tông đồ, rồi lại vui vẻ dùng tiệc với họ... Chúa bênh vực cho một phụ nữ sắp bị ném đá vì tội ngoại tình, Chúa diễn tả lòng thương của người chủ chăn chiên đi tìm con chiên lạc. Người cha già đón đứa con hoang đàng... Chúa để cho một phụ nữ mang tiếng xấu đến khóc lóc sám hối dưới chân Chúa... Chúa th thứ và ban ngay nước thiên đàng cho người trộm cắp giết người sám hối. Chúa không chấp nhận tội lỗi, nhưng luôn luôn Chúa thương người tội lỗi.
Lạy Chúa, ước cho con luôn biết xét mình và sám hối tội lỗi của mình, biết tựa vào lòng thương của Chúa để sống cuộc đời khoan dung nhân ái với mọi người. Amen.