LINH MỤC, NGƯỜI PHỤC VỤ LỜI CHÚA BẰNG ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN VÀ SUY GẪM - Lm. Anphong Nguyễn Công Vinh

Chủ nhật - 01/12/2024 20:47
Linh mục, người phục vụ Lời Chúa
bằng đời sống cầu nguyện và suy gẫm

                       Lm. Anphong Nguyễn Công Vinh
(Thân tặng các tiến chức Linh mục GB. Nguyễn Bảo Long và Prk. Trần Anh Tú)


Trong Tông Huấn Loan Tin Mừng, Đức Phaolô VI mô tả thời đại hôm nay là thời đại con người khao khát sự trung thực, vì thế người rao giảng Lời Chúa cũng chính là người làm chứng cho Lời Chúa, cho sự thật, cho điều mình rao giảng:
“Người thời nay thích nghe các chứng nhân hơn thầy dạy, và nếu họ lắng nghe các thầy dạy, đó là vì những vị thầy này là những chứng nhân […]. Thế giới mong chờ người rao giảng Tin Mừng nói với họ về một vị Thiên Chúa mà chính người rao giảng nhận biết và quen thuộc với Người như thể thấy Đấng Vô hình”[1].

Chúa Giêsu đã cảnh báo người Do Thái về lời dạy và lối sống của những người Biệt phái là không ăn hợp với nhau. Người đã gọi họ là những kẻ mù quáng (Mt 23,25), giả hình... Họ nói mà không làm. Kẻ giả hình là người tự lừa dối mình và trở nên mù quáng về tình trạng riêng của mình, mà không nhìn thấy ánh sáng, sự thật. Giả hình tôn giáo không phải chỉ là một sự nói dối mà còn là lợi dụng tôn giáo để đánh lừa kẻ khác, để chiếm đọat lòng quý mến của họ. Người giả hình ra vẻ như hành động cho Chúa, mà thực ra họ hành động cho chính họ. Kẻ giả hình biết chọn lựa những huấn lệnh và xếp đặt chúng theo chủ đích của mình (Mt 23,24-25). Ví dụ sửa bảo anh em là một việc làm hữu ích, nhưng làm sao kẻ giả hình có thể lôi được cái xà che mắt họ đang khi họ chỉ nghĩ cách lấy cọng rơm trong mắt người anh em (Lc 7,4t; 23,3t). Đức Giêsu đã gọi họ là những mồ mả tô vôi, bên ngoài thì tốt đẹp, nhưng bên trong đầy sự hôi thối (Lc 18,9; 20,20). Người đã dùng từ ngữ Aram là hanefa, có nghĩa là kẻ hư đốn, vô đạo để gọi tên họ!
Chúa Giêsu cũng cảnh cáo mọi người là đừng nghĩ rằng chỉ có những người Biệt Phái mới giả hình, mà mọi người, đặc biệt những người giữ vai trò lãnh đạo. Những người nầy vì uy tín, danh dự, vì công việc, cũng dễ có nguy cơ giả hình. Chính thánh Phêrô cũng đã không thoát khỏi nguy hiểm này trong dịp mâu thuẫn với thánh Phaolô tại Antiokia, khiến cho Phaolô đã phải thẳng thắn nhắc nhở Phêrô rằng: lối cư xử của Phêrô là một hình thức giả hình (Gl 2,13).

Chống lại tật xấu nầy, Chúa Giêsu dạy các môn đệ hãy sống chân thật và trở thành những chứng nhân trung thực của Người: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Trong cùng nội dung nầy, thánh Gioan tuyên bố: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài” (1Ga 1,3).

Lời của Chúa Giêsu và tâm tình của thánh Gioan chính là chỉ nam cho những người rao giảng Lời Chúa. Vậy, phải làm thế nào để trở thành một chứng nhân trung thực? Thưa phải sống đời cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa.

I. Sống đời cầu nguyện

1 Liên kết với Đấng sai mình

Chúa Giêsu vẫn thường xuyên liên lạc và liên kết với Cha Người. Người cầu nguyện, chiêm ngắm và sống mật thiết với Chúa Cha, ngay cả sau những ngày truyền giáo nhọc mệt. Suốt đời, Người chỉ lo làm việc của Chúa Cha. Trong công việc không ngừng tham khảo, lắng nghe ý kiến của Chúa Cha và báo cáo cho Chúa Cha những công việc Người làm. Người đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Người và Chúa Cha là một (Ga 10,30).
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Ulcan, Đức Cha Suhard đã nêu bật tầm quan trọng của đời sống cầu nguyện và kinh nghiệm của ngài trong lĩnh vực này, ngài nói: “Càng cảm thấy sức ép của công việc, tôi càng thấy cần dành thời giờ hơn để sống với Chúa. Tôi rất tiếc vì có một số linh mục say mê công việc đến độ không còn hoặc còn rất ít thời giờ cho Chúa”. Đối với Đức Cha Suhard, thời gian đầu tiên trong ngày phải được dành cho Chúa, do đó mỗi sáng sau khi thức dậy, ngài đọc kinh nhật tụng, dâng thánh lễ sốt sắng và tiếp tục nguyện gẫm. Khi làm việc trong ngày, ngài thường nhớ đến sự hiện diện của Chúa.
Chứng từ của Đức Cha Suhard nói lên xác tín về tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong đời sống của giám mục cũng như linh mục. Linh mục là người của Chúa, người được thánh hiến cho Chúa theo gương Chúa Giêsu Kitô, điều nầy có nghĩa là linh mục cũng phải có đời sống cầu nguyện. Vì thế, như Chúa Giêsu, linh mục phải thường xuyên liên lạc với Đấng đã sai mình, tham khảo thánh ý của Người trước mọi quyết định, thường xuyên đối chiếu đời sống, hoạt động của mình với giáo huấn Chúa dạy, nhận chỉ thị của Người và báo cáo lại sau khi hoàn tất. Nhiệm vụ nói trên đòi hỏi nơi chúng ta tinh thần và đời sống cầu nguyện thâm sâu, liên tục.

2. Biểu lộ sự liên kết qua cử hành phụng vụ
            Đời sống cầu nguyện của linh mục theo nhịp của cử hành phụng vụ, đặc biệt là Thánh lễ. Chiều 18.2.1996, trong chuyến viếng thăm mục vụ tại San Salvador, Đức Gioan Phaolô II đã trở lại cầu nguyện trên mộ Đức Tổng Giám mục Oscar Romero lần thứ hai sau 13 năm. Đức cha Romero đã từng can đảm lên tiếng bênh vực nhân quyền và các Kitô hữu trong thời quân phiệt ở El Salvador và đã bị ám sát ngay trong lúc ngài cử hành Thánh lễ tại nhà nguyện của một nhà thương ở Thủ đô ngày 24.3.1980. Đức cha Romero đã bị bắn từ sau lưng và đã gục ngã trên bàn thờ, máu ngài hòa lẫn với chén Máu Thánh đã được truyền phép. Sự hy sinh của ngài là một hình ảnh diễn tả sự kết hiệp và noi gương Chúa Kitô, Linh mục Thượng phẩm.
Thật vậy, qua Bí tích Truyền chức thánh, linh mục được mời gọi trở nên giống Chúa Kitô, Thượng tế đời đời và lễ vật chí thánh của Hy tế cứu độ, như được diễn tả trong thư Do thái và nhiều văn bản khác của Tân Ước. Sự tái diễn hình ảnh ấy của Chúa Kitô được thể hiện đặc biệt khi linh mục cử hành Thánh lễ. Nói khác đi, linh mục phải diễn tả trong đời sống thiêng liêng và tu đức của mình mầu nhiệm hiệp thông với Chúa Kitô trong cuộc sống và trong hành động. Cũng vì thế, trong lễ nghi truyền chức, Đức Giám mục long trọng trao cho vị tân linh mục mệnh lệnh này: “Con hãy sống điều con cử hành, hãy thực hiện điều con cử hành trên Bàn thờ”.
Trong bối cảnh trên, khi suy niệm về những cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc ly và những điều linh mục thực hiện trong Thánh lễ, nhất là lúc truyền phép, chúng ta có thể thấy được lý tưởng cao cả mà linh mục được mời gọi thể hiện trong cuộc sống. Trước hết, tất cả các trình thuật về biến cố Chúa Giêsu lập Thánh thể đều nhấn mạnh sự kiện Chúa Giêsu cầm lấy Bánh bẻ ra. Cử chỉ này không chỉ có nghĩa là sự phân chia cho mỗi người một miếng bánh, mà trước tiên đó là thái độ hy sinh, là hy tế hiến mình của Chúa Giêsu cho Chúa Cha. Thật vậy, tấm bánh đó tượng trưng cho Thân Mình Chúa Giêsu và khi bẻ bánh, Chúa Giêsu bẻ chính Thân mình Ngài, như lời Tiên tri Isaia nói về Người tôi tớ đau khổ của Yavê: “Ngài sẽ bị đánh đập, bị bẻ gãy vì tội lỗi chúng ta”. Chúa Giêsu tự bẻ gãy chính mình trước mặt Thiên Chúa có nghĩa là Ngài vâng phục Chúa Cha cho đến chết để tái khẳng định uy quyền Thiên Chúa đã bị xúc phạm vì tội lỗi nhân loại. Thái độ hy sinh của Chúa Giêsu là một hành động yêu thương tột độ của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi. Trong ý nghĩa đó, khi cầm bánh trong tay và đọc lời truyền phép, linh mục cũng được mời gọi có cùng một tâm tình như Chúa Giêsu xưa kia: tâm tình hiến dâng trọn vẹn của một người con cho Chúa Cha, vượt thắng mọi chống cự của ý chí. Với ý thức đó, để sống điều mình cử hành, linh mục cũng phải bẻ gãy chính mình, nghĩa là giao nộp cho Thiên Chúa mọi thái độ cứng cỏi, mọi tâm tình chống đối, đồng thời trong mọi sự phải nói được như Chúa Giêsu đối với Chúa Cha: “Này Con xin đến để thực thi ý Chúa”.
Trong bữa Tiệc ly, sau khi bẻ bánh, Chúa Giêsu trao cho các môn đệ và nói: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta bị nộp vì các con”. Cha Raniero Cantalamesa đã kể lại kinh nghiệm của ngài trước 6.000 linh mục quốc tế tham dự cuộc tĩnh tâm tại Roma năm 1986: Cho đến thời gian cách đây vài năm, khi đọc lời truyền phép trong Thánh lễ : “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta bị nộp vì các con”, tôi thường nhắm mắt cúi đầu, như thể muốn thoát ly mọi cảnh vật xung quanh để chìm đắm trong Chúa Giêsu tại bữa Tiệc ly trước khi ra đi chịu khổ nạn. Chính Phụng vụ cũng khuyến khích cử chỉ như thế, bởi vì quy luật phụng vụ trước kia đề nghị linh mục cúi mình trên lễ vật và đọc thầm lời truyền phép bằng tiếng la tinh. Thế nhưng, một hôm có một linh mục giúp tôi hiểu rằng cử chỉ nhắm mắt cúi đầu như thế trong lúc đọc lời truyền phép không hoàn toàn diễn tả sự tham dự của linh mục vào biến cố đó. Thật vậy, Chúa Giêsu ở bữa Tiệc ly không còn nữa, giờ đây chỉ còn Chúa Giêsu Phục sinh; Người là Chúa Giêsu trước kia đã chết, nhưng giờ đây đang sống mãi, đó là Đức Giêsu toàn diện, vừa là đầu, vừa là thân mình kết hợp với nhau không thể tách rời. Vì thế, nếu Chúa Giêsu toàn diện đọc lời truyền phép, thì chính tôi cũng đọc với Người những lời đó, người đọc những lời truyền phép trong Thánh lễ không phải chỉ là bản thân linh mục, mà chính là Chúa Giêsu toàn diện. Người đang nói với tất cả tín hữu hiện diện trong Thánh lễ: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta bị nộp vì các con”. Kể từ ngày hiểu được điều đó, tôi không còn nhắm mắt khi đọc lời truyền phép nữa, nhưng tôi nhìn các tín hữu đang ở trước mặt tôi, hoặc nếu tôi cử hành Thánh lễ một mình, thì tôi nghĩ tới tất cả những người mà tôi sẽ gặp gỡ phục vụ trong ngày hôm ấy, như thể tôi đang trực tiếp nói với họ: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta bị nộp vì các con”.
Điều nầy nhắc nhở các linh mục và các tín hữu rằng họ không chỉ cử hành hoặc tham dự Thánh lễ mà thôi, nhưng còn phải trở thành Thánh lễ với Chúa Kitô. Đó cũng chính là ý nghĩa lời khuyên của thánh Phaolô đối với tín hữu Rôma: “Vì lòng thương xót của Thiên Chúa, tôi khuyên anh em hãy hiến dâng thân mình anh em làm lễ vật sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là sự thờ phượng thiêng liêng của anh em” (Rm 12,1). Qua đó, thánh Phaolô như muốn nói với các tín hữu rằng: Anh em hãy làm điều Chúa Giêsu đã làm, đó là hiến dâng thân mình làm lễ vật hy sinh, anh em hãy trở thành Thánh lễ. Tất cả các linh mục và các giáo dân trong Thánh lễ đều có thể nói, ít là một cách âm thầm rằng: Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta bị nộp vì các con. Lời truyền phép Nầy là Chén Máu Ta cũng có thể được hiểu theo chiều hướng trên. Từ thân mình theo Kinh thánh có nghĩa là trọn cả con người; còn thành ngữ máu bị đổ ra có nghĩa là sự chết. Khi đọc lời truyền phép như thế, linh mục cũng được mời gọi trao cả cuộc sống và cái chết của mình cho Thiên Chúa và cho anh em đồng loại. Qua việc hiến dâng thân mình, linh mục trao tặng tất cả những gì hợp thành cuộc sống: từ thời giờ, sức khỏe, nghị lực, cho đến khả năng tình thương; và qua sự hiến dâng máu mình, linh mục hiến dâng chính cái chết và những gì chuẩn bị cho cái chết, như thất bại, đau khổ, bệnh tật, kết hợp với lễ hy sinh của Chúa Giêsu để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Như thế, qua việc cử hành Thánh lễ, linh mục biểu lộ sự liên kết tòan diện với Đức Kitô.

II. Lắng nghe và suy niệm Lời Chúa

Thiên Chúa phán dạy con người, để con người có thể lắng nghe và đáp trả. Nhưng lắng nghe và đáp trả như thế nào để Lời Chúa trở thành lương thực nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta? Học hỏi để hiểu biết Lời Chúa là một điều tốt và cần thiết. Nhưng sự hiểu biết ấy sẽ không sinh ích gì nếu không biết cách lắng nghe và đón nhận Lời Chúa, nếu không biết trở thành mảnh đất tốt tiếp nhận hạt giống Lời Chúa và làm cho nó trổ sinh. Khung cảnh thuận tiện nhất để lắng nghe và tiếp nhận Lời Chúa là các buổi cử hành Phụng vụ. Trong khi cử hành Phụng vụ giờ kinh hay các bí tích, chẳng những tâm hồn chúng ta được chuẩn bị, mà chúng ta còn được bầu khí cầu nguyện hỗ trợ. Ngoài ra, chúng ta còn có thể đọc, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa bất cứ lúc nào. Tuy giản đơn nhưng cũng mang lại rất nhiều hiệu quả thiêng liêng cho cuộc sống đức tin của chúng ta. Đối với linh mục, người phục vụ Lời Chúa thì hơn ai hết các ngài phải là những người biết lắng ghe và suy niệm Lời Chúa, khắc ghi Lời Chúa vào trong cuộc sống mình và nhờ đó làmcho lời rao giảng có chất lượng và khả năng thánh hóa. Việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa được xoay quanh ba thái độ căn bản sau đây:

1. Tin tưởng lắng nghe

Chương thứ nhất Tin mừng Luca đã trình bày cho chúng ta hai cách thức lắng nghe và đáp trả Lời Chúa: một của Dacaria và một của Đức Maria. Phản ứng của hai nhân vật chính trong hai trình thuật hoàn toàn đối lập nhau. Dacaria được thiên sứ loan báo rằng Thiên Chúa sẽ ban cho ông một đứa con trai trong lúc tuổi già. Dacaria tỏ ra nghi ngờ, không tin những gì được loan báo (Lc 1,17). Còn Đức Maria thì khác hẳn, dù chưa hiểu hết những gì Thiên Chúa muốn qua lời truyền tin của Thiên sứ, Mẹ vẫn tin tưởng chấp nhận. Dacaria đã trở nên câm lặng vì sự cứng tin của mình, nên sau đó không còn khả năng để diễn tả sự gắn bó của mình vào Lời Chúa phán. Trái lại, Đức Maria đã đáp lại Lời Chúa phán bằng tất cả niềm tin: “Này tôi là tôi tá Chúa” (1,38). Lời đáp trả của Dacaria là lời đáp trả hoài nghi của một người chưa nắm bắt ý nghĩa tất cả những gì xảy ra. Còn lời thưa xin vâng của Đức Maria là lời đáp trả đầy tin tưởng của một người hoàn toàn trông cậy vào Thiên Chúa, Đấng có thể làm được mọi sự.

Thật vậy, qua thái độ lắng nghe ấy, Mẹ hoàn toàn chấp nhận lời đề nghị của Thiên Chúa. Kinh thánh định nghĩa người tôi tớ Chúa là người được Thiên Chúa ngỏ lời mời đặc biệt và giao phó cho một công việc phục vụ nhất định cho Dân Thiên Chúa. Người tôi tớ là người luôn để mắt hướng về chủ. Hướng về một cách chăm chú và khiêm nhường, để nắm bắt và mau mắn thực hiện bất cứ sự gì chủ muốn và ra lệnh.  Biết mình được Chúa yêu thương và chọn gọi, Mẹ tin tưởng vào tình thương xót ấy và để phó mặc cho Thiên Chúa quyền năng dẫn đưa trên con đường Người chọn. Tự nhận mình chỉ là tôi tớ hèn mọn, Mẹ chỉ biết nhìn về hướng Chúa và vâng phục hết lòng dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần Chúa trong việc cộng tác vào công trình cứu chuộc nhân loại. Vì thế, trong toàn bộ Kinh Thánh, duy nhất chỉ có Đức Maria xứng đáng với tước hiệu ‘Người tớ nữ của Chúa’. Mẹ đã được xếp bên cạnh các nhân vật tôi tớ của Thiên Chúa như ông Môsê, Vua Đavít và các ngôn sứ. Nhưng so với các ông này, Đức Maria được mời gọi thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt hơn nhiều: đó là làm mẹ của Đấng là Con Thiên Chúa, và do đó đòi hỏi một sự tín thác tuyệt đối. Qua người Con đó, Thiên Chúa sẽ ban cho nhân loại sự sống viên mãn và ơn cứu độ. Do đó Đức Maria sẽ được bà Isave ca tụng: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (1,35). Như thế Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa trong thân phận người tôi tớ và đã đáp trả bằng cả một cuộc đời quảng đại thực hiện tất cả những gì Thiên Chúa chờ đợi. Do vậy, Mẹ đã trở thành mối phúc lành cho toàn thể nhân loại (Lc 1,38)

2. Chăm chú lắng nghe

Về khía cạnh này, thái độ của Maria Bêtania xứng đáng trở thành gương mẫu cho việc lắng nghe Lời Chúa. Chúng ta dừng lại nơi Tin mừng Luca 10,38-42 để cùng Chúa Giêsu viếng thăm gia đình Matta và Maria ở Bêtania. Chóp đỉnh của đọan Tin Mừng nằm trong câu: “Maria đã chọn phần tốt nhất và không bị ai lấy đi” (10,42). Phần tốt nhất ấy là gì, nếu không phải là việc Maria cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. (10,39). Ngồi bên chân Chúa là kiểu nói đặc biệt Kinh Thánh dùng để nói đến việc làm môn đệ của một vị Thầy nào đó, hay chọn một vị nào đó làm Sư phụ của mình. Điều này được minh chứng qua lời tự thuật của thánh Phaolô được ghi lại trong sách Công vụ chương 22. Để kể lại quá khứ làm một tín đồ gương mẫu của Do Thái giáo, thánh nhân đã nói như thế này: “Tôi đã được nuôi dưỡng ở thành này (tức thành Tarsô), dưới chân ông Gamaliel, tôi đã được giáo dục để giữ Lề Luật cha ông một cách nghiêm nhặt” (22,3). Ông Phaolô được giáo dục kỹ lưỡng trong môi trường Do Thái giáo. Ông đã từng ngồi dưới chân ông Gamaliel tức là thụ giáo, theo học Lề Luật rồi trở thành môn đệ của vị Thầy Rabbi nổi tiếng này.

Do đó việc Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu mà nghe lời Người không hề có nghĩa đơn giản là ngồi tiếp chuyện một người thân quen từ xa đến thăm. Trái lại, cụm từ ấy nhấn mạnh việc Maria chọn Người làm Sư phụ, thụ giáo và trở thành môn đệ của Người. Bà đã công khai cùng với nhóm Mười Hai ngồi học dưới sự hướng dẫn của Người. Chúng ta cũng có thể thấy được cảnh tượng đó gây khó chịu cho những người chung quanh như thế nào. Một người phụ nữ, bỏ công việc bếp núc thường ngày của mình để ngồi hòa nhập vào nhóm Mười Hai thân tín cũa Chúa Giêsu và học đòi làm môn đệ của Người chắc chắn sẽ không được truyền thống Do Thái giáo tha thứ! Và chúng ta cũng có thể hiểu được phản ứng mạnh mẽ của những người chung quanh và thông cảm cho thái độ gay gắt của Mátta: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” (10,40). Như vậy Maria đặt mình vào hàng môn đệ Chúa Giêsu để nghe lời Người. Chúa Giêsu đã dạy những gì? Có phải Người dạy bằng những dụ ngôn dành cho đám đông dân chúng không? Chắc chắn là không, vì bản văn nói rõ: Maria chăm chú lắng nghe Lời Chúa. Rõ ràng đây không phải là giáo huấn dành cho những kẻ ở ngoài cuộc, nhưng dành cho những người ở trong cuộc, những người thân tín như nhóm Mười Hai.
Do đó, sự phong phú hay giá trị của việc lắng nghe Lời Chúa hệ tại ở chỗ Maria đã không lắng nghe Chúa Giêsu như một người ngoài cuộc, với thái độ thụ động, lơ là như nghe một câu chuyện không quan tâm gì đến cuộc sống của mình. Trái lại bà đã lắng nghe Chúa Giêsu một cách say mê như chưa bao giờ được nghe như thế, một cách thân tình như nghe một người quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Những lời Chúa Giêsu nói đang đánh động, đang liên can mật thiết đến bà, soi sáng tâm hồn bà, giúp bà khám phá ra chính mình, giúp bà trả lời những câu hỏi từ trước giờ không có lời đáp, về thân phận con người và về bản thân mình. Tóm lại, Maria ngồi bên chân Chúa là hình ảnh của người môn đệ miệt mài lắng nghe Lời Chúa mặc khải về bản thân mình, để nhận ra thân phận mình trước mặt Thiên Chúa

3. Ghi nhớ và suy niệm trong lòng

Tuy nhiên việc lắng nghe Lời Chúa không chỉ dừng lại ở việc lắng nghe, trong những khoảnh khắc hay trường hợp nào đó trong cuộc sống. Như hạt giống được gieo vào lòng đất tốt, Lời Chúa cần phải trải qua một quá trình để có thể lớn lên. Cũng thế, việc lắng nghe cần phải được tiếp nối bằng cách ghi nhớ, nghiền ngẫm, suy niệm, sắp xếp, đối chiếu những lời nói và biến cố xảy ra, cho đến khi khám phá ra ý nghĩa điều Chúa nói với chúng ta.
Lời Chúa cần được lắng nghe và ghi nhớ bởi vì những lời được nghe riêng rẽ trong từng khoảnh khắc của cuộc sống cần được nối kết lại thành một tổng thể có ý nghĩa. Như thế, sự ghi nhớ là một trong những điều kiện thiết yếu để cho việc lắng nghe Lời Chúa mang lại lợi ích cho việc tìm hiểu và thực hiện thánh ý Thiên Chúa cũng như trung thành với Người trong cuộc sống đức tin. Đó là trường hợp của Đức Maria. Thánh sử Luca đã ghi chú về Người như sau: “Còn Đức Maria thì hằng ghi nhớ mọi sự ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (2,19. 51-52). Đó là những sự gì? Có phải là những điều mà các mục tử thuật lại khi họ tìm gặp Chúa Giêsu hay những lời Chúa Giêsu đã nói trong đền thờ? Trong nguyên bản Hy Lạp thì từ này vừa có nghĩa là lời nói vừa có nghĩa là các biến cố đã xảy ra. Vậy những gì mà Đức Maria ghi nhớ chính là mọi lời đã nói và mọi sự đã xảy ra cùng với ý nghĩa của chúng, tức là mọi biến cố cùng với sứ điệp của chúng. Do đó, Đức Maria nuôi dưỡng niềm tin bằng sự hồi tưởng, suy đi nghĩ lại các biến cố và ý nghĩa của chúng. Nhờ đó, Mẹ đã có thể nhận ra sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời của mình, quảng đại tiếp nhận và làm tốt tất cả những gì Thiên Chúa đòi hỏi như phần đóng góp vào trong việc cứu độ, một tuyệt tác mà Thiên Chúa thực hiện để cứu độ trần gian.
Tóm lại, giáo huấn Tân Ước đã đề ra cho chúng ta 3 chiều kích trong thái độ lắng nghe Lời Chúa, đó là tin tưởng, chăm chú lắng nghe, ghi nhớ và suy niệm. Cả ba chiều kích được Đức Maria thể hiện tuyệt hảo trong cuộc sống gần gũi với Chúa Giêsu, Lời Thiên Chúa. Do đó Mẹ đã trở thành mẫu mực cho tất cả mọi tông đồ nhận được ơn gọi ở với Chúa Giêsu và đi rao giảng Lời Người. Thật vậy, hành trình của Đức Maria là hành trình của người môn đệ. Mẹ là người môn đệ hoàn hảo, luôn biết lắng nghe Lời Chúa và cộng tác với chương trình của Thiên Chúa qua sự vâng phục và tình mến. Trước những biến cố cứu độ được thực hiện qua cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu, Mẹ đã ghi nhớ và suy niệm trong lòng (Lc 2,51).

Lời kết

“Hai Con” thân mến,
Cha xin phép được gọi cách thân thương như thế. Một thời gian ngắn nữa, nhờ ơn Chúa và lòng yêu thương của Giáo Hội, Hai Con sẽ trở thành Linh Mục của Dân Thánh. Đây là ơn huệ tuyệt vời. Những điều Cha trình bày ở trên là để Hai Con ý thức mãnh liệt rằng mình là người đặc biệt của Chúa. Người được Chúa chọn để loan truyền Lời Chúa, làm chứng cho Tin Mừng Cứu độ, chứ không phải để làm việc như một công chức ăn lương, hay làm bất cứ việc gì khác cho thế gian, cho người này kẻ nọ. Chúa ban cho nhưng không, hãy cho lại nhưng không. Đặc biệt Cha muốn nói chúng con không thể rao giảng Lời Chúa như một MC tay cầm Ipad, hay điện thoại quẹt quẹt rồi nói huyên thuyên, văn hoa một bài dọn sẵn được cắt chỗ này dán vào chỗ nọ và cho như thế là thỏa mãn. Một bài giảng lễ hay không phải là do ăn nói văn hoa, lưu loát mà là một chia sẻ thật tình về Lời Chúa mà minh đã suy gẫm, đã cố gắng sống, thực hiện, mặc dầu chưa đạt mức. Sự chia sẻ này mới có sức thu hút và đem lại hiệu quả hoán cải cho người nghe. Mong Hai Con đọc kỹ những điều Cha trình bày ở trên, vì đó là cơ bản cho việc truyền giảng Lời Chúa. Cha làm linh mục 50 năm rồi nhưng vẫn thấy đây là một thách đố khiến mình phải cố gắng mỗi ngày. Chúc Hai Con sốt sắng lãnh nhận ơn Chúa và trở thành linh mục tốt của Chúa, của Dân thánh.
 

[1] Xem Tông Hun Loan Tin Mng s 76
 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây