GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.net


THỨ SÁU TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH Ga 21,1-14

THỨ SÁU TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH Ga 21,1-14

THỨ SÁU TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Ga 21,1-14


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan
Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau.
3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời: “Thưa không.”
6 Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.
7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.
8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”
11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.
12 Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.
14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

SUY NIỆM:
Sứ điệp: Chúa Giêsu Phục Sinh đang hiện trong Giáo Hội và trong cuộc sống mỗi người. Khi ta tin tưởng làm theo lời Chúa dạy, Chúa sẽ làm cho mọi việc được thành công ngoài sức tưởng tượng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, bao lần trong cơn gian nan thử thách, con mong ước có Chúa hiện diện bên con để nâng đỡ chở che. Những lúc thất bại hoặc cô đơn giữa đám đông cuộc đời, con mong gặp được Chúa để Chúa hướng dẫn ủi an. Con mong chờ Chúa nhưng không gặp được Chúa. Thật ra Chúa vẫn đến và hiện diện bên con mà con chẳng nhận ra Chúa, nên con vẫn còn sợ hãi, có khi thất vọng chán chường. Chúa như vắng mặt trong cuộc đời con.
Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Chúa Phục Sinh, xin cho con biết nhận ra Chúa vẫn có mặt sống động trong Giáo Hội và trong cuộc sống con mọi nơi mọi lúc, như xưa Chúa đã tỏ mình cho các tông đồ bên biển hồ Tibêria. Xin cho con hiểu rằng Chúa hiện diện để mong con đến gặp Chúa và lắng nghe Lời Chúa, để Chúa bày tỏ tình yêu quan tâm dẫn dắt và ban ơn giúp con đạt tới ơn cứu độ.
Xin cho con luôn biết lắng nghe và can trường phó thác sống theo Lời Chúa, trong lúc gặp may mắn cũng như lúc gian nan trong đêm tối của cuộc đời. Chúa vẫn lên tiếng mời gọi con, hướng dẫn dạy bảo con. Xin đừng để những nỗi đau, những day dứt, những hoang mang, những thất bại làm át đi tiếng nói yêu thương của Chúa. Xin đừng để con vì chạy theo những đam mê hoặc những lôi cuốn của cuộc đời, mà lòng trí trở nên tối tăm không còn nhận ra sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa là Đấng yêu thương và quyền năng, xin Chúa nâng đỡ Giáo Hội trong mọi nghịch cảnh và giúp cho Giáo Hội thành công trong sứ mạng truyền giáo. Amen.
Ghi nhớ: “Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn”.
TGM Giuse Nguyễn Năng

SUY NIỆM: CHÚA GIÊSU, BẠN CỦA MỖI CHÚNG TA
Các Thánh sử cho biết, sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu đã nhiều lần hiện ra: với bà Maria Macdala, với hai môn đệ trên đường Emmau, với các tông đồ. Vậy Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần như vậy để làm gì? Chúa Giêsu hiện ra với ba mục đích này thưa anh chị em:
Thứ nhất, là để chứng minh rằng Ngài đã sống lại thật, chứ không phải bị người ta ăn cắp xác như tin đồn thất thiệt của mấy anh “cán bộ” thời đó.
Thứ hai, là để chứng minh Ngài chính là Con Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian. Ngay cả các tông khi đi theo Chúa cũng còn ấp a ấp úng về niềm tin này. Thánh Phêrô có nói đúng một lần khi ông tuyên xưng “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống”, nhưng lúc đó Chúa Giêsu đang trên đỉnh huy hoàng; còn khi thấy Thầy mình điêu tàn trên thập giá thì chẳng thấy ai tuyên xưng điều ấy cả, ngoài một mình ông đại đội trưởng dám lên tiếng nói rằng: “Người này quả thật là Con Thiên Chúa”.
Thứ ba, Chúa Giêsu hiện ra là để trấn an sự sợ hãi cho các tông đồ. Họ sợ đến mức nhốt mình trong căn phóng kín cửa. Họ sợ đến nỗi khi Chúa Giêsu hiện ra thì tưởng Ngài là ma.
Chính những lần hiện ra này, đã giúp các tông đồ xác tín mạnh mẽ hơn vào Chúa Phục sinh, và can đảm ra đi rao giảng về Đức Kitô chịu đóng đinh và nay đã sống lại.
Tin mừng hôm nay cũng kể về một trong những lần hiện ra của Chúa Giêsu. Nhưng Thánh Gioan đã khéo léo trình bày cho ta thấy, Chúa Kitô phục sinh hiện ra và sống với các tông đồ như người bạn tri kỉ: rất gần gũi, rất thân thiện và rất mộc mạc: Ngài gọi các tông đồ là “các chú”, vừa khôi hài vừa thân mật. Ngài cùng ăn, cùng uống, cùng trò chuyện. Ngài làm lại những cử chỉ hết sức quen thuộc mà Thầy trò đã làm trước đây trong các bữa ăn.
Và thưa anh chị em, Chúa Giêsu cũng muốn sống với chúng ta, và muốn chúng ta sống với Ngài trong tương quan tình bạn như thế. Ngài muốn ngự với chúng ta trong các giờ cơm, giờ kinh của gia đình. Ngài muốn chúng ta trao đổi bàn hỏi với Ngài trong mọi chuyện lớn nhỏ. Ngài muốn chúng ta tâm sự sẻ chia với ngài trong những lúc vui buồn. Ngài muốn trở thành một thành viên trong gia đình của mỗi chúng ta.
Ước gì một khi chúng ta đã mạnh mẽ tuyên xưng niềm tin vào Chúa PhụcSsinh, thì đừng để đời mình quá xa cách Chúa; nhưng hãy chọn Ngài làm bạn tri kỉ của chính mình. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM: CHỈ NƠI ĐỨC KITÔ CHÚNG TA MỚI TÌM THẤY CUỘC SỐNG MỚI
Sự can đảm của Thánh Phêrô để làm chứng cho Chúa Giêsu lại được chứng tỏ ngày hôm nay trước những người mà trước kia thánh nhân rất sợ hãi. Điều này cho thấy sự kiện phục sinh đã thật sự mang lại một sự biến đổi tận căn nơi Thánh Phêrô. Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta thấy hai phản ứng khác nhau trước phép lạ và lời giảng dạy của Thánh Phêrô và Gioan. Đây là điều chúng ta thấy thường xảy ra cho Chúa Giêsu. Thật vậy, bài giảng của Phêrô và Gioan làm cho các tư tế, viên lãnh binh đền thờ và các người thuộc nhóm phản ứng cách giận dữ và chống đối; trong khi đó “trong đám người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn” (Cv 4:4). Chi tiết quan trọng thứ hai xảy ra cho Chúa Giêsu được lặp lại trong cuộc đời của Thánh Phêrô và Gioan mà được trình bày trong bài đọc 1 là “bị luận tội trước công hội”: “Hôm sau, các thủ lãnh Do thái, các kỳ mục và kinh sư họp nhau tại Giêrusalem. Có cả thượng tế Khanan, các ông Caipha, Gioan, Alêxanđê và mọi người trong dòng họ thượng tế” (Cv 4:5-6). Tuy nhiên, giống với thầy của mình, các môn đệ can đảm làm chứng cho sự thật và trong lời làm chứng của mình, Thánh Phêrô đã khẳng định một chân lý quan trọng trong tín điều của Kitô Giáo, đó là “Ngoài Người [Đức Kitô] ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4:10-12). Điều này khẳng định vị trí quan trọng của Chúa Giêsu trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, không chỉ cho sự sống đời này mà còn cho sự sống vĩnh cửu. Nếu Chúa Giêsu quan trọng như thế, liệu Ngài có chiếm được chỗ trung tâm trong ngày sống của chúng ta không?
Chúng ta tiếp tục nghe trong tuần này những trình thuật về những lần hiện ra của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài. Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ lại bối cảnh của mẻ cá lạ lùng được Thánh Luca thuật lại (Lc 5:1-11). Những chi tiết giống nhau trong hai trình thuật này bao gồm: các môn đệ đánh cá suốt đêm mà không bắt được gì, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông thả lưới, bắt được nhiều cá, Thánh Phêrô phản ứng trước mẻ cá bắt được, cá là biểu tượng của sứ mệnh của các môn đệ, và điều kiện của lưới. Bên cạnh những điểm giống trên là những chi tiết khác nhau sau: vị trí của thuyền, vị trí của Chúa Giêsu so với chiếc thuyền, bản chất phản ứng của Phêrô, điều kiện thực sự của lưới, và sự hiện diện của các thuyền khác đến giúp.
Điều làm chúng ta ngạc nhiên trong bài Tin Mừng hôm nay đó là sự kiện các môn đệ không nhận ra Chúa Giêsu dù đây là “lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 21:14). Làm sao các ông không thể nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài đã hiện ra cho họ hai lần rồi? Điều này khẳng định rằng sự sống phục sinh của Chúa Giêsu có gì đó hoàn toàn mới đến nỗi các môn đệ đã sống với Ngài ba năm và đã chứng kiến hai lần Ngài hiện ra mà không nhận ra Ngài. Điều giúp họ nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh chính là “bối cảnh rất quen thuộc” của đời sống hằng ngày của họ. Như vậy, đời sống mới trong Chúa Giêsu Phục Sinh không đưa chúng ta ra khỏi thực tại đang sống, nhưng biến đổi thực tại đó và làm cho nó trở thành nơi chúng ta gặp Ngài. Nói cách khác, những công việc chúng ta làm mỗi ngày chính là phương tiện biến đổi chúng ta và giúp chúng ta nhận ra đời sống mới trong Đức Kitô Phục Sinh.
Chúng ta cùng nhau phân tích ba phần của bài Tin Mừng hôm nay để rút ra những bài học hữu ích cho ngày sống của chúng ta. Phần 1 (Ga 21:1-3) nói cho chúng ta về hoàn cảnh và tâm trạng của Phêrô và các môn đệ sau biến cố Phục Sinh. Trong phần này, chúng ta thấy Phêrô là người “quyết định việc đi đánh cá” và các môn đệ khác hưởng ứng. Qua chi tiết này, Thánh Gioan ám chỉ đến vị trí đứng đầu của Thánh Phêrô. Chúng ta không biết lý do đằng sau quyết định đi đánh cá của Phêrô là gì. Có hai khả thể xảy ra: một là vì Phêrô muốn trở lại kinh nghiệm ban đầu, kinh nghiệm mà qua đó ông đã gặp và đáp lại tiếng Chúa Giêsu mời gọi theo Ngài hầu củng cố lại sự dấn thân của mình; nhưng cũng có thể là ông đã mệt mỏi với việc theo Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh, nên muốn trở về lại với đời sống trước kia mà ông đã bỏ để đi theo Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chi tiết quan trọng ở đây chính là họ đã nỗ lực suốt đêm hôm đó mà không bắt được gì (Ga 21:3). Hình ảnh đánh cá được đặt nằm trong bối cảnh “Chúa Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ.” Điều này ám chỉ đến việc tìm Chúa trong công việc hằng ngày. Nhưng nhiều khi chúng ta nỗ lực tìm trong “bóng đêm,” trong đêm đen của nỗ lực con người nên chúng ta không thấy. Chỉ với ánh sáng của Chúa Giêsu mang lại, chúng ta mới có thể bắt được nhiều cá. Đây là chi tiết nối kết phần 1 với phần 2.
Phần 2 (Ga 21:4-8) bắt đầu với câu: “Khi trời đã sáng.” Điều này cho chúng ta thấy chỉ trong ánh sáng sự hiện diện của Chúa Giêsu, dù là một sự hiện diện không “được nhận ra,” chúng ta mới có thể đạt được những thành quả lớn trong những công việc mình làm. Chúng ta cũng thấy trong phần này thái độ của Chúa Giêsu. Ngài bình thản đồng hành với các ông. Ngài không vội vàng trong việc tỏ mình ra. Ngài sử dụng những kinh nghiệm hằng ngày của họ để giúp họ nhận ra Ngài. Đây chính là điều chúng ta cần ý thức trong cuộc sống khi chúng ta đi tìm kiếm Chúa. Không phải là chúng ta nỗ lực tìm mọi cách để nhận ra Chúa, nhưng chính Ngài tìm mọi cách để giúp chúng ta nhận ra Ngài. Trong trường hợp này, người môn đệ được Chúa yêu nhận ra Ngài qua mẻ cá, còn Phêrô nhận ra Chúa Giêsu qua lời chứng của người môn đệ được Đức Giêsu thương mến. Chúa Giêsu dùng những người khác và các sự kiện trong cuộc sống để giúp chúng ta nhận ra Ngài. Liệu chúng ta có muốn để cho mình bị Ngài thuyết phục không?
Trong phần 3, chúng ta thấy có sự “hoà lẫn giữa cá [và bánh] được Chúa Giêsu chuẩn bị” và “cá mới bắt được” (Ga 21:9-10). Đây chính là sự hoà quyện không thể tách rời của mầu nhiệm Giáo Hội; và đây cũng chính là sự hoà quyện của “ơn Chúa” và “nỗ lực của con người dưới sự hướng dẫn của Chúa.” Trong phần này, có hai hình tượng chúng ta cần lưu ý đó là con số “một trăm năm mươi ba con” và hành động của Chúa Giêsu “cầm lấy bánh trao cho các ông.” Hình ảnh thứ nhất về “một trăm năm mươi ba con” đại diện cho tất cả các dân tộc trên thế giới. Điều này ám chỉ đến sứ mệnh và tính phổ quát của Giáo Hội: trong Giáo Hội, mọi dân tộc [mọi người] đều tìm thấy chỗ của mình. Điều này mời gọi chúng ta hãy mở rộng con tim của mình để cũng có thể khẳng định rằng: trong trái tim của tôi, ai cũng có chỗ. Hình ảnh thứ hai quá quen thuộc với chúng ta, đó là hình ảnh về Bí Tích Thánh Thể. Khi Chúa Giêsu cầm bánh và cá trao cho các môn đệ, “không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa” (Ga 21:12). Điều này có thật sự xảy ra cho chúng ta không? Nếu điều này xảy ra cho chúng ta, tại sao cuộc sống của chúng ta vẫn không có thay đổi?
Lm. Ngọc Dũng, SDB

SUY NIỆM: GIAO HÒA VỚI CHÚA
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã cho loài người lại được phúc giao hòa với Chúa, xin Chúa cho cả cuộc đời chúng ta nói lên chính mầu nhiệm mà chúng ta cử hành với tất cả niềm tin.

Giao hòa với Thiên Chúa thì không còn dính bén với tội lỗi nữa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phêrô đã nói: Chính vì Đức Kitô đã chịu đau khổ trong thân xác, nên anh em cũng phải lấy tư tưởng này làm khí giới: ai chịu đau khổ trong thân xác thì đoạn tuyệt với tội lỗi, để bao lâu còn sống trong thân xác, người ấy không theo những đam mê của con người nữa, mà theo ý muốn của Thiên Chúa.

Giao hòa với Thiên Chúa là được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, như bài đọc hai của giờ Kinh Sách đã cho thấy: Anh em đã được dìm vào nước thánh tẩy để thuộc về Đức Kitô, anh em đã mặc lấy Đức Kitô, vậy anh em đã nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tiền định cho ta được ơn làm nghĩa tử, thì cũng đã làm cho ta được nên đồng hình đồng dạng với thân xác vinh quang của Đức Kitô.
Giao hòa với Thiên Chúa thì phải tin nhận Đấng Cứu Độ Duy Nhất, Đấng đã hòa giải con người với Thiên Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc: thánh Phêrô đã dõng dạc tuyên xưng trước Thượng Hội Đồng: Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.

Giao hòa với Thiên Chúa là được quay trở về ngụp lặn trong tình yêu bao la của Chúa, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 117, vịnh gia đã kêu gọi: Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Ítraen hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Ai kính sợ Chúa hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan đã tường thuật lại việc Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ trên biển hồ Tibêria với mẻ cả lạ. Chỉ có một mình người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nhận ra Người và đã chỉ điểm cho Phêrô: Chúa đó! Chúng ta đã được phúc giao hòa với Thiên Chúa nhờ Đức Kitô. Được giao hòa rồi, chúng ta lại tiếp tục bất hòa với Chúa mỗi khi chúng ta phạm tội. Chúa đã không ngừng, và cũng chưa từng mệt mỏi: để tha thứ cho chúng ta, vấn đề là, chúng ta có nhận ra tình yêu thương bao la của Chúa, để rồi, biết quay trở về với Người hay không. Để có được trực giác bén nhạy: nhận ra Chúa ngay trong những hoàn cảnh mình đang sống, chúng ta phải duy trì tương quan mật thiết với Chúa, sống tình con thảo với Cha trên trời, bằng cách dìm mình vào trong cái chết của Đức Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Con Yêu Dấu của Người. Ước gì cả cuộc đời chúng ta nói lên chính mầu nhiệm mà chúng ta cử hành với tất cả niềm tin, như trong Lời Tổng Nguyện, mà các nhà phụng vụ đã mời gọi chúng ta trong thánh lễ hôm nay. Ước gì được như thế!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

SUY NIỆM: NHIỀU HƠN NHỮNG GÌ CÓ THỂ TƯỞNG TƯỢNG
“Hãy đến mà ăn!”.
“Điểm phân biệt lớn nhất về sự toàn năng của Thiên Chúa, là khi nghĩ về nó, trí tưởng tượng của con người triệt tiêu! Ngài luôn nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay chứng thực ý tưởng trên của Pascal. Với Chúa Phục Sinh, mọi sự có thể bắt đầu lại, có thể phục hồi, kể cả đổ vỡ, phản bội. Với Ngài, mọi sự đều có thể mới mẻ cho Phêrô, cho các môn đệ, luôn luôn ‘nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng!’.
Với một tâm trạng xót xa, ai ai cũng có xu hướng trở lại nếp cũ hầu khôi phục sự tự tin và giá trị bản thân. Với Phêrô, nếp cũ là đánh cá; vì vậy ông ra biển, rủ các bạn cùng đi. Là những người cảm thấy cũng có lỗi với Thầy nên họ dễ dàng nhập cuộc với Phêrô. Vậy mà nhóm bạn chài đáng thương ấy thật may mắn, họ gặp lại Thầy, Đấng sẽ băng bó và chữa lành những trái tim thương tổn của họ, dẫu họ chưa nhận ra Ngài.
Chúa Giêsu hiện ra, truyền cho họ buông lưới ‘bên phải’ mạn thuyền và họ bắt được rất nhiều cá. Mẻ cá này mang tính biểu tượng cao! Biểu tượng trọng tâm là Chúa Phục Sinh đang ở với họ giữa những thất bại, giữa ‘nếp cũ’; và nếu họ tự sức làm điều này bằng nỗ lực của mình, họ sẽ trắng tay; nhưng làm theo ‘cách mới’, tức là ‘theo lệnh, theo cách của Ngài’, ‘trong thời gian của Ngài’, nỗ lực của họ sẽ mang lại thành quả, ‘nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng!’.
Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một bằng chứng. Trước thượng hội đồng, Phêrô tuyên bố, Giêsu, “Tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, đã trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ!”, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca. 
Chưa hết, “Bước lên bờ, các ông thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa”. Ôi! Với Phêrô, lại là một biểu tượng! Những ánh lửa của đêm nào sống lại trong ông, lửa phản bội, lửa chối Thầy; nhưng nay, lửa xót thương, lửa thứ tha! Trong đêm đó, ông đã nói, “Tôi không biết người ấy!”; nhưng giờ đây, cũng bên bếp lửa hồng, ‘Người Ấy’ lại nói với ông và các bạn, “Hãy đến mà ăn!”. Quá đỗi thâm trầm, ‘nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng’; bởi lẽ, nó gợi lên những lời của đêm Tiệc Ly, lời từ các phép lạ bánh cá hoá nhiều, lời của những bữa ăn thắm tình Thầy, đượm tình trò.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy đến mà ăn!”. Đức Phanxicô nói, “Sự hiện diện của Chúa Phục Sinh biến đổi mọi sự: bóng tối trở thành ánh sáng, công việc phù phiếm trổ sinh hoa trái và đầy hứa hẹn, cảm giác mệt mỏi và bị bỏ rơi nhường chỗ cho một động lực mới và niềm tin chắc rằng Chúa ở cùng chúng ta. Những tâm tình này đã làm sinh động Giáo Hội, cộng đồng của Đấng Phục Sinh. Thoạt nhìn, đôi khi có vẻ như bóng tối của sự dữ và vất vả của cuộc sống chiếm ưu thế, nhưng Giáo Hội biết chắc rằng, ánh sáng Phục Sinh vĩnh cửu đang chiếu soi những ai theo Chúa. Sứ điệp vĩ đại về sự Phục Sinh truyền vào tâm hồn các tín hữu niềm vui sâu xa và niềm hy vọng bất khả chiến bại rằng, Chúa Kitô đã thực sự sống lại!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, ân sủng phục sinh không chỉ kết thúc với việc con được tha thứ; nó kết thúc với việc trái tim con và cả con người con được biến đổi!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

SUY NIỆM: “CHÚA ĐÓ!” 
Sau khi nhận tin báo từ Maria Madalêna là các ông sẽ được thấy Đức Giêsu phục sinh tại Galilê (x. Mt 28,10). Tuy nhiên, ngày và giờ thì không biết, nên trong khi chờ đợi, các ông đã tranh thủ đi đánh cá. Tuy nhiên, lần ra quân đầu tiên của các ông đã thất bại.
Thánh sử Gioan trình thuật: họ thức suốt đêm để đánh cá, nhưng tới sáng, họ vẫn trắng tay, không bắt được con cá nào!
Vì thế, họ sửa soạn giặt lưới để đi nghỉ sau một đêm vất vả cực nhọc. Đúng lúc ấy, Đức Giêsu hiện ra và đứng trên bãi biển gọi các ông với những từ rất thân thương, gần gũi: “Này các chú, không có gì ăn ư”. Khi họ đáp không có, Đức Giêsu truyền lệnh cho họ thả lưới bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá. Kết quả đúng như lời Đức Giêsu nói. Tổng tất cả là 153 con. Ngay lập tức, người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nhận ra Thầy của họ và reo lên: “Chúa đó!”.
Tin Mừng chúng ta vừa nghe, tác giả cho biết đây là lần thứ ba Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ. Tuy nhiên, lần này có những điểm đặc biệt vì ngoài việc củng cố niềm tin, chúng ta thấy có những tình tiết khác:
Thứ nhất, vâng lời Chúa thì sẽ được thành công cách mỹ mãn hơn cả suy tính của con người. Có Chúa mọi chuyện sẽ được êm đẹp. Thuyền đầy cá và lưới không rách chứng minh điều đó.
Thứ hai, qua mẻ cá lạ với 153 con, muốn nói lên các ông sẽ là lưới người như lưới cá và ơn cứu độ phải được loan đi đến với hết mọi người, mọi nơi và mọi thời.
Thứ ba, công cuộc truyền giáo là của mọi người, không riêng rẽ. Vì thế, sự hiệp nhất để cùng nhau thi hành sứ vụ là điều cần thiết. Một mình không thể chu toàn. Lưới đầy cá và phải nhờ các thuyền khác cùng kéo lên cho thấy đặc tính này.
Cuối cùng, yêu mến thì sẽ nhận ra Chúa và đi vào mối tương quan mật thiết với Ngài cách đặc biệt như Gioan.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào quyền năng của Chúa. Sống tín thác vào Ngài ngay trong những biến cố đau buồn, thất vọng nhất của cuộc đời. Sống tình hiệp nhất, yêu thương và làm chứng cho Chúa trong thời đại chúng ta hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin củng cố lòng mến và ban cho chúng con những ơn cần thiết để chúng con chu toàn trách nhiệm Chúa trao phó trong cuộc đời. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây