Thứ Bảy tuần 4 thường niên.
"Họ như đàn chiên không người chăn".
Lời Chúa: Mc 6, 30-34
Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy.
Người liền bảo các ông: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút". Vì lúc ấy dân chúng đến tấp nập đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.
Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.
SUY NIỆM 1: Dung mạo Chúa Giêsu
Manio Flajano, văn sĩ, ký giả kiêm đạo diễn người Italia, qua đời năm 1972, đã để lại những trang nhật ký thật cảm động: năm 1942, đứa con gái 8 tuổi của ông bị bệnh sưng màng óc và kéo lê cuộc sống tàn tật đó cho đến năm 1992. Nhìn đứa con mà lòng đau xót, nhưng người cha vẫn đặt tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa. Trong một trang nhật ký, ông viết: "Một người đàn ông nọ dẫn đến cho Chúa Giêsu đứa con gái bệnh tật và nói với Ngài: "Con không muốn chữa lành nó, nhưng chỉ xin Chúa yêu thương nó mà thôi". Chúa Giêsu cúi xuống hôn đứa bé mà nói: "Ta nói thật, người đàn ông này đã xin điều mà có thể cho được". Nói xong, Chúa Giêsu biến đi trong ánh sáng chói ngời bỏ lại một đám đông tiếp tục bàn tán về các phép lạ, còn các nhà báo thì cố gắng mô tả các phép lạ".
Những dòng trên đây của Flajano đưa chúng ta vào trọng tâm của Tin Mừng. Thật thế, Tin Mừng không phải là một mớ lý thuyết hay giáo điều, Tin Mừng cũng không phải là một Thiên Chúa cao xa trừu tượng. Tin Mừng thiết yếu là một con người bằng xương bằng thịt, với một trái tim dễ rung động và biết yêu thương. Ðọc lại các sách Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã không làm phép lạ như một phù thủy múa may cây đũa thần của mình, Chúa Giêsu không bao giờ làm phép lạ để làm lóe mắt thiên hạ. Phép lạ là dấu chỉ của ơn cứu độ, là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với con người, một Thiên Chúa yêu thương đến độ hóa thân làm người và sống thiết thân với con người.
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô như tóm tắt tất cả dung mạo của Chúa Giêsu trong câu nói: "Chúa Giêsu thấh đông đảo dân chúng thì chạnh lòng thương". Ðây là tất cả mạc khải về tình yêu Thiên Chúa đối với con người: thay cho một Thiên Chúa ở trên cao, thưởng phạt chí công, lạnh lùng nghiêm khắc, Chúa Giêsu đã bày tỏ cho chúng ta một Thiên Chúa đi vào lịch sử con người, một Thiên Chúa sinh ra như một em bé, một Thiên Chúa có trái tim cảm thông và tha thứ, một Thiên Chúa gần gũi với con người, có mặt trong từng nhịp thở của con người.
Chiêm ngắm một Thiên Chúa như thế qua con người Chúa Giêsu Kitô, chúng ta cũng nhận ra được một chân lý về con người, bởi vì như Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" đã nói: Chỉ trong ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể, chân lý về con người mới được sáng tỏ. Con người bởi đâu mà đến? sẽ đi về đâu? chúng ta nhận ra điều đó trong Chúa Giêsu đã đành, mà trong Ngài, chúng ta còn phải biết sống thế nào cho phải đạo làm người. Qua cung cách của Ngài, chúng ta thấy phải đối xử thế nào với người đồng loại. Qua cuộc sống yêu thương và yêu thương đến chết trên Thập giá, chúng ta hiểu được rằng hiến thân cho tha nhân là ơn gọi của con người, chỉ có con người mới được mời gọi để sống cho tha nhân mà thôi.
Tin mừng của chúng ta là một con người, đó là Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta không ngừng được mời gọi để sống kết hiệp với Ngài, để đón nhận sức sống của Ngài và sống theo lý tưởng của Ngài. Ước gì chúng ta luôn được củng cố trong niềm xác tín rằng Ngài đang hiện diện và đồng hành với chúng ta trong từng phút từng giây cuộc sống.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Hãy nghỉ ngơi đôi chút
Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi việc các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông chẳng có thì giờ ăn uống nữa. (Mc. 6, 30-31)
Tuần làm việc đã kết thúc. Thế là ngày thứ bảy. Mặc dầu một số lớn các công nhân phải trực ca ở sở, sinh hoạt phố xá vẫn thay đổi nhịp độ kể từ năm giờ chiều thứ sáu đến tám giờ sáng thứ hai. Người ta muốn lấy hơi thở, dù rằng cứ thứ bảy và chủ nhật nào ai nấy lại thường không phải hết cả hơi, vì những công chuyện như: đi chợ mua thực phẩm, đi tiệm sắm đồ, công việc nội trợ, chơi thể thao, thăm viếng gia đình, bạn bè, họp mặt liên hoan…
Nhưng tất cả những hoạt động đầy ắp những ngày cuối tuần này thật ra có giúp ích gì cho việc nghỉ ngơi không? Phải chăng những hoạt động ấy chỉ là tiếp nối cuộc chạy đua với thời gian làm việc trong tuần? Những hoạt động này có tăng thêm sinh khí cho con người, trí tuệ và đời sống thiêng liêng của ta không? Chúng ta có thực sự đạt được việc dành cho mình những giây phút để trở về với lòng mình, mặt đối mặt với Thiên Chúa, hoặc để thưởng thức một công trình âm nhạc hay văn chương, nhờ đó ta tiến gần tới sự thật, sống có bề sâu, sống thánh thiện và mang vẻ đẹp của một con người luôn đổi mới và biết xây dựng mình? Chúng ta có biết bố trí thời giờ dành để tập thể dục giúp cho thân thể được khỏe mạnh để làm việc không?
Những việc kể lại trong Phúc âm hôm nay chứng tỏ rằng Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ của Người, sau khi đi truyền giáo về, cần nghỉ “ngày thứ bảy cuối tuần”, cần được nghỉ ngơi. Dầu rằng quanh các ông, dân chúng vẫn tấp nập, kẻ lui người tới, hỏi han thì Chúa vẫn dưa các ông lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi và có thì giờ ăn uống.
Làm việc và nghỉ ngơi thay phiên nhau vẫn là luật căn bản của con người, ai coi thường người ấy làm việc kém năng xuất, nếu không sẽ ốm đau và suy giảm tinh thần. Quá mệt mỏi, lúc nào cũng tù túng trong cùng một bầu khí, hoặc thường xuyên bận bịu với cũng một công việc, con người phải sống trong cái vòng lẩn quẩn hoặc tệ hơn, ta đánh mất ý thức về việc làm của mình.
Vậy thì “Anh em hãy nghỉ ngơi đôi chút”.
Suy Niệm 3: LÁNH SANG NƠI THANH VẮNG (Mc 6, 30- 34)
Sự quan tâm của Đức Giêsu với các môn đệ hôm nay làm cho chúng ta thấy một hình ảnh đẹp tuyệt vời về thái độ liên đới và nghĩ đến môn sinh của mình nơi vị Thầy khả ái.
Sau khi sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng, hôm nay, các ông về hối hả kể cho Đức Giêsu nghe những thành tích của mình. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã khuyên các ông: “Anh em hãy lánh đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút".
Nghỉ ngơi đôi chút, đây là cách nói thể hiện sự quan tâm của Đức Giêsu đến sức khỏe thể xác, nhưng không dừng lại ở chỗ bề ngoài, mà nó còn đi sâu xa hơn để thấy được ý nghĩa, giá trị của sự nghỉ ngơi tâm linh.
Nếu người môn đệ của Đức Giêsu quá quan tâm đến những thành quả bên ngoài, đến những kết quả bằng con số, thì e rằng họ đang bám víu vào công việc của Chúa hơn là chính Chúa, tức là cậy dựa vào những điều phụ thuộc hơn là chính yếu.
Tuy nhiên, Kinh Thánh kể tiếp, Đức Giêsu và các môn đệ đi sang bờ bên kia, nhưng khi các Ngài tới thì dân chúng đã đến trước rồi, nên Đức Giêsu đã chạnh lòng thương họ như đàn chiên không người chăn dắt, vì thế Ngài đã dạy họ nhiều điều.
Sống trong một xã hội tân tiến như hiện nay, mọi sự trở nên gần gũi khi ngôi nhà thế giới được xích lại nhờ những phương tiện truyền thông. Người ta có thể ngồi trong một căn phòng chỉ mấy mét vuông, nhưng có thể nhìn ra cả thế giới bên ngoài. Nhưng lại chớ trêu thay, những điều đó tưởng chừng như làm cho người ta gần nhau, quan tâm đến nhau hơn thì lại làm cho người ta chỉ biết nghĩ đến mình trong khi biết bao người kêu gào tình yêu, đói khát sự liên đới!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta một mặt hãy tập trung vào đời sống thiêng liêng, coi đời sống thiêng liêng như là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống đạo. Mặt khác, luôn biết quan tâm đến những người xung quanh, để lời nói và hành động của chúng ta được thiết thực khi chúng đi đôi với nhau.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết sống tình liên đới với anh chị em, nhất là với người nghèo. Xin Chúa cũng ban cho chúng con biết coi trọng đời sống nội tâm để chúng con tìm thánh ý Chúa và thực thi điều Chúa muốn chúng con làm. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 4: Đến một nơi thanh vắng
Suy niệm:
Các môn đệ trở về gặp lại Thầy Giêsu
sau cuộc hành trình tông đồ đầu tiên nhiều thú vị.
Họ cùng nhau tụ họp chung quanh Thầy
và thi nhau kể cho Thầy nghe tất cả những gì họ đã làm và đã dạy.
Thầy Giêsu thấy họ vui vì đã có thể đuổi được quỷ, chữa được bệnh.
Những ông đánh cá ít học, nói năng bỗ bã,
trở thành người rao giảng mạnh bạo Tin Mừng về Nước Trời.
Nhưng Thầy Giêsu cũng thấy nét mêt mỏi nơi khuôn mặt họ.
Các tông đồ không có giờ ăn uống vì bị đám đông bao vây.
“Anh em hãy lánh riêng ra,
đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (c.31).
Lời mời trên cho thấy mối quan tâm của Thầy đối với các môn đệ,
những người thợ cần được nghỉ ngơi cả thân xác lẫn tinh thần.
Họ cần tách mình ra khỏi đám đông, khỏi công việc,
để đến nơi hoang mạc mà tĩnh tâm.
Tĩnh tâm là nghỉ ngơi bên Thầy trong sự ấm áp của tình thầy trò,
không bị vướng bận bởi công việc phục vụ.
Tĩnh tâm là dành một thời gian để lòng mình lắng xuống,
đọc lại những biến cố đã xảy ra trong đời mình,
nhìn lại những kinh nghiệm mình đã trải qua bằng cái nhìn của Chúa,
cả những khó khăn và thất bại, những bất trung và vấp ngã…
Nhưng tĩnh tâm không phải chỉ để nhìn lui, mà còn để nhìn tới.
Các tông đồ cần vượt qua những hứng khởi nhất thời do thành công.
Họ cần trầm lắng để chuẩn bị cho những khó khăn sắp đến.
Lời mời của Thầy Giêsu vẫn đụng đến chúng ta hôm nay,
những con người tất bật, vội vã, lo âu và căng thẳng,
những con người kiệt sức vì đòi hỏi của công việc hay vì nghiện việc.
Lánh riêng, nghỉ ngơi ở nơi hoang vắng, tĩnh tâm,
đó không phải là những điều dành riêng cho giới tu sĩ.
Đó là nhịp bình thường của những người bỗng thấy mình đang bị cuốn đi,
trôi đi, mất hướng, mất chính mình, trở nên con rối ngờ nghệch.
Tuy nhiên, không dễ tìm được nơi hoang vắng, để cách ly mình khỏi công việc.
Khi Thầy và các môn đệ đến được nơi hoang vắng ưng ý,
thì chỗ đó chẳng còn vắng nữa, vì dân chúng đã đến trước rồi.
Chúng ta vẫn cứ phải tìm chỗ vắng riêng cho mình với Chúa suốt đời.
Cầu nguyện :
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Anh em hãy lánh riêng ra … mà nghỉ ngơi (Mc 6,31)
Suy niệm: Mc 6,30-34
Thật là một lời mời ân cần, tử tế mà Chúa Giêsu đã dành cho Nhóm Mười Hai Tông đồ! Dường như mọi người đều mong muốn một cái gì đó từ Chúa Giêsu: sự chữa lành, sự giải thoát, lời khuyên, thậm chí là một sự tranh luận thần học rõ ràng. Nhưng Chúa Giêsu bảo đảm rằng Người đã dành thời gian cho các tông đồ của mình để Người có thể dạy họ cách tìm thấy sự nghỉ ngơi trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Người muốn giúp họ tìm sự cân bằng phù hợp giữa việc phụng sự Thiên Chúa và để Thiên Chúa chăm sóc họ và đáp ứng các nhu cầu của họ.
Sự Cân Đối. Đó có phải là một trong những thách đố lớn nhất mà chúng ta phải đối diện? Trong một thế giới nhấn mạnh đến những thành tích và thành tựu, lời mời gọi ngồi lặng lẽ với Chúa và lãnh nhận phúc lành của Người có thể nghe có vẻ vớ vẩn và nuông chiều mình. Nhưng sự thật là mọi người cần dành thời gian ở một mình với Chúa Giêsu. Tất cả chúng ta cần phải đến với Người trong sự tĩnh lặng của tâm hồn chúng ta và để Người hướng dẫn chúng ta. Vì không có thời gian ở một mình này, chúng ta sẽ không có gì để trao tặng cho những người chúng ta đang phục vụ và chăm sóc.
Viết về việc cầu nguyện, nhà thần học Dòng Tên Hans Urs von Balthasar đã từng nói: “Bị quấy nhiễu bởi cuộc sống, kiệt sức, chúng ta tìm kiếm về một nơi nào đó để sống yên tĩnh, chân thật, một nơi để nghỉ ngơi. Chúng ta khao khát phục hồi tinh thần của chúng ta trong Thiên Chúa, chỉ đơn giản là buông mình trong Người và có được sức mạnh mới để tiếp tục sống… Trong một cánh đồng yên tĩnh, nơi đó một kho báu ẩn giấu đang chờ đợi chúng ta”.
Đừng từ bỏ kho báu đó! Hãy để cho thế giới thuyết phục bạn rằng bạn có tất cả các nguồn lực bạn cần để đối diện với những thách đố của cuộc sống! Mỗi ngày, Chúa Giêsu có những món quà đặc biệt dành riêng cho bạn – Những kho báu mà Chúa biết bạn sẽ cần khi bạn đối diện với những thăng trầm trong ngày sống. Những kho báu này có thể bao gồm một câu trong Kinh thánh mà bạn có thể chia sẻ với người thân, một vòng tay ấm áp của Chúa Thánh Thần để nâng đỡ bạn trong tình huống khó khăn hoặc một sự can đảm để giúp bạn trong cuộc chiến chống lại cám dỗ.
Vì thế, bạn hãy nhận lấy những lời tâm huyết của Chúa Giêsu hôm nay. Người đang gọi cho bạn ngay bây giờ: “Hãy đến với Ta”. Hãy dành thời gian và một nơi để bạn có thể cùng Người nghỉ ngơi, để bạn được dạy dỗ và được yêu thương.
“Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa, vì đã gọi con đến bên Chúa. Lạy Chúa, này con đây! Xin Chúa hãy đến và lấp đầy tâm hồn con”.
Theo The Word Among Us
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – song ngữ
Saturday (February 9): “Come away and rest a while”
Scripture: Mark 6:30-34 30 The apostles returned to Jesus, and told him all that they had done and taught. 31 And he said to them, “Come away by yourselves to a lonely place, and rest a while.” For many were coming and going, and they had no leisure even to eat. 32 And they went away in the boat to a lonely place by themselves. 33 Now many saw them going, and knew them, and they ran there on foot from all the towns, and got there ahead of them. 34 As he went ashore he saw a great throng, and he had compassion on them, because they were like sheep without a shepherd; and he began to teach them many things. |
Thứ Bảy 9-2 Hãy lánh ra một nơi để nghỉ ngơi một chút
Mc 6,30-34 30 Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.31 Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.32Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. |
Meditation:
What does the image of a shepherd tell us about God’s care for us? Shepherding was one of the oldest of callings in Israel, even before farming, since the Chosen People had traveled from place to place, living in tents, and driving their flocks from one pasture to another. Looking after sheep was no easy calling. It required great skill and courage. Herds were often quite large, thousands or even ten thousands of sheep. The flocks spent a good part of the year in the open country. Watching over them required a great deal of attention and care.
Stray sheep must be brought back lest they die Sheep who strayed from the flock had to be sought out and brought back by the shepherd. Since hyenas, jackals, wolves, and even bear were common and fed on sheep, the shepherds often had to do battle with these wild and dangerous beasts. A shepherd literally had to put his life on the line in defending his sheep. Shepherds took turns watching the sheep at night to ward off any attackers. The sheep and their shepherds continually lived together. Their life was so intimately bound together that individual sheep, even when mixed with other flocks, could recognize the voice of their own shepherd and would come immediately when called by name. God himself leads us like a good shepherd The Old Testament often spoke of God as shepherd of his people, Israel. The Lord is my shepherd, I shall not want (Psalm 23:1). Give ear, O Shepherd of Israel, you who lead Joseph like a flock! (Psalm 80:1) We are his people, and the sheep of his pasture (Psalm 100:3). The Messiah is also pictured as the shepherd of God’s people: He will feed his flock like a shepherd, he will gather the lambs in his arms (Isaiah 40:11). Jesus told his disciples that he was the Good Shepherd who was willing to lay down his life for his sheep (Matthew 18:12, Luke 15:4, John 10). When he saw the multitude of people in need of protection and care, he was moved to respond with compassionate concern. His love was a personal love for each and every person who came to him in need. Jesus is the Shepherd and Guardian of our souls Peter the apostle called Jesus the Shepherd and Guardian of our souls (1 Peter 2:25). Do you know the peace and security of a life freely submitted to Jesus, the Good Shepherd? In the person of the Lord Jesus we see the unceasing vigilance and patience of God’s love. In our battle against sin and evil, Jesus is ever ready to give us help, strength, and refuge. Do you trust in his grace and help at all times?
“Lord Jesus, you guard and protect us from all evil. Help me to stand firm in your word and to trust in your help in all circumstances. May I always find rest and refuge in the shelter of your presence.” |
Suy niệm:
Hình ảnh người mục tử nói gì với chúng ta về sự quan tâm săn sóc của Thiên Chúa dành cho chúng ta? Mục tử là một trong những nghề cổ xưa nhất trong nước Israel, thậm chí trước cả nông nghiệp, bởi lẽ Dân được tuyển chọn đã hành trình từ nơi này đến nơi khác, sống trong những tấm lều, dẫn dắt đàn chiên từ đồng cỏ này đến đồng cỏ kia. Việc coi sóc chiên không phải là một nghề dễ dàng. Nó đòi hỏi kỹ năng và lòng can đảm lớn lao. Chiên thường sống theo đàn lớn, hàng ngàn hay thậm chí cả mười ngàn con. Đàn chiên sống quanh năm trong vùng đất trống. Việc coi chừng chúng đòi hỏi sự chú ý và quan tâm đặc biệt. Chiên lạc phải được đưa về kẻo chúng chết Con chiên lạc đàn được người mục tử tìm kiếm và mang về đàn. Vì các con linh cẩu, chó rừng, chó sói, và thậm chí gấu rất thường ăn chiên, nên các mục tử phải chiến đấu với những con thú dữ và nguy hiểm này. Thật vậy, người mục tử phải liều mình trong việc bảo vệ đàn chiên của mình. Họ thay phiên nhau canh gác đàn chiên lúc đêm tối để ngăn ngừa bất kỳ kẻ tấn công nào. Chiên và mục tử luôn gắn bó với nhau. Cuộc đời của họ rất mật thiết với nhau đến nỗi mỗi một con chiên, thậm chí khi bị lẫn với đàn khác, có thể nhận ra tiếng của người mục tử của chúng và lập tức quay về khi được gọi tên.
Chính Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta như người mục tử nhân lành Cựu ước thường nói về Thiên Chúa như người Mục tử của dân Israel. Chúa là Đấng chăn giữ tôi, tôi còn thiếu thốn chi (Tv 23,1). Lạy Mục tử nhà Israel, Ngài là Đấng chăn giữ nhà Giuse như chăn giữ chiên cừu, xin hãy lắng tai nghe! (Tv 80,1). Chúng ta là dân Người, là đàn chiên Người dẫn dắt (Tv 100,3). Đấng Mêsia cũng là hình ảnh của người Mục tử dân Thiên Chúa: Người sẽ chăn dắt đàn chiên như người mục tử, Người sẽ tập trung cả đàn dưới cánh tay (Is 40,11). Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng Người là Mục tử nhân lành sẵn sàng hiến mạng sống mình vì đàn chiên (Mt 18,12; Lc 15,4; Ga 10). Khi Người nhìn thấy đám đông cần sự bảo vệ và che chở, Người đã động lòng trắc ẩn cho họ. Tình yêu của Người là tình yêu cá vị dành cho mỗi một người chạy đến với Người khi cần thiết. Đức Giêsu là Mục Tử và Đấng Bảo Vệ linh hồn ta Thánh Phêrô tông đồ gọi Ðức Giêsu là người Mục tử và người Bảo vệ linh hồn chúng ta (1Pr 2,25). Bạn có biết sự bình an và an toàn của cuộc sống hoàn toàn tùng phục Ðức Giêsu, người Mục tử nhân lành không? Trong con người của Ðức Giêsu, chúng ta nhận ra sự quan tâm và kiên nhẫn không ngừng của tình yêu Thiên Chúa. Trong trận chiến chống lại tội lỗi và ma quỷ của chúng ta, Ðức Giêsu luôn sẵn sàng ban cho chúng ta sự trợ giúp, sức mạnh, và chỗ nương náu. Bạn có tin cậy vào ơn sủng và sự trợ giúp của Người trong mọi lúc không? Lạy Chúa Giêsu, Chúa canh giữ và bảo vệ chúng con khỏi mọi điều ác hại. Xin giúp con kiên vững trong lời Chúa và tin cậy vào sự trợ giúp của Chúa trong mọi tình huống. Chớ gì con luôn luôn tìm được chốn yên nghỉ và ẩn náu trong sự che chở nơi sự hiện diện của Chúa. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn