CON NGƯỜI BÉ NHỎ
Một kiếp làm người thành người đã khó
Đâu dám mong cõi thánh phi thường
Xin lạy tạ trần gian khốn khổ
Biết bao giờ hết hoạn nạn tai ương.
Một kiếp làm người, không đi, cũng mỏi
Chữ nhân thường viết mãi vẫn run tay
Môi bập bẹ, sợ lời mình lầm lỗi
Làm sao đương những đại sự cao dày?
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
Quý vị và các bạn thân mến,
Con người – hai tiếng thiêng liêng đã khơi lên trong tôi biết bao suy nghĩ. Tôi yêu con người vì con người là hình ảnh Thiên Chúa. Cái hình ảnh mảnh mai ẻo lả như cánh vạc bay, mờ ảo như diễm xưa ấy, hay vóc dáng đĩnh đạc cường tráng...Tất thảy đều âm vang một tiếng gọi của tình yêu, một tiếng gọi không ồn ào nhưng hiền hòa lặng lẽ, chân thật và mộc mạc như đất dưới chân ta. Dù có lên non cao chất ngất hay chìm sâu dưới đáy biển, hình ảnh ấy vẫn nguyên vẹn tinh khôi.
Ngay ở buổi đầu sáng tạo, Thiên Chúa đã ưu ái chúc phúc cho con người, Ngài đặt vào trái tim họ khát vọng được sống và được yêu thương. Vì thế dù có đi xa mấy mươi năm, mấy mươi nghìn vạn dặm, con người vẫn cứ mỏi mòn mong ngày trở về bờ xưa bến cũ để được làm người được đắm chìm trong nguồn cội khôn nguôi. Nguồn cội ấy chính là Thiên Chúa, một tình yêu luôn ở thì hiện tại, không phân biệt quá khứ hay tương lai. Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Giêsu là tiếng gọi của sự sống, hiện thân của tình yêu. Đức Giêsu yêu con người bằng chính tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã bỏ mình hóa ra như không vì con người. Con Thiên Chúa đã đến trầm mình mang lấy cái mong manh, khờ khạo tội lụy của con người mà giương cao lên thập giá, giương cao tất cả nước mắt, nụ cười, ngu muội lẫn khổ đau để biến thành ánh sáng lung linh diệu vợi. Giây phút Đức Kitô căng mình trên thập giá là giây phút đẹp nhất và tràn ngập niềm vui. Chỉ trong giờ phút linh thiêng ấy con người và vạn vật mới thấu hiểu được lẽ của yêu thương. Có thể nói khi ta đau khổ nhất là lúc ta hạnh phúc nhất, yêu thương chân thật nhất. Hy sinh là dấu chỉ và thước đo của tình yêu. Ai đã từng khổ tận trong tình yêu, có đạt đạo trong nỗi khổ mới thể nghiệm được giá trị làm người và mới lớn lên thực sự thành người. Phải chăng đau khổ đã dìm ta xuống tận cùng của cuộc đời và Tin Mừng chỉ là những lời ủi an nhất thời. Chúng ta luôn được mời gọi làm chứng cho Chân Lý. Nhưng Chân Lý là gì? Đó là một chướng ngại lớn mà Philatô đã chất vấn Đức Kitô (x. Mt 27, 11-26). Đức Kitô để Philatô tra hỏi, chịu cho người ta bắt bớ, sỉ nhục, Ngài chỉ im lặng. Vì thế Philatô không thể biến đổi, không thể lột xác được, ông mãi mãi vẫn là Philatô với một câu hỏi lớn “Chân Lý là cái gì?” Chân Lý–một thực tại không thể lý luận, không thể giải thích được như “công án của bàn tay”. Chân Lý không phải trận đồ bát quái nhưng là một sự thật lớn lao, đó là Thiên Chúa yêu thương cứu độ con người qua Đức Kitô. Tất cả con người đều tội luỵ nhưng cao quý, vì tất cả đều được yêu thương và cứu độ nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô. Không phải chỉ có con người mà “Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8, 19).
Người Kitô hữu được mời gọi sống yêu thương bằng chính trái tim và ánh mắt của Chúa Giêsu. Yêu với một tình yêu sâu sắc như mẹ yêu con, yêu đến cùng tận của bản ngã. Hệ luận của yêu thương là ta được giải thoát, được tự do giữa đất trời mênh mang. Đức Kitô đã từng khẳng định “Chân Lý sẽ giải thoát anh em” (Ga 8, 32) là thế. Yêu thương luôn mở lối cho sự sống, sự sáng tạo mới. Trong yêu thương người ta mới dám ngước nhìn lên Thiên Chúa mà xóa đi mặc cảm tội lỗi, dám xưng với Thiên Chúa là Cha.
Con người là con đường của Giáo Hội. “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay nhất là của người nghèo và những ai đau khổ cũng là vui mừng và hy vọng ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (GS, 1). Mọi nỗ lực và hoạt động của Giáo hội đều nhằm xây dựng hạnh phúc cho con người. Ơn cứu độ của Thiên Chúa đã tiền định cho con người ngay từ thuở đời đời. Dù cho Evà không ăn trái cấm, dù cho Giuđa không bán Chúa, dù cho Phêrô không chối Chúa thì Đức Giêsu vẫn xuống trần gian để cứu độ con người. Thiên Chúa những muốn cho ta được hưởng hạnh phúc. Ngài có đủ ân sủng và tình yêu để bao bọc ta, để gìn giữ ta như gìn giữ con ngươi trong đôi mắt.
Lạy Chúa, Chúa đã đến để yêu thương và giải thoát chúng con khỏi tội lỗi và sự chết, xin cho chúng con cảm nhận được tình yêu của Chúa mà can đảm hoán cải trở về. Xin biến đổi con tim chúng con nên khiêm nhường trong sạch để sẵn sàng thay đổi chính mình nên mới mẻ trong ân sủng của Chúa. Amen.
Nt. Anh Thư
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn