03.02.2024 – Thứ Bảy Tuần IV Thường Niên

Thứ sáu - 02/02/2024 06:06

03.02.2024 – Thứ Bảy Tuần IV Thường Niên

Lời Chúa: Mc 6, 30-34

“Họ như đàn chiên không người chăn”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Maccô.

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng đến tấp nập đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài. Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

Ðó là lời Chúa. 

Suy niệm:

Các môn đệ trở về gặp lại Thầy Giêsu sau cuộc hành trình tông đồ đầu tiên nhiều thú vị. Họ cùng nhau tụ họp chung quanh Thầy và thi nhau kể cho Thầy nghe tất cả những gì họ đã làm và đã dạy. Thầy Giêsu thấy họ vui vì đã có thể đuổi được quỷ, chữa được bệnh. Những ông đánh cá ít học, nói năng bỗ bã, trở thành người rao giảng mạnh bạo Tin Mừng về Nước Trời. Nhưng Thầy Giêsu cũng thấy nét mêt mỏi nơi khuôn mặt họ. Các tông đồ không có giờ ăn uống vì bị đám đông bao vây. “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (c.31).

Lời mời trên cho thấy mối quan tâm của Thầy đối với các môn đệ, những người thợ cần được nghỉ ngơi cả thân xác lẫn tinh thần. Họ cần tách mình ra khỏi đám đông, khỏi công việc, để đến nơi hoang mạc mà tĩnh tâm. Tĩnh tâm là nghỉ ngơi bên Thầy trong sự ấm áp của tình thầy trò, không bị vướng bận bởi công việc phục vụ. Tĩnh tâm là dành một thời gian để lòng mình lắng xuống, đọc lại những biến cố đã xảy ra trong đời mình, nhìn lại những kinh nghiệm mình đã trải qua bằng cái nhìn của Chúa, cả những khó khăn và thất bại, những bất trung và vấp ngã… Nhưng tĩnh tâm không phải chỉ để nhìn lui, mà còn để nhìn tới. Các tông đồ cần vượt qua những hứng khởi nhất thời do thành công. Họ cần trầm lắng để chuẩn bị cho những khó khăn sắp đến.

Lời mời của Thầy Giêsu vẫn đụng đến chúng ta hôm nay, những con người tất bật, vội vã, lo âu và căng thẳng, những con người kiệt sức vì đòi hỏi của công việc hay vì nghiện việc. Lánh riêng, nghỉ ngơi ở nơi hoang vắng, tĩnh tâm, đó không phải là những điều dành riêng cho giới tu sĩ. Đó là nhịp bình thường của những người bỗng thấy mình đang bị cuốn đi, trôi đi, mất hướng, mất chính mình, trở nên con rối ngờ nghệch. Tuy nhiên, không dễ tìm được nơi hoang vắng, để cách ly mình khỏi công việc. Khi Thầy và các môn đệ đến được nơi hoang vắng ưng ý, thì chỗ đó chẳng còn vắng nữa, vì dân chúng đã đến trước rồi. Chúng ta vẫn cứ phải tìm chỗ vắng riêng cho mình với Chúa suốt đời.  

Cầu nguyện: 

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng. Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa. Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Người. Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được lên cao nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện. Lạy Chúa, ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con. Nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được con người thật của con và khuôn mặt thật của Chúa. Amen                            

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH

GP. PHÚ CƯỜNG

HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG

Với tác phẩm “Đọc Kinh thánh trong thời đại Phanxicô”, nhà thần học Micah Kiel đã viết: “Lòng thương xót là điều ngạc nhiên mà người ta không muốn vì nó có nghĩa là họ không có cách nào đoán trước được Thiên Chúa sẽ làm gì và Thiên Chúa sẽ làm điều đó cho ai”. Cũng trong sự ngạc nhiên này, bài viết với tựa đề “Đức Phanxicô tập trung vào Kinh thánh và lòng thương xót. Tại sao nhiều người Công giáo khó chịu?”, tác giả John W. Martens thừa nhận có một số người đã sợ hãi Đức Phanxicô và mong ngài rời đi. Một nỗi sợ hãi từ suy nghĩ cho rằng Đức Thánh cha là một “thế lực gây bất ổn”, làm lung lay những nền tảng nhất định nào đó trong Giáo huấn của Giáo hội. Nhưng chính Martens lại nhận định, việc chào đón vào Giáo hội của Đức Phanxicô, với những người bị gạt ra bên lề xã hội thuộc mọi thành phần, chỉ là để trở lại với sứ mạng và sứ vụ của chính Chúa Giêsu.

Thật vậy, Tin mừng Marcô hôm nay đã chứng tỏ tấm lòng cao cả nơi ơn gọi và sứ mạng của Chúa Giêsu. Cụ thể, Người nhạy bén thấy trước nhu cầu cần được nghỉ ngơi thể xác và tinh thần của các tông đồ, sau hành trình được sai đi thực tập loan báo nước Thiên Chúa. Thế nhưng, đứng trước sự đói khát và luôn cố gắng tìm kiếm của dân chúng, phải chăng Chúa Giêsu đã là “thế lực gây bất ổn”, khi Người và các tông đồ nhượng bộ trước nhu cầu chính đáng và khẩn thiết của dân Chúa, để “Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”? Điều mà chính Đức Phanxicô cũng khẳng định trong thông điệp Fratelli Tutti, số 67, rằng: “Đối mặt với quá nhiều đau đớn, quá nhiều vết thương, lối thoát duy nhất là trở nên giống như người Samaritanô nhân hậu. Mọi lựa chọn khác đều dẫn chúng ta đứng về phía bọn cướp hoặc về phía những người tránh sang một bên mà không thương xót người bị thương dọc đường”. Cho nên, người môn đệ đích thực của Chúa cũng hãy là một Samaritanô nhân hậu như chính Thầy Giêsu là Đấng giàu lòng thương xót.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho sự thánh thiêng hun đúc chúng con thêm nhiệt tâm mỗi ngày, để chỉ sống cho Chúa và từng bước nên giống Ngài; nhất là, xin cho chúng con có được một tấm lòng cao cả, hầu luôn mở ra cho Chúa và cho tha nhân. Amen.

#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay  #muathuongnien

Nguồn tin: www.giaophanbaria.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây