ƠN TOÀN XÁ NĂM THÁNH GIUSE
Theo Sắc lệnh mở Năm Thánh Giuse, và hướng dẫn của Tòa Ân Giải Tối Cao, 08/12/2020, xin trích trực tiếp và liệt kê 7 việc làm lãnh Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh Giuse -từ 08/12/2020 đến 08/12/2021:
“...Ơn Toàn Xá được ban trong các điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha) cho các tín hữu từ bỏ mọi quyến luyến với tội lỗi, miễn là họ tham gia Năm Thánh Giuse vào các dịp và theo cách thức được chỉ định bởi Tòa Ân Giải Tối Cao này.
-Thánh Cả Giuse, một con người đích thực của đức tin, mời gọi chúng ta khám phá lại mối quan hệ hiếu thảo với Chúa Cha, làm mới lại lòng trung thành với lời cầu nguyện, lắng nghe và đáp lại bằng sự phân định sâu xa với thánh ý Thiên Chúa.
1-Ơn Toàn Xá được ban cho những ai suy niệm trong ít nhất 30 phút Kinh Lạy Cha, hoặc tham gia vào một Khóa Tĩnh tâm tối thiểu một ngày bao gồm một bài suy niệm về Thánh Giuse.
-Tin Mừng gán cho Thánh Giuse biệt danh “Người Công Chính” (x Mt 1, 19), ngài là người giám hộ “những kín nhiệm thân mật nằm sâu trong trái tim và tâm hồn”, giữ gìn những bí ẩn của Thiên Chúa, và do đó là người bảo trợ lý tưởng của gia đình, thúc giục chúng ta tái khám phá giá trị của sự im lặng, thận trọng và trung thành trong việc hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhân đức công chính được thánh Giuse thực hành một cách gương mẫu là sự gắn bó hoàn toàn với lề luật Chúa, là luật của lòng xót thương, “bởi vì chính lòng thương xót của Thiên Chúa đã đưa công lý đích thực đến chỗ viên mãn”
2-Vì vậy, những ai theo gương Thánh Cả Giuse, thực hiện một việc thương xót thể xác hoặc thiêng liêng, đều nhận được một ơn toàn xá.
-Khía cạnh chính trong ơn gọi của Thánh Giuse là làm người giám hộ của Thánh Gia Nazareth, phu quân của Đức Trinh Nữ Maria và là thân phụ hợp pháp của Chúa Giêsu. Để tất cả các gia đình Kitô được kích thích tái tạo cùng một bầu không khí hiệp thông mật thiết, tình yêu và cầu nguyện là những điều đã được sống trong Thánh Gia,
3-Ơn Toàn Xá được ban cho những ai đọc kinh Mân Côi trong các gia đình và giữa các cặp đính hôn.
-Vào ngày 1 tháng 5 năm 1955, Tôi tớ Chúa Piô XII, đã thiết lập lễ Thánh Giuse Thợ, “với ước muốn rằng mọi người đều công nhận phẩm giá của công việc, và điều này sẽ truyền cảm hứng cho đời sống xã hội và luật lệ, dựa trên sự chia sẻ hợp lý giữa quyền lợi và nghĩa vụ”.
4-Vì vậy, Ơn Toàn Xá được ban cho bất cứ ai hàng ngày phó thác các hoạt động của mình cho sự bảo vệ của Thánh Giuse; và cho bất kỳ tín hữu nào cầu xin sự chuyển cầu của Người Thợ Thủ Công thành Nazareth xưa, để những người đang tìm công ăn việc làm có thể tìm được việc và công việc của mọi người được xứng đáng hơn.
-Cuộc lánh nạn của Thánh Gia đến Ai Cập “cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa hiện diện ở những nơi con người gặp nguy hiểm, nơi con người đau khổ, nơi con người phải chạy trốn, nơi con người phải trải qua sự từ khước và ruồng bỏ”.
5-Ơn Toàn Xá được ban cho những tín hữu nào đọc Kinh Cầu Thánh Giuse (đối với truyền thống Latinh), hoặc hát Thánh Ca kính Thánh Giuse, toàn bộ hoặc ít nhất một phần (đối với truyền thống Byzantine), hoặc đọc một số kinh nguyện với Thánh Giuse khác, phù hợp với truyền thống phụng vụ của mình, cầu xin cho Giáo hội đang bị bách hại cả bên trong và ngoài thế giới, và cầu xin cho tất cả các Kitô hữu đang chịu mọi hình thức bách hại.
...
-Để tái khẳng định tính phổ quát của sự bảo trợ của Thánh Giuse đối với Giáo hội, ngoài những dịp đã nói ở trên,
6-Tòa Ân Giải Tối Cao ban Ơn Toàn Xá cho các tín hữu đọc bất cứ kinh nguyện nào đã được phê chuẩn, hoặc thực hiện một việc đạo đức để tôn vinh Thánh Giuse, chẳng hạn đọc kinh “Ad te Beate Ioseph” [tiếng Việt gọi là Kinh Ông Thánh Giuse Bầu Cử] đặc biệt là vào các ngày 19 tháng Ba và 1 tháng Năm, vào Lễ Thánh Gia của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, vào Chúa Nhật của Thánh Giuse (theo truyền thống Byzantine), vào ngày 19 mỗi tháng và mỗi thứ Tư, là ngày dành riêng để kính Thánh Giuse theo truyền thống Latinh.
7-Trong bối cảnh sức khỏe khẩn cấp như hiện nay, việc ban ơn toàn xá đặc biệt được mở rộng cho người già, người bệnh, người hấp hối và tất cả những người vì những lý do chính đáng không thể ra khỏi nhà, miễn là họ có lòng từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi và có ý định hoàn thành, càng sớm càng tốt, ba điều kiện thông thường, trong nhà riêng của họ hoặc nơi họ buộc phải cư trú, khi họ đọc kinh hay làm một hành động xuất phát từ lòng đạo đức để tôn kính Thánh Giuse, là vị thánh an ủi người bệnh và bảo trợ cho ơn chết lành, đồng thời dâng hiến với lòng tín thác nơi Chúa những đau đớn và khó khăn trong cuộc sống của họ....” (Tòa Ân Giải Tối Cao, 08/12/2020)
Kho tàng ân xá của Hội Thánh rất phong phú dồi dào giúp người tín hữu lãnh nhận cho mình hoặc nhường lại cho các linh hồn. Ngoài những việc dễ dàng thực hiện như đã nêu trên, xin trích trực tiếp giáo lý về KINH LẠY CHA là phần IV trong bốn phần chính từ sách GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO-1992, là cuốn giáo lý đầy đủ và quan trọng nhất của Toà Thánh, giúp suy niệm ít nhất 30 phút Kinh Lạy Cha để hưởng ơn Toàn Xá hằng ngày (số 1).
KINH LẠY CHA (1)
Số 2759
Một hôm, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông" ( Lc 11,1). Đáp lại, Đức Giê-su đã dạy các môn đệ và Hội Thánh lời kinh căn bản của Ki-tô giáo. Thánh Luca ghi lại bản kinh Lạy Cha ngắn (có năm lời nguyện xin), còn thánh Matthêu ghi lại bản dài hơn (có bảy lời nguyện xin). Truyền thống Phụng Vụ của Hội Thánh sử dụng bản văn Matthêu (Mt 6,9-13) :
Lạy Cha chúng con ở trên trời,
chúng con nguyện danh Cha cả sáng,
nước Cha trị đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con
hôm nay lương thực hàng ngày
và tha nợ chúng con,
như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con,
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”
2761
"Lời kinh Chúa dạy thực sự là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng". Sau khi dạy mẫu kinh này, Chúa Giêsu thêm : "Anh em cứ xin thì sẽ được" (Lc 11,9). Vậy mỗi người có thể dâng lên Chúa những lời kinh khác nhau tùy nhu cầu, nhưng luôn phải bắt đầu bằng kinh nguyện căn bản là Lời Kinh Chúa dạy".
2762
Sau khi cho thấy các Thánh Vịnh là chất liệu chính cho kinh nguyện của Ki-tô hữu và tất cả được thâu tóm trong những lời nguyện xin của kinh Lạy Cha, thánh Âu-tinh kết luận :
"Cứ đọc hết các kinh nguyện trong Sách Thánh, chúng ta không thể tìm thấy một điều gì không được thâu tóm trong Lời Kinh Chúa dạy".
2763
Toàn bộ Cựu Ước (Lề Luật, các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh) đều được ứng nghiệm nơi Đức Ki-tô (Lc 24,44). Đây là "Tin Mừng" được các sách Tin Mừng công bố. Thánh Mat-thêu tóm lược lời loan báo Tin Mừng đầu tiên trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5-7). Kinh Lạy Cha được thánh Mat-thêu đặt ở tâm điểm của lời loan báo này. Chúng ta phải hiểu các lời nguyện xin của kinh Lạy Cha trong văn mạch đó: “Kinh Lạy Cha là kinh tuyệt hảo... với lời kinh này, không những chúng ta nguyện xin tất cả những gì chúng ta có thể ao ước cách chính đáng, mà còn theo trật tự những gì nên ao ước. Vì thế, kinh nguyện này không chỉ dạy chúng ta nguyện xin, mà còn huấn luyện tâm tình của ta nữa" (Thánh Tôma Aquinô)
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy