NĂM THÁNH GIUSE
KINH LẠY CHA (4)
(Trích GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO-1992-là cuốn giáo lý đầy đủ và quan trọng nhất của Toà Thánh, giúp suy niệm ít nhất 30 phút Kinh Lạy Cha để hưởng ơn Toàn Xá hằng ngày trong Năm Thánh Giuse theo số 1, Tòa Ân Giải Tối Cao, 08/12/2020).
KINH LẠY CHA (4)
2786
"LẠY CHA "CHÚNG CON"
Khi gọi Thiên Chúa là Cha "của chúng ta", chúng ta không nghĩ rằng mình chiếm hữu được Thiên Chúa, nhưng có một tương quan mới mẻ với Người.
2787
Khi gọi Thiên Chúa là Cha "của chúng ta", trước hết chúng ta nhìn nhận rằng mọi lời Thiên Chúa yêu thương hứa qua các ngôn sứ đã được thực hiện nơi Đức Ki-tô trong Giao ước Mới và Vĩnh cữu : Chúng ta đã trở thành Dân "của Người" và từ nay Người là Thiên Chúa "của chúng ta". Thiên Chúa và chúng ta thuộc về nhau : tương quan mới này là quà tặng của Thiên Chúa ( x. Hs 2,21-22; 6,1-6 ) . Chúng ta phải đáp lại "ân sủng và sự thật" mà Người ban tặng "nhờ Đức Giê-su Ki-tô" (Ga 1,17) bằng lòng yêu mến và trung thành.
2788
Kinh Lạy Cha là kinh nguyện của Dân Chúa trong "thời sau hết", nên khi đọc "của chúng con" chúng ta hy vọng vững vàng vào lời hứa tối hậu của Thiên Chúa. Trong thành thánh Giê-ru-sa-lem mới, Người sẽ phán với kẻ chiến thắng : "Ta sẽ là Thiên Chúa của người ấy và người ấy sẽ là con của Ta"( Kh 21,7).
2789
Khi đọc "Lạy Cha chúng con", chúng ta thân thưa với Cha của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Chúng ta không phân chia thần tính, vì Chúa Cha là "nguồn mạch và căn nguyên" của thần tính. Nhưng ở đây, chúng ta muốn tuyên xưng : từ muôn thuở, Chúa Con được Chúa Cha sinh ra và Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha. Chúng ta cũng không hề lẫn lộn các Ngôi Vị, vì chúng ta tuyên xưng rằng : chúng ta được hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con là Đức Giê-su Ki-tô, trong Thánh Thần duy nhất. Ba Ngôi Chí Thánh đồng bản tính và không thể phân chia. Khi cầu nguyện cùng Chúa Cha, chúng ta thờ lạy và tôn vinh Người cùng với Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
2790
Khi đọc "Lạy Cha chúng con", chúng ta tuyên xưng Người là Cha của nhiều người. Chỉ có một Thiên Chúa và Người được nhìn nhận là Cha của những kẻ đã được tái sinh bởi nước và Thánh Thần (nhờ tin vào Con Một Thiên Chúa). "Hội Thánh" chính là hiệp thông mới giữa Thiên Chúa và loài người : Hội Thánh hiệp nhất với Con Một Thiên Chúa là "trưởng tử giữa một đàn em đông đúc" (Rm 8,29), nên Hội Thánh được hiệp thông với Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần. Khi thưa "Lạy Cha chúng con", mỗi Ki-tô hữu cầu nguyện trong sự hiệp thông này : "các tín hữu tuy đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý" ( Cv 4,32 ).
2791
Do đó, dù các Ki-tô hữu còn chia rẽ, kinh Lạy Cha vẫn là tài sản chung và là một lời mời gọi khẩn thiết cho mọi Ki-tô hữu. Được hiệp thông với Chúa Ki-tô nhờ đức tin và nhờ bí tích Thánh Tẩy, họ phải cùng cầu nguyện với Chúa Giê-su để các môn đệ được hiệp nhất ( x. UR 8;22).
2792
Sau cùng, nếu thật lòng cầu nguyện "Lạy Cha chúng con", chúng ta thoát được chủ nghĩa cá nhân, vì khi đón nhận Thiên Chúa yêu thương, chúng ta được giải thoát. Từ "chúng con" ở đầu kinh Lạy Cha, cũng như từ "chúng con" trong bốn lời xin cuối kinh, không loại trừ một ai. Để thật lòng đọc kinh Lạy Cha ( x. Mt 5,23-24;6,14-16 ) , chúng ta phải vượt qua mọi chia rẽ và chống đối.
2793
Các tín hữu không thể cầu nguyện "Lạy Cha chúng con", mà không dâng lên tất cả những ai Chúa đã ban tặng Con yêu dấu. Tình yêu của Thiên Chúa không có biên giới, nên lời cầu nguyện của chúng ta cũng phải như vậy ( x. NA 5) . Khi đọc "Lạy Cha chúng con", lòng chúng ta được mở rộng theo tình yêu của Chúa Cha được biểu lộ trong Đức Ki-tô : cầu nguyện với và cho tất cả những ai chưa nhận biết Chúa, để họ "được quy tụ về một mối" (Ga11,52). Sự chăm sóc của Thiên Chúa dành cho mọi người và muôn loài đã thôi thúc các thánh nhân, chúng ta phải mở rộng lời cầu nguyện theo tình thương này khi chúng ta dám đọc "Lạy Cha chúng con".
2794
"Ở TRÊN TRỜI"
Khi gọi Thiên Chúa là "Đấng ngự trên trời", Thánh Kinh không muốn nói Người đang ở một nơi nào đó trong không gian, nhưng nói đến một cách hiện hữu; không muốn nói Người ở xa ta, nhưng muốn nói Người rất uy nghi cao cả. Thiên Chúa không ở một nơi nào đó, nhưng Người là Đấng Thánh vượt trên mọi sự chúng ta có thể quan niệm. Vì Người là Đấng Chí Thánh, nên rất gần gũi với những tâm hồn khiêm cung và thống hối :
Thật có lý khi ta hiểu "Lạy Cha chúng con ở trên trời" là Người hiện diện nơi tâm hồn những người công chính, như trong đền thờ của Người. Câu kinh đó cũng có nghĩa là người cầu nguyện ước mong Đấng mình kêu cầu ngự trong lòng mình (T. Âu-tinh, Bài giảng Chúa nhật 2,5,17 ) .
"Ở đây, chúng ta có thể hiểu "trời" là những ai mang hình ảnh thiên quốc, Thiên Chúa vui thích cư ngụ nơi tâm hồn họ" (T. Xy-ri-lô thành Giê-ru-sa-lem 5,11).
2795
Biểu tượng "trời" nhắc chúng ta nhớ đến mầu nhiệm Giao Ước chúng ta đang sống, khi đọc kinh "Lạy Cha". Trời là nơi Thiên Chúa ngự, là Nhà Cha, nên là "quê hương" của ta. Vì tội lỗi, chúng ta bị lưu đày xa miền đất Giao Ước; nhờ hoán cải tâm hồn, chúng ta được về "trời", về cùng Cha. trong Đức Ki-tô, trời đất được giao hòa, vì chỉ Chúa Con là Đấng "từ trời xuống thế" và đưa chúng ta lên trời với Người, nhờ cuộc Khổ Nạn, Phục Sinh và Thăng Thiên (x. Ga 12,32; 14,2-3; 16,28;20,17; Eph 4,9-10; Dt 1,3; 2,13).
2796
Khi kêu cầu "Lạy Cha chúng con ở trên trời", Hội Thánh tuyên xưng : chúng ta là Dân Thiên Chúa, "đã được cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời" (Eph 2,6), "hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa"(Cl 3,3), đồng thời, "chúng ta rên siết là vì những ước mong được thấy ngôi nhà thiên quốc của chúng ta phủ lên chiếc lều ở dưới đất này"(2 Cr 5,2):
"Các tín hữu có xác phàm, nhưng không sống theo xác phàm. Họ sống trên dương thế, nhưng là công dân Nước Trời" (Epitre á Diognète 5, 8-9).
2797
Chúng ta phải đọc kinh Lạy Cha với lòng tin tưởng đơn sơ và trung thành, khiêm tốn và vui mừng phó thác nơi Thiên Chúa.
2798
Chúng ta có thể kêu cầu Thiên Chúa là "Cha", vì Con Thiên Chúa làm người đã dạy chúng ta như thế. Trong Đức Ki-tô, nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được tháp nhập vào Thân Thể Người và được nhận là con Thiên Chúa.
2799
Khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta được hiệp thông với Chúa Cha và với Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, đồng thời chúng ta được biết thiên chức của mình (GS 22,1).
2800
Khi đọc kinh "Lạy Cha", chúng ta phải ước muốn được nên giống Thiên Chúa, và phải có lòng khiêm tốn và tin tưởng.
2801
Khi đọc Lạy Cha "của chúng con", chúng ta nhắc đến Giao Ước Mới trong Đức Giê-su Ki-tô, sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa và tình yêu Thiên Chúa bao trùm cả thế giới nhờ Hội Thánh.
2802
Khi gọi Thiên Chúa là Đấng "ở trên trời", chúng ta không nghĩ rằng Người đang ở một nơi nào đó, nhưng muốn nói Người rất uy nghi cao cả và đang hiện diện nơi tâm hồn những người công chính. "Trời" là Nhà Cha, là quê hương đích thực, nơi chúng ta hy vọng sẽ tới và hiện nay chúng ta đã là thành viên.
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy