MẠNG XÃ HỘI VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG TRÊN CÁC BẠN TRẺ TUỔI TEEN
Lm. Phêrô Phạm Văn Chính, SDB
Thời đại Công nghệ 4.0 đã trở thành niềm tự hào của nhân loại ngày nay khi nhìn lại cả một quá trình lịch sử phát triển tiệm tiến và lâu dài. Nhân loại hãnh diện vì thấy mình hiện nay đạt được đỉnh cao của công nghệ, một điều làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng, thuận lợi, tiện nghi và đầy đủ hơn nhiều so với quá khứ. Với sự phát triển của mạng internet và những công cụ công nghệ truyền thông hiện đại, nhân loại cảm thấy gần nhau hơn, có thể chia sẻ với nhau các thông tin và mọi vấn đề của cuộc sống một cách nhanh chóng, tiện lợi. Dựa trên nền tảng của mạng internet và sự phát triển về kỹ thuật công nghệ, các websites đủ loại, tin nhắn, email, các cuộc gọi video, các thể loại mạng xã hội đa dạng... đang ngày càng đi sâu và chi phối cuộc sống cũng như các sinh hoạt đa dạng của con người.
Đối tượng người sử dụng những công cụ hiện đại này cũng bao gồm đủ mọi thành phần và những tổ chức đa dạng thuộc xã hội dân sự và tôn giáo: Từ các hiệp hội, đoàn thể, giáo xứ, giáo phận, công ty, xí nghiệp. đến những tổ chức thuộc cấp thành phố, tỉnh thành, quốc gia, quốc tế; từ những em nhỏ đến cả những người lớn tuổi. Những công cụ họ sử dụng cũng đa dạng: Máy tính, điện thoại di động, điện thoại thông minh, máy tính bảng. Tuy nhiên cần ghi nhận rằng trong đó, thành phần những người trẻ lại là thành phần sử dụng nhiều hơn cả với sự lanh lẹ và sức bật vốn là những nét đặc trưng của tuổi trẻ trước những tiến bộ và thành tựu của nhân loại. Các nghiên cứu của Pew Research Center cho biết 90% các bạn trẻ tuổi teen từ 13 đến 17 tuổi đã sử dụng những mạng xã hội. 75% các em ít nhất đã có một tài khoản riêng trên mạng xã hội, 51% sử dụng mạng xã hội hằng ngày và 2/3 các em có những thiết bị di động truy cập được internet[1]. Bài viết này muốn bàn đến vào mối tương quan giữa những bạn trẻ thuộc lớp tuổi teen (từ 13 - 19 tuổi) và việc sử dụng mạng xã hội hiện nay.
Cũng theo nghiên cứu của Pew Research Center, 5 mạng xã hội đứng đầu được các bạn trẻ tuổi teen sử dụng nhiều:
Cũng theo nghiên cứu của Pew Research Center, 5 mạng xã hội đứng đầu được các bạn trẻ tuổi teen sử dụng nhiều:
MẠNG XÃ HỘI |
TRẺ EM (8-12 tuổi) |
TUỔI TEEN (13-19 tuổi) |
YOUTUBE |
80 % |
86 % |
FACEBOOK |
26 % |
75 % |
SNAPCHAT |
26 % |
67 % |
INSTAGRAM |
24 % |
70 % |
Hình ảnh của tuổi teen vẫn được dùng để biểu trưng cho vẻ đẹp thuở ban đầu của con người với những nét thật đáng yêu, thanh khiết, tràn đầy sức sống và sức bật vươn lên được mô tả trong thơ ca, hội họa... Thế nhưng với các bậc cha mẹ, thì đó cũng là giai đoạn của sự “đổi tính, đổi nết”, của tuổi “khó bảo, cứng đầu, ương ngạnh, gây bão tố”. Dẫu sao thì trong thực tế với sự phát triển của ngành tâm lý, người ta lại thấy tuổi teen với những nét đặc trưng của lứa tuổi này, lại là một giai đoạn của sự phát triển tất yếu và bình thường cho một đời người.
Người ta có thể phân chia lứa tuổi này thành 2 giai đoạn: Tiền niên thiếu (từ 12-14 tuổi) và Niên thiếu (từ 15-19 tuổi). Dẫu có phân chia như thế, nhưng những nét phát triển về sinh lý lẫn tâm lý của các bạn trẻ vẫn diễn ra theo vòng xoắn ốc đi lên, tức là mỗi giai đoạn lại được phát triển và kiện cường thêm.
Một cách tổng quát, người ta có thể nhận thấy những nét chung của lứa tuổi này:
a. Những sự phát triển về Ngoại hình với vóc dáng, thân thể, cơ bắp, phù hợp theo phái tính nam-nữ. Trong khi các bạn trẻ nữ dần phát triển khá đầy đủ về ngoại hình và thể lý, thì các bạn trẻ nam vẫn chưa đầy đủ. Các bạn trẻ nam-nữ trong lứa tuổi này có thể không hài lòng với ngoại hình của mình nên tìm cách cải thiện qua những cách thức: Ăn kiêng, tập thể dục, thể thao, thể hình, yoga... để có một ngoại hình tốt hơn như mình mong muốn.
b. Những sự phát triển về Khả năng Tư duy: Khả năng suy tư trừu tượng, khả năng giải quyết các vấn đề nhận thấy trong cuộc sống;
c. Những sự phát triển về Khả năng nhận thức về Bản thân: Phát triển nhận thức về căn tính của mình, trải nghiệm những tương quan với xã hội bên ngoài: tạo nhóm hay tham gia vào các nhóm bạn bè và chịu ảnh hưởng cũng như sức ép từ họ, tham gia vào các tổ chức, phát triển những tương quan tình cảm với cha mẹ, bạn bè;
Sự nhận thức về bản thân cũng đưa các em đến sự Quan tâm tới bản thân mình và sự Tự đủ của mình. Các em ít để ý đến ý kiến của cha mẹ hay của người lớn, dễ dàng phản kháng lại trước những áp lực trên bản thân chúng.
Cũng trong sự nhận thức về bản thân, các em bắt đầu đặt những câu hỏi về chính mình: Tôi là ai, tôi nên làm gì trong cuộc sống. Những vấn nạn về sự nghiệp tương lai, tôn giáo, triết lý cuộc sống, những vấn đề chính trị, xã hội. dần được đặt ra. Những vấn nạn này sẽ làm các bạn trẻ suy tư về vô số những khả thể cho tương lai của mình trong giai đoạn cuối Trung học và trên cấp Đại học.
d. Những sự phát triển về Khả năng Sử dụng Ngôn từ để diễn tả bản thân, khả năng trao đổi bao gồm việc lắng nghe và đưa ra quan điểm riêng;
e. Phát triển Tính Độc lập khỏi Cha mẹ trong cuộc sống: Đây là chuyện quan trọng trong giai đoạn này. Các bạn trẻ ít thời gian dành cho gia đình, nhiều thời gian dành cho bạn bè. Tình cảm dành cho cha mẹ thường được thể hiện hay biểu lộ đi đôi với tính muốn độc lập, thậm chí đôi khi còn biểu lộ qua cả sự thô lỗ trong lời nói và lối hành xử với cha mẹ nữa. Các bậc cha mẹ dễ bị coi là những người hay “xía” vào chuyện của các em. Các em có thể bắt đầu chất vấn cha mẹ và những người lớn về những quy tắc họ đặt ra, những hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng và cả những truyền thống văn hóa nữa.
f. Những biểu lộ và sự quan tâm về Tính dục: Xu hướng dị tính và đồng tính dần được biểu lộ ra qua những cuộc hẹn hò, gặp gỡ. Những cuộc hẹn hò này cũng hướng tới sự thân mật hơn. Xu hướng tính dục cũng trở nên mạnh mẽ dần đến độ các bạn trẻ cũng có thể có những trải nghiệm về tính dục nữa.
g. Phát triển Khả năng Tổ chức cuộc sống tốt hơn với những quyết định và kế hoạch cho cuộc sống, hiểu biết về những hậu quả và kế hoạch cho cuộc sống trong tương lai.
Sự phát triển của ngành Tâm lý học đã cho thấy tuổi teen với những nét đặc trưng của nó là một giai đoạn phát triển tất yếu và bình thường của cuộc sống con người. Đồng thời, sự phát triển về những kỹ thuật công nghệ tiên tiến hiện nay cũng ảnh hưởng đến mọi thành phần nhân loại, trong đó có lứa tuổi teen. Vậy liệu có thể một sự dung hòa tốt đẹp giữa 2 vấn đề này, hay việc sử dụng những công nghệ tiên tiến trở thành một điều quan ngại cho các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục khi họ nhìn thấy sự ảnh hưởng, sự hấp dẫn và thu hút của những công nghệ tiên tiến này trên cuộc sống của các bạn trẻ tuổi teen?
Có lẽ không quan ngại sao được khi thấy các bạn trẻ lúc nào cũng dán mắt vào chiếc điện thoại thông minh, Ipad, máy tính, không chỉ trong giờ rảnh, mà cả trong giờ học, trong giờ đáng lý phải ngủ nghỉ. Không quan ngại sao được khi các bạn trẻ đua đòi chạy theo việc sở hữu những chiếc máy tính mạnh nhất, Ipad, điện thoại mới nhất, hiện đại nhất với nhiều chức năng để truy cập internet một cách dễ dàng, nhanh chóng. Không quan ngại sao được khi các bạn trẻ thu mình trong phòng hay một chỗ nào đó với những công cụ này, mà chẳng để ý hay quan tâm đến ai khác. Không quan ngại sao được khi những giao tiếp của các bạn trẻ với những bạn bè hoặc thậm chí cả những người “vô danh” trên mạng mà không có sự đồng hành của những người có trách nhiệm. Quả là có nhiều điều đáng quan ngại cho các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục khi chứng kiến những sự việc như thế! Rồi cũng từ đó, cha mẹ và các nhà giáo dục lại tìm cách đặt ra những quy tắc về thời gian, về phương thức với những hạn chế mà các bạn trẻ cũng cố tìm cách để “lách” được.
Nhưng ngược với sự quan ngại trên là vô số những mặt tốt đẹp mà mạng xã hội mang lại cho lứa tuổi teen. Đây là những gì chúng ta cần suy tư, cân nhắc và chọn một hướng đi.
1. Mặt xã hội
Lứa tuổi teen là giai đoạn các bạn trẻ dần hòa mình vào trong đời sống xã hội lớn hơn khởi đi từ môi trường học đường: Việc làm quen và kết bạn, tham gia vào các nhóm, các câu lạc bộ, đoàn thể... với những mục đích đa dạng. Trong tất cả những dạng thức này, các bạn trẻ có cơ hội để diễn tả bản thân, nhận biết mình trong tương giao với những người chung quanh, học hỏi những điều tốt đẹp từ người khác.
Hình thành & Phát triển Bản thân: Mạng xã hội cũng chiếm phần quan trọng trong tiến trình phát triển của các bạn trẻ tuổi teen: Giúp hình thành nên căn tính độc đáo của chúng. Mạng xã hội cung ứng một diễn đàn cho các bạn trẻ thực hành những kỹ năng liên quan đến sự phát triển căn tính: Kỹ năng tự trình bày về bản thân, kỹ năng mở rộng và thăng tiến bản thân qua việc chia sẻ ý kiến, quan điểm, tôn giáo và cả những chia sẻ về sở thích nữa.
Trong việc nghiên cứu 219 sinh viên năm đầu của đại học, các nhà nghiên cứu thấy rằng những bạn trẻ nào ở tuổi teen biết diễn đạt ý kiến trên mạng xã hội thì cảm thấy ổn hơn. Một nghiên cứu khác cho thấy các bạn trẻ tuổi teen nào thường diễn đạt bản thân trên mạng, thì cũng có được lối “tư duy lập luận sáng sủa hơn nhiều”[2]. Nói cách khác, các bạn trẻ đó có những lối diễn tả ý tưởng rõ ràng, trong sáng hơn về bản thân chúng. Và việc nhận biết bản thân này cũng giúp các bạn trẻ có được một đời sống tâm lý tốt hơn.
Có cơ hội hiểu biết người khác và phát triển những kỹ năng diễn tả bản thân trong những trò chuyện, trao đổi qua các mạng xã hội là điều mà các bạn trẻ không dễ có dịp để thực hiện trước công chúng, hoặc không dễ để bộc bạch trước công chúng.
Mở rộng tương giao qua việc Làm quen và Kết bạn: Tình bạn là một yếu tố quan trọng cho cuộc sống của các bạn trẻ tuổi teen. Khi những bạn trẻ tuổi teen xây dựng được thứ tình bạn lành mạnh, chúng không chỉ cảm thấy mình được chấp nhận, nhưng còn cảm thấy tự tin hơn và dám kết nối với thế giới quanh chúng. Chính bạn bè cũng có thể nói những điều tốt lành, những điều chân thật cho cuộc sống của chúng và khích lệ chúng vươn đạt tới những ước mơ.
Về việc này, các mạng xã hội có thể giúp các bạn trẻ: Các em có thể kết bạn với nhau, kiện cường những mối tương giao online giữa chúng. Việc kết bạn không bị hạn hẹp về thể lý và không gian, nhưng mở rộng tới những bạn bè ở những nơi chốn xa xôi.
- Các nghiên cứu của Common Sense Media cho biết có khoảng 52% các bạn trẻ tuổi teen nói rằng các mạng xã hội giúp chúng kết bạn với nhau và thăng tiến tình bạn, và chỉ 4% cảm thấy điều đó phiền toái cho chúng mà thôi. Cũng có khoảng 88% các bạn trẻ cho rằng chúng có thể kết bạn với cả những người mà chúng chưa hề gặp gỡ trong cuộc sống thực tế [3].
- Với xu hướng mở rộng về mặt xã hội, các bạn trẻ tuổi teen có xu hướng thích kết bạn mới. Có khoảng 57% các bạn trẻ cho rằng chúng đã kết bạn mới nhờ qua mạng xã hội.
- Theo kết quả của Trung tâm Nghiên cứu Pew trên 743 bạn trẻ từ 13 đến 17 tuổi trong thời gian 2 tháng của năm 2018, có 81% các bạn trẻ cho rằng mạng xã hội giúp chúng tốt hơn trong việc nối kết tình bạn; 2/3 các bạn trẻ cho rằng chúng cảm thấy mình có được những người nâng đỡ trong những lúc gặp khó khăn[4].
Dấn thân cho Điều Thiện: Qua các mạng xã hội, các bạn trẻ tuổi teen cũng có cơ hội hiểu biết và tham gia vào những nhóm từ thiện, dấn thân làm việc thiện cho cộng đồng theo khả năng và sức lực của chúng: Tham gia vào việc gây quỹ để hỗ trợ một chuyện gì đó hay một ai đó. Các bạn trẻ cũng có thể khơi lên một số các phong trào qua mạng xã hội để gây chú ý và ý thức về một vấn đề nào đó trong xã hội của chúng hay trong thế giới: Những tác hại của thiên tai, vấn đề đói nghèo, việc bảo tồn những nguồn nước, bảo tồn những khu rừng, động vật hoang dã... qua những video clips, những bài hát, những poster đăng trên mạng YouTube, Facebook, Twitter, Snapchat... Tất cả vẫn tạo được những dấu ấn mạnh trên thế giới chung quanh và thế giới có thể lắng nghe được tiếng nói của các em. Như thế những mạng xã hội này cũng trở thành những công cụ mang tính giáo dục cho chính các em.
Lợi ích cho Tâm trí & Tinh thần: Việc chia sẻ tình cảm của các bạn trẻ tuổi teen cũng có sức tác động và ảnh hưởng thực sự trên tâm trạng của người khác và bạn bè của chúng: Làm giảm bớt sự cô đơn, mở rộng ra với thế giới; lắng nghe, hiểu biết, thông cảm và chia sẻ trước những nhu cầu của những ai gặp hoàn cảnh khó khăn. Trong cuộc sống thực tế, có trường hợp một bạn trẻ nào đó rơi vào tình trạng thất vọng và cô đơn đến độ nghĩ tới cách giải quyết bằng cái chết, thì sự chia sẻ, đồng cảm, động viên và khích lệ qua các mạng xã hội có thể trở thành một cái phao để bám víu.
2. Mặt giáo dục và học hỏi
Ngày nay, người ta thường nói với nhau: “Điều gì không biết, thì cứ lên mạng hỏi ông Google”. Câu nói vui này cũng phản ánh một sự thật rằng ngày nay, người ta có cả một kho dữ liệu “khổng lồ” trên hệ thống mạng internet. Tất nhiên việc sử dụng sao cho ích lợi cho mình, cho công việc của mình lại là chuyện phải cân nhắc, suy nghĩ. Một cách tổng quát.
Xét như công cụ: Trên mặt giáo dục, những mạng xã hội được phát triển trên nền tảng hệ thống internet đã cho những thầy cô, các nhà giáo dục, làm việc và thông đạt với các học sinh, sinh viên một cách dễ dàng hơn. Cũng theo đó, có tới 50% học sinh, sinh viên dùng mạng xã hội để thảo luận, trao đổi về các bài làm ở trường[5].
Xét như nguồn liệu: Các sinh viên, học sinh thật dễ tiếp cận với những nguồn liệu khổng lồ trên mạng mà qua đó đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu, tìm hiểu của mình. Theo một nghiên cứu, có tới 59% các trường học chấp nhận việc học sinh, sinh viên dùng sự hỗ trợ của mạng xã hội nhằm mục đích giáo dục. Những tài liệu sử dụng trong việc nghiên cứu, làm bài, không chỉ đến từ những kho sách trong thư viện theo truyền thống trước đây, nhưng còn được chấp nhận cả trên những nguồn liệu được lưu trữ trên mạng internet[6].
3. Mặt thông tin
Các mạng xã hội hiện nay đã trở thành nguồn thông tin và cập nhật tin tức đối với nhiều bạn trẻ tuổi teen. Một khi chúng bắt đầu sử dụng những tài khoản và sự kết nối trên mạng, chúng muốn theo dõi những bạn bè với tài khoản của chúng. Chúng muốn biết những thông tin về các sách & tác giả nào đó, các tạp chí, các vận động viên điền kinh, các ca sĩ nổi tiếng, các danh thủ thể thao, các người nổi tiếng trong một số lãnh vực nào đó, các tổ chức phi lợi nhuận,... nói chung là với đủ thể loại thông tin mà chúng quan tâm.
Các bạn trẻ cũng muốn thu thập những thông tin liên quan đến những vấn đề mà chúng quan tâm hay đang ảnh hưởng đến chúng và bạn bè của chúng: Vấn đề ăn kiêng, tập thể dục, biến đổi khí hậu, âm nhạc, thể thao.
Thường xuyên “dán mắt vào màn hình”, thu mình trong phòng cả ngày, việc học hành hay ngủ nghỉ bị chi phối, thờ ơ trong các sinh hoạt gia đình hay trong những bổn phận. là những điều khiến cho các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục phải lo ngại khi nhìn vào các em tuổi teen. Tất nhiên, ngoài những điều tích cực được trình bày ở trên, những mặt trái hay những mối nguy cơ tiềm tàng của việc sử dụng mạng xã hội đối với các bạn trẻ tuổi teen là chuyện mà các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục cần lưu tâm.
Nhiều người nêu vấn đề: Liệu việc sử dụng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube, Snapchat, Instagram... có khiến cho các em tuổi teen rơi vào tâm trạng lo lắng, tệ hơn là bị rơi vào chứng trầm cảm?
Những nghiên cứu về vấn đề này đã đưa ra những kết quả không hoàn toàn giống nhau, thậm chí còn trái ngược nhau nữa.
a. Nguy cơ sử dụng quá nhiều thời gian cho các mạng xã hội:
Theo nhiều nhà nghiên cứu, thì việc thường xuyên dành quá nhiều thời gian mỗi ngày để sử dụng những mạng xã hội, sẽ dễ làm cho hệ thần kinh của các bạn trẻ tuổi teen rơi vào tình trạng bất ổn, chẳng hạn như tình trạng ADHD (chứng rối loạn tăng động giảm chú ý) và cả chứng trầm cảm ở lứa tuổi teen, hoặc có những thái độ chống đối bất chấp, tâm trạng lo lắng, lo âu. Theo họ, chứng trầm cảm ở lứa tuổi teen chắc chắn có liên quan đến tần suất sử dụng các mạng xã hội, vì càng tiêu tốn nhiều thời gian trên các mạng xã hội, thì các bạn trẻ tuổi teen càng gặp phải những vấn đề về tâm lý. Ngược lại, những bạn trẻ nào tham gia vào những hoạt động không dán-mắt- vào-màn-hình, chẳng hạn những hoạt động xã hội mang tính tương tác như thể thao, thể dục, những sinh hoạt nhóm, làm bài tập,... thì dường như ít gặp phải những vấn đề này.[7]
Những nghiên cứu về lứa tuổi teen tại Hoa kỳ cho thấy những triệu chứng trầm cảm và tỷ lệ tự tử nơi lứa tuổi teen đã gia tăng trong thời gian 2010-2015, đặc biệt nơi các bạn trẻ nữ. Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng việc gia tăng số lần và thời gian sử dụng những mạng xã hội trong những năm này là nguyên nhân đưa tới những sự biến đổi đó.
Với nghiên cứu vào năm 2018: Những bạn trẻ trong lứa tuổi từ 14 đến 17 tuổi, sử dụng mạng xã hội 7 giờ mỗi ngày, có nguy cơ bị rơi vào chứng trầm cảm cao gấp đôi so với những bạn trẻ chỉ sử dụng mỗi ngày 1 giờ. Trong trường hợp này, các bạn trẻ đó cần được điều trị bởi những chuyên gia tâm lý và cần sử dụng thuốc nữa, để có được sự điều chỉnh về tâm lý và lối hành xử.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của CNN trên những em 13 tuổi sử dụng mạng xã hội, những em sử dụng Facebook hay những mạng xã hội khác trong khoảng từ 50 đến 100 lần mỗi ngày, thì 37% các em rơi vào tình trạng phiền muộn hơn những em chỉ sử dụng khoảng vài lần mỗi ngày. Những em sử dụng hơn 100 lần mỗi ngày, thì nguy cơ đó còn tăng hơn nữa: 47%.[8]
b. Mạng xã hội, một cách chữa trị tâm lý mới?
Trong khi đó theo một số nhà nghiên cứu khác, tuổi teen gặp vấn đề như chứng Trầm cảm trong việc sử dụng mạng xã hội thì rất ít, chỉ là 0,4%. Ngược lại, chính khi các bạn trẻ bị trầm cảm, chúng dễ tìm đến những mạng xã hội hơn. Với 594 bạn trẻ tuổi teen và 1.132 sinh viên đại học sử dụng mạng xã hội trên 6 năm, các nhà nghiên cứu thấy rằng việc sử dụng mạng xã hội không đưa tới những triệu chứng trầm cảm nơi các bạn trẻ tuổi teen và các sinh viên đại học [9].
Vậy việc sử dụng các mạng xã hội có nhất thiết đưa tới sự trầm cảm? Theo các nhà nghiên cứu này, những triệu chứng trầm cảm không nhất thiết đến từ việc sử dụng các mạng xã hội, trừ phi có sự lạm dụng quá nhiều thời gian trên các mạng xã hội, tuy nhiên điều này chỉ xảy ra nơi những bạn trẻ nữ thôi.
Theo ghi nhận của Jamison Monroe, người sáng lập và là Giám đốc CEO của Newport Academy, thì chính internet cũng cung ứng tiềm năng trợ giúp các bạn trẻ tuổi teen khi gặp phải những vấn đề về tâm lý: “Những kỹ thuật công nghệ sẽ đưa chúng ta đến một thời đại mới của việc chữa trị tâm lý”.
Các bạn trẻ tuổi teen tiêu tốn nhiều thời gian trên mạng để nhìn xem và bình luận về cuộc sống cũng như những hình ảnh, những biến cố của bạn bè. Điều này dễ dẫn đến việc chúng luôn quan tâm đến sự so sánh giữa chúng với bạn bè. Việc này có thể tạo mối nguy cơ cho lòng tự trọng và bản thân chúng. Tệ hơn, nó có thể đưa tới sự trầm cảm. Những sự so sánh trên mạng thường dẫn tới những triệu chứng trầm cảm nơi các em tuổi teen, đặc biệt nơi những em nữ.[10]
So việc so sánh này với những việc so sánh thuộc những thể loại khác, các bạn trẻ tuổi teen thường cảm thấy họ tự đánh giá thấp về mình và giảm bớt sự kính trọng bản thân khi nhìn vào bạn bè trên Facebook hay những mạng xã hội khác, chẳng hạn, khi nhìn thấy những lối sống tốt lành của bạn bè, những biến cố vui, sự thành đạt, ngoại hình đẹp... Cũng từ sự so sánh này, các bạn trẻ tuổi teen sẽ cảm thấy tốt hơn và ổn hơn về mình khi chúng nhận ra mình trội vượt hơn bạn bè khi so chiếu với những thành tích của họ.
Các nhà nghiên cứu cho biết việc sử dụng thái quá mạng xã hội sẽ tạo nên sự kích thích tương tự như những dạng thức lạm dụng hay sử dụng thái quá khác. Não bộ phản ứng lại với việc dùng mạng xã hội như một thứ “phần thưởng” qua việc phóng chất dopamine, một thứ hormone làm con người cảm thấy hưng phấn, chẳng hạn khi các em tải lên những bài viết, những hình ảnh, những video, những nhận xét và bình luận... rồi nhận được những cái “likes”, được “shares”, hoặc khi nhận được những “bình luận” tốt và sự ủng hộ từ bạn bè.
Jamison Monroe, người sáng lập và là Giám đốc CEO của Newport Academy, đã ghi nhận:
“Mỗi cái ‘like' sẽ làm phát sinh lượng hormone dopamine, tương tự như chất cocain và những thứ ma túy khác. Não bộ nhanh chóng được kích thích tạo ra cảm giác của sự khoan khoái, khoái cảm. Vì thế, các bạn trẻ tuổi teen dễ bị lôi cuốn đến việc sử dụng thái quá mạng xã hội để có được những cảm giác khoan khoái này. Tất nhiên, chuyện này khiến các em thờ ơ đối với những sự khoan khoái, khoái cảm của thế giới thực, như việc xây dựng mối tương quan liên vị chân thực trong cuộc sống” (Jamison Monroe, người Sáng lập Newport Academy)[11].
Cũng thế khi nói về thế giới thực và ảo, Jamison Monroe cũng ghi nhận “Thoạt đầu, các em thực sự không biết làm gì khi không có điện thoại”. Thế nhưng chỉ sau vài ngày, chúng bắt đầu ý thức đến “cuộc sống thực” của chúng. Từ đó, chúng quan tâm đến việc kiến tạo những tình bạn chân thực và mạnh mẽ, song thực tế hơn. Chúng sẽ tái tạo sự kết nối với đời thường với những hoạt động của đời sống thực tế.
Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng ảnh hưởng cha mẹ có thể trở nên kém hiệu quả hơn là những tác động của mạng xã hội trên con cái tuổi teen. Vì thế, những kết nối với đời sống thực tế là chuyện thật sự quan trọng đối với cuộc sống của các bạn trẻ tuổi teen.
Thêm vào đó, Jamison ghi nhận rằng việc sử dụng thái quá mạng xã hội thường đưa tới những vấn đề như bị “stress” kinh niên, lo âu, hay bị những ám ảnh tuổi thơ. Vì thế, Newport Academy cũng đề xuất bắt đầu việc chữa trị bằng cách tách các em ra khỏi việc dùng điện thoại thông minh và những mạng xã hội.
Bị Bắt nạt trên mạng: Bắt nạt trên mạng là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà các bạn trẻ hiện nay dễ phải đối diện. Qua các dạng thức đa dạng của mạng xã hội, nhiều bạn trẻ tuổi teen bị bắt nạt dưới nhiều cách. Một số trường hợp nghiêm trọng đến độ những bạn trẻ đó đã tìm đến cái chết. Những nền tảng mạng xã hội cho phép người sử dụng ẩn danh và tấn công người khác một cách tàn nhẫn, và tất nhiên đưa tới những hệ quả thật nghiêm trọng.
Bị Lạm dụng: Các bạn trẻ tuổi teen cũng dễ bị lạm dụng bởi những kẻ xấu, những kẻ nguy hiểm, với những mưu đồ tính toán dẫn các bạn sa vào những điều tệ hại.
Bị cám dỗ trước những nội dung không phù hợp: Những nội dung không phù hợp và có hại như vấn đề khiêu dâm, ma túy, bạo lực, lừa lọc... được trình bày với nhiều vẻ hấp dẫn và mức độ khác nhau, hẳn cũng trở thành những cám dỗ mạnh đối với các bạn trẻ tuổi teen với những tính chất của một giai đoạn phát triển như đã trình bày ở trên. Đây là chuyện nhức nhối và thực tế đối với các bậc cha mẹ và những nhà giáo dục.
Suy nghĩ về những điều này, các bậc cha mẹ thường tự hỏi: “Vậy chúng tôi phải làm gì đây? Làm sao để con cái tuổi teen của chúng tôi có thể phát triển lành mạnh và an toàn với những tiến bộ của thời đại công nghệ ngày hôm nay?”.
Trước tiên, cần trao đổi với con cái và đặt ra những quy định hợp lý về việc sử dụng mạng xã hội. Nên nhớ rằng các bạn trẻ lứa tuổi teen luôn cần những sự nâng đỡ và cả sự giáo dục để phát triển những kỹ năng sử dụng mạng xã hội cách trách nhiệm. Hẳn có nhiều cách để giúp các bạn trẻ tuổi teen học biết sử dụng những mạng xã hội một cách trách nhiệm, thì chính việc đặt ra những quy định với những giới hạn hợp lý sẽ giúp con cái dần biết sử dụng mạng xã hội một cách trách nhiệm trong gia đình, bao gồm cả việc chấp nhận những hậu quả đối với việc lạm dụng hay sử dụng không đúng. Hãy khích lệ chúng đừng để cho mạng xã hội can thiệp vào giấc ngủ, bữa ăn, việc làm bài tập tại nhà và những sinh hoạt của chúng.
Tiếp đến, cần có những cách để giám sát việc sử dụng của các em. Dựa theo lứa tuổi và sự trưởng thành của con cái, hãy xem xét những đề xuất dưới đây:
- Việc kết bạn hay những tài khoản mạng xã hội của con cái cần có sự đồng thuận của cha mẹ, ngay cả việc tải lên những nội dung mà chúng muốn.
- Bảo đảm bật chức năng bảo mật để hạn chế truy cập đến thông tin cá nhân.
- Dạy cho con cái không được chia sẻ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, các mật mã, số thẻ an sinh xã hội, tài khoản thẻ tín dụng...
- Tắt phần định vị nơi chốn.
Sử dụng những ứng dụng nào có chức năng giúp hạn chế việc truy cập internet tới các website cần có sự hạn chế về tuổi khi truy cập.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 125 (Tháng 7 & 8 năm 2021)
WHĐ (09.01.2022)
Hites Bhasin, Impact of Social Media on Youth: Positive & Negative Effects of Social Media
Hites Bhasin, Impact of Social Media on Youth: Positive & Negative Effects of Social Media
Hites Bhasin, Impact of Social Media on Youth: Positive & Negative Effects of Social Media