Kiếp con người thật ngắn ngủi, tranh giành hơn thua với nhau nào có ích chi, giàu hay nghèo rồi cũng trở về cát bụi. Bởi trần gian bây giờ đầy những cám dỗ tội lỗi. Bạn có mong Ngài gọi bạn về không? Vì cuộc sống làm bạn mệt mỏi nên những lúc như thế, bạn có xin cho bạn tín thác tâm hồn, thân xác bạn nơi Chúa không? Bạn có bao giờ than rằng con đường của con có quá nhiều chông gai, con như kiệt sức rồi. Kiếp sống trên dương gian này thực sự mỏi mệt quá Ngài ơi! Được về bên Chúa là điều hạnh phúc nhất của một kiếp người. Tại đất nước Phật giáo Butan, người ta sống vui vẻ nhờ nghĩ đến cái chết 5 phút mỗi ngày và đất nước này đã trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. “Nếu sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng, một ngày nào đó bạn sẽ sống đúng”. Còn đối với Thị trưởng thành phố Đài Bắc - Đài Loan, bác sĩ Kha Văn Triết chính thức đắc cử vào ngày 29/11/2014. Là thị trưởng đầy quyền lực, nhưng ông vẫn nói: "Tất cả những thứ người ta theo đuổi, vinh hoa phú quý của đời người chẳng qua chỉ là một đống rác bỏ đi".
Suy nghĩ về cái chết là một trong những con đường giúp con người quay về với thực tại để ý thức và chịu trách nhiệm với chính mình - (Steve Jobs, cố CEO của Apple). Chịu đựng, chấp nhận và vượt qua nỗi đau đến cuối cùng vẫn phải dựa vào chính bản thân mình, quan trọng là trong thời gian đó, bạn chọn cách sống như thế nào. Nếu có người hỏi bạn: "Cái chết là gì", bạn trả lời như thế nào? "Làm thế nào mới được coi là sống đây?". Chỉ khi đối diện với cái chết, khi đứng trên ranh giới sinh tử, người ta mới nhìn lại đời người là gì, ý nghĩa nhân sinh đích thực là chi? Tôi cảm ơn Chúa đã độ lượng ban cho mình cơ hội để hiểu rằng cái chết là chìa khóa mở cánh cửa dẫn tới chân hạnh phúc - (Wolfgang Amadeus Mozart).
Trong tạp chí “Hai thế giới” số ra ngày 15/04/1882, O thenin d’Haussonville đã viết về sự chết của một bé gái: “Em sung sướng biết bao khi được Chúa Giêsu yêu thương” (I am so glad that Jesus loves me). Câu nói đã được khắc trên mộ của em. Có những lời khuyên dùng việc suy gẫm sự chết làm phương châm để phán đoán cho đúng những gì liên hệ đến đời sống. “Đối với kinh nghiệm cận tử: một số người bị tai nạn hay vì một lý do nào khác đã ngất đi trong thời gian lâu dài, nhưng sau đó họ sống lại. Bác sĩ đã phỏng vấn 1370 người như thế. Và họ đã có chung ý kiến như sau: Cuộc sống ở cõi bên kia hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này, sau khi chết đi sống lại, không ai còn sợ chết nữa. Điều quan trọng họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người. (Willie Hoffsuemmer)”[1].
Chuẩn bị thân quyến ta và chuẩn bị chính bản thân ta để chết theo tinh thần Ki-tô giáo trong đời sống và là lúc gần chết sẽ làm dịu hết mọi cơn thử thách, khiến mọi cố gắng được dễ dàng làm tăng thêm sức hành động của Thiên Chúa, Đấng lau sạch những giọt nước mắt của ta, như kinh thánh đã nói nhiều lần (Kh 7,17; 21,4).
Hồng Y Wiseman, tác giả cuốn Fabiola: ít lâu trước khi qua đời, người ta hỏi ngài có cảm tưởng như thế nào. Ngài trả lời: “Chính là cảm tưởng tôi có lúc còn nhỏ trước phát phần thưởng kết thúc năm học, rồi được lên đường đi nghỉ hè”[2]. Trước khi qua đời, Đức Hồng Y Manning nói: “Tâm hồn tôi tràn đầy niềm vui vẻ của thế giới bên kia nấm mồ. Tôi hiểu vì sao mà thánh Phaolô ước ao ra đi! Nào ta hãy ra đi!”. Thánh Phaolô đã diễn tả: “Tình yêu mạnh hơn sự chết”. Từ sau biến cố Đamas, Phaolô đã thật sự ý thức mình được Chúa chọn gọi làm Tông đồ (Gl 1,11) và đã hòan toàn đáp trả bằng cả cuộc đời loan báo Tin mừng, đạt cao điểm nơi chính sự chết theo gương Đức Giêsu, Đấng đã hoàn tòan vâng phục thánh ý Chúa Cha và vâng phục đến chết trên thập giá (x. Pl 2,6-8).
Thánh Têrêsa hài đồng Giêsu đến ngồi trong vòng tay của mẹ và thỏ thẻ: “Mẹ ơi,con muốn mẹ mau chết để được về với Chúa”. Đó là một tâm tình đơn thành của trẻ thơ. Têrêsa đã khám phá và đón nhận đau khổ như là món quà hồng ân. Ngày rước lễ lần đầu tiên, bé Têrêsa hài đồng Giêsu đã thưa với Chúa: “Chúa ơi, con yêu Chúa lắm, con muốn thuộc về Chúa suốt đời”. Thánh Têrêsa hài đồng Giêsu qua đời tại tu viện Lisieux ngày 14/04/1905 đã nói: “Ôi! An vui dường nào! Tôi không sợ chết! Không nên sợ đau khổ luôn luôn. Chúa ban sức mạnh… Chà! Tôi ao ước chết vì lòng mến Chúa dường nào. Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa”.
Mỗi người Chúa ban cho sức mạnh đủ để chịu những thử thách như lời Chúa nói: “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9). Hãy vững niềm tin vào Chúa. Dù mỗi trường hợp “đêm đen” của các thánh có mức độ khác nhau, nhưng các vị đều có chung một đặc tính: vững tin, một lòng yêu Thiên Chúa, và nhiệt thành phục vụ tha nhân. Hay mỗi người chúng ta vâng theo thánh ý Chúa, để rồi một ngày: “Chúa tới gọi con về (Trong ngày Chúa đến). Chúa tới gọi con về (Trở về cùng Chúa) Chúa kêu gọi con về trình diện với Chúa Chúa ơi. Chúa tới gọi con về (Ai ngờ Chúa đến). Chúa tới gọi con về (Chúa tới gọi con). Con xin từ giã cuộc đời về với Chúa Chúa ơi. Trong khi con không ngờ thì Chúa đã đến thúc con. Một lời từ giã tất cả để về cùng Chúa. Con cô đơn âm thầm, tìm đến Chúa cứu giúp con. Nguyện lòng từ ái Chúa thương phận này hèn yếu. Con đây bao lỗi lầm nguyện Chúa ân xá thứ tha. Lòng thành thề hứa bước theo đường dìu về Chúa”[3]. Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến! (Kh 22,20).
[1] x. Linh mục Inhaxiô Trần Ngà, Khám phá một nguồn vui – Ủy ban loan báo tin mừng thuộc Hội đồng giám mục Việt Nam, NXB Tôn giáo, Tp. HCM 2014, tr. 141.
[2] x. La Joie deVant La Mort, nguyên tác của linh mục De Parvillez, S.J, chủ bút tạp chí Les Études 1996.
[3] x . Bài hát: Chúa gọi con về – Lan Thanh.
Tác giả bài viết: Agape
Nguồn tin: gpbuichu.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn