CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH NĂM C
Cv 13,11.43-52; Kh 7,9.14b-17; Ga 10,27-30
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
27 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.
28 Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.
29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.
30 Tôi và Chúa Cha là một.”
SUY NIỆM:
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Từ thời Cựu Ước, hình ảnh Thiên Chúa như một Mục Tử đã trở nên rất quen thuộc với dân Israel. Ngài không bao giờ bỏ rơi dân mình, nhưng luôn yêu thương, dẫn dắt và chăm sóc họ như một chủ chiên dẫn dắt đoàn chiên đi qua sa mạc để vào Đất Hứa. Qua các tổ phụ, ngôn sứ, đặc biệt là vua Đavít - người mục tử trở thành vua, Thiên Chúa vẫn tiếp tục hành động để bảo vệ và nuôi dưỡng dân Ngài.
Ngôn sứ Êzêkiel từng loan báo rằng: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta”. Lời hứa ấy đã nên trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Đấng được sai đến để trở thành Mục Tử Nhân Lành, như Người khẳng định trong Tin Mừng hôm nay: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta ban cho chúng sự sống đời đời.” Chúa Giêsu không chỉ biết từng con chiên, mà còn hy sinh mạng sống vì đoàn chiên, một tình yêu không giới hạn, luôn đi bước trước, dám dấn thân và sẵn sàng liều mình cho phần rỗi của từng người.
Thưa anh chị em, khi chiêm ngắm Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, chúng ta cũng được mời gọi cầu nguyện cách đặc biệt cho ơn gọi linh mục và tu sĩ, vì hôm nay cũng là Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Giáo hội cần những mục tử thực sự yêu thương, biết đoàn chiên mình và sống giữa đoàn chiên.
Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô từng nhắn nhủ các linh mục: “Hãy mang mùi chiên”. Nghĩa là đừng sống xa cách, quyền uy hay hình thức, nhưng phải gần gũi, cảm thông, lắng nghe và đồng hành. Một mục tử đích thực không chỉ đứng trong nhà thờ mà còn dấn thân ra “vùng ngoại biên”, đến với người nghèo, người bị bỏ rơi, người đang hoang mang trong đức tin như chính Chúa Giêsu đã từng đi đến với người thu thuế, người phong cùi, người phụ nữ ngoại tình.
Trong đời sống thường ngày, mỗi người Kitô hữu cũng được mời gọi trở nên mục tử trong môi trường sống của mình: trong gia đình, khu xóm, giáo xứ. Đó là khi ta biết lắng nghe, chăm sóc, tha thứ và yêu thương những người xung quanh. Đó là khi cha mẹ dành thời gian cho con cái, khi một người trẻ dấn thân trong cộng đoàn, khi mỗi người sống trách nhiệm với vai trò của mình.
Chúng ta cũng được mời gọi cổ võ ơn gọi không chỉ bằng lời cầu nguyện, mà còn bằng việc nâng đỡ vật chất và tinh thần để các chủng sinh, tu sĩ được huấn luyện đúng đắn và trưởng thành. Đó là cách thiết thực để chung tay xây dựng một Hội Thánh có những mục tử mang trái tim của Chúa Kitô.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Trong niềm tin vào Chúa Mục Tử Nhân Lành và giữa Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi, hôm nay chúng ta cùng nhau vui mừng và tạ ơn Thiên Chúa vì Hội Thánh đã có Tân Giáo hoàng và ngài đã chọn tước hiệu Lêô XIV. Đây không chỉ là một biến cố trọng đại của Giáo Hội hoàn vũ, mà còn là dấu chỉ sống động cho thấy Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành vẫn đang chăm sóc và hướng dẫn đoàn chiên của Người qua các vị mục tử kế vị Thánh Phêrô. Xin cho Đức Giáo hoàng Lêô XIV được tràn đầy Chúa Thánh Thần để dẫn dắt Hội Thánh trong tình hiệp thông, lòng can đảm và sự khôn ngoan giữa thời đại nhiều thách đố.
Hơn bao giờ hết, Hội Thánh cần những vị mục tử can đảm bước ra khỏi mình, biết yêu như Chúa, sống giữa đoàn chiên, và không ngại dấn thân vào vùng ngoại biên như cha sở Họ Art ngày đầu tiên tìm đường về Họ Art khi nói với một em bé: “Con hãy chỉ cho cha đường về Họ Art, cha sẽ chỉ cho con đường về thiên đàng.”
Nguyện xin Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, ban cho Hội Thánh nhiều mục tử thánh thiện, khôn ngoan và quảng đại. Xin cho mỗi chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa, bước theo Người trong niềm tin yêu và sẵn sàng cộng tác để mở mang Nước Chúa đến giữa lòng thế giới hôm nay. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.
SUY NIỆM 2: LÝ TƯỞNG NGƯỜI TRẺ
Khi bước vào Chúa nhật IV Phục sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu trong dung mạo của vị Mục Tử nhân lành. Một Mục Tử dám hy sinh tất cả, để chiên được sống và sống dồi dào.
Chính Thiên Chúa đã từng phán qua miệng ngôn sứ Êdêkien rằng: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên Ta: Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm chữa lành; con nào béo mập và khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng” (Ed 34, 15-16).
Lời hứa ấy của Thiên Chúa đã được chính Chúa Giêsu thực hiện khi Ngài tha thứ cho những người tội lỗi, chữa lành cho những người bệnh tật, và đỉnh cao của tình yêu mục tử là việc hiến mạng sống của Ngài trên thập giá vì đoàn chiên mình.
Chưa hết, sự phục sinh của Chúa Giêsu đã mở ra cho chúng ta, là đoàn chiên được mang danh Ngài niềm hy vọng tìm về suối nước trong và đồng cỏ xanh tươi trong vương quốc vĩnh cửu của Ngài.
Tất cả những gì vừa nói trên, nhằm nhắn nhủ với chúng ta điều này: Hãy tin tưởng vào tình yêu mà Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta.
Hôm nay cũng là ngày lễ Chúa Chiên Lành, ngày cầu nguyện cách đặc biệt cho những người sống ơn gọi tu trì. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Linh mục và Tu sĩ của Chúa. Xin cho các ngài một khi đã hiến dâng đời mình cho Chúa, thì cũng biết mang lấy dung mạo và đức tính nhân lành của vị Mục Tử Giêsu, để mang lại niềm vui, sự bình an, và ơn Chúa cho đoàn chiên được trao phó.
Chúng ta cũng đừng quên cầu nguyện cho giáo xứ của chúng ta, ngày càng có nhiều bạn trẻ dám can đảm bước đi theo lời mời gọi của Chúa Giêsu trong ơn gọi dâng hiến, để góp phần làm cho “vườn hoa ơn gọi” của giáo xứ, của Giáo phận, và Giáo Hội thêm nhiều hương sắc.
Có lần hỏi một vài em đang học lớp 12 về định hướng tương lai đời mình. Các em ấy liệt kê hàng loạt những ước mơ, nhưng lại không thấy em nào có ước mơ đi tu. Khi hỏi tại sao thì có nhiều lý do đưa ra lắm: học không giỏi, sức khỏe yếu, tội lỗi đầy đầu… Nhưng lý do cốt lõi vẫn là: đi tu cực - ở đời sướng hơn, muốn làm gì tùy ý.
Thôi thì mỗi người đều có suy nghĩ và chọn lựa cho tương lai của đời mình. Miễn là chúng ta chọn đúng, miễn là quyết định đó mang lại cho chúng ta hạnh phúc và bình an.
Tuy nhiên, là những người làm cha mẹ, làm anh chị trong gia đình, chúng ta có bổn phận cầu nguyện, động viên và khích lệ con em của chúng ta dâng mình cho Chúa trong ơn gọi Linh mục và tu sĩ. Đó là điều mà Giáo Hội hằng thao thức và mong muốn các gia đình cộng tác.
Cách riêng với những ai còn có thể; đó là các bạn học sinh sinh viên. Nhỡ một lúc nào đó trong đầu các bạn bật lên ý tưởng muốn dâng mình cho Chúa, thì hãy cố gắng theo đuổi và nuôi dưỡng lý tưởng ấy. Vì đó là dấu hiệu cho biết Chúa đang gọi các bạn. Hãy can đảm đáp lại tiếng Chúa, đừng tính toán so đo, cũng đừng lắng lo cái được mất ở đời. Vì “Chúa là mục tử chăn dắt tôi. Tôi chẳng thiếu sự gì”.
Tóm lại, trong ngày lễ Chúa Chiên Lành hôm nay, chúng ta được mời gọi mang lấy 3 tâm tình này:
Tâm tình thứ nhất, xin Chúa Giêsu là Mục Tử nhân từ chúc lành và nâng đỡ các Linh mục mục và Tu sĩ, là những người Chúa đã chọn để cùng với Ngài chăm sóc đoàn chiên Chúa.
Tâm tình thứ hai, xin Chúa cũng khơi lên trong lòng những người trẻ của giáo xứ chúng ta sự nhiệt huyết dấn thân, để các bạn dám chọn và dám sống cho một lý tưởng cao đẹp trong ơn gọi dâng hiến.
Và tâm tình thứ ba, xin đừng để cho chúng ta là đoàn chiên Chúa thiếu vắng các vị mục tử. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 3: MỤC TỬ TỐT LÀNH VỚI 3 CHỮ D
Chúa Giêsu khẳng định: “Tôi là Mục Tử Tốt Lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của Tôi biết Tôi. Mục Tử Tốt Lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên”. Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tốt Lành, là Đấng bảo vệ đoàn chiên, yêu thương săn sóc và hy sinh mạng sống cho đàn chiên, là nền tảng, là mẫu mực cho mọi vị chủ chăn tương lai được Ngài trao quyền chăn dắt đoàn chiên, tiếp nối sứ mạng Mục Tử của Ngài.
Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tốt Lành với những nét đặc trưng sau đây:
– Vị Mục Tử Tốt Lành hết lòng yêu thương những người thuộc về mình. Vì yêu thương nên Ngài quan tâm đến mọi người và đến từng người. Càng quan tâm thì càng biết tường tận: biết họ muốn gì, họ cần gì, họ có thể gặp phải những nguy cơ cạm bẫy hay thử thách nào.
– Vị Mục Tử Tốt Lành luôn đi đầu, đi trước, hướng dẫn, lãnh đạo đoàn chiên, đứng mũi chịu sào, gánh chịu mọi khổ cực cho người thuộc về mình. Mục Tử Tốt Lành đem chiên đến những miền an toàn, có suối mát có cỏ xanh, cho chiên được ăn uống no nê, được nghỉ ngơi thoải mái. Chiên sẽ tăng trưởng cả về chất lượng lẫn số lượng. Mục Tử Tốt Lành dám hy sinh mạng sống vì chiên.
– Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến để yêu thương, chăm sóc, quy tụ mọi con chiên. Ngài biết tên từng con chiên như Cha Ngài biết Ngài ( Ga 10,14-15). Ngài gọi tên từng con chiên và dẫn đi (Ga 10,3). Mục Tử sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên: “Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” ( Ga 15, 13). Chúa Giêsu đã chứng tỏ Ngài là vị Mục Tử Tốt Lành, vị chủ chăn không bao giờ hèn nhát thấy sói tấn công chiên mà bỏ trốn, nhưng Ngài luôn cứu vớt, tập họp, chăn dắt ( Ga 10,9.16 ).
Chúa Giêsu còn cho thấy tính tương phản của hai loại mục tử. Mục tử thật và mục tử giả. Mục tử thật luôn hết mình vì đàn chiên. Mục tử giả chỉ lo vun quén cho bản thân. Mục tử thật thì hy sinh cho đàn chiên. Mục tử giả chỉ đến để xén lông chiên. Mục tử thật luôn tìm kiếm nguồn nước và đồng cỏ xanh tươi cho đàn chiên no đầy. Mục tử giả chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình, sống hưởng thụ, lười biếng và thiếu trách nhiệm đến sự sống còn của đàn chiên.
Đức Hồng Y Yvan Dias, Tổng trưởng Thánh bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, đại diện Đức Thánh Cha đã chủ toạ bế mạc Năm Thánh 2010 tại Thánh địa Lavang.
Sau đại lễ, ĐHY Ivan Dias đã gặp gỡ các Giám Mục Việt Nam trong một tiếng đồng hồ để chia sẻ về tình hình cũng như gởi gắm sứ điệp. Về sứ điệp, ngài mời gọi tất cả Giám mục chia sẻ lại cho các linh mục, chủng sinh của mình về 3 chữ D rất cần thiết trong đời sống của người thuộc về Giáo Hội. 3 Chữ D là: Doctrine, Discipline, Dévotion.
1. Doctrine, về giáo thuyết. Mỗi Linh mục hôm nay được mời gọi nắm vững giáo lý Giáo hội Công giáo, giáo huấn Giáo hội, học thuyết xã hội của GHCG, bởi vì nếu không nắm vững những hướng đi trong đó, thì trong cách ứng xử một Linh mục ở tại giáo xứ nhiều khi có những cái chưa chuẩn mực và nếu như cả một Giáo hội mà lại không nắm vững về Doctrine này thì rất nguy hiểm, sẽ đưa Giáo hội đến chỗ không cứu vãn được. Tại sao Tòa Thánh phải lên tiếng về Giáo hội Trung Quốc? Câu trả lời cho biết vì yếu về giáo thuyết. Nếu hiểu Giáo hội không thể tự lực tự cường được thì người ta sẽ có chọn lựa khác. Chẳng phải nói đâu xa, trường hợp của GHVN ngày nay cũng cho thấy thấp thoáng nguy cơ. Hết rồi thời đối đầu, đã bước sang thời đối thoại. Nhưng đối thoại như thế nào để mình vẫn là GHCG, đó lại là cả một tuyến mở ra cho suy nghĩ và vì vậy quan trọng là nắm vững giáo thuyết để có những quyết định phù hợp.
2. Discipline, về kỷ luật. Đây là một vấn đề thường gây khủng khoảng cho các Giáo hội phương Tây. Vấn đề Linh mục lạm dụng tình dục là do việc không tuân thủ kỷ luật của Giáo hội, để đến khi bùng nổ ra thì không vớt vát được. Vài địa phận của Hoa Kỳ đã phải bán hết cơ sở của mình đi để trang trải cho việc xao lãng kỷ luật của một thời. Đây là một vấn đề đau lòng. Do đó, tuân thủ kỷ luật đời sống Linh mục là một cách để giúp Linh mục một đàng thánh hóa bản thân và đàng khác tránh tất cả những hậu quả tai hại. Thời mới bước chân vào Chủng viện, chắc chắn các chủng sinh đều thuộc lòng câu: Ai sống theo kỷ luật là sống theo ý Chúa, và sau này trên bước đường lớn hơn, Linh mục vẫn thường được nghe nhắc nhở: hãy giữ luật thì luật sẽ giữ cho mình, sẽ bảo vệ mình. Cho nên chữ Discipline mời gọi mỗi người trong hướng đi đời Linh mục cũng gắn bó với luật lệ của Giáo hội cách khít khao.
3. Dévotion, lòng đạo đức sốt sắng. Ở đây theo như lời chú giải của ĐHY Dias, thì nó gắn liền với những phong trào đạo đức, có một thời tưởng như bị bỏ rơi vì đi liền với lòng đạo đức bình dân của đại chúng. Thí dụ: tràng hạt Mân Côi, có một thời người ta rẻ rúng cho là loại kinh dành cho phụ nữ, người nhàn rỗi, người già… nhưng sau này người ta cảm nghiệm được sức mạnh của kinh Mân Côi, nhất là sức mạnh hoán cải, sức mạnh thánh thiêng giúp người ta tiến xa trên đường nên thánh. Những cái thuộc loại Dévotion thì thường gắn liền với những hình thức văn hóa. Ví dụ: hành hương coi như chuyện đi chơi, nhưng ở đó cũng là một thứ Dévotion mời gọi Linh mục không nên xem thường. Tất nhiên không thể loại trừ những hình thức Dévotion truyền thống tôn sùng Thánh Tâm, Chầu Thánh Thể, hay là những hình thức khác nhau dành cho các Thánh. Một Linh mục mà rẻ rúng những hình thức đạo đức bình dân thì coi chừng, tưởng là mình ở trên đỉnh cao trí thức, biết đâu lúc nào đó mình rớt xuống vực mà không hay. Lần hạt Mân Côi, đó là một lời kinh tháp tùng Linh mục trên mọi bước đường, trong mọi hoàn cảnh, đó là lời kinh còn lại duy nhất sau khi đã quên đi tất cả. Gắn bó với một sự đạo đức như thế cũng là một cách giúp cho đời Linh mục được vươn lên, được thăng tiến. (x. Huấn từ khai mạc Tình tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết, ngày 10.1.2011, ĐGM Giuse Vũ Duy Thống).
Chúa nhật IV Phục sinh, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu Linh mục và ơn gọi Tu sĩ nam nữ. Giáo Hội luôn cần đến những mục tử tốt lành. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều mục tử đạo đức, thánh thiện như lòng Chúa mong ước.
Trong Sứ điệp ngày thế giới cầu nguyện cho các ơn gọi năm 2012, ĐTC Bênêđictô xác định: Lời Chúa, cầu nguyện và Thánh Thể là kho tàng quý giá giúp cho các ơn gọi hiểu vẻ đẹp của một cuộc sống hoàn toàn dâng hiến cho Nước Thiên Chúa.Ngài mời gọi mời gọi các mục tử : Khi kín múc ở nguồn mạch tình yêu Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện, cùng với việc năng lui tới với Lời Chúa và các Bí tích, cách riêng Bí tích Thánh Thể, mà ta có thể sống tình yêu đối với tha nhân trong đó ta học biết khám phá khuôn mặt của Chúa Kitô (x. Mt 25, 31-46).
Trở nên mục tử tốt lành nhờ biết trau dồi giáo thuyết Kinh Thánh (Doctrine), sốt sắng trong lời cầu nguyện gắn bó với Chúa Giêsu (Dévotion) và có tinh thần kỷ luật trong đời sống tu trì (Discipline).
Mục tử tốt lành là phải luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, luôn khát khao và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, vị mục tử tốt lành biết rõ đàn chiên,yêu thương đàn chiên và sẵn sàng hiến mạng vì đàn chiên. Từ đó, vị mục tử tốt lành biết nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực có chất lượng cao đặc biệt là cử hành Thánh Thể sốt sắng và nhiệt thành trong bí tích Hòa Giải.
Ơn gọi Linh mục Tu sĩ chính yếu là để “sống với Chúa, và để Ngài sai đi”(Mc 3, 14). Sống với Chúa, là lắng nghe tiếng Ngài trong từng giây phút sống, để nên một với Chúa trong gian nan và hạnh phúc. Để Ngài sai đi, là sẵn sàng đi theo con đường Ngài đã đi, thực thi sứ mạng Ngài trao bất chấp những gì xảy ra.
Giáo dân cần Linh mục như bệnh nhân cần bác sĩ, như học sinh cần thầy cô giáo, như một người bạn sẵn sàng cảm thông chia sẻ vui buồn trong đời sống và như người bạn đồng hành giúp đỡ trong cuộc hành trình tiến về đời sau.
Hãy cầu nguyện cho các Linh mục được trở nên những mục tử như Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành, biết yêu thương phục vụ đoàn chiên, hiểu biết tâm tư tình cảm của từng người, quan tâm chăm sóc từng con chiên và sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của đàn chiên. Trong bài giảng Lễ Dầu năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên các linh mục : “Cha mời gọi các con điều này, các con hãy là những người chăn chiên có mùi của chiên. Người chăn chiên thì có mùi chiên, làm cho cái mùi ấy thành cái mùi thực, giống các người chăn chiên ở giữa đoàn chiên của các con. Mùi của chiên chỉ có được bằng cách sống các thực tại đời sống hàng ngày của họ, các bối rối khó khăn của họ, các niềm vui của họ, các gánh nặng và các hy vọng của họ”.
Hãy cầu nguyện cho các Linh mục có những đức tính tốt của những Mục Tử tốt Lành mà Thánh Kinh đã mô tả :
– Yêu thương, trìu mến chiên với tất cả tâm hồn: “Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40, 11).
– Yêu quý từng con chiên, một con cũng như cả trăm con: “Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao ? Và nếu may mà tìm được, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc” (Mt 18, 12-13).
– Lo cho chiên, tạo những điều kiện tốt đẹp cho chiên: “Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong những đồng cỏ mầu mỡ” (Ed 34, 14).
– Làm cho chiên được sống no ấm, hạnh phúc: “Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 23,1); làm chiên luôn vững dạ vì được bảo vệ: “Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (23, 4).
– Tinh thần trách nhiệm đối với đàn chiên rất cao: “Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng” (Ed 34,16).
– Cứu thoát, giải phóng đàn chiên: “Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân Người, như mục tử cứu thoát đàn chiên” (Dc 9,16).
Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử Tốt Lành, xin cho chúng con luôn theo gương vị thánh bổn mạng các Linh mục, đó là Cha sở Gioan Vianney “là mục tử mang nặng mùi con chiên của mình”, hôm nay ngày cầu nguyện cho các mục tử, xin giúp anh em linh mục chúng con luôn biết sống theo gương sáng mục tử của ngài. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
SUY NIỆM 4: CHÚA KITÔ, MỤC TỬ NHÂN LÀNH
Vào năm 1943, xảy ra vụ năm người lính Đức bị phục kích và bị sát hại gần thành phố Chani, miền bắc nước Ý. Để trả thù, viên chỉ huy Đức Quốc Xã liền ra lệnh bắt 50 người thế giá nhất của thành phố đem đi xử bắn.
Đức Tổng Giám mục và Đức Cha phó đã cố gắng can thiệp nhưng không hiệu quả gì. Tất cả 50 người đều bị trói, bị bịt mắt và xếp thành hàng dài. Thế rồi giây phút đen tối nhất đã đến. Tiếng còi hụ vang lên báo hiệu nhắm súng. Đức Tổng Giám mục xin viên chỉ huy một đặc ân cuối cùng là được ôm hôn từng người sắp bị hành quyết. Ngài tìm cơ hội cho các nạn nhân được xưng tội để giao hoà với Chúa. May mắn thay, lời thỉnh cầu này được chấp nhận.
Nhưng cũng thật lạ lùng, bởi vì sau đó hai vị giám mục đã không trở về chỗ cũ, mà lại đứng vào hàng ngũ những người bị xử bắn. Đức Tổng giám mục lên tiếng nói với viên chỉ huy: “Không phải chỉ có 50 người, nhưng tất cả là 52 người chúng tôi. Ông còn quyết định bắn chúng tôi, thì xin hãy ra lệnh. Xin Thiên Chúa tha thứ cho ông.”
Ngài vừa dứt lời, từ bầu khí nặng nề của chết chóc bỗng vang lên tiếng reo hò, bởi vì các khẩu súng đang nhắm bắn đều hạ xuống. Thế là cả chủ chăn lẫn đoàn chiên đều thoát khỏi những viên đạn tử thần. Hôm đó từ pháp trường ra về, mục tử cũng như đoàn chiên đều sung sướng hát lời thánh vịnh: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ” (Tv 125,1).
Gương anh hùng của Đức Tổng Giám mục phản ánh dung mạo vị mục tử nhân lành là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã hy sinh mạng sống vì đàn chiên mình. Trở nên mục tử nhân lành theo gương Chúa Giêsu là sứ mạng mà Người muốn truyền lại cho các Tông đồ và những người kế vị các ngài. Vì như Chúa đã nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên. Tôi biết các chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi.” (Ga 10,11.14)
Là Mục Tử nhân lành, Chúa Giêsu không bao giờ dửng dưng trước những đau khổ của từng con chiên của Người. Người đến thế gian, mặc lấy thân phận con người không chỉ để chia sẻ, cảm thông và chữa lành những khổ đau của con người, nhưng còn để gánh tội trần gian và hiến dâng mạng sống để chuộc tội nhân loại.
Là Mục Tử nhân lành, Chúa Giêsu không đợi những con chiên lạc của Người trở về nhưng Người đi tìm kiếm để dẫn chúng về.
Là Mục Tử nhân lành, Chúa Giêsu không quan tâm đến việc cứu mạng sống mình, nhưng hiến mạng sống mình để đàn chiên của mình được sống.
Chúa Kitô là Mục Tử nhân lành và chân chính, Người biết từng con chiên của mình. Đối với Chúa, không ai là vô danh, Chúa biết tên tất cả mọi người và từng người. Người yêu mỗi người bằng một tình yêu duy nhất. Nếu chúng ta biết lắng nghe Người, chúng ta không bao giờ đi sai đường lạc lối.
Khi xuống thế làm người, Đức Kitô đã theo đuổi sứ mệnh hiệp nhất và đã hiến mạng sống mình để quy tụ những con cái Chúa đang tản mác khắp nơi về với Chúa Cha. Sau khi sống lại, Người trao cho các tông đồ nhiệm vụ tiếp tục công trình của Người. Sau các ngài, biết bao người vẫn tiếp nối sứ mạng này. Và cho đến hôm nay, Chúa vẫn luôn kêu gọi các mục tử quy tụ và chăm sóc đàn chiên của Người.
Trong Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, chúng ta thấy Chúa Giêsu hỏi Phêrô ba lần: “anh có yêu mến Thầy không?”. Và khi nhận được câu trả lời của ông: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,15-16), Chúa Giêsu liền trao cho ông, vị giáo hoàng tiên khởi, sứ mạng chăm sóc chiên của Người. Dù chối Chúa ba lần, dù có nhiều thiếu sót, Phêrô vẫn được Chúa trao quyền cai quản Giáo Hội, vì Chúa biết tình yêu của ông dành cho Người, nhưng nhất là vì Chúa yêu thương và tin tưởng Phêrô.
Ơn gọi linh mục và tu sĩ mà Giáo Hội cầu nguyện đặc biệt ngày hôm nay dựa trên điểm cốt yếu này: Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, và tình yêu của con người đối với Thiên Chúa. Nếu người nào đó chọn trở thành linh mục hay tu sĩ, đó là vì họ nhận ra mình được Chúa yêu thương, và họ muốn đáp trả tình yêu của Người, muốn đi theo và bắt chước Người, Đấng đã yêu thương nhân loại và hiến mình vì nhân loại. Càng tiến gần Chúa, họ càng được lôi cuốn trong tình yêu mà Chúa dành cho thế gian này. Như thế, mục đích của mọi ơn gọi là tình yêu, một tình yêu duy nhất dành cho Thiên Chúa và cho con người.
Hôm nay, chúng ta không chỉ cầu nguyện cho các linh mục và tu sĩ nam nữ, mà còn cầu nguyện cho tất cả các Kitô hữu, để trong đời sống thường nhật, họ biết sống tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, bằng chứng từ phục vụ và hiến thân, bằng việc quan tâm đến người khác, bằng lời cầu nguyện cũng như các hoạt động cho sự hiệp nhất và hiệp thông.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
SUY NIỆM 5: CHỌN MÀ NGHE
Tuần trước Phúc Âm thuật lại, ba lần Phêrô công khai tuyên xưng ông mến Đức Kitô hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn. Sau mỗi lần tuyên xưng như thế, Đức Kitô trao cho ông trọng trách, chăm sóc và bảo vệ đàn chiên Chúa. Tuần này Phúc âm chú trọng đến sự liên hệ mật thiết giữa chủ chiên và đàn chiên. ‘Chiên ta thì nghe tiếng ta, ta biết chúng và chúng theo ta Gn 10,27. Chiên nghe được tiếng chủ gọi nói lên sự liên hệ mật thiết giữa chủ chiên và đàn chiên. Nghe và biết, diễn tả sự liên hệ thường xuyên, và tiếng gọi kia, không phải là tiếng ai xa lạ, mà là tiếng gọi quen thuộc. Tiếng quen thuộc chủ chiên kêu gọi, không phải gọi chơi, mà gọi với mục đích. Qua bí tích rửa tội, Kitô hữu đáp trả tiếng chủ chiên mời gọi, và chủ chiên còn tiếp tục mời gọi. Chúng ta cầu nguyện để luôn trung thành với lời đáp trả, ta lãnh nhận khi chịu phép rửa, và tiếp tục tuyên xưng đức tin mỗi khi chúng ta cùng nhau đọc kinh Tin Kính, tuyên xưng trung thành với đức tin Chúa ban.
Chương đầu sách Sáng Thế Kí tường thuật sau mỗi ngày sáng tạo, Thiên Chúa thấy mọi sự tốt đẹp. Điều này cho thấy những gì Chúa tạo dựng đều tốt đẹp (STK 1,10). Chúng ta chọn nghe tiếng Chúa bằng cách chọn những gì tốt đẹp, đáng yêu, đáng quí và hỗ trợ, bảo vệ cũng như ban sự sống. Chọn như thế là chọn sống theo í Chúa. Khi Lời Chúa bám rễ, ăn sâu vào trong tim ta, ta sẽ chọn điều tốt lành, tránh điều xấu, và ngay cả phấn đấu để sự xấu không thể ảnh hưởng đến quyết định liên quan đến cuộc sống của chính mình, và cuộc sống của anh em. Sóng cả và giòng nước xoáy có thể làm lung lay mỏ neo con thuyền. Giữ cho ‘con thuyền’ đức tin không bị trôi theo giòng nước, Kitô hữu cần lắng nghe và đáp trả tiếng kêu gọi của chủ chiên. Đức Kitô lắng nghe tiếng Chúa Cha và kết hợp với Chúa Cha. Tông đồ lắng nghe tiếng Đức Kitô và kết hợp mật thiết với Đức Kitô. Kitô hữu lắng nghe và kết hợp với Đức Kitô qua lắng nghe tiếng kêu gọi của các tông đồ, và những vị các ngài tuyển chọn và sai đi. Qua đó Kitô hữu kết hợp với Chúa Cha, bởi chính Đức Kitô trao quyền cho thánh Phêrô coi sóc Giáo Hội, do Ngài sáng lập nơi trần thế. Giáo Hội do chính Đức Kitô sáng lập, đặt căn bản trên đức tin của các tông đồ mà Đức Kitô là đá tảng. Ngày nay đáp trả theo tiếng kêu gọi của Giáo Hội chính là tự chọn thuộc vào thành phần thiểu số, nhất là khi tiếng gọi đó không được đám đông hưởng ứng, và thường bị truyền thông phê bình, phân tích tỉ mỉ, chỉ trích theo quan điểm của đa số. Chỉ những Kitô hữu thường xuyên lắng nghe tiếng chủ chiên mời gọi mới đủ can đảm chấp nhận, và đáp trả tiếng mời gọi trên. Đáp trả lời mời gọi trên là dấu chỉ người đó thuộc về Đức Kitô; lắng nghe các tiếng khác chính là từ chối, hoặc tự tách mình khỏi dân riêng Chúa. Tuỳ theo mức độ đáp trả mà người ta nhận ra bạn là người tin theo Đức Kitô đến mức nào? Tin theo Đức Kitô, Kitô hữu nhận được sự sống trường sinh, nhận ân sủng và tình thương Chúa, và bảo đảm nơi ở nơi Thiên quốc Gn 10,27. Đáp trả lại tiếng chủ chiên chính là từ chối lời mời gọi khác nơi xã hội. Tiếng Đức Kitô mời gọi không phải là tiếng nói thường, mà là lời mời gọi của Đức Kitô Phục Sinh, Đấng sống lại từ cõi chết, đánh tan thần chết và ban sự sống đó cho những ai bước theo con đường Ngài mời gọi Gn 11,25-26.
Sự sống trường sinh là quà tặng miễn phí cho những ai tuyên xưng Đức Kitô Phục Sinh. Người đó thuộc về Đức Kitô, nhận được ân sủng và bình an Phục Sinh. Sự sống trường sinh là hiện thực, và có được bởi không thế lực nào có thể thắng được tình yêu của Đức Kitô. Đức Kitô ban ơn trường sinh, và đồng thời cũng ban cho ta quyền tự do lựa chọn: Hoặc tin và bước đi theo Ngài, hoặc tin và bước theo í nguyện riêng mình. Kitô hữu đi theo Đức Kitô nhận được Thánh Thần Chúa, hướng dẫn chỉ đường. Đi theo í riêng, một mình, cô đơn, trên trường đời, bởi từ chối ơn lành Chúa ban.
Lm. Vũ Đình Tường
SUY NIỆM 6: CHIÊN TÔI THÌ NGHE TIẾNG TÔI
Ai cũng biết điếc là khổ. Người điếc bị người ta coi khinh và còn xem họ như những người chuyên làm phiền người khác. Điều đáng buồn là người ta thường thiện cảm với người mù, người què, nhưng lại thường nổi xung và bực bội với người điếc.
Có một lần tôi đi xức dầu bệnh nhân, sau khi nói chuyện, tôi hỏi bà cụ có muốn xức dầu không? Bà liền nói: con đâu có đau đầu đâu! Hóa ra bà bị điếc tưởng tôi nói bà có đau đầu không?
Điều đáng buồn là người điếc lại cho không biết mình bị điếc nên vẫn vô tư sống.
Có một người đàn ông đi gặp bác sĩ để kể về người vợ của mình. “Tôi cho rằng vợ tôi bị điếc, cô ấy chả nghe thấy tôi nói gì mà toàn khiến tôi phải nhắc lại”.
Người bác sĩ trả lời: “Được rồi, bây giờ anh cứ về nhà. Tối nay đứng cách vợ 6 m và nói một điều gì đó. Nếu bà nhà không trả lời, đứng lại gần 2 m nữa và nhắc lại. Cứ tiếp tục như thế để xem mức độ ngễnh ngãng của bà ấy nặng đến mức nào”.
Người chồng trở về nhà và thực hiện đúng theo chỉ dẫn. Ông đứng cách vợ 6 m khi bà đang thái thịt trong bếp và hỏi: “Cưng à, tối nay mình ăn gì vậy?”. Ông không nghe thấy câu trả lời. Ông đứng gần lại 2 m nữa và hỏi lại. Vẫn không có câu trả lời. Ông đứng gần thêm 2 m. Vẫn chẳng thấy gì. Cuối cùng, ông tiến sát lại sau vợ và hỏi: “Em yêu, tối nay mình ăn gì?”. Cô vợ bực mình quát: “Đây là lần thứ 4 rồi nhá – thịt bò hầm!”.
Ai cũng biết điếc là khổ. Điếc là cách ly với thế giới bên ngoài. Điếc là khổ mình và phiền toái với người bên cạnh. Thế mà, cuộc đời vẫn còn đó những kẻ giả điếc làm ngơ. Họ cố tình bịt tai để khỏi nghe tiếng đồng loại kể cả tiếng Thiên Chúa. Họ giả điếc để sống theo ý mình. Họ cố tình gạt ra ngoài tiếng nói của lương tâm, của sự thật và chân lý. Họ bất chấp lề luật. Họ bỏ ngoài tai lời khuyên dạy của Thiên Chúa và tha nhân. Con người của kẻ giả điếc là tự tách mình ra khỏi cộng đồng xã hội để sống theo ý riêng.
Hôm nay, Chúa bảo “chiên Ta thì nghe tiếng Ta”. Chúa mời gọi chúng ta là con Chúa hãy sống theo giáo huấn của Chúa. Hãy bước đi theo đường lối của Ngài. Bước đi theo sự dẫn dắt của Ngài để được bảo vệ, chở che. Ngài sẽ bảo vệ chúng ta như mục tử bảo vệ đàn chiên khỏi sự tấn công của sói dữ. Ngài sẽ dẫn chúng ta đến đồng cỏ xanh tươi bên dòng suối mát là ân sủng của Ngài luôn đong đầy trên cuộc đời chúng ta. Bước đi theo Ngài thì sẽ không đói, không khát bao giờ.
Lời mời gọi: “chiên Ta thì nghe tiếng Ta” còn là tiếng mời gọi con người làm điều lành tránh điều dữ. Ngài tha thiết kêu mời con người sống trong tình bác ái yêu thương. Sự bác ái không chỉ dừng lại ở việc yêu người yêu mình mà còn yêu cả kẻ thù. Tình yêu thương không dừng lại việc không làm tổn thương đến ai mà còn biết giúp đỡ, chia sẻ với nhau trong vui buồn cuộc đời.
Hôm nay, ngày dành riêng để cầu nguyện cho ơn gọi làm linh mục và tu sĩ, chúng ta hãy xin cho giới trẻ hôm nay nghe được tiếng Chúa kêu mời giữa biết bao ồn ào của cuộc đời. Xin cho họ không chỉ lắng nghe được tiếng nói của sự thật, của chân lý giữa xã hội đầy lừa đảo bon chen mà còn dấn thân bước đi theo tiếng Chúa kêu mời. Chúng ta cũng xin Chúa cho những bậc làm cha, làm mẹ biết giáo dục và hướng dẫn con cái sống tinh thần tin mừng để cống hiến cho Giáo hội những mần giống ơn gọi tốt lành.
Nguyện xin Chúa Giêsu, mục tử nhân lành chúc lành cho hết thảy những ai đang khao khát dâng hiến cuộc đời để phục vụ cho lợi ích tha nhân và Nước Trời. Amen.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
SUY NIỆM 7: NGƯỜI MỤC TỬ
Người chăn dắt Israel, là một thuật ngữ quen dùng trong văn hoá người Do Thái, biểu tượng là người gìn giữ hoà bình, người của cõi thiêng mà đến.
Trong ngôn ngữ biểu tượng người chăn dắt là người đã từng trải bằng những kinh nghiệm của mình, người trực giác nhìn thấy phía trước, dự đoán được tương lai gần những điều sắp đến. Người chăn dẫn cũng là người biết canh chừng, theo chức năng đó người chăn dắt luôn trau dồi thêm những tình huống cảnh giác. Người chăn dắt có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho đoàn chiên của mình, anh ta là người biết nhìn trời, dự đoán qua trăng sao, tai lắng nghe và phân biệt được tiếng thú dữ và tiếng chiên lạc đàn thuộc bầy của minh. Chính anh ta là người không có chỗ dừng chân, không có một nơi gối đầu định cư, số phận anh ta tuỳ thuộc vào số phận của đoàn chiên. Đối với đoàn chiên, anh ta là đôi mắt là sự am hiểu thay cho đàn chiên, biết từng con chiên và bảo vệ từng con chiên trong đàn.
Sứ vụ của người chăn chiên đòi hỏi phải là người khôn ngoan, hiền hậu, có trái tim nhân từ thương cảm. Con chiên nào đau bệnh, anh chữa trị, con nào lạc lối, anh tìm đưa về, con nào bước đi yếu ớt, anh cõng trên vai. Những con chiên khoẻ mạnh anh ta vỗ về… Từ những hình ảnh nhân hậu đó, người chăn chiên còn là biểu tượng của sự bình an cho đàn chiên. Người ta muốn bắt chiên, trước hết phải giết hại người chủ chiên.
Theo truyền thống Do Thái Cain đại diện cho người theo văn hoá du mục, Abel đại diện cho nền văn hoá định cư. Người định cư rất quý mến người du mục, và thường ân cần tiếp đón họ. Theo khía cạnh nhìn của người định cư, người chăn chiên là người không thuộc về đất, người chăn chiên có một giá trị thiêng liêng và cao quý.
Nền văn minh Assyrie và Babylone, biểu tượng người chăn chiên gắn liền với ý nghĩa vũ trụ. Danh hiệu người chăn chiên được gán cho thần mặt trăng Tammuz, là người chăn dắt các tinh tú, vị thần của thực vật, chết đi và sống lại. Theo chu kỳ mặt trăng tuần tự sinh ra và rồi mất đi, cũng một chu kỳ liên tiếp được làm đi lập lại mỗi khi chiều về, buổi tối ập đến, người chăn cừu lại lùa đàn chiên vào nơi gìn giữ và sáng mai lại thả ra. Người chăn dắt trong đêm ngủ mê của đoàn chiên vẫn là người lắng nghe, người cầu nguyện cho sự an toàn của đàn chiên. Với hình ảnh đó, người chăn chiên là người trung gian giữa Đấng Tối Cao và thọ tạo.
Người mục tử hôm nay là những nhà lãnh đạo, những nhà doanh nghiệp, những vị lãnh đạo công ty, xí nghiệp. Với đôi mắt tinh tường nhìn về phía trước, dự báo được những gì trong tương lai, chuẩn bị cho những con người dưới quyền đủ khả năng chống đỡ vượt qua thử thách. Những nhà lãnh đạo biết lo cho những người thuộc quyền cũng như cho dân được ấm no hạnh phúc. Bình an của đàn chiên là niềm vui cho người mục tử. Nhà lãnh đạo không những chỉ sáng suốt mà còn là người chăm lo hạnh phúc cho đàn chiên, là người quy tụ chứ không phải để gây chia rẽ chống đối, là người vì đàn chiên của mình mà hy sinh hạnh phúc cá nhân chứ không phải là người chỉ biết xen lông, giết thịt những con chiên béo, thu lợi nhuận từ đàn chiên để làm giàu cho cá nhân người mục tử. Người mục tử có những đức tính cần thiết và cần có cả đời sống cầu nguyện, vì người mục tử là người nối trời với đất, người lãnh trách nhiệm tinh thần cho đàn chiên của mình, vừa thăng hoa đời sống bằng vật chất vừa làm no thoả đời sống tinh thần cho đoàn chiên, bảo đảm cho đoàn chiên một tương lai chắc chắn. Người mục tử nếu là người không tín ngưỡng, không niềm tin tôn giáo là nhưng nhà lãnh đạo thiếu sót trong bổn phận của mình và có thể làm thiệt hại cho đoàn chiên.
Người mục tử cũng là các gia trưởng trong gia đình, người quy tụ đoàn con của mình chứ không là người gây chia rẽ. Người đảm bảo cho mọi thành viên trong gia đình có những nhu cầu thiết yếu để ăn học và trưởng thành về các đức tính cũng như niềm tin. Nhiệm vụ người gia trưởng xem ra khá nặng nề, chính vì vậy, họ cũng cần có đời sống cấu nguyện để được thêm sức mạnh gánh vác việc đời và gia đình. Các thành viên trong gia đình là những gì Thiên Chúa trao cho để thi hành sứ mạng hướng dẫn của người mục tử.
Người mục tử là những người cai quản các cộng đoàn cần gắn bó với vị mục tử nhân lành là Chúa Giêsu, bởi vì sứ vụ lãnh nhận từ nơi Chúa Giêsu. Cộng đoàn được trao phó để người mục tử hướng cộng đoàn đó thực thi ý định yêu thương của Thiên Chúa. Người mục tử này đóng vai trò quan trọng để xây dựng cộng đoàn mình lãnh nhận được hiệp nhất, nơi chia sẻ tình thương, sống trong bác ái và làm chứng về Tin Mừng Phục Sinh.
Xin ban cho chúng con những người mục tử như Ý Chúa.
Lm. Jos. Hoàng Kim Toan