CARITAS PHAN THIẾT – ĐỒNG HÀNH CÙNG NHÀ NÔNG

Thứ năm - 19/12/2019 07:29
CARITAS PHAN THIẾT – ĐỒNG HÀNH CÙNG NHÀ NÔNG


hình ảnh


“ Phát triển tự dân” (PLD) là một dự án đặc biệt dành cho người đồng bào dân tộc thiểu số, hầu giúp người dân tự phát triển về mọi mặt của đời sống: Kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục. Giáo Phận Phan Thiết đã được sự hỗ trợ của Misereor- một tổ chức phi chính phủ (NGO) của Đức. Hiện nay, dự án này đã thực hiện tại ba thôn: thôn Suối Máu – Xã Tân Hà, Thôn Tân Quang – Xã Sông Phan, Huyện Hàm Tân và thôn Bon Thóp - Xã Phan Sơn, Huyện Bắc Bình. Người dân ba thôn này chủ yếu là người dân tộc K’Ho, Gia Rai, họ sống bằng nghề nông, chăn nuôi hộ gia đình.
Ngày 17-18/12/2019, ban Caritas Giáo Phận Phan Thiết đã tổ chức một chuyến thăm cộng đồng “ Đồng hành cùng nhà nông” tại hai thôn: Tân Quang và Suối Máu. Nhằm mục đích để bà con nông dân thuộc ba thôn cùng học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời khám phá những điều mới lạ nơi vùng đất của“ người anh em”.

Cùng tháp tùng trong chuyến đi có sự đồng hành của Chị Đinh Hồng Phúc và Chị Song Tứ - thuộc Caritas Đà Lạt, Quý Sơ ban Caritas Phan Thiết và 15 nông dân thuộc ba thôn.

Nội dung của chuyến thăm cộng đồng gồm: Đi thực tế cộng đồng, thăm rẫy, ruộng của một số bà con đang tham gia dự án; thảo luận nhóm, trả lời câu hỏi. Đồng thời nhận ra được những vấn đề nóng bỏng mà người dân đang thao thức, băn khoăn, hầu tìm ra biện pháp và hướng giải quyết giúp người nông dân bền vững hơn về kinh tế theo hướng thuận tự  nhiên và cải thiện bữa cơm gia đình.

Ngày đầu tiên, đoàn chia ra thành hai nhóm đi thăm rẫy của nhà chị Phượng và Anh Dũng - người dân Sông Phan. Rẫy nhà chị Phượng trồng mít thái và bưởi. Khi đến thăm, chị đã chia sẻ kinh nghiệm để cây mít có thể cho ra trái nhiều hơn mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho cây, chị cũng chia sẻ những thất bại khi trồng bưởi, bởi đất của chị là đất sỏi, nó không giữ được nước làm cho múi bưởi khô, trái nhỏ, lá quăn. Đến thăm rẫy nhà anh Dũng, hiện tại anh đang trồng thanh long để cỏ”, có thể nói anh đang áp dụng mô hình “vòng tuần hoàn dinh dưỡng”- “để cỏ dưới góc thanh long để tạo ra nhiều vi sinh vật giúp đất tơi xốp, giữ độ ẩm cho đất- cỏ có thể làm thức ăn cho bò- phân bò dùng để bón lại cho cây”. Tuy nhiên, anh vẫn thao thức “ ước gì có nhà đầu tư nào mua thanh long không cần vuốt tai (tai thanh long), thì thanh long của anh hoàn toàn hữu cơ, đừng chỉ quan tâm đến vẻ đẹp bên ngoài mà quên mất chất lượng bên trong”. Thế nhưng mơ ước vẫn đang là mơ ước.

Sau buổi cơm trưa, mọi người cùng nhau đi thăm rẫy nhà chị Xuân-nông dân Sông Phan, rẫy của chị chủ yếu là thanh long, và mì. Vợ chồng anh chị cũng đang áp dụng làm “Thanh long để cỏ”. Tại mảnh đất này, Quý Chị Caritas Đà Lạt đã chia sẻ và thí nghiệm cho dân biết về độ ẩm của đất và cách để đất tơi xốp, nhiều mùn, nhiều vi sinh vật bằng nước và Oxy già. Kết quả cho thấy, đất ít dùng phân thuốc hóa học và để cỏ thì giữ nước được lâu hơn, độ tơi xốp cao hơn so với đất đã dùng nhiều thuốc hóa học, và không để cỏ. Thí nghiệm này có thể giúp bà con bớt đi phân thuốc hóa học trong trồng trọt và thay thế bằng phân hữu cơ, đừng diệt cỏ, vì cỏ vừa tốt cho đất, giúp giữ nước cho cây trồng và cũng là một loại phân hữu cơ. Suy nghĩ được như vậy người dân sẽ giảm bớt được chi phí đầu tư ban đầu. Mọi người cũng được mời gọi trả lời câu hỏi: “Phân và thuốc hóa học có là giải pháp tốt nhất trong nông nghiệp?”. Câu hỏi đã tác động rất nhiều trên người nông dân, tự thâm tâm họ vẫn mong tạo ra được những sản phẩm tốt, hữu cơ hoàn toàn, vẫn biết dùng phân thuốc hóa học có hại cho sức khỏe, môi trường, nhưng cũng chỉ vì kinh tế mà họ phải sử dụng thuốc hóa học. Thế nhưng, từ khi tham gia dự án, nhóm nông dân này đã hạn chế hơn trong việc sử dụng phân thuốc hóa học bón cho cây trồng, họ khoanh vùng và dùng thử phân hữu cơ để khám phá ra sự khác biệt của hai mảnh đất sau một thời gian. Nhưng điều họ nhận thấy trước mắt đó là: Họ tự tin để ăn sản phẩm của mình trên mảnh đất ấy.

Sang ngày thứ hai (18/12/2019), nhóm di chuyển qua thôn Suối Máu. Ở đây, người dân đa số trồng mì cao sản, bạch đàn, nhưng vì đất mới khai thác nên cho năng suất cao. Tuy nhiên, họ vẫn phụ thuộc vào phân thuốc hóa học, họ trồng độc canh một loại cây trồng nhiều năm liền, cũng vì thế mà số lượng phân thuốc hóa học phải tăng lên theo từng năm. Đến thăm nhà bà Nguyễn Thị Hiệp- nông dân Suối Máu, bà áp dụng trồng xen canh nhiều loại cây trồng: trồng đậu đen, đậu xanh xen giữa cây điều, trồng cây sả, cây gia vị, khoai mỡ… chăn nuôi gà. Chính vì áp dụng mô hình này mà kinh tế gia đình bà khá ổn định, bà cũng đang dần cải thiện mảnh đất của mình bằng việc sử dụng phân Compost và nói không với phân thuốc hóa học.

Buổi chiều, mọi người cùng nhau thảo luận ba vấn đề mà mọi người đang quan tâm nhất đó là: cách trồng rau sạch cải thiện bữa cơm gia đình, đa dạng sinh kế (trồng đa canh, đa con), giảm đầu tư tăng thu nhập. Và hai chị Caritas Đà Lạt đã giúp người dân tìm ra được một số hướng giải quyết và khắc phục.

Chương trình kết thúc bằng việc mọi người chia sẻ cảm nghiệm và những bài học mình đã học được trong hai ngày qua. Người nông dân cảm thấy vui và phấn khởi vì được đi giao lưu học hỏi để có thể áp dụng trong mảnh đất của mình, biết cách thiết kế vườn một cách khôn ngoan hầu cuộc sống ổn định hơn.

Chúng tôi - Caritas Phan Thiết đã đồng hành với người dân hai ngày qua, cùng ăn, cùng uống và sinh hoạt với họ, để có thể lắng nghe được những mong ước, những hoàn cảnh, hầu có thể chung một thao thức với những người dân vùng sâu vùng xa,  giúp họ có một cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc và bền vững hơn. Cám ơn sự quan tâm của nhà tài trợ Misereor, các mạnh thường quân cũng như những ai đã góp phần lớn nhỏ, để người đồng bào dân tộc thiểu số có một đời sống văn minh hơn. Vì tất cả chúng ta đều là anh em với nhau.

BTT Caritas Phan Thiết


 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây